VÕ VĂN HÒE – HỒ TẤN TUẤN – LƯU ANH RÔ: Người Pháp giới thiệu về Đà Nẵng (Rút rong sách “Văn hóa xứ Quảng một góc nhìn”)

413

            NGƯỜI PHÁP GIỚI THIỆU VỀ ĐÀ NẴNG

 

Ảnh là một nguồn sử liệu vô cùng quí giá, nó là nguồn sử liệu có độ chính xác rất cao, giúp cho nhà nghiên cứu khảo cứu, khảo tả một cách thuyết phục hơn những vấn đề mà họ đang bàn. Tuy nhiên, cũng như việc sưu tầm, nghiên cứu ảnh tư liệu tại nước ta, đến nay việc sưu tầm, bảo quản, công bố những bức ảnh về Đà Nẵng xưa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bằng những bức ảnh tư liệu quí về Đà Nẵng mà chúng tôi vừa có được, xin được giới thiệu đôi nét về chiến lược quảng bá “Đà Nẵng xưa” của người Pháp nhằm giúp bạn đọc xa gần thưởng lãm và có điều kiện hơn trong việc đối chiếu với “Đà Nẵng nay”, một thành phố đang trên đà phát triển vượt bậc bên bờ sông Hàn lộng gió này.

Ngành nhiếp ảnh thế giới ra đời từ năm 1839 do nhà sáng chế Daguerre phát minh, nhờ đó loài người mới biết đến một loại công cụ làm cho “một khoảnh khắc trở nên mãi mãi”[1]. Một điều khá thú vị là, chỉ một thời gian ngắn sau đó, kỹ thuật nhiếp ảnh đã có mặt tại Việt Nam, mà bức ảnh đầu tiên về nước Việt Nam lại được chụp tại Đà Nẵng do một sĩ quan người Pháp tên là Jules Itier chụp ngày 31.05.1845 với loại máy Daguerreréotype, phim là một tấm kim loại bằng đồng có tráng bạc[2]. Tiếp đó, cuộc chiến tranh tại Cửa Hàn năm Mậu Ngọ (1958 -1860), hàng loạt những tấm ảnh được các sĩ quan Pháp chụp tại cuộc chiến này được chuyển về Pháp, đăng tải nhiều kỳ trên các báo tại Pháp[3]. Những tấm ảnh còn được đến ngày nay là nhờ lúc bấy giờ chúng được chuyển sang công nghệ khắc đồng để in hàng loạt, người ta gọi là inconographie (âm Hán – Việt gọi là ảnh tiếu tượng).

Một tấm ảnh khác có giá trị lịch sử được ghi tại Đà Nẵng là: Năm 1862, Pháp cử hạm trưởng tàu chiến Forbin là Simon đến cửa biển Thuận An để đưa thư thông báo triều đình Huế cử phái đoàn qua Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Chiến hạm trên đã ghé lại Đà Nẵng trước khi đến Huế. Nhìn tấm ảnh này ta thấy: quan Tuần vũ Quảng Nam đã tổ chức đón tiếp phái đoàn của Simon ngay trên bãi biển, với thể thức đúng như tiếp một đoàn sứ giả ngoại quốc đến Đà Nẵng. Sau đó, vua Tự Đức liền cử Phạm Phú Thứ sung chức Phó sứ cùng với Chánh sứ là Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Ðản sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Ðông. Một điều độc đáo nữa là, cụ Phạm Phú Thứ (quê ở Điện Bàn, Quảng Nam) cũng là người Việt đầu tiên ghi chép tỷ mỉ về cách thức chụp ảnh lúc bấy giờ [4]. Từ khi cụ Phạm chép về cách thức chụp ảnh đến nay, kỹ thuật nhiếp ảnh thế giới không ngừng được hoàn thiện song mãi cho đến đầu thế kỉ XX chiếc máy ảnh vẫn còn rất thô sơ và chưa có các bộ phận đo ngắm chính xác. Nhiều máy không có điều chỉnh vận tốc hoặc nếu có thì cũng chỉ có một hai vận tốc chậm. Độ nhạy của máy cũng rất giới hạn. Trong điều kiện khó khăn như vậy việc chụp được một tấm ảnh có bố cục cân đối, đường nét rõ ràng, sắc độ tương phản trung bình là việc không dễ dàng gì.

