TẾT XỨ QUẢNG – Phần thứ chín – KẾT LUẬN CHUNG

286

 

                                      Phần thứ chín

                                  KẾT LUẬN CHUNG

 

        Tết xứ Quảng với tất cả những sửa soạn cho ngày hội kéo dài hơn  nửa năm tính từ ngày Đoan ngọ về đến ngày Nguyên đán.

  1. 1. Tục Tết ở Quảng Nam với các lễ, tục có từ khi vùng đất mới được hình thành. Tuy nhiên yếu tố kế thừa phong tục chung về ngày Tết của người Việt không phải là không có. Ngày Tết ở xứ Quảng còn kéo dài từ ngày nay và cả đến ngày sau nữa xuất phát từ thói quen địa phương của nhân dân, đồng thời tư tưởng triết lý á đông nói chung về bốn mùa. Nhưng vấn đề cơ bản của lễ hội ngày Tết xứ Quảng trước hết xuất phát từ cơ sở thực tiễn của vùng cư trú mà có.

        Chúng ta bắt gặp ở Tết xứ Quảng ngày xưa nền văn hóa mà mọi chất liệu được xây dựng từ văn minh lúa nước với nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Nghệ thuật, các kiến thức khoa học về một nền nông nghiệp lúa nước kể cả mặt quản lý xã hội đều phát triển và duy trì qua nhiều thời kỳ lịch sử, có phủ định và khẳng định nhau quyết liệt. Tục lệ của làng xã , phong tục chung của cộng đồng kể cả tôn giáo, văn hóa, tất cả hòa hợp nhau cộng hưởng và bổ sung cho nhau. Vết tích sơ khai từ những tháng năm đầu của thế kỷ thứ XV đã dần dần chìm vào quá khứ đã đóng vai trò lịch sử của nó. Nay còn lại là những phong tục đã được gạn lọc, có thực hành, tổ chức và đã xã hội hóa mặc dầu không ghi thành điển lệ.

        Ngày Tết là dịp người dân tỏ rõ thái độ quyến luyến gia đình, yêu mến quê hương, thờ kính tổ tiên, coi trọng lời nói thánh hiền, thương yêu nòi giống, trọng lẽ phải, ghét xa hoa, không ham phú quý sang giàu, ghét vũ lực và mọi sự phân biệt giai tầng trong xã hội. Tất cả là những điều răn dạy có trong sách thánh hiền được phản ánh và lưu lại trong phong tục ngày Tết cổ truyền. Không có văn bản chính thức, chỉ là những ghi nhớ để thực hiện nhưng không bao giờ quên và khi thực hiện cũng đảm bảo được đầy đủ ý nghía của mỗi phong tục tích cực. Đó cũng là tinh thần riêng của người dân xứ Quảng đã hình thành từ bao thế hệ, những thế hệ tiếp sau bao giờ cũng thực hiện một cách thành kính.

        Trong phong tục ngày Tết ở xứ Quảng, người dân có chịu ảnh hưởng từ tư tưởng tôn giáo nguyên thủy địa phương, con người là một thực thể thiêng liêng có linh hồn và chịu ơn với các lực lượng siêu nhiên khác như: các thần, trời, tổ tiên ông bà… mà tinh thần cơ bản là chịu ơn tổ tiên mình. Do thế, trong phong tục ngày Tết có hàm chứa và biểu hiện của sự trả ơn, nhớ về cội nguồn của dòng giống.

        Vì thế, có thể nói cùng với cả nước phong tục ngày Tết ở Quảng Nam nói riêng mang giá trị tinh thần sâu sắc. Song do duy trì trên nền tảng duy tâm (một số lễ, tục) nên một số lễ, tục trong ngày Tết không phù hợp với cơ sở thực tiễn, không phản ánh được thế giới khách quan vào trong phong tục và không giải thích được một số tục lệ cổ nên người dân xứ Quảng vẫn cứ duy trì. Nếu bóc cái vỏ duy tâm thần bí ra khỏi phong tục tết thì ở đó có thể tìm thấy giá trị truyền thống tinh thần của nhân dân xứ Quảng một cách ý nghĩa và sâu sắc.

        Cho đến nay, phong tục ngày Tết vẫn mang giá trị tinh thần của cả dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng, nhưng những tục lệ lạc hậu, cổ hủ, lỗi thời không còn tác dụng trong đời sống thực tiễn đã được nhân dân gạn lọc, sàng chọn loại ra khỏi bản giá trị tinh thần ngày Tết, nhất là những tục lễ mang yếu tố của mê tín, dị đoan. Từ khi có ảnh hưởng của hệ tư tưởng  mới, một số tục, lệ cũ trong phong tục ngày Tết ở vùng Quảng Nam – Đà Nẵng  đã dần dần được bãi bỏ làm trong sạch thế giới khách quan, loại ra khỏi tư tưởng nhân dân  chức năng của các thần linh quanh năm vây phủ tác động và quyết định sự tồn tại và hủy diệt con người.

        Khi lịch sử thay đổi, lực lượng sản xuất phát triển, mối quan hệ giữa người với người có thay đổi, cả suy nghĩ của nhân dân lao động cũng thay đổi theo. Vì thế, phong tục ngày Tết vẫn là phong tục, là phương tiện phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân xứ Quảng  phù hợp với hiện thực về cuộc sống, về lý tưởng, về cái đẹp, bi hài, cao thượng, hèn hạ… những ước mơ, khát vọng của nhân dân lao động trong cuộc sống.  Tuy nhiên, đã có những thành tố mới chen lẫn vào phong tục, những tục lệ cũ ít ghi đậm dấu ấn của thời kỳ mở nước và dĩ nhiên trong hiện thực đó phong tục ngày Tết nay đã khác xưa.

2. Tìm hiểu lại lịch sử – văn hóa vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng từ khi mở đường vào Nam (sơ sử) đến nay, chúng ta đều thấy có hai giai đoạn trong quá trình phát triển của nó. Có thể gọi giai đoạn thuộc Chăm Pa và giai đoạn đã chuyển sang thuộc về người Việt.

        Đầu thế kỷ thứ XI, dưới triều vua  Yang Puku Vijaya đã tiến hành dời kinh đô của họ ra khỏi vùng Quảng Nam – Đà Nẵng. Những đền tháp người Chăm xây dựng ở Mỹ Sơn là quần thể tháp được xem như là nhóm cuối cùng dưới triều vua Jaya Paramesvara vào đầu thế kỷ thứ XIII[1]

        Thế kỷ thứ XIV – XV có thể xem là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành lịch sử – văn hóa vùng Quảng Nam – Đà Nẵng và từ giai đoạn này quyết định cách hình dung, cách hiểu và giải thích những yếu tố đặc trưng trong văn hóa ngày nay của người Quảng – xứ Quảng. Quá trình giao lưu với các tộc người bản địa đã từng bước hình thành nên dòng văn hóa, phong tục, nếp sống liên tục, nối tiếp nhau và đã trở thành truyền thống văn hóa  lâu đời của cư dân bản địa.

        Mãi 250 năm sau (giữa thế kỷ thứ XVI), những phong tục, nếp sống, lề thói khác vẫn còn mang nhiều thành tố của văn hóa dân gian lâu đời mà ông đồ nho Dương Văn An trong Ô châu cận lục  cho rằng: “thói cũ lâu ngày”, “thói quen cổ truyền cũng đã lâu lắm”.

        Thói cũ đã lâu ngày, lối mới còn quá ít. Đi cấy mướn một mùa mà thói chong dâu đã nhiễm. Đi kiếm cá một độ thì lối trên bộc hóa hư.

