Vừa đi vừa chép

575

Vừa đi vừa chép

An Khê, ngày…tháng…năm 20…

            Đêm nằm nghe tiếng trống, cồng chiêng âm vang từ lưng chừng núi vọng về thành phố mà lòng háo hức một điều gì đấy. Chắc là người Xơ đăng cúng giàng. Các lễ hội, tập tục của các dân tộc [1] Tây Nguyên phong phú, đa dạng, trong đó văn hóa sử thi là đỉnh cao, sử thi Đam San của người Ê đê, trường ca Kơ ho của người K’ho… rồi văn hoá cồng chiêng (gong culture), văn hoá nhà rông. [2] Tây Nguyên với địa hình núi đồi trùng điệp nhưng lại đầy vẻ duyên dáng hữu tình như những chàng trai cô gái của xứ sở ba zan mà đã một lần đến là muốn quay trở lại tắm mình trong rực rỡ sắc màu lãng mạn của Tây Nguyên; muốn hoà mình vào lễ hội của các dân tộc Ê đê, Ba Na, M’Nong; muốn trở lại Biển Hồ lai láng và huyền thoại. Đến chủng viện Thừa sai, nơi trưng bày hiện vật nghệ thuật của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên, thăm nhà thờ gỗ lớn nhất miền sơn cước, kiến thiết toàn bằng gỗ cà chít chịu được nắng mưa của núi rừng đã đứng vững trên một trăm năm nay vẫn còn toát lên vẻ đẹp quyến rũ lạ lùng. Hôm chúng tôi qua Kon Tum giòng sông Dakbla đã khô cạn, bình  minh trên sông không lấp lánh ánh vàng nhưng còn hình dung ra được sắc nắng như vàng rải trên đồi đổ xuống long lanh trong màn sương trắng.

             Người Ê đê, Ba Na, Tày, Nùng, Kinh, Sê đăng, M’Nong sát cánh bên nhau dựng nên buôn, bản thành mái ấm đẹp giàu, làm đẹp thêm giữa núi rừng bạt ngàn xanh thẫm của Tây Nguyên.

            Có chừng đã sau hai mươi mốt năm rồi, tôi mới tìm được dịp về lại Tây Nguyên một chuyến. Cơn gió lạnh từ núi rừng An Khê tạt vào cửa sổ xe, tôi giật mình phóng tần mắt ra ngoài, chiếc xe nhẹ nhàng trườn mình lên dốc. Xe lượn phải, mở ra một khoảng trời rộng lớn sau dãy núi Mang Giang. Có ai nói: Ừ! Tây Nguyên đây rồi. Bầu trời Tây Nguyên nặng nước, mùa này-tháng tám-chiều nào cũng có mưa rừng đổ về, hạt mưa nhỏ giọt triền miên. Trước mắt một không gian của Trường Sơn xanh mượt một màu tươi trẻ. Lại có ai trong xe buộc miệng:

            – Chà, Tây Nguyên đẹp thế, quả là Tây Nguyên xanh mà!.

            Vâng, chúng tôi đang đi trên tấm ngực trần sơn cước, mong manh, rộng mở lãng mạng cả núi rừng. Gió tạt vào người hơi mát. Trên mặt bazan đất đỏ chạy một đường kẽ tạo nên đường diềm cho chân núi. Xuống khỏi đèo Mang Giang, chúng tôi rẽ phải xuyên rừng sáu nươi cây số đến ngã ba Trà Quỳnh.

Nhà thờ Kontum (Ảnh: VVH)

            Dọc theo đường đất đỏ Bazan, gặp những trẻ em Sê đăng gùi trên lưng măng rừng nặng trĩu. Những bà mẹ còng lưng gùi nỗi đời trên vai bỏng rát: Ở đây chỉ có núi và mưa rừng/ Cỏ vẫn xanh một màu xanh bất tử/ Tôi về lại Tây Nguyên/ Sau hai mươi mốt năm/ Những tháng ngày lăn lóc với rừng xanh,…

            Về với Tây Nguyên cùng tôi bữa ấy, em lại cõng mặt trời trên ngực. Ngang qua tầm mắt tôi nhìn, những đứa trẻ lớn lên trên cao nguyên chập chùng đồi núi, vẫn thế, vẫn từ nương rẫy về nhà như hai mươi mốt năm qua tôi đã qua đây là không biến đổi. Sông Dakbla chảy ngang Thị xã Kon Tum đã cạn dòng trong mùa hè khô kiệt. Nay mưa lại về, đã gần cuối mùa bắp ở KonTum rồi còn gì !

            Tại Trà Quỳnh, trời mát dịu hẳn lên, tôi tỉnh người nhìn xa về núi phía tây. Sương khói lại về, hoàng hôn xuống từ đỉnh Trường Sơn lồng lộng.

            Mấy người bạn cùng đi trên đường, thốt lên: Đêm Kon Tum, lại đi trên tấm ngực trần sơn cước, mưa vỗ vào mái tóc xôn xao. Tôi nghe thấm ướt tràn về lạnh hai vai. Bảy anh em chúng tôi: Nghĩa Khiêm Sang Hải Lan Huyền ghé vào một quán nước bên đường tìm chỗ trú mưa. Những trái bắp nướng bán dạo bên đường phố thơm lừng đất đỏ Kon Tum làm ấm lòng người khách lạ. Tôi nghe ngọt trên đầu lưỡi hương vị bazan. Đêm nay, ngày…tháng…năm 20… không phải say rượu Bắc phương như có lần thưởng thức rượu Nước Cẩm Hòa Bình tại Sông Đà mà chắc say hương vị rượu cần của Sê Đăng, Raglai chăng! Bước đi trong bóng đêm, dưới ánh đèn điện mờ ảo của Kon Tum ngang qua bùng binh, trời vẫn cứ mưa loang loáng xiên ngang. Em bảo: Đêm nay mới thật là đêm bập bùng rừng núi Tây Nguyên cho bỏ những ngày phố xá đông người, tìm về nơi đây để nghe lại tiếng súng rền vang, tiến về Sài Gòn giải phóng trong  ký ức Kon Tum. Tôi ừ !

            Đi dưới trời mưa nhè nhẹ, KonTum im lặng ngọt ngào, không có “Em Kon Tum má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên tóc em ướt và mắt em ướt” mà chỉ là một Kon Tum vạm vỡ, sạch trơn thơm mùi bazan núi rừng Trường Sơn mưa bụi.

          Một đêm nhớ mãi, hát bài tình ca với đồng đội trong quán nhỏ “Khói Mây” quyến rũ: Phố núi mù sương/ Hạt mưa níu trời đất lại/ Tôi níu tình tôi/ Trên Tây Nguyên hai mươi năm/ Cồng chiêng và điệu dăm hia [3]/ Lay động núi rừng. Băng qua một xóm nhà, tiếng bà mẹ trẻ Ba Na nhà ai ru con thánh thót, xiên ngang những giọt mưa: Đừng khóc em nhé, thương em cưng của chị/ Nín đi em, mẹ đang xe chỉ dệt vải/ Mẹ dệt cho chị em ta, mẹ muốn có ích cho gia đình/ Nín đi em, chúng ta có khăn áo mới/ Mẹ ơi em khóc, mẹ hãy cho em xinh xinh bú đi/ Mẹ thấy em nhìn, mẹ tưởng mẹ bồng cho em bú/ Nín đi em, hãy ngủ đi em, em cưng/ Mẹ lo lắng, mẹ buồn vì em khóc nhiều/ Mẹ ơi em xinh xinh, em đã nín vì em yêu mẹ/ Nín nín, hãy ngủ đi em, em cưng, em thương của chị [4]

            Ở ngã ba Đông Dương lúc trời đang trưa, ngày trước nơi đây những người đi kháng chiến bảo rằng: một tiếng gà rừng gáy đánh thức cả ba nước Đông Dương. Ngày này, chúng tôi đặt chân lên ngã ba biên giới. Đứng từ cửa khẩu nhìn sang bên Lào, rừng nguyên sinh dày rậm và xanh rờn, cỏ lau và cỏ tranh chen nhau mọc tua tủa, những chiếc lá tranh như những lưỡi gươm đưa lên trời. Rừng tiếp rừng. Đẹp thế.

            Trời hanh nắng. Nắng tạt vào sườn đông Trường sơn gây ấn tượng một bức tranh hoành tráng của thiên nhiên. Đây là biên giới Việt nam-Campuchia-Lào, nơi trong sách vở, trong những trang văn học, trong những câu chuyện kể thời kháng chiến thường nhắc đến như một biểu tượng của tình đoàn kết, sự chiến đấu chống kẻ thù chung. Vậy là sau hai mươi mốt năm, bữa nay được dịp: Về biên giới cùng em/ Đến ngã ba Đông Dương/ Nơi chia nhau ngọn gió/ Chia đều mỗi buồn vui/ Ở vùng xa biên giới/ Người Xê Đăng lặng lẽ/ Địu trên lưng măng rừng [5]/ Đi về từ Ngock linh/ Chiều biên giới tây nam/ Em tròn hai con mắt/ Nơi chim rừng gọi bạn/ Xôn xao cánh rừng hoa/ Làng Kon cheo [6] ngày ấy/ Bây giờ rộng thênh thênh.

            Nói văn hoá là nói thiên nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra, trong đó bao gồm hai phần văn hoá bác học và Folklore. Các dân tộc anh em sống trên 3/4 diện tích cả nước, chủ yếu là trung du và miền núi, trải từ vùng núi Đông bắc, Tây bắc, dọc theo dãy Trường sơn, kéo dài vào vùng đồng bằng Đồng Tháp Mười. Tây Nguyên hùng tráng và phong phú về văn hoá, liệu có thể tìm hiểu được bao điều trong một chuyến đi ngắn hạn.

