TẢN MẠN VỀ VÈ

469

                   TẢN MẠN VỀ VÈ

  1. 1. VÈ KHÔNG NGÂM, KHÔNG HÁT MÀ CHỈ NÓI CƠ CHẾ NÀO ?

            Tại sao thơ (tất cả các thể loại) lại có thể đem ra ngâm, hát ngân nga trên sân nhà, lên sân khấu được. Để ngâm, lại có đàn sáo đệm nâng hơi, đưa lời… mà vè lại không thể thực hiện được ngâm hay hát trước công chúng mà chỉ có nói vè với cái sênh nhỏ khõ nhịp để ngắt hơi, lấy giọng mà thôi ?

            Xưa nay trong diễn xướng, thực hành thể loại văn nghệ dân gian này, vè vẫn chỉ độc một cách là nói. Do vậy, vè không lên sân khấu được mà nhường chỗ cho bài chòi, hát giao duyên đối đáp huê tình, hát lý… thường xuyên lên sân khấu trình diễn trước công chúng trong những lần sinh hoạt văn nghệ làng xã. Thậm chí lên nhiều lần, nhiều đợt nên hô bài chòi đã biến thành ca kịch bài chòi hồi nào không rõ! Nhưng vè cho dù có nói khắp cùng các chợ quê, chợ tỉnh, chợ làng hay trong những lần lễ hội đình làng, hội làng vẫn không thể nào thoát vai lên sân khấu được. Cơ chế ấy do đâu?

            Tìm hiểu đặc trưng thể loại vè qua phương thức biểu hiện, vè có thể biểu đạt nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống con người cả phương diện thế sự và lịch sử, chi tiết hơn có thể phản ảnh các loại vật, hoa, cây cỏ, quan hệ con người, thói hư tật xấu, cả về thời tiết …, vè cũng phản ánh được; đồng thời vè cũng phản ảnh chân thật tình hình sống, chiến đấu của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng từ xưa tới nay. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vè phản ảnh khí thế đấu tranh của nhân dân, động viên thanh niên lên đường ra ra trận, theo đó vè góp phần rất lớn trong công tác dân vận, thanh vận, binh vận, địch vận, giúp động viên nhân dân đứng lên đánh giặc, giữ đất, giữ làng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

            Trong dân gian, ngôn ngữ được dùng thường ngày chỉ rõ ra rằng, khi đứng trước một vấn đề không thể không nói, không phê phán hoặc không động viên thì không thể nào không nói và không thể nói khác đi được, theo đó, cách nói tự nhiên sẽ thể hiện rõ mức độ là truyền đạt thông tin với chất lượng cao và chính xác, đầy đủ nhất. Trong điều kiện đó vè gần với ngôn ngữ nói thường ngày của nhân dân nhiều hơn thơ. Thơ có thể ngâm nga, luyến láy nhưng vè thì không! Đây là vấn đề nếu không để ý đến, tưởng sẽ là chuyện đương nhiên phải vậy. Tuy nhiên, khi vè không bao giờ lên sân khấu để hát, để hò hoặc đối đáp được thì phải nghĩ rằng, do đâu, cơ chế nào tạo cho vè như vậy trong khi đó, ở đất Quảng vè là thể loại phát triển mạnh, là một trong những đặc trưng riêng. Cho nên khi nói vè người ta thường nghĩ đến vè Quảng như là thế mạnh riêng có của một vùng đất. Đây là vấn đề được giấu kín trong nghệ thuật thơ ca.

            Tìm hiểu trong vè, hay nói cách khác là tháo từng câu vè ra để khảo sát, điều chúng ta nhận ra rằng vè khác thơ ở chỗ, thơ luôn là sự kết hợp các yếu tố khu biệt, nghĩa là đã bỏ đi yếu tố ngôn ngữ dư (hoặc thừa) ra khỏi văn bản thơ, trong khi đó vè dung nạp tất cả các yếu tố ngôn ngữ dư để làm chức năng giải thích thông tin được nêu ra trong văn bản. Do đó, vè thường chứa nhiều yếu tố ngôn ngữ dư hơn thơ. Ở thơ, ta thường gặp “ý tại ngôn ngoại” nhưng vè thì không. Điều này đã làm cho thơ cần phải ngâm lên, bằng kỹ thuật đưa lời, lại còn các loại nhạc khí sáo, đàn kèm theo… thì thơ mới hay, mới truyền cảm và vì để tái hiện lại nét dư trong thơ nên khi ngâm, các nghệ sĩ diễn ngâm thường dừng lại những chỗ trong văn bản thơ đã bỏ đi yếu tố có ngôn ngữ dư. Thơ ngân nga lên được là vì vậy. Còn vè không ngâm bởi vì thể loại cho phép có nhiều nét dư trong văn bản nên để biểu đạt lượng thông tin chính xác nhất và do đó đọc vè lên ai cũng có thể hiểu được lượng thông tin có trong vè. Vè vì vậy không phải ngâm mà chỉ cần nói vè là được. Nhưng nói để dễ nghe, đôi khi vè vẫn trang bị cho mình yếu tố vần (có thể là vần lưng, vần chân, vần vòng) – cái làm nên sự xô đẩy trong tiết tấu vè – làm cho ý trước không thể không xuất hiện ý liền kề trong một quan hệ ngữ đoạn, liên kết với ý dưới một cách có nghĩa, chấp nhận được mà chưa phải qua đường dây liên hệ tạm thời để phán đoán, phân tích trước khi tái hiện. Vè khác thơ là ở chỗ đó.

