TÍNH PHỔ QUÁT VÀ TÍNH RIÊNG TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VĂN NGHỆ DÂN GIAN

683

     

Tính phổ quát và tính riêng có trong việc nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian các địa phương (qua cứ liệu vùng Quảng Nam – Đà Nẵng)

          Sau một nhiệm kỳ của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam (2010 – 2015) nhìn lại, Hội đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa trong việc đạt được mục tiêu phát triển vươn tới tầm cao mới. Nhiệm kỳ vừa qua đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động nghề nghiệp, và cũng từ nhiệm kỳ này tạo lập những tiền đề cần có để bắt đầu cho nhiệm kỳ tiếp theo, Hội chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn. Những thành tựu trong nhiệm kỳ qua đã làm tăng thêm thế và lực của Hội, tạo điều kiện cho những hoạt động chuyên môn đạt chuẩn, đẩy mạnh hơn nữa tiếp cận mục tiêu vươn tới những tầm cao mới.    

  1. Ngày càng cao hơn về hệ thống lý luận văn hóa văn nghệ dân gian

          Những năm qua, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng, các lớp tập huấn, những lần hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước đã cung cấp những luận cứ khoa học chuyên ngành, theo đó, hội viên tiếp thu và vận dụng vào trong diễn trình điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, truyền/giảng dạy và quảng bá văn hóa văn nghệ dân gian đến với các tầng lớp nhân dân.  Nói ngày càng cao hơn, trước hết là hệ thống lý luận phát triển, đáp ứng yêu cầu sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa văn nghệ dân gian của hội viên. Chất lượng các công trình nghiên cứu được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ứng dụng văn hóa văn nghệ dân gian vào trong cuộc sống đương đại. Ở đó nhiều tri thức dân gian được vận dụng vào giới và gia đình, vận dụng vào xây dựng đạo đức lối sống cho con người thời nay, các mối quan hệ tha nhân được tiếp tục hình thành trên cơ sở quan hệ tuyền thống. Nhiệm kỳ qua, các kết quả sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đã góp phần hình thành nên một quan điểm lý luận về văn hóa dân gian, về phương pháp tiếp cận và con đường vươn lên tầm cao mới trong quá trình phát triển của Hội. Và qua các lớp tập huấn, cho thấy Hội đã góp phần cung cấp những cơ sở lý luận để hiểu đúng đắn và sâu sắc về các thành tố văn hóa văn nghệ dân gian trong nền văn hóa Việt Nam nói chung, từng bước nhiều hội viên khắc phục được sự hiểu biết chưa đầy đủ về văn hóa, văn nghệ dân gian.       

  1. Về văn hóa văn nghệ dân gian, xã hội và con người

          Văn hóa dân gian của cộng đồng người Việt sáng tạo ra được xem là một thực thể sống, nảy sinh, tồn tại, phát huy và phát triển gắn với sinh hoạt của người dân trong cộng đồng dân cư. Do đó để hiểu về văn hóa dân gian phải đặt các hiện tượng văn hóa dân gian với môi trường sinh hoạt, diễn xướng kiến tại mà ở đó nó tồn tại, nghĩa là phải đặt sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với cộng đồng cư trú, trong đó cộng đồng làng xóm có vai trò quyết định.

          Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đón nhận và tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nội dung tinh thần các Nghị quyết Trung ương V, khóa VIII, Nghị quyết 23, ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 33 ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong bối cảnh như vậy, hội viên chúng ta nhìn thấy vai trò của văn hóa dân gian trong nền văn hóa dân tộc. Theo đó, Hội nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị, khắc phục khó khăn thực hiện với mức cao nhất công tác sưu tầm nghiên cứu vốn văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.

          – Làm rõ các mô hình sinh hoạt dân gian, hướng tới của Hội trên con đường phát huy, phát triển vốn văn hóa văn nghệ dân gian để đạt được mục tiêu vươn tới những tầm cao mới như Phương hướng và nhiệm vụ của Hội đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 này. Hoạt động hiệu quả của Hội sẽ đưa vốn văn hóa dân gian được xem là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” đến với xã hội, con người, góp chất liệu dân gian vào cuộc sống, tạo nền tảng cho xã hội phát triển, con người theo đó hoàn thiện hơn, sống đẹp hơn, có ích hơn như ông cha họ trước kia đã từng sáng tạo nên một nền văn hóa dân gian phong phú và đa dạng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc qua bao thăng trầm của thời đại. Từ góc nhìn xã hội, chúng ta nhận thức văn hóa văn nghệ dân gian đóng vai trò chức năng thế nào trong phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong đó có văn hóa dân gian cần thể hiện đến mức nào để giữ được bản sắc văn hóa vùng miền, bản sắc dân tộc. Có ý kiến cho rằng muốn hội nhập để phát triển kinh tế văn hóa xã hội trước hết phải thoát khỏi văn hóa làng xã. Văn hóa làng xã ở đây được hiểu là văn hóa của dân mọn xóm làng, tức văn hóa dân gian mà trong đó có các thành tố lỗi thời, nay đã không còn đi theo cùng cộng đồng dân cư trong sự phát triển. Nhưng nếu thoát khỏi văn hóa làng xã với một gia tốc nhanh, trong khi văn hóa đô thị hình thành chậm thì văn hóa ngoại lai có cơ hội lấn bước, bấy giờ văn hóa dân gian trở thành người đưa đường cho văn hóa ngoại nhập phát huy tác dụng trong cộng đồng dân cư. Điều này là không thể khi chúng ta tự hóa thân từ cổ truyền đến đương đại còn chậm.  Theo đó, nhiệm vụ hội viên của Hội thông qua các công trình, đề tài nghiên cứu cần có cách nhìn phổ quát hơn vào một (hay nhiều) vấn đề, vận dụng lý luận và thực tiễn về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm tạo tiền đề, cung cấp luận chứng cho các nhà quản lý xã hội hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển văn hóa.  Lâu nay, các nhà nghiên cứu và ứng dụng văn hóa dân gian vẫn thường nói cần tạo nên quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa dân gian luôn là văn hóa gốc, văn hóa bản, văn hóa mẹ. Theo chúng tôi (lấy cứ liệu để phát triển văn hóa đô thị Đà Nẵng mà không làm mất đi văn hóa dân gian, cho dù các thành tố dân gian đang trong quá trình vỡ ra để tái cấu trúc lại phù hợp), Hội cần có một chương trình sưu tầm nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân gian cả văn hóa vật thể (di sản vật chất) và văn hóa phi vật thể (di sản tinh thần) phải được quan tâm theo vùng miền và cả nước để có cái nhìn phổ quát về văn hóa Việt Nam so với văn hóa Đông Nam Á, từ đó đưa ra lời giải đáp đúng mức cho bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa dân gian trong cuộc sống đương đại của người đô thị, đáp ứng được mục tiêu vươn tới những tầm cao mới, đưa hội phát triển mạnh hơn.

          – Theo cách đó, chúng tôi nghĩ rằng hội viên – là con người – vừa là chủ thể và cũng là chủ nhân trong quá trình vươn tới hoạt động nghề nghiệp cần phải đạt chuẩn cao hơn trước.

Vậy thì bằng cách nào để hội viên đạt chuẩn cao hơn trước ?

Có thể:

Bằng các lần tập huấn chuyên môn theo nhiệm kỳ,

Các lần hội thảo, tọa đàm trong ngoài tỉnh / thành, trong và ngoài nước,

Bằng dự các trại sáng tạo do Hội tổ chức hằng năm,

v.v…

Đây là vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực cho Hội ta. Thực tế nhiều Chi hội trong cả nước chưa có hội viên đầu đàn, nói một cách khác là chưa có chuyên gia giỏi trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ dân gian (hiểu theo nghĩa giỏi về lý luận, am hiểu thực tiễn). Tuy nhiên, Hội đã đạt thành tựu trong phát triển hội viên, nhất là trong nhiệm kỳ 2010 -2015. Chỉ số phát triển hội viên đạt mức chuyên ngành văn hóa, hoặc trong ngành Khoa học xã hội nhân văn và phải có ít nhất 3 công trình (chưa xuất bản thành sách hoặc các loại hình khác chưa công bố) về văn hóa văn nghệ dân gian. Mục tiêu phát triển như thế nhằm thỏa mãn vươn tới tầm cao mới mà Đại hội nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã nêu ra – đề cập đến. Và lần này Đại hội nhấn mạnh đậm nét vươn tới những tầm cao mới, điều đó cho hội viên biết đã trở thành truyền thống của Hội xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ phát triển của Hội.

Nên chăng, mỗi nhiệm kỳ, Trung ương Hội mở lớp tập huấn tập trung nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các vị đứng đầu Chi hội các tỉnh / thành, theo cách đó sẽ nâng cao đáng kể chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Hội. Trên cơ sở đó, Hội đề ra giải pháp tầm chiến lược và có chính sách tiếp tục phát triển con người – hội viên – một cách có chất lượng, bền vững trên phạm vi quốc gia, vùng miền và  cho tỉnh / thành.

                         Xem trình diễn pháo hoa quốc tế. Đội Việt Nam

(Video: Công Ý, Đà Nẵng))

  1. Vấn đề sưu tầm, nghiên cứu, truyền/giảng dạy, quảng bá văn hóa văn nghệ dân gian thời gian đến

          4.1. Tính phổ quát của tác phẩm

        Xét cụ thể về phương pháp điều tra mô tả và nhìn nhận đánh giá các công trình vẫn thấy có một số đề tài công trình mang tính phổ quát, tính đại diện cho vùng miền, đôi khi giống nhau về phương diện miêu tả, nhận định, rất khó tìm thấy nét đặc trưng khu vực, tỉnh thành, làng xã.

        Văn hóa dân gian ra đời, tồn tại và phát triển gắn với sinh hoạt văn hóa tại các cộng đồng dân cư của người lao động mà cộng đồng có tính quyết định là không gian văn hóa dân gian làng / xóm. Theo đó, các thành tố văn hóa dân gian hẳn phải có tính riêng có của mỗi làng /xóm là biểu hiện tính riêng có của văn hóa dân gian, tức là đặc trưng dân gian của làng ấy.

        Ví dụ, trong một công trình nghiên cứu, chẳng hạng về Lễ hội cầu ngư dọc theo duyên hải miền Trung, người đọc tiếp cận một đến hai công trình sưu tầm nghiên cứu, xem như có thể hiểu được các lễ hội cầu ngư các vùng khác là thế nào. Ở đấy không tìm thấy nét riêng có của vùng miền mà theo một trình tự trước sau với diễn trình của Lễ hội cầu ngư. Điều này làm cho lễ hội cầu ngư miền biển trở thành gần giống nhau, thì việc lễ hội mang tính phổ quát, tính đại diện như thế làm mất đi đặc trưng không gian văn hóa làng, vùng miền, làm giảm thiểu đáng kể tính phong phú, đa dạng của lễ hội.

        Cứ như vậy có sự chồng lấn nhau trong miêu tả, nhận định, đánh giá.  Người ta tìm thấy lễ hội cầu ngư tại Hội An lại gần giống với lễ hội cầu ngư tại Phú Yên. Bài hát bả trạo trong lễ hội cũng không là ngoại lệ. Đặc biệt trong lễ hội đình làng tìm nét riêng có của mỗi làng là rất khó. Có làng, xóm trước đây không có lễ hội đình làng, nhưng từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, các xóm, làng đó lại tổ chức hội làng. Theo đó, có sự giống nhau trong lễ hội giữa các làng. Nhưng nếu như không tổ chức lễ hội hằng năm, nhất là tại các xóm, khu dân cư mới hình thành trong quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến tình hình các luồng văn hóa ngoại lai có khả năng chen lấn vào đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân mới tập hợp, các tôn giáo sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc truyền bá tôn giáo của mình, hiệu quả hơn cả là các vùng miền núi, trung du, khi đời sống của cư dân còn khó khăn nhiều mặt. Về mặt địa lý có thể vùng biển này khác vùng biển kia về sức gió, giòng hải lưu, chu kỳ nước lớn nước ròng, vật liệu sử dụng trong lễ hội không phải tất cả giống nhau, chiếc thúng rái địa phương này tròn, địa phương khác lại không, thì việc bơi chèo cũng khác và hội thi ngoáy thúng cũng khác. Tre Hội An khác tre Thanh Khê, tre Thanh Khê lại khác tre An Hải, Thọ Quang, thế nhưng qua miêu tả lễ hội miền biển, thao tác đánh giá của người sưu tầm nghiên cứu, tất cả gần như giống nhau.

        Không phải cường điệu thành vấn đề để nói, nhưng thực tế cho thấy nhiều lễ tục có sự giống nhau giữa các vùng miền. Ví như lễ cúng đất dọc theo duyên hải miền Trung (có địa phương gọi tá thổ – thuê đất), trong các công trình nghiên cứu của các hội viên quan tâm đến lễ tục này có sự tương đồng với các địa phương khác. Tục cúng đất tại Khánh Hòa không khác tục cúng đất tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Điều này có phải vậy không ? Xét về mặt địa lý, điều kiện, môi trường, quan niệm về thời gian thuê đất,…các vị thần phân bố theo vùng có sự hệ thống khác nhau thì chắc lễ tục thể hiện cái riêng có theo vùng địa lý. Sự gặp nhau làm cho lễ tục mang tính phổ quát, làm mất đi tính riêng có của các thành tố dân gian khu vực.

        Nghề làm xe đạp nước giữa tỉnh Quảng Ngãi với các vùng khác, không phải cây tre Quảng Ngãi giống hệt tre Quảng Nam – Đà Nẵng về độ dẻo, độ cứng, dài ngắn to nhỏ của lóng tre, độ dày của ống tre, thế nhưng khi miêu tả chất liệu tạo thành guồng quay nước, tre các vùng gần như không được chú ý, thành ra guồng / xe quay nước các vùng ở miền Trung trông không có cái riêng có, không khác biệt là mấy.

          4.2. Tính riêng có

          Để hội nhập quốc tế về văn hóa được sâu rộng và có hiệu quả hơn nữa, nên chăng, Hội cần tập trung đặt vấn đề nghiên cứu từng mảng, từng nhóm đối tượng trên bình diện cả nước, có đối sánh với với khu vực Đông Nam Á, Châu Á.

          – Nghề đóng ghe bầu đánh cá, đi buôn: liệu rằng chỉ có ở Việt Nam mới có vè các lái đường sông, đường biển. Thái Lan, Campuchia, các nước trong vùng Đông Dương có hay không có loại thể này, nếu có thì giống và khác nhau thế nào trong bối cảnh Đông Nam Á. Điều này cũng cần có các công trình nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng mới có thể đưa ra những nhận định thỏa đáng. Hội có chuyện kể dân gian của cư dân đa đảo nhưng các thể loại khác còn ít, như ca dao, tục ngữ, câu đố, ngụ ngôn,… ngành nghề, ẩm thực chưa nhiều giữa ta với các dân tộc khác trong khu vực.

          – Nghề đánh bắt thủy hải sản của ta có gì khác với cư dân đa đảo trước kia và nay. Các phương thức đánh bắt thủy hải sản của họ là thế nào so với Việt Nam ?

          – Cư dân thủy diện sông, biển về thói quen nghề nghiệp, lối sống, phong tục tập quán, các phương tiện đánh bắt cận duyên hay viễn dương của vùng miền thế nào để có kế sách phù hợp với người miền biển cũng cần được nghiên cứu, tạo tiền đề cho các nhà hoạch định chính sách cho ngư dân phù hợp. (Gần đây, đóng ghe thân sắt cho ngư dân có nơi không phù hợp với ngành nghề và môi trường đánh bắt!).

          – Hoặc như vè, ca dao vùng đất ngũ Quảng thời xưa mạnh về thể loại vè, nên chăng có sự phối hợp giữa các Chi hội trong vùng, khu vực sưu tầm nghiên cứu thể loại này, để tìm thấy:

          1/ Là sự giống nhau về đối tượng phản ánh của vè, cả về ngôn ngữ, cấu trúc của vè, các hiện tượng xảy ra trong làng, xóm, hoặc vùng miền.

          2/ Là tìm thấy sự khác nhau trong ngôn ngữ biểu hiện, các biểu tượng, các sự kiện, lời bình luận về những vấn đề vừa mới xảy ra được đặt thành vè. Nói thơ Lục Vân Tiên có phải là vè, vè với lô tô, còn ít công trình nghiên cứu so sánh để rút ra tính riêng có của mỗi vùng miền.

          3/ Là tìm thấy tính riêng có của mỗi vùng so với cả nước và rộng hơn là đối sánh với vùng Đông Nam Á, châu Á thì vè xứ Quảng thế nào trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

          Thông qua từng mảng đề tài liên kết nhau giữa các địa phương, khu vực chắc chắn sẽ cho ta tìm thấy sự phong phú đa dạng của văn hóa dân gian Việt Nam trong khu vực và thế giới, mới góp tiếng nói  vào hội nhập và phát triển văn hóa. Cả trong thơ ca dân gian cũng vậy, có sự giống nhau và khác nhau thế nào giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Còn loại thơ rơi cũng chưa được bàn sâu rộng.

          – Lễ tục thờ Thành hoàng làng các tỉnh miền Trung, miền Nam ?

          Nhiều công trình bàn về tục thờ Thành hoàng làng, có Thành hoàng là nhân thần nhưng không ít Thành hoàng là mỹ tự nhà vua cho, dựa theo truyền thuyết dân gian tại địa phương. Nhưng “Triết lý cái đình” cũng bàn phần lớn là thành hoàng tại các đình làng phía Bắc, còn phía Nam trong đình làng, tổ chức thờ cúng một hệ thống thần từ trên xuống dưới, có cả các ma của người tiền trú thì có ít công trình nghiên cứu để rõ. Theo đó, bài văn cúng đình trong lễ cầu an ở phía Nam dài hơn, liệt kê nhiều vị thần hơn.

            Nên chăng Hội chủ trì các vùng văn hóa một số công trình lớn, bao quát như nghề đóng ghe bầu, nghề đúc đồng, nghề dệt vải giữa người miền xuôi và miền ngược, tập tục trong tín ngưỡng dân gian, sự khác và giống nhau trong việc thờ cúng Thành hoàng làng giữa các vùng văn hóa, sự ảnh hưởng của các tôn giáo vào văn hóa dân gian, vấn đề thờ cúng Phật Tổ khác hay giống nhau khi thờ Phật bà Quán Thế Âm trong hộ gia đình giữa các địa phương, tập tục đánh bắt thủy hải sản vừa của vùng miền, vừa của cả nước có đối sánh với khu vực Đông Nam Á để tìm sự giống và khác nhau. Tập tục của cư dân thủy diện sông biển – vấn đề văn hóa dân gian trong đời sống cư dân trên các ghe giang hồ, thương hồ sinh sống dọc theo các sông, rạch miền Nam là thế nào ? Các đề tài như vậy đặt trong mối tương quan khu vực.

          Trên, theo chúng tôi rất cần có để tìm được sự phong phú có tính định lượng các thành tố văn hóa dân gian cho hội viên nắm bắt, học tập và tiếp tục nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu vươn tới những tầm cao mới trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ kế sau.

          4.3. Ngoài việc giảng dạy văn học dân gian tại nhà trường phổ thông hay học tập các bộ môn văn hóa học, việc truyền nghề là rất quan trọng. Chúng ta thường có phương thức cha truyền (nghề) con nối (nghiệp) trong mỗi hộ gia đình hoặc dòng họ. Phương thức này rất quan trọng, do các thành viên trong gia đình đã ít nhiều yêu thích nghề nghiệp của cha mẹ mình để lại, xem đây là phương tiện sống còn của phát triển kinh tế gia đình, nên các thành viên thế hệ sau thuận lợi trong việc tiếp thu những căn cốt, những bí quyết của nghề. Thời gian truyền nghề không hạn định và thời điểm cho – nhận diễn ra bất cứ lúc nào trong sinh hoạt gia đình. Cho nên truyền nghề là hoạt động tích cực của văn hóa văn nghệ dân gian. Nhưng hội viên của Hội có tỉ lệ thấp những hộ gia đình truyền nghề như vậy.

  1. Nhiệm vụ của giáo dục – đào tạo

          Lâu nay vấn đề đưa văn học dân gian địa phương vào trường học bổ trợ cùng chương chính chính khóa nhằm giáo dục học sinh yêu thích tài sản văn hóa ông cha được đặt ra, và mấy năm gần đây vấn đề này trở thành chủ trương lớn được sự hưởng ứng và đồng thuận của ngành giáo dục, biểu hiện qua chương trình “ngày hội dân gian” tại các trường cấp 3. Tuy nhiên với thời lượng và chương trình cứng được giảng dạy chính khóa thì vấn đề cho học sinh tiếp cận với văn học dân gian là không hề dễ. Chương trình học đưa vào nhà trường, nên chăng cần nghĩ đến việc biên soạn tài liệu cho các em học sinh học cần “khoa giaó” hơn và cách tổ chức các hoạt động dạy – học bộ môn này phù hợp hơn nữa.

          5.1. Việc biên soạn tài liệu/giáo trình giảng dạy

          Văn hóa dân gian lâu nay được xem là văn hóa gốc, là bản sắc văn hóa dân tộc (vùng, miền), chủ trương đưa văn hóa dân gian vào nhà trường xem như một trong các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc, đồng thời góp phần giáo dục toàn diện học sinh. Học sinh đón nhận giá trị văn hóa này vừa thích thú, đồng thời cũng thờ ơ với giá trị dân gian đồ sộ của ông cha.

          Thông qua các giờ hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, thường là qua sưu tầm, giới thiệu các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian do giáo viên tự thiết kế: thi ẩm thực, thi hát các làn điệu dân ca, thi các trò chơi có yếu tố dân gian,…và mô phỏng khi đưa học sinh vào tham gia “ngày hội dân gian”. Để làm được việc tạo sự yêu thích văn học dân gian, chúng tôi nghĩ cần biên soạn chương trình đưa văn hóa dân gian vào trường học theo hướng chuyên ngành, để giáo viên và học sinh có cách tiếp cận hệ thống, liên kết từng loại hình. Có thể sắp xếp theo nhóm như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã đưa ra:

          – Ngữ văn dân gian, bao gồm thể loại: loại tự sự: thần thoại, cổ tích, ttruyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, vè, sử thi, truyện thơ,…; loại trữ tình: ca dao, dân ca, hò hát,…; loại bao gồm: thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian,…

          – Nghệ thuật dân gian bao gồm: nghệ thuật tạo hình như kiến trúc, hội họa, trang trí,…; nghệ thuật biểu diễn: âm nhạc dân gian, múa, sân khấu dân gian,…

          – Tri thức dân gian bao gồm: tri thức về môi trường tự nhiên như địa lý, thời tiết, khí hậu,…; tri thức dân gian về con người, bản thân, về y học; tri thức ứng xử giữa các nhân với cộng đồng, xã hội,…; tri thức trong lao động sản xuất như kỹ thuật và công cụ sản xuất,…

          – Tín ngưỡng dân gian, phong tục và lễ hội.

          – Trò chơi dân gian.

          Theo cách phân chia này, các nhà nghiên cứu cho rằng không mang “tính nguyên hợp” như bản thân vốn có của văn hóa dân gian. Tuy thế, trong học tập đây là sự lựa chọn hợp lý cho cả người dạy và người học.

          Trong hoạt động đưa văn hóa dân gian vào trường học không phải loại hình nào cũng đưa được vào học và hành. Tài liệu đã chọn lựa giúp chúng ta chọn lọc những hoạt động mang tính giáo dục, an toàn, vệ sinh,… Ví dụ, trò chơi leo cột mỡ mang đậm tính dân gian nhưng không phù hợp với trường học, nhất là ở cấp tiểu học. Trò chơi đánh khăng, chọi cù/chọi gụ/đánh cù, hoặc trò chơi đánh cày không an toàn vì dễ gây chấn thương… cần không đưa vào thực hành tổ chức cho học sinh chơi. Những giá trị đang có nguy cơ bị thất truyền như: hát xẩm, múa rối, hò khoan đối đáp, chiếu tuồng, hát ru, nói vè,…cần được quan tâm phục dựng, cho thâm nhập vào nhà trường, vào cộng đồng, giới thiệu sâu, kĩ hơn (vì chưa cần sân khấu để diễn). Qua sự chọn lọc, sắp xếp chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy tác động của văn hóa dân gian đến các mặt của đời sống con người thời nay, từ văn hóa tư tưởng, lao động sản xuât, đến ngay cả cách ứng xử của con người trong xã hội là thế nào!…

            Hoạt động thực hành trò chơi dân gian trong trường học sẽ là cầu nối xóa đi lằn ranh của không gian địa lí và thời gian lịch sử. Lâu nay do khoảng cách lịch sử khá lớn, nên từ các thầy cô đến các em học sinh chưa thực sự hiểu hết được cách thức chơi, ý nghĩa của các hoạt động (có nơi cả thầy cô cũng không biết cách thức chơi, luật chơi một số trò chơi dân gian). Hoặc do sự khác biệt về địa lí nên giáo viên, học sinh chỉ tổ chức những hoạt động ở địa phương mình mà không quan tâm đến những nơi khác. Theo đó, xây dựng nguồn tài liệu giảng dạy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc truyền bá văn hóa dân gian. Tất cả mọi người ai cũng có thể chủ động tiếp cận được cách chơi, cách biểu diễn… Đồng thời khi được tập hợp một cách đủ đầy, văn hóa dân gian của vùng miền, địa phương này sẽ đến được với giáo viên, học sinh ở vùng miền, địa phương khác.

            Tuy nhiên, điều chúng tôi nhấn mạnh rằng việc xây dựng tư liệu văn hóa dân gian làm tài liệu giảng dạy không phải là sự “chuẩn hóa” như chúng ta nghĩ. Bởi lẽ, tài liệu biên soạn ra chỉ mang tính chất định hướng hoạt động. Phần còn lại, giáo viên tại các nhà trường căn cứ vào mục tiêu, đối tượng, đặc trưng riêng có của văn hóa vùng miền, kết hợp với điều kiện cơ sở vật chất tại chỗ để triển khai. Điều này giúp các đơn vị trường học luôn chủ động trong việc đổi mới các hoạt động không lo sợ bị lặp lại nhàm chán, từ đây, tạo nên thế chủ động trong tiếp nhận, kích thích được sự sáng tạo của cả thầy lẫn trò, đảm bảo tính linh hoạt của văn hóa dân gian.

          5.2. Việc tổ chức các hoạt động dạy – học

Nhìn lại nguồn gốc sản sinh văn ra hóa dân gian, chúng ta nhận thấy chức năng, mục đích ra đời văn hóa dân gian chính là giải trí; rồi lưu giữ và truyền bá những tri thức dân gian đến với cộng đồng; gửi gắm thế giới tâm hồn con người cho thế hệ mai sau. Những giá trị văn hóa ấy được thoát thai từ lòng dân Việt với tính chất mộc mạc, giản dị đã thể hiện sự gần gũi và phổ dụng cho nhiều người. Tuy vậy, khi đưa vào trường học, mục tiêu của chúng ta không nhất thiết là phải khám phá hết các giá trị ấy mà chỉ cần gieo vào tâm hồn các em được tình yêu bản thân, yêu người, yêu cuộc sống, yêu đất nước và cộng đồng dân tộc nhờ vào các giá trị bền vững của văn hóa dân gian. Điều này là một yêu cầu không hề giản đơn đối với cả hệ thống giáo dục và xã hội. Bởi thực tế vẫn có học sinh, sinh viên khướt từ tìm hiểu văn học dân gian. Cải lương, hát bội, các điệu hò, hát chèo, hát xẩm, hát tuồng,… đối với họ là xa lạ. Song thiết nghĩ khó không phải là không làm được, vấn đề là chúng ta cần có phương pháp tổ chức hoạt động dạy – học linh hoạt, mang tính chất đặc thù như thế nào?

  1. Xuất bản các công trình trọng điểm của quốc gia và địa phương, vùng miền

       Nhìn một cách tổng thể, chúng ta thấy hội viên của Hội miệt mài lao động sáng tạo thực hiện các đề tài, cho ra đời các tác phẩm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của cộng đồng dân cư địa phương, khu vực, vùng miền. Điều này là sự phát triển đúng đắn, chứng tỏ Hội ta từng bước vươn tới tầm cao mới. Bằng nhiều thể loại và phương thức chuyển tải, qua các công trình nghiên cứu, các chủ đề được ghi hình, lồng tiếng, truyền bá, xuất bản,… chứng tỏ văn hóa văn nghệ dân gian vẫn còn đồng hành với con người đương đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Tuy nhiên vẫn còn đâu đó mang tính đơn lẻ khi sưu tầm nghiên cứu một vấn đề của văn hóa dân gian (một vài công trình có sự chồng lắp của các công trình khác) từ đó làm cho tính phổ quát không cao, dẫn đến chưa phát huy hết năng lực nội sinh trong các thành tố dân gian, sức mạnh mềm chưa được hệ thống để có thể quảng bá, so sánh, đối chiếu với văn hóa dân gian khu vực. Văn hóa dân gian Việt Nam có diện mạo thế nào trong sự so sánh liên hệ với văn hóa dân gian Đông Nam Á và châu Á ?. Rõ ràng vấn đề này chúng ta chưa có nhiều công trình trọng điểm thể hiện sự tích hợp văn hóa cùng thể loại trong quá trình phát triển. Để đạt được mục đích vươn tới những tầm cao mới, nên chăng Hội đặt vấn đề cho hội viên tập trung sưu tầm, nghiên cứu từng mảng, từng nhóm đề tài, từng nhóm đối tượng trên bình diện vùng miền hoặc trên phạm vi cả nước là hướng tới thể hiện sự đa dạng của kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian người Việt đối với sự phát triển con người, xã hội.

        Nên chăng, chúng ta cần có các công trình lớn, trên bình diện cả nước, đối sánh với văn hóa dân gian vùng Đông Nam Á, châu Á. Chẳng hạng: về nghề đúc đồng Việt Nam; về nghề đóng ghe bầu của cư dân duyên hải (để đánh cá, để trao đổi thương mại trên các chuyến hải trình, để giao lưu trong khu vực, để là phương tiện làm chủ biển khơi); về nhóm cư dân thủy diện mặt nước sông, biển; về đánh bắt thủy hải sản; về nhóm các ngành nghề truyền thống; hoặc một công trình lớn về ca dao, hò vè của khu vực. Trong các công trình đó thể hiện vừa là của vùng miền vừa là của Việt Nam. Đây chính là sự tích hợp văn hóa dân gian, là sức mạnh nội sinh cần được phát huy, phát triển đồng hành trong khu vực Đông Nam Á, hoặc xa hơn.

        Chúng tôi nghĩ, hướng phát triển đó là câu hỏi nghi vấn đồng thời là sự trả lời nhu cầu đạt được mục đích vươn tới những tầm cao mới của Hội. Hướng như thế là một cách hợp lý, hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Hiện nay tại các đô thị (lấy cứ liệu đô thị Đà nẵng), các thành tố dân gian đang trong quá trình vỡ ra, những gì còn lưu giữ được đang vận động tổ chức cơ cấu lại các thành tố dân gian thì mới có thể là người đi cùng năm tháng đời người trong cộng đồng dân cư, nếu không sẽ trở thành người đưa đường trong tiến trình phát triển của cư dân đô thị. Một khi hiện tượng ấy xảy ra tại các đô thị, chắc chắn văn hóa văn nghệ dân gian không là sinh hoạt mang dấu ấn đặc trưng địa phương là bản sắc vùng miền hay khu vực nữa. Trong những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng tiếp nhận nguồn nhân lực từ các vùng nông thôn đổ về thành phố, trong hành trang của họ mang theo vào thành phố, có các thành tố văn hóa dân gian nông nghiệp, mà khi thực hành, một số có tác dụng níu kéo tiến trình đô thị, thị dân. Đây là giai đoạn dùng dằng, đã bắt đầu có phân hóa cục bộ các lễ tục dân gian, dễ nhìn thấy là tổ dân phố tách ra từ xóm trước đây để tổ chức các lễ cúng tại ngã ba, ngã tư đường vào dịp cuối năm, mà họ không tập trung về miếu xóm như trước. Đấy là vấn đề quan tâm trong xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và văn hóa văn nghệ dân gian nói riêng trên địa bàn thành phố cũng cần được nghiên cứu làm rõ sự thể hiện tín ngưỡng dân gian của người dân tại các tổ dân phố.

        Thế nên, cũng cần có những công trình đưa ra các luận chứng khoa học về bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển văn hóa dân gian vùng miền và cả nước, đó là vấn đề cơ bản về văn hóa dân gian và văn hóa Việt nam – lý luận và thực tiễn cần được đẩy mạnh để vươn tới những tầm cao mới như phương hướng và nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ Đại hội VII (2015 – 2020) đề ra.

        Trên, là một số suy nghĩ mà Chi hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng chúng tôi trong nhiệm kỳ qua quan tâm, với mong muốn Chi hội được tiếp sức để phát huy, phát triển nội lực của mình trong bối cảnh thành phố đang vận động tiến trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới trên nền tảng xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Các di sản văn hóa dân gian sẽ như thế nào trong bối cảnh đô thị hóa ?.

 

* Tham luận Đại hội Hội VNDG Việt Nam, Hà Nội – 2015.

* Ânhr đại diện: Đá Thần Nông ở Phong Nam (VVH).

Tài liệu tham khảo

Tài liệu Hội nghị Chi Hội trưởng, bản vi tính, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Hà Nội, 2015.

Văn hóa dân gian Đà Nẵng, Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2014.

Văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc, GS. TS. Ngô Đức Thịnh, vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/vhvn-nhung-van-de-chung, 20/7/2008.

– Tham khảo nhiều ý kiến của hội viên.