            Đông Nam Á là địa bàn cư trú của tộc người nói tiếng trong nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, trong đó có Việt Nam. Cách đây 2000 đến 2500 năm (theo ức đoán của các nhà ngôn ngữ học, dân tộc học) các tộc người nói tiếng Malayo từ biển tràn vào mang theo ngữ hệ Indonesia và rồi từ đó Việt Nam ảnh hưởng ngữ hệ này, chủ yếu là dọc theo Trường sơn và Nam bộ là nơi cư trú của nhiều tộc người theo ngữ hệ Môn Khơme và Malayo. Đến Tây Nguyên là đến với vùng đất, địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người có ngữ hệ Mon Khơ me và Malayo. Đây là ngữ hệ cổ xưa của Đông Nam Á. Các dân tộc Tây Nguyên còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các sinh hoạt văn hoá cổ truyền của họ.

Buôn Ma Thuột ngày…tháng…năm 20…

            Trời nắng gay gắt, không một đám mây qua đây. Chúng tôi ăn cơm trưa phía trên trường Đại học Tây Nguyên một đoạn – đường lên Gia Nghĩa – một bữa cơm bụi Tây Nguyên – Ban Mê. Bụi mù trời. Buồn muôn thuở. Bánh mì thịt…là những “tên gọi” khác của Ban Mê Thuột mà trước 1975 người ta thường nhắc đến.

            Chủ quán là người mê lan rừng Tây Nguyên. Ông ta luận giải và kể chuyện lan rừng Việt Nam ở Tây Nguyên. Tôi tò mò chen vào:

            – Lan nhiều thế, loại nào đẹp nhất hả anh ?

            Ông nhếch miệng  cười, không buồn rầu, không vui, vẻ tư lự rành rọt:

            – Lan rừng Việt Nam mang vẻ đẹp hoang dã mà kiêu sa. Tôi nói vậy ra gán cho các loài hoa vẻ lãng mạng phải không. Nhưng mà thật đấy, nó mang vẻ kiêu sa như một cô con gái vừa đẹp vừa giàu. Nữ hoàng đấy ông anh à.

            Rồi anh tiếp:

            – Xe anh mang số 43, anh từ Đà Nẵng lên phải không ?

            Tôi bảo phải.

            – Thế thì anh không rành lan rừng Buôn Mê bằng tôi đâu. Này nha, nó có nhiều họ, nhiều loài, chi, nhưng tựu trung có thể xem là “công chúa” trong các loài hoa. Đẹp thế nên nó quý hiếm. Chẳng thế người chơi hoa Buôn Ma thuột, Gia Lai, Kon Tum, cả ở Lâm Đồng – Đà Lạt, thi thoảng lên rừng sưu tầm về chơi hoặc đưa xuống chợ buôn bán. Lan rừng vì thế mà hiếm. Nó bỏ rừng về phố hết trơn.

            Đến mùa hoa là mỗi sáng dân sưu tầm lan rừng vác cưa đục, búa, dây chạt rạch lối trong sương mai vào rừng. Sương còn đọng trên những tán rừng, bảng lảng những làn khói mỏng. Một ngày bắt đầu ở Tây Nguyên như thế. Mà phải kể, người bản địa là lực lượng khai thác lan nhiều nhất, họ thuộc địa bàn, thông thạo đường đi và khu vực phân bố lan rừng nên việc lấy lan trên rừng đối với họ không khó. Họ đi nhiều ngày thu hái lan, do thế mà nguồn lan mất dần. Họ lại vào sâu trong rừng trèo lên sườn Ngock Linh, Thạch Nham, Dak Sao (ở Kontum) Hoặc khu rừng Êa Súp, Êa H’Leo, Krông Bông (Dăk Lak) để lấy.

Đưởng vào Buôn (Ảnh: S.t)

            Anh chủ quán chỉ tay về phía sau nhà, tỉnh ráo, tiếp lời:

            – Tôi kiếm được ở rừng Konplong mấy chục giò lan đấy.

            Tôi ngạc nhiên hỏi anh:

            – Khai thác à ?

            – Ồ không. Tôi mà làm chi được trên rừng. Của mua đấy ông anh ạ. Có cả mấy chục giò, này nha: Thuỷ tiên, Ngọc điểm, Đuôi cáo, Long tu…Dân buôn đi lấy, họ băng rừng cắt đường đi đến gần Quảng Ngãi ra Quảng Nam chứ ít chi. Quả là vất vả, đi cả tuần mới về nhà một chuyến. Đôi khi người ta lên tận vùng núi giáp Lào, có thể là cửa khẩu Bờ Y, nơi ngã ba Đông Dương nữa, để tìm. Đi như thế nguy hiểm lắm anh !

            Anh chủ quán bảo thêm:

            – Lan có ba loại chính là thổ lan, thạch lan và phong lan. Thổ lan là lan đất, mọc ở những nơi ẩm, thích hợp hoặc bên bờ suối. Thạch lan là lan đá, mọc trong khe hay trên núi đã có rêu xanh. Còn Phong lan lại sống ký sinh trên cây cao, bóng cả khác. Người ta đi tìm chủ yếu là phong lan. Đây, anh thấy ! Người ta tìm thú vui dân dã mà. Có người tìm thú vui câu cá, có người chơi cây cảnh, đá cảnh, chim cảnh. Tôi lại mê lan rừng. Dân dã quá hả anh !

            Tôi ngạc nhiên:

            – Hèn chi mà hôm qua, dọc theo Quốc lộ 14, tại Kon Tum tôi gặp cái chợ trời toàn là lan rừng, thấy người ta bày bán đủ loại.

            – Ừ, đúng thế mà. Có Ngọc điểm, Giả hạc, Long tu, Kim điệp, Thuỷ tiên… đủ loại. Giá cả cũng dân dã như hoa vậy. Dễ thưởng thức !

                     Nhà người Ê Đê năm 1950 (Ảnh”dulichphuyenonile.com)

            Đang dừng chân ở Buôn Ma Thuột một buổi trưa mùa hè, quả tình chưa thể tìm hiểu nhiều hơn về thành phố miền đất đỏ ba zan này, chỉ biết qua các trang tư liệu về Tây Nguyên rằng đây là tên một buôn của đồng bào người Ê đê còn gọi là Êđê Kpă. Buôn Ma Thuột dịch nghĩa tiếng Việt là buôn bố Thuột. Người Pháp đã đặt chân đến đây, họ phát âm tiếng địa phương thành tiếng Lào là Ban Mê Thuột. Dak Lak, nơi bắt nguồn của những trang sử thi anh hùng ca bất diệt của rừng núi Tây Nguyên hùng vỹ, và cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người: Ê đê, Ba Na, H’Re, M’Nông, Sơ Đăng, Gia Rai… Người Ê đê có những bài dân ca lay động lòng người: Kìa nàng sơn nữ bên suối ngàn/ Gội đầu thơm ca vui véo von/ Kìa là em bé ngoan chăn bò/ Thả diều theo tiếng sáo vi vu/ Ngọn lửa thui miếng ngon chín dòn/ Rượu cần thơm chung quanh cháu con/ Cụ già châm điếu ngon trên sàn/ Kể chuyện cao nguyên xưa véo von [7].

 Ai khi đến Dak Lak thường nghĩ đến Buôn Đôn. Vùng đất này vẫn được coi là quê hương của những người thợ săn và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở vùng Đông Nam Châu Á. Đây là nghề lưu truyền trong dân gian. Theo dân tộc M’ Nông thì voi là biểu tượng linh thiêng, tượng trương cho sức mạnh của núi rừng, của buôn làng, của mỗi nóc nhà và còn biểu hiện cho sự giàu có của mỗi buôn, mỗi nhà. Khi ở rừng già voi rất hung dữ, nhưng dưới bàn tay thuần dưỡng của những thợ săn M’ Nông, voi dù hung dữ đến mấy cũng trở thành người bạn thân thiết của họ.

            Buôn là làng, bản; Đôn là đảo. Buôn Đôn là bản đảo nằm giữa con thác bảy nhánh. Từ hơn 100 năm trước, những người dân trên bản đã dời vào sinh sống trên bờ, định cư bên cạnh dòng thác. Đến bản Đôn được nghe người dân kể người có công khai sinh ra buôn Đôn là anh hùng săn bắt voi rừng và thuần dưỡng voi không đâu có được là N’Thu K’Nul. Ông đã bắt được hơn 100 con voi rừng, trong đó có một con voi trắng và ông đã tặng con voi này cho nhà vua Thái Lan năm 1861. Vua Thái Lan cảm kích tài nghệ, đã phong tặng ông danh hiệu Khunjunop, nghĩa là Vua săn voi. Trước khi yên nghỉ, Khunjunop đã chọn buôn Đôn làm nơi yên nghỉ, mặc dầu người Pháp đã làm nhà cho ông ở tại Buôn Ma Thuột trong khu Khunjunop. Người dân buôn Đôn đã xây mộ cho ông theo khiến trúc nhà mồ M’Nông chen xen họa tiết dân gian dân tộc Lào điển hình theo hình khối trang trí bằng các búp sen đặt bốn góc và trên đỉnh mộ.

            Chúng tôi đến buôn Đôn vào những ngày hè cởi voi thì thật là thú vị, thế nhưng buôn Trí mới là nơi cỡi voi lý thú nhất trong cuộc hành trình. Tại đây còn có cơm lam giống nhiều dân tộc anh em khác, cả người Tày, Nùng ở vùng Cao Bắc Lạng cũng có loại cơm này. Hay đến Hòa Bình, thủ phủ của người Mường, ta vẫn gặp loại cơm lam ngon miệng như ở Tây Nguyên. Đi thuyền độc mộc lại là một thú vị hơn nữa, coi và tham dự một lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu của người Ê đê, hoặc một lễ hội đua voi cùng những câu chuyện săn voi với đủ thứ các loại dây chạc dùng để kìm chế hai cặp chân voi to tướng và ghìm sức mạnh vẫy vùng của những chú voi rừng, ta mới thật sự ngưỡng mộ và bị chinh phục bởi tài nghệ của những người M’Nông săn bắt voi rừng ở Tây Nguyên. Vào một căn nhà của người M’Nông, có hàng lô gùi, dây chạc bằng da trâu, bò, voi, ngựa, heo rừng, cả những dây bằng mây và các loại dây leo trên rừng nhiệt đới đang treo lủng lẳng bên phên vách ta mới có thể hình dung được để bắt một con voi rừng không phải là đơn giản chỉ nhảy lên lưng voi rồi giơ tay nài ra đóng những dấu búa xuống đầu nó mà trị được. Không dễ !

            Cùng với đó là những lễ hội theo mùa như lễ Bỏ Mả, Tết cơm mới, Đâm trâu, Dựng cột, Tết giọt nước. Đặc biệt và vui nhộn hơn là lễ hội đua voi hằng năm. Một biểu hiện đặc trưng của Đăk Lăk. Là ngôi nhà dài từ 20 mét đến 30-35 mét của người Ê đê là một đặc trưng văn hóa cùng với tiếng cồng chiêng trong các lễ hội đã tạo cho Tây Nguyên có một sắc thái văn hóa dân gian riêng, hấp dẫn đầy huyền thoại, tạo nên sức hút kỳ lạ khi đặt chân đến Đăk Lăk – Buôn Ma Thuột, nơi tôi có sáu năm sống và làm việc tại Ea Ktur, Krông păk.

Góc đường Quang Trung 1964 (đoạn giữa Lê Văn Duyệt và Tôn Thất Thuyết), nay là Xô Viết Nghệ Tỉnh  – Lê Hồng Phong.(St)

Sóc Trăng, ngày…tháng…năm 20…

            Sóc Trăng nổi bật nhất là chùa của người Khmer, có đến 141 cái chùa. Thế nên, đến Sóc Trăng mà không vào chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu thì thật là thiếu sót. Và chúng tôi đã vào viếng cảnh chùa.

            Hằng năm, người Khơ me có tổ chức đón Tết cổ truyền với người Kinh, người Hoa và các dân tộc khác họ còn đón cái Tết cổ truyền của dân tộc Khơ me cư trú trên đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Sóc Trăng cũng là tỉnh có nhiều  người Khơ me sinh sống. Tiếng Campuchia gọi lễ hội Tết này là Chol Chnam Thmây, đây là phong tục Tết mang dấu ấn đậm nét của văn minh nông nghiệp lúa nước đồng thời cũng mang sắc thái của Phật giáo phái Tiểu thừa. Cũng như người Kinh đón cái Tết cổ truyền của mình, người Khơ me xem phong tục tết cuả họ hết sức thiêng liêng, cao cả. Trong phong tục Tết họ tổ chức những sinh hoạt kéo dài chi phối một khoản thời gian nhất định trong năm.

            Tết năm mới của người Khơ me theo Phật lịch là vào giữa tháng tư dương lịch, chọn ngày 13 tháng 4 Dương lịch là ngày đầu năm, nếu gặp phải năm nhuận lại chọn vào ngày 14 tháng 4. Đây là thời gian nông nhàn trong năm sau vụ mùa, tiết trời khô ráo.

            Thông thường lễ hội Tết kéo dài ba ngày, cách 3 năm lại có một năm tổ chức đón Tết tới 4 ngày. Lễ hội thường được tổ chức theo mùa: Lễ cúng trăng, Lễ nhập hạ, Lễ ra hạ. Chùa là nơi tổ chức lễ hội, các sư rất quan trọng trong lễ hội và trong cuộc sống thường ngày các sư vẫn có một vai trò quan trọng. Thanh niên Khơ me đến 18 tuổi phải vào chùa tu dưỡng toàn diện các mặt, chuẩn bị cho ngày xuất thế nhập đời sau 2 năm tu dưỡng. Sau khi vào chùa 2 năm, thanh niên mới được xem là người đã trưởng thành và khi ấy con gái Khơ me mới chọn làm chồng. Đến lễ hội Tết, tất cả dân trong Phum, Sóc có nghĩa vụ đóng góp tiền của, lương thực để tổ chức lễ hội Tết. Trong lễ hội, người Khơ me dù nghèo đến mấy cũng phải sắm lễ vật đến chùa cúng Phật và xem đây là nghĩa vụ. Trong hội Tết các lễ thường kéo dài suốt đêm và gắn với những truyền thuyết của đức Phật. Lại có khi có lễ diễn ra vài ba ngày kèm theo các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ truyền thống của người Khơ me. Chẳng hạn múa Răm Vông, nghệ thuật hát Dù Kê, hoặc nghệ thuật tuồng Ro Băm…và đồng thời có các trò chơi dân gian khác như kéo co, bắn bi sắt, đập nồi, chạy đua, kéo co, nhảy bao… Trong sinh hoạt lễ hội, tất cả mọi người trẻ, già, trai, gái đều hát và múa theo tiếng nhạc có tiết tấu  vui nhộn. Vì rằng xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước cho nên người Khơ me vào lễ hội là những người nông dân. Ban ngày họ lam lũ ngoài đồng, đêm tham gia lễ hội, hoá thân thành những công chúa, hoàng tử trong các vở tuồng để phục vụ bà con.

            Món ăn cổ truyền của ngày Tết Chol Chnam Thmây là bánh tét, các loại bánh ngọt và trái cây. Trong lễ hội Tết, nghi lễ được tiến hành theo thứ tự: 1. Lễ đón giao thừa được cúng tại mỗi nhà để đưa tiễn thần Têvôđa của năm cũ và rước thần Têvôđa mới vào nhà. 2. Ngày đầu năm vào giờ tốt nhất, nếu buổi sáng lúc 7 giờ, nếu buổi chiều lúc 5 giờ mọi người với y phục sang trọng, đẹp mang lễ vật lên chùa gần nhất làm lễ rước lịch Sankran mới, sau đó tiến hành lễ Phật. Buổi tối các trò chơi dân gian được tổ chức tại sân các chùa đến khuya. 3. Ngày thứ hai, mọi người lên chùa dự lễ dâng cơm sáng và cơm trưa cho các vị chức sắc sư sãi trong chùa gọi là lễ Wen Choong Ham. Trước khi ăn cơm, các vị sư tụng kinh và sau khi dùng cơm xong lại có lễ chúc phúc cho những người đến dâng cơm. 4. Buổi chiều là lễ Đắp núi cát gọi là lễ Puôn Phnon Khsach. Lễ này tiến hành theo truyền thuyết Phật giáo Tiểu thừa, núi cát được đắp lên để cầu phúc, núi càng cao thì phúc càng lớn. Cát được mang đến sân chùa, mọi người cùng với sư sãi đắp thành những ngọn núi quay về chín hướng tượng trưng cho vũ trụ. Giữa là một hòn núi lớn tượng trưng cho trung tâm vũ trụ. Núi đắp xong làm lễ Quy y cho núi, sáng ngày hôm sau tiến hành lễ Xuất thể. 5. Ngày thứ 3 tiến hành lễ tắm cho sư rất trang trọng, sau khi dâng cơm sáng và cơm trưa cho các vị sư xong, mọi người đem nước có hương thơm của các loại hoa cùng hương, đèn đến làm lễ tắm cho tượng Phật thờ trong chùa. Sau đó là lễ tắm cho các vị sư cao tuổi trước. Sau tắm là lễ cầu siêu cho những người đã khuất. Xong lễ tắm tại chùa, mọi người trở về nhà và tắm cho tượng Phật được thờ tại gia đình mình. Ông, bà, cha, me được mời ra tắm trước, con cháu tạ ơn, tạ lỗi trong năm cũ, chúc phúc, dâng lễ vật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với các bậc bề trên. 6. Tối, các hội, trò vui dân gian được tổ chức, kéo  dài cho đến khuya.

                                           Chùa Chén Kiểu (St)

            Vào chùa Bửu Sơn Tự, cũng gọi chùa Đất Sét. Chùa nằm sâu trong một con hẻm, vào chùa phải qua một dãy hàng quán bán hàng tạp hoá mà nhiều nhất là hoa trái và hương nhang. Chùa không rộng, từ đường hẽm bước lên mấy bực tam cấp là vào ngay chùa. Trong chùa đồ thờ đủ các loại, từ lu hương, chân đèn đều làm bằng đất sét, đến ba cây đèn sáp to lớn khác thường… Một toà sen bằng đất sét có cả nghìn cánh sen hồng, trên mỗi cánh sen có một tượng Phật nho nhỏ như ngón tay. Do chùa làm toàn bằng đất sét nên gọi thế. Cụ già trông coi chùa bảo: Nơi đây là vùng đất sét nên nhà chùa dùng vật liệu tại chỗ để xây dựng nên chùa. Anh nghe đấy, tại Ninh Bình, người ta xây dựng ròng rã trong ba mươi năm mới xong một nhà thờ bằng đá., thì ở đây có chùa Đất Sét. Trong chùa ấn tượng nhất vẫn là đôi đèn cầy đang thắp cháy suốt nhiều năm liền. Cũng theo lời ông cụ trông chùa thì đôi đèn này được thắp cháy từ những năm bảy mươi của thế kỷ XX và dự kiến đến năm 20… thì tắt. Lúc đó người ta sẽ thắp tiếp đôi đèn thứ hai lên và nó sẽ cháy như thế đến 70 năm nữa. Hiện trong chùa đang có hai đôi đèn dự trữ đúc từ những năm 60 và sẽ tiếp tục đúc thêm một đôi nữa cho ngày sau. Vào Chùa Đất Sét, quả tình tính trang nghiêm của phong thái chùa chiền biến mất mà chỉ bàng bạc một phong thái dân dã hết sức thân thuộc, gần gủi. Đấy là cái hay bắt gặp tại chùa Đất Sét. Tôi đang dạo từng bước chầm chậm xem từng chi tiết nhỏ với háo hức rằng có phải là đất sét chăng ! Bỗng một người trong đoàn ghé tai nói nhỏ: Thật là kỳ công hết sức. Đúng là như thế, quả đã có rất nhiều công sức khi phải dùng đất sét để nặn thành những tượng Phật, lư hương, chân đèn,… nhiều thứ khác nữa, điều đó cho hay rằng người có ý tưởng dựng chùa với niềm tin thuần khiết.

            Chùa Salôn cũng gọi Chùa Dơi. Đây là ngôi chùa của người Khơ me, do thế kiến trúc hoàn toàn theo phong cách Khơ me. Từ ngoài vào trong chùa chia làm ba khu, đầu tiên là khu dùng cho các sư ở, bên trái là khu chính, sâu vào bên trong là thư viện, nơi dành cho các sư đọc sách và là nơi lưu trữ kinh Phật. Có 120 quyển kinh viết bằng chữ Khơ me. Vào nơi các sư ở, tôi ngạc nhiên vì hai bộ giường cổ, các be giường có chạm xà cừ sáng loáng, có vách phía trong cao lên như cái kiệu. Hỏi ra thì được các sư cho hay rằng nhà  chùa đã đổi cho công tử Bạc Liêu bốn mươi giạ lúa để có được hai giường này. Một giường mùa đông và một giường mùa hạ, theo mùa mà nằm cho thích hợp. Các sư nói như vậy. Hai cái giường quả là rất đẹp, chạm trổ những đường nét hoa văn dân dã, tinh xảo, nếu chia ra từng chi tiết thì dường như ra vẻ cầu kỳ như cách của dân gian ta thường gặp, nhưng không đến nỗi không làm bắt mắt. Lại còn một bộ bàn ghế cổ cũng chạm trổ đẹp không kém hai cái giường, cũng là của công tử Bạc Liêu mà nhà chùa mua về. Chúng tôi đi thêm vào trong, nơi có chiếc ghe bằng gỗ úp xuống đặt trên một giàn chống đỡ, đây là một chiếc ghe Ngo. Chiếc ghe mang từ Campuchia về, nhìn kỹ, ghe được ghép bởi hai thân gỗ lớn. Một sư của chùa ngồi gần đấy nói rằng: Ghe dài đến hai mươi bảy mét, lòng ghe có thể đủ cho năm mươi bốn người ngồi chèo lái. Ghe được bảo quản cẩn thận, hễ đến mùa đua ghe Ngo trên sông nước đồng bằng, chỉ thanh niên trai tráng trong ấp, trong bum tham gia mà thôi chứ các sư không ai được bơi ghe cả.

          Từ phía sau chùa nhìn lên những cây cổ thụ to cao, ta có thể trông thấy rất nhiều những con dơi hai chân bám chặt lấy cành, thả thân xuống treo lủng lẳng, hai cánh ôm lấy thân và đầu vào trong mê ngủ, mặc cho gió có rì rào đến mấy. Có thể đây là một hiện tượng hiếm gặp của vùng đồng bằng Nam bộ, bởi không đâu lại có dơi nhiều đến thế và mỗi con dơi, dang rộng bằng hai cánh tay người lớn. Cánh dơi khi sãi ra có thể đo được một mét đến một mét rưỡi, da cánh mỏng màu nâu sậm. Thịt dơi và tiết dơi là đặc sản. Tuy dơi nhiều như thế nhưng không ai dám bắt hay bắn dơi để lấy tiền, làm như thế có thể bị phạt để bảo hiểm cho sinh mạng một cá thể dơi. Nhà chùa và chính quyền ở đây cứ ngong ngóng sợ rằng dơi có thể bay đi cư trú ở một nơi khác, nếu chúng bị bắn phá, điều ấy xảy ra thì chùa Salôn không còn là chùa Dơi nữa.

           Lại còn điều này, có trong chùa Dơi là một “cơ ngơi” của heo năm móng. Một anh bạn nhìn thấy một dãy chuồng nuôi heo và ba ngôi mộ xây bằng ciment hẳn hoi, có đặt tấm bia cho mỗi mộ. Em gái đi cùng tôi, chỉ tay, tôi thấy trên bia có ghi ngày tháng con heo chết. Chùa còn thắp hương tưởng niệm thờ cúng y như thờ người vậy. Heo năm móng là những con heo sinh ra đã thấy một chân có năm móng. Đây là chuyện khác thường. Gặp thế, người có heo mang đến cho nhà chùa. Đây là một tín ngưỡng dân gian của người Khơ me Nam bộ. Chùa tổ chức nuôi heo năm móng như nuôi người, cho ăn uống tử tế, tắm rửa sạch sẽ, da dẻ đỏ au. Lúc chúng tôi đến chùa, hiện có bảy con heo lớn và nhỏ ăn no nằm ngủ thở phì phèo.

                                               Chợ Nổi Ngã Năm (St)

 Long An, ngày…tháng…năm 20…

            Ca dao Cần Đước:

          – Lâu lắm không về thăm Cần Đước/ Ăn gạo nàng thơm cá bống kèo./ – Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai/ Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.

            Lúa của huyện Cần Đước được trồng nhiều nhất tỉnh Long An, tại đây có lúa nàng thơm nổi tiếng khắp vùng. Xưa kia là đặc sản của vùng đất Gia Định. Đến chợ Đào [8] thuộc xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước ta sẽ thấy những tấm pano, tấm biển quảng cáo cho loại gạo thơm, dẻo nức vùng:” Gạo Nàng thơm tài nguyên chợ Đào”. Gạo nàng thơm có sắc trắng ngà, hạt to tròn trịa, giữa hạt có một phôi nhỏ màu đục hơn, dân trồng lúa nàng thơm gọi là “hột thị/ lựu”, chính “hột thị/ lựu” là dấu hiệu đặc trưng của nàng thơm, và cũng chính hạt này mà gạo nàng thơm có mùi vị thơm nức lòng đến vậy.

                                       Gạo nàng thơm Chợ Đào (St)

            Gạo nàng thơm ăn với cá bống kèo là ngon. Cá có mình thon dài như chiếc đũa tre, kho rim ăn với cơm nàng thơm thì tuyệt. Hoặc ăn với mắm còng là đặc sản: Thương anh muốn tặng mắm còng/ Nhớ em anh xuống Phước Đông anh tìm. Anh Tấn ở Cần Đước kể: người trước kể rằng thời Minh Mạng, gạo nàng thơm chợ Đào được mang nộp vua. Từ năm 1838, triều Huế quy định mỗi năm nộp 100 hộc lúa, lựa lấy loại bông thưa, thu hoạch chậm hơn lúa thường tại một số xã thuộc huyện Phước Lộc, nay là hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc mang ra Huế.

            Tôi hỏi anh Tấn: Gạo nàng thơm là giống ở ta hay lai từ đâu đến? Anh bảo: Không rõ anh ơi, nhưng chắc lai tạo từ các giống lúa bản địa, có lúa nàng quớt, lúa nhỏ, lúa đuôi trâu,…sạ cấy lâu ngày tự nó lai thành giống nàng hương. Rồi anh cẩn trọng: Tôi nghĩ vậy đó anh !

            Miền sông nước phương Nam có trữ lượng tôm cá vào bậc nhất nước, chỉ cần đưa một lần lưới xuống sông là có thể kéo lên một xuồng ba lá cá kèo. Cũng có khi người dân nơi đây ăn cá kèo của các chủ trại đáy, họ dùng đũa gắp con cá kèo bằng ngón tay bỏ vào miệng, vuốt một cái, trên đũa của họ chỉ còn cái đầu và bộ xương. Người dân nơi đây bảo rằng cá ngon theo từng khúc, khúc đuôi và bụng có vị ngon khác nhau, cứ ăn một kiểu như vậy cho xứng với xứ sở cá kèo.

            Chúng tôi đến tận ruộng để xem cây lúa nàng thơm, trông cũng giống cây lúa chị em mà! Một “hai lúa” làm ruộng, chống cây sào, đứng tréo chân nghỉ tay, bảo rằng: Khi gạo nàng thơm ở đây nức mùi đi tứ xứ thì cũng lắm vấn đề lo cho hạt gạo như là thương hiệu, chất lượng, sản lượng,…mạng lưới thu mua,…cả xuất khẩu khỏi địa phương nữa. Lắm thứ phải làm quanh hạt gạo nàng thơm Chợ Đào – Mỹ Lệ đó anh.                                                           

            Rồi anh tiếp: Gạo nàng thơm, người dân Chợ Đào chỉ trồng trên 400 ha ruộng của ấp Mỹ Lệ thôi, ngoài Mỹ Lệ ra thì không làm sao trồng được, “hột thị” sẽ không xuất hiện trên hạt gạo. Thế là không còn là nàng thơm nữa. Vì chất đất, nguồn nước ở Chợ Đào thích hợp với cây lúa nàng thơm.

            Tôi thắc mắc với anh: Gạo hiếm là vậy nhưng về tận miền Trung vẫn thấy có bán gạo nàng thơm trong bao 10 kg. Anh Tấn đoán rằng: Chắc là gạo thơm thôi chứ không phải gạo nàng thơm. Ở Cần Đước này người ta trồng giống nàng thơm thật sang các xã khác, nhưng do bùn, đất, nước đã không còn là nàng thơm nữa, tuy thế nó vẫn dẻo và thơm ngon, có điều mùi thơm, độ dẻo không phải là nguyên gốc. Vì lẽ đó mà họ bán được. Vả lại người dùng gạo nàng thơm ở Trung như các anh có biết hạt nào là nàng thơm Chợ Đào đâu mà phân biệt được có hay không trên thị trường.

            Anh bảo:

            – Dân bọn tui ở đây mà ăn gạo Đồng Tháp chứ có đâu nàng thơm mà nấu. Bởi vì bốn trăm héc ta làm sao cung cấp vừa giống, vừa dùng làm quà cho đủ, lấy đâu mà nấu ăn bữa được. Muốn có gạo nàng thơm biếu người quen trên tỉnh phải đặt trước khi lúa mới ngã đòng thì may ra có được, chớ không cũng hỏng.

            Và thế là bữa ấy chúng tôi đã đi ngang qua Đồng Tháp Mười rồi. Đồng Tháp Mười nằm ở phía đông sông Vàm Cỏ Tây kéo dài đến tận bờ sông Vàm Cỏ Đông. Từ Đồng Tháp muốn giao lưu ra các miền đã có nhiều cửa để tiếp xúc: phía đông có châu thành Long An (Tân An), phía bắc là huyện Mộc Hoá và châu thành Soày Riêng, phía tây là huyện Hồng Ngự, phía nam là huyện Cao Lãnh, huyện Cái Bè và chợ Cai Lậy. Chiều ngang từ Hồng Ngự tới Long An là 120 km, chiều dọc từ Cao Lãnh tới Soày Riêng chừng 70 km. Diện tích Đồng Tháp mười khoảng 8.000 km2.

            Tại Cần Đước, chúng tôi biết thêm về một loại lúa sạ cách đây đã lâu được nhập vào ruộng đồng Nam bộ.

            Đi đầu là An Giang, trong đó An Biên là vùng trồng lúa nhiều nhất tỉnh, rồi huyện Kiến Phong của tỉnh Kiên Giang; Vĩnh Long; Phong Dinh thuộc thành phố Cần Thơ. Những vùng này trước đây hoàn toàn tuỳ thuộc vào mực nước lớn ròng của con sông Cửu Long. Vào mùa nước nổi, mực nước có lúc cao tới bốn mét, trong điều kiện đó không có giống lúa bản địa nào sống nổi. Chính vì thế mà trước đây người dân Nam bộ đành chịu bỏ hoang một vùng rộng lớn ruộng sạ và thế là cây tràm có dịp mọc lên thành rừng, gọi rừng tràm. Cách đây chừng một trăm năm người dân Nam bộ chuyên canh tác một loại lúa gọi là “lúa giáng” sau khi nước nổi rút khỏi ruộng đồng. Nhưng lại có khó khăn do loại lúa này tốn nhiều công sức và tiền bạc mà kết quả cho thấy rất bấp bênh thường hay mất mùa, mà đã gặp năm mất mùa thì mất nặng. Những năm mất mùa lúa người Nam bộ thường thay cơm bằng bắp.

            Nhưng ngay sau đó không lâu, một nông dân “hai lúa” ở An Giang là cụ Phan Văn Vang đã tìm được một loại lúa nổi từ vùng Biển hồ Tông Lê Sáp (Campuchia) mang về quê nhà trồng thử. Sau một mùa vụ cho thấy lúa có khả năng thích hợp với đồng bằng Nam bộ và cho năng suất cao, từ đó vài ba năm sau, lúa phát tán đi khắp nơi ở đồng bằng Nam bộ. Người dân phấn khởi. Đặc điểm của lúa này là nở bụi nhanh, phát triển tốt, cứ nước lớn đến đâu, cọng lúa dài theo đến đó vượt lên trên mặt nước. Trong 24 giờ có thể dài ra từ 4-6 cm có khi hơn thế tuỳ vào đất xấu hay tốt. Từ đó, người nông dân Nam bộ tiếp tục tìm kiếm thêm những loại lúa có khả năng thích hợp với vùng từ Thái Lan, Campuchia mang về canh tác. Cây lúa phát triển tốt đến nay. Các giống lúa ở đồng bằng Nam bộ trước 1975 được chia làm 2 loại: lúa lỡ mùa sạ ở những nơi ruộng cao, ngập từ 1 đến 2 mét nước và lúa sạ ở ruộng sâu, ngập từ 2 mét nước trở lên trong mùa nước nổi.

                                          Đồn Rạch, Cần Đước (Ảnh: VVH)                                                           

Cầu khỉ, Long An (Ảnh: VVH)

  Phú Quốc, ngày…tháng…năm 20…

            Từ Rạch Giá, chiếc tàu chất lượng cao Super Đông đưa chúng tôi ra Phú Quốc. Tàu chạy như bay trên nước. Sau 2 giờ 40 phút vượt qua vùng biển Kiên Giang – Phú quốc 120 km. Huyện dảo Phú Quốc hiện ra xanh thẩm một màu. Bốn bề là bể cả mênh mông, đứng ở đâu trên bến tàu An Thới cũng nhìn thấy nước xanh tươi mát, vẻ hoang sơ đâu đó ùa về trong tâm tưỏng. Lên đảo một thảm rừng xanh um, bạt ngàn trùm lên như cái nón. Rừng Phú Quốc chiếm hết 70 % diện tích (chừng 50.000 ha) có trên một ngàn loài chim đang sinh sống. Hệ động thực vật cũng khác nhau. Giả dụ rằng từ trên máy bay nhìn xuống sẽ có một đường viền quanh đất đảo, trong đường viền ấy ta gặp những bãi biển rất đẹp như  Bãi Vòng, Bãi Thơm, Bãi Sao, gành thì có Gành Dầu…tạo cho đảo Phú Quốc có một sức hấp dẫn riêng. Cả ngàn năm rồi sóng vẫn vỗ bờ tha thiết, vào những hàng dương xanh mát ven bờ.

            Phú Quốc xưa nay vẫn là một trong mười ba hòn đảo đẹp nhất thế giới. Chúng tôi đến đây có thể tắm biển, ngắm rừng xanh vời vợi. Vòng quanh đảo một lượt nhận ra Phú Quốc phát triển từ phía Nam, ngay tại Thị trấn Dương Đông và khu chợ, bến tầu thuyền An Thới, và cả khu Bắc cũng thế. Vào suối Đá Bàn, suối đẹp, quanh năm nước chảy rì rào, mọc lên giữa dòng chảy là những tảng đá phẳng phiu, có thề nằm trên đó mát lưng. Hai bên suối là sâm và các loại phong lan rừng đua nhau mọc chen chúc.

            Huyện đảo Phú Quốc gồm 27 đảo lớn nhỏ, có diện tích tự nhiên gần 600 km2. Rừng chiếm 2/3 diện tích đảo, trong đó có đến 14.000 ha rừng nguyên sinh, gỗ và động vật quý hiếm. Đảo Phú Quốc dài 50 km, rộng nhất 25 km, từ trên nhìn xuống như một chiếc lưỡi rìu hay lưỡi mác. Đảo mọc lên 99 ngọn đồi chen nhau nhấp nhô kéo từ Bắc xuống Nam. Từ An Thới vào trung tâm huyện lỵ, hai bên đường những cây cổ thụ to lớn có chừng vài người ôm mới hết, một số loài quý hiếm như gỗ trai, huỷnh, kim giao hay kỳ nam. Còn hệ động vật thì khỉ, heo rừng thì vô số kể. Lại có loài hiếm như cá sấu, cua đinh, chim hồng hoàng, khỉ trắng, có cả sói rừng thường hú về đêm nữa.                                    

            Ra Phú Quốc thấy được loài chó hiếm và được nghe kể về giống chó này: Chó Phú Quốc nhỏ, nhanh nhẹn, mối khi ở cữ, chúng thường ra rừng đào hang lốt ổ rồi đẻ chứ nhất định không đẻ ở nhà, dù chủ nuôi có chăm sóc tử tế đến mấy. Đẻ xong, con đã đi cứng được thì mẹ con lại dắt nhau về nhà quây quần bên chủ. Hoặc có lúc loài chó này tự tổ chức một cuộc đi săn trong rừng nguyên sinh để bắt heo rừng, thỏ. Chúng tụm lại, cả đàn bao vây một con mồi, con đầu đàn xông vào cắn cổ, cả đàn thừa đó xáp vô lôi chiến lợi phẩm về nhà. Hay chuyện về một con “dệnh” quần nhau thí mạng cho đến chết với một con trăn rừng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng để cứu chủ.                                

Bãi Thơm, Phú Quốc (Ảnh: VVH)

            Xuống biển, lần đầu tiên đặt chân lên cát bãi Thơm, nơi chỉ cách Campuchia Chùa tháp hơn hai giờ đồng hồ tàu chạy. Tôi từ nhỏ đã sợ nước, nắm tay em, bước xuống Bãi Thơm của Phú Quốc lần đầu và chắc, cũng chỉ một lần và không bao giờ lặp lại. Trên bãi biển, cảm giác lạ bết bao! Cũng là cát, là bãi như cát, bãi của Đà Nẵng, vậy mà thật xao xuyến nơi tôi ! Bước trên cát được một đoạn, trời lại đổ mưa, ngây ngất phóng tầm mắt nhìn xa về vùng vịnh Thái Lan, điệp trung màu nước xanh lơ.

            Người Phú Quốc trồng tiêu, làm nước mắm, nuôi trai lấy ngọc, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ ngọc trai, đồi mồi. Khí hậu  Phú Quốc trong lành, biển xanh như ngọc, mát rượi, các bãi biển đẹp tuyệt vời gắn liền với những huyền thoại như bãi Khem, bãi Vòng, bãi Cạn, bãi Giếng Tiên, bãi Dương Đông, bãi Thơm… Ở bãi Dương Đông chúng tôi hòa vào gió biển, thưởng thức vẻ đẹp của bờ, hàng dừa, nhâm nha ly rượu vang sim. Rượu vang sim dễ uống, lại uống với gỏi cá, lẩu nấu với hải sản thì thật tuyệt. Rượu uống lâu say mà có say cũng không đến nỗi như say rượu gạo. Lại còn có thể tìm thấy đặc sản sò ở Phú Quốc, và ra xa bờ một chút câu cá, câu mực cả ngày vẫn không biết chán.

            Mùa sim Phú Quốc chín từ tháng giêng đến cuối tháng tư Âm lịch. Khi chín, trái sim ngả sang màu tím, mọng nước. Trước đây, sim chín được nhà nông hái mang ra chợ Dương Đông, An Thới bán theo lon, rổ rá để ăn chơi trong lúc nhàn nhã. Nay thì sim trên huyện đảo được dùng để ủ rượu, người tứ phương tụ lại, nhâm nhi vài ly rượu thưởng thúc mùi vị ngọt ngào cây trái vùng đảo và đặt cho nó một cái tên Tây là rượu Vin Sim. Chúng tôi Nghĩa Khiêm Sang Hải Lan Huyền đi chầm chậm trên bãi Dương Đông. Em  gái trong đoàn hát nho nhỏ bài ca: Đẹp lắm em ơi chiều chân trời/ Ta tìm chi trên đầu sóng xôn xao/ Đêm Phú Quốc nhẹ tênh mùi biển giã/ Trăng chênh vênh mặt bể xanh rờn/ Gió Dương Đông ngược chiều bàu Vũng/ Ly nước dừa hạt muối mặn hơn/ «Ra huyện đảo có em mà xa lạ/ Tưởng gần nhau sóng đẩy xe thêm !»/ Trong đôi mắt có ngàn lời tình tự/ Em mặn mòi dịu ngọt thanh tân/ Một sớm Kiên Giang, một chiều Phú Quốc/ Chầm chậm thôi, sợ ngày vui mất dưới chân hài.

                                         Sim Phú Quốc (St)

 Trà Vinh, ngày…tháng…năm 20…

Chùa của người Khơme như thế nào. Trà Vinh có chùa Hang, chùa Âng là ví dụ.

            Về Trà Vinh nghe câu:

            Biển Ba động nước xanh, cát trắng/ Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây/ Xin mời du khách về đây/ Đến xem cho biết cảnh này thần tiên.

        Có thể đến những nơi: đền thờ Bác Hồ, biển Ba động, chùa Âng, ao Bà Om… Chúng tôi đến được đền thờ Bác Hồ, ao Bà Om, khu di tích văn hoá Khmer. Khu di tích chùa Âng và ao Bà Om thuộc ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích lịch sử quốc gia. Chùa Âng, ngôi chùa cổ nhất và tiêu biểu cho nền văn hoá Khơ me, xây dựng vào năm 1779, nơi trưng bày văn hoá người Khơ me, ta gặp tượng Yeak, Reabu, Krud và đầu thần 4 mặt Mahaprum trên các tháp quanh nền chính điện hoặc ở tháp Lăng Ngọ. Đấy là những nhân vật truyền thuyết của người Khơ me…Vào chùa còn gặp những bức hoạ trang trí trên vách và trên trần, mang dáng vẻ của văn hoá Phật giáo và Bà la môn giáo, ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá Ấn Độ. Các bức hoạ phản ánh quá trình hình thành triết lý Phật giáo, dọc theo những câu chuyện thần kỳ trong kinh Phật được thể hiện ra bằng những bức tranh màu sắc rực rỡ, đẹp và sinh động.

            Ao Bà Om cũng gọi là ao Vuông, mặt nước trong xanh lặng như tờ. Một hàng cây cổ thụ mọc quanh ao, có hai cây rễ dính liền tạo nên hai gốc đại thụ lớn, sần sùi. Sự tích ao Bà Om kể rằng: Ngày xưa dân lành không thể chịu nỗi cảnh chiến tranh chết chóc, khổ đau, tàn khốc trong hoàng tộc, một số người Khơ me bỏ đi lánh nạn. Họ cứ dọc theo sông Me kông mà đi, đi mãi đến một nơi (sau này là ao Bà Om) thuận lợi và định cư tại đấy, làm nhà cư trú. Sau khi ổn định cuộc sống một số người muốn đổi mới phong tục, họ muốn đàn bà phải dẫn cưới. Bên nữ không đồng tình, thế là hai bên nam, nữ phải tìm một lựa chọn để giải quyết, họ bèn tổ chức một cuộc thi tài ngộ nghĩnh. Bên nam, nữ chia thành hai nhóm để đào ao lấy nước, hẹn đến khi  rạng sáng, ao nào sâu hơn, rộng hơn thì phái đó thắng cuộc. Phái thua cuộc phải lo lễ cưới. Nhóm nam cậy có sức khoẻ, lo gì ! Hạ hồi sẽ thắng mà ! Xem thường việc đào ao, bèn gác cuốc xẻng, nhậu say rồi đi ngủ, quên luôn. Còn nhóm nữ, tỏ ra lo lắng cứ cần cù đào, chịu khó ra sức đào ao. Đến nửa đêm, bà Om, một người trong nhóm nữ nghĩ kế thắp một đèn treo lên cây cao để lừa cánh đàn ông, sau đó họ cởi bỏ hết quần áo để đào ao cho mát . Nhóm nam thức giấc, vừa ngái ngủ nhìn ngọn đèn tưởng sao mai đã mọc, vừa thấy nhóm nữ không ai mặc quần áo cả, bèn bỏ dở công việc đào ao, chịu thua nhóm nữ, chấp nhận phong tục đàn bà dẫn cưới.

            Đến ao Bà Om, quanh ao mát mẻ, ngày xưa trên ao mọc rất nhiều cây ngò om, vậy là người dân quanh dây gọi là ao Ngò Om hay ao Om. Ao và chùa Âng toạ lạc trên một khu đất rộng chừng bốn ha, có hàng cây cổ thụ đến trên trăm cây hơn trăm tuổi, trông toàn cảnh của ao như một cao nguyên ở giữa đồng bằng Nam bộ. Buổi sáng, khi mặt trời lấp ló sau hàng cây, sương chưa tan đầu ngọn cỏ mới thấy hết vẻ đẹp của ao Bà Om lung linh huyền diệu. Buổi chiều hoàng hôn về chen trên lá, bóng cây rưng rưng trên sóng nước, rồi đêm dần lên, trăng lại về, thời điểm ấy, ao Bà Om mang vẻ đẹp kiêu sa của một cô con gái dậy thì.

            Chúng tôi đạp trên lá vàng rơi xào xạc một buổi trưa tháng hạ như đạp vào cõi mộng mơ làm xao động trái tim của khách đường xa đến thăm một trưa hè. Từ ao Bà Om có thể nhìn quanh hoặc đi thăm vài phum người Khmer, hoặc có thể ghé đến thăm khu di tích văn hoá Óc – eo một thời rực rỡ bị lớp bụi thời gian phủ mờ nay vừa mới sưu tầm, góp nhặt trưng bày tại bảo tàng văn hoá dân tộc Khơ me Nam bộ.

                  Hàng cây cổ thụ bên ao Bà Om, Trà Vinh (Ảnh: VVH)                                       

            Đã về xuôi, sông Cửu Long hợp với sông Đồng Nai cùng phụ lưu là sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ với 3.000 km sông đào, kinh rạch chằng chịt như mạng nhện ở vùng châu thổ đã giúp cho nông nghiệp phát triển, thương mại cũng nhờ đó được phát đạt nhờ vào mạng lưới giao thông bằng đường thuỷ. Dòng Cửu Long giang mãi mãi còn đọng lại ở lòng người dân miền Tiền Giang những mối tình sông nước, những điệu hò, câu hát của khách thương hồ vào những đêm trăng sáng khi trên mặt sông lấp loáng ánh nguyệt lồng trong nước. Và, chúng tôi cũng đã qua đây, hơn một lần ngồi nghe những điệu hò đờn ca tài tử  ở Tiền Giang trong quán nhỏ trên một cù lao.

                                    Cổng Chùa Hang, Trà Vinh (Internet)

            Đi qua miền sông nước Cửu Long cũng đã hơn một lần ngang qua miền Hậu Giang của tỉnh Cần Thơ. Người từ phương xa như chúng tôi đến đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cho là “về miền sông nước”. Điều kiện địa lý miền này cho chúng tôi cái nhìn như thế, bởi tính rõ rệt của nó, càng dần vào nam, mạng lưới sông ngòi càng chằng chịt mà đúng là sông ngòi là mạng lưới giao thông của đồng bằng sông Cửu Long. Là vùng đất có mạng lưới sông ngòi nhiều nhất thì miền Hậu giang là nơi có mạng lưới sông rạch dày nhất của đồng bằng Cửu Long giang. Khi chúng tôi ngang qua đây cảm nhận cuộc sống phong phú làm cho các con sông, kênh, rạch ở đây bỗng có hồn, bởi tất cả các sinh hoạt văn hóa của người dân ở đây đều xuất phát từ các dòng sông. Cứ lắng nghe nhịp điệu dịu dàng của điệu lý, điệu hò sông nước trải dài trong các câu hát vào những đêm đờn ca tài tử để cảm nhận được sinh hoạt văn hóa của người dân miền sông nước là thế nào !.

            Phía nam sông Cửu Long từ vùng Hà Tiên, Rạch Giá (Kiên Giang) dài đến hết mũi Cà Mau. Trước kia, người dân nơi đây gọi là miệt Hậu Giang. Chúng tôi chẳng phải là kẻ lang bạt kỳ hồ ngang dọc để tìm hiểu một vùng rộng lớn của đồng bằng Cửu Long giang sông nước, mà chỉ là những kẻ phương xa, hiểu được một phần rất nhỏ và như thế chỉ là kẻ lãng du rong chơi miền sông nước Cửu Long trong những ngày hè đi trên mấy khúc sông. Nằm ở Cà Mau một đêm mưa mùa hạ nghe kể rằng từ Bạc Liêu xuống đến Cà Mau có tất cả bảy con sông, trong đó sông Cửa Lớn là một con sông lớn rộng chừng 500-600 thước và sâu có trên 10 thước. Từ cửa sông dần về thượng nguồn sẽ nhìn thấy các con kênh, rạch, mương do con người đào nên lan tỏa vào trong các xóm ấp. Ở đây còn kể rằng để vơ vét cho được nguồn tôm cá xử sở này, người Pháp đã cho đào rất nhiều con kênh, rạch như thế và nay vẫn còn ra đó. Dân hồi ấy sợ lắm, sợ theo kiểu dân gian: “Đến đây xứ sở lạ lùng, Con chim kêu cũng phải sợ, con cá vùng cũng phải kinh” thế nên  quân Pháp bảo rằng xáng la xáng liếc gì đó không rõ nữa, cứ đòi vào tận xóm ấp bắt con nít chở đi, cho nên hễ nghe đến xáng la là dân sợ bỏ đũa. Thực ra hồi ấy không có khoa học khoa hiếc gì trọi nên mới thế chớ kỳ thật đó là mấy chiếc tàu chạy trên sông của tụi Pháp chớ có gì đâu. Vậy đó, về sau ông Nguyễn Trung Trực đốt chiếc tàu Hy Vọng của quân Pháp dễ ợt.

            Dân nhiều nơi tập trung về đồng bằng Cửu Long sinh sống đông và rầm rộ nhất là sau khi thực dân Pháp chiếm được Sài Gòn-Gia Định. Tuy thế tình hình sinh sống của người dân nơi đây vẫn chưa thể ổn định lâu dài do cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Người dân bồng bế nhau chạy trốn để lại những đống đổ nát, xóm ấp bị thiêu hủy do bọn Pháp đã đi từng nhà, đốt từng lều. Thời giặc Mỹ đến cũng không hơn gì, chúng cũng đã đốt từng căn nhà của những người nông dân đồng bằng Cửu Long này. Từ đấy dân đồng bằng sông nước mang đời lưu dân trên những chiếc ghe cui, ghe bầu, họ vượt sông Tiền, sông Hậu tiến vào miệt Hậu Giang. Cứ theo các con kênh con rạch của đồng bằng mà đi miết. Nơi đâu có người ở, họ tạt vào trú ngụ làm quen, nhờ đỡ. Rồi cũng từ đó nơi đâu đồng cỏ bỏ không họ dừng chân xem phèn, xem nước, thấy được thuận lợi lại ra công khai phá trồng lúa nước. Đất đồng nhiều nên không ai tranh ai mà mạnh ai nấy khai phá, có nhiều công được nhiều đất ruộng, cho nên lòng người ở đồng bằng sông Cửu Long cởi mở, điều này đã thành thói quen tạo nên nếp sống của dân ở đây. Người ở đông càng vui và càng có lợi, có sự cộng hưởng nhau, nương tựa nhau trong quá trình phát triển khai phá đồng bằng, vì xa nơi chốn thị thành nên trộm cắp đâu có dễ bén mảng đến. Người đến cư trú đông xua đuổi thú rừng đi nơi khác, khỏi phá hại cây trồng. Gieo một công ruộng, nếu chỉ một mình giữa đồng thì chuột cắn đủ hết, còn nếu gieo mấy trăm công ruộng thì chuột cắn phá mỗi công một ít, vẫn hơn. Thế nên những lưu dân từ các miền đến với đồng bằng Cửu Long giang đã hình thành được tinh thần cởi mở, chuộng khách, mến khách. Những người đến sau sinh sống, được những người đến trước giúp đỡ về mọi mặt. Đây là một tính cách đặc trưng của người dân miền Hậu Giang từ thế kỷ thứ XX về trước. Trong mỗi nhà có bộ ván dùng tiếp khách, khách có thể ở ăn, được mời rượu mỗi ngày mà không tính toán, lại còn cho mượn dụng cụ, ghe xuồng, chỉ cho nơi nào đất còn bỏ hoang mà khai phá trồng lúa, rau màu.

            Những lưu dân đến với sông nước Hậu Giang với khát vọng cháy bỏng là khai phá để có được một mảnh vườn, thửa ruộng tạo được một cơ ngơi ổn định lâu dài nơi quê hương mới đến. Họ chọn những miếng đất nằm bên sông rạch để tiện xổ phèn, chống úng, lại thụân lợi trong việc giao thông đi lại. Ngày nay có thể nhận thấy cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung đều sống dọc theo các sông rạch. Kênh rạch là những tuyến giao thông quan trọng.

Vũ điệu Khơ me, Trà Vinh (Ảnh: VVH)

 Phan Thiết, ngày…tháng…năm 20…

            Phan Thiết, trời ngả vào chiều, nắng bớt phần gay gắt lấp loáng trên đường phố. Vòng một tour quanh Thị xã nơi nổi tiếng làm nước mắm ngon không đâu sánh kịp, họa lắm chỉ có Phú Quốc mới có thể sánh ngang mà thôi, chứ Đà Nẵng có nước mắm Nam Ô cũng chưa cạnh tranh được. Ngang qua đoạn có lầu Ông Hoàng trên dãy núi kéo dài ra thành Mũi Né. Giai thoại kể rằng: nơi đây trước kia thi sỹ Hàn Mặc Tử cùng với Mộng Cầm thường đáp thuyền từ trong Phan Thiết vượt biển ra Mũi Né, có khi ra tới Hòn Rơm dạo chơi, ghé lại lầu Ông Hoàng chuyện vãn những khi Hàn Mặc Tử nghỉ dạy học cuối tuần. Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất của thi sỹ Hàn Mặc Tử. Về sau có nhạc sỹ cảm hứng  tình yêu trắc trở đã viết nên ca khúc về mối tình say đắm của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm: Lầu Ông Hoàng đó thiết tha hai người nguyện ước có nhau… và đến nay thì chuyện tình ấy “Tang thương còn lại mảnh trăng rơi” như câu thơ trong bài Ơi Phan Thiết của Hàn Mặc Tử.

            Lại đi trên cát đồi Hồng, mịn bàn chân biết nhường nào. Bạn không thể nào hình dung được nếu phải mang cả giày dép băng ngang qua một đồi cát mênh mông. Mấy anh chị Khiêm, Hải, Lan, Huyền là vui háo hức, đã nắm cả giày dép trên tay rồi. Một cô gái cùng đi, chắc miệng: Ôi ! Đi trên cát như đi trên trên bột. Đã hề gì ! Chưa mất thở và cũng chưa lịm người như ngày nào đi trên những con đường đèo miền Tây bắc. Lại nghĩ, chẳng có khí hậu gió mùa mang hơi nước từ biển kéo vào thì chắc Phan Thiết sẽ có rất nhiều đồi Hồng thế này và không chừng có nơi trở thành hoang mạc cũng nên. Cát đồi Hồng là sự hào phóng của thiên nhiên tặng cho loài người những tác phẩm kỳ diệu, đã có hàng trăm nhà nhiếp ảnh đến đây, băng vào bãi cát đồi Hồng chớp lấy khoảnh khắc đẹp nhất của cát sa hoàng khi hoàng hôn ráng đỏ trời chiều.

                                       Cát Đồi Hồng (Ảnh: VVH)

            Đứng từ Mũi Né, phía xa là Hòn Rơm ngả màu vàng nhẹ giữa chiều. Trời lại bắt đầu nặng nước, những đám mây tích chùng thấp bay ngang qua đầu. Biển thẫm màu vô tư trước những cơn giông xé rách một khoảng trời Phan Thiết. Đứng trước biển lòng lại đan xen  cái có – cái không. Tôi nhẩm đọc mấy câu thơ ai đó: Bước một mình thèm nghe tiếng sóng/ Dạt dào mũi Né hoàng hôn/ Ta còn đâu sóng vỡ chiều Phan Thiết/ Dấu chân ai trên cát đồi Hồng/ Ta hỏi bể vì đâu biển mặn/ Gió ngàn khơi ai kéo sợi tơ trời/ Dã tràng ơi dùng dằng chân ở lại/ Mây trên đầu vần vũ một cơn dông/ Ta lại về đâu bể dâu/ Lầu Ông Hoàng tình yêu người thi sỹ/ “Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”/ Biển bâng khuâng không níu được chân chiều.

Chừng hai tháng nữa lễ hội Ka Tê của người Chăm được tổ chức. Đây là lễ hội của người Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận. Theo lịch người Chăm ngày mồng 1 tháng 7 Chăm, tức từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 10 hằng năm của người Kinh. Bây giờ không chỉ người Chăm mà còn có cả người Kinh, người Raglai, người Ê đê … cũng tham gia. Lễ tổ chức tại tháp Pô Klong Garai. Ngôi tháp được cho xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV, tại đồi Trầu, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Tháp thờ vị vua Pô Klong Garai (1151 – 1205). Vị vua được người dân Chăm suy tôn là Thần Thủy lợi.

 Quy Nhơn, ngày…tháng…năm 20…

            Gió từ biển Quy Nhơn thổi lên mát rượi thành phố, tạt ngang qua khu hội chợ. Ngồi với Nguyễn Văn Trừ trên lề đường ngay quảng trường rộng lớn, uống một ly sinh tố. Trừ bảo:

            – Đến Quy Nhơn phải biết hải sản, nói khác là nhâm nhi đặc sản mới thích.

            – Đêm tối quá, hôm nay có hội chợ, ta vào khu triển lãm xem thôi. Quy Nhơn của Trừ về đêm mát rượi. Tôi đề nghị vậy.

            Trừ ngần ngại, bỗng đọc câu ca dao: Anh về Bình Định chi lâu/ Để em ra đứng hàng dâu ngó chừng.

            Kỳ này là mùa nắng, trời đang chuẩn bị cho mưa đầu mùa, sẽ có những món đặc sản dân gian tuyệt vời, toàn là đặc sản biển thôi Cẩm Lệ nhá. Quy Nhơn có đủ loại tôm cua, cá, ghẹ, ốc, hàu… thế nhưng ngon miệng hơn cả là cá nướng và gỏi cá. Nướng thì có loại cá mú, cá hồng… lai rai với bia Bình Định xanh lùn thì tuyệt. Hoặc là hàu (sìa) hấp, ghẹ um, hoặc luộc, mực ống mà xáo với tỏi là hấp dẫn hết chê nha. Lại còn có gỏi cá mai, cá mai chỉ xuất  hiện khi gió nam thổi mạnh. Hay là gỏi ốc. Đặc sản như thế là của nhà quê giá vừa phải nhưng lại khoái khẩu. Cá đuối đem hấp cuốn bánh tráng rau sống hay làm lẩu cá đuối rất ngon.

            Chúng tôi nhâm nhi ly sinh tố, Trừ giới thiệu:

            – Không có thời gian chứ mời anh về Tam quan quê tôi thì thoả thích, tha hồ. Ta hẹn nhau mùa hè tới được không. Anh lại vào đây với tôi đi ! Rồi Trừ đọc: Công đâu công uổng, công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan để thấy dừa quê tôi nhiều biết chừng nào.

            Tôi chưa hứa được, ậm ừ !

            Trừ lại nhiệt tình:

            – Này nhé, về quê tôi theo quốc lộ 1A đến đầm Trà Ô (Châu Trúc) ở huyện Phù Mỹ có món cá chình ngon lắm, có cả cá chình và cá chình mun, chình bông lại ngon hơn, ưa thích. Hay lên cửa Đề ghi (biển Đề ghi) là có chả cá. Anh về qua ngõ Đề ghi/ Nghe mùi chả cá chân đi không đành. Loại chả này không phải cá Đề ghi mà là cá thu có vị ngọt lợ. Rồi mắm thu nữa Cẩm Lệ nhá, thơm ngon nhưng lại phải gọi mắm cá thu Tam quan quê tôi là “ông nội”. Nơi quê tôi là xứ dừa – dừa Tam quan mà – thế nhưng lại có mắm cá thu sánh với Phan Thiết hay Nam Ô của anh ngoài Đà Nẵng vậy. Loại mắm này có đến trăm năm nay. Thời Pháp, dân làm mắm quê tôi cho vào hủ sành gắn sáp bán khắp xứ Đông Dương chứ gần đâu. Mắm cá thu mà chấm với bánh tráng dừa Tam quan thì hợp khẩu vị, khách nhâm nhi quên đường về luôn. Bánh được tráng bằng nước cốt dừa và cơm dừa với bột gạo, thêm mè hạt, hành, tiêu. Nướng bánh và ăn thật béo, ngon. Tôi cắt ngang:

            – Bánh to bằng cái nia, vừa vác vừa ăn phải không!

            Trừ cười:

– Quê tôi ngó vậy mà phong phú dữ đa, còn thêm nào bánh tráng ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ là bánh tráng hủ tiếu làm bằng bột mì tinh lọc. Bánh đem nướng lên, ăn xốp, giòn, hay lắm nghe. Toàn là các món nhà quê chứ có nhà hàng nhà hiếc gì đâu mà Cẩm Lệ ngại ngùng.

            Còn nếu ngược lên miền sơn cước, theo quốc lộ 19 đến Phú Phong thuộc huyện Tây Sơn vùng sông Côn có mấy món lạ miệng mà ngon. Chẳng hạn là gié bò. Đây là món đặc trưng  miền núi Phú Phong. Gié là ruột non con bò nấu với lá giang rừng vừa đắng lại vừa chua. Hay lắm nghe ! Không có dịp nào mình thử coi. Ngon hết biết ! Tôi nghi vấn: Có giống như mùi thắng cố vùng Tây Bắc không anh? Ồ không, là đặc sản mà Cẩm Lệ! Và rồi vùng núi này còn có món chim mía, đây cũng là món đặc sản quê hương Tam kiệt. Chim mía xuất hiện nhiều vào những tháng đầu xuân, khi mà mía bắt đầu trổ cờ. Gọi là chim mía vậy, chứ có cả chim chìa vôi (chiền chiện), chim sẻ, chim sâu, đội mũ (chắc mào)… đều gọi chung là chim mía. Cẩm Lệ biết không, đến chợ huyện xã Phước Lộc, Tuy Phước, quê hương cụ Đào Tấn đó, gặp nem chợ Huyện không nếm không xong. Trăm năm nay nổi tiếng khắp tỉnh, ngoài tỉnh nha, lên cả vùng Tây Nguyên nhấm nháp với rượu cần nữa nghe, Vào vùng Ninh Hoà, nem chua chợ Huyện ở Tuy Phước sánh ngang đặc sản Khánh Hoà chớ đừng có giỡn. Nem Thủ Đức hay nem chả Hòa Vang của anh có ngon cũng đến mùi vị như nem Huyện của tỉnh tôi thôi ông Cẩm Lệ à !

            Trừ vỗ tay  một cái, tiếp:

            – À quên. Nem mà nhấm với rượu Bầu Đá thì sướng hết nhớ. Rượu này có nhiều ở xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn đó. Tuyệt chiêu, rượu nặng thụt lưỡi, nhưng ngon, phải không ?

            Tôi gật gù vì đường xa thấm mệt, qua một chuyến dài ngày rồi mà ! Đêm nay ngồi với Trừ tại Quy Nhơn sau hai mươi tám năm lúc tôi học trường sư phạm Quy Nhơn, nay mới có dịp lại về, nhưng tiếc không lên được ghềnh Ráng, xem lại bãi Đá Trứng, dốc Mộng Cầm, mộ Hàn Mặc Tử mà thời đi học tôi đã bao lần nắm tay Thương Thương – người bạn gái ngày nào – dạo bước trên ghềnh, leo lên dốc nghe gió biển tạt hơi muối mằn nặm thấm vào mối tình học trò thuở ấy của tôi.

            Đêm đã khuya, chia tay Trừ trong lòng lưu luyến đã đan xen./.

                                      Bánh tráng nước dừa (St)

 

* Ảnh đại diện: VVH.

[1] Có 44 dân tộc ở Tây Nguyên.

[2] Chỉ dân tộc Sê đăng, Kơ ho ở Kon Tum mới có nhà rông, hoặc người Cơ tu ở phía tây Quảng Nam, Đà Nẵng, giáp với Ngọck linh mới có nhà rông và người Cơ tu gọi là nhà Gươl.

[3] Dăm hia: điệu hát ru của người Ê-đê.

[4] Hát ru người Ba Na. Bài Ru em. Lời Ba Na: Lung oh. Nẽ nhâm ơ mã pơmãi eng kơdih/ Thẽng thẽng ơ oh mẽ oa tanh brai wai khăn/ Mẽ tanh ăn kơ ba mẽ wã pơyua kơ ũnh hnam/ Thẽng thẽng eng bân đa khăn nao đei ao plâng/ Ơ Mẽ oh nhâm mẽ dah tơmân oh quãng quãng/ Mẽ năng oh hrễ ih ngih mẽ dah iok pĩn ăn mâm/ Thẽng thẽng oh thẽng tepdah tep eng oh eng/ Bơh mẽ tõ đon mẽ xở ngon oh nhân luxk/ Ơ Mẽ oh quăng quăng oh hnhăng oh bắt kơ mẽ dĩ/ Thẽng thẽng, tep dah tep, oh mã pơ maixeng kơ dih. (St).

[5] Tháng 8 đã giữa mùa mưa ở Tây Nguyên.

[6] Thị trấn Đăk Tô.

[7]Xuân trên buôn (Dân ca Ê đê. St).

[8] Chợ nằm gần con kinh đào nên gọi thế.