Theo hiểu biết của chúng tôi, lượng ảnh về Đà Nẵng thời Pháp thuộc hiện còn tương đối lớn. Căn cứ vào chủ đề, có thể phân chúng ra thành 3 loại khác nhau: một số tập trung ghi hình những cuộc chiến liên quan đến Đà Nẵng và những cuộc đàn áp các phong trào yêu nước tại Quảng Nam – Đà Nẵng từ 1858 đến 1925; một số ảnh tương đối lớn ghi lại những danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng (nhằm quảng bá cho du lịch); số còn lại thì ghi lại những công trình, những thành tựu do người Pháp xây dựng tại Đà Nẵng từ năm 1902 đến 1945 (để thu hút đầu tư). Trong tất cả các nguồn ảnh nói trên, hình ảnh về Đà Nẵng xưa xuất hiện nhiều nhất trong các tấm bưu ảnh[5].

Bưu ảnh bắt nguồn từ một loại hình của hoạt động bưu chính nhằm thay thế cho những bức thư phải dán kín bằng những tấm bìa có dán hay in sẵn tem, người sử dụng có thể viết thẳng nội dung thư lên bưu ảnh nếu như không có nhu cầu bảo mật, nhờ đó việc chuyển thư được nhanh và rẻ hơn. Loại hình này được Charlton phát minh ở Mỹ năm 1861 rồi chính thức trở thành sản phẩm độc tôn của cơ quan Bưu chính Pháp quốc vào năm 1873. Tại Việt Nam, ngay từ khi biết đến bưu ảnh, người Pháp đã tận dụng một cách triệt để ưu thế tiện ích vượt trội của nó để truyến bá “văn minh mẫu quốc”. Cần phải thấy rằng, chính quyền thực dân tại Việt Nam muốn dùng bưu ảnh để quảng cáo, thu hút đầu tư của chính quốc và các nước tư bản Châu Âu vào “vùng đất mới” này. Bằng những hình ảnh về các di tích lịch sử cổ kính, độc đáo còn khá nguyên vẹn, những công trình kiến trúc, giao thông hiện đại do thực dân Pháp xây dựng tại Việt Nam, người Pháp muốn chứng minh rằng Việt Nam là một vùng đất an toàn, đã được “bình định” và là một vùng đất tươi đẹp, giàu có với nhiều tiềm năng sinh lợi.

Vào đầu thế kỷ XX, nhờ những thành tựu tiến tiến nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh thời bấy giờ, bưu thiếp được khuyến khích phát triển mạnh mẽ tại Đông Dương. Tại Đà Nẵng, Toàn quyền Đông Dương chủ trương dùng bưu ảnh để giới thiệu Đà Nẵng như một thành phố “đẹp vào hàng bậc nhất Trung Kỳ” , một vùng đất đầy tiềm năng du lịch, “đã được bình định xong” và đặc biệt rất thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển kinh tế, thương mại cho những nhà tư bản chính quốc và Châu Âu. Vì lẽ đó, người ta thấy hình ảnh Đà Nẵng xuất hiện ngày càng nhiều trên các bưu thiếp thông qua những danh lam, thắng cảnh, những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc do Pháp xây dựng… Sau chiến tranh thế giới thứ Nhất, thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương, bưu ảnh trở nên là một công cuộc phục vụ đắc lực cho ý đồ “khai hoá văn minh” của Pháp. Vì thế, từ năm 1916, Phủ Toàn quyền Đông Dương có cả một cơ quan chuyên trách về phim, chụp, in ấn và phát hành bưu ảnh.

Căn cứ vào hàng trăm tấm ảnh mà chúng tôi hiện có về Đà Nẵng thì thấy người Pháp hoàn toàn có chủ đích khi giới thiệu về Đà Nẵng ở những khía cạnh sau: danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải, bán đảo Sơn Trà, sông Cổ Cò, Hải Vân quan cùng có mặt với những di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An… Bên cạnh những bưu ảnh về các danh thắng, người Pháp còn giới thiệu nhiều hình ảnh về một thành phố nhượng địa do mình thiết lập và xây dựng trên cơ sở “một Paris thu nhỏ” như chính quốc: Đây là hầm số 1 đường sắt Huế – Tourane, khu chợ Hàn nhộn nhịp, ga xe lửa chợ Hàn, bệnh viện dành cho người Pháp bên trong thành Điện Hải, Cổ viện Chàm, nhà thờ Con Gà, một Bà Nà thành phố trong mây thơ mộng, một Toà thị chính (nay là trụ sở UBND thành phố), công viên trung tâm, đài chiến sĩ trận vong… Đặc biệt, người Pháp còn hướng góc máy của mình về một góc làng Hải Châu ven sông khá thơ mộng, một thiếu nữ Đà Nẵng, những đứa trẻ đen nhẻm trần truồng trên bãi biển, những ngư dân Đà Nẵng với điệu cười thân thiện bên cạnh chiếc thuyền buồm… Chúng tôi đặc biệt thích thú những tấm ảnh về anh em nhà Morin và hai khách sạn Morin tại Đà Nẵng và Bà Nà và nhất là những thông điệp được nhắn gửi ở mặt sau của các tấm bưu thiếp này. Một bức ảnh chụp anh em nhà Morin đứng trước một giàn hoa đào chuông, dưới chân họ là những chậu lan sặc sỡ (có lẽ chụp trong một dịp xuân) tại khách sạn Morin ở Bà Nà[6]. Một tấm bưu thiếp có in hình khu phố Tây dọc theo đường Quai Courbet (tức Bạch Đằng hiện nay), với dòng chữ: “Anh đang ở Tourane, nơi những chiến binh của chúng ta dưới sự chỉ huy của Trung tướng Rigault de Gounelly từng chiến đấu để khai hoá văn minh cho xứ này!”. Một tấm khác in hình bãi biển Đà Nẵng, xa xa là Ngũ Hành Sơn với dòng chữ: “Em yêu, đây là Tourane, nơi anh đang sống và làm việc vào những ngày hè rực nắng!”…

Xin được nói thêm: Sau năm 1954, bưu thiếp do người Pháp in ấn, phát hành cũng dần bị mất đi cùng với sự thất bại của họ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Vì thế, những hình ảnh về Đà Nẵng trên bưu thiếp cũng bắt đầu giảm thiểu. Khi đất nước tạm chia làm 2 miền Nam – Bắc, nguỵ quyền Sài Gòn cố ý không muốn trao đổi bưu thiếp, thậm chí trong cuộc đàm phán với ta vào ngày 12.4.1955, phía Sài Gòn nêu yêu cầu bưu thiếp phải để ngỏ, chỉ được thông tin về gia đình, thậm chí họ còn qui định mỗi bưu thiếp chỉ có 5 dòng kẻ để sẵn giống như thời Đức quốc xã đã từng làm dành cho tù binh. Bên ta cật lực phản đối quyết liệt yêu cầu này và buộc họ phải tuân thủ yêu cầu tối thiểu là: bưu thiếp phải không kẻ, được viết trọn mặt phải về thông tin gia đình; mặt kia phía giữa có hình bản đồ Việt Nam, một bên ghi địa chỉ người viết, bên kia ghi địa chỉ người nhận và bưu thiếp phải có kích cỡ là 10x15cm. Cuối cùng phía Sài Gòn phải chấp nhận đề nghị của ta. Ngày 15.5.1955, chuyến bưu thiếp trao đổi đầu tiên giữa 2 miền được bưu tá hai bên trao cho nhau tại cầu Hiền Lương. Nhờ vậy, một số hình ảnh về Đà Nẵng lại được đưa lên bưu thiếp như: những giàn hoa giấy trên đường Bạch Đằng cạnh bờ sông Hàn, Cổ viện Chàm, Toà thị chính, hình ảnh những chuyến đò ngang sông Hàn… được trao đổi qua lại giữa hai miền Nam – Bắc làm ấm lòng những người con Đà Nẵng xa quê. Đến tháng 7.1956, nguỵ quyền Sài Gòn đơn phương chấm dứt trao đổi bưu thiếp giữa hai miền

Nhìn những tấm bưu thiếp với các chủ đề khác nhau, nhiều bố cục khác nhau, được ghi bởi những chiếc máy ảnh cổ lỗ sĩ (so với máy số của chúng ta hiện nay) chúng tôi chợt nghĩ những tay máy bậc thầy xưa đã khá thành công trong việc giới thiệu về một thành phố Đà Nẵng thật trẻ trung, năng động, rất hấp dẫn đối với khách du lịch và các nhà đầu tư bên ngoài. Vậy, với những công nghệ ảnh hiện đại như ta có ngày nay lẽ nào chúng ta không giới thiệu về Đà Nẵng được như người Pháp đã từng làm để quảng bá du lịch và thu hút đầu tư trong thời buổi hội nhập và phát triển này?.

Video Đà Nẵng 2022

 

[1] Mãi 50 năm sau đó, tấm ảnh đầu tiên được chụp bởi người Việt tại hiệu ảnh Cam Hiếu Đường ở Hà Nội do Đặng Huy Trứ lập nên.

[2] Bức ảnh này được ghi chú là “ĐonHai” tại Tourane.

[3] Nhà xuất bản Đà Nẵng đã in những tấm ảnh này vào tập sách ảnh “Đà Nẵng xưa và nay”.

[4] Trong cuốn “Tây hành nhật ký”, ông chép: “Trước hết, lấy nước thuốc xoa lên một tấm kính rồi đặt tấm kính vào ống kính; sau đó, người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người in lên tấm kính, không sai một sợi tóc. Tục người Tây thích chụp ảnh nhất, phàm những người mới quen biết nhau thì thích có ảnh của người quen; người trên, kẻ dưới đều như vậy vì người ta nói rằng, làm như vậy để tỏ ra không quên nhau”.

[5] Tại Pháp, bưu ảnh (còn gọi là bưu thiếp) về Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung hiện có ở một số địa chỉ như: Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO), Thư viện quốc gia Pháp, các nhà sưu tập tư nhân… Tại VN, chúng được lưu giữ ở Thư viện quốc gia, Trường Viễn Đông bác cổ (Trung tâm Thông tin khoa học và nhân văn quốc gia), các bảo tàng chuyên ngành, Viện Goethe, các cơ sở tư nhân… Đa số những bưu thiếp này đang bị phân tán và hầu hết đã bị biến màu, chất lượng bảo quản kém.

[6] Anh em nhà Morin sinh sống tại một vùng quê miền tây nam nước Pháp. Đầu thế kỷ XX, Arthur Morin và Aimé Morin sang Việt Nam để lập nghiệp. Năm 1905, cả bốn anh em nhà Morin quyết định đến tạo dựng cơ nghiệp tại Tourane, tức Đà Nẵng ngày nay. Khách sạn Morin Frères (tức khách sạn Bạch Đằng hiện nay) được xây dựng trong thời gian này. Chưa đầy hai năm sau, gia đình Morin thành công trong việc chuyển nhượng khách sạn Guérin Huế – Hôtel Guérin de Huê. Từng bước sau đó, anh em nhà Morin – Etablissements Morin-Frère thiết lập cơ sở ở miền Trung với Khách sạn Morin ở Bà Nà (Đà Nẵng), ở Quy Nhơn năm 1929 (Bình Định) và Bạch Mã (Thừa Thiên).

Ảnh đại diện: Tranh của Hồ Đình Nam Kha (Hải Vân quan)