Thú chơi dân dã

593

Thú chơi dân dã

 

        Thời trước, trong xã hội thuần nông nghiệp, mọi người tìm đến thú vui chơi dân dã vào những lúc thảnh thơi trong thời điểm nông nhàn. Ở đó, người nông dân thường tổ chức các thú vui gắn với thiên nhiên, với những trò tiêu khiển hình thành từ văn minh nông nghiệp. Với tầng lớp trí thức đương thời có người tìm đến thú vui bên “chén rượu cuộc cờ”, với “thơ ca nhạc họa”. Trẻ em lại tìm lấy thú vui bằng những trò chơi dân gian đơn giản: ông làng, nhảy dây, cờ gánh,… ngay tại làng xóm mình.

        Hòa Vang là vùng đất nông nghiệp, nông thôn nên các thú chơi dân  gian được lưu giữ lâu bền hơn so với đô thị. Những hội thơ, bình thơ thời trước, những “nhà thơ dân gian” của Hòa Vang xưa thường ngồi với nhau bên bát nước chè xanh, hoặc với ly rượu vào những ngày cuối năm lấy câu thơ tìm thú vui tao nhã. Đến Lai Châu (xã Hòa Khương) thời trước, các bạn yêu thơ gặp nhà thơ mù Đỗ Thị Hoành, [1] bà vừa làm thơ vừa đặt cả vè, thơ và vè của nữ sỹ dân gian được con cháu đời nay đóng thành tập, thảng đọc lại, ngâm nga vào những lúc thanh nhàn:

        Bài xướng:

        La Châu nghe tiếng cô Ba

        Xướng họa văn từ ý giống ta

        Muốn kết phượng loan vầy một mối

        Lá lay tại bởi ông trăng già.

        Bài họa:

        Văn ba ý muốn sánh tài ba

        Huyền diệu thi từ mới biết ta

        Đèn sách mười năm chưa cập thức

        Văn chương cứ khá luận non già.

        Hoặc các cụ ở hai làng Đông Phước (Hòa Phát), Phước Thuận (Hòa Nhơn) thời nay vào những ngày nông nhàn, những ngày mưa lại tìm đến nhau thưởng thức thú vui bên chén rượu cuộc cờ.

     Bài xướng Tuổi thọ của Phước Đồng (làng Phước Thuận):

        Ất mùi tuổi thọ bảy mươi tư

        Gọi bác bằng anh cụ cũng ừ

        Lúc hứng đi cùng cô bạn trẻ

        Khi buồn ngồi cạnh áng văn thư

        Say mê cây cảnh đào mai trúc

        Thích thú vật nuôi ngỗng lợn trư

       Trang trại điền viên yêu cuộc sống

       Cầu mong bách tuế giống ý như.

     Bài họa của Ngọc Đây (làng Đông Phước):

        Đành rằng xấp xỉ tuổi bảy tư

        Rằng thọ, rằng không vẫn cứ ừ

        Sống lâu thấy cổ, tâm còn trẻ

       Buồn vui lẫn lộn với văn thư

        Nhìn lên thấy cảnh mai lan cúc

        Ngó xuống quanh vườn vịt gà trư

         Tuy già nhưng vẫn thương cuộc sống

        Trăm năm rồi cũng nhử nhừ như.

            Và đến làng Đông Phước (Hòa Phát) ta tìm gặp thú vui từ đường nét dân gian qua những bức họa đồng quê do anh Nguyễn Hữu Chuyền thể hiện trên các loại giấy không dành cho giới hội họa. Vậy mà vẫn tươi tắn cảnh đồng quê trong các bức vẽ của anh. Thiên nhiên, phong cảnh đồng quê, sông nước đã ùa vào nhà anh. Những buổi thư nhàn bạn bè đến nhà anh với rượu đến gốc cây ta sẽ nhấm, cùng ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình, mỗi người có một thú vui riêng từ nét vẽ của anh.

