Video: Tấn Tạ – Vè Quảng Nam tung cánh chim bằng (Chuyển thể dân ca bài chòi).
Quảng Nam tung cánh chim bằng *
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say 1
Bậu về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng ta.
Dù xa chỗ ngõ cũng xa
Dù gần Vĩnh Điện, La Qua [2] cũng gần.
Đây đất mẹ, đây lời non nước
Nặng nghĩa tình sau trước một lòng
Đã sản sinh bao lớp anh hùng
Quả chẳng phụ với dòng sữa mẹ
Đà Nẵng, Sơn Chà, Miếu Bông, Cẩm Lệ [1]
Chuyện trăm năm còn kể chuyện Mù U [2]
Đất anh hùng làm run sợ kẻ thù
Tên Hải Vân, Cồn Dầu, Núi Lở [3]
Nay giặc Mỹ phải rùng mình khiếp sợ
Trước tên yêu của xứ sở anh hùng
Việt An [4] rực lửa chiến công
Núi Thành, Điện Ngọc [5] thây chồng chất thây
Bom rền Đà Nẵng, Chu Lai [6]
Lửa thiêng thiêu đốt hết loài xâm lăng
Ai đi Thanh Quýt, Điện Bàn [7]
Quê anh hùng liệt sĩ dòng chữ son sáng ngời
Tiếng anh hô: Hãy nhớ lấy lời tôi
Còn vang sông núi, còn sôi lửa hờn
Dừng chân trước Ngũ Hành Sơn
Vẫn nghe lời của nước non dịu hiền
Kìa thấp thoáng bóng thuyền ai đó
Có phải thuyền Lê Độ năm xưa [8]
Ôi cái tên đẹp tựa bài thơ
Sống kiêu hãnh như cảnh chùa Non Nước [9]
Gương Trần Dưỡng với bảy anh hùng Điện Ngọc [10]
Lừng lẫy chiến công, gan góc diệu kỳ
Bảo An, Gò Nổi ai về [11]
Cồn dâu xanh biếc miền quê tơ vàng
Quê hương chị Lý, chị Vân [12]
Chương Dương bến nước nghĩa tình nặng sâu [13]
Sông Thu in bóng cờ đào
Gương anh hùng Bùi Chát năm nào đánh Tây [14]
Ôi bao ngọn cỏ, lá cây, sông núi
Là bấy nhiêu tên tuổi anh hùng
Quảng Nam đất mẹ thành đồng
Cho tôi gửi trọn tấm lòng tin yêu
Dù giặc Mỹ, có bom nhiều súng lắm
Cũng chôn vùi cuồng vọng chiến tranh
Quảng Nam như bức trường thành
Đứng trong lũy thép miền Nam anh hùng
Lời thế ước như dao bằm xuống đất
Chống xâm lăng một mất một còn
Diệt bầy giặc Mỹ chưa xong
Máu chưa trả máu, quyết không làm người
Quyết giành lại đất trời cây cỏ
Đường tương lai rộng mở thênh thang
Mã Châu đẹp sợi tơ vàng [15]
Thuyền xuôi về phố Hội An thuận dòng
Cho câu nhân nghĩa thêm trong
Áo em đẹp cánh lụa hồng tung bay
Cho thành Đà Nẵng vui say
Cờ reo trong gió đón ngày vui ca
Vui từ Hà Nội vui qua cửa Hàn [16]
Đường quê rợp ánh sao vàng
Quảng Nam rợp cánh chim bằng tung bay. [17]
* Bài thơ của Hải Liên (1934 – 2020). Ông tên thật là Nguyễn Hải Liên. Quê quán tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, tp. Đà Nẵng. Ở tại tp. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
1 Truyền thuyết trong dân gian kể rằng: Ngày xưa, tại vùng Gò Nổi, một gia đình nọ chỉ có hai cha con sinh sống. Người cha đã luống tuổi rất thạo trồng dâu nuôi tằm, trồng lúa và nấu rượu. Người con gái tên là Hồng Đào, vừa tuổi đôi mươi, hiền hậu và xinh đẹp nhất vùng Gò Nổi, ngày ngày theo cha trồng dâu, dệt lụa mưu kế sinh nhai. Mỗi ngày vào buổi chiều, công việc nông – tang đã xong, cô gái Hồng Đào về nhà nuôi tằm, dệt lụa, và giúp cha bán rượu . Rượu được nấu từ gạo mới, ướp với trái đào chín, ủ chong hũ sanh chôn dưới đất đủ ba tháng mười ngày, nên rượu chín thơm ngon. Nhà cha con HồngĐào chiều nào cũng có khách đến uống rượu, từ đó rượu do cô Hồng Đào bán được người uống đặt tên là ruợu Hồng Đào.
2 Vĩnh Điện – La Qua: Thị trấn ở h / tx. ĐB, t. QN. Những câu in nghiên rút từ ca dao đất Quảng.
[1] Sơn Chà: Là q. ST. tp. ĐN. Miếu Bông: Làng thuộc xã Hòa Phước, h. HV, tp ĐN. Cẩm Lệ: Làng/xã hiệu, nay không còn là đơn vị hành chánh xã. Hiện là vùng đất thuộc một phần của p. Hòa Thọ Đông, một phần p. Khuê Trung và một phần p. Hòa Xuân, q. CL. tp ĐN.
[2] Chuyện Mù u: Là giai thoại về Ông Ích Khiêm, dùng trái mù u rải dưới đường để giặc Pháp dẫm lên trượt ngã, quân ông tiến đánh thắng lợi.
[3] Hải Vân: Núi / Ải; Cồn Dầu: Làng thôn / làng, hai địa danh trong kháng chiến lần II đánh Pháp, diễn ra các trận đánh trên đèo Hải Vân và Cồn Dầu giữa quân ta với quân Pháp ở h. HV, tp. ĐN. Tại đèo Hải Vân, ngày 22/5/1947, trận đánh giao thông đầu tiên trên đèo do Tiểu đoàn 19, thuộc Trung đoán 96 đánh. Trận đánh, ta loại trừ trên 100 quân Pháp, có đại tá Roger, phá 10 xe quân sự, nhiều súng trường, 2 súng trung liên, 5 súng tiểu liên và nhiều quân trang quân dụng khác. Núi Lở: Núi thuộc thôn Trường An, xã Đại Quang, nơi đây trong hai cuộc kháng chiến diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa ta với địch. Từ cứ điểm Núi Lở, quân Pháp có thể khống chế đến phía tây nam q. ĐL. Núi Lở là một đồn lính thời Pháp, được quân đội Mỹ củng cố trở thành một cứ điểm phòng thủ được coi là bất khả xâm phạm với 7 lớp rào kẽm gai và mìn sáng, mìn sát thương. Địa pháo từ Núi Lở khống chế một số vùng ở h. ĐL và vùng tây h. DX. Để đánh đồn Núi Lở, trong một đêm bộ phận đặc công Ba Gia đã phá vỡ lô cốt, tiêu diệt trận địa này. Trận đánh ở Núi Lở, Cầu Chìm đã đi vào ca dao kháng chiến: Cầu Chìm nổi tiếng đánh Tây / Núi Lở anh dũng phanh thây quân thù. Xuân Kỷ Dậu 1969, quân ta pháo kích vào ttr Vĩnh Điện, tiến công căn cứ An Hòa, , đánh q. Lỵ Đức Dục và các chốt địch phía tây h. DX, đánh tan tiểu đoàn pháo của Mỹ tại Núi Lở.
[4] Việt An: Làng Việt An có chợ Việt An ở h. Hiệp Đức, t. QN.
[5] Núi Thành: ở h. Núi Thành, nơi diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa Quân Giải phóng với quân Mỹ ở ngọn đồi Núi Thành, nổi tiếng trận đầu thắng Mỹ, được Nhà nước vinh danh “QN trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ“.
[6] Đà Nẵng, Chu Lai: Chu Lai là căn cứ quân sự khổng lồ của quân viễn chinh Mỹ, ở h. Núi Thành, t. QN.
[7] Thanh Quýt, Điện Bàn: Thanh Quýt là quê Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ và Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ở h / tx. ĐB, t. QN.
[8] Lê Độ: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê h. DX, t. QN.
[9] Chùa Non Nước: chùa tại ngọn Thủy Sơn, chùa lớn và đẹp nhất tại danh thắng NHS. Non Nước: tên gọi khác của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nơi đây có năm ngọn núi được đặt các tên: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trước đây còn gọi Ngũ Uẩn Sơn (tức năm chú kinh Phật: sắc, thọ, tương, hành, thức), hay Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay).
[10] Trần Dưỡng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, biệt động thành ĐN. Quê ĐN. Bảy anh hùng Điện Ngọc: Là 7 chiến sĩ Quân giải phóng được tặng thưởng Dũng sĩ Điện Ngọc, trong một trận đánh Mỹ – ngụy tại xã Điện Ngọc, h. ĐB, t. QN.
[11] Bảo An: Câu Bảo An, Gò Nổi ai về / Cồn dâu xanh biếc miền quê tơ vàng từ vè, dân gian rút ra đã trở thành ca dao quen thuộc tại đất Quảng. Bảo An, nay là thôn thuộc xã Điện Quang, tx ĐB, vùng Gò Nổi. Bảo An xưa tên là Phi Phú rồi đổi thành Phú An, Phú An Đông, Phú An Tây, An Phú Đông, Tây Nhị xã (thời Tây Sơn), Bảo Đông, Bảo Tây Nhị xã (Minh Mạng thứ 17, năm 1836). Thời Pháp thuộc, Bảo An là thôn của xã Phú Tân. Sau 1975, xã Phú Tân hợp nhất với xã Phú Mỹ thành xã Điện Quang thuộc h / tx ĐB. Làng Bảo An nổi tiếng về nghề dệt vải tơ tằm và buôn bán vải lúc xưa. Vải do làng dệt được gọi là vải ta, khổ hẹp, dệt trên những khung dệt vải thô sơ, mặt vải thưa, nhưng mịn, do người Bảo An biết rút kinh nghiệm từ cha ông ươm tơ dệt vải ở Đàng Ngoài, giao thoa với nghề tằm tang của người Chăm. Người Bảo An cũng học tập những bí quyết nghề dệt của người Minh Hương, do đó tơ lụa của Xứ Quảng không thua kém lụa, là Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng: Cây dâu là tinh khí của “sao cơ”, con trùng ăn lá thì làm ra văn chương, người ta ăn lá dâu thì ông lão trở thành tiểu đồng. Người xưa nói: hái quả dâu chín ăn, hoặc nấu cho thành cao bôi lên trên lá dâu phơi khô, đem cất lâu năm rồi ăn càng có gia vị, lá non dùng luộc ăn, còn vỏ sao khô mài làm bột miến ăn cũng được, trái để làm rượu dâu rất ngon và bổ. Trái dâu dùng làm rượu dâu có mùi thơm, ngọt. (Ngô Văn Ban, Địa danh QN qua ca dao, bản thảo, 2014).
Gò Nổi: Là hai làng ở h. ĐB, t. QN nơi ác liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ cũng là nơi kiên cường anh dũng nhất.
[12] Chị Lý, Tức Trần Thị Lý (1933-1992) có tên khác là Trần Thị Nhâm, quê làng Tư Phú, nay thuộc xã Điện Quang, h. ĐB, t. QN. Tham gia cách mạng năm 1948. Trong kháng chiến chống Pháp làm công tác thanh niên, phụ nữ giao liên của h.. Năm 1952 bị địch bắt, giam 9 tháng. Từ tháng 1-1955, phụ trách đường dây liên lạc bí mật của t. tại ĐN. Tháng 6-1955, bị địch bắt lần thứ 2. Tháng 11-1955, tiếp tục phụ trách đường dây bí mật của t.. Tháng 6-1957, địch bắt lần thứ 3, bị tra tấn dã man đến kiệt sức với hơn 50 vết thương, chị vẫn tuyệt đối không khai báo một điều gì có hại cho cơ sở. Tháng 10-1958, chị được tổ chức bố trí bí mật ra miền Bắc để chữa trị. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ nhan đề “Người con gái Việt Nam” đã nêu cao ý chí bất khuất của Trần Thị Lý.
Năm 1979, chị trở về sống tại ĐN, tiếp tục làm công tác xã hội. Ngày 2-2-1992, chị được Chủ tịch Hội đồng nhà nước nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chị mất năm 1992. Chị Vân tức Trần Thị Vân là 2 nữ anh hùng kiên trung, bất khuất trước sự tra tấn dã man của kẻ thù, thà chết không khai báo, đầu hàng địch.
[13] Chương Dương: Mật danh chiến khu của t. QN ở làng Gò Nổi, h. ĐB, trong kháng chiến chống Pháp, 1945.
Chương Dương là địa danh bến đò nằm phía hữu ngạn sông Hồng, thuộc h. Thường Tín, t. Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 1285, trong kháng chiến chống Nguyên-Mông, tướng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản mang quân đánh tan quân Nguyên tại bến sông này. Trên đường chiến thắng trở về Trần Quang Khải có cảm hòai bài thơ: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang sơn. (Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu).