          Xem trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng. Đội Phần Lan Phần Lan

            Chẳng hạn, xét khổ thơ sau đây:

                                    Trăng suông mờ hơi sương

                                    Gió quệt vào hai má

                                    Mùi khói rơm ập đến

                                    Nồng nàn hơi đất đai.

            Trong trường liên tưởng của quan hệ ngữ đoạn trên, điều tất nhiên là trong thông báo luôn phải kết hợp với các yếu tố có nghĩa đi kèm làm cho người đọc không thể không liên tưởng đến khói rơm, cho nên ở đây yếu tố ngôn ngữ phải kết hợp là: Mùi khói rơm ập đến/ Nồng nàn mùi…khói cay hoặc khói lửa hoặc khói gì đấy, chứ không thể nào liên kết với hơi đất đai được. Nhưng trong thơ thì lại kết hợp được! Chính đó, cơ chế tạo nên yếu tố bất ngờ xuất hiện làm liên tưởng đến một hiện tượng khác nằm ngoài khói rơm, ngoài đốt rơm, ngoài khói, từ đó cảm xúc xuất hiện để tạo nên một trường liên tưởng. Thành tựu của ngôn ngữ học chỉ ra rằng đấy là lớp từ biểu cảm. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Vè khác thơ cũng chính chỗ đó. (Bởi hãy cẩn thận, thành tựu của ngôn ngữ học chỉ ra rằng, thơ năm chữ mạnh về sự hoài niệm nhưng nếu non tay sẽ trở thành vè. Thơ lục bát mạnh về tính dân tộc nhưng nếu non tay sẽ trở thành diễn ca hoặc cũng sẽ trở thành vè!)

            Vè cho phép các yếu tố kết hợp có nghĩa liên tục xuất hiện nhằm giải thích các hiện tượng, sự việc một cách tường tận mà không cần phải thông qua quy trình chuyển nghĩa để hiểu. Cho nên vè dễ hiểu, nhờ vào các yếu tố dư dẫn dắt, làm chức năng giải thích, thông báo mà người nghe theo đó lần theo không phải suy nghĩ đắn đo để giải mã . Chính vè có nét dư xuất hiện nên vè không cần phải theo thể luật của thơ, câu chữ trong vè dài ngắn khác nhau, điều đó rất khó cho ngâm nga lồng ghép kỹ thuật luyến láy vào. Bởi mỗi thể loại thơ phù hợp với một điệu ngâm nào đó, hoặc ngâm theo lối tao đàn, hoặc ngâm theo lối vịnh…Cho nên vè không cần phải ngâm để tái hiện lại nét dư mà bất kỳ ai đọc hoặc nghe đọc vè cũng có thể hiểu được nội dung biểu đạt của vè. Vè không ngâm mà chỉ để nói, chính là do cơ chế đó.

            Chẳng hạn đoạn vè sau đây nhờ yếu tố dư mà khi đọc lên, bất cứ ai cũng có thể hiểu được ngay:

                        Ve ve bắt vè đầy tớ

                        Tôi ở với cậu mợ một năm

                        Cậu mắng, mợ chửi, tôi đà nhịn thua

                        Nói ra chỗ dại, (mà) nói lại ra chỗ cơ cầu

                         (Chớ) công thường lường gạo

                        Cơm nấu một bữa nửa niêu

                        (Mà) tôi ở với cậu mợ không phải ở năm ở đời!

