VAI TRÒ CỦA TRƯỜNG AN PHƯỚC TRONG KHAI DÂN TRÍ – CHẤN DÂN KHÍ – HẬU DÂN SINH

433

 

Vai trò của Trường Tiểu học An Phước trong việc                     mở đầu tân học tại Hoà Vang

                                                

        Năm 1905, cách nay trên 100 năm, các cụ khoa bảng nho học Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đứng ra vận động phong trào Duy Tân, chủ trương Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh trong các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Nam. Hưởng ứng phong trào, các cụ đồ nho tại làng Cẩm Toại am hiểu Nho học nhung đồng thời cũng am hiểu Tây học, muốn dem sở học của mình truyền thụ cho con em trong vùng nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân đang phát triển mạnh mẽ thời bấy giờ tại Quảng Nam. Theo đó, các cụ chủ trương tân học tại tổng An Phước đã không ngại khó khăn thời bấy giờ, quyết tâm mở trường tại làng Cẩm Toại, mục đích chuyển cựu học sang tân học khi phần đông nhân dân trong vùng vẫn còn cho con em họ theo học chữ nho để mong có được chân ông hương ông lý trong làng, mặc dầu việc thi cử theo con đường nho học đã được bãi bỏ.

        Kịp khi phong trào Duy Tân được phát động rộng rãi và có ảnh hưởng, người trong tỉnh bỏ dần nếp sống lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, trong đó việc học chữ quốc ngữ được ưu tiên vận động tham gia. Mở trường dạy chữ quốc ngữ là hình thức hưởng ứng Duy Tân có hiệu quả nhất, chính đó cụ Nghè Lâm Hữu Mẫn đã bỏ công sức lập trường chiêu sinh vào năm 1905 tại làng Cẩm Toại trong khuôn viên trạch cụ Hương ở Gò Lồi, ngay bên cầu Muồng nối liền hai làng Cẩm Toại và La Châu. Trường mở lớp dạy học không thu tiền, vừa dạy chữ, vừa khích lệ lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong đó thanh thiếu niên là đối tượng vận động theo học. Trường ra đời tại làng Cẩm Toại, ban đầu chỉ một phòng bằng tranh tre, được một thời gian do nằm khuất trong làng nên năm 1908, các vị sáng lập trường đồng tâm, hiệp lực dời từ Xóm Đông Lên Xóm Đình và chính thức lấy tên là Trường An Phước. Bấy giờ trường đã có mái ngói âm dương, mát mẻ, khang trang. Ban đầu trường chỉ chiêu sinh có vài lớp, học trong một phòng, học sinh có độ tuổi chênh lệch nhau và nhận thức về xã hội thời bấy giờ cũng khác nhau nhưng được ngồi chung trong một lớp học, về sau dần tách ra cho phù hợp. Trường do dân lập, đã nhanh chóng thu hút sự đóng góp của địa phương và các tầng lớp nhân dân, điều đó là hình thức khởi đầu cho xã hội hoá giáo dục. Nằm trên địa bàn có sự chà xát thường xuyên giữa ta và địch trong hai cuộc kháng chiến, thầy trò của trường vượt qua thử thách nêu cao gương chiến đấu dũng cảm, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Là trường Tiểu học, nhưng thời bấy giờ đã có tiếng vang trong cả tỉnh, các thế hệ học sinh đã trưởng thành góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

         Trường An Phước đã liên tục phát triển, năm 1929, tổng An Phước thuộc huyện Đại Lộc đã được giao về cho huyện Hoà Vang. Học sinh của trường vừa cũ , vừa mới đã trưởng thành lại được phong trào cách mạng địa phương thúc đẩy, đã hăng hái hoạt động trong các tổ chức cách mạng hợp pháp do nhóm thanh niên Ngã tư Phú Sơn, tiền thân của chi bộ Phổ Lỗ Sỹ – chi bộ Đảng đầu tiên của tổng An Phước và của huyện Hoà Vang – chỉ đạo. Đến năm 1940 trường đã có đệ Nhất niên (như lớp Năm ngày nay), là đã hoàn chỉnh hệ Tiểu học, mang tên Ecole primaire com plémentaire d’ An Phuoc, học sinh có thể học Sơ học và trường đã vươn lên tổ chức thi Sơ học yếu lược cho học sinh trên địa bàn huyện Hoà Vang nghiêm túc.

                                                   *

         Ngày trước trẻ em vùng Đại Lộc, Hoà Vang phần lớn học trường làng là chủ yếu với Tam tự kinh do các thầy đồ Nho am hiểu Hán học truyền thụ. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển không đều giữa các vùng trong huyện nên có nhiều người không được đi học. Huyện Hoà Vang thời bấy giờ có đến 95% dân số của huyện mù chữ [1]. Chữ Hán được các cụ đồ ngày xưa truyền dạy cho con cháu trong tộc, họ mà ít mở trường lớp. Tuy thế quanh trong vùng các cụ đồ nho còn cố gắng mở trường duy trì viêc dạy chữ Hán cho thanh thiếu niên trong và ngoài làng nhưng không được mấy, do cựu học đã bắt đầu hé lộ sự lỗi thời của nó. Học hết ấu học, trẻ được đưa đến Bình Thái học thêm chữ Hán với thầy giáo Thự hoặc đưa lên tổng An Phước học chữ quốc ngữ tại trường An Phước. Học sinh cả một vùng từ Ái Nghĩa, Cẩm Toại, Bồ Bản, Tuý Loan, Phước Thuận…xuống đến Cẩm Hoà, Đà Ly, Đông Phước, Cẩm Lệ …kéo nhau về tổng An Phước học chữ quốc ngữ, tham gia Phong trào Duy Tân nhộn nhịp. Sau khi mở trường, tổ chức dạy được các  lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng, và kéo dài đến năm 1915 do phụ huynh học sinh nhận thấy việc cho con em họ học theo tân học, học chữ quốc ngữ là cần thiết giúp nước giúp nhà nên đã đến ghi tên học ngày càng nhiều. Theo đó, trường phát triển thêm lớp, thêm bàn ghế mới đủ chỗ cho học sinh ngồi học. Tước tình hình như vậy, trường mở một cuộc vận động lạc quyên trong phụ huynh và những người tâm huyết với phong trào Duy Tân, ủng hộ tân học để có thể thêm trường, thêm lớp, đủ chỗ ngồi. Bài vè lạc quyên do thầy Đỗ Quảng, Hiệu trưởng nhà trường đặt ra để động viên, kêu gọi phụ huynh:

                …Đến năm linh tám cụ Nghè

                Nghĩ ra một cách tranh tre lập trường

                Vì đâu nên nỗi dễ dàng

                Cũng nhờ ông Chánh sẵn sàng giúp ngay [2]

                …Đến năm ba tám mới là

                Nhờ thầy tổng giỏi nới ra rộng lần…

                Tuy vài kẻ khó người giàu

                Giúp cho trẻ học đặng mau thành tài

                Bạc làm sẽ có nghìn hai

                Chỉ còn thiếu độ một vài trăm thôi

                Phụ huynh trong tổng ta ơi

                Trước đã giúp rồi nay lại giúp thêm…

        Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh được phát động mạnh mẽ, có tiếng vang trong toàn tỉnh Quảng Nam. Tại An Phước và vùng phụ cận nhận thấy cựu học đã lỗi thời, đã cho con em đến học quốc ngữ và các môn khoa học mới theo phương pháp và sách giáo khoa chung của các trường Duy Tân trong tỉnh Quảng Nam.

         Nội dung dạy thời kỳ này chú trọng kiến thức tân học vào các loại sách như sách Bác vật chí của cụ Phạm Phú Thứ, sách Quảng Nam địa dư chí, các bài vè về sử ký, địa dư, cách trí của cụ Trương Trọng Hữu… Nội dung dạy học hoàn toàn đổi mới, mở ra lượng kiến thức mới có khả năng nhận biết và giải quyết các hiện tượng tự nhiên xã hội chung quanh, theo đó học sinh rất phấn khởi, chăm học. Hình thức tổ chức trường cũng khác truớc, không khom lưng trên chiếu nữa mà đã có bàn ghế bằng tre hẳn hoi để ngồi, có bảng bằng gỗ, viết bằng đất sét tử tế. Trường học ngày một phát triển, các thầy giáo nhiệt tình dạy bảo, trò chăm học, năng động. Thông qua chương trình giảng dạy, dần truyền bá tinh thần yêu nước trong tầng lớp thanh niên tân học và nhân dân nói chung cho huyện.

        Phương pháp dạy không chú trọng lý thuyết mà các giáo viên đã suy nghĩ, cải tiến thực hiện nguyên lý trong giảng dạy: học đi đôi với hành, học văn hoá kết hợp với sản xuất, lao động gặt hái trong ngày mùa. Phương châm thực hiện là thả học, thả canh. Chính đó, môn thủ công do thầy Lâm Hữu Tuân dạy học sinh các lớp chẻ nan, đan rổ, đan rá, nong nia từ lồng mốt đến lồng tư to bằng thật, chấm điểm xong, học sinh được mang về nhà dùng.

        Thực hiện Duy Tân với phong trào vận động cắt tóc ngắn, mặc Âu phục khi đến trường, con trai thời bấy giờ tự giác, đi học cắt tóc ngắn, động viên nhau cúp tóc, thể hiện qua bài vè:

                        Cúp hề! Cúp hề!

                        Tây mặt cầm kéo

                        Tay trái cầm lược

                        Thủng thỉnh cho khéo

                        Bỏ cái ngu này

                        Ăn nói ngay thẳng

                        Học mới từ đây

                        Cúp hề! Cúp hề!

        Đến trường học, anh ngồi chung bàn với em, chú học với cháu, con trai con gái mạnh dạn ngồi chung bàn với nhau, không ngại. Thậm chí, có các bậc nho học cha chú của thầy vừa học chữ quốc ngữ vừa dạy một số môn khác cùng với thầy như võ sư Huỳnh Thường Tu, thầy địa lý Lâm Nhĩ… Nhờ không khí dạy và học được đổi mới, các lớp học trở nên sôi nổi hẳn, học sinh các nơi về ghi tên theo học ngày càng đông, có cả học sinh từ các làng lân cận vượt đường xa tìm đến [3].

        Tuy nhiên thời bấy giờ việc chuyển từ dạy chữ nho sang chữ quốc ngữ, bỏ cựu học theo tân học không phải là chuyện dễ dàng vì vấp phải sự phản đối lắm khi gay gắt từ phía cựu học, những người còn tôn vinh Nho học. Cũng là điều dễ hiểu. Sự phản đối thể hiện qua bài vè:

        Đời bây giờ là đời văn minh cõi thế

        Thấy vậy thêm buồn!

        Ớ anh em ơi,

        Học làm chi mà lăn lăn, liếu liếu

        không biết tích với tuồng vô đâu

        Mở sách ra thấy những con trâu, con bò

        Loại thú cầm con nhỏ, con to

        Bê-a-ba, bê-á-bá, bê-ớ-bớ [4]

        Anh viết quanh co không hàng

        Rồi đây trác sức về làng

        Lập trường dạy học cho đàn con thơ

        Bê-a-ba, bê-ớ-bớ, bê-ơ-bơ [5]

        Vận xuôi, vận ngược tê-e-rờ-u-tru [6]

        Khuyên cùng các chú sỹ phu

        Kẻ thì đi Hán tự, người thì thi vô ngữ trường.[7]

nhiều người cương quyết không cho con em đi học thứ chữ Tây của cố đạo, một thứ chữ phản quốc!

        Mặc dầu tình thế thời bấy giờ có khó khăn nhưng cụ Nghè Lâm vẫn kiên trì bám trường lớp dạy học vì việc nghĩa, đồng thời thực hiện khuyến học: vận động những nhà tâm huyết, hão tâm giúp sức, hỗ trợ bút mực, sách vở, giấy cho những học sinh nghèo khó thiếu điều kiện nhằm động viên trên tinh thần Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Và lần đầu tiên trong huyện thu nhận học sinh nữ đến trường. Một sự mạnh dạn đáng trân trọng và đáng được phát huy! Trường tổ chức phát phần thưởng cho học sinh giỏi và học sinh có thành tích trong vận động bạn bè cùng đi học.

        Sau nhiều năm phát triển, đến năm 1926 được Đốc học tỉnh Quảng Nam công nhận là trường công lập có tên tiếng Pháp Ecole Cantonale d’ An Phuoc. Các lớp học từ đó không còn gọi theo tiếng Việt nữa mà gọi bằng tiếng Pháp như  Cours Enfantin, Cours Preparatoire…Sau đó, tỉnh cho mở lớp Sơ đẳng yếu lược gọi là Cours Elementaire, đồng thời bổ nhiệm Hiệu trưởng Lê Khôi về quản lý nhà trường.

        Đến giai đoạn này trường đã chính thức trở thành trường công lập, được công nhận, không còn hoạt động theo kiểu trường làng ngày trước nữa. Người dân An Phước không còn xem là trường riêng của tổng mình mà đã có học sinh từ các tổng Phước Tường, Thanh An… tìm đến học. Hằng năm có chương trình chỉ tiêu tuyển sinh hẳn hoi, thầy cô giáo vào trường có nội quy, quy chế làm việc, lên lớp. Năm 1938, trường đã mở được lớp Nhì niên, đến năm 1940 Nhất niên, xem như đã phát triển toàn diện bậc học.

        Trường Ecole primaire complémentaire d’An Phuoc từ đó liên tục phát triển. Nhờ có trường Tiểu học đầu tiên của huyện Hoà Vang dạy chữ quốc ngữ, nội dung phù hợp, phương pháp theo kiểu tân học, tiến bộ so với cựu học thời bấy giờ, vừa học vừa hành đã tạo điều kiện cho chữ quốc ngữ được đọc thông viết thạo trong các thế hệ học sinh. Kiến thức về khoa học thường thức, thủ công… được học sinh tiếp thu nhanh chóng, tiếng Pháp cũng được tự do tìm hiểu học tập là điều kiện cơ bản để các lớp học sinh An Phước tiếp thu tư tưởng dân chủ tiến bộ của phương Tây qua con đường sách báo. Rõ ràng, thời kỳ này trong nhân dân đã bắt đầu tìm đến để học:

                                …Sách quốc ngữ

                                  Chữ nước ta

                                  Con cái nhà

                                  Đều phải học…

        Có thể nói rằng, nhờ có trường Tiểu học An Phước đã đào tạo cho huyện Đại Lộc, Hoà Vang một lớp trí thức mới, có khả năng hưởng ứng mạnh mẽ, nhiệt tình phong trào Duy Tân, đưa cái mới, cái tiến bộ trên cơ sở khoa học kỹ thuật, thường thức vệ sinh, lối sống, giao lưu theo cung cách mới trong đời sống thường ngày đến gần với cuộc sống nhân dân vùng nông thôn. Lớp người trí thức này đã tiếp thu tư tưởng tiến bộ của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp, Ý…nêu cao tinh thần yêu nước, chống áp bức bóc lột là điều kiện sau này tiếp thu chủ nghĩa yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được truyền bá trong các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, trong các hội đọc sách báo, hội đá banh, hội dệt vải, hội thuốc Bắc, hội truyền bá chữ quốc ngữ… được phát động rộng rãi trong tổng, huyện.

        Nhờ có trường Tiểu học An Phước đã khắc phục khó khăn mở mang trường lớp, kiên quyết theo đuổi mục tiêu đến thắng lợi trong sửa đổi nội dung, phương pháp giảng dạy, vượt qua được trở ngại của giới cựu học, đưa chữ quốc ngữ và tinh thần tân học vào trong nhân dân với chủ truơng Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh đã góp phần làm chuyển biến cơ bản về nhận thức đối với giới trí thức Nho học thời bấy giờ. Trong các bài văn tế đọc tại các từ đường tộc họ đã có phần thay đổi cách nhìn nhận theo ý thức mới hơn, tân học hơn, văn từ chuyển từ Hán – Nôm dần sang Tiếng Việt:

                “…Khí đã oai hùng chí càng viễn đại

                Mở sơn hà thiết lập giang sơn

                Tài Mã – ni đang sức hô hào

                Tuồng Lỗ địch quyết ra tay đào thải [8]

                Gươm thần một thuở ra tay

                Đất tổ bốn phương mưa tạnh…”[9]

        Nhiều thầy là trợ giáo như Trợ Ngọ, Trợ Thuyên, Trợ Đợi, Trợ Mít… đã góp công sức, trí tuệ làm cho nhà trường phát triển và đã góp phần đào tạo, giáo dục được nhiều thế hệ học sinh tham gia phong trào cách mạng của địa phương, nhiều người đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt nam là nguồn cán bộ chủ chốt trong Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945 tại các tổng An Phước, Bình Thái, Thanh An, Phước Tường… [10].

          Các thế hệ học sinh của trường trưởng thành đã hăng hái tham gia phong trào cách mạng tại địa phương do chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở đây lãnh đạo, tổ chức đấu tranh chính trị chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Những ngày chuẩn bị cho khởi nghĩa Tháng Tám 1945, trường Tiểu học An Phước là nơi tập trung các học sinh trong tổng cùng nhân dân dấy lên tinh thần đi giành chính quyền ở huyện Hoà Vang.

        Trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh lên đường đi kháng chiến, làm cách mạng. Trong số nhiều người đã lập được chiến công xuất sắc như thầy giáo Châu Quang Thuyên, bị địch bắt tra tấn đến chết khi đang làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện Hoà Vang, thầy Đặng Ngọ, Lê Du bị địch bắn chết trên đường đi công tác. Nhiều học sinh của trường tập kết ra miền Bắc học tập và đã trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú… có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực hoạt động.

        Có thể nói rằng là một ngôi trường nổi tiếng 100 năm nay đã nhận lãnh vai trò, sứ mệnh đào tạo nhiều thế hệ trí thức từ cựu học sang tân học, phù hợp với thời đại mới, nêu cao ý thức dân tộc, đem tài học của mình tham gia cách mạng cứu lấy nước nhà, đã từng có nhiều hy sinh và cống hiến lớn đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, giải phóng và xây dựng Tổ quốc [11].

 

[1] Theo: Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hoà Vang 1928 – 1954,  Tập 1. Nxb Đà Nẵng 1985.

[2] Ông Chánh Tiếng Lâm Quang Toản.

[3] Xem: Trường Tiểu học An Phước 95 năm truyền thống. Nxb Giáo dục 2003.

[4] Đây là cách đánh vần của ba, bá, bớ.

[5] Ba, bá, bơ.

[6] Tru.

[7] Hán tự tức học chữ Hán; ngữ trường là học chữ quốc ngữ.

[8] Mã chi ni cùng với Gia lý ba địch là hai nhà yêu nước có công lớn thống nhất nước Ý vào thế kỷ thứ XIX. Lỗ địch vị vua cuối cùng của nền chuyên chế Pháp bị cách mạng Tư sản Pháp xử năm 1793.

[9] Trích văn tế Tiền hiền Đông Phước xã, Phước Tường thượng tổng.

[10] Xem: Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hoà Vang, Sđd.

[11] Trích Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi  trường Tiểu học An Phước ngày 18/6/1999. Xem: Trường Tiểu học An Phước, 95 năm truyền thống, Nxb Giáo duc, 2003.