VĂN HÓA DÂN GIAN CƠ TU, TRUYỀN THỐNG, BIẾN ĐỔI & NĂNG LỰC THÍCH ỨNG – PHẦN THỨ BA – CHƯƠNG IV

311

               Múa dân gian

 

  1. Vũ điệu tơntúng – dadăq (tâng tung – da dắh)

Như các tộc người anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, tộc người Cơ Tu cũng có một nền văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng, hình thành và tồn tại cùng với sự phát triển của lịch sử tộc người.

Văn hóa vật thể có nhiều loại, có thể minh chứng được ngay rằng một trong những loại văn hóa vật chất ấy điển hình là ngôi làng của người Cơ Tu. Làng người Cơ Tu thường được xây dựng theo mô hình hình tròn hoặc hình bầu dục (ovale); trong làng ấy, ở giữa có một ngôi nhà chung, Cơ Tu gọi gươl. Đây là tài sản chung do cộng đồng làng góp công góp sức dựng nên, là nơi thể hiện chức năng hội họp, sinh hoạt cộng đồng, liên quan đến đời sống dân làng và còn là nơi đặt những vật hiến tế của làng thờ cúng thần linh. Gươl là tài sản chung nên được toàn thể dân làng chăm sóc, sửa sang duy trì, bảo dưỡng hằng năm. Do tính thiêng và trang nghiêm như vậy nên người ở lại gươl ngủ qua đêm chỉ là đàn ông và thanh niên trai tráng chưa vợ, còn những người mang tang, vợ có thai, hoặc mới cưới vợ hay đàn bà con gái không được ngủ tại gươl.

Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu còn có rất nhiều thể loại đáng và cần được giữ gìn, phát huy, phát triển trong cộng đồng dân tộc như điệu hát ba bóch (dân ca Cơ Tu), điệu bh’nóoch (hát lý), pr’ma (một cách nói lý), các điệu dân ca, dân vũ dân gian… trong đó, có một điệu múa đặc trưng của người Cơ Tu mang tính tập thể cao. Diễn trình múa là sự kết hợp giữa nam với nữ, giữa tung/tâng tung và da dắ hòa với điệu thức của âm thanh cồng, chiêng (chiing), trống cùng với tiếng “hú” gởi gắm và kêu gọi, vang xa, cao vút như nốt nhấn hạ âm làm mạnh mẽ thêm cho ngôn ngữ múa. Có thể nói, đây là một điệu múa hay, trang nghiêm và vui nhộn thu hút nhiều người tham gia mặc dầu không qua tập luyện dài ngày, đó là điệu múa tâng tung – da dắ.

Tâng tung là điệu múa dân vũ cho đàn ông, con traida dắ là điệu múa cho đàn bà, con gái. Trong những lần sinh hoạt ca múa nhạc, tất cả cùng múa và nhịp bước trong cùng một vòng tròn, chân bước đi ngược kim đồng hồ, sôi động, rộn ràng trên nền nhạc của tiếng trống ca thu, chơ gơ, cồng, chiêng vang vọng núi rừng.

Tâng tung hay còn được viết t’âng theo nghĩa của tiếng Cơ Tu là vươn lên cao, sôi động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa… Đó là biểu hiện của khát vọng chinh phục vũ trụ, muốn đưa con người vươn lên ở tầm cao mới trong không gian thoáng đãng, hằng mong cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa lớn lao như vậy, ta hiểu điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng. Điệu múa chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện bằng những nhịp điệu mang bản sắc của tộc người Cơ Tu. Được nghe và xem trình tấu điệu múa này, ta có thể nhận biết ngôn ngữ múa gởi gắm niềm hy vọng vào lớp thanh niên trai tráng Cơ Tu vươn lên tiếp bước truyền thống những người đi trươc giữ gìn và bảo vệ quê hương núi rừng là thế nào!

Múa là hoạt động ca ngợi, động tác múa kết hợp với điệu múa được xem là biện pháp hành ngôn, một kiểu hành ngôn ngoài lời nói. Đó được hiểu là ngôn ngữ múa.

Để thể hiện điệu múa tâng tung một cách sinh động giữa đại ngàn, đàn ông mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo, cây mác hay cây dụ, cây kiếm, hoặc không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vùa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng. Múa thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ khi đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hại; đồng thời còn thể hiện niềm động viên vững tin, yêu cuộc sống, yêu làng quê, yêu núi rừng và nhắn gởi bằng thông điệp vũ điệu và ngôn ngữ múa hãy vui lên, vươn lên mãi trong cuộc sống bình yên hòa với màu xanh của núi rừng, bản làng đã gắn chặt nhiều đời.

