Xứ Quảng

434

Xứ Quảng

Xứ Quảng!

          Một vùng đất rộng, chạy dài từ đèo Hải Vân phía bắc, giáp với núi Phong phía Nam. Đây là miền đất đầu cầu nơi làm bàn đạp xuất phát vào Nam. Quảng Nam, Đà Nẵng có bờ biển chạy dài hơn 150 km, trong đó có một số vịnh, vũng quan trọng như Vũng Thùng, Vũng An Hòa. Xứ  Quảng lại cũng có nhiều con sông lớn, khí hậu tương đối ôn hòa, ít khi đón nhận gió nam Lào khắc nghiệt . Đồng bằng Quảng Nam, Đà Nắng không liền dải mà bị núi đồi cắt xén, dọc bờ biển là cồn cát trải dài, rộng mênh mông. Ngay trong đồng bằng cũng nổi lên đồi khô trọc với thung lũng và bồn địa. Mặc dầu thiên nhiên có thuận lợi, song trong chừng mực cũng phải kể đến gần như là nơi   “sơn lam chướng khí”[1]. Địa hình  hiểm trở như Trà My, bến Giằng với Hòn Kẽm, Đá Dừng, Đèo Le, dốc Giảm Thọ…Tuy thế, phía biển có Ngũ Hành  Sơn là nơi bể ăn sâu vào đất liền tạo nên bến đậu cho tàu bè chạy dài đến bán đảo Sơn Chà. Ngoài khơi còn có quần đảo Hoàng Sa.

          Một vùng quê với những địa danh có tên gọi giản đơn, mộc mạc như ta-con người xứ Quảng-Gò Phật ngồi, sông Tiên, Giếng Trụ trời, Ngọc Khô, Trường Xuân, Ngọc Thọ, Tý, Sé, Dùi Chiêng, Da Dù, Miếu Một, Gành, Truông, Đèo…một thời đã đi vào những câu ca quen thuộc của dân mình.  Đến nay những địa danh xứ sở ấy vẫn là điều bất biến.

          Vùng đất đẹp và nên thơ như vậy là cả một quá trình lao động không ngừng để sáng tạo nên từ khi những bước chân đi rầm rập vào Nam. Hồi ấy người Quảng thấy lạ. Lạ cảnh. Lạ người. Song ý chí tiến công xây dựng vùng đất mới mong tạo dựng cơ ngơi cho con cháu mai sau thúc đẩy không ngừng. Vì thế không kể ngày đêm khó khăn gian khổ, người xứ Quảng hòa vào thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm điểm tựa sinh sôi nẩy nở. Không dễ dàng tồn tại trên vùng đất gian nan nầy, nơi trước kia người Chăm rút dần vào Nam, nếu chẳng bình tĩnh nhìn lại một gia tài mà về phong thổ không lấy gì sung mãn lắm. Rồi cũng từ ngày ấy dân ta phải sống cuộc đời lam lũ, tháng ngày sống cùng củ khoai, củ sắn “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm là chuyện thường”. Dù không phải khô kiệt với  gió nam phơn, song cũng phải kể đến mùa khô hạn, những cánh đồng tốt tươi vụ xuân lập tức biến thành sân chim, nứt nẻ khô kiệt nước. Từ đấy cũng có hội lễ ra đi từ đồng khô nắng gắt, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân ta. Ta ở vào vùng khí hậu gió mùa, có ẩm, dễ sinh bệt tầy cho con vật nuôi nên xứ Quảng không phát triển được chăn nuôi mà nghiêng về trồng trọt bởi thế ta lại thích ăn rau. Từ đấy mà tục lệ từ ruộng rẫy ra đời đi liền với lao động sản xuất. Nông nghiệp tự  gắn liền nhiều đời nên đô thị, thị xã của ta không phát triển mấy, cứ phải nặng về văn hóa làng xã tự cung tự cấp có cả công, nông, thương tại làng xã nên đô thị không cần. Làng ở xứ ta vẫn phải dựa vào sông là chủ yếu. Làm thủy lợi đến đâu là lập làng đến đấy và ổn định dần. Những cánh đồng Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc có trù phú nhờ phù sa của các con sông lớn, dâu bát ngát, lúa nặng trĩu bông vàng. Nhà Nho Dương Văn An trong Ô Châu cận lục viết về vùng màu mở nầy: “Đất liền phương Nam, cõi giáp Châu Ô, nhân dân làm giàu bằng thóc, nhà nông đạp lúa bằng trâu. Đường bộ thì có xe, đường thủy thì sẵn thuyền (…). Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu. Người sang kẻ hèn bát đũa kẻ rồng phượng, kẻ hơn người kém, sống áo toàn màu đỏ, màu hồng. Phong tục Điện Bàn đại loại như thế.” [2]

          Chính vì một vùng quê hương mà con người đã gắn liền với thiên nhiên đa dạng, có khi áp đảo song không khuất phục được người mới thấy hết khả năng lớn lao của người Quảng. Đi đâu trên đất Quảng ta vẫn thấy tư chất giống nhau, vẫn phong cách “ăn cục nói hồn”, vẫn “Quảng Nam hay cãi” là phổ biến. Tâm tư, suy nghĩ của người dân xứ Quảng thường gởi vào hương vị bát nước chè xanh Tiên Phước, Phú Thượng, Đức Phú; mì Quảng Túy Loan; trái lòn bon Đại Lộc; bánh tráng dập Cẩm Lệ; mùi khoai lang bùi Trà đõa với điếu thuốc lá Cẩm Lệ lừng danh cả nước một thời…Tư duy cải tạo thiên nhiên từ đó  hằn sâu  trong nếp nghĩ con người đất Quảng. Đêm đêm  người dân mình thỏa mái với giọng hò man mác trên dòng sông yên ả của quê hương, hoặc những đêm hò khoan đối đáp gởi gắm tâm tình. Có thể nói, bằng máu xương  của mình, những người đi trước đã để lại một giang sơn hùng vĩ cho thế hệ mai sau suy gẫm mà tiếp tục  truyền thống ấy. Ta đang chuẩn bị  xây dựng quê hương từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phong tục cùng với thổ nghi ấy là những yếu tố không nhỏ phác họa chân dung con người xứ Quảng một cách chân thật-lịch sử, phản ánh tinh thần, vật chất của dân mình.

Vũng Thùng, Đà Nẵng (Ảnh: VTDH)

          Xưa kia cuộc sống vật chất có khó khăn do phong kiến bảo thủ, ruộng đất bị thu thuế nặng kể cả thuế thân mỗi năm mất 2 quan tiền[3]kèm theo tre, gỗ, muối, gạo, tùy theo thổ sản. Thuốc lá Cẩm Lệ lừng danh và trái lệ chi nổi tiếng đã một thời dùng làm lễ cống nạp cho triều đình Nguyễn. Vì thế đấu tranh để sống còn là một mặt tất yếu thường trực trong mỗi người dân xứ Quảng. Điều kiện thực tiễn là thế nên nghị lực  của con người cũng thể hiện ít nhiều trong đời sống tinh thần mà thể hiện qua phong tục tập quán tốt được truyền lại xưa nay.

          Cơ sở thực tiễn của vùng đất Quảng đã quy định nếp văn hóa cho con người ở đây.Lý giải các hiện tượng tự nhiên: mưa, gió, bão, lụt lội, hạn hán, mất mùa…đều lấy tư cách các vị thần để minh họa. Tin vào thần linh với chức năng bao quát, quán xuyến của “họ” về thiên nhiên, con người.Chính đó tạo nên tư tưởng có thần và thờ thần, mong thần giúp đỡ. Và đồng thời tin vào tổ tiên ông bà sẽ dìu dắt con cháu tiếp tục sống còn.Niềm tin vào tiên tổ là yếu tố tinh thần then chốt quyết định để duy trì các nền nếp phong tục, tập quán, vì vậy trong một số phong tục tồn tại ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều có thành tố thần quyền chi phối.

          Đây cũng là lẽ đương nhiên tồn tại của tôn giáo địa phương được người dân mang theo trong trí của mình từ Đại Việt vào hồi thế kỷ thứ 15 đến miền đất mới,yếu tố nầy trở thành niềm tin cậy trong suốt thời gian đầu thử thách.

          Xét một số lệ riêng lẻ, ta thấy có ảnh hưởng của tư tưởng ngoại lai là sâu sắc, song về bản chất người Quảng không vay mượn nguyên mẫu của những yếu tố ngoại lai ấy. Cứ lấy đạo Phạt và đạo Thiên chúa thì rõ, người Quảng tiếp thu hai giáo phái ấy một cách hờ hững không nhập tâm được lâu dài. Phật giáo bị đẩy lui nhiều đợt, tư tưởng Phật giáo muốn tồn tại phải hóa thân nhiều lần cho phù hợp với tư duy người Quảng. Còn đạo Thiên chúa vào lũy tre làng không phải dễ, rất gay. Những làng quê yên ả đã có cây đa giếng nước, lũy tre ổn định thì đạo Thiên chúa khó lòng xâm nhập vào được làng.Do, ở làng hình thức công xã nguyên thủy, một chừng mức nhất định đang còn tác dụng. Hơn thế với quan niệm của người xứ Quảng, các thần linh, trời là lực lượng siêu nhiên có quyền uy cao nhất và đồng thời tiên tổ ông bà là lực lượng thân thiết đang ngày đêm theo dõi và hằng giúp đỡ cháu con đang trên đường tồn tại và xây dựng.Thiên chúa giáo không vào được làng là vì vậy. Chỉ những làng mới thành lập mới có cơ hội tiếp thu song không hẳn là đã phủ nhận nếp sống tinh thần xưa của người dân Quảng. Gần đây đạo Thiên chúa nghiên cứu nếp sống tinh thần của người dân Việt nên đã đồng ý cho tín đồ của họ thắp nhang để thờ kính ông bà tiên tổ. Đây cũng là một trong nhưng hình thức thích nghi để tồn tại.

Bãi biển An Bàng, Hội An (Internet)

          Riêng về Nho và Đạo giáo ảnh hưởng có sâu hơn vào làng, biểu hiện qua một số phong tục. Tư tưởng Đạo giáo tồn tại cùng với các thầy điệu nên cũng không là hiện tượng phổ biến, chỉ khi gay cấn, khi “tối mắt tắt đèn” người ta mới tìm đến như là hy vọng cuối cùng mà thôi, nên Đạo giáo không phải là cứu cánh trong những trường hợp hên, xui trong cuộc sống.Thành ra Đạo giáo mang theo vào đất Quảng tuy có sâu song cũng là yếu tố ngoại lại bị người dân quy thành những thủ thuật của pháp sư, phù thủy, thầy bói, coi giò…như là một biệt loại không tác dụng thường trực trong đời sống tinh thần và dần dần bị loại ra ngoài bảng giá trị tinh thần truyền thống. Giữ được như thế do người Quảng vốn đã có tinh thần trọng bản ngay trong nếp nghĩ của mình. Do đó tìm hiểu tục lệ vùng Quảng Nam – Đà Nẵng là tìm những cốt lõi tinh thần truyền thống quý giá có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người. Tìm hiểu theo cách “ôn cố tri tân” là nhằm biết ta là ai, đang làm gì từ nay đến năm 2000 và xa hơn thế sẽ có một nếp sống tinh thần ra sao ở khu vực miền Trung nầy của đất nước. Bởi vậy, lúc nầy ta đặt ra một số tiêu chí ” chống tính chất lạc hậu, hủ bại phong kiến còn rớt lại rất nhiều trong văn hóa…phản đối mê tín quàng xiên, chống tư tưởng duy tâm, thần bí, chống tất cả những lề thói lôi thôi, luộm thuộm không hợp lý hoặc phản tiến bộ”[4]. Lúc nầy là cần thiết làm cho văn hóa của ta trong trẻo hơn, phù hợp với tư tưởng thời đại.

          Làm công việc tìm hiểu ta là ai không phải là chỉ ghi chép lại những tục, lệ xưa để biết mà chính từ việc biết được tục xưa mà thực hiện việc nay được dễ dàng. Bởi vì từ 1471 đến nay, tập tục ở vùng đất Quảng hình thành và phát triển, củng cố, ổn định tất nhiên phải dựa trên cơ sở triết lý của người dân, có thế phong tục mới đứng vững và tồn tại. Biết phong tục cũ mới đồng thời vận dụng chủ nghĩa Marx – Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc giải thích các thành tố huyền bí, siêu hình, thần quyền ẩn trong phong tục và xây dựng mới phong tục trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tập tục cũ cho phù hợp với đời sống tinh thần của người dân hiện nay. Sau hơn năm thế kỷ, ta vẫn giữ được ta, tiếng nói của ta, những ký ức thông qua hệ thống thần thoại, cổ tích, về một thời kỳ lịch sử; điều đó chứng tỏ rằng ta vẫn là ta – người dân xứ Quảng – đang vươn lên giao lưu và chọn lọc, giữ giùm và phát huy để khẳng định mình mãi mãi vẫn là người Quảng – văn hóa Quảng. (2/1998).

Bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng (Internet)

 

* Ảnh đại diện: Võ Thị Diệu Hạnh.

[1] Nguyễn Q. Thắng, Phan Chu Trinh, cuộc đời và sự nghiệp, NXB. TP. HCM

[2] Theo: Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch (1961).  Sài Gòn.

[3]   Theo Việt Nam sử lược – Trần Trong Kim .

Ruộng công: nhất đẳng 40 thăng/ mẫu

nhì đẳng  30     –

tam đẳng 20     –

Ruộng hè thu và đất khô: 3 tiền/ mẫu, 1 tiền cho dưới 1 mẫu.

 

[4] Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh (1975), Về văn hóa văn nghệ, NXB. Tiền Phong tái bản, Sài Gòn.