                        Cậu mợ sợ tiếng đồn thay

                        Cho tui ở mướn cầm cày đầu năm

                        Chưa chi (mà) đà rõ tiếng tăm

                        (Hễ) trâu leo bờ ruộng, cậu ngăm đánh đòn…

            Tuy thế, nói ra chỗ dại, nói lại phải sòng phẳng rằng nếu cơ chế để hình thành nên những yếu tố dư tự nhiên (như lời nói thường) trong một đoạn (khổ) thơ là sự luân phiên không chính xác giữa các đơn vị ngôn ngữ thơ trong khi đưa ra một thông báo, chính đó có thể nhận thấy rằng, có một sự luân phiên ngôn ngữ sẽ phá vỡ sự hình thành này, có nghĩa là sẽ làm nên cơ chế của sự loại trừ yếu tố dư tự nhiên. Tất cả vấn đề ngâm, hát, hò hay không đối với thể loại vè nằm ở chỗ này, tức quy vào bằng mọi cách phá nát tiết tấu văn bản thơ ra, càng phá nát được nhiều tiết tấu của thơ thì đã xác lập được nhiều yêú tố ngôn ngữ dư nhân tạo trong thơ – để hiểu được thơ – Thế nhưng, hãy biết rằng, để phá nát tiết tấu một đoạn thơ, (một bài thơ) phải là tay có tầm cỡ của một nghệ thuật thơ ca mới có thể làm được điều đó. Chính vì vậy mà không phải vì vè có rất nhiều yếu tố dư trong văn bản để thông tin, giải thích cho đối tượng nghe hiểu được tức thì mà ai cũng có thể đặt được vè.

2. BẰNG CÁCH NÀO VÈ ĐƯỢC NHỚ LÂU TRONG DÂN GIAN

            Vè là một thể loại văn học dân gian, được diễn xướng trong cộng đồng thông qua các nghệ nhân làng xã. Vè theo chân các nghệ nhân dân gian đi nói vè tại các tụ điểm đông người. Dần về sau, vè cùng với cặp sênh (sinh tiền) gõ nhịp, đưa lời, đôi khi các nghệ nhân khéo léo đưa làn điệu vào vè để nói vè có hơi thở của “văn nghệ”, và biến một cuộc nói vè có phần hấp dẫn hơn trước đám đông người qua lại. Nói vè trở thành một loại hình diễn xướng dân gian rất hấp dẫn và phát triển tại đất Quảng một thời. Vè được sử dụng thể hiện nhiều mục đích khác nhau trong sinh hoạt văn hoá làng xã của nhân dân Hoà Vang nói riêng và nhân dân đất Quảng nói chung. Chính đó, khi nói đến đất Quảng Nam ngoài kho tàng ca dao dân ca chưa mưa đà thấm, người ta còn biết đến thể loại vè. Đây là một trong những thể loại tạo nên đặc trưng riêng của người Quảng Nam, gần như đã mang tính trội của người Quảng, trong đó hẳn nhiên có vùng Hoà Vang nữa. Khi nói vè, người thường hay đi nói cũng được xem như nói vè chuyên nghiệp, dùng cặp sênh tiền như con sứa, được làm bằng tre già, khõ nhịp. Khi nói vè, giữ nhịp bằng cách dùng tay nhịp hai thanh tre vào nhau tạo thành tiếng kêu cốc, cốc gọn lỏn. Một đoạn xa cũng nghe được tín hiệu nói vè.

            Trong dân gian Hoà Vang đến nay vẫn còn nghe các cụ tại Phong Lệ (cũ), Cẩm Lệ hoặc lên Bồ Bản, Tuý Loan hay ngược ra các làng Vân Dương, Nam Ô hoặc xuôi xuống biển như Thọ Quan, An Hải. Mân Thái… vẫn còn nghe các cụ bà, cụ ông kể về hình thức nói vè. Phần đông nói vè được thực hiện tại các chợ làng, các hàng quán trong làng, nhưng phần nhiều nơi tập trung đông vẫn là chợ làng. Chợ làng thường đông vào buổi sáng hoặc buổi chiều, đôi khi có chợ phiên nữa. Hoặc vào những ngày Tết nhứt, hội hè, vè được các nghệ dân dân gian chuyên nghiệp cầm sênh đi nói vè. Nói vè thường diễn ra tại phiên chợ chiều nhiều hơn phiên chợ sáng, bởi phiên sáng, người đi chợ ít, do phải bận rộn công việc đồng áng nên không có thời giờ ngồi lâu để nghe được nói vè, cho dù nói vè hay đến mấy cũng không thể! Buổi chiều nói vè là hấp dẫn nhất, người đi chợ có thể ngồi, hoặc đứng nghe đến chạng vạng, đỏ đèn cũng được. Những dịp như thế bữa cơm tối của gia đình có thể được tổ chức muộn hơn. Và chính bữa cơm tối là lúc vè được nói lại lần nữa cho cả nhà nghe, do đó vè được nhớ lâu trong nhân dân.