Một điệu múa khơi gợi nội tâm mang đầy tính hăng say khi thực hiện động tác múa. Những động tác hành ngôn mà không lời nói, là biểu hiện cử chỉ, cả thân mình cho sự hăng say đó, đã nói lên tất cả sự cuồng nhiệt hòa trong điệu múa, cùng với âm thanh của cồng, chiêng, ca thu, chơ gơ âm vang hùng tráng một góc rừng, thể hiện bản năng sống của tộc người trên rừng núi đại ngàn. Múa cũng là cách bùng nổ của bản năng con người trước cuộc sống không thiếu phần nghiệt ngã. Trong thể hiện điệu tâng tung da dắ. người Cơ Tu tìm đến sự hóa giải, “trút bỏ hoàn toàn tính nhị nguyên (đực-cái; đen-trắng; trong-ngoài, …) để hòa hợp nhau tìm lại tính đơn nhất nguyên lai, trong đó thể xác và linh hồn, đấng tạo hóa và mọi vật tạo nên cái hữu hình và vô hình gặp lại nhau, hòa vào nhau ở bên ngoài thời gian trong niềm hoan lạc nhất thống. Múa là hoạt động biểu lộ và ca ngợi sự thống hợp làm nên cái bất diệt”.

Cứ như thế, tâng tung da dắ làm mê hồn, cuốn hút mọi người trên nền cồng chiêng nhịp nhàng và dồn dập. Những tiếng “hú” gọi mời và gởi gắm làm tăng thêm tính biểu cảm của múa. Lúc này hành ngôn không đủ sức thể hiện và biểu đạt. Tất cả thân người và những động tác múa mới có thể diễn đạt hết sự đắm say cuồng nhiệt hiến dâng và hội nhập vào bản thể đồng nhất nguyên lai như chưa hề chia tách. Như thế bản thân múa tâng tung da dắ mang tính nguyên hợp. Vũ điệu thiêng liêng hiến dâng trời – đất đều là như vậy. Điệu múa tâng tung da dắ đặc trưng của người Cơ Tu đã được cộng đồng công nhận, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hẳn phải thể hiện sự thăng hoa cả tinh thần và vật chất của con người. Điều này nhìn thấy trong cuộc sống thực tại của tộc người Cơ Tu tại vùng núi non miền tây đất Quảng, rằng múa dân gian hay bác học, cho dù có đạo diễn dàn dựng công phu, tốn kém hay ngẫu hứng múa cá nhân hay tập thể, tất cả chung lại mục đích cuối cùng là tìm sự giải thoát con người trong niềm hoan lạc, dù chỉ giới hạn ở phần thể hiện bằng thể xác hoặc đã được thăng hoa ở mức cao hơn. Vũ điệu tâng tung da dắ, có người cho là vũ điệu dâng trời. Mà đúng là dâng Trời bởi vũ điệu được thể hiện bằng một vòng tròn quanh cây cột lễ, trong không gian thiêng của lễ tế dàng. Thì đấy là vũ điệu trình diễn với dàng, thần và với người. Một vòng tròn là sự bình yên, sự sáng tạo, sự yên lặng và cả sự hủy diệt và bảo tồn. Múa nghi lễ có sự tổng hợp, vận dụng tất cả các thành phần cơ thể: ngón tay, cổ tay, cánh tay, đôi chân, hông, bàn chân, thân mình, … nhằm biểu hiện được nhiều tâm trạng khác nhau cùng một lúc tham gia vào múa cùng với y phục bằng thổ cẩm đặc trưng mà màu sắc nguyên hợp như màu đen, trắng, đỏ là bản thể chính yếu đã nói lên được hầu hết và gần như là sự mở ra không che đậy gì khi dâng hiến.

Tân tung da dắh kêu gọi sự hòa mình vào vũ trụ đất trời bao la trong các chuyển động múa thẩm mỹ, đầy cảm xúc và rạo rực. Tín ngưỡng, thần bí đã trở về trong không gian thiêng liêng trước x’nur, cây nêu và gươl và cộng đồng làng, nơi mọi thứ đều phát sinh từ đấy và quay về đấy, trong nhịp điệu đi về không dứt của năng lượng sống.

          Da dắh theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều, mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi nghĩa đất ơn trời, trung thành với người, kính trên nhường dưới, nâng đỡ kẻ yếu hèn (Trời – Đất – Dưới đất). Theo với điệu múa ta nhận ra đôi chân thẳng đứng, đôi tay vuông góc và cánh tay song song với thân mình, động tác múa còn thể hiện sự đứng đắn chung thủy và không bị khuất phục trước kẻ gian ác, bạo tàn…Với ý nghĩa đó, điệu múa da dắ dành cho phái đẹp vốn tính thùy mỵ, yêu núi rừng, quê hương đất nước, thầm lặng hy sinh việc nhà, việc làng tất cả vì sự sinh tồn, phát triển của tộc người.

Để thể hiện điệu múa da dắ mang đặc trưng bản sắc dân tộc, phụ nữ mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều hoa văn với những sắc màu đen, trắng, đỏ sinh động, vai trần, cổ đeo vòng cườm, hai tay đưa lên ngang vai, cánh tay vuông góc song song với thân mình, bàn tay ngửa, thẳng ngón về phía sau thể hiện sự mừng rỡ đón đợi vật thiêng, đồng thới là sự hiến dâng, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi trần nhón gót lên lết tròn ngược kim đồng hồ. Theo đó, động tác múa uyển chuyển, đều đặn, nhẹ nhàng và quyến rũ.

          Trong điệu múa da dắh một điều quan tâm để ý, đó là giữa cánh chỏ tay trên luôn thẳng hàng với gót bàn chân đang nhún nhảy nhẹ nhàng trên mặt đất, chính từ đó, sự “ràng buộc” tạo cho bước đi đều đặn theo một quy tắc “đặc trưng” của điệu múa da dắh cổ kính và đặc sắc. Như vậy, điệu múa da dắ khi hiểu rõ nội hàm của nó ta nhận biết được ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tính nhân văn của múa, đó là hướng đi chung của vòng múa luôn luôn ngược kim đồng hồ để tiến về phía trước một cách nhịp nhàng, đồng bộ.

                           Vũ điệu dâng trời – múa da dắ (Ảnh: St)

                                    Múa tâng tung (Internet)

     Còn nhịp riêng của từng người theo điệu múa bao giờ cũng xoay vòng tròn nhỏ quanh bản thân mình theo chiều quay của kim đồng hồ. Như thế có nghĩa là toàn thể vòng tròn của điệu múa di chuyển chậm và ngược kim đồng hồ, theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình; ngược lại mỗi cá nhân trong tập thể múa lại nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ. Do đó, khi tham gia vào vòng tròn trong điệu múa tâng tung da dắ ta nhận biết ra rằng tập thể vòng múa di chuyển từ trái sang phải, còn từng người tự quay vòng tròn quanh mình, chân nhún nhẹ nhàng luôn thực hiện động tác từ phải sang trái. Điều này cho chúng ta nhận thấy giống đàn chim Lạc trên mặt trống đồng Đông Sơn cổ xưa luôn bay ngược kim đồng hồ là thể hiện nhớ về quá khứ, hướng về cội nguồn, tổ tiên, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, vòng múa da dắ cũng thể hiện rõ điều đó. Còn động tác nhúm chân xoay tròn quanh mình theo chiều quay kim đồng hồ là biểu hiện cho hướng tới tương lai, cho khát vọng dựng xây cuộc sống mới ấm no, tự do, hạnh phúc. Mặt khác, nếu ta nhìn từ trên cao xuống, phát hiện ra sự ẩn dụ về vũ trụ được tái hiện trong các làng quê của đại ngàn hũng vĩ. Ngọn lửa được đốt lên ở trung tâm được xem như ánh lửa mặt trời luôn tỏa sáng, tỏa ra một năng lượng cho sự sống. Vòng tròn múa chung quanh ánh lửa được ẩn dụ như đường hoàng đạo của trái đất đang quay quanh mặt trời để có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, còn mỗi cá nhân trong vòng tròn được ẩn dụ bí ẩn vừa quay chung quanh mặt trời và đồng thời tự quay chung quanh mình nó để có ngày đêm như nhịp điệu tâng tung da dắ xoay tròn. Một hệ vũ trụ được dựng lại, sinh động, nhịp nhàng cùng với điệu thức của tiếng trống thập thình và âm thanh cồng chiêng âm u ngân dài tan vào vũ trụ bao la, động đến từng trái tim nhân loại và thấu đến thần linh. Dưới tầm nhìn từ trên cao xuống như một hệ mặt trời nào có khác! Và chính từ đó, con người nhận được ánh sáng mặt trời, có ngày, có đêm và có tất cả cho sự phát triển lâu dài. Và đấy cũng chính là ước vọng của người Cơ Tu được gởi vào trong điệu múa tâng tung da dắ của mình.

          Tân tung – da dắ là điệu múa hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của nam thanh, nữ tú cũng là âm dương trong vũ trụ bao la xảy ra trong cùng một thời gian và xoay vòng trong một vòng tròn nhất định. Tuy nhiên tự nó thể hiện một nguyên tắc sau khi dàn trống chiêng ra sân vang lên “tinh toàng…”, “tư…tư”, “từng… từng…” thì bao giờ người con gái cũng bước ra múa trước, hết lượt con gái, nối tiếp hàng con trai và nếu người đông một vòng chật thì tạo thành hai vòng tròn cùng nhảy múa một lúc. Song, tự nó luôn sắp xếp đi trước là nữ, sau là nam; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam. Phải chăng chính điều này nói lên rằng tộc người Cơ Tu tuy không phải theo chế độ mẫu hệ nhưng lại giành cho đàn bà con gái sự “ưu tiên” hơn cả, ngay trong văn hóa, nghệ thuật cũng thể hiện điều đó. Trong một gia đình khi hai vợ chồng đi làm, trên đường ra nương rẫy, người vợ luôn là người đi trước!

Múa tâng tung da dắ là điệu múa dân gian, dân vũ truyền thống lâu đời của người Cơ Tu, nay đã có một vài đoàn nghệ thuật đã “nâng cấp hay mở rộng” thêm để nâng giá trị về mặt nghệ thuật phù hợp với thời đại mới, dầu vậy điều đáng mừng là “cái gốc” của điệu múa này vần còn được lưu truyền, bảo tồn, và gìn giữ, đặc biệt là trong những lần sinh hoạt văn hóa làng. Các đội múa của huyện xã luôn được nhân dân đón đợi và mến mộ như thuở ban đầu của nó.

  1. Những vũ điệu

   Năm 1938, Le Pichon, một người lính viễn chinh Pháp đã đến vùng người Cơ Tu sinh sống tại Quảng Nam, ông đã ghi chép lại trong chuyên khảo Les chasseurs de sang, in trong Tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH), số 4-1938. Ở đó, người lính này mô tả cuộc sống, lễ hội, những chiến binh, nhà cửa, y phục, …của người Cơ Tu, trong đó có phần ghi chép lại điệu múa tâng tung da dắ tại một cuộc tế dàng của người Cơ Tu, tuy chưa đủ và chưa rõ, nhưng đây là cách nhìn của một lính viễn chinh Pháp khi đến Việt Nam và gặp người Cơ Tu miền tây Quảng Nam đang nhảy múa cúng dàng năm 1938:

‘‘… A Pat,[1] ngày 10 tháng 11. Sáng nay, vào lúc 8 giờ các cuộc nhảy múa tiếp tục ban đầu cũng giống những điệu nhảy tối hôm trước rồi các hình thái vũ điệu thay đổi. Bảy đến tám (thanh niên trong làng) chàng trai làng nhảy gần như bên cạnh sườn con vật; theo hiệu lệnh của một người trong số họ, họ thình lình quay trở lại và tiếp tục cùng một điệu nhảy, lưng quay lại phía con trâu. Vào khoảng 9 giờ, vị trưởng già của tất cả các làng ở A Pat đi vòng quanh con trâu, ở trong vòng người đang nhảy múa, tay bưng một cái lư bằng đồng đựng than đang cháy đỏ, tiếp đó, ông đâm một nhát dao găm vào mỏm con trâu và hứng máu vào trong một cái chén để trên bàn thờ tổ tiên. Nhịp điệu nhảy dồn dập hơn, các chàng trai lấy dao phạt và múa dao theo nhịp, vòng sắt di động ở cán dao vang lên tiếng kim khí chạm vào nhau theo mỗi nhịp múa. Một trong số họ thổi ống sáo 4 lỗ (tarêl). Họ nhảy múa, nhảy trên một chân này rồi nhảy trên một chân khác, chân hơi cong lại. Cuối cùng, người Trưởng làng già cầm lấy cây lao và phóng đâm ba lần vào chỗ tim và hạ con trâu bấy giờ đang hấp hối. Nhịp nhảy càng tăng lên dồn dập kèm theo những tiếng hú, thét lanh lãnh mãi cho đến khi con trâu chết hẳn. Tiếp đó, người ta cắt chót đuôi trâu và mỗi người đều thử ném chót đuôi này vào một cái rổ nhỏ đặt ở trên đầu cột hiến tế. Người nào ném thành công sẽ được nhận một miếng thịt lớn và nguyện vọng bày tỏ sẽ được thỏa mãn.” [2]

Video: Quảng Nam Tourism (Dân ca Cơ Tu)

[1] A Pat: nay là thôn A Pát, thuộc xã A Vương, huyện Tây Giang. Có 82 hộ, 342 người, 8.528.96 hecta. (Xem: Võ Văn Hòe (2019), Địa danh Quảng Nam xưa & nay (Quyển 1), NXB Hội Nhà Văn).

[2] Xem: Le Pichon (1938),  Les chasseurs de sang, Tạp chí BAVH, số 4. 1938.

* Ảnh đại diện: VVH, 4/2018.