[14] Bùi Chát (1925 – 1966): quê làng Thanh Hà, phủ ĐB (nay là xã Cẩm Hà, tp. HAn), t. QN. CMT8-1945 bùng nổ, cha ông tham gia du kích đánh Tây trong tổ chức vũ trang xã. Năm 1967, Bùi Chát 22 tuổi, tham gia tự vệ. Năm 1950, ông là một trong những thanh niên đầu tiên của thị xã HAn trở thành chiến sỹ biệt động (tự vệ thành). Năm 1947, trên đoạn sông Thu Bồn, giữa Câu Lâu – HAn, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ triệt phá hai ca nô của quân Pháp, ông dẫn một số biệt động bí mật đưa thủy lôi đến nơi ca nô neo đậu, kích nổ đánh chìm hai ca nô quân Pháp. Cuối năm 1951, ông được điều về Đại đội 68, bộ đội địa phương t. QN., làm Đại đội trưởng Công binh, nhận nhiệm vụ đánh phá địch trên đoạn đường đèo Hải Vân. Từ năm 1952-1954, ông chỉ huy phá hủy 3 đầu máy xe lửa, lật nhào 7 đoàn tàu, 18 toa xe, diệt 5 xe trên đèo và gần 2 đại đội lính Pháp. Tháng 12-1953, ông cho đại đội công binh đón đánh đoàn tàu chở lính Âu-Phi từ ĐN ra Huế, diệt 100 tên địch, thu 300 súng các loại và nhiều chiến lợi phẩm khác, mở màng chiến dịch Xuân – Hè vang dội trên chiến trường QN-ĐN.
Ngày 6/7/1954 trước khi ký Hiệp định Genève, cũng trên đường đèo Hải Vân, ông chỉ huy đơn vị đánh mìn lật nhào đoàn tàu chở một tiểu đoàn Âu – Phi. Với chiến công dũng cảm, Bùi Chát bầu Chiến sỹ thi đua Liên khu V, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3, Huân chương Quân công hạng 3. Sau hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc.
Ngày 31/8/1955, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ công hòa phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1966, ông trở về chiến đấu tại chiến trường miền Nam, làm chính trị viên phó Tiểu đoàn và anh dũng hy sinh trong năm 1966.
[15] Mã Châu: Làng Mã Châu, h. DX, t. QN nổi tiếng có nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Mã Châu là thôn Châu Hiệp, thuộc ttr Nam Phước, h. DX. Thời Minh Mạng, Mã Châu được chia thành bốn thôn là Mã Châu Đông, Mã Châu Thành, Mã Châu Tây và Mã Châu Thượng thuộc tổng Đông An, phủ ĐB, huyện DX, t. QN. Mã Châu có tên khác là Tứ Mã. Từ năm 1975, Mã Châu có tên hành chính là Châu Hiệp thuộc xã Duy An, h. DX. Năm 1986, ttr DX được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân cư của xã Duy An, và một phần diện tích tự nhiên của xã Duy Trung. Năm 1994, thị trấn Duy Xuyên bị giải thể để thành lập thị trấn Nam Phước. Như thế làng / thôn Mã Châu thuộc ttr Nam Phước, h. DX. Mã Châu có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng. Về phía đông nam làng Mã Châu, bên bờ bắc sông Bà Rén có bến đò Tơ nổi tiếng một thời. Thế kỷ XVII, nhờ sự thông thương của các cảng biển ĐN, HAn, thuyền bè dập dìu xuôi ngược về bến đò Tơ này. Bến đò Tơ xưa kia được coi như một thương cảng của huyện DX. Do sự đổi dòng của thượng lưu sông Bà Rén nên bến đò tơ đã bị phù sa bồi lấp. Nay, bến đò Tơ trở thành nơi trồng ngô khoai.
[16] Cửa Hàn: cửa biển nơi gặp nhau sông Hàn ĐN và biển.
[17] Bài vè ra đời khoảng từ năm 1965 – 1966, nhiều người cho rằng bài vè do Hải Liên (người xã Hòa Phước, h. HV, t. QN) sáng tác, sau khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam ngày 8-3-1965 bắt đầu từ bãi biển Phú Lộc, xã Hòa Minh, h. Hòa Vang, t. QN, nay là Khu dân cư Phú Lộc, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, tp. ĐN nhằm tiếp sức cho quân đội Sài Gòn đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, trong đó chiến trường QN – ĐN là cuộc đối đầu ác liệt nhất giữa ta và địch. Bài thơ đã được phổ biến rộng khắp trong dân gian thời chống Mỹ và đã tiếp biến vào dòng văn học học dân gian đất Quảng, được dân gian sử dụng rộng khắp với hình thức nói thơ, nói vè, bởi nội dung của thơ thể hiện tấm lòng của nhiều người, người dân thấy mình trong đó. Bài thơ dân gian hóa thành vè phản ánh hiện thực tinh thần yêu nước của con dân đất Quảng vùng lên cứu nước, cứu nhà. Như thế, thơ ca kháng chiến đất Quảng có một bộ phận đã đi vào kho tàng văn học dân gian.
* Ảnh đại diện: Sông Cẩm Lệ (nhìn từ trên cao).