        Làng An Lại huyện An Lộc còn giữ dâm phong, làng Phù Lưu châu Bố Chánh có món thuốc độc.  Nói tiếng Chiêm thì có thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì có con gái làng Thúy Bạn. Dân xã Hòai Tài, Tân Lại quá nửa có thói mây mưa, người xã Bao Vinh, Lai ân còn giữ cái nết trăng gió, thói quen cổ truyền cũng đã lâu lắm[2]. 

        Lý Tử Tấn, người cùng thời Nguyễn Trãi viết trong phần Dư địa chí: Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm Thành, tính hung hãn, quen khổ sở. Triều trước dùng họ để ngừa người Chiêm[3].

        Như thế không chỉ có người Chiêm ở vùng này mà còn có nhiều tộc người khác nữa, có cả Cơ tu, Việt, Hoa, Xê đăng, Ve, Cor, người Cua, Gié Triêng… các tộc người này đã giao lưu hòa hợp làm cho phong tục tập quán pha trộn nhau đến nay là một khối thống nhất khó phân biệt. Chính chỗ này đã hình thành nên tính chất văn hóa vùng thể hiện trong sinh họat vật chất và tinh thần của người dân xứ Quảng.

  1. Mặt khác, ở xứ Quảng xưa kia vai trò của công xã nông thôn cũng góp phần lưu giữ, hình thành và thực hành phong tục Tết[4].

        Ở Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức làng  xã cổ truyền đi đôi với việc hình thành các tập tục tốt hay xấu đều do làng quy định. Lập làng, lập xóm là một tổ chức truyền thống từ xưa đến nay, trong làng về mặt hành chính duy trì theo một chế độ đặc biệt được nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng mang theo từ thời mở đường vào đây khai khẩn. Vào đến vùng đất mới, thiết lập trật tự, quyền hành trong làng tổ chức theo lối công xã, dân chúng trong làng cử người thay mặt mình theo tục lệ cổ truyền của làng. Giữa  hai làng có khi có nhiều điểm không giống nhau và do đó đặt ra những lệ làng có tác dụng tuyệt đối với số hộ dân trong làng. “Phép vua thua lệ làng” là ở những điểm như thế. ý thức nho giáo ảnh hưởng khá mạnh mẽ vào làng Quảng Nam trong thời kỳ mới lập làng, nếp sống được quy định rõ ràng, quan hệ giữa người với nhau được quy thành các tục lệ chặt chẽ.

        Tuy ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo là chủ yếu song nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng sống trong làng vẫn duy trì có tính cách công xã “phong cách sống của mình với những  truyền thống tốt đẹp và những phong tục tập quán có hiệu lực”[5]. ở làng duy trì một ít dân chủ có tính công xã nông thôn, bắt nguồn từ tinh thần tập thể trong cộng đồng được sự chỉ đạo của tư tưởng chủ toàn mà có, mọi sinh họat đều hướng vào cộng đồng để duy trì. Một ít dân chủ của làng nhưng có tác động khá mạnh mẽ đến nội bộ làng, nhất là công việc quản trị làng. Những chức sắc trong làng từ lý trưởng trở xuống đều do dân bầu lên. Trong quá trình thực hiện quyền này không phân biệt tuổi tác và năng lực mà căn cứ vào quyền tiên chỉ của một tộc họ lớn. Sách nhiễu cũng từ chỗ này mà ra. Chính quyền phong kiến dù bảo thủ thế nào cũng phải thừa nhận một số tục lệ cổ truyền của làng. Đời vua Lê Thánh Tôn, nhà vua thay xã quan thành xã trưởng, xã trưởng do dân trong làng, xã cử lên. Bước đầu có nới rộng quyền dân chủ cho người dân, nhưng sau quyền này thu hẹp lại cho một tộc họ, hào trưởng trong làng mà thôi. Xã trưởng có quyền quy định ruộng đất của làng cho vua và được quyền chia công điền, công thổ cho dân cày cấy. “Nước theo lệ nước, làng theo lệ làng”, là một bằng chứng về hiệu lực của làng để đấu tranh tồn tại phong tục tập quán của làng. Từ thời Lê đã công nhận một số tập quán phản ánh tinh thần đoàn kết thương yêu và tinh thần vì cộng đồng của làng xã. ở làng, tinh thần dân chủ có tính chất công xã được duy trì, củng cố và phát huy theo hướng tiến bộ. Do đó, có thể nghĩ ở xứ Quảng tinh thần công xã được biểu hiện vào thời kỳ đầu mở đường xây dựng một vùng quê hương, xứ sở vào thế kỷ XV

