Ở Hà Tĩnh

436

Ở Hà Tĩnh 12-6-2006

          Ngồi tại quán cà phê ngã ba đường Lê Lợi –  Ba Đình, chúng tôi năm bảy đứa tính toán với nhau rằng ra Bắc Giang, lên Hà Giang một chuyến cho vui. Và thế là cả nhóm bằng lòng, ai cũng muốn có một kỳ nghỉ hè ra Bắc một lần để nhớ.

 

Ảnh: VVH

        Trời tháng sáu, mây trắng vắt ngang mấy dãy núi Trường Sơn hùng vỹ của miền Trung, đoạn qua Huế – Đà Nẵng đâm ra tận biển, gần đến bán đảo Sơn Chà. Núi xòe tