Võ Văn Hòe và “Địa danh Quảng Nam
xưa & nay”
(Đọc tác phẩm mới xuất bản của nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe)
Võ Văn Hòe là nhà nghiên cứu sinh năm 1953 tại Đà Nẵng, từng học trường trung học Hòa Vang, Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn và Đại học Sư phạm Huế, là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng từ năm 2007 đến năm 2018. Anh đã cho ra mắt cuốn sách “Địa danh thành phố Đà Nẵng” vào năm 2011 và đến tháng 3 năm 2020 đã cho in cuốn sách “Địa danh Quảng Nam xưa & nay” Quyển 1 (Nxb Hội Nhà văn).
“Địa danh Quảng Nam xưa & nay” Quyển 1 gồm:
Phần 1: Những vấn đề liên quan địa danh Quảng Nam
Phần 2: Sưu tập địa danh Quảng Nam (các địa danh của Quảng Nam được xếp theo mẫu tự A,B, C…)
Ở Phần 1, Võ Văn Hoè đã lược qua lịch sử hình thành vùng đất Quảng Nam: “Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, trước kia đất Quảng Nam là đất Việt Thường, đời Tần thuộc về Tượng quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Khu Liên lập ra nước Amavarati (Lâm Ấp), một tiểu vương quốc phía Bắc Chămpa. Năm 605, nước Lâm Ấp của Vương quốc Chămpa đổi thành quận Hải Âm.
1. Thời Trần (1306-1470): Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng 2 châu Ô và châu Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần. Vua Trần Anh Tông đổi 2 châu Ô và Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu (từ Nam đèo Hải Vân đến bờ Bắc song Thu Bồn)”.
Chú thích bên lề của người đọc: “Nhà nghiên cứu Georges Maspero kể về việc Chămpa nhượng 2 châu Ô và châu Lý (châu Rí) cho Đại Việt: “Nhân Tông đã thoái vị để con trai ông lên ngôi vua, vào chùa tu và từ ấy được gọi là thái thượng hoàng. Khi đã có nhiều danh hiệu tôn quý sau khi thoái vị, ông chợt có ý muốn thăm thú xứ sở và những thánh địa của những quốc gia lân cận. Năm 1301, khi một đoàn sứ thần của Chămpa sang Đại Việt triều kiến vua Anh Tông, ông đã đi theo các sứ thần viếng thăm Chămpa. Ông ở lại Chămpa suốt 9 tháng, sống trong triều đình và vua Jaya Sinhavarman thân thiện và hiếu khách đến mức, trước khi trở về Đại Việt, ông đã hứa gả một trong những người con gái của ông cho Jaya Sinhavarman. Với vua Jaya Sinhavarman, những người đẹp Chămpa chưa đủ; ông còn rất thích những cuộc hôn nhân với những công chúa ở nước ngoài. Ông đã từng cưới một công chúa của đảo Java, tức hoàng hậu Tapasi. Giờ đây, ông lại muốn cưới một công chúa của Đại Việt. Triều đình Chămpa tìm mọi cách ngăn cản một cuộc hôn nhân được cho là có thể làm cho hoàng gia và xứ sở Chămpa bị tổn thương. Các cận thần đã khuyên một lần cuối cùng vua Anh Tông không nên chấp nhận cuộc hôn nhân này. Nhưng vua Anh Tông có đầu óc rất thiết thực, biết hy sinh tình cảm gia đình cho lợi ích của đất nước. Ông nhận hai châu Ô và châu Rí và gả em gái là công chúa Huyền Trân cho vua Jaya Sinhavarman. Các trí thức Đại Việt đã sáng tác những bài vè châm biếm vua Anh Tông, nhắc mọi người nhớ lại việc vua nhà Hán đã gả Chiêu Quân cho vua rợ Hồ vào năm 306. Nhưng vua Anh Tông vẫn thản nhiên, ngay vào ngày rằm năm sau, đã sai Đoàn Nhữ Hài sáp nhập hai châu Ô và châu Rí vào lãnh thổ Đại Việt, đổi tên lại là Thuận châu và Hóa châu. Một số làng mạc của người Chămpa không chịu thần phục và Đoàn Nhữ Hài đã phải cử ra những viên chức người Chămpa, phân phát đất đai và miễn thuế trong 3 năm…Tuy nhiên vua Jaya Sinhavarman đã không có được hạnh phúc dài lâu với nàng công chúa Đại Việt: ông mất vào ngày rằm thứ 5 của năm 1307 ấy” (Le royaume de Champa).
2. Thời Lê (1471-1604): Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông sắp xếp các đơn vị hành chính trên cả nước, chia nước thành 12 đạo Thừa Tuyên, trong đó Thuận Hóa Thừa Tuyên gồm 2 phủ: Tiên Bình và Triệu Phong. Bấy giờ phủ Triệu Phong có 6 huyện, 2 châu: huyện Vũ Xương, huyện Đan Điền, huyện Hải Lăng, huyện Kim Trà, huyện Tư Vinh, huyện Điện Bàn; châu Thuận Bình, châu Sa Bôi.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông lập thêm đạo thừa tuyên Quảng Nam – đạo thứ 13 của nước Đại Việt, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Phủ Thăng Hoa chính là vùng đất của tỉnh Quảng Nam ngày nay. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), Lê Thánh Tông đổi địa danh thừa tuyên thành xứ. Theo đó, thừa tuyên Quảng Nam đổi thành xứ Quảng Nam. Năm 1509-1516, dưới thời Lê Tương Dực niên hiệu Hồng Thuận, đổi xứ thành trấn, xứ Quảng Nam đổi thành trấn Quảng Nam.
Chú thích bên lề của người đọc: “Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về tình hình rối ren ở vùng đất biên cương của xứ Quảng: “Mất Quảng Nam, đối với Chămpa, gần như là mất tất cả, là mất phần cốt lõi nhất của quốc gia. Cho nên trong suốt gần 2 thế kỷ, người Chăm đã vùng vẫy phản kích quyết liệt. Suốt thế kỷ 14, hàng chục lần quân Chiêm đã đánh ra chiếm lại vùng đất bị mất, thậm chí đánh sâu cả vào đất Việt, 3 lần ra tận Thăng Long…” Nguyên Ngọc cho biết chiến dịch quân sự năm 1471 của vua Lê Thánh Tông đã diễn ra trong tình hình rối ren ấy của xứ Quảng: “Chính trong điều kiện đó đã diễn ra trận đại chiến quyết định của Lê Thánh Tông năm 1471. Ý đồ chiến lược của Lê Thánh Tông trong trận đánh được chuẩn bị hết sức chu đáo này là rất rõ ràng: tiêu diệt trung tâm đề kháng Trà Bàn, vĩnh viễn đập nát ý chí kháng cự, phản kích của Chiêm Thành, và để đảm bảo cho mục đích đó, thiết lập một không gian Việt mới hoàn chỉnh, mà ông sẽ đặt tên là Quảng Nam thừa tuyên đạo, đạo thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt, kéo dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông… Hoàn thành chiến công vĩ đại đó, Lê Thánh Tông đã cùng một lúc giải quyết được mấy vấn đề trọng yếu nhất, trong đó có việc mở rộng hơn bao giờ hết con đường phát triển về phương Nam của dân tộc. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà vị vua anh hùng và nổi tiếng uyên thâm, vị chủ soái Tao Đàn ấy, đã chọn 2 chữ đầy ý nghĩa để đặt tên cho vùng đất mới này: Quảng: mở rộng, Nam: về phương Nam…” (Tìm hiểu con người xứ Quảng)
3. Thời chúa Nguyễn (1604-1802): Năm 1604, Nguyễn Hoàng tách huyện Điện Bàn, cho thuộc phủ Triệu Phong quản lĩnh 5 huyện: Tân Phú, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, , Phú Châu thuộc trấn Quảng Nam, lấy huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa đặt thành huyện Lễ Dương, đồng thời lấy huyện Hy Giang đặt thành huyện Duy Xuyên. Năm 1611, lấy đất phía Nam núi Cù Mông đến núi Đá Bia đặt thành phủ Phú Yên, gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, cho lệ vào trấn Quảng Nam…
4. Thời các vua Nguyễn (1802-1945): Năm 1803, vua Gia Long lên ngôi, lấy đất Quy Nhơn lập thành dinh Bình Định; lấy Hòa Nghĩa là dinh Quảng Ngãi cũ lập ra dinh Quảng Nghĩa. Dinh Quảng Nam cương vực còn lại chỉ là vùng Thăng Hoa và Điện Bàn.
Năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13), vua Minh Mạng cải tổ hành chánh trên cả nước, đổi trấn và dinh thành tỉnh. Trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam, tỉnh lại chia thành 2 phủ…” (Địa danh Quảng Nam xưa & nay, quyển 1, tr. 35, 36, 37, 38)
Võ Văn Hòe cho biết: “Sau nhiều năm, nay cơ bản mình hoàn thành tập sách “Địa danh Quảng Nam xưa & nay”, chia thành 5 quyển. Bước đầu đã xuất bản quyển 1 do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép. Hiện tại quyển 1 đã in xong, bạn nào có nhu cầu tìm hiểu về địa danh vùng đất Quảng Nam xưa – nay, xin liên hệ để biết, mình gửi sách đến nơi.
Sách có dung lượng 712 trang, khổ 14,5 x 20,5.
Ảnh: Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe và tác phẩm “Địa danh Quảng Nam xưa & nay”