Từ mẫu huấn tử
慈 母 訓 子
Người Quảng xưa nay tôn trọng việc học hành.
Trong tiến trình phát triển từ thời Quảng Nam Thừa Tuyên đạo đến nay, người Quảng ghi dấu ấn trong việc học hành thi cử, lập thân, lập nghiệp giúp nước giúp đời.
Dân gian phong tặng, tôn vinh các vị đổ đạt thành tài qua các khoa thi (1945 về trước) như: “Quảng Nam lục tuyệt”, gồm:
– Ông Phạm Phú Thứ (người Điện Bàn, khoa 1842)
– Ông Lê Vĩnh Khanh (người Tiên Phước, khoa 1843 và khoa 1844)
– Ông Nguyễn Hanh (người Hoa Vang, khoa 1852)
– Ông Phạm Liệu (người Điện Bàn, khoa 1894 và khoa 1898)
– Ông Huỳnh Thúc Kháng (người Tiên Phước, khoa 1900 và khoa 1904)
– Ông Võ Hoành (người Duy Xuyên, khoa 1903, khoa 1910) [1]
Sự học thể hiện qua các kỳ thi đỗ đạt thành tài, ngoài các danh xưng ghi dấu ấn sự hiếu học, trong tiến trình phát triển giáo dục, người Quảng Nam còn có các vị đỗ đạt:
– Ông Lê Thiện Trị (người Duy Xuyên, TS. Khoa Mậu Tuất, 1838)
– Ông Nguyễn Tường Vĩnh (người Hội An, Phó bảng. 1838)
– Ông Nguyễn Dục (người Phú Ninh, Phó bảng, 1838)
– Ông Phạm Như Xương (người Điện Bàn, Đình nguyên Hoàng giáp, khoa Ất Hợi, 1875)
– Ông Trần Văn Dư (người Phú Ninh, TS)
– Ông Phạm Phú Thứ (người Điện Bàn, Thủ khoa thi Hương 1842, Thủ khoa thi Hội 1843)
– Ông Huỳnh Thúc Kháng (người Tiên Phước, Thủ khoa thi Hương 1900, Thủ khoa thi Hội 1904)
Theo đó có thể thấy người quảng trọng học hành thi cử dưới triều Nguyễn, dân gian tôn vinh những người thi đỗ bằng các mỹ tự hay để động viên, để ghi dấu ấn cho một vùng đất có truyền thống hiếu học, như “Ngũ phụng tề phi” khoa Mậu Tuất năm 1898:
– Ông Phạm Liệu (TS)
– Ông Phan Quang (TS)
– Ông Phạm Tuấn (TS)
– Ông Ngô Chuân (Phó bảng)
– Ông Dương Hiển Tiến (Phó bảng)
Như “Tứ hổ”, khoa Tân Sửu 1901:
– Ông Nguyễn Đình Hiến (Phó bảng)
– Ông Võ Vỹ (Phó bảng)
– Ông Nguyễn Mậu Hoán (Phó bảng)
– Ông Phan Châu Trinh (Phó bảng)
Hoặc “Tứ kiệt”, sau khi thi đỗ có thái độ hành tàng:
– Ông Trần Quý Cáp (về thơ)
– Ông Nguyễn Đình Hiến (về phú)
– Ông Phan Châu Trinh (về kinh nghĩa)
– Ông Huỳnh Thúc Kháng (về thơ, về phú, về kinh nghĩa)
Và còn danh xưng vang bóng một thời, là “Ngũ tử đăng khoa”:
– Ông Nguyễn Khắc Thân (Tú tài)
– Ông Nguyễn Chánh Tâm (Tú tài)
– Ông Nguyễn Tu Kỷ (Tú tài)
– Ông Nguyễn Thành Ý (Cử nhân)
– Ông Nguyễn Tử Cung (Cử nhân) [2]
Hoặc là “Xuân Sơn ngũ tử”:
– Ông Hoàng Kim Bảng (Cử nhân)
– Ông Hoàng Kim Giám (Cử nhân)
– Ông Hoàng Kimh Tích – tên khác: Hoàng Diệu – (Phó bảng)
– Ông Hoàng Kịm Bình (Tú tài)
– Ông Hoàng Kim Đạt (Tú tài) [3]
và còn có nhiều người học hành đỗ đạt thành danh, giúp nước, giup nhà, như:
– Ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu)
– Ông Ông Ích Khiêm (Cử nhân)
– Ông Nguyễn Duy Hiệu (Phó bảng)
– Ông Đỗ Thúc Tịnh (Tiến sỹ)
– Ông Trần Cao Vân (không đi thi)
v.v…
Tinh thần hiếu học đã truyền cảm hứng cho các tác giả dân gian sáng tạo nên thơ ca, hò, vè ca ngợi, nêu gương, trong di sản tinh thần đó có bài vè khuyến học “Từ mẫu huấn tử” thể hiện tinh thần hiếu học của người Quảng:
Đêm năm canh chẳng ngủ
Ngày sáu khắc luống ngồi
Kể từ ngày kết lứa làm đôi
Dạ mẹ ở một lòng chánh trực
Làm nhơn, làm phước để lại cho con
Mẹ làm giàu của chất bằng non
Không bằng để cho con ba chữ
Con muốn đầy bề lịch sự
Thời con lo trang điểm trong mình
Tai mẹ nghe đọc sử đọc kinh
Lòng mẹ tưởng như người ham muốn
Con ở làm sao quá thậm ngất ngơ
Sao con không biết lo!
Nhơn thân làm đấng học trò
Học đạo sao không tri lý!
Tử viết:”Lý nhơn vi mỹ…“[4]
Mẹ hỏi con câu ấy những chuyện chi ?
Lại có câu:”Học túc phá ngu“[5]
Khuyên con cố gắng công gắng sức
Dù con có thiếu nghiên, thiếu mực
Thì mẹ lo sắm sửa cho con
Gẫm người đời hay chữ thì hơn
Văn vật khó, giang sơn không khó.
Nằm mẹ nghĩ đường kia nỗi nọ
Giận thá thường ăn chẳng biết ngon
Dựng cơ đồ để lại cho con
Nhiều đất ruộng không bằng nhiều chữ.
Gẫm thế sự nhiều người trở ngữ [6]
Thiên hạ thường bóp cổ cùng nhau
Huống chi mình sinh muộn, đẻ sau
Sao cho khỏi kẻ giằng, người thúc
” Diện phục tâm bất phục” [7]
” Tri tánh bất tri tâm” [8]
Xa xôi chi đó mà lầm
Trước con mắt mẹ đà từng thấy
Kẻ giấu tờ, người giấu giấy
Kẻ toan gạt, người toan lường
Mẹ thấy con học viết lương ương
Giận mẹ mắng sao con không biết hỗ ?
Cầm sách vở đi cho có chuyện
Học một ngày ba chữ cu nhăn
Trở về nhà cơm sẵn con ăn
Giận mẹ mắng khuyên con đừng cố chấp !
Chữ: “Dục lập tắc lập.” [9]
Câu: “Cầu nhơn nhi đắc nhơn.” [10]
Mẹ khuyên con đừng bội nghĩa vong ơn.
Nhớ mấy lời mẹ dặn !
Công mẹ đẻ đau mang nặng
La chi cho mỏi tiếng, hao hơi
Muốn cho lịch giác sự đời
Ngọc bất trác do hà thành khí [11]
Chữ:”Trượng phu chi chí thời thân nãi lập thân.” [12]
Hỡi! Làm người lo tảo lo tần [13]
Thời thiên hạ thường biết mày, biết mặt
Làm sao đặng rạng danh rỡ tiếng.
Lịch sự mẹ thời lịch sự con
Nghĩa quân sư con há dễ chiều lòn
Thầy há dễ tiếc công, tiếc sức
Người cũng người đạo đức
Nên tìm đến chốn ta
Gẫm người đời chữ nghĩa như ba ([14])
Còn có thuở danh biêu bảng hỗ.
Lòng mẹ đà sở mộ
Nên trọng đạo sùng sư
Mẹ nói với con ngôn tận lý từ
Cho nhớ chữ:” Thời lai phong tống.”[15]
Gẫm biển thánh rộng đà quá rộng
Ráng sức chèo, chèo cũng tới nơi
Nhắm rừng Nho cao đã quá cao [16]
Ra sức bước, bước lâu cũng đến
Ai thấy kẻ văn chương không mến
Ai thấy người đạo đức không ham
Từ công ăn cho đến việc làm
Mẹ không biểu con lo con tính
Đầu Luận Ngữ có câu tam tỉnh
Lời thầy Tăng: “Tam tỉnh ngô thân…” [17]
Sức người là á thánh nhân
Mà người còn giữ những câu truyền tập
Tử viết:” Tam thập nhi lập…” [18]
Thánh nhơn du khả thuyết chư [19]
Châu Công còn đãi đấng chí từ [20]
Bậc Thánh mà còn lo chẳng ngủ
Mẹ nhắc đời nọ, đời kia đã đủ
Ngoáy tai ra mẹ kể con nghe
Mãi Thần xưa bảng hỗ, danh đề [21]
Người thuở trước bần hàn đói rách
Vai gánh củi miệng hòng đọc sách [22]
Lần hồi bữa cháo, bữa cơm
Trong ngàn năm tiết rạng danh thơm
Trời không phụ những người học đạo
Ai nhiều lúa, nhiều gạo
Cho bằng Thủ Lộc ở Kỳ Lam [23]
Bách vạn dư, thiên hạ có tiếng khen
Bây giờ thất, tư điền còn mấy mẫu ? [24]
Con Thủ Quyển năm người thi đậu [25]
Đất Túy La đã rạng tiếng khen
Bạn xưa tê cũng bạn khó hèn
Bây giờ đặng rạng danh rỡ tiếng
Mẹ nói đà cùng chuyện
Con học lấy văn chương
Mở khoa thi định lại tứ trường [26]
Thi chữ, không ai thi ngủ
Trong tuyển Cử nhân thầy Tú
Tuyển văn chương, không ai tuyển bạc cờ
Mẹ biểu con, đừng học thói ngất ngơ
Kẻo mà uổng cơm cha, áo mẹ./.
——————–
[1] Theo: “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng” (2010), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1139-1140.
[2] Họ là năm anh em, con ông Nguyễn Tấn Duệ và bà Trương Thị Tam, chánh quán làng Túy La, trú quán làng Bất Nhị. Nay là xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn. Họ được ca ngợi, tôn vinh, được nêu gương trong bài vè “Từ mẫu huấn tử”.
[3] Họ là năm anh em ruột quê ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn.
[4] Lý nhơn vi mỹ = Luận ngữ, Thiên IV, Lý Nhân, bài 1, Tử viết:”Lý nhân vi mỹ.Trạch bất xử nhân, yên đắc trí ?” = Khổng Tử nói:” Làng nào có đức nhân là nơi ấy tốt. Chọn chỗ ở mà không lựa chọn nơi có đức nhân thì sao gọi là sáng suốt được.”
[5] Học túc phá ngu = sự học đã đủ (túc) sẽ phá tan điều ngu muội.
[6] Trở ngữ = cậy, ỷ lại (là người) có chữ.
[7] Diện phục tâm bất phục = Vẻ (mặt ) ngoài thì phục nhưng trong lòng (tâm) không phục.
[8] Tri tánh bất tri tâm = Tri: biết; tánh: tính; biết tánh nết (mà) không biết tấm lòng ra sao.
[9] Dục lập tất lập = Muốn lập (được) một việc gì đấy ắt sẽ lập được, làm được.
[10] Cầu nhơn nhi đắc nhơn = Có nhu cầu nên người (thì) sẽ nên người được.(Nhi:Trt)
[11] Ngọc bất trác do hà thành khí = Trác: mài, trao dồi. Ngọc (mà) không mài dũa (thì) sẽ không sáng được. Người không trao dồi, rèn luyện sẽ không giỏi được.
[12] Trượng phu chi chí thời thân nãi lập thân = Nãi: bắt đầu. Kẻ trương phu có chí bắt đầu lập thân khi có thời cơ.
[13] Tảo, tần = Hai loại rau dùng để làm đồ tế. Trong Kinh thi có câu: Vu dĩ thái tần, nam giản vu chi tân, vu dĩ thái tảo, vu bỉ hàng lạo= hái rau tần bên bờ khe phía nam, hái rau tảo bên lạch nước. Theo ý trên, ở đây chỉ công việc lo toan, chăm chỉ của người vợ, dâu, mẹ hiền hái rau tần, rau tảo về tế tổ tiên, hiểu rộng ra là đức tính đảm đang của người phụ nữ.
[14] Ba = tức hoa. Do phạm húy vợ đầu tiên vua Minh Mạng là Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị), sau khi sinh vua Thiệu Trị được 13 ngày, bà mất. Vua cha là Gia Long thương tiếc bèn xuống dụ cấm không được dùng “hoa” trong mọi trường hợp, do đó Thanh Hoa đọc là Thanh Hóa, Đông Hoa gọi là Đông Ba, hoa gọi là huê, bông…
[15] Thời lai phong tống = buổi lại gió đưa. Ý nói thời cơ đến rồi.
[16] Biển thánh, Rừng Nho = sự học đạo Nho. Tỉ dụ. Xem đạo Nho mênh mông, cao như núi, rộng như biển khó có thể học cho hết được. Đạo Nho còn được tỉ như “Của Khổng sân Trình.” (Cửa Khổng: nơi dạy đạo Khổng, thường gọi là Cửa Khổng sân Trình chỉ nơi dạy đạo Nho. Sân Trình: sân nhà ông Trình Tử, một bậc đại nho đời nhà Tống. Trình Tử (1033-1107), tên là Trình Di, hiệu là Y Xuyên, nên gọi là Trình Y Xuyên. Ông và ông Chu Hối Am (gọi chung là Trình Chu) là hai bậc đại Nho, chú thích rất nhiều kinh truyện. )
[17] Đầu Luận Ngữ… = Luận Ngữ có mười thiên. Luận Ngữ, Thiên I (Tiên đầu), Học Nhi, bài 4, Tăng Tử viết:” Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vị nhân mưu nhi bất trung hồ ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ ? Truyền nhi bất cập hồ ?”. Tăng Tử nói:” Mỗi ngày ta tự xét ba việc: làm việc gì cho ai, có hết lòng không ? Giao thiệp với bạn bè, có thành tín không ? Thầy dạy cho điều gì, có học tập (cho nhuần ) không ? (Tăng Tử họ Tăng tên Sâm, tự là Tử Dư, người nước Lỗ, học trò nhỏ tuổi nhất của Khổng Tử, kém Khổng Tử 46 tuổi, sau dạy cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp (Tử Tư), ông rất có hiếu; thân phụ là Tăng Tích cũng là học trò của Khổng Tử.).
[18] Tam thập nhi lập = Luận Ngữ, Thiên II, Vi Chính, bài 4, Tử viết:” Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ”. Nghĩa là: Khổng Tử nói:” Ta mười lăm tuổi để chí vào việc học (đạo); ba mươi tuổi biết tự lập (tức khắc kỷ phục lễ, cứ theo điều lễ mà làm); bốn mươi tuổi không nghi hoặc nữa (tức có trí đức, nên hiểu rõ ba đức nhân, nghĩa, lễ); năm mươi tuổi biết mệnh trời (biết được việc nào sức người làm được, việc nào không làm được); sáu mươi tuổi đã biết theo mệnh trời (chữ nhĩ ở đây không có nghĩa là tai mà có nghĩa là dĩ = đã); bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý. (Không phải suy nghĩ, gắng sức mà hành động tự nhiên hợp đạo lý.”). Thiên mệnh: có sách ghi là luật trời, sự biến hóa trong vũ trụ. Nhĩ thuận: có sách ghi là: tai thuận, tức nghe ai nói thì hiểu được ngay người đó nghĩ gì, muốn nói gì, có ý gì.
[19] Thánh nhơn du khả thuyết chư = người giỏi như bậc thánh có thể chu du thuyết triết lý, (chữ nghĩa thánh hiền ) cho thiên hạ được rồi.
[20] Châu Công = tức Chu Công, tức Chu Hối Am, bạn của Trình Di tức Trình Tử.
[21] Mãi Thần = tức Chu Mãi Thần người đời Hán, là một học trò nghèo phải đi bán củi để có tiền ăn học. Mãi Thần vừa gánh củi đi bán, vừa đọc sách, vợ Mãi Thần thấy thế làm then, chê chồng vô dụng, bỏ đi lấy người khác. Về sau Chu Mãi Thần thi đỗ, trở nên vinh hiển, vợ lại xin trở về, Mãi Thần cầm bát nước đổ xuống đất, bảo vợ nếu hốt lại được thì cho về, vợ Mãi Thần hổ thẹn thắt cổ mà chết. Trong Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát có: Vai tân sài đủng đỉnh ngâm nga, vợ anh Mãi băn khoăn từng kể khó. Nguyễn Công Trứ trong Hàn nho phong vị phú có: Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cưỡi dù che.
[22] Tỉ, ám chỉ Chu Mãi Thần.
[23] Thủ Lộc = Ông Thủ Lộc ở làng Kỳ Lam (nay là Điện Quang, huyện Điện Bàn) làm nghề dệt vải, lụa. Ông nhờ biết cải tiến công cụ, học hỏi tự chế tạo máy dệt, nên năng suất cao lên, chẳng mấy chốc nhà trở nên giàu có, tài sản có chừng trăm vạn bạc vào năm 1920. Về sau ông không giữ gìn được, con cháu phá làm cho gia đình Thủ Lộc phải tan gia bại sản.
[24] Thất = tức thất bát, mất mùa, lụn bại dần.
[25] Thủ Quyển = Gốc ở làng Túy La (Thúy La), nay thuộc xã Điện Hồng, trú quán làng Bất Nhị nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Ông tên thật là Nguyễn Công Duệ, có thời giữ chức Thủ hạp ở vùng Ô gia nên nhân dân quen gọi là Thủ Quyển. Thủ Quyển thuở nhỏ rất có chí, nghiên cứu kinh sách, gia phong theo phong cách Nho gia. Ông có hai vợ, vợ đầu sinh được 2 người con rồi mất. Kế thất tên là Trương Thị Tam, sinh được 5 người con trai và 3 người con gái. Năm người con trai là: Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Tu Kỷ đỗ Tú Tài; Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Tĩnh Cung đỗ Cử nhân. Trong năm ông thì Nguyễn Thành Ý rạng danh hơn, được phong tước là Hồng Lô tự khanh, Hiệp biện Đại học sỹ.
[26] Tứ trường = Khoa cử nước ta có từ thời Lý Nhân Tôn (1075), đầu tiên là khoa thi Tam trường, chọn Minh kinh bác học (học rộng, hiểu nghĩa sách). Đến đời nhà Trần (1225-1440), khoa cử đã có thường lệ, có hai khoa thi Hương và thi Hội. Năm 1396, vua Trần Thuận Tôn đặt ra thi Hương chọn Cử nhân, thi Hương có từ đó. Năm 1462 vua Lê Thánh Tôn chia những người đỗ thi Hương ra làm Hương Cống (Cử nhân) và Sinh đồ. Hai học vị nầy có từ đó. Gia Long năm thứ 6 (1807), định lại cứ 6 năm mở một khoa thi Hương. Đến năm 1825, Minh Mạng thứ 6 lại định ra cứ ba năm mở một khoa. Thời nầy mở ở Huế, Gia Định, An Giang, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội. (Hương theo vùng, Hội tập trung thi tại kinh đô Huế). Thi Hương có tứ trường, đó là: Tỉnh hạch (còn gọi là trường nhất): mở hằng năm ở các tỉnh nhằm khuyến khích các sỹ tử ra công ăn học nhằm vào cuộc thi Hương; Khảo khoá: trường thi mở một năm trước kỳ thi Hương, nhằm chọn sỹ tử đủ tài học để đi thi Hương; Tam trường: thí sinh đã đỗ tam trường xem như là Tú tài; Tứ trường: (như phúc khảo) chọn lấy cử nhân, được bổ dụng vào các chức quan của triều đình. Đỗ Tú tài không cử làm quan. Trước thi Hương , quan Đốc học Điên Bàn sát hạch trước (khảo hạch), ai trúng tuyển mới được thi Hương nhằm ngăn chặn những thí sinh không thực học tại đất Túy La.