Thiếu niên đăng cao khoa
Năm Thiệu Trị thứ VII, Ông Ích Khiêm 16 tuổi thi đỏ cử nhân, như một ngôi sao đổi ngôi xẹt ngang trời Phong Lệ, để lại tia hào quang đi vào lịch sử dân tộc. Thiệu Trị khen ông là “Thiếu niên đăng cao khoa, phụ tử khả giáo”.Sau dân gian lại thêm.
Sinh ngày 21 tháng 12 năm 1827 (Mậu Tý)[1] tại làng Phong Lệ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang. Ông mất ngày 19/7/1883 năm Quý mùi. Hiện mộ ông tại đồi Lăng Ông (Hòa Thọ). Ông Ích Khiêm tự là Mục Chi, thuở nhỏ đã có tiếng là ham học, thông minh và nghịch. Lớn lên, tính ông cương trực, không ưa nịnh bợ, không muốn luồn cúi kẻ có quyền, do đó mà đời làm quan của ông có nhiều bước thăng trầm. Vua Tự Đức trọng tài ông. Chúng ta biết Ông Ích Khiêm với tư cách là một quan võ hơn là một người lâu lâu cũng làm một vài bài thơ, câu đối. Sinh thời Ông Ích Khiêm không làm thơ, chỉ một hai bài ngẫu hứng, hoặc chỉ làm thơ để thể hiện tính cương trực của mình khi cần. Do thế, người đời nay không tìm thấy Ông Ích Khiêm có thơ và trước sau chỉ đánh giá “ông là một vị tướng toàn tài, tính tình cương trực, ngay thẳng, hết lòng vì dân, vì nước. Sự nghiệp của ông còn sống mãi trong lòng người dân đất Quảng, người dân Hòa Vang”[2].
Tuy như thế-là một võ quan-song từ nhỏ có tiếng là hay chữ nên ở quê ông nay vẫn còn nhớ một vài giai thoại và một số bài thơ thể hiện sự sáng dạ của ông. Vài giai thoại, dăm bài thơ nhưng lại như cái neo của con tàu Ông Ích Khiêm neo vào lòng người dân Phong Lệ. Những giai thoại như thế chỉ có thể với một tâm hồn thi sỹ mới có được.
Người dân quê ông kể rằng, hồi nhỏ ông rất sáng dạ, học đâu nhớ đó. Lúc lên 12 tuổi, hai thầy trò muốn ăn lớ bắp[3] nhưng mỗi người thích mỗi cách. Người thích ăn lớ bắp trộn với mật, người lại thích ăn trộn với đường. Ông Văn Ngạn ( chú ruột và cũng là thầy dạy Ông Ích Khiêm ) giải quyết bằng cách ra một vế đối, bảo cháu mình đối lại cũng là cách thử tài người học trò yêu của mình. Ông Đăng Ngạn ra:
Chẳng chịu lấm đầu cùng Chúa Mật.
Suy nghĩ giây lát, Ông Ích Khiêm đối lại:
Thà cam tan xác với vua Đường.
Ông Đăng Ngạn khen hay, nhanh trí, hoạt tính nhưng ông cho rằng “ khẩu khí xuất hiện sớm , chắc rằng bước tiến thân có nhiều buổi gian truân”.
Một lần khác, lúc Ông Ích Khiêm còn nhỏ, nhân tiết mùa xuân, trời mát, một vị quan dạo chơi đi ngang qua làng. Quân lính đi trước dẹp đường nhưng có một cậu bé cứ ngồi bên vệ đường loay hoay xỏ hai cẳng vào một chiếc giầy. Lính bảo tránh đường, cậu cứ ậm ờ. Quan thấy thế sai lính hỏi, khi biết là học trò, quan bèn ra câu đối thử tài. Quan ra vế:
Cắc cớ thay hai cẳng xỏ một giày,
Ông Ích Khiêm đứng lên xin quan tha lỗi trước rồi mới dám đối lại. Quan thuận ý. Ông Ích Khiêm đọc:
Sung sướng mấy,một đầu che bốn lọng.
Vế đối có ý ngạo, quan nhếch miệng cười khen ông thông minh. Đành chịu ![4]
Trở lên là hồi còn nhỏ, đến lớn khi đi thi nhằm vào năm Thiệu Trị thứ 7, làng Phong Lệ có hai chú cháu là Ông Đăng Ngạn và Ông Ích Khiêm cùng lều chỏng ra kinh để ứng thí. Chú ông là Ông Đăng Ngạn giỏi chữ Hán nhưng tiếc thay thi nhiều khoa không đỗ, ông về quê nhà trụ ở làng mở trường dạy học.