           Những ông đồ (xưa và nay) tuy chỉ viết câu đối vào dịp Tết hoặc thi thoảng khi có ai xin câu đối cho tân gia, cho mừng thọ… xem đó là thú vui của giới “có chữ”. Cách nay vài ba năm, tại Cẩm Lệ gặp cụ Bốn Dị thường có câu đối cho bạn bè. Nhân một chiều cuối năm, cụ đến thăm một thầy giáo trẻ tại làng Đông Phước, biết thầy giáo có làm thơ, cụ hớp một hơi trà, rồi đọc:

            Xuân thiên văn hóa dân gian tụng

            Bác học kinh luân hậu thế truyền.

Anh giáo trẻ bắt chước cổ nhân đọc câu đối chúc cụ trường tồn:

            Xuân khứ xuân lai xuân bất tận

            Nhựt thăng nhựt giáng nhựt trường tồn.

            Nay cụ tuy già nhưng vẫn tìm thú vui tao nhã với câu đối mừng thọ, tân xuân, về nhà mới,…

            Lại còn thú chơi hoa, chơi phong lan, cây kiễng của người Hòa Vang xưa nay. Thú vui cây cảnh tạo thế thanh nhàn vừa đủ, biết đủ, không bận tâm đến đòi hỏi vật chất. Nhìn vào cây cảnh, ta tìm được những ý tứ gửi vào đấy của con người, của vũ trụ nhân sinh và mối tương quan giữa con người với thiên nhiên. Có khi các nghệ nhân dùng chất liệu địa phương làm bằng cành tre, cành trúc, gốc tre, gốc trúc lắp ghép, tạo hình cho ra nhiều sản phẩm mỹ thuật dân gian đẹp mắt. Đến nhà cụ nghệ nhân Hoàng Đình Tủng tại làng Bình Thái (Hòa Thọ) vào hai thập niên cuối thế kỷ XX, tìm gặp những quần thể non bộ, bể cạn, con hạc, con rồng,…và giao lưu cùng cụ bằng những câu thơ cụ dán lên sản phẩm tinh thần:

            Nhìn xem phong cảnh buổi bình minh

            Lắp ghép gốc tre tạo nên hình

            Độc bình màu sắc hoa tươi thắm

            Song phượng vươn mình vẻ đẹp xinh.

Hoặc:

            Quảng Nam đất phượng phát anh tài

            Danh tiếng lưu truyền mãi tương lai

            Trung dũng kiên cường trong kháng chiến

            Lẫy lừng rạng rỡ cả ngày mai.

            Và tôi đã được cụ Hoàng Đình Tủng tặng cho một con gà mái bằng gốc tre đang nằm ấp năm quả trứng. Cụ bảo: mai sau nở ra năm ngọn ngũ chỉ đó nghe ! Nay, cụ đã về vui cùng tiên tổ.

            Ngày nay, nhiều thú chơi dân dã xưa đã dần trở nên mai một ngay trên vùng đất nông thôn: cờ chồng, cờ gánh, viết câu đối tặng bạn bè,… đã không còn thể hiện trong cuộc mưu sinh đương đại ở các cụ cao niên. Tuy thế, vẫn còn một số thú chơi được cả người nông thôn và thành thị ngày nay tiếp tục duy trì, tạo nên nhiều sân chơi lý thú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người trong cuộc sống thường ngày.

            Những năm trở lại đây, ta thường gặp thú chơi chim cảnh, đá cảnh, hòn non bộ, hoặc đi câu cá cũng là thú vui nhiều người tìm đến.

Làm bạn với… chim

            Chơi chim cu gáy

            Cu có nhiều loài, vùng ngoại thành Đà Nẵng có cu đất, cu ngói. Cu đất không thấy người chơi chim chăm sóc để thi thố tài năng, chỉ có cu ngoí là được ưa chuộng. Làng Đông Phước xưa nay không vắng người chơi chim cu. Anh Lê Xuân Liên, anh Võ Việt,… có vài lồng cu trong nhà. Thú chơi chim cu, cu hay do tiếng gáy, tiếng gù. Gù có gù hậu một, hậu hai, hậu ba. Cu gù hậu ba là cu hiếm. Trong một làng, giới chuyên chơi cu gáy, chưa chắc có được một chú cu gáy hậu ba. Cu gáy được hậu hai là quý rồi. Phần lớn là cu gáy hậu một. Nuôi và chơi chim cốt ở tiếng gáy, giọng thổ trầm, nhẹ cung bậc thấp. Dù hậu một hay hậu hai nhưng tiếng gáy hay thường được giới chơi chim phiên từ âm gáy thành: giục ổ quy,…quy. Đấy là gáy hậu một, còn hậu hai lại thêm hai lần gáy quy và âm quy sau thành quỳ: giục ổ quy,.. quỳ… Chim hậu ba gáy thêm một qùy nữa. Tuy thế có nơi, người thường chơi chim cu còn phiên âm cu gáy thêm cách phiêm âm khác. Ở làng Đông Phước, lấy nguyên âm chim cu gáy mà không phiên gì thêm. Theo tiếng gáy của cu: cù cú cu …cù…. Nếu là chim hay gáy thêm một nữa. Và hậu ba thêm một cù. sau cùng âm phát ra có nhẹ hơn. Tuy thế, nhiều con cu âm cuối vẫn rõ ràng nghe được. Chim cu như thế là chim hiếm gặp.