        Dần về sau phong tục lụât lệ nào là của riêng làng ấy, giữ gìn hay bài trừ là tùy theo luật lệ của làng, Nhà nước phong kiến không với tay đến làng được. Tổ chức làng xã cổ truyền ở xứ Quảng không thóat ra ngoài phạm vi chung của cả nước, chỉ thay đổi theo thực tiễn cho phù hợp với thiên nhiên nơi mới đến mà căn bản vẫn theo sự phát triển chung của dân tộc. Chế độ quân chủ càng kéo dài, vai trò của làng càng kín cổng cao tường, “trong những làng ấp mới, người nông dân tập hợp lại theo tổ chức công xã nông thôn như những làng xóm quê hương họ[6]. Ngay từ khi vào xứ Quảng lập nghiệp, tổ tiên xưa đã sống theo tinh thần cộng đồng, hợp thành đoàn, thành nhóm để nương nhau cùng tồn tại. ở đó diễn ra quá trình đấu tranh chống thiên nhiên, thú dữ để sản xuất, hình thành thói quen xã hội phù hợp với cơ sở thực tiễn, lâu dần những phong tục cũ được thay thế những phong tục mới, có khi chỉ thay đổi một ít thành tố trong phong tục  mà về cơ bản vẫn được duy trì cho phù hợp với yếu  tố truyền thống chung.

        Yếu tố làng mang tính công xã còn thể hiện ở mỗi người dân xứ Quảng, trong đó gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ và loại trừ phong tục tập quán. Hệ tư tưởng nho giáo in đậm tạo cho con người nếp suy nghĩ bất dịch. Vào thời buổi ấy chỉ có nho giáo là thống trị mà chưa có luồng tư tưởng nào khác ảnh hưởng. Vì thế các thành viên trong làng buộc phải thực hiện những quy định mà làng đã ban bố trở thành lệ thường năm. “Tam niên nhứt lệ”, “Xuân thu nhị kỳ”… là thế, không được trái phép, trái phép có nguy cơ bị đuổi khỏi làng.

        Những quy ước của làng được giảng dụ cụ thể đến từng dân đinh dân tráng, quyền quy định thuộc về chủ nhà, người nhà phải tuân theo, nếu sai xem như vi phạm vào đạo đức, vào tam cương ngũ thường, làm sai ý tổ tiên. Chính đó, phong tục tồn tại lâu đời trong nhân dân, ít có thay đổi, phong tục tết ở xứ Quảng cũng không ngòai hệ quả đó. Yếu tố ngoại lai từ người Chiêm thời bấy giờ là giao lưu đáng chú ý, song hệ tư tưởng có khác do phần đông người Chiêm theo đạo Bà La môn, nên ảnh hưởng sang làng xóm người Quảng không nhiều.

        Cá nhân trong cộng đồng không thể tách rời đơn lẻ mà tồn tại được, không thóat ly đơn vị làng để độc lập được. Người sống trong làng được cấp công điền, công thổ để sản xuất (một bộ phận nào đó) đảm bảo về mặt vật chất và cứ ba năm chia lại một lần. Chỉ chỗ đó cũng thấy cá nhân gắn với cộng đồng, cộng đồng quyết định cho cá nhân. Ngòai ra, làng có đảm bảo cho cá nhân về mặt tinh thần do đời sống văn hóa chung của làng tập hợp lại mà có, thể hiện qua phong tục, các lễ hội như lễ hội Tết cổ truyền là một ví dụ… vì thế cá nhân gắn liền với tổ chức làng xã, cũng có nghĩa là con người là một thực thể xã hội, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Mỗi người trong một gia đình là một nhân tố kế thừa và lưu giữ phong tục, bởi gia đình đông người (tứ đại đồng đường) quy định nền nếp theo phong tục xưa. Có thể  nói vai trò làng quyết định cho tư tưởng gia đình ở chỗ gia đình có quan hệ trực tiếp, thường xuyên và có hiệu quả đến làng và ngược lại. Người dân không thẻ thóat khỏi phạm vi làng mà đến nước trước được, cho nên quan hệ nhà – làng – nước là quan hệ làng nước hỗ tương nhau phải thông qua làng, làng cho phép mới được thực  hiện, trái lệ làng thường bị bắt vạ. Chính gia đình là nơi tiếp thu hay gạt bỏ tư tưởng từ ngoài đưa vào do đó làng là trụ cột bảo vệ hay gạt ra ngoài sinh họat làng các hủ tục xét thấy lỗi thời. Tư tưởng ngoại lai muốn vào làng không phải dễ, Nho , Lão, Phật vào làng được phải tự thân mền dẻo, phải linh họat khi thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Tư tưởng Phật vào làng phải thật bình dân, dễ hiểu, phải hòa nhập với tư tưởng triết lý của nhân dân mới mong cắm sâu vào làng được. Họăc đạo Lão vào làng cũng phải biến đổi sao cho cả hai cùng ảnh hưởng nhau, nếu không, không vượt được lũy tre làng chứ đừng nói vào làng bằng cổng làng có cây đa giếng nước ngay ở đầu làng được. Nho giáo cũng thế, duy có điều, nho vào trước, vào sâu nên ở lâu dài được. Duy trì những tư tưởng nho là những nhà nho có gốc gác tại làngvà do đó tư tưởng nho thống trị người dân xứ Quảng suốt thời kỳ phong kiến. Vì thế ở làng là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt nhưng đồng thời gạt bỏ những phong tục lạc hậu, mê tín, dị đoan như những kiêng cử, coi giò, bốc xăm nhân các ngày rằm, mùng năm, mười bốn, hai mươi ba và những ngày đầu năm làm cho sinh họat tinh thần của làng phong phú hơn.

         Chính những gạn lọc “tốt khoe, xấu che” đã hình thành ở người Quảng một phong cách riêng giản dị, thật thà. Kết hợp đồng thời với đấu tranh chống thiên nhiên, chống hiểm họa, thử thách là chống các thế lực thù địch. Hoàn cảnh địa lý hiểm trở hoang vu, kẻ thù bên ngoài thường xuyên quấy rối, xứ Quảng lại lắm thiên tai như lũ lụt, hạn hán. Chính chỗ đó nên nếp sống của người dân xứ Quảng từ xưa đến nay vẫn là nếp sống có phần khắc khổ, tiết kiệm, biết chừng mực và không thích nhiễm tập những thói xa hoa phù phiếm từ bên ngòai vào. Đặc điểm sinh họat của người xứ Quảng là nghiêng về thực hành, thực hiện, bộc trực không kiểu cách đẩy đưa, họ tìm thú vui sinh hoạt ngay trong sức phấn đấu trong lao động với tất cả sự thiết tha, họ thường xuyên vật lộn không ngừng cùng với thiên nhiên nhưng lại yêu thiên nhiên, can đảm, gan lì và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả. Tất cả những đặc tính trên là cơ sở để phát sinh tục lệ mới tích cực, duy trì và được bảo vệ lâu dài cùng với sự tồn tại và phát triển của xứ sở.

        4/ Ngày nay vào dịp đón Tết mừng xuân chính quyền ở thôn, làng và các đòan thể đến đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ, tưởng nhớ những ngừời đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc là chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tưởng cũng giành ở đó một phần tưởng niệm nhiều thế hệ vô danh đã đổ máu và mồ hôi xuống mảnh đất quê hương suốt năm trăm năm khai cơ lập nghiệp đất phương nam. Thậm chí, trong no ấm ngày nay vào những ngày Tết, đến nghĩa trang, đình, miếu là cách thể hiện sự tưởng niệm cho những người cùng khổ đã một thời phiêu dạt vào Nam khai khẩn và vì cảnh chiến tranh, đói nghèo của dân tộc.

        Tập tục mới này nhắc nhở con cháu mai sau mỗi khi đến nghĩa trang liệt sĩ hiểu rằng không phải xứ Quảng đến đầu thế kỷ XX mới có những anh hùng liệt sĩ bỏ mình vì xứ sở.

        Ở Quảng Nam, xã huyện nào cũng có đài tưởng niệm, ngày Tết thanh niên nam nữ đến đây – một không gian kiến trúc ở những khu trung tâm trên một khoản trường rộng lớn nơi ấy có đủ điều kiện cho khách bốn phương thưởng ngọan và nhớ lại các bậc tiền bối ngày xưa.

        Nếu như ngày xưa, hội hè lễ Tết chỉ cho phép những tráng niên bô lão tụ họp tại đình làng, miếu làng cúng tế thì nay với không gian rộng lớn của các đài tưởng niệm, mọi thành phần, mọi lứa tuổi đều tìm thấy ở khu vực tượng đài một địa điểm sinh hoạt lý thú cho giới mình. Đây là nét đạo đức thẩm mỹ mới hình thành từ sau  năm 1975, thống nhất nước nhà. Đến các đài tưởng niệm chơi Tết các chị, các bà chân lấm tay bùn có thể dừng lại ngã nón nghỉ chân dưới bóng cây râm mát. Thanh niên nam nữ cũng có thể dạo chơi trao đổi tâm tình và từ đây những bài thơ, câu hát đã được gợi lên từ cảm xúc, từ kỷ niệm trong ký ức… về một thời kỳ cha ông đã hy sinh giữ vững độc lập tự do.

        Ngày xưa, vào dịp Tết, đình miếu thường tập trung tầng lớp thanh niên đã có vợ con trở lên, đàn bà con gái dễ đâu đến được đình làng, miếu xóm. Họ là  thành phần dân làng ít biến động, không bỏ làng xa xứ, họ bám trụ tại làng, gắn chặt cuộc đời mình với làng xóm, do đó mọi việc giữ gìn tôn tạo và tổ chức những sinh họat ở đình họ thực hiện và chú ý một cách tự nguyện thật lòng. Còn thanh niên nam nữ chưa vợ, ngày Tết đình miếu không phải là nơi họ giao lưu sinh hoạt, chính thế quảng trưởng, đài tưởng niệm là những nơi thu hút thanh niên nam nữ đến chơi xuân và đấy xem như là địa điểm quan trọng trong đời sống văn hóa.

        Một vùng đất vốn có truyền thống văn hóa  lâu đời được thừa kế và phát triển liên tục từ thế kỷ XV đến nay chắc sẽ còn tiếp tục duy trì những phong tục tốt, bỏ tục lệ lạc hậu. Ngày nay làng xã đã khác xưa, từ làng xã ngày nay, nhìn thấy quá khứ những cội nguồn của hiện tại “có giá trị truyền thống không phải chỉ là ghi lại để biết những việc thời xưa mà chính là bàn những vấn đề đạo lý rất hiện tại, trong đó lịch sử có tác dụng mạnh mẽ” [7]

        Cũng cần nhận thấy rằng, từ ngày 1.1.1997 khi có quyết định của Chính phủ về chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng ra thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, từ đó đã có một bước chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức, trong sáng tạo tinh thần và vật chất, làm chuyển đổi và nảy sinh một số phong tục tập quán mới mà đặc biệt là trong dịp Tết và những ngày rằm, mùng một.

