VĂN HÓA DÂN GIAN HÒA VANG – PHẦN III – Tiết 2

332

                       LỄ HỘI GẮN VỚI SINH HOẠT

        Lễ hội tắt bếp làng Thái Lai xã Hoà Nhơn và thôn Trà Kiểm xã Hoà Phước

        Lễ hội tắt bếp tại huyện Hoà Vang gắn liền hình thái nông nghiệp lúa nước. Tại làng Trà Kiểm xã Hoà Phước vào ngày   tháng 10 và làng Thi Lai xã Hoà Nhơn vào ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm. Các làng (nay là thôn) trên có một ngày hội tắt bếp.

Trong ngày hội, họ gom lương thực, thực phẩm về đình làng nấu nướng tế thần xong cùng nhau ăn một bữa cơm chung trong tinh thần cộng cảm, tương thân tương ái, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Đây là lễ hội mang tình nhân văn sâu sắc mặc dầu lễ hội không diễn ra nhiều ngày có quy mô lớn, song qua lễ hội tắt bếp cho thấy nhân dân luôn lấy tinh thần cộng đồng làm trọng. Đây là biểu hiện của tư duy chủ toàn, cái toàn thể quyết định bộ phận, mối liên hệ giữa bộ phận và toàn thể do đó được gắn kết nhau. Mỗi gia đình là một thành viên của cộng đồng, thế nên gia đình luôn gắn chặt với cộng đồng làng xã. Hình thức tổ chức lễ hội như vậy lâu dần không bỏ được đã trở thành nếp sinh hoạt chung của cả làng, là ngày hội của toàn thể dân trong làng từ nam phụ lão ấu ai cũng đồng tâm nhất trí tham gia.

Hằng năm, đúng vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, tại thôn Thi Lai “bổn xã chức việc, toàn dân đẳng”, tất cả đều phải nghỉ việc nhà nông, tập trung về đình làng thực hiện lễ hội cầu an, mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng no đủ, toàn dân từ già đến trẻ không bị các loại bệnh dịch hoành hành. Toàn thể dân làng cầu xin thần Thành hoàng làng bảo an cho dân mọn mạnh khoẻ quanh năm, thực hiện được công việc nhà nông thắng lợi. Do suốt ngày vui chơi tại đình làng nên bếp nhà không đỏ lửa. Theo đó, nhân dân trong làng tạo thành lễ hội gọi là lễ hội tắt bếp.

Trước mồng 10 một ngày, các vị đại diện chư phái tộc trong làng đôn đốc trai tráng quét dọn đường làng, làm vệ sinh đường sá sạch sẽ, chống ô nhiễm môi trường. Tại đình làng, người ta cắm các cây cờ làng đuôi nheo nhiều màu sắc từ đình làng toả ra các đường kiệt, công hương, trông không khí lễ hội đang được nhóm lên. Trên các con đường chính của làng, các xóm cũng đã cắm các cây cờ xéo từ ngày hôm trước. Vào đến đầu làng đã thấy không khí lễ hội tắt bếp đang được chuẩn bị tươm tất.

Từ mờ sáng mồng 10 tháng 3, người dân trong làng nôn nao sửa soạn gạo mắm, củi đun mang ra đình. Tại đình có ban ẩm thực chuyên thu gom , sắp đặt, phân công chuẩn bị nấu nướng làm lễ tế đình. Trai tráng giúp các mẹ chị chẻ củi, gánh nước, bưng bê cho nhanh, kịp làm lễ tế Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền khai canh khai cư lập nên làng.

Lương thực, thực phẩm là các sản vật thổ nghi có tại địa phương. Vào tháng 3 âm lịch, trời bắt đầu nắng nóng, lễ vật dâng cúng phong phú vì đang là tiết trọng xuân nên sản vật phong phú. Thường có các loại măng, rau, củ, trái, thịt heo, gà, vịt địa phương do nhân dân trong làng tự nguyện mang đến. Lễ tế thần diễn ra trong buổi sáng, sau khi thực hiện các nghi lễ tế thần trong tiếng trống nhịp chiêng rung, trên tinh thần cầu xin cho làng xóm được bình an thể hiện trong bài văn cúng đình. Sau lễ,  toàn thể nhân dân trẻ già, trai gái đều ngồi chung lại tại sân đình ăn bữa cơm trưa trên tinh thần cộng cảm. Tại đây, người ta tìm hiểu về một loại giống lúa cho năng suất cao, loại cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương. Dân làng còn tìm hiểu nhau về tình hình sức khoẻ gia đình, con cháu học hành thi cử, đỗ đạt ra sao…những thành viên trong làng vì cuộc sống mà tha phương làm ăn nơi đất khách quê người, trong dịp Tết nguyên đán có về thăm nhà thăm quê kiểng hay không… Cả đến việc tìm hiểu nhau về tình hình gia cảnh, những thuận lợi, khó khăn, túng thiếu, đau ốm thất thường…đều đem ra giữa làng cho nhau biết nhằm thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn bất ngờ.

Đến chiều, trai táng thanh niên trong làng tổ chức các trò chơi dân gian còn lưu truyền tại làng như kéo co, thi đập om, nhảy dây, bao bố, đẩy cây, nấu cơm, vật tay, thi đấu cờ tướng, cờ gánh…Các bà mẹ, chị các cụ ông thường tập trung dưới gốc đa làng hát hò khoan đối đáp, nói vè hoặc kể chuyện về sự hình thành làng, các bô lão có công với làng, các dòng họ có công đóng góp cho làng đến các vị có đạo đức tốt, chăm lao động được nhân dân trong làng kính trọng; chuyện con em trong làng học giỏi nêu gương tốt trong học tập cho các thế hệ học sinh tại làng… đều được các cụ bô lão ôn lại. Trẻ em hát đồng dao, chơi các trò chơi của giới mình, đánh nẻ, ông làng,nhảy dây có đi kèm lời hát đồng dao. Trên cơ sở đó, con cháu biết được truyền thống lịch sử làng, các dòng họ có công xây dựng làng. Các câu chuyện cổ từ đó được lưu truyền trong các thế hệ tiếp sau. Ca dao, tục ngữ, hò vè do đó được ghi nhớ và lưu truyền qua các thế hệ. Đồng thời, qua lễ hội tắt bếp, các sinh hoạt xấu cũng được đem ra thảo luận, phê phán, rút kinh nghiệm như chuyện ăn cắp, đánh lộn, chửa hoan, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện lấn bờ, lấp mương… đều được đem ra trao đổi rút kinh nghiệm trong lối sống. Có thể nói đình là trung tâm văn hoá làng, nơi diễn ra các cuộc hành lễ thiêng liêng nhưng đồng thời cũng là nơi tập trung cao nhất của sinh hoạt văn hoá làng xã xưa tại miền trung du huyện Hoà Vang. Ngồi tại đình làng có thể nhìn quanh bốn hướng, các câu tục ngữ thường ra đời tại đây và truyền tụng trong nhân dân:

– Mống đá trạc không khát cũng khô

        – Mống Cu đê chạy về dọn gác

        – Mống Đại La mưa sa bão táp…

Đến chiều, người dân lần lượt ra về, lòng vui như mở hội.

 

                        LỄ HỘI GẮN VỚI TÍN NGƯỠNG

Lễ hội đình làng Tuý Loan

Từ Cầu Giăng vượt theo quốc lộ 14 B, qua cung đường vòng hướng về Nam vào Hòa Khương, nơi đây có một ngã ba, theo ngã ba ngược lên hướng tây (tỉnh lộ đi huyện Hiên) chừng 50 mét, nhìn sang bên trái. Đấy là đình làng Túy Loan.

        Đình làng Túy Loan do các vị tiền hiền ngũ tộc gồm: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê vận động nhân dân xây dựng nên, ức đoán vào năm 1470 (Thời Lê, hiệu Hồng Đức nguyên niên), khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XV. Hồi ấy, đình làng Túy Loan làm bằng tranh tre nứa lá. Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu, mùa đông năm Mậu Tý (1888) tu sửa lần nữa. Lần nầy hoàn thành trong 8 tháng do Đặng tướng quân húy Văn, giữ chức Quảng Nam hải phòng phó sự tổ chức. Nói là trùng tu nhưng thật ra do đình bị cháy nên lần nầy làm lại hoàn toàn. Nhân đấy có lập một tấm bia, phần đầu của bia do ông Nguyễn Khuê, sinh năm 1857 người làng Hạ Đình xã Nhân Mục huyện Thanh Trì tỉnh Hà Nội đổ cử nhân khoa Bính Tuất (1886) viết. Đến năm Canh Tý (1900), đầu thế kỷ XX, ngôi đình bị gió đổ làm hư hại phải xây dựng lại cũng theo kiến trúc cũ khoản vào năm 1907 – 1908. Năm 1962 sủa lần nữa, kết cấu bộ vì đã thay đổi theo kiểu vì kèo. Phần kẽ hiên được giữ lại với các chạm khắc hoa văn. Chi tiết của bộ vì phần trang trí chạm trổ giữ nguyên lại. Hàng cột hiên thay gỗ bằng trụ ciment. Mái ngói đảo lại, dặm thêm những chỗ mục nát.

        Văn bia đình làng Tuý Loan như sau:

        Ngày rằm tháng Tám năm đầu niên hiệu Thành Thái.

Miếu thần cũ của làng ngày xưa ở nguồn Văn Phú, năm kỷ dậu bị hoả hoạn, các vị hương lão trù tính xây dựng lại, đã xem bói vài ba lần nhưng sự việc chẳng đi đến đâu cả. Ngài đặng tướng quân tên huý là Văn, chịu trách nhiệm phòng ngừa hải phận (hải phòng) là người rất mật thiết gần giũ với quê hương, lúc rảnh người thường sai người cán về làng, thấy cái cảnh ấy, người cảm khái mà nói rằng: “Thần cũng không ghét nơi nước ứ đọng ư?”. Bèn cùng các vị trong làng tìm chỗ đất mới để làm đình và cuối cùng chọn được đất thần kỳ, nếu xây đình theo hướng tý ngọ là tốt nhất. Từ đó ngài sai những người nhà buôn, những người làm nghề thợ tìm vật liệu và uỷ cho những người có trách nhiệm trong làng lựa chọn những người có khả năng đảm đương mọi việc. Ngài Đặng Văn được bầu làm chánh hội chủ, ngài Đặng Chánh làm phó hội chủ, ngài Đặng Đoan làm đốc biện, hai ngài Đặng Nhuận và Đặng Trực làm đốc công, ngài Đỗ Tiểu Phu làm tư thơ, ngài Đặng Tùng làm chuyên biện. Dựa theo sở trường của từng người mà giao công việc. Mùa đông năm Nhâm tý khởi công, tháng 5  năm nay hoàn thành. Đình gồm một toà chính tẩm, một toà tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong trông rất xán lạn. Ngoài ra còn xây một ngôi từ đường ở phía bên trái để làm chỗ thờ các vị tiền hiền.

        Lấy lý mà nói thì bởi dân hoà cho nên mọi việc mới có kết quả, gặp những sự việc khó khăn họ sẽ góp công sáng tạo, chi phí dù có nhiều, họ cũng không so bì và đăm chiêu trên sắc mặt, cho nên mọi việc chỉ hơn tám tháng là xong, cảnh quan quy mô tráng lệ.

        Lễ lạc thành được tổ chức, tuyên dương những người có công khó nhọc. Ai ra công, ai cúng của đều được kê tên họ rạch ròi ra sau để hiện tại và mãi mai sau không bao giờ bị quên lãng.

        Tôi được ân vinh trở về quê quán, trên đường về có ghé qua cửa biển, Đặng tướng quân và các bậc kỳ lão, đến bảo tôi viết hộ văn bia và họ kể cả đầu đuôi gốc ngọn như thế. Tôi rất đỗi yêu quý những người dân luôn luôn vui vẻ, thuần phác mà rất thích văn chương. Tôi cũng khen nghĩa cử của Đặng tướng quân là người vừa kính giữ thần và vừa đôn hậu với bà con thôn xóm. Tôi còn mừng cho xã hội yên vui, đời sống của dân làng ngày càng phát triển. Lúc rảnh rỗi tôi để tâm lực đến thần linh và viết nên bài ký này.

Sắc tứ: Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ sửu, tên là Nguyễn Khê, người Thanh Trì, Hà Nội.

         Đình Túy Loan qua khảo sát là di tích kiến trúc tín ngưỡng mang sắc thái địa phương, thể hiện văn hóa làng xã ngày trước. Đình lập ra để thờ thần, Thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan. Vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch, vôi và gỗ. Mái lợp ngói âm dương. Tường dày 30 cm. Đình hướng mặt ra sông và theo hướng bắc. Nếu từ sông nhìn vào, đình nằm phía hữu ngạn sông Túy Loan. Trước sân là một bình phong theo kiểu cuốn thư, cao 3 mét, rộng 2 mét. Mặt trước đắp nổi hình long mã. Mặt trong đắp nổi hình con lân.Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Hai bên bình phong có 4 trụ biểu. Mặt tiền bên tả đình đắp nổi hình con hổ, mặt tiền bên hữu đắp nổi hình cá hóa long.

        Phần nóc có 4 mái, đầu nóc bên tả hình gia thu, bên hữu hình cuốn thư. Bờ nóc chính là lưỡng long tranh châu, bờ nóc phụ thể hiện lưỡng long tranh nguyệt, hai đầu hiên thể hiện hình rồng. Tất cả trên mái đều trang trí bằng sành sứ. Nội tẩm và hậu tẩm có nóc riêng.

        Bên trong đình chia làm ba gian hai chái. Chính điện rộng 3,1 mét, dài 2,7 mét. Hậu tẩm rộng 2,7 mét, dài 2,4 mét có 4 hàng cột, mỗi hàng 6 cây toàn bằng gỗ mít. Phía  dưới chân cột kê đá chạm hình quả bí. Kết cấu của kèo là chồng rường giả thủ. Các giả thủ được chạm trổ hoa lá, chân giả thủ chạm hình quả bí. Hai đầu các con  rường chạm đầu rồng. Kẽ hiên cũng được chạm trổ hình hoa lá. Nơi thờ có nội tẩm, hậu tẩm, tả ban, hữu ban. Trên nội tẩm có một khán thờ bằng gỗ nơi để sắc phong các vị thần được thờ trong đình. Diềm trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, dưới là hoa lá. Cửa có hai cánh theo kiểu thượng song hạ bản (bàng khoa). Giữa là bàn thờ chung (hội đồng) có cặp hạt đứng chầu. Hai bên tả hữu còn cặp hạt bằng gỗ. Treo trên trính giữa là bức hoành phi có ba chữ Túy Loan đình. Toàn bộ cửa đình theo kiểu bàng khoa bằng gỗ mít và kiền kiền. Trong đình có một tấm bia ghi lập năm Thành Thái nguyên niên (1889). Nay, người làng còn giữ được 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924).

         Đình Túy Loan, nơi sinh hoạt văn hóa – lễ hội dân gian. Hằng năm có 2 lễ lớn: tế xuân và tế thu vào các ngày 14 và 15 tháng 2. Giờ thân 14/2 làm lễ sơ yết. Giờ sửu 15/2 làm lễ sơ tế. Tế thu vào các ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch. tế thu thường là cầu quốc thái dân an (gọi tắt là cầu an). Giờ thân 14/8 làm lễ sơ yết. Giờ sửu 15/8 làm lễ sơ  tế.Tế thu thường có rước sắc vào 14/8; lễ rước từ nhà ông Thủ sắc về đình. Rước sắc có một bàn do 4 người khiêng, chung quanh phủ vải đỏ vàng, có lọng che, đi theo có 9 lá cờ, 1 lá vuông và 8 lá chéo. Ban nhạc bát âm và chiêng trống đi kèm. Đoàn rước sắc đi một vòng quanh làng, sau đó về đình. Trên đường đi dân làng nhập vào đội rước rất đông.

        Lễ tế có trâu hoặc heo. Nếu hạ trâu tế thần thì chiều 14 âm lịch tháng 2, tháng 8, dân làng dắt trâu đi qua lại vài vòng trước sân đình, có ý là cáo với thần linh. Nếu hạ heo, bỏ heo vào rọ khiêng đến trước sân đình. Khi lấy tiết trâu để lại một tô huyết tươi. Trâu được thui bằng cây chổi. Thui xong mới cạo lông, trâu tế thần được đặt trên bàn thờ Hội đồng (thờ chung) vào giờ sửu, dùng mở chài nhúng huyết thoa lên mình trâu. Heo thì luộc chín xắt thành tợ, nọng và lát sắp vào dĩa, đầu heo, 4 chân, đuôi, lòng heo (mỗi thứ một ít) sắp trên dĩa lớn tế thần. Ngoài lễ vật phải có nêu trên còn có cơm, xôi và các món ăn chế biến tại địa phương mang phong vị quê nhà. Chuẩn bị cho lễ tế thần từ 1945 về trước Nhà nước phong kiến cấp ruộng công gọi là ruộng tự điền cho một vài người trong làng sản xuất thu lợi dùng vào việc tế thần. Hằng năm thời Tự Đức cấp cho 12 mẫu ruộng.

        Trước khi tế lễ một hôm, có lễ rước sắc từ nhà Thủ sắc về đình làng do các viên chức trong làng tham gia cùng với các chư phái tộc. Nghi lễ giống lễ rước tại các địa phương trên địa bàn huyện.

        Trong lễ tế có văn bài cầu quốc thái dân an và nhân dân trong làng hanh thông, an lạc, quanh năm làm ăn lao động sản xuất được mùa no đủ. Sau lễ tế người dân trong làng tập trung tại sân đình cùng nhau ăn bữa cơm với tinh thần cộng cảm cao. Tại đây, tổ chức các hoạt động vui chơi dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước như kéo co, nhảy dây, đập om, thi các loại đẩy cây, nấu cơm, cờ tướng…Có năm tổ chức hát bội, hò khoan đối đáp, tổ chức chơi bài chòi… Tại đình người dân trong làng trao nhau đổi các loại giống lúa mới, cây con mới, cách nuôi trồng và thời gian thu hoạch. Qua đó, bà con tại Tuý Loan có thể đổi, mượn, thuê…cho vụ mùa tới.

         Ngoài chức năng phản ánh sinh hoạt văn hoá tinh thần của dân làng, đình làng Tuý Loan nói riêng và đình trên địa bàn huyện Hoà Vang nói chung còn có chức năng lịch sử. Tại đình Tháng 8/1945, nhân dân Túy Loan dùng đình làng tập trung tổ chức tuyên truyền phong trào ” bài phong phản đế”, cùng với nhân dân Tổng An Phước nổi dậy kéo về huyện đường Hòa Vang (ở Hóa Khuê trung tây) cướp chính quyền từ tay Pháp – Nhật. sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ hàng đầu của Tổng An Phước là củng cố chính quyền, phát triển lực lượng cách mạng. Đình làng Túy Loan cũng là nơi ông Lê Đình Hoàng tập cho dân quân tự vệ chiến đấu, bổ sung quân cho tiểu đoàn chiến đấu chống Pháp tại địa phương, đình được dùng làm giảng đường. Bãi đá bóng Túy Loan và cấm Chu Hương là thao trường.

        Năm 1946, đình làng là nơi đóng quân của tiểu đoàn 17, 19 và là nơi thường xuyên tổ chức hội họp. Xã Liên An (nay là Hòa Phong) trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (đầu năm 1947) đã trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng. Trạm cứu thương của tiểu đoàn 17 thuộc trung đoàn 96 – trung đoàn phòng ngự cho mặt trận Phước Tường, Đại La – được đặt tại đình làng. Đình còn là nơi đặt sở chỉ huy đánh sân bay trảng Nhật (trảng Trường thi) và chỉ huy từ Thanh Quýt đến Kim Liên.

        Những năm 1955 – 1957 với chương trình tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình diệm, đình Túy Loan với Phú Hòa đã là những trung tâm huấn chính lớn điển hình của tỉnh Quảng Nam nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo cho các huyện khác. Có lúc số người tập trung đến 1000 người, chúng dùng đình làm nơi thẩm vấn tra tấn. Nhà thờ Ngũ tộc dùng làm nơi cho Ban cán sự chúng ở. Trại cải huấn được làm bên cạnh đình (phía tây) gồm một dãy nhà dài từ bình phong nhà thờ đến phía sau sát đường đi hiện nay, diện tích sử dụng là 360 mét vuông. Chúng bắt người dân trong toàn xã, mỗi người nộp 4 tấm tranh và 2 cây tre củng với nhân công làm trại. Sạp nằm làm bằng tre mỗi người dài 1,6 mét, rộng 0,3 mét, chỉ được nằm ngửa vì nằm nghiêng sẽ có cơ hội nói chuyện, trao đổi bàn bạc với nhau. Giờ ăn, chúng cấm  và theo dõi không cho mọi người nhìn mặt nhau. Con đường phía trước chạy ngang qua mặt đình, dọc theo sông Túy Loan, dân đi qua bất kể là ai, nếu nhì vào khu cải huấn cũng bị bắt vào tra hỏi. Trong trại chúng tổ chức mỗi ngày nhiều lần sám hối tập thể. Hình thức: mọi người quỳ xuống, hai tay dang ra nắm một nặng, cả trại chỉ nhìn chung một ngọn đèn từ một đến ba giờ đồng hồ như thế.

        Với các sự kiện lịch sử gắn với đình Túy Loan suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau năm 1975, đình Túy Loan đã được làm mô hình chiến tích chống Pháp và chống Mỹ đặt tại nhà truyền thống xã Hòa Phong, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

        Ngày 4 tháng 1 năm 1999, Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận đình Túy Loan là di tích lịch sử – văn hóa.

        Lễ hội đình làng Bồ Bản xã Hoà Phong

Từ chợ Túy Loan, nơi có miếu thờ Ông Ích Đường đi về hướng nam chừng ba trăm mét, gặp quốc lộ 14, nơi lượn một đường cung rồi chạy thẳng vào địa phận xã Hòa Khương.[1] Từ đường kênh ấy theo đường kênh về hướng đông chừng một ngàn mét là đến trung tâm làng Bồ Bản (thuộc xã Hòa Phong, Huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Nơi đây có một ngôi đình làng cổ. Đây là một công trình lịch sử – văn hóa nghệ thuật cổ kính kiến trúc đặc trưng thế kỷ thứ XIX.

        Theo tộc phả của các dòng họ Trần, Hồ, Trương, Nguyễn là những họ tiền hiền của làng còn lưu lại, ức đoán năm 1476 (có thể những năm cuối thế kỷ thứ XV), làng Bồ Bản được hình thành sau quá trình vượt núi, băng sông từ Bắc vào Nam lập nghiệp, khai khẩn, canh tác, định cư.Về sau, góp phần xây dựng làng Bồ Bản còn có các tộc họ: Tán, Đinh, Nguyễn, Phạm, Hồng, Dương, Huỳnh… cả thảy mười chín chư phái tộc đến với làng vào thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1470) là hậu duệ của làng.Thời ấy kinh tế của làng chủ yếu là nông nghiệp lúa nước, dân làng dựa vào sức lực, khai canh cánh đồng Bồ Bản lấy nước từ sông Yên đổ vào đồng tưới tiêu cho ruộng lúa và các loại hoa mùa. Họ bạt đồi lấy đất làm nhà. Cuộc sống ngày càng trù phú, tre được trồng lên bao bọc lấy làng tạo nên vẻ đặc trưng của làng người Việt. Từ đấy cuộc sống tinh thần cũng thanh thản hơn, nhu cầu sinh hoạt thông qua các lễ hội được đặt ra. Hơn thế, nhớ ơn, thờ kính các vị có công khai phá, lập nên làng Bồ Bản luôn được đặt ra cho mỗi người dân sống trong làng mà trước hết là đối với các vị đứng đầu làng. Do đó, nhu cầu xây dựng một ngôi đình cho làng được đem ra bàn bạc.

        Năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh (1800), đình được khởi công xây dựng. Ban đầu đình được làm bằng tranh, tre, nứa lá tại Gò Miếu, nơi có miếu thờ ba vị thần (tam lão sử), nhân dân trong làng gọi tắt là miếu Tam vị [2]. Bước đầu đình làng đáp ứng được một bước nhu cầu thờ kính, nơi tổ chức các lễ hội, tổ chức tế lễ xuân thu hằng năm của dân làng. Đình còn là nơi hội, họp khi cần thiết.

        Đến đời Tự Đức thứ V năm Nhâm Tý (1852), nhu cầu phát triển làng xóm nâng cao dần, dân đinh, dân tráng đông lên, đình tranh tre tại miếu Tam vị trở nên chật, lại thấp do tọa lạc trên nền đìa Cầu bàu Thị, cứ về mùa mưa thường ẩm thấp, khó duy trì bảo quản lâu dài. Hội nghị các trưởng lão trong làng cùng các vị chức sắc họp bàn thống nhất chuyển ngôi đình đến địa điểm mới là trung tâm làng. Nơi đây thoáng mát, nằm trên nền đất cao hơn mặt ruộng. Đình hướng mặt về nam. Về vị thế của đất, các người già của làng cho đây là nơi có thế đất rồng uốn, hỗ chầu, thích hợp để dựng đình làng. Đứng trên địa thế như vậy, nơi đây sẽ là nơi giữ thế phát triển đời đời, dân làng nhờ đó có thể hưởng lộc cả, phù hợp với nguyện vọng của làng. Bên tả đình là Gò Ổi (gọi là Tả thanh long hay long hổ hội), bên hữu là miếu Tam vị, phía sau đình là Gò Miếu cao (nay cư dân đang sinh sống), phía trước đình là đồng ruộng rộng thoáng mát, tiếp giáp với làng Cẩm Toại và sông Yên. Trước đình có khe nước chảy vào sông Yên, dân gian có thơ rằng:

                Tây tiếp hà trì hưởng phúc úc

                Hựu hoàng khê thủy khái trừng thanh.

        Đình xây dựng lần nầy có bốn mươi dân tráng tham gia trực tiếp và có sự giúp sức của toàn dân nên đã tạo được cho đình một chỉnh thể đẹp, kết cấu bền vững.[3] Cột, kèo, xuyên, trính bằng gỗ mít và kiền kiền. Tường xây bằng gạch và vôi vữa. Mái lợp tranh.

        Nửa thế kỷ sau, ngày 25 tháng 3 năm Bính Ngọ-Thành Thái thứ XVIII (1906), do có nhiều chỗ hư hỏng, biến đổi và cũng do nhu cầu thay mái tranh bằng mái lợp ngói nên ngôi đình được trùng tu lại[4] nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng . Hiện trên cây xà gồ trùng tu năm 1906 có ghi:” Thành Thái thập bát niên. Tuế thứ, Bính Ngọ, tam nguyệt, nhị thập ngũ nhựt, y cựu nhân sơn bính hướng, bổn xã đồng tu tạo”[5] Lần nầy mái lợp ngói âm dương, tường vôi, bên trong các loại kèo, cột có lối chạm trổ kiến trúc độc đáo của những nghệ nhân đến từ Kim Bồng[6], mang vẻ đẹp độc đáo, thể hiện trình độ thẩm mỹ,văn hóa – nghệ thuật truyền thống dân tộc vào thế kỷ thứ XIX.

        Ngày 19 tháng 4 năm 1989 (Kỷ Tỵ), bão số 2 tràn vào làng, mái đình trụt ngói, bên trong ở hai gian chái hư hỏng một số cây kèo, cột. Ngày 12 tháng 5 năm 1990 (Canh Ngọ), làng huy động nhân lục thay cây xà gồ gian chính và bên tả thay ba cây kèo, bên hữu thay một cây xuyên, một cây cột hông. Tất cả các loại trên bằng gỗ mít và kiền kiền. Các đường nét hoa văn, đắp vẽ bên ngoài có long, lân, quy, phượng thời cổ và đắp thêm một cặp dơi. Tất cả vẫn giữ nguyên theo đường nét, hình khối gốc ban đầu.

        Đình làng Bồ Bản xây dựng nên để thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần[7], các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai phá quy dân lập ấp hình thành nên làng. Hằng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch tế xuân, lễ tế lập mộ tiền hiền của làng và 15 tháng 8 âm lịch tế thu, lễ tế tiền hiền và cầu quốc thái dân an. Tế xuân thu có văn tế kèm theo lễ. Đây là cách duy trì tư duy người Việt cổ là thờ thần, thờ càng nhiều thần càng tốt, dân làng tổ chức tế lễ cúng thần mong thần phù hộ, giúp đỡ, chở che. Từ năm 1945 đến nay, đình làng Bồ Bản đổi tên thành Thống Tự Đường thờ 23 vị tiền hiền của 23 chư phái tộc của làng.

        Đình Bồ Bản kiến trúc theo kiểu 3 gian 2 chái, dài 9,7 mét; rộng 14,5 mét. Tường dày 20 – 30 cm. Bên trong kiến trúc theo dạng 3 gian 4 vị. Chính điện rộng 3,1 mét, dài 8,3 mét. Giữa đặt bàn thờ hương án thờ Thành hoàng bổn xứ. Bàn thờ phía tả ban có 2 chữ “quan tiền” thờ các vị tiền hiền. Bàn thờ phía hữu ban có 2 chữ “dũ hậu” thờ các vị hậu hiền. Trên trính có một hoành phi ghi “Bồ Bản đình”. Bên trong gian giữa có 8 cây cột cái cao 4,5 mét, cột lồng nhì trước sau 8 cây cao 3,5 mét, cột lồng ba trước sau 8 cây cao 2,3 mét, cột đấm 4 cây, cột quyết 4 cây, cửa hông 4 cột. Tất cả 36 cây làm bằng gỗ mít và kiền kiền. Phía dưới chân cột đứng trên đá tạc thành quả bí (đỏ) chạm trổ hoa văn lạ mắt. Mái hiên đình kiến trúc theo kết cấu chồng rường giả thủ, kèo giao kỷ 4 trụ, chạm hình quy cánh quạt, 4 cây trính giữa chạm đầu rồng, bụng kèo chạm tứ quý xuân, hạ, thu, đông, mai, điểu, tùng, lộc. Đường nét chạm trổ tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc theo lối kiến trúc của thế kỷ thứ XIX, mang đậm bản sắc dân tộc. Bên ngoài đình, trên nóc đắp nổi theo kiểu lưỡng long tranh châu; gia thu giữa đắp lưỡng phụng tranh châu, kim quy cá gáy, phi cầm tẩu thú nằm phủ dưới mái thuyền chờ ngày hóa tứ linh. Hai đầu là giao cá chờ hóa long. Gia thu hai đầu đắp hình mui thuyền, khuôn kẽ chỉ chạm mai, điểu, tùng, lộc. Cuối mái đắp cặp lân chầu phên bất. Mặt tiền phía tả đắp Thanh long, phía hữu đắp bạch hổ (gọi tắt là Tả thanh long, hữu bạch hổ). Tiền đình có sân rộng 14,5 mét, dài 19,6 mét, có một bức bình phong dài 3 mét, cao 2 mét, mặt ngoài đắp phù điêu hình một con hổ, mặt trong hình con rùa. Cả hai được đắp ghép nổi bằng nghệ thuật sành sứ.Đứng từ bình phong trụ biểu ứng áng nghinh chầu nhìn vào mặt tiên đình có đắp nổi hai câu liễn:

                Khả gia như thăng giả

                Tố vi dĩ hành hào

                Lễ nhạc y quan chi tụy

                Thanh vân văn vật tương đô.

        Đình làng Bồ Bản không chỉ là nơi linh thiêng mang dấu ấn tín ngưỡng địa phương, thờ kính đa thần và những người có công với làng nước, là nơi hội hè đầu năm, tế lễ xuân thu, họp làng, bàn việc làng việc xóm mà còn là nơi xuất phát, hội tụ của dân làng trong công cuộc bảo vệ làng nước.

        Năm 1888, dưới triều Tự Đức, cụ thơ lại Trần Văn Đệ hưởng ứng phong trào Cần Vương đã sử dụng sân đình làm nơi chiêu luyện nghĩa quân, làm lễ tế cờ tại sân đình. Về sau do phong trào thất bại, cụ Trần Văn Đệ bị giặc Pháp bắt chém tại vườn Đình.

        Từ đình làng đã tập hợp, phát động quần chúng nhân dân trong làng tham gia cách mạng tháng Tám năm 1945. Đoàn biểu tình của Tổng An Phước, huyện Hòa Vang xuất phát từ sân vận động trước đình Cẩm Toại do đồng chí Phạm Điềm, Phạm Huệ lãnh đạo đã tập hợp nhân dân trước sân đình đi cướp chính quyền, buộc lý trưởng, hương kiểm giao nộp ấn triện, sổ bộ làng và tuyên bố giải tán chế độ đương thời.[8] Sau khi cướp được chính quyền, Ban hành chánh kháng chiến thôn Bồ Bản được ra mắt. Tại đình làng, thường xuyên diễn ra những buổi tiếp xúc giữa nhân dân với cán bộ cách mạng. Năm 1946 xã Liên An sử dụng đình làng Bồ Bản làm nơi đặt thùng phiếu bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đình còn là nơi mở lớp Bổ túc văn hóa đầu tiên của làng Bồ Bản.

        Thời kỳ chống Pháp, phía đông làng Bồ Bản là nơi phong trào cách mạng hoạt động mạnh, địch không kiểm soát được, vì vậy đình là nơi hội họp, tập trung nhân dân hai làng Bồ Bản và Thạc Bồ tham gia mitting, học tập, triển khai các công tác, chủ trương đường lối của cách mạng. Đêm ngày 10 tháng 9 năm 1949 một cuộc họp bị lộ, giặc Pháp bắn đạn cối 81 làm sập chái đình phía đông, chết 1 thiếu nhi, bị thương 1 người.[9]

        Trong kháng chiến chống Mỹ,  trận đánh Tết Mậu Thân (1968) và trận chống càn xuân Kỷ Dậu (1969), đình làng Bồ Bản là trung tâm chỉ huy chiến dịch. Lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội huyện, tỉnh và du kích địa phương bố trí từ trung tâm đình về phía tây bắc, bắc và đông bắc cách đình từ ba đến năm trăm mét đã tiêu diệt được nhiều lực lượng của Mỹ ngụy có vũ khí hiện đại và xe bọc thép. Không chiếm được cứ điểm của ta, địch dùng máy bay ném bom vào khu dân cư. Tuy không trúng đình nhưng bom nổ đã làm rạn nứt nhiều chi tiết của đình. Về sau, năm 1989 dân làng tập trung sửa chữa lại đình theo kiểu dáng như đã có.

        Nay, dân cư đông đúc, di tích đình làng Bồ Bản được tu sửa cùng với cảnh quan tươi đẹp, có cây đa cổ thụ trên trăm năm góp phần làm cho phong cảnh đình càng trở nên thiêng liêng. Phía hữu đình có miếu thờ Thần Nông Đại đế rêu phong cổ kính làm cho cụm di tích rộng thoáng.” Qua đình ngã nón trông đình”, ta có thể tìm thấy ở đây sự yên tĩnh, trầm mặc, đáp ứng được một phần nào khát vọng của dân làng Bồ Bản về tâm linh, trong đời sống văn hóa của người dân.

        Ngày 4 tháng 1 năm 1999, Bộ Văn hóa – Thông tin xép hạng đình Bồ Bản là di tích lịch sử – văn hóa nghệ thuật.

        Lễ hội đình làng Hoà Mỹ  

  Đình làng Hoà Mỹ hiện toạ lạc tại khối phố Hoà Mỹ, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Theo nhân dân địa phương cho biết, làng Hoà Mỹ được thành lập từ lâu, nhưng tên gọi Hoà Mỹ được biết đến từ Minh Mạng thứ 5 (1824), Đến thời Khải Định làng Hoà Mỹ thuộc Tổng Hoà An, huyện Hoà Vang, sau này thuộc xã Hoà Minh, huyện Hoà Vang, nay là khối phố Hoà Mỹ, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu.

         Đình làng Hoà Mỹ được nhân dân trong làng xây dựng cùng thời gian với việc lập làng. Đình thờ thần Thành Hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền, những người có công khai khẩn đất đai lập làng Hoà Mỹ trong những thế kỷ trước.

         Về mặt kiến trúc, trước đây đình làng Hoà Mỹ cũng như bao đình làng khác ở Đà Nẵng mang đậm dấu ấn kiến trúc Triều Nguyễn. Phần trang trí bên ngoài, trên đỉnh nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt, phần mái và diềm mái trang trí hình các con dơi, phụng, sư tử. Mái đình được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong đình được chia làm ba gian hai chái, với 4 hàng cột bằng gỗ mít, trính xuyên, ruôi mè được làm bằng gỗ kiền kiền. Tường xây gạch, phía trước đình có hai trụ cổng và một bức bình phong. Trải qua thời gian, đình làng Hoà Mỹ đã bị xuống cấp, nhân dân trong làng đã góp tiền của trùng tu, tôn tạo lại đình làng nhiều lần, lần gần đây nhất là vảo năm 2006. Hiện nay, nhân dân Hoà Mỹ còn giữ được 8 sắc phong, những sắc phong này được để tại đình làng, có niên đại từ thời Minh Mạng đến Bảo Đại, đây là nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng, có giá trị về nhiều mặt. Trong các lễ hội đình làng hằng năm, nhân dân đều có lễ rước sắc phong về đình.

         Lễ hội đình làng Hoà Mỹ diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhằm nhắc nhở con cháu các tộc họ về công lao của các bậc tiền hiền, hậu hiền, các bậc tiên linh đã có công lập làng, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn, đồng thời, kiểm điểm những việc đã làm được trong một năm và định hướng những việc sẽ thực hiện trong năm đến. Trước đây, do hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức lễ hội đã bị gián đoạn một thời gian dài, mãi đến năm 1994 lễ hội mới được khôi phục trở lại.

         Lễ hội đình làng Hoà Mỹ diễn ra trong một ngày rưỡi. Phần lễ theo nghi thức cổ truyền gồm lễ rước sắc phong, lễ vọng và lễ hội kỵ chính thức. Phần hội có nhiều nội dung phong phú, mang phong cách truyền thống và hiện đại đan quyện vào nhau, tạo nên nét rất riêng cho lễ hội. Mở đầu phần hội bao giờ cũng là giải chạy việt dã truyền thống, thu hút đông đảo nông dân, thanh – thiếu niên, nam nữ học sinh tham gia. Trong khi người trẻ tuổi thi cắm hoa, thi làm bánh thì người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, vui chơi bài chòi.

        Khán giả bao giờ cũng thật đông quanh các trò chơi dân gian như kéo co, đập om… bởi cái không khí rất hội hè của chúng. Các tổ dân phố, các gia tộc, các đoàn thể có dịp ngồi lại bên nhau trong buổi sinh hoạt giao lưu văn hoá, trao đổi những kinh nghiệm về nếp sống đẹp trong đời thường để cùng giúp nhau tiến bộ. Các trích đoạn hát tuồng đan xen vào các tiết mục ca múa nhạc kịch của chương trình văn nghệ lễ hội cũng là một cách kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.

       

        Lễ hội đình làng Hải Châu

         Trong số những di tích lịch sử – văn hoá gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng, còn tồn tại cho đến ngày nay, phải kể đến di tích Đình và Nhà thờ Chư phái tộc Hải Châu.

         Đình và Nhà thờ Chư phái tộc Hải Châu, hiện ở tại phường Hải châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đây là cụm di tích kiến trúc – tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng từ rất sớm, khoảng nữa đầu thế kỷ 18, để thờ Thần Hoàng Bổn xứ và 42 tộc họ tiền hiền đã có công khai phá đất đại lập làng Hải Châu vào những năm cuối thế kỷ 15, mà theo gia phả họ Nguyễn Văn, một trong các tộc họ tiền hiền Hải Châu ghi rõ: Ngài tiền hiền nguyên gốc ở Bắc Thành, thuộc tỉnh đạo Thanh Bình, sau này gọi là Thanh Hoá Thừa Tuyên, theo vua Lê Thánh Tông vào Nam và ở lại vùng đất này năm 1471. Trong Văn bia Chùa Long thủ (nay là chùa An Long) ở phường Bình Hiên, dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5 (1658), là một trong những tấm bia cổ nhất hiện nay, đã được Nhà nước xếp hạng, cũng cho biết lúc bấy giờ nhân dân xã Nại Hiên đóng góp tiền của và công sức để xây dựng Chùa, còn người viết bài văn trên bia là ngài Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu. Như vậy là cùng với làng Nại Hiên, làng Hải Châu cũng là một trong những làng xã được xây dựng sớm trên mảnh đất Hòa Vang, mà địa giới hành chính lúc bấy giờ có thể bao gồm các phường Hải Châu 1, Hải Châu 2 và Nam Dương ngày nay…

        Trải qua thời gian, do điều kiện thời tiết, khí hậu và do những biến cố của lịch sử. Đình và Nhà thờ Chư phái tộc Hải Châu đã bị hư hại, được sửa chữa, trùng tu và di dời nhiều lần, lần di dời cuối cùng vào năm 1904 về tại địa điểm hiện nay và lần trùng vào năm Bảo Đại thứ 12 (1938); Đình và Nhà thờ được xây theo dạng hình chữ nhất ( – ), hai di tích nằm cạnh nhau, mặt xây về hướng Nam, tọa lạc trên một khu đất có diện tích hơn 1.500m, phía trước ngôi đình có xây cổng Tam quan, trước cổng có hồ sen, phần tiền đường có xây lầu Chuông và lầu trống, trên đỉnh nóc đắp hình lưỡng Long chầu Nguyệt, còn phần Nhà thờ 42 Chư phái tộc mái hiên đắp hình cuốn thư, dưới cuốn thư có ghi  ba chữ “Kinh Ái Tự”, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương. Năm 2000, đình và nhà thờ 42 chư phái tộc Hải Châu được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đến năm 2004 – 2005, đình và nhà thờ được trùng tu, tôn tạo lại. Lần này, nhà thờ vẫn giữ nguyên thiết kế kiến trúc cũ, chỉ sửa lại phần mái ngói và thay một vài cây cột, còn ngôi đình thì được xây mới, cũng theo lối kiến trúc nhà rường, bên trong hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, gồm có nhà tiền đường, hai dãy hành lang và chánh điện. Nhìn cảnh quan hiện nay cho thấy ngày xưa đình và nhà thờ được bố trí trong một không gian hài hoà, trang nghiêm. Hiện tại bên trong đình và nhà thờ còn một số di vật quý như chuông đồng, hoành phi, liễn đối, bia ký… có giá trị lớn về lịch sử và văn hoá.

        – Chuông đồng: chuông có chiều cao khoảng 1,3m, đường kính miệng 0,70m, được treo trên một giá gỗ. Trên đỉnh chuông có đúc hình hai con rồng nằm quấn đuôi vào nhau, trên thân chuông chia làm 8 ô, chữ được đúc nổi, ở phần thân gần đỉnh chuông có một hàng chữ Phạn chạy vòng quanh thân, còn ở giữa có các dòng chữ Hán – Nôm được viết theo chiều dọc, từ trái sang phải nội dung ghi: “Minh Mạng ngũ niên, Giáp Thân trùng tu bản tự, thứ niên khâm phụng, sắc tứ Phước Hải tự. Minh Mạng thập tam niên, Nhâm Thìn cát đáng, Hải Châu xã đồng kính tạo”. Tạm dịch nghĩa: Vào năm Minh Mạng thứ 5, năm Giáp Thân (1825) đã trùng tu chùa Phước Hải, nhận sắc phong Vua ban, năm Minh Mạng thứ 13, năm Nhâm Thìn (1832) thì nhân dân xã Hải Châu đã đúc chuông này. Đây là quả chuông của chùa Phước Hải, được nhân dân Hải Châu đem về để tại đình. Về chùa Phước Hải một trong những ngôi chùa cổ, thuộc làng Hải Châu, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “Chùa Phước Hải ở xã Hải Châu chính, huyện Hoà Vang, sửa lại năm Minh Mạng thứ 5. Năm thứ 6, Thành Tổ Hoàng Đế nhân đi tuần du phương Nam, xa giá qua chùa cho biển ngạch Phước Hải Tự và ban cho 100 quan tiền”1

        Ngày nay, rất tiếc chùa Phước Hải không còn và cũng không ai còn nhớ trước đây chùa toạ lạc ở đâu? Nhưng những di vật của chùa vẫn được nhân dân gìn giữ cùng với di vật của đình và nhà thờ chư phái tộc Hải Châu.

     – Bia ký: Còn lại 3 tấm bia bằng đá Cẩm thạch, trong đó có một tấm cao khoảng 1,2m, rộng 0,70m, được lập vào năm Tự Đức thứ 14 (1861). Trên trán bia có chạm hình lưỡng Long chầu Nguyệt, nét chạm sắc sảo, hình tượng rồng thể hiện khá uyển chuyển, cùng với đồ án trang trí hình mây cuộn, trông rất đẹp mắt, nhìn chung bia vẫn còn tốt, chữ chạm còn rõ, dễ đọc, đầu đề bài văn khắc trên bia là: “Hội Tập Thiện Hải Châu”. Nội dung bài văn khắc trong lòng bia là: “Hải Châu chính xã ở  Quảng Nam, từ xưa đã có miếu thờ quan thánh đế quân. Năm Tự Đức, Mậu Ngọ (1858), giặc tràn vào quấy nhiễu ở Đà Nẵng, khiến nhân dân khiếp đảm chạy tán loạn, nơi ấy thành bãi chiến trường, miếu Quan Thánh chỉ còn trơ nền cũ. Tổng đốc Tỉnh Quảng Nam là ngài Đào Đại nhân (tức Tổng đốc Đào Trí), vâng lệnh thiên tử, quản lý cả quân vụ, ngài kêu gọi lưu dân Hải Châu trở về quê ổn định, ngài bèn tập hợp mọi thứ vật liệu còn lại đề xướng việc tu tạo lại miếu thờ Đế quân. Nhân dân vui mừng và cùng nhau hưởng ứng, đem cả của cải và dốc sức lực, chẳng bao lâu miếu được hoàn thành…”. Bia được dựng vào “ngày lành, tháng quý đông (tháng chạp), năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14” và người viết bài văn trên bia là Lang trung Bộ binh Nguyễn Công Bang.

        Hai văn bia còn lại được lập vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926) để ghi công đức của nhân dân Hải Châu đóng góp tiền của sửa chữa lại Đình và Nhà thờ 42 Chư phái tộc.

        – Hoành phi: Còn lại 9 bức hoành phi được làm vào các triều vua Gia long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Bảo Đại. Tất cả các hoành phi được khắc chạm rất đẹp, bằng gỗ, sơn son nhụ vàng và cẩn xà cừ, có giá trị nghệ thuật cao. Trong số các bức hoành phi, thì hoành phi được làm vào thời Gia Long là lớn hơn cả, có chiều dài khoảng 2m, rộng 0,70m, chính giữa có 4 chữ “Vạn Cổ Anh Linh” (Muôn thuở anh linh), khổ chữ cỡ 20cm, hai bên có hai hàng chữ nhỏ hơn, hàng bên trái từ trên xuống ghi “Hải Châu chính xã đồng cung lặc” (xã Hải Châu chính đồng kính chạm). Còn hàng bên phải ghi “Hoàng triều Gia Long, thập thất niên, tuế thứ Mậu Dần” (năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17). Một hoành phi khác dài khoảng 1,2m, rộng 0,70m, có ghi “Phước Hải Tự” (chùa Phước Hải), hàng bên phải ghi “sắc tứ” (vua ban sắc lấy tên là chùa Phước Hải), hàng bên phải ghi “Minh Mạng lục niên ngũ nguyệt, cát nhật tạo”. Bức hoành phi được làm vào ngày tốt, tháng năm, năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Như vậy sau khi trùng tu chùa Phước Hải  vào năm Minh mạng thứ 5 (1824), thì năm (1825) làm bức hoành phi này. Dưới thời Tự Đức cũng có hai bức hoành phi được làm, một bức ghi “Thiên Tức Thánh” (Thánh tức là Trời), làm vào tháng hai, năm Tự Đức thứ 5 (1851) và một bức khác ghi “Thiên Tham Nghĩa” (việc nghĩa hợp với lòng Trời), được làm vào năm Bính Thìn, Tự Đức thứ 9 (1856) và còn nhiều bức hoành phi khác, trong đó có hai bức không rõ ngày, tháng tạo lập, một bức ghi là “Tiền Liệt Quang” (Rạng rỡ đấng tiền liệt), một bức ghi “Hải Châu Tự” (chùa Hải Châu).

         Ngoài ra ở đình và nhà thờ còn có 6 liễn đối làm bằng gỗ, sơn son nhụ vàng, chữ viết đẹp, rõ ràng trên ghi các câu thơ đối với nhau. Riêng tại nhà thờ chư phái tộc Hải Châu, còn lại một bàn hương án (bàn thờ) và 42 bài vị bằng gỗ, ghi họ, tên các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai canh, khai cư lập làng Hải Châu. Bàn hương án là một tác phẩm điêu khắc đẹp, chạm trổ tỉ mĩ, tinh xảo và khá công phu, thể hiện các hình tượng hoa lá, chim muôn một cách sống động, gợi cảm như bộ bát bửu, hoa sen, hoa cúc, dơi, kỳ lân, rồng, phụng, rùa, hạc và nhiều hoạ tiết hoa văn khác như mây, sóng nước…, mỗi hoạ tiết hoa văn, mỗi hình tượng nghệ thuật, chủ đề đều thể hiện trong các ô hình chữ nhật, hình vuông và khắc chạm ở cả ba mặt. Tác phẩm nghệ thuật này được làm vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937).

        Lễ hội nghĩa trủng Hoà Vinh (Khuê Trung)

Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp lần đầu tiên của quân dân ta tại mặt trận Đà Nẵng năm 1858 – 1860, trên địa bàn huyện Hoà Vinh (thời Minh Mạng đổi thành Hoà Vang), thời bấy giờ có nhiều chiến sỹ trận vong đã hy sinh vì Tổ quốc không nơi hương khói. Trước tình cảnh này,  nhân dân trong vùng rất bức xúc bèn đề nghị quan Bố chánh tỉnh Quảng Nam Đặng Huy Trước xin triều đình cho quy tập mồ mả chung tại một địa điểm, có nơi chốn. Theo đó, vua Tự Đức đã ban lệnh quy tập hài cốt các chiến sĩ trận vong, nghĩa dân đã hy sinh và cả những nấm mộ không ai thừa nhận trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng những năm 1858 – 1860 vào khu nghĩa trủng tại xứ Trủng Bò, xã Nghi An và khu nghĩa trủng xã Phước Ninh thuộc huyện Hoà Vinh, tiện cho việc chăm sóc mộ phần và hương khói hằng năm.

Hai câu đối tại nghĩa trủng ghi lại tình cảm của những người đời sau khi huy động công của lập nên nghĩa trủng:

“Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy.

Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chấp cánh cho đời sau”.

Nghĩa trũng Hòa Vinh lập năm Tự Đức thứ XIX (1866). Ban đầu nghĩa trũng được lập tại xứ Trũng bò thuộc làng Nghi An (nơi đại quân của triều đình Huế đóng chân khi liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh cửa Hàn năm Mậu Ngọ tức 1858, nay thuộc khu vực sân bay Đà Nẵng). Tại đây, hằng năm nhân dân các làng Nghi An, Đông Phước tổ chức lễ tế hằng năm, nhớ ơn các chiến sỹ đã hy sinh vì đất nước. Đến năm 1926, thực dân Pháp mở sân bay Đà Nẵng, nhân dân phải di dời phần mộ của các “chiến sĩ trận vong” về làng Hóa Khuê Trung, nay là khu Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, quận Cầm Lệ thành phố Đà Nẵng. Trong lúc tiến hành cuộc di dời các phần mộ, thực dân Pháp đã huy động thanh niên nam nữ các làng lân cận: Đông Phước, Nghi An, Bình Thái, Hoá Khuê Trung vào việc quang gánh hài cốt về nơi chôn cất mới. Tại Trủng Bò có cả trên dưới 1.500 ngôi mộ đất. Công việc di dời rất khẩn trương, các nhân công tham gia có làm một bài vè về việc di dời mồ mả này:

– Kể từ ngày Pháp mở sở tàu bay

Nhà cửa đuổi hết mít, cau cũng đào

Anh em mình chừ chẳng biết lo liệu làm sao

Mả lớn, mả nhỏ cũng đào hốt đi

Ông Ba mở sở cu-li [10]

Đàn ông con nít vừa thì sáu trăm

Đàn ông đề giá hai lăm [11]

Đàn bà hai giác, con nít mười lăm xu y kì

Buổi mai năm rưởi ra đi

Trưa về mười một rưởi, chiều đi hai giờ

Ba cô con gái đương tơ

Đưa cơm bót lính, nhởn nhơ tối ngày

Tưởng là sung sướng lắm thay

Không hay thầy Đội ngày này gay go

Mười hai giờ kèn thổi trong kho

Chị em ai nấy giả đò đi ăn

Đi ăn lại nghe tiếng kèn

Rủ nhau uống nước, vừa thằng Đội ra

Năm Phượng đứng dậy vừa la [12]

Ở như thầy Quý, vậy mà ít ai

Thẩy không đào đĩ gái trai [13]

Thẩy không đánh đập chi ai mắc lòng

Chúc cho thầy cai đặng lâu dài

Nào ai vô thế làm cai cũng không màng !

Khen cho thầy Quý, thở than

Khi mưa, khi nắng, đứng dang ngoài trời

Thầy Quý ơi, thầy Quý ra đi sáu trăm cu-li

                khóc ròng ròng

Thầy không ăn ở mắc lòng cu-li.[14]

Sau khi di dời hài cốt về Hoá Khuê Trung, để có điều kiện hương khói hằng năm, làng Hoá Khuê Trung trích ra một mẫu đất tế tự, hằng năm lấy hoa lợi chi dùng vào việc tế lễ.

Hằng năm đến ngày 17 tháng 11 âm lịch dân làng Hoá Khuê tổ chức lễ tục tế lễ tại nghĩa trủng, dần đã tạo nên lễ hội trong nhân dân. Trong lễ tưởng niệm, tri ân những anh hùng “chiến sĩ trận vong” văn bài đọc trong buổi lễ có đoạn:

… “Sấm động Sơn Chà, mưa trùm núi Ải

Đang yên bình bỗng dấy động can qua

… Nuớc sông Hàn hai ba phen cuộn sóng

Tàu Tây dương bắn phá luỹ An Đồn

Mây Sơn Chà năm, bảy lớp ùn ùn

Súng nghĩa sỹ vang rền thành Điện Hải…

…Thường dân biến thành nghĩa sỹ

Nón dấu đai vàng khiêng mang đạn vác

Nạp hậu hoả mai, gươm trường giáo mác

Ra trận tiền rào rạc chí nam nhi

Cơm vắt, ngủ hầm, gian khổ sá chi

Chân đất, lưng trần, lòng son dạ sắt

Chí căm thù đâu vướng chuyện riêng tư

Quyết tử hữu dư trung thành vô hạn

Sống chết đâu nài, nói chi số mạng

Vì đất nước nhân dân

Vì sơn hà xã tắc

Thân chiến sỹ lấp vùi cùng cây cỏ

Hồn thiêng còn phiêu lãng khắp non sông…

…Mồ hoang mả rậm đau lòng

Gió hú, quạ kêu não ruột

        Đêm dài đóm lửa nhập nhoà

        Ngày vắng mây giăng áo não

        Những tưởng ngàn năm ôm hận cửu trùng

        May còn đoái vọng chiếu vua truyền bảo:

        Ân nghĩa đáp đền

        Công danh khả báo

        Quan trên vâng lệnh triều đình

        Dân làng vâng lời kỳ lão

        Làng trên xã dưới góp công

        Nghĩa trủng Hoà Vang tôn tạo

        Hồn thiêng trung liệt đã ba lần dời chuyển còn đây…

        Hai năm trở lại đây, nhân dân khu phố Bình Hoà 1 phường Khuê Trung chọn ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm  tổ chức lễ tế tu tảo phần mộ nghĩa sỹ, âm linh. Trong lễ hội ngoài phần lễ cầu quốc thái dân an theo nghi tức cổ truyền còn có phần hội thu hút đông đảo nhân dân tham gia, trong đó thanh niên nam nữ chiếm tỉ lệ lớn. Các trò chơi gồm: bài chòi, thiên đăng, thi nấu cơm, đập niêu, nhảy bao bố, kéo co, đấu vật, đẩy cây… thi thời trang áo dài được tổ chức ngay trong phần hội, góp phần làm cho lễ hội nghĩa trủng Hoà Vang thêm đa dạng, phong phú.

        Văn bia nghĩa trủng xã Phước Ninh

        Nghĩa trủng xã Phước Ninh được lập năm Tự Đức thứ 29 (1876). Đây là nơi quy tập tất cả hài cốt các chiến sỹ trận vong nằm rải rác trên địa bàn xã Nại Hiên, Bình Thuận, Nam Dương…và chiến sĩ hy sinh tại thành Điện Hải. Vị Án sát tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Quý Linh và Lãnh binh Trương Tải Phú chọn xã Phước Ninh lập nghĩa trngr. Giao việc đáo bốc dỡ hài cột cho các vị Quản cơ Nguyễn Lân, hiệp cùng Hiệp quản Nguyễn Đỗ bốc hốt được 1.500 ngôi mộ đưa về tập trung chôn cất tại nghĩa trủng Phước Ninh. Sau khi có nghĩa trủng, xã Phước Ninh kê biên 2 mẫu đất giao cho dân sản xuất lấy hoa lợi chi dùng vào việc tu tảo phần mộ và cầu quốc thái dân an hằng năm. Đến năm 1950 thực dân Pháp cày ủi, san bằng, mộ phần được dời về nhập cùng nghĩa trủng Hoà Vinh. Tại xã Phước Ninh sau di dời còn lại một bia bằng đá Non Nước cao 1,2 mét, rộng 0,8 mét. Một mặt bia có khắc chữ. Đây chính là văn bia Phước Ninh nghĩa trủng:

        “Phàm mọi việc ở đời vì nghĩa hay vì lợi mà thôi: Người quân tử nghĩ đền điều nghĩa mà dốc vào việc thiện, dù nhỏ cũng không bỏ qua, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến điều lợi mà nhác làm việc thiện, hễ thấy lợi thì không việc gì không làm.

        Trước kia, người ta đã vùi dập đó đây những nắm xương lạc loài, những xác thân phiêu bạt. Do lòng xót thương của sự tan nát kia mà lòng cảm thấy bất nhẫn nên đã hành động theo lòng mình. Đó là do niềm trắc ẩn, sự chí thành mà làm những việc không ai làm vậy.