            Chơi chim cu gáy ngoài tiếng gáy, tiếng gù còn có thời gian bẫy chim cũng rất lý thú. Người chơi chim có đam mê mới đi bẫy cu gù. Bẫy chim cu (dân gian gọi là “đánh” cu) là một thú chơi trong các thú chơi chim. Hễ đã chơi chim (các loài) không thể không có lý thú đánh chim. Chim mang đi đánh gọi chim mồi. Chim bẫy được gọi chim bổi. Chim cu hay giọng hót vang lừng, rõ xa, được thế mới cuốn hút cu bổi bay đến đậu vào lồng kiều. Người chơi cu mới có cơ hội đánh được cu trời.

            Không chỉ đánh cu mà đánh chào mào cũng thế. Nuôi cu thật công phu kỹ lưỡng từ ăn uống, tắm ngủ,… phải phù hợp thì cu mới gáy và gáy hay. Bằng không nuôi cu mà không gáy, chỉ để nhìn bộ lông trổ cườm sắp lớp như mái ngói, thì đành vậy. Chơi chim cũng bị người đời mai mỉa, dân gian bảo:

            Thế gian có bốn cái ngu

            Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu,

câu ca này liệt chuyện đánh cu vào một trong bốn cái ngu. Có nhiều ý kiến khác nhau về bốn cái ngu này. Ngu vì làm mai:

            Rồi chay thì thầy đi đất

            Cưới được vợ rồi đá hất ông mai.

            Còn cái ngu nhử cu thì cũng thật đáo để, thế nhưng rất nhiều người ưng được cái “ngu” như thế. Nhử cu là một thú tiêu khiển như câu cá, săn thú,…có vui có lợi. Mà cu đực mới là đối tượng gác mà nhử. Trong lồng là cu mồi hơ hớ đang xuân, lông mượt, hót hay, dựng cườm cất lên tiếng hót. Cu ngoài lồng sà vào bấu lấy lồng mà đá, thật hấp dẫn, người gác cu say mê nhìn ngắm đến nỗi quên sập lồng để anh cu trống khỏe người dẻo sức ăn hết mồi, uống hết nước rồi thong thả cất cánh bay xa. Bấy giờ anh chàng nhử cu giật mình, chim đã bay xa, mồi hết,…mới sự tỉnh mình “ngu” đến chừng nào. Có thể vì hồi hộp, hấp dẫn chăm chú theo dõi mà quên cả mọi hiện tượng chung quanh, đến nỗi để lỡ nhiều công việc.

            Chơi chim chào mào (đội mũ)

            Chào mào có chào mào trắng, mũ trắng, má cũng trắng và loài có màu đen pha màu nâu, mũ đen má trắng. Giống nào cũng hót rất hay, thu hút sự chú ý và khơi lên niềm yêu thích của những người chơi chim. Tiếng hót trong thanh cất lên, làm xua tan ở người nghe nỗi lo âu, nỗi nhọc nhằn và những bận bịu cuộc mưu sinh trong cuộc sống đời thường. Tiếng hót khơi dậy niềm vui và sự bằng lòng. Người ta tìm được thú vui ở chim khi tiếng hót cất lên.

Siêng đi tát, nhác đi câu

            Tục ngữ xứ Quảng nhắc nhở ra rằng:

            Siêng đi tát, nhác đi câu

            Muốn cho đầy bầu chạy về vác nhủi.

