VÕ VĂN HÒE – HỒ TẤN TUẤN – LƯU ANH RÔ: Làng nghề đá Non Nước (Rút trong sách Văn hóa xứ Quảng một góc nhìn)

462

                  LÀNG NGHỀ ĐÁ NON NƯỚC

       Qua các nguồn tư liệu và theo nhân dân địa phương cho biết thì nhiều làng cũ của phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn hiện nay, được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ XVII, một số ít làng có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ 16, khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, bắt đầu xây dựng cơ sở cát cứ và thực hiện chính sách khai hoang lập làng. Gần đây qua tài liệu văn bia mới phát hiện cho biết danh xưng Quán Khái xã (làng Quán Khái), ra đời muộn nhất cũng vào nửa cuối thế kỷ XVII, như văn bia chùa Phổ Khánh ở xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Văn bia được dựng vào năm Mậu Ngọ, Vĩnh Trị thứ 3 (tức thời vua Lê Huy Tông – 1678) 1. Nội dung bia nói về nhân dân làng Ái Nghĩa cúng ruộng đất cho chùa, còn người thợ đá khắc bài văn trên bia, quê quán ở tại Quán Khái xã. Như vậy, lúc bấy giờ đã có thợ điêu khắc đá của làng Quán Khái đi vào Ái Nghĩa (nay thuộc huyện Đại Lộc) để khắc bia cho làng này, điều đó cũng cho thấy, ít ra thì làng Quán Khái đã thành lập trước đó một khoảng thời gian khá lâu rồi.

        Đến thế kỷ XVIII, làng Quán Khái được chia làm hai làng, đó là làng Quán Khái Tây giáp và Quán Khái Đông giáp như sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn còn ghi lại 2. Trong hai làng này thì chỉ có làng Quán Khái Đông (hay Khái Đông), nhân dân ngoài làm ruộng, vẫn tiếp tục làm nghề điêu khắc đá, còn nhân dân ở làng Quán Khái Tây thì chỉ thuần nghề nông. Sau cách mạng tháng Tám (1945), làng Khái Đông thuộc xã An Trung, huyện Hoà Vang. Năm 1975 đến năm 1996 làng Khái Đông thuộc xã Hoà Hải, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ năm 1997 đến nay thì gọi là Khối 5 Khái Đông, thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Làng nằm cách chân núi Ngũ Hành Sơn về phía Nam khoảng 2km.

       Làng Khái Đông ngày xưa rất rộng, diện tích ước chừng hơn ngàn mẫu, có thể nói diện tích phường Hoà Hải hiện nay phần lớn là đất của làng Khái Đông xưa. Làng được chia làm 4 xóm: xóm Trung, xóm Tây, xóm Nam và xóm Phước Hải. Về địa giới, phía Bắc làng Khái Đông giáp với núi Ngũ Hành Sơn, lúc bấy giờ thuộc làng Khuê Bắc (nay thuộc phường Hoà Hải), phía Tây giáp với làng Quán Khái Tây (nay là phường Hoà Quý), phía Đông giáp với làng Tân Lưu và biển Đông. Còn phía Nam giáp với làng Tứ Câu, Cẩm Sa (nay thuộc xã Điện Ngọc, Điện Nam, huyện Điện Bàn).

         Nằm chắn ngang phía bắc làng Khái Đông là núi Ngũ Hành Sơn, thường gọi là núi Non Nước. Đây là cụm núi đá vôi với năm ngọn gồm Thuỷ Sơn (núi Chùa), Mộc Sơ (núi Mồng Gà), Kim Sơ (núi Đá Chồng), Thổ Sơn (núi Ông Biền) và Hoả Sơn (núi Ông Chài). Trong đó ngọn Thuỷ Sơn là cao nhất, khoảng 300m so với mặt nước biển. Trong núi có nhiều hang động tự nhiên rất đẹp. Với chất liệu đá cẩm thạch nhiều màu sắc và có độ dẻo, nên núi Ngũ Hành Sơn chính là nguồn nguyên liệu mà nhân dân làng Quán Khái Đông trong buổi đầu lập nghiệp đã khai thác và chế tác thành những công cụ, vật dụng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất của mình, dần dần hình thành nên làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng của xứ Quảng.