Khoa đó hai chú cháu cùng thi, khi chuẩn bị nộp quyển, Ông Ích Khiêm tranh thủ xem bài của chú mình. Xem xong ông nói tưng tửng : “Chú rớt rồi”. Ông Đăng Ngạn bực mình cho rằng cháu mình hỗn láo, sẵn cầm quạt trên tay, đánh Ông Ích Khiêm một cái. Ông Ích Khiêm tức mình bỏ về không ở lại chờ xem yết. Khi triều đình treo bảng, thấy có tên Ông Ích Khiêm. Ông Đăng Ngạn tìm mãi tên mình không có, vừa buồn mà vui, vội cho người thân về quê gọi Ông Ích Khiêm ra để kịp bái mạng. Người về đến nhà báo tin, chốc lát cả làng ai cũng biết Ông Ích Khiêm đỗ cử nhân, còn ông theo trẻ mục đồng lên Hóc Năng ở đấy có hồ sen tát nước bắt cá đồng cho vui.[5]
Khi vào phúc thí, vua thấy ông còn nhỏ, chưa tin vào tài học của ông, có ý nghi ngờ, bèn vời vào Tả đài lâu viện, ra đề kiểm tra lại:
Thiếu niên đăng cao khoa
Phụ tử khả giáo.
Ông Ích Khiêm đặt bút ngay hàng, làm bài trong chốc lát thì xong, trong bài có câu: Đắc lộ đa anh tuấn ,hà tài đáp thánh minh. ( Trên con đường học vấn có biết bao trang anh tuấn, nhưng ai là người báo ơn vua, đền nợ nước.)
Vua khen ông là một thiếu niên có học lực giỏi.
Người ở làng ông nhận định cũng vì ông có tính cương trực, ngạo đời, ít chịu khuất phục ai, nhất là tỏ ra bất khuất đối với những quyền thần trong triều. Chính thế mà đời ông không có cơ may mắn trong chốn quan trường. Chuyện kể rằng, một hôm ông thết đã các quan đại thần trong triều, thức ăn các món đều nấu, chế biến bằng thịt chó. Có một vị quan hỏi ông thịt gì mà ngon thế. Được dịp, Ông Ích Khiêm đưa tay chỉ quanh và nói lớn:
Trên chó, dưới cũng chó, toàn là chó cả !
Các quan đại thần nhìn nhau, rồi lại tiếp tục ăn qua bữa.
Cũng một lần thết tiệc như thế, ông bày mưu dặn người nhà, khách ăn xong không được pha trà như thường lệ. Ăn xong, ông gọi nước, không thấy ai mang nước lên. Ông quát:
Mẹ cha bây, ăn cho no không lo chi nước! Ăn no không nước, ăn làm gì!
Đám quan khách vỡ lẽ, biết bị Ông Ích Khiêm chơi một mẽ. Vì đám quan ấy lúc bấy giờ chỉ làm quan ăn bổng, chẳng nghĩ gì đến nước non.
Là một võ tướng không chỉ xông pha bưng biền mà Ông Ích Khiêm còn lo cho dân giàu nước mạnh.
Sau khi làm Tri huyện Kim Thành, bị cách chức, ông quay về làng làm ruộng. Ông vận động nhân dân khai hoang, làm thủy lợi, lấy nước tưới cho cánh đồng La Hong (Hòa Tiến), mở rộng thêm cánh đồng Phú Hòa (Hòa Phong) và khai hoang thêm vùng Bàn Thạch (Duy Xuyên). Con đường từ Phong Bắc vào Phong Nam (Hòa Châu), từ Tây An qua Nam Thạnh, từ Đông Hòa đến Bàu Cầu (Hòa Châu) tương truyền là do ông có công lớn trong việc huy động nhân dân đắp nên.[6]
Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông được vua phong chức Biện lý Bộ Hộ, đã bày kế sách làm cho dân giàu nước mạnh. Đại lược như sau:
“ Xây dựng quân binh trước hết phải lo phần tiền của, tạo ra tiền của không gì bằng khai thác mỏ. Các miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Thái Nguyên có nhiều khoán sản. Thần, từ ngày theo việc quân có đi qua nhiều nơi ấy, các loại khoán sản có giá trị ra sao đã được các bậc già cho biết rõ ràng, nên nghĩ cho thấu đáo thì cách hay hơn hết liệu xem thì không ngoài việc khai mỏ…”[7]
Vua Tự Đức cho là phải nhưng vì biên giới chưa yên, nếu tiến hành e không đạt kết quả.
Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang có chép về trận mù u ở Phong Lệ như sau:
Khi thực dân Pháp đánh Đà Năng năm 1858, Ông Ích Khiêm có tham gia đánh Pháp dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Ông ra sức củng cố các đồn lũy từ Hải Vân vào Thị Nại đến Liên Trì, Phong Lệ và cho đắp lũy từ Hải Châu đến Phước Ninh. Trong một trận khi quân Pháp tiến vào Phong Lệ, ông bày mưu dùng quả mù u rải trên mặt đường, xong bố trí quân mai phục để cản giặc. Giặc bị phục kích, hoãn loạn, dẫm phải trái mù u trượt ngã, quân ta tiến đánh, Pháp thua to phải tháo chạy.