        Ông Hường lô tự Khanh, sung chánh thương biện hải phòng, họ Nguyễn, huý Đạo Trai, tên chữ Quý Linh là hạng người cư xử vừa ngay thẳng, phương chính vừa trung hậu, nghĩa thiện như thế. Lần lượt ông giữ các chức Đề học, Thái thú, đến đảm nhận cả chức Hình sự. Công việc chính sự đã nghiêm cẩn lại thận trọng. Thế mà trong lòng vẫn luôn luôn  nơm nớp lo nghĩ, vì ngại rằng có điều gì còn sai sót, có điều gì còn lầm lẫn trong nhiệm vụ của mình. Nên dân chúng hết lời tán tụng  công nghiệp và ngợi ken đức độ của ông.

        Thiên tử cai quản toàn lãnh thổ mênh mông rộng rãi, kể cả nội cỏ hoang vu. Nơi này xưa kia là sa trường chiến địa, thành xiêu luỹ đổ chất chồng, ngày vắng quạnh hiu buồn thảm, gò hoang mả loạn ngổn ngang, gió hú thê lương não nuột.

        Nào đâu hương thơm, nào đâu lễ vật ai người dâng cúng ? Hoặc do không có người thân gần gũi, lấy ai đắp điếm nắm xương tàn nơi chín suối, hoặc do gia hương xa cách, còn ai vẫy gọi hồn thieng trung can nơi vạn dặm?

        Lửa đóm ma trơi, buồn khóc thâu đêm; hồn phách oan khiên, năm canh gào thét. Thảm biết dường nào!

        Trước đây, do lòng thành tha thiết, thương tiếc sâu xa, nên các vị ý định thu nhặt tàn cốt tìm nơi đất lành để chôn cất tử tế, nhưng công việc chưa thành thì các vị ấy đã phải đổi đi nơi khác. Sau đó, ông Đạo Trai trông thấy cảnh huống ấy mà lòng dạ thương cảm xót xa, mới bàn với quan đồng sự là ông Phó lãnh binh Trương Công, huý là Hậu, tên chữ là Tải Phủ cùng bỏ tiền của, chọn đất đai để lo liệu việc đưa về an táng. Ông Trương Công cũng nhất nhất vui vẻ thuận theo.

        Từ đây quân sĩ trưởng vâng mệnh các ông đâu đâu vui say về việc thiện và phụ giúp cho lòng khẳng khái ham thích việc thiện của ông Tải Phủ. Do đó, không có việc gì là không xong và cũng không có công lao nào là không thành tựu được.

        Cho nên, từ thân hào đến phú thương trong tỉnh, tất cả cùng nhau chung sức để làm việc thiện, ai nấy cũng đều đem của nhà mà giúp vào việc nghĩa. Họ bèn chọn đất đai ở 2 xã Phước Ninh và Thạc Gián xây dựng thành nơi chôn cất khang trang này.

        Khu vực mộ phần này toạ lạc trên một địa thế xinh tươi và hùng tráng: ở phía trái, sóng nước biển khơi dạt dào vỗ lại, núi Sơn Chà mường tượng dáng rồng xanh; ở phía phải rừng cây, núi lớn nhấp nhô lay động núi Phước Tường tựa như hình hổ trắng.

        Nước Vũng Thùng trong xanh rào rạt, thấm nhuần lòng đất; dòng sông Hàn ôm vây mạch đất, uốn khúc quanh co.

        Vào ngày, tháng, năm này thì khởi công. Các vị Phó quản cơ Nguyễn Lân, Hiệp quản Nguyễn Đề được phái đến để cùng với quân binh phát dọn gai gốc, cỏ rác, tìm nơi bờ bụi thu nhặt hài cốt tản mác đó đây, rồi dùng giấy, vải mà gói lại; dặt vào quan quách để đưa vào chung một khu vực, chôn cất thành nhiều lớp, có hơn 1.500 nấm mồ theo hướng đông nam – tây bắc, chung quanh xây thành đất cao bao bọc. Hai chiều ngang dọc đo được 40 trượng phía trước, phía sau mỗi phía 18 trượng, bên trái bên phải mỗi bên 22 trượng. Từ tháng Tư đến tháng Bảy, chưa đầy ba tháng mà đã hoàn tất công việc.

        Có việc nào hoàn thành nhanh chóng như vậy đâu, nếu không phải do quan quân vì cảm lòng tha thiết với việc nghĩa, hâm mộ việc làm điều thiện của ông Đạo Trai mà gắng sức đua nhau để đạt nhanh đến thành quả tốt dẹp này hay sao?

        Ông lại tâu xin cho dân trong xã Phước Ninh lo việc cúng phụng, giữ gìn, sửa sang quét dọn. Lại xin mua hơn 2 mẫu ruộng đất, giao cho xã ấy canh quản để chi dùng trong việc giỗ chạp hằng năm.

        Tâu xin nhà vua mà lòng nhân từ đức độ của người hơn cả các bực nhi đế, tam vương ngày xưa, xét duyệt mà ban khen cho.

        Từ nay những hồn thiêng trung liệt, vì nước hy sinh… tắm gội trong ơn sâu của trời đất và đức dày của Nguyễn Công mà được nơi yên nghỉ này. Cũng do nơi yên nghỉ tốt lành này mà có được một niềm an ủi lớn lao vậy.

        Hồn hãy về đây, nương ở đất này ! Mồ yên mả đẹp là nhà của hồn đấy ! Dâng cúng lễ vật, trâu béo, heo mập và xôi đậu tràn trề, sạch sẽ. Hồn về hưởng đi!

        Phần ân đức nọ là của ai kia? Xin hồn thiêng hãy phù hộ cho”.

        Niên hiệu Tự Đức năm Bính tý, tiết đông chí

        Những kẻ hậu sinh: Phan Tốn, Quý Tương, Mộng Liên Tử.

 

[1] Nay (2004) đã khác, khách phải đi trên quốc lộ 14B làm mới chạy ngang đồng Bồ Bản, Cẩm Hòa thẳng vào Hòa Khương vào Đại Lộc. Để đến chợ Túy Loan khách phải theo đường cũ có trước năm 2004.

[2] Miếu Tam vị, mỗi làng trên địa bàn Hòa Vang đều có: Hòa Mỹ (Hòa Minh),Vân Dương (Hòa Liên)…

[3] Ban xây dựng gồm các ông: Phạm Hưng Nhượng – Tổng trấn thành Bình Thuận (hội chủ); Hồ Thanh Lợi (đốc công); cụ Tán Sư (tư thơ)

[4] Ban vân động thành lập gồm: Tú tài Nho học Nguyễn Chất; cụ Trần Vi (Tri Hương) làm đốc công; cụ Tán Văn Vỹ (xã Vỹ) làm Tu thơ (thư ký); cụ Xã Thức tức Lý trưởng Trần Sung.

[5] Thành Thái năm thứ XVIII. Năm Bính Nhọ, tháng ba, ngày 25).

[6]  Làng có nghề mộc nổi tiếng tinh xảo ở Hội An. Thợ mộc Kim Bồng thường đi làm nhiều nơi, ra đến Huế xây dựng các lăng tẩm.

[7] Gọi tắt là Thành hoang bổn xứ.

[8] Nhân đó cử ông Nguyễn Lãng làm Chủ tịch, ông Tán Tiên làm Phó Chủ tịch, ông Phạm Điềm làm thư ký UBHC kháng chiến. Các ủy viên: Nguyễn Đình Bổn, Dương Thí, Nguyễn Vọng, Nguyễn Đình Chính.

[9] Năm 1959, vừa phân chia vùng tuyển quân tập kết, đình là nơi tổ chức hướng dẫn học tập Hiệp định Genever và Hiệu triệu của Hồ Chủ tịch chuyển giai đoạn đấu tranh quân sự sang giai đoạn đấu tranh chính trị.

1 Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, trang 386.

[10] Cu li: tức công nhân.

[11] Tức tiền công 25 xu/ngày.

[12] Năm Phượng là kíp trưởng nhóm cu-lu, người tại làng Hoá Khuê Trung, nay là phường Khuê Trung. quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng.

[13] Thẩy: như  thầy.

[14] Bài, người trong làng Đông Phước, Nghi An cho rằng do Châu Xứng sáng tác, năm ấy, Châu Xứng cùng nhiều thanh niên nam nữ: Châu Xứng, Huỳnh Thị Xuân, Huỳnh Thị Tư, Lê Điệp, Lê Chánh…Hồ Thị Tư, Hồ Thị Lư, Hồ Đáo, Lê Mẹo, Hùnh Kiệt… có đi cu-li khuân gánh hài cốt và gánh đất lập sân bay cho Pháp.