            Xưa kia, trên địa bàn Hoà Vang, các chợ thường có nói vè là chợ Hộ (Thanh Khê), chợ Phong Lệ, Lệ Trạch, Quảng Huế, Tuý Loan, chợ Tổng (An Ngãi Tây), chợ Nam Ô, chợ An Hải, chợ Miếu Bông, chợ huyện (Hoà Thuận – chợ Mới),… quán Thừa (nay nằm trong sân bay Đà Nẵng), quán Đoi (Hoà Châu), quán Khái (Hoà Quý)…Trong chợ hoặc quán xưa kia thường bán bánh xèo, bánh bèo, mì Quảng, bánh tráng dập…thực khách thường là các bà đi chợ. Tại các địa điểm này chủ bán luôn có nói vè để những người đi chợ hoặc ăn qua quýt bát mì, uống bát nước chè xanh, họ vừa ăn vừa nghe vè. Đôi khi mua mấy miếng trầu cau cũng có thể ghé lại nghe nói vè. Có thể nói, các bà là nghệ nhân nói vè đầu tiên trước khi các ông sử dụng loại hình này. Trên địa bàn Hoà Vang rộng lớn ngày xưa, bài vè được đem ra nói nhiều nhất (cũng chung cho đất Quảng nữa) tại các quán, chợ làng là bài Vè Thông Tằm.

            Mở đầu một cuộc nói vè, các nghệ nhân dân gian thường bắt đầu bằng: Lẳng lặng mà nghe… hoặc Nghe vẻ nghe ve, Nghe vè trời lụt…Bài vè Thông Tằm bắt đầu: Có người Bình Định tỉnh thành, Làm việc công sở, mỹ danh Thông Tằm… bài vè nói rằng đây chỉ là mấy lời quê, nói dông dài chuyện giữ gìn đạo đức trong nhà, chuyện dạy con cái làm ăn nông tang cày cấy, phụ nữ phải đảm đang thực hiện lời dạy thánh hiền rằng phải giữ đúng tam tòng, tứ đức, phải có đủ công dung ngôn hạnh thì mới xứng đáng là phụ nữ (đàn bà ) tốt trong việc giữ gìn nền nếp gia phong, gia đạo, gia thanh… Người có chồng phải giữ cho được nền nếp nhà chồng không được tỏ thái độ bất sự công cô [1]. Nội dung xuyên suốt trong bài vè là dạy làm người. Chính đó, xưa kia hấp dẫn người nghe là các bà, các chị. Người ta có thể đến quán hoặc đến chợ chiều của làng, ngồi nghe vè Thông Tằm đến tối không chán. Nghe vè còn là hình thức bán công, người nghe phải trả cho người nói vài xu, xem như trả công cho việc nói vè. Hễ ai ghé vào nghe cũng được khuyến khích phải thực hiện nghĩa vụ đó. Giống như ngày nay đi xem văn nghệ, hát ca, tuồng đồ… phải bỏ tiền ra mua vé vậy.

            Câu mở đầu của vè Thông Tằm được kể:

               Văn phòng có lúc thảnh thơi

               Ở đời nghĩ thấy việc đời mà ghê

               Dạy con kiếm mấy lời quê

               Ai ai chí nấy chớ chê, đừng cười.

            Sau đó người nói vè vào chuyện, trong câu chuyện dài này có đủ công, dung, ngôn, hạnh:

               Thứ nhứt kể sự làm người

               Dầu no, dầu đói cho tươi mặt mày

               Bữa ăn phải để tháng ngày

               Thức khuya dậy sớm cho tày người ta

               Gái thời dọn dẹp trong nhà

               Hình dung yểu điệu nết na dịu dàng

               Khi ăn khi nói chửng chàn

               Khi ngồi khi đứng bỉ bàng dung nghi…

            Đã có gái thời:

            Gái thời yểu điệu nết na,

            Nghề chi cũng giữ trong tay một nghề

thì phải có trai thời nữa. Trai thời chắc chắn thời ấy được khuyên:

            Văn chương chữ nghĩa cho tường,

            Trai ôm quyển sách ra đi cho biết điều khôn sự dại, Chàng ôm quyển sách ra đi cho biết điều phải sự không. Thế nên, ngày trước ra chợ, ra làng được xem như ra khỏi nhà giao lưu cùng cộng đồng, còn chuyện lên tổng, phủ thì rất khó, chỉ những người đỗ đạt thành danh mà là đàn ông chứ đàn bà dễ đâu ra được làng, lên được tổng, phủ. Ở môi trường diễn ca này, phụ nữ đi chợ thường tụm lại để nghe, nghe lâu thành thuộc, theo đó họ học lấy cách chọn chồng, còn trai ra chợ xem người nào thắt đáy lưng ong, lưng chữ vụ, vú chữ tâm là sao, cũng là cách để chọn. Thế nên ngày xưa các chàng trai được khuyên:

                        Trai khôn tìm vợ chợ đông

                        Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân

là vậy. Vùng Hoà Vang xưa kia, vè Thông Tằm được nói từ các hình thức sinh hoạt dân gian như vậy. Sau lần nghe nói vè, các bà mẹ đem những chuyện hay nghe được từ chợ, từ quán về nhà nói lại với cả nhà, với con dâu, con trai trong bữa cơm tối đầm ấm khi cả nhà có dịp ngồi lại với nhau. Không chỉ có vè dạy con gái con trai làm người mà vè còn bàn đến chuyện thế sự nữa. Tại các tụ điểm này, các sự kiện xã hội được các nghệ nhân dân gian nói vè đặt ra có vần điệu (hoặc không, hoặc biến thể từ thể thơ lục bát) kể cho mọi người nghe. Chẳng hạn vè cúp tóc, vè chống sưu thuế, vè chống quan lại, vè chống quân xâm lược, vè thời tiết , vè thói hư tật xấu… tất cả sinh hoạt đời thường được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và nói thành vè. Có loại vè kể về tinh thần yêu nước, vè kể lại diễn biến một sự kiện xảy ra trong làng, tổng, huyện như một câu chuyện, có vè đề cập đến nhân tình thế thái, về đạo đức, có loại vè kêu gọi nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, vè kể về thân gái dặm trường đường xa dong rủi, vè dẫn người nghe theo bước chân hành trình dần vào Nam đến tận Sài Gòn…

            Bon hành mua giấy hỏa xa

            Bước lên Phong Lệ hột lụy nhỏ sa từ tờn

            Từ tờn xe tới Diêm Sơn

            Keo sơn hòa ước dạ anh hờn nợ doan [2]

            Lần hồi xe tới Đông Quan

            Quan hà khứ lộ xốn xang lòng phàm…

            Ngày nay cho dù có tổ chức khôi phục diễn xướng loại hình vè Quảng cũng rất khó mang vè lên sân khấu để nói lấp lánh dưới ánh đèn màu được.

            Chính hình thức nói vè dân gian theo nếp sinh hoạt làng xã như đã biết mà hình thức vè được bảo lưu và tiếp tục lưu truyền trong dân gian bằng con đường nói, đến nay ta mới có cơ sở lưu truyền để sưu tầm, ghi chép lại được. Và không chỉ có vè, ở vùng Hoà Vang ngày trước còn có loại hình thơ, thơ được làm ra gởi cho ai đó – có thể một người quen – trình bày điều gì có liên quan đến cá nhân, đến tình hình thế sự, đến những đổi thay hoặc diễn biến thời cuộc trong hai cuộc kháng chiến, hoặc thơ động viên chồng con lên đường chiến đấu, thơ kể gương đánh giặc cứu nước…Nói chung, thơ như thế không ghi tác giả được lưu truyền trong nhân dân nên gọi là thơ rơi. Trong dân gian vùng Hoà Vang còn nhắc đến loại thơ này:

            Buồn tình cha chả buồn tình

            Không ai đi Huế cho mình gởi thơ,

           Gởi thơ thì phải gởi lời,

            Kẻo mà thơ rớt thơ rơi dọc đường…

           Thể loại thơ rơi gần với vè và cũng gần với thơ lục bát nên gọi vè hay thơ rơi đều có thể chấp nhận được thể loại “rơi” này, không tìm thấy hoặc có tác giả, vẫn còn được lưu hành. Hình thức như vậy xưa kia vẫn thường được lưu hành trong dân gian vùng Hoà Vang, nay các nghệ nhân dân gian, các cụ ông, cụ bà còn nhớ và kể lại, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ vừa qua vè và thơ rơi ra đời, đáp ứng nhu cầu phản ánh, tuyên truyền, động viên người thân, nhân dân lạc quan, tin tưởng, tiến lên phía trước bảo vệ quê hương.

 

* Ảnh đại diện: Tranh Nguyễn Đình Thuần (Internet)

[1] Bất sự công cô: tức bỏ bê, không thờ phụng gia tiên bên chồng.

[2] Nợ doan: (từ cổ) như nợ duyên.