Về thơ, hình như Ông Ích Khiêm không có ý làm thơ nên thơ ông không nhiều. Hiện ông còn để lại một bản di chúc. Tài liệu liên quan đến ông bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp. Những người làm công tác chép sử có nghiên cứu, sưu tầm lại phần thơ phú của ông để minh họa cho tính cương trực, thẳng thắn mà sinh thời Ông Ích Khiêm thường thể hiện.
Nhân một chuyến điền dã về quê ông trong ngày tảo mộ, chúng tôi ghi được 5 bài thơ và một câu đối. Tiện đây, xin được chép lại 3 bài thơ để tham khảo:
Mưa từng chặp gió lại từng hồi
Mấy cụm giang sơn nước khỏa rồi
Lũ kiến bất tài mang trứng chạy
Bè rêu vô dụng một đoàn trôi
Lao xao rừng vắng nghe chim túc
Lốm xốm giường cao thấy chó ngồi
Nở để muôn dân chìm đắm vậy
Nào ông Hạ Vũ ở đâu rồi !
Lúc Pháp đánh vào Bắc kỳ, vua Tự Đức mật thuê quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc sang giúp ta chống Pháp. Quân Tàu cậy thế sách nhiễu dân ta, Ông Ích Khiêm lấy việc thuê Tàu làm bất bình. Và nhân đấy khi thành Thái Nguyên bị vây, vua Tự Đức cử ông đi cứu ứng. Ông làm bài thơ:
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Đến khi có giặc phải thuê Tàu
Từng phen võng giá mau chân nhảy
Đến bước chông gai thấy mặt đâu
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu
Ai ơi, hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu…
Còn đây là bài thơ trên đường đi “an trí” ở Bình Thuận:
Mình ốc mang rêu rửa sạch ai
Rung cây nhác khỉ thói thường hoài
Mèo cào xuể vách còn chi sức
Sức vượt qua đăng mới gọi tài[8]
Khó nỗi đem tỏ ràng vó ngựa
Đố ai lấy thúng úp mình voi
Xưa nay ếch giếng chê trời hẹp
Chim sổ lồng ra mở mắt coi.
Và khi an trí ở Bình Thuận ông có câu đối:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường.[9]
Xưa nay các học giả nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn về cuộc đời, sự nghiệp của Ông Ích Khiêm thì nhiều, tên tuổi Ông Ích Khiêm đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một vị tướng tài. Phần thơ phú có hoặc thảng chỉ là phần phụ của Ông Ích Khiêm. Chúng tôi góp một phần hình dung lại tài học sáng và trí thông minh của ông những mong lấy gương người trước giáo dục cho kẻ sinh sau nhất là các em học sinh trên quê hương của ông. Hơn thế, mong tỏa rộng trên vùng đất Quảng có thể vận dụng vào phần văn học địa phương, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha anh để lại bằng hình thức ngoại khóa về danh nhân lịch sử địa phương trong các tiết học, hoặc liên hệ trong các bài giảng văn.
Giảng dạy văn học gắn với đời sống là cần thiết làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, tác dụng sâu hơn. Thiết nghĩ vùng đất Quảng nói chung và Hòa Vang nói riêng có nhiều danh nhân lịch sử, nhiều sự tích anh hùng, nhiều truyền thống tốt đẹp, nhất là sự tích anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nếu giáo viên văn học chịu khó sưu tầm và vân dụng thích hợp thì việc giảng dạy văn học sẽ lung linh nhiều màu sắc./. (10/1997)
[1] Theo: Gia phả họ Ông ở Phong Lệ-Hòa Vang.
[2] Đảng bộ huyện Hòa Vang (1985), Lịch sử đấu tranh cách mạng huỵện Hòa Vang. NXB. Đà Nẵng.
[3] Một món ăn phổ biến ở Hòa Vang.
[4] Xem: Lãng Nhân (1972), Giai thoại làng Nho. Lá Bối, Sài Gòn.
[5] Về giai thoại nầy, Lâm Quang Thự trong sách Danh nhân đất Quảng kể có khác. Ở đây chúng tôi ghi lại theo lời kể của Ông Ích Liễn ở làng Phong Lệ.
[6] Đảng bộ huyện Hòa Vang (1995), Lịch sử đấu tranh cách mạng huyuện Hòa Vang.ãnB Đà Nẵng.
[7] Theo “ Đại Nam chính biên liệt truyện “ do Vũ Bạch Ngô dịch.
[8] Đăng: một dụng cụ đánh bắt cá . Trước đây trên sông Cẩm Lệ, dân vạn rớ Lỗ Sài thường cắm đăng trên sông ngăn nước bắt tôm cá.
[9] Ý nói bờ bên kia sông Hương là tòa Khân người Pháp đóng, bờ bên nầy thuộc về Nam triều. Trong bốn tháng mà thay đổi ba vua là điều không rõ.