        Ở Hội An, gần đây Trung tâm văn hóa thông tin thị xã vừa công bố thăm dò kết quả qua điều tra xã hội cho thấy có 97% nhân dân Hội An nhất trí tổ chức “Đêm rằm phố cổ” do chính quyền địa phương tổ chức hơn 4 năm qua vào tối 14 âm lịch hàng tháng. Họat động  “Đêm rằmg” đã chứng tỏ rằng tự nó đã có sức sống và được người dân Hội An chấp nhận với tư cách là một họat động văn hóa có nghĩa là họ chấp nhận việc hình thành một tập tục mới – lễ hội mới – trong đời sống tinh thần của họ.

        Thành phố Đà Nẵng sau khi chia tách trực thuộc Trung ương đã thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố  theo đường lối của Đảng, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, cơ sở hạ tầng từng bước được xác lập, sắp xếp lại các khu dân cư, khu công nghiệp sao cho phù hợp với một đô thị hiện đại tiên tiến về nhiều mặt. Chính chỗ này là một bước chuyển đổi toàn diện trong dó có sự chuyển đổi tâm lý, nếp sống, hình thức sinh họat hàng ngày ngay cả mỗi người, mỗi nhà sao cho phù hợp với thực tế khách quan đang đặt ra và do đó làm nảy sinh hình thức sinh họat mới, trong đó sinh họat tinh thần cũng phải thích nghi tương ứng với cơ sở thực tiễn khách quan đang đòi hỏi nhanh chóng.

        Từ thực tiễn đó, văn hóa đóng vai trò là  động lực của sự phát triển làm cho cuộc di dời, chỉnh trang đô thị lớn lao tại Quảng Nam- Đà Nẵng  thời kỳ này, đạo đức có một vai trò quan trọng. Có thể tìm thấy một sự chuyển đổi và điều chuyển phong tục tập quán trong văn hóa, bởi vì động cơ của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng phát triển sự nghiệp của mình nằm trong văn hóa, vì sự phát triển chung của công đồng cả về tinh thần lẫn vật chất.

        Thành phố Đà Nẵng đang từng bước giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, đất đai sản xuất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp lại, các khu dân cư và tái định cư mới mọc lên làm chuyển đổi cơ cấu dân số từng vùng. Những năm đầu của thế kỷ XXI đã có sự chuyển đổi phong tục tập quán trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Những ngày Tết cổ truyền, giỗ kỵ, chạp lạp… không buộc phải giữ theo nền nếp cũ cổ truyền  như trước nữa, do đại bộ phận thanh niên nam nữ, những người là công nhân lao động, công chức, họ bận tập trung cho lao động thường ngày của họ, họ cùng với cộng đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng tham gia vào quá trình đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thành phố cho nên những ngày Tết, giỗ kỵ phải thu xếp cho thích hợp. Họ vì giành phần lớn thời gian cho công việc nên nuôi con, chăm sóc, dạy dỗ con cái, đôi khi trông vào nhà trẻ, mẫu giáo, các trường bán, nội trú nhiều hơn, không giống như cha mẹ họ trước kia đã nuôi dạy họ. Quỹ thời gian dành cho sinh họat văn hóa, những giờ thư giãn trong tuần có khả năng thu hẹp lại. Thêm nữa, do lối sống công nghiệp mang lại, nên quan hệ làng xóm láng giềng ít được quan tâm mà theo cách “đèn nhà ai nấy sáng” thay vào đó là quan hệ  ứng xử nhau được thiết lập  trên cơ sở tôn trọng và thực thi pháp luật. Rõ ràng nếp sống, phong cách thị dân đang được hình thành trong tư duy của người dân, của cộng đồng. Ở họ, việc thăm nhau nhân những ngày Tết sẽ không còn đầy đủ như trước kia nữa bởi từ một xã hội  kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trì trệ mang tư duy tự cung tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có công nghiệp tiên tiến hiện đại thì nhất thiết phải có sinh họat văn hóa, cách thực hành phong tục tập quán tương ứng cho phù hợp. Mang mang văn hóa có kèm theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, liệu có thể có đứt ra một đoạn, một khúc nào không ? Chính chỗ này, ở Quảng Nam, Đà Nẵng đang là một nỗi thúc bách, dù phát triển song phải giữ gìn bản sắc, cái cốt lõi của vùng về văn hóa, phong tục của con người xứ Quảng sao cho, dù có công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn không làm mất đi giá trị truyền thống đã tồn tại và ổn định lâu đời.

        Đà Nẵng trong tương lai gần sẽ không còn có làng để duy trì thành ngữ “tính cố kết cộng đồng làng xóm “hoặc “tình làng nghĩa xóm”. Thế nhưng cho dù có sự chuyển đổi hoặc phát sinh phong tục, nếp sống mới thì phong cách xưa như tục thờ cúng ông bà, thăm nhau ngày Tết  vẫn còn tồn tại trong bản giá trị văn hoá xứ Quảng. Tục chơi xuân ở những nơi công viên công cộng, đền đài, danh lam thắng cảnh hoặc cả gia đình đưa nhau về một vùng quê, một thành phố, hoặc khu du lịch nào đó thuê nơi trọ và vui xuân đón Tết, mừng năm mới sẽ dần dần xuất hiện tại Đà Nẵng. Thực tế, tục này ở Đà Nẵng bắt đầu từ xuân Quý Mùi (2003) xu hướng đã có xuất hiện trong một số nhân dân (nhưng còn ít). Như thế là sự phát triển của xã hội đã làm chuyển đổi đến phong tục Tết, các thành phần dân cư đã được tham gia vào sự phát triển xã hội do chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đem lại, đồng thời được hưởng những thành quả từ sự phát triển đó. Hai năm trở lại đây thành phố Đà Nẵng bắn pháo hoa mừng đón giao thừa đầu năm trên cầu Sông Hàn đã thu hút hàng vạn người đến đây đứng dọc hai bên bờ sông xem pháo hoa lung linh trên nền trời, sóng nước. Người ta đón giao thừa đâu phải ở gia đình họ nữa, họ không thực hiện lễ hành khiến như cổ lệ mà chính họ là người đạp đất gia đình họ chứ không phải một vị khách hàng xóm nào khác.

        Trên,  là một thí dụ về việc hình thành phong tục mới. Có thể nói rằng cơ sở vật chất phát triển, kéo theo sự phát triển về tinh thần, văn hóa do đó cũng chuyển đổi  và phát triển. Các thành tố trong văn hóa cũng từ đó mà chuyển đổi cho phù hợp theo tinh thần: Cái gì cũ, lạc hậu thì bỏ, cái gì cũ mà còn có lợi thì sửa chữa lại cho phù hợp, cái gì là truyền thống của người dân xứ Quảng thì duy trì lại, đồng thời bản thân cuộc sống dưới tác động của con người sẽ hình thành phong tục mới, phù hợp với thực tiễn  do  quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra.

 

[1] Lịch sử Việt Nam (tập 1 – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, NXB/ĐH và THCN, Hà Nội. 1983.

[2]  Ô châu cận lục  – Dương Văn An do Bùi Lương nhuận sắc. Sài Gòn.1961 trang 44 – 46. Cũng xem NXB KHXH/ Hà Nội, 1997. Dẫn theo Võ Văn Thắng – Đất Quảng số 49/1987.

[3] Nguyễn Trãi tòan tập, NXB/KHXH.Hà Nội.1976 trang 235.

[4] Xem Tạp chí Non Nước số 9 tháng 12.1997 – Vai trò của công xã nông thôn – Võ Văn Hòe.

[5] lịch sử Việt Nam tập 1 NXB/KHXH, 1971.

[6] lịch sử Việt Nam tập 1 Sđd

[7] Trần Văn Giàu – Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, NXB/KHXH. Hà Nội.1980.