TẬP TỤC, LỄ HỘI ĐẤT QUẢNG – PHẦN THỨ BA – Tiết 2

311

                                PHẦN THỨ BA – TIẾT 2

Lễ hội liên quan đến sản xuất lâm nghiệp

  • Lễ hội cúng rừng
Đối tượng suy tôn: Thần núi, thần rừng
Địa điểm     : Các huyện miền núi, tỉnh Quảng Nam
Thời gian    :Từ 24 – 27  âm lịch hàng năm
Đặc điểm     :Cầu mong rừng cho sản vật…

Lễ cúng rừng là một lễ liên quan đến sản xuất lâm nghiệp khá phổ biến trong cộng đồng  cư dân ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Hằng năm vào dịp giáp tết, khoảng từ ngày 24 đến 27 âm lịch, đồng bào vùng cao đất Quảng lại làm lễ cúng rừng, Tham gia lễ cúng rừng là những người có công việc làm ăn liên quan tới rừng núi như : làm nương rẫy, chăm trâu bò, khai thác gỗ, tìm trầm hương, đón củi, chăm trâu bò, săn bắt thú rừng, chim chóc…

Trước đây, trong dịp cận tết, cư dân miền núi lại chuẩn bị sắm sửa các dụng cụ, lễ vật để tiến hành nghi lễ cúng rừng. Họ kéo nhau đến các cửa rừng để tiến vào khu rừng nơi họ đã từng gắn bó kiếm sống hằng ngày, họ cùng nhau đắp bờ rồi tát nước cạn kiệt một đoạn suối để bắt cá và nấu cơm dâng lên cúng tế thần linh của núi rừng, cảm tạ các vị thần rừng đã ban phát lộc rừng cho họ suốt cả năm để họ nuôi sống cả nhà, lễ cúng đã kết thúc, họ lại dọn mâm quây quần bên nhau ăn uống, trò chuyện vui vẻ rồi lại kéo nhau về nhà.

Tương truyền rằng ngày xưa ở những vùng rừng núi cao của Quảng Nam, Đà Nẵng, hằng năm lễ cúng rừng được tổ chức rất quy mô, trọng thể được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng, đặc biệt là giới thợ săn và các nhóm khai thác gỗ. Vì họ quan niệm rằng, nhờ sự độ trì, che chở của thần núi mà họ gặp nhiều may mắn, tránh được nhiều rủi ro nơi rừng thiêng nước độc, thoát khỏi tai nạn và nanh vuốt của thú dữ, làm nương rẫy tươi tốt, săn bắt được nhiều thú rừng, tìm kiếm được nhiều sản vật quý báu của rừng như : Trầm hương, gỗ quý, thuốc quý, mật ong, nấm rừng…

Tuy nhiên, ngày nay khi sản vật từ rừng đã cạn kiệt do con người đã tận cùng khai thác, những người gắn bó với rừng để mưu sinh thưa thớt dần và chuyển đổi sang nghề khác, đồng thời người dân đã có ý thức hơn về việc khai thác và bảo vệ rừng. Tất cả những điều đó đã làm phai nhạt dần tập tục cúng rừng của cư dân miền núi Quảng Nam- Đà Nẵng. Hiện nay ở vùng đồi núi xứ Quảng lễ cúng rừng do các cụ già và trẻ mục đồng tổ chức.

Người Cơ Tu tạ ơn rừng (2019 – Internet)

  Lễ hội vây bắt cọp ở Tiên Phước      

Đối tượng suy tôn: Tinh thần cộng đồng bảo vệ mùa màng
Địa điểm     : Huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
Thời gian    : Mồng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm
Đặc điểm     : Trai tráng đồng loạt vào rừng vây bắt cọp

 

Cư trú tại một trong những huyện miền núi của Quảng Nam, người dân Tiên Phước từ thời xa xưa, luôn phải đối mặt với thiên tai, hạn hán, những hiểm nguy tiềm ẩn chốn rừng thiêng nước độc và bị thú dữ tấn công, quấy phá do đặc thù, điều kiện cư trú của địa hình miền núi khá hiểm trở. Trong đó mối hiểm nguy lớn nhất là từ sự đe dọa của cọp rừng đối với sự an lành của buôn làng như : tính mạng của con người, của trâu bò, súc vật, nương rẫy. 

Để ứng phó với mối hiểm nguy này, dân làng liên kết với nhau thành một nhóm gồm những người trai tráng  khỏe mạnh, gọi là Hội vây để chuẩn bị bắt cọp những khi phát hiện cọp về phá phách xóm làng. Với quy mô và tính chất của công việc này, những người trong Hội vây đã tiến hành những cuộc truy bắt cọp thật quy mô và thu hút được đông đảo dân làng tham gia, dần dần Hội vây trở thành lễ hội săn bắt cọp, có ý nghĩa và mang tín cộng đồng cao, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Tiên Phước, luôn đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng, đoàn kết bảo vệ thôn làng thoát khỏi nanh vuốt của ác thú.

Nếu những lễ hội khác, địa điểm tổ chức thường là sân làng, đình làng, thì Hội vây lại tiến hành trên núi cao, nơi loài cọp sinh sống. Địa điểm diễn ra Hội vây không cố định mà thay đổi tùy theo địa hình nơi cọp xuất hiện, Hội vây là một hoạt động văn hóa có số lượng người tham gia lên đến hàng ngàn người.

Cũng như địa điểm, thời gian diễn ra cũng không cố định, nếu đơn giản thì Hội vây diễn ra 5,7 ngày, song nếu phức tạp hơn thì Hội vây  có thể tiến hành từ 10,15 ngày đến cả tháng. Tuy nhiên, đôi khi thời gian Hội vây  dài hay ngắn còn tùy thuộc vào người chỉ huy và tùy thuộc vào tính chất quy mô của hội nếu năm nào mời nhiều làng bạn tham gia thì hội được tổ chức lớn và dài ngày hơn với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

để tập trung cao độ cho việc vây bắt cọp. Lúc này những người có trách nhiệm cao nhất trong làng như Lý trưởng, Chánh tổng, Trưởng thôn sẽ cùng bàn bạc kế hoạch vây cọp. Sau đó Chánh tổng sẽ quyết định về thời gian, địa điểm và thông báo cho nơi có cọp dữ đang quậy phá, đồng thời báo tin cho các xã thôn lân cận chuẩn bị tập trung phục vụ cho Hội vây  cọp. Tiến trình của hội vây bắt cọp diễn ra lần lượt như sau :

Trước đây, khi phát hiện cọp dữ về phá hại mùa màng, trâu bò của xóm làng thì người đứng đầu thôn làng triệu tập những bậc chủ chốt của làng để xác định vị trí trú ẩn của cọp, rồi bố trí từng người leo lên các cây cao để theo dòi động tịnh của cọp, mọi người cách nhau không xa, đủ để thông báo cho nhau hướng di chuyển, vị trí thay đổi của cọp. các thông tin sẽ liên tục được truyền cho những người trong nhóm, nhất là trưởng nhóm

Công việc chuẩn bị những thứ cần thiết cho Hội vây  thường mất 2, 3 ngày. Khi cọp đã lọt vào tầm kiểm soát để có thể khống chế thì cũng là lúc nội dung chính được bắt đầu, và Hội vây  chỉ kết thúc khi cọp bị bắt hay bị giết chết.

Quá trình vây bắt cọp được chuẩn bị khá công phu, khi vào cuộc vây thì lại căng thẳng, vì rất nguy hiểm nếu không lường trước sức mạnh và sự hung dữ của cọp thì dễ bị nó tấn công ngược lại làm tổn thất cho con người và tài sản của thôn làng. Những bậc cao niên trong làng có kinh nghiệm cho rằng : loài cọp rát sợ ánh sáng, vì vậy, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì cọp đi kiếm ăn, cho nên dân làng ở lại trong rừng ban đêm thường hay đốt củi lửa để xua đuổi cọp đi, không cho cọp đến gần.

Việc vây bắt cọp không chỉ diễn ra trong phạm vi làng xã gần gũi mà còn được thông báo rộng rãi cho mọi người dân ở các vùng tiếp giáp để tránh hậu họa, vì khả năng khi xua bắt, cọp có thể vùng chạy rất xa. Thông thường khi kế hoạch vây bắt cọp đã xong thì Cháng tổng báo cáo và mời Tri huyện về dự.

Bước vào việc vây bắt, Ban tổ chức có một số quy định nghiêm ngặt: Chẳng hạn, những người tham gia bắt cọp không được mặc trang phục màu đen, vì như vậy sẽ bị cọp vồ, họ chỉ được mặc áo cánh, quần đùi cho gon nhẹ để tiện việc di chuyển, xoay trở, phải chờ lệnh từ người chỉ huy, không được tự ý manh động, sẽ dễ bị tai nạn do cọp tấn công, hoặc cọp sợ quá sẽ bỏ chạy mất.

Công việc chuẩn bị Hội vây diễn ra khá lâu và càng chu đáo, càng công phu thì càng đem lại hiệu quả cao. Hội vây   chính thức bắt đầu khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, khi cọp đã ở trong tầm kiểm soát. Lúc này lễ hội vây bắt cọp mới bắt đầu tiến hành, thời gian cọp bị vây hãm chính là thời gian diễn ra lễ hội. Khi bị vây hãm dù có thể cọp bị giết ngay, nhưng hội vây thường nhứ để cho cọp xoay trở trong vòng vây càng lâu thì càng lý thú vì tạo căng thẳng cho người tham gia, nhất là đối với những người thích phiêu lưu, hiếu kỳ, lúc đó cọp như một thứ giải trí cho những người tham gia trực tiếp vây bắt cọp. Ngoài ra có sự quy định là khi chưa có lệnh cua người cao nhất hội, đó là Tri huyện thì chưa được giết cọp, bởi vì cọp bị vây quần càng lâu thì càng đuối sức, càng đói khát nên dễ bị vây bắt. Và cao trào của hội là khi sắp tiêu diệt được cọp, dân làng mặc sức reo hò, mừng thắng lợi to lớn, mối đe dọa đã không còn và ngay sau đó, dân làng được thông báo kéo nhau đem đủ các loại đồ ăn, thức uống lên núi tiến hành vui chơi tưng bừng cả ngày đêm với các trò chơi thể thao, sinh hoạt văn nghệ thâu đêm suốt sáng bên đám lửa sáng rực với tiếng mõ, tiếng thanh la lẫn cùng tiếng reo hò, tất cả tạo nên một không khí hào hứng vui nhộn làm náo nhiệt cả một góc rừng.

Chi đến khi mọi người đa thỏa thuê vui chơi, cũng chính là lúc cọp đã mệt lã dần. Bấy giờ Tri huyện sẽ ra lệnh giết cọp, và Hội vây được kết thúc. Dù có trực tiếp giết được cọp hay không thì phần thưởng vẫn được trao cho xã sở tại, Tri huyện sẽ được dân làng tặng cho bộ xương và da cọp thật quý giá. Hình thức Hội vây như thế chỉ diễn ra cho tới năm 1952 tai xã Tiên Thọ, Tiên Phước. Đây là lần vây bắt cuối cùng với số lượng 5 con cọp, nhiều nhất trong lịch sử vây cọp tại Tiên Phước.

Qua đó chúng ta thấy rằng Hội vây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, có ý nghĩa và cũng là dịp để dân làng thể hiện tinh thần thượng võ, tinh thần cộng cảm, thể hiện tình đoàn kết keo sơn của dân làng vùng cao Tiên Phước, cùng sát cánh bên nhau chia sẽ gian khó để tìm lại yên vui cho thôn làng.

  • Hội xả trái lòn bon ở Đại Lộc
Đối tượng suy tôn     : Thần núi rừng có lòn bon
Địa điểm     : Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
Thời gian    : Mùa lòn bon chín vào tháng 8 âm lịch
Đặc điểm     : Nhân dân đồng loạt vào rừng hái lòn bon chín trên cây
 

Lòn bon Đại Lộc (Internet)

Ở xứ Quảng, một trong những trái cây rừng ngon nhất là lòn bon, đồng bào Cơ Tu gọi là t’rbon, một loại dâu đất mọc ở rừng với thân cây cao, là một loài thực vật đặc hữu của rừng phía tây tỉnh Quảng Nam.

Những vùng miền tây xứ Quảng có nhiều cây lòn bon là vùng Ba Xã gồm các xã Tân Đợi, Hội Khách, Hữu Trinh thuộc huyện Đại Lộc ở vùng núi gần thượng nguồn Ô Gia; Tà Blin, Cà Di, Bà Keng, Mò O, Gia Nông thuộc huyện Tây Giang (Giằng) và Hiệp Đức, A Xờ thuộc huyện Đông Giang (Hiên). Sau ngày thống nhất đất nước 1975, các nhà khoa học nước ta còn phát hiện cây lòn bon nhưng với số lượng ít ở vùng Núi Bà Nà, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng. Gần đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Việt Nam đã xếp cây lòn bon vào nhóm dâu rừng và đặt tên khoa học cho nó là Bacaurea sylvestris.

Cây lòn bon thuộc loại đại mộc, thân cây thẳng đứng, khi già có thể cao đến 15 – 20 mét, nhưng thân không to, gốc to nhất cũng chỉ trên dưới 30cm đường kính và cây ra cành ở ngọn. Lá cây lòn bon mỏng, rộng 5cm và dài 15cm, mặt trên có màu xanh lục đậm, mặt dưới có màu vàng úa.

Gỗ cây lòn bon màu vàng trắng, hơi nặng, mịn dẻo, khi khô không bị nứt nẻ, thường được nhân dân dùng làm đòn gánh và chày giã gạo rất tốt.

Trái lòn bon kết quả thành chùm như chùm nho ở trên thân cây và trên các cành cây dưới dạng chùm đơn hoặc chùm kép, có khi dài đến 25cm. Trái to nhất có thể lớn bằng ngón chân cái, hình tròn, vỏ màu vàng đậm trông thì đẹp mắt nhưng thường ăn không ngon, múi có hạt to màu xanh và có vị chua. Những trái không lớn, có độ to trung bình bằng ngón tay cái, hình hơi bầu dục, vỏ màu vàng trắng, núm quả hơi căng phồng là những trái ngon nhất do có vị ngọt. Những trái nhỏ hơn phần nhiều không ngon do phần lớn các hạt bị lép, tuy cũng có đôi trái ngon. Những trái bên ngoài vỏ có chỗ màu phớt xanh là những quả chưa chín nên rất chua.

Vỏ trái lòn bon mỏng hơn vỏ trái dâu đất, hơi dai và có mủ khi mới hái, là một loại dược liệu mà nhân dân thường dùng làm thuốc để chữa bệnh phù thũng, thiếu vitamin B1, bệnh sốt rét rừng, bệnh suy dinh dưỡng.

Ruột trái lòn bon có 5 múi trắng và trong, dính chặt vào nhau, mỗi múi có một hạt nhỏ. Những quả loòng boong có một vài múi bị lép không có hạt, những chỗ đó vỏ ở bên ngoài bị lõm xuống thâm lại và có màu nâu đậm trông như dấu móng tay ai bấm vào.

Ca dao dân gian xứ Quảng thường nói tới lòn bon vùng Đại Lộc:

Quê anh Đại Lộc, Ô Gia,

Nước reo dòng suối chảy qua Thu Bồn.

Quê nhà thổ sản loòng boong,

Trước Hà, Trung Đạo núi non trập trùng.

Và:

      Nhớ quê Đại Lộc êm đềm,

Bùng dâu, nà bắp tình thêm đậm đà.

Trà My nhớ sợi mây già,

Phước Sơn quế lụa, nhớ ra Hiên, Giằng.

Cá tươi nhớ bủa lưới giăng,

Nhớ loòng boong chín, nhớ trăng soi đường.

Và:

      Quế Sơn cau, mít mấy tầng,

Thương lòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My…

 

Hình như đối với người xứ Quảng, trái lòn bon là biểu tượng của tình yêu lứa đôi chung thuỷ:

Mời nhau một trái lòn bon,

Ngọt ngào đượm nghĩa keo son chúng mình.

Đố ai đếm lá rừng xanh.

Rừng bao nhiêu lá anh (em) thương mình bấy nhiêu! 

Dân gian xứ Quảng lưu truyền một truyền thuyết hấp dẫn về lịch sử phát hiện ra trái lòn bon. Truyền thuyết kể rằng vào năm Giáp Ngọ 1774, quân Chúa Trịnh sau khi chiếm Phú Xuân và chuẩn bị vượt đèo Hải Vân tiến vào Quảng Nam, cảng thị Hội An, đồng thời quân Tây Sơn sau khi chiếm Quảng Ngãi cũng trên đường đánh ra Quảng Nam, Chúa Nguyễn Phúc Ánh, về sau trở thành vua Gia Long, đã dẫn một đoàn quân chạy lên miền Tây Quảng Nam để lánh nạn.

Trong khi chạy nạn, quan và quân Chúa Nguyễn đã gặp không ít khó khăn và bị đói do thiếu lương thực. Khi Chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy đến bên bờ sông Vu Gia thì gặp một bầy rái cá dẫn đường vượt qua sông. Sau khi lên bờ Chúa được một bầy sói đón và đưa đến rừng. Đi được một quãng đường dài, Chúa nhìn thấy một cánh rừng dâu hoang sum sê trái trên cành cao, liền sai lính leo lên cây hái xuống để cho ăn thử xem sao. Khi nếm quả dâu rừng lạ đó, Chúa thấy rất ngon và có mùi vị riêng, liền truyền lệnh cho quan quân được phép hái loại dâu rừng đó để ăn cho đỡ đói, đó là trái tr’bon hay trái lòn bon.

Chúa cho đó là một điềm lành, hôm sau cho lập bàn thờ để tạ ơn Trời Đất đã cứu mình, ban cho mình một loại dâu tiên quý giá, giúp cho quan quân vượt qua cơn đói khát để khôi phục lại vương triều. Sau đó, Chúa lấy móng tay mình bấm vào những trái lòn bon làm dấu để truyền bá rộng rãi loại trái cây quý này trong nhân dân và từ đó móng tay còn để lại dấu ấn trên vỏ trái lòn bon cho đến tận ngày nay.

Sau khi vua Gia Long đánh thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi vào năm 1802, từ đó hàng năm nhân dân Quảng Nam đến mùa lòn bon chín đã cử người ra kinh đô mang loại quả dâu quý này làm vật phẩm địa phương dâng tiến lên vua. Từ năm 1805, Triều đình Nhà Nguyễn đặt ra chức sắc chuyên quản đặc trách việc quản lý các khu rừng lòn bon ở Quảng Nam gọi là “quan quản Nam trân“. Các khu vực rừng lòn bon này được rào lại cẩn thận, không cho người tự do ra vào và được nhân dân địa phương gọi là “cửa vườn“, điển hình nhất là ở huyện Đại Lộc.

Vì những lý do trên, theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí“, chính vua Minh Mạng đã đặt tên cho trái lòn bon là “Nam Trân” có nghĩa là “thức ăn quý ở phương nam”. Sau đó, đến năm 1836, khi cho đúc Cửu Đỉnh, nhà vua đã cho đúc nổi hình một chùm nam trân trên Nhân đỉnh và đặt trước Thái Miếu, ngụ ý rằng đó là một sản vật quý hiếm ở phương nam được dâng tiến hàng năm cho các vua Nhà Nguyễn. Vì vậy, ca dao dân gian xứ Quảng đã có những dòng sau:

Trái lòn bon vừa ngon vừa đỡ đói,

Ở tận rừng mà Chúa gọi Nam Trân.

Theo tục lệ dân gian địa phương ở huyện Đại Lộc, đến mùa lòn bon chín thường là vào tháng tám âm lịch hàng năm, nhân dân đã tổ chức lễ hội truyền thống dân gian, gọi là lễ hội xả trái.

Trước ngày lễ hội xả trái, người ta làm Lễ tế Thần Sơn Lâm. Bàn thờ đặt ngay trong rừng và nghi lễ cũng tương tự như lễ Cầu an (Kỳ yên) tiến hành tại đình làng. Lễ vật dâng cúng gồm có hương, đèn, hoa, trà, quả, thực. Thực gồm có xôi trắng, rượu gạo, thịt heo, bò, dê và lễ tiến hành vào buổi sáng.

Chủ bái là vị quan quản Nam Trân. Lễ tế tiến hành với sự chứng kiến của quan huyện địa phương và sự tham gia của các chánh phó tổng, các lý trưởng, hương chức các làng. Lễ tế Thần Sơn Lâm cầu mong cho Thần Núi Rừng phù hộ cho mưa thuận gió hoà, thời tiết thuận lợi cho loòng boong năm tới ra hoa kết quả nhiều, được một mùa bội thu trong tiếng chiêng tiếng trống rộn rã.

Chiều hôm đó, nhân dân lao động miền tây Đại Lộc đã có mặt ở bến Đồng Chảm để sáng hôm sau tham dự lễ hội xả trái với số lượng hàng ngàn người trên đất liền, chật ních người mang theo cơm nước, dụng cụ hái đựng. Dưới sông cũng san sát hàng trăm thuyền lớn, nhỏ cũng đông nghịt người. Ban đêm sáng trăng, lại thêm đèn đuốc trên bờ dưới sông; tiếng trò chuyện râm ran, tiếng cười, tiếng hò hát thâu đêm suốt sáng. Có người suốt đêm không ngủ, có người không sợ thú dữ, rắn rết lẻn trước vào rừng trong đêm chiếm những cây sai quả ngồi chờ dưới gốc cây cho đến sáng.

Trời hừng đông, mọi người đã cơm nước buổi sáng xong, liền rời thuyền rời lán, mang theo dụng cụ đầy đủ trên người, kéo nhau hàng đoàn đến bìa rừng chờ đợi lệnh. Trong rừng nghe tiếng vượn hú xa xa, tiếng con công tố hộ chờ mặt trời lên bay đi kiếm ăn.

Trời bắt đầu hửng sáng, đoàn quan khách đại diện Chính quyền Nam triều ở địa phương gồm quan chức của huyện Đại Lộc, các tổng, các xã trong đồng phục khăn đen áo dài đã có mặt đông đủ.

Viên quan quản Nam Trân, người chịu trách nhiệm trong lễ hội xả trái trịnh trọng đánh ba hồi  thanh la vang vọng đỉnh đạc báo hiệu ngày hội xả trái bắt đầu. Hàng ngàn người tranh nhau vào Cửa Vườn, tìm lối phân tán nhiều ngả, luồn càng sâu vào rừng, chiếm lấy những cây lòn bon nhiều trái nhất. Khu rừng yên tĩnh buổi sáng bỗng trở nên náo động, ồn ào tiếng người kêu gọi nhau, tiếng lá khô xào xạc dưới chân người, tiếng cánh chim vỗ bay xa, tiếng rựa chặt cành mở lối, lan toả khắp bảy ngọn núi của Cửa Vườn đầy những cây lòn bon trĩu quả. Mọi người hối hả trèo lên các cây lòn bon chiếm được để có thể hái được thật nhiều quả theo khả năng của mình.

Một hồi sau, khi ở một vị trí cao không bị khuất tầm mắt, người ta đã thấy rõ trên hàng trăm cây lòn bon thân cao thẳng đứng có người đã leo đến nửa thân cây, có người đã leo lên đến tận ngọn cây, có người đang dùng chiếc sào dài để chuyển những giỏ lòn bon vừa mới hái xong xuống đất. Có một điều không ai bảo họ từ những người trên ngọn cây cho đến người đứng dưới đất, việc đầu tiên của họ là chọn những chùm lòn bon ngon nhất ăn cho đến thoả thích.

Trong khi nhân dân đang thi nhau hết sức mình để hái cho được nhiều lòn bon nhất trong ngày hội xả trái thì đoàn quan khách chứng kiến ngày hội đó ngồi nghỉ dưới một chiếc lán dựng tạm đơn sơ ở một nơi râm mát. Họ uống nước, hút thuốc nói chuyện với nhau và cùng nhau thưởng thức những trái lòn bon ngon ngọt mới chuyển từ Cửa Vườn về. Đến trưa họ dùng bữa cơm có đầy đủ rượu, thịt. Đến chiều, lúc ra về họ được mang theo một giỏ đầy ắp lòn bon, quả thực của ngày hội xả trái.

Còn nhiều người đi hái lòn bon, bữa cơm trưa thường được thay thế bằng những chùm lòn bon ngon ngọt, ăn cho đến no mà không biết chán.

Từ sáng sớm cho đến quá trưa, trái chín ở Cửa Vườn được hái xong, những giỏ, những thúng đầy ắp lòn bon chín vàng được chuyển ra ngoài, ra bờ sông qua những lối đi mới mở. Trái chín chỉ hái trong ngày hội xả trái, trái xanh còn lại đến khi chín số lượng không đáng kể ai vào hái cũng được về sau.

Viên quan quản Nam Trân và các hương lý ba xã Tân Đợi, Hội Khách và Hữu Trinh chịu trách nhiệm thu thuế bằng hiện vật số lượng nhân dân thu hái được theo tỷ lệ quy định.

Một phần số lượng lòn bon thu được này, viên quan quản Nam Trân sẽ cho bán đi để lấy tiêu vào việc “chạy trái kiểu” và việc tiếp đón quan khách trong ngày hội xả trái, phần lòn bon còn lại, viên quan quản Nam Trân và các hương lý ba xã chia nhau bán lấy tiền. Các dân đinh được huy động canh giữ Cửa Vườn được ăn lòn bon thoả thích trong ngày hội xả trái và cũng được chia một phần lòn bon mang về gia đình.

Những chiếc xe bò hay những chiếc thuyền chở nặng lòn bon được đẩy đi hay nhổ sào, quay lái trước khi màn đêm buông xuống, chấm dứt ngày hội xả trái, để sáng sớm hôm sau mang ra chợ Ái Nghĩa, Hà Nha… bán.

Ở Đại Lộc, đang mùa lòn bon, có được những trái lòn bon ngon ngọt còn nguyên chùm để làm quà đặc sản biếu cho cha mẹ vợ sắp cưới, cho thầy giáo, cho bạn bè thân thích là một thói quen truyền thống. Muốn có được những chùm lòn bon ngon như vậy, bản thân phải tự mình tham gia ngày hội xả trái. Chọn những chùm đẹp, sây trái, vỏ màu vàng trắng, đặt vào giỏ tre hay giỏ mây rộng khoảng hai tấc rưỡi, cao năm tấc để làm quà. Đối với bà con, bạn bè thân thiết thì mang biếu nguyên giỏ. Biếu cho thầy thì mang giỏ lòn bon đến nhà thầy, mượn một cái khay trong nhà, lấy từng chùm lòn bon đặt lên khay một cách thận trọng. Biếu cho cha mẹ vợ thì có hai người cùng đi, một người đội một quả [1] sơn màu đỏ, một người xách một giỏ lòn bon, đến nơi đặt các chùm quả cẩn thận vào giỏ được lót giấy hồng điều, chồng cao lên thành ngọn, tạo hình thật đẹp, trên cùng cài thêm chùm lá lòn bon còn tươi.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài ba mươi năm, này ngay lễ hội xả trái không còn nữa, nhưng vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhân dân Đại Lộc và lễ hội dân gian truyền thống đó. Hình ảnh trái lòn bon đã đi vào tình cảm sâu đậm của những con người đã sống nơi đây, đã đi vào những dòng ca dao dân gian địa phương:

Mời nhau một trái lòn bon,

Ngọt ngào đượm nghĩa keo son chúng mình…

 Và:

     Quế Sơn cau, mứt mấy tầng

Thương lòn bon  Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My.

  • Lễ hội khai sơn ở Quế Sơn
Đối tượng suy tôn: Thần núi
Địa điểm     : Huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Thời gian    : Mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm
Đặc điểm     : mừng được mùa, chuẩn bị cho mùa rẫy mới

Tại làng Nghi Sơn xã Quế Xuân, hàng năm có tổ chức lễ hội Khai Sơn; đồng thời cũng ngày mồng 08 tháng Giêng âm lịch hằng năm có lễ hội đình làng rất long trọng. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì Nghi Sơn xưa kia thuộc phần đất của làng An Lộc, kể từ ngày thành lập đến nay đã được 200 năm.

Làng Nghi Sơn có địa hình bán thung lũng, không bằng phẳng, có núi đồi bao quanh. Với địa thế  hiểm trở không thuận tiện cho việc giao thông (vì muốn đến Nghi Sơn phải đi qua đoạn dốc cao, có hai đèo Cây Trao và Đòn Gánh nối với huyện Duy Xuyên), cho nên đời sống của người dân dường như bị cô lập giữa rừng núi đại ngàn. Sự tiếp xúc với vùng đất khác trở nên khó khăn, công việc của họ gần như chỉ gắn bó với núi rừng như săn bắn thú rừng, kiếm củi, tìm mật ong, bẫy chim, hái nấm…họ nhờ vào những sản vật từ quý giá cho đến bình thường của rừng núi để mưu sinh, trao đổi các thứ hàng hóa cần thiết trong đời sống hằng ngày với cộng đồng dân cư. Do đó họ vô cùng yêu quý mảnh đất đại ngàn, nơi mình sinh sống. Chính vì thế, để nhớ ơn nơi đã dưỡng nuôi bao nhiêu tộc họ từ đời này sang đời khác họ đã tổ chức lễ hội để bày tỏ sự sùng bái các vị thần linh của núi rừng, bày tỏ sự tôn kính, tưởng nhớ đến những người có công khai sơn, phá thạch từ rừng thiêng để lập nên mảnh đất này cho con cháu sinh sống, đồng thời cầu xin những điều an lành, may mắn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, lễ hội cũng là dịp để dân làng tổng kết một năm lao động cật lực, vất vả an hưởng thành quả của cả làng sau những lo toan nhọc nhằn, chuẩn bị cho một mùa rẫy mới với cây trái tốt tươi, mùa màng bội thu hơn trước.

Lễ hội Khai sơn thường diễn ra vào ngày 8 – 1 âm lịch, đi từ tiến trình lễ đến hội được tổ chức nhiều lễ thức phong phú, kéo dài trong ba ngày.

Phần lễ được dân làng chuẩn bị thật chu đáo. Ngay từ trước ngày diễn ra lễ hội chính thức, các chư phái tộc, bô lão kỳ cựu trong làng họp lại bàn bạc, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phân công nhiệm vụ cho từng gia đình, từng thành viên…và một việc không kém phần quan trọng là phải chọn ra ban tế lễ có uy tín và kinh nghiệm tổ chức.. Phần kinh phí lễ hội được trích từ quỹ do cả dân làng, các chư tộc đóng góp vào lễ hội và nhờ vào sản phẩm thu hoạch từ những đám ruộng, đất công được làng giao cho người thủ bổn trong làng sản xuất.

Tiến trình Lễ tế cũng khá đơn giản với các nghi thức theo thức tự bày thài có quỳ lạy, đọc văn tế, dâng hương, hoa có sự phụ họa của ban nhạc lễ. Khi lễ tế kết thúc bằng nghi thức lễ hội mục đồng thì ban tổ chức phân phát xôi chè, bánh trái, cho trẻ chăn trâu trong làng.

Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra khá sôi nổi với các hình thức vui chơi sinh động, phong phú vào ban ngày như: nấu cơm thi, nhảy bao bố, hô bài chòi và diễn hát bội vào ban đêm. Phần hội kéo dài trong hai ngày sau buổi lễ chính với sự  tham gia tích cực của toàn dân làng.

Trong các sinh hoạt văn nghệ dân gian của lễ hội, có thể nói hát bội là loại hình nghệ thuật truyền thống không thể thiếu được. Điểm khác biệt so với các địa phương trong tỉnh Quảng Nam thì ở Quế Sơn vào buổi chiều đầu tiên trước khi diễn ra lễ hội, người ta thường tổ chức hát lễ với nội dung giống với trích đoạn hát bội sẽ biểu diễn tối hôm đó cho dân làng xem.

Trải qua nhiều cuộc thay đổi bể dâu do chiến tranh, dân cư di dời, cuộc sống khó khăn do ảnh hưởng từ điều kiện chủ quan lẫn khách quan, lễ hội không còn được tổ chức quy mô như trước đây mà giản lược bớt các nội dung trong phần lễ và cả phần hội. Bẵng đi một thời gian dài, trong những năm gần đây, khi đời sống nhân dân được nâng cao, cùng với các giá trị văn hóa được quan tâm, ý thức trong người dân về cội nguồn lại trỗi dậy cho nên sự khôi phục lễ hội Khai sơn được sự ủng hộ tích cực và phát triển mạnh mẽ từ Hội người cao tuổi, Hội bảo thọ và chính quyền thôn, đặc biệt của Hội đồng chư phái tộc trong làng. Lễ hội Khai sơn lại được tiếp tục trở thành một hoạt động quan trọng đối với dân làng Nghi Sơn. Đây là một lễ hội đặc trưng của người dân vùng này nên nó còn mang ý nghĩa quan trọng và vui hơn cả Tết nguyên đán. Đây cũng là dịp để bao người con xa quê, tha phương cầu thực lại trở về quê nhà tham dự lễ hội để được gặp gỡ  bao người thân sau thời gian dài xa cách. Từ đó dấy lên tình cảm xóm làng, tình gia đình, gắn bó tình cảm trong tộc họ, cộng đồng thêm gắn bó, thiết tha.

Lễ hội Khai sơn tại làng Nghi Sơn, huyện Quế Sơn đã thể hiện thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên, với đồng nghiệp nơi rừng sâu núi thẳm. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp đó nên lễ hội Khai sơn thời gian gần đây đã được bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa sâu sắc trong cộng đồng người Quảng.   


* Ảnh đại diện: Lễ hội Giẻ Triêng (St)

[1] Quả: một hộp tròn sơn đỏ, có vẽ con rồng, phượng lượn quanh thân, quả bằng gỗ, nay bằng thiếc dùng đựng trầu cau rượu trong các dịp cưới, lễ hội.