            Tại thành phố Đà Nẵng từ lâu đã hình thành nhiều nhóm đi câu cá, như Câu Cá Đà Nẵng, họ đi ghe ra quanh bán đảo Sơn Trà câu các loại mực ống, mực lá, cá tráp, cá thu… Là một thú vui cực kỳ hấp dẫn. Thỉnh thoảng giao lưu với các “cần thủ” trên cả nước, nhất là khi tay câu các nơi đến Đà Nẵng trước tham quan du lịch, sau làm một cuộc đi câu để thỏa cơn mê. Ở vùng Cẩm Lệ, nơi còn sót lại khu vực ruộng đồng, ao bèo, hồ nước, vẫn còn dáng dấp nông thôn, có các kiểu câu cá bàu, cá ao, cá ruộng, cá mương thường thu hút các tay câu đến câu tại bàu, đìa, ao. Câu là để tìm thú vui, sự kiên trì nhẫn nại, tìm sự yên tĩnh trong không gian ruộng đồng ngạt ngào hương quê đồng nội. Ở đó, người ta bắt gặp thời gian ngưng đọng trên mỗi cần câu với một chút lay động nơi sợi dây câu. Chừng đó đã tìm thấy sự bằng lòng khi chờ đợi. Sự điểm tĩnh và hy vọng là một cách thú riêng. Xưa câu bằng ngọn tre đực, làm rất công phu. Nay cần câu được sản xuất có yếu tố công nghệ. Cây cần đẹp hơn, đắt tiền hơn.

            Làng Đông Phước ngày trước, trai làng đi nhủi, gái làng đi mót là chuyện thường ngày. Hễ sau mùa gặt lúa đông xuân là dân làng đi nhủi, đi nơm, bắt lấy cá, cua đồng. Đi nhủi hay đi nơm là thú vui trên đồng ruộng vào lúc nông nhàn, vừa có cá cho bữa cơm lại vừa có thú vui vác nhủi đi nhủi bì bỏm dưới đồng, bùn bám đầy chân.  Nhưng thích!

            Đô thị hóa làm cho diện tích mặt nước ao hồ hẹp dần, dẫn đến thú đi câu đi tát cũng mai một. Bàu đìa, ao hồ nay ít thấy, làm cho các vụ tát đìa, tát ao rộn ràng như ngày trước lùi xa. Ông Ích Khiêm tại làng Phong Lệ đã từng tìm thú vui dân dã, theo “thằng Gừng” rủ đi tát cá tại bàu sen quê ông. Ông xách nón lên bàu tát cá. Đó là một thú vui hòa mình vào ruộng đồng bờ bãi. Cảnh tát cá nay không còn nữa.

Đá cảnh nghệ thuật

            Chơi đá cảnh xưa nay là một thú vui. Người có thú chơi đá cảnh muốn kéo tự nhiên với nhiều dáng vè khác nhau về trước tầm nhìn của họ. Gần gũi và thân thiện. Thú chơi đá cảnh tại Đà Nẵng phát triển mạnh, thể hiện nhiều cánh nhìn vào sự vật có trong tự nhiên. Từ đó, người chơi phân thành các thể loại đá cảnh: đá thể hiện đường nét nghệ thuật tự nhiên với nhiều hình thù, dáng vẻ đẹp mắt; đá được sắp xếp theo quan niệm phong thủy gắn với vũ trụ nhân sinh; đá sắp đặt tạo hình dáng núi non sơn thủy hữu tình là các hòn non bộ… thú vui dân dã gắn với đời sống con người. Ở đó, người chơi tìm đến thú vui tao nhã, gửi gắm vào tổng thể tác phẩm những quan niệm nhân sinh, đôi khi gắn vào thú vui những triết lý đời người.

            Làng Đông Phước cũng có người chơi kiểng cảnh, hòn non bộ là sự thu nhỏ tự nhiên vào trong tấm mắt. Với cách thể hiện này, người chơi tìm đến thú vui như muốn hòa mình vào thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Chú mục đồng, anh ngư phủ, mấy chiếc ghe, vài cánh cò vắt ngang qua mái chùa rêu phong cổ kính trong bức tranh non nước là thể hiện triết lý sinh tồn của văn hóa phương Đông.

            Đá cảnh nghệ thuật còn là nghệ thuật suiseki (ảnh hưởng thú chơi đá của người Nhật) gần đây cũng được nhiều người chơi đá đặc biệt quan tâm chú trọng tạo nên thú vui tiêu khiển, góp phần tạo nên thương hiệu đá cảnh tự nhiên Đà Nẵng. “Suiseki” là cụm từ nói về thưởng ngoạn đá cảnh ở Nhật Bản. Suiseki là danh từ phát âm theo Tiếng Việt là “Sư Sê-ki”. Với từ “Sui” có nghĩa là “Thủy” (nước), “Seki” là “Thạch” (đá). Đá cảnh Suiseki thường được trưng bày trên đế gỗ gọi là Dai hay Daiza hoặc được trưng bày trên khay làm bằng sứ hay đất nung, kín nước, có rải sỏi nhỏ gọi là “Suiban”, hoặc trên khay đồng gọi là “Doban”. Những người chơi đá cảnh tại Đà Nẵng có nét riêng biệt, mang đậm phong cách miền Trung. Nhiều câu lạc bộ đá cảnh Đà Nẵng ra đời, được hình thành từ tập hợp của nhiều nhóm tìm thú vui nơi đá, dần dần khi hội đủ những yếu tố cần thiết họ lập nên Câu lạc bộ đá cảnh. Sưu tầm và chơi đá cảnh cũng lắm công phu. Ngoài khả năng cảm nhận đặc biệt, trí tưởng tượng phong phú, để có được một cục đá thành một tác phẩm nghệ thuật, người chơi đá cảnh phải là một nghệ sĩ luôn dành tình yêu vô tận với đá trong cách nhìn đầy tượng tượng và sáng tạo. Tại thôn 1 xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, những năm 1990, hình thành nên một chợ Đá, chuyên bán đá suiseki dùng tạo dáng mỹ thuật. Chợ đông họp chừng sáu tháng, do hết nguồn đá cung cấp. Chợ tan.

Thưởng ngoạn bonsai

            Trên đất Đà Nẵng, bonsai tuy chỉ mới được du nhập trong vòng ba thập niên trở lại đây nhưng đã sớm trở thành một thú chơi được nhiều người mê mẩn. Theo các nghệ nhân bonsai, căn cứ vào độ cao của cây thế, người ta chia bonsai ra làm 3 loại tùy theo độ nặng nhẹ của chúng: 1/ loại nhỏ dưới 30cm, còn gọi là bonsai một tay vì có thể bưng một tay; 2/ loại vừa từ 30 đến dưới 60cm – bonsai hai tay; 3/ loại lớn từ 60cm đến dưới 90cm – bonsai bốn tay. Các loại cây có chiều cao trên 90cm được liệt vào hàng đại thụ.

            Bonsai là dạng cây cảnh nhỏ dáng cổ thụ trồng trong chậu, được mệnh danh là bức tranh phát thảo sinh động nhất về thế dáng cây ngoài tự nhiên. Trong đó, bonsai có kích thước dưới 15cm trở xuống gọi là bonsai mini. Tại Đà Nẵng, những bonsai tí hon được người trong giới làm vườn rất ưa chuộng.

            Các nghệ nhân bonsai kết hợp nghệ thuật điêu khắc đá và nghệ thuật bonsai, đưa nét vẽ mỹ thuật vào bonsai mi-ni… Thành phố Đà Nẵng có 4 chi hội bonsai. Nhiều người cứ nghĩ phải có nhiều tiền mới chơi bonsai được. Thực tế, đây là một thú chơi rất bình dân, nhiều tác phẩm bonsai giá trị vật thể – phôi để làm bonsai – không cao, nhưng giá trị phi vật thể tức ý tưởng sáng tạo của nghệ nhân gửi vào bonsai mới là điều đáng thưởng thức và bàn luận. Một tác phẩm bonsai thể hiện ý chí, ước vọng của người muốn tìm thú vui tiêu khiển từ một bonsai do mình sáng tạo ra, đấy chính là đi tìm sự thanh thản tinh thần trong quan hệ gần gũi như muốn hòa mình với thiên nhiên để tồn tại. Tùy theo dáng đứng của bonsai, các nghệ nhân gửi gắm vào tác phẩm những ý tứ khác nhau. Dịu dàng, sương gió, cúng cỏi trước mưa sa bảo táp đều thể hiện nơi dáng đứng và sức vươn lên của hình dáng bonsai. Và tùy mỗi tác phẩm, nghệ nhân xem đó là sự thể hiện tâm tư, tình cảm của mình khi thu nhỏ thiên nhiên về trước mặt.

            Ông làng

            Trò chơi ông/ô làng phổ biến tại Đà Nẵng thời trước, trẻ em tổ chức chơi trò ông làng tại chợ, tại quán làng hoặc ngay trong nhà lúc chăm nom em bé. Trò chơi ông làng là trò chơi ô ăn quan được du nhập từ Bắc vào trên đường Nam tiến của tiền nhân. Chơi ô ăn quan vào đến xứ Quảng dần biến thành trò chơi ông làng. Có lẽ khi vào phương nam, phần lớn người Quảng chỉ là những người dân thường lam lũ, không có nhiều quan chức viên lại đi theo để tổ chức làng xã quy cũ ngay từ đầu nên người Quảng Nam tại Hoà Vang biến tên gọi quan thành làng vì vai trò của làng vào những ngày đầu khai cơ lập nghiệp là rất quan trọng, do đó có lẽ đã gọi chơi ô ăn quan thành chơi ông làng (?). Vào đến xứ Quảng không là 5 viên sỏi mà đã chuyển lên thành 10 viên cho mỗi ô vuông. Tại làng Đông Phước, ngày trước các trò chơi: ông làng, cờ gánh, chơi bi, chơi cầy, chơi u,… thường được trẻ em rủ rê tổ chức chơi vào những lần giữ em, trông coi nhà cửa,…

            Tại thành phố Đà Nẵng, trò chơi ông làng phổ biến khắp các xã miền trung châu, miền biển, nơi phần lớn là địa bàn hoạt động kinh tế bằng lúa nước. Phe nào bắt được ông làng, phe đó thắng.

Chơi biền

              -Có ba cách chơi. Cách 3:

            Dùng tay nắm 5 viên sỏi tung lên cao và nhanh chóng sấp bàn tay lại đón lấy 5 viên sỏi đang rơi xuống trên mặt ngoài của bàn tay. Đoạn, giữ nguyên động tác đó, tung 5 viên sỏi lên lần nữa.  Lần này thì khó hơn bởi khi 5 viên sỏi đang rơi xuống, trẻ chơi dùng tay chụp lấy 5 viên sỏi gọi là động tác đại bàng đớp mồi sao cho không có viên sỏi nào rơi ra khỏi tay. Thực hiện xong động tác đại bàng đớp mồi được tính 5 biền, 5 biền này được nhân đôi lên thành 10 biền do đây là cách chơi khó nhất. Cao trào cuộc chơi thường tập trung vào rải tính biền. Cuộc chơi được chuyển qua, chuyển lại giữa hai bên, đôi khi không có phe nhóm nào ghi biền do chơi không đạt. Tuy nhiên nếu chỉ hứng được 4 viên sỏi và đớp được 3 viên thì được tính 3 biền nhân đôi thành 6 biền mà thôi. Đại bàng đớp mồi chỉ nhường quyền cho đối thủ khi đớp lần thứ 2 vẫn bị rơi 1 viên đến nhiều viên sỏi ra khỏi tay đớp.

            Cuộc chơi như thế được thay phiên nhau tiếp tục đẩy lên cao đến chừng nào phe, hoặc em nào đạt được số biền như quy định từ trước khi tổ chức cuộc chơi thì phe, hoặc em đó thắng cuộc. Sự khéo léo, chính xác là thú vui trẻ em tìm đến trong các trò chơi dân dã thường ngày.

            Chơi cờ gánh 

          Thú vui của cờ gánh là tìm đến sự nhanh trí, đối phó nhanh các tình huống gay cấn. Trò chơi cũng giúp trẻ phát triển sự phán đoán, suy nghĩ trước một hiện tượng cần thực hiện. Cờ đã mở thì phải gánh, đã rào thì phải thua. Gay là chỗ đó mà vui nhộn cũng chỗ đó. Cờ gánh có hai hiệu lệnh: gánh và rào công khai minh bạch. Như cờ tướng hiệu lệnh chiếu thì phải chạy hoặc cản (nếu còn chỗ) hoặc chịu thua. Cờ gánh cũng tạo nên sự ham thích nơi trẻ, bởi thể hiện sự phán đoán nhanh nhạy của trẻ. Người lớn ra đồng tát cá, xách lồng cu đi đánh, vác cần đi câu,… là cách tìm lấy thú vui dân dã thì trẻ em lại kẻ ô vuông trên nền đất chơi cờ. Luật chơi trẻ đặt ra đơn giản, dễ nhận biết đối phương phạm luật ngay trên bàn cờ trước mặt. Về quân cờ có thể dùng con ngêu, sò, đồng xu, hoặc giấy bìa cứng mỗi mặt tô một màu giống nhau làm quân cờ. Về sau có nắp ken cũng làm quân cờ chơi được. Mỗi bên có 8 quân cờ được sắp trên mỗi cạnh hình vuông trái mặt nhau trên bàn cờ để phân biệt cờ đối phương (như hình vẽ). Nếu chọn nghêu làm quân cờ thì một bên sắp ngửa, một bên sắp sấp; nếu chọn giấy màu cũng phải sắp khác màu nhau nhưng mặt dưới phải trùng màu quân cờ đối phương.

        – Gánh: Đối phưong mỗi lượt đi một nước và chỉ đi quân cờ của mình được một gạch hoặc ngang, dọc, chéo trong phạm vi một ô hình vuông nhỏ nhất mà thôi, không quy định đi vượt sang ô của hình vuông khác.

           Khi di chuyển các quân cờ trên bàn cờ, nếu đối phương tìm cách vào được giữa hai quân cờ của mình nằm trên đường thẳng xem như ăn được một gánh, lật hai quân cờ sấp lại thành quân cờ đối phương. Cứ như vậy hai bên thay phiên nhau tìm cách gánh của nhau, bên nào gánh được nhiều quân cờ, bên đó thắng cuộc.

        – Rào: Rào là tìm mọi cách ép sát và dùng quân cờ bao vây đối phương co cụm lại không còn nước để đi được nữa. Đối phương xem như thua cuộc, phải đầu hàng vì không còn quân cờ nào nữa để tiếp tục cuộc chơi.

           Sau mỗi lần thua cuộc, lại sắp cờ chơi ván khác.

          Cờ gánh dễ chơi, đối tượng nào cũng có thể chơi được. Đây là loại trò chơi bắt đầu hình thành cho trẻ em tính tư duy độc lập và sáng tạo trong mỗi ván chơi. Trẻ 14 – 15 bắt đầu xa dần các trò chơi kèm theo đồng dao, để tiến gần đến loại trò chơi cờ gánh phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhiều hơn.

        Ngày nay, các trò chơi điện tử của nền công nghiệp hiện đại được cài đặt trên máy vi tính cuốn hút trẻ em tìm thú vui cho mình. Ở đó, trẻ độc lập, mỗi em một cách chơi trên một máy. Trẻ không phải rủ rê bạn bè cùng chơi cho đủ tay, đủ phe nữa. Tính cộng đồng đã bị phá vỡ (ít ra là trong các trò chơi dân gian của trẻ em) để tái cấu trúc lại hình thức chơi, trò chơi. Với máy tính, trẻ có thể ngồi hàng giờ, hàng buổi để chơi, chơi không biết chán bởi không bị ràng buộc bởi trẻ khác. Trò chơi điện tử, game trên máy tính đã không được phụ huynh đồng thuận. Tìm lại các trò chơi dân gian phải đủ tay, đủ trẻ thì mới thực hiện được. Theo đó tổ chức chơi đôi khi trẻ em cũng không có đủ số bạn ưa thích loại hình chơi dân gian để thực hiện một trò. Do đó tính cộng hưởng trong các trò chơi dân gian là tuyệt đối. Không có trò chơi dân gian nào của trẻ chỉ mỗi một em ngồi đánh một mình. Các trò chơi dân gian tính cộng đồng là tuyệt đối./.