         Vào những thế kỷ trước, có một con sông chạy ngang qua địa phận của làng, sách cũ có ghi là Lộ Cảnh Giang, thường gọi là sông Cổ Cò. Sông Cổ Cò một thời nối liền sông Hàn và sông Hội An, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán giữa hai địa phương. Ghe Mành, thuyền buồm lúc bấy giờ đi lại thông thương tấp nập. Trải qua  thời gian và do điều kiện khác nhau, dòng sông Cổ Cò đã bị bão cát bồi lấp, đến nay dấu vết chỉ còn lại như con kênh thuỷ lợi nối những đoạn sông ngắn. Ngày nay, đoạn sông Cổ Cò nằm ở phía tây nam của làng có tên là sông Bãi Chài, đoạn phía tây bắc gọi là sông Ba Chà. Cả hai đoạn sông này có diện tích gần bằng nhau, mỗi đoạn sông có chiều dài hơn 2km, rộng khoảng 200m và có độ sâu trung bình gần 3m.

         Vào những năm đầu thế kỷ 20, cùng với việc thiết lập hệ thống đường sắt Bắc – Nam một đoạn đường sắt nối liền Đà Nẵng – Hội An cũng được xây dựng đi ngang qua địa phận của làng. Sau này người ta thay thế đường sắt bằng con đường nhựa để giúp cho việc giao thông giữa Đà Nẵng và Hội An được thuận tiện. Cùng với việc xây dựng đường sắt, cầu Biện cũng được xây dựng để bắt qua đoạn sông Cổ Cò, chạy qua địa phận làng Khái Đông vào Hội An. Qua nhiều lần sửa chữa cầu Biện nay dài 18m, rộng 8m.

        Nhân dân Khái Đông từ nhiều thế kỷ trước, sau khi khai phá đất đai lập làng, đã xây dựng đình làng để thờ thần Thành Hoàng làng và các vị có công khai phá đất đai lập làng. Đình Quán Khái Đông dài hơn 31m và rộng khoảng 20m. Cùng với việc xây dựng đình, nhân dân còn xây dựng chùa Thái Bình, nhà thờ tổ nghề điêu khắc đá, nhà thờ họ, đền miếu và chợ làng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chợ Quán Khái Đông ngày trước còn có tên là chợ đình (vì xây dựng gần đình) là chợ làng rất sầm uất, nằm bên bờ sông Cổ Cò, nên thường ngày trên bến, dưới thuyền kẻ buôn, người bán tấp nập. Chợ còn là đầu mối giao lưu buôn bán giữa Đà Nẵng và Hội An cũng như nhiều vùng phụ cận khác. Trong kháng chiến chống Pháp, đình làng Quán Khái Đông, chùa Thái Bình và chợ Quán Khái Đông bị giặc đốt phá triệt hạ. Hiện nay đình Quán Khái chỉ còn lại nền móng, còn chùa Thái Bình, nhà thờ Tổ nghề đá, thì được xây dựng lại vào năm 1957 và chợ Quán Khái Đông di dời ra gần khu vực cầu Biện, cách chợ cũ hơn 1km.

         Ngày trước dân làng Quán Khái Đông chủ yếu sống bằng nông nghiệp, còn nghề điêu khắc đá là nghề phụ trong những lúc nông nhàn. Trong những năm chiến tranh, nhất là vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, dân số làng Quán Khái Đông có sự biến động. Một bộ phận nhân dân di tản ra định cư dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, thuộc ấp Đông Hải của làng Khuê Bắc, tiếp tục sinh sống bằng nghề điêu khắc đá cổ truyền và dần hình thành nên làng đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay.

        Khi tìm hiểu về sự ra đời của làng nghề điêu khắc đá truyền thống Quán Khái Đông, chúng tôi đã khảo sát và nghiên cứu về nguồn tài liệu văn bia viết bằng chữ Hán – Nôm, bởi đây chính là nguồn tư liệu quan trọng, vừa mang tính thời gian (niên đại), vừa phản ánh tính nghề nghiệp, liên quan trực tiếp đến lịch sử hình thành làng nghề điêu khắc đá.

         Hiện nay, trên đất Khái Đông nói riêng, phường Hoà Hải nói chung còn lưu lại nhiều bia ký, bia mộ được làm bằng đá cẩm thạch và sa thạch. Trên núi Thuỷ Sơn có bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” và bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc”. Bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được người thợ đá Quán Khái tạc trực tiếp vào vách động Hoa Nghiêm, bia nói về nhân dân các làng xã ở chung quanh núi Ngũ Hành Sơn và Hội An, trong đó có tên các thương nhân người Nhật Bản và Trung Hoa đóng góp tiền của xây dựng chùa Phổ Đà, bia được lập vào năm Canh Thìn (1640). Còn bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được tạc vào vách động Vân Thông, nội dung nói về sự tích đức phật, bia được lạp vào năm Tân Tỵ (1641). Cả hai bia đều được chạm trổ và trang trí đẹp, bài văn  khắc giữa lòng bia là chữ Hán theo lối chân tự.

        Tháng 12 năm 2000, Giáo sư Trần Quốc Vượng và chúng tôi đã phát hiện dưới chân núi Mộc Sơn, hai ngôi mộ của ông bà họ Lê. Trên mộ của ông có ghi: “Việt Cố – Tướng thần lại Ty câu kê Lê quý bá chi mộ – Tuế tại Mậu Dần mạnh xuân cốc nhật”. Còn trên mộ của bà có ghi: “Việt Cố – Câu kê Lê công chánh thê Mai Thị quý nương chi mộ – Ất Dậu quý hạ cốc đán”.1 Cả hai ngôi mộ đều do con cái của hai ông bà phụng lập. Căn cứ vào hình thức, nội dung văn bia, chức tước và năm, tháng lập bia, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết đây là hai ngôi mộ của hai vợ chồng, ông là người họ Lê, giữ chức quan Câu kê (chức quan thu thuế), ở Tướng thần lại Ty Quảng Nam, một chức quan dưới thời các chúa Nguyễn. Bia được lập vào ngày lành, mùa xuân năm Mậu Dần (1638) và bà là người họ Mai, người vợ chính, khi mất mang tước hiệu của ông là Câu kê. Bia được lập vào mùa xuân năm Ất Dậu (1645). Nguyên trước hai ngôi mộ toạ lạc tại xóm Trung, làng Quán Khái Đông, cách mộ tiền hiền tộc Huỳnh hiện nay về phía Nam khoảng 300m. Năm 1977, để quy hoạch lại đồng ruộng, hai ngôi mộ phải cải táng, di dời về làng Trà Khê. Đến năm 1997, mộ lại được di dời lần nữa về khối 7 Đông Hải, cạnh núi Mộc Sơn.

        Ngoài ra, trên bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào năm Bảo Đại), được chép lại từ nội dung của sắc phong có ghi: “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thuỷ khai” (nghề đá xã Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên), “Bổn xã Huỳnh Bá tộc phụng lập”. Văn bia này phù hợp với lời kể của các bậc cao niên của làng Quán Khái Đông ngày nay, xác định rõ người có công đem nghề đá cổ truyền từ Thanh Hoá vào vùng đất Quán Khái là cụ Huỳnh Bá Quát, đồng thời cũng là vị tiền hiền lập ra làng Quán Khái, mà hiện nay bia và mộ cụ vẫn còn tại làng Quán Khái Đông. Còn 36 sắc phong mà triều đình phong kiến lúc bấy giờ sắc tặng cho làng Quán Khái, rất tiếc là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tất cả sắc phong, địa bạ của làng đã bị đốt cháy, cùng với đình làng Quán Khái.

        Bên cạnh bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh, còn có bia mộ tiền hiền tộc Lê, bia mộ tiền hiền tộc Nguyễn Quang… cũng là những tộc họ có công khai phá đất đai lập làng Quán Khái.

       Với những tài liệu văn bia nói trên đã giúp chúng ta hình dung được làng Quán Khái vào đầu thế kỷ XVII, đó là một đơn vị hành chính có tổ chức chặt chẽ, có người đã làm quan đến chức Câu kê. Qua văn bia, cũng cho thấy nghề điêu khắc đá lúc bấy giờ đã hình thành, chí ít cũng đã làm được bia mộ và bia ký để lưu lại đời sau.

        Cũng như nhiều làng xã Việt Nam cổ truyền khác, thuở mới lập làng, dân Quán Khái chú tâm vào nghề nông, quanh năm suốt tháng bám ruộng đồng, gian khổ với cuộc mưu sinh. Rồi những ngày mưa gió hay khi việc đồng áng rảnh rỗi, với nguồn nguyên liệu đá sẵn có từ núi Ngũ Hành Sơn, họ lại mang vác đồ nghề ra đục đẽo, tạo ra các đồ dùng thiết yếu cho gia đình và chỉ vẽ cho con cháu cái nghề của tổ tiên, cha ông để lại, nhắc nhở gốc gác quê hương và dòng họ của mình. Buổi đầu nghề này chỉ được xem là nghề phụ, phổ biến trong phạm vi gia đình, với tính chất cha truyền con nối. Cả làng lúc bấy giờ chỉ có khoảng 5-6 gia đình làm nghề. Do kinh tế tự cung, tự cấp, việc giao lưu buôn bán chưa phát triển, nên người dân Quán Khái quanh năm chỉ làm ra những vật dụng như bia mộ, bia ký, cối giã, chì lưới và các dụng cụ phục vụ cho trồng trọt trong nông nghiệp…

        Sang thế kỷ XVIII, khi có sự chia tách làng, thì chỉ người dân làng Quán Khái Đông còn giữ nghiệp cổ truyền, tiếp tục làm nghề điêu khắc đá. Họ sang phía Hoả Sơn che lều trại để khai thác đá núi và đẽo gọt thành các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của nhân dân địa phương.

         Đầu thế kỷ XIX, khi nghề đá làng Quán Khái Đông có phát triển khá hơn, cả làng lúc này có khoảng 10 đến 15 gia đình làm nghề, tập trung chủ yếu ở xóm Trung, sau đó là xóm Tây và xóm Phước Hải, nhưng loại hình sản phẩm vẫn chưa có sự đột biến gì lớn, chủ yếu vẫn là các sản phẩm dân dụng. Thế rồi trong những thập niên tiếp theo, triều đình nhà Nguyễn tổ chức tuyển lính thợ để phục vụ cho việc xây dựng lăng tẩm, cung điện ở kinh đô Phú Xuân, trong số đó có người thợ đá Quán Khái Đông, tên là Huỳnh Bá Triêm (còn gọi là ông Cửu Đàn). Trong thời gian làm việc tại kinh đô, ông để ý thấy những người thợ đá khắc chạm nhiều bộ ấm trà rất đẹp. Với tư chất thông minh, ham học hỏi, ông đã xem xét cặn kẽ cách chế tác. Khi mãn hạn lính, ông trở về làng và nghiên cứu chế tác thành công bộ ấm chén, khay trà bằng đá vân đỏ, mở đường cho việc làm đồ đá mỹ nghệ, với kỹ thuật chế tác nhẹ nhàng, ít tốn nguyên liệu mà sản phẩm lại đẹp, đa dạng về loại hình. Từ đây, người thợ đá Quán Khái Đông đã toả ra, đi làm nghề tại nhiều địa phương khác. Vì vậy ngày nay dân làng vẫn còn truyền tụng câu ca:

                  Lấy chồng thợ đá ăn chi

                  Mang ba mũi xó, xách đi, xách về

                  Em ơi, đừng nói mà quê

                  Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay

                  Ra đi chân dép, chân giày

                  Làng nào, xã nấy, vòng tay thưa thầy.

        Thợ đá làng Quán Khái Đông bắt đầu nhận lãnh toàn bộ việc làm đá, như xây lăng mộ, làm các trụ biểu, bình phong, làm đá hoa lát nền, làm mặt bàn, ghế, đồ thợ tự cho đình, chùa, miếu mạo và kể cả cho các gia đình khá giả cần trang trí vườn tược, nhà cửa. Chính nhu cầu ngày càng đòi hỏi nhân công nên nghề đá Quán Khái Đông ngày một phát triển phát triển thêm lên.

Sản phẩm đá Non Nước (Ảnh: St)

         Đến cuối thế kỷ XIX, cụ Hương Sum tên thật là Huỳnh Đàn, đã tạc thành công tượng sư tử, sau khi cụ vào Sài Gòn xem xét, tìm hiểu và về bắt chước làm theo. Sang đầu thế kỷ XX, do thị hiếu của du khách và nhất là Bảo tàng Chăm được người Pháp xây dựng, trong đó trưng bày rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm, nên các nghệ nhân nghĩ đến việc phục chế lại và tạc tượng để bán cho người Pháp. Để có nguồn nguyên liệu đá sa thạch cùng chất với tượng Chăm, họ phải lăn lội vào vùng Đại Lộc, Duy Xuyên để tìm nguồn đá. Người có công xây dựng các tác phẩm theo theo mô típ tượng nghệ thuật Chăm lúc bấy giờ là cụ Nguyễn Chất, người đã mở đường cho việc khắc chạm tượng người, tượng thú vật và làm đồ mỹ nghệ để bán…

        Với mục đích tạo ra nhiều sản phẩm với các chủng loại khác nhau, các thợ điêu khắc đã sáng tạo ra cách nhuộm đá, tạo thêm những chiếc vòng đeo tay xinh xắn từ màu trắng bạch nhuộm phơn phớt xanh, trông như những vòng ngọc bích, hồng ngọc hay mã não…

         Trong những năm kháng chiến chống Pháp, do nhu cầu về in ấn tài liệu, sách vở nên nghề in thạch bản xuất hiện. người thợ đá Quán Khái Đông ngày đêm lo sản xuất những phiến đá vừa trắng, vừa rộng, vừa đủ điều kiện  cho kỹ thuật in. Lúc bấy giờ nghề in thạch bản đã giải quyết nhu cầu sách vở, tài liệu cho các trường học, công văn, giấy tờ các loại cho các ngành quân, dân, chính của Liên khu 5.

       Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do hoàn cảnh của cuộc chiến tranh, nhiều hộ làm đá ở Ấp Trung, Ấp Tây… phải chuyển gia đình đến sinh sống dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thuộc làng Khuê Bắc và mặc dầu gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc kháng chiến nhưng những người thợ đá Quán Khái Đông vẫn kiên nhẫn duy trì nghề điêu khắc truyền thống để vừa có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống gia đình, vừa đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Để liên kết giúp đỡ nhau, họ lập hiệp hội kỹ nghệ nghề đá, một tổ chức tự nguyện nhằm mục đích bảo vệ, duy trì và phát triển nghề đá. Với việc lập hiệp hội kỹ nghệ nghề đá, làng nghề đã có những bước phát triển mới, đã sản xuất nhiều loại hình sản phẩm với trình độ kỹ thuật chế tác cao hơn trước. Người dân làm nghề đá Quán Khái Đông với bộ phận ra định cư tại làng Khuê Bắc đã lấy nghề đá làm nghề sống chính, dần dần hình thành tại đây làng đá mỹ nghệ, gọi là làng đá mỹ nghệ Non Nước.

        Sau năm 1975, khi đất nước hoà bình, thống nhất, hợp tác xã đá mỹ nghệ Non Nước được thành lập và hoạt động với 130 hộ xã viên, trong đó thợ điêu khắc có 150 người, còn lại hầu hết là lao động phổ thông. Sản phẩm lúc bấy giờ chủ yếu là vật liệu xây dựng, nguyên liệu khai thác tại chỗ, sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống. Các sản phẩm mỹ nghệ lúc đó có kích thước nhỏ gọn, số lượng chưa nhiều, chủ yếu là hàng lưu niệm cho du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

       Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường, Hợp tác xã đá mỹ nghệ Non Nước do không chuyển đổi kịp với cơ chế mới nên thua lỗ và giải thể. Một số hộ kinh doanh cá thể do nhạy bén và thích nghi với cơ chế mới nên phát triển mạnh cả về quy mô sản xuất lẫn cơ cấu mặt hàng. Các sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, không những trong nước mà còn ở nước ngoài như Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Úc…

       Làng đá mỹ nghệ Non Nước ngày nay là bước tiếp nối của làng nghề điêu khắc đá truyền thống Quán Khái Đông xưa, hiện phân bố dọc theo các tuyến đường chính của phường Hoà Hải như đường Lê Văn Hiến, đường Huyền Trân công chúa, đường 538, trên diện tích gần 3km, với 314 cơ sở sản xuất và buôn bán đồ đá mỹ nghệ, trong đó đường Huyền Trân công chúa – tuyến đường chính cho du khách tham quan du lịch – có tới 150 hộ, chiếm gần 50% hộ sản xuất kinh doanh của làng nghề.

          Với bề dày truyền thống trên dưới 400 năm, kể từ ngày một bộ phận dân cư vùng Thanh – Nghệ theo bước đường “Nam tiến” mở nước của nhà Lê đến vùng núi Ngũ Hành Sơn lập làng, lập nghiệp, các thế hệ nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đã sáng tạo ra nhiều loại hình sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, không những chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt vật chất mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức các giá trị tinh thần. Từ các sản phẩm thô sơ, giản dị với quy trình chế tác đơn giản chủ yếu làm bằng tay. Ngày nay các sản phẩm của làng nghề được chế tác với quy trình phức tạp, nhiều công đoạn được thay thế bằng máy móc tinh vi, hiện đại, đã góp phần làm ra nhiều sản phẩm có giá trị không những về mặt kinh tế, mà còn mang cả những giá trị đặc sắc, tiêu biểu về mỹ thuật. Thông qua bàn tay tài hoa và khối óc thông minh, đức tính lao động cần cù, bền bỉ sáng tạo của các nghệ nhân, hiện nay các sản phẩm truyền thống của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã được du khách ở nhiều nước trên thế giới biết đến, qua đó góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị đặc trưng của nền văn hoá dân tộc Việt Nam.

1 Hứa Văn Bảy: Bài văn bia ở một chùa làng, Tạp chí Văn hoá Quảng Nam số 23 – 2000.

2 Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục- Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, trang 84.

1 Hồ Tấn Tuấn: Phát hiện hai ngôi mộ thời Chúa Nguyễn ở Ngũ Hành Sơn, Những phát hiện mới hảo cổ học năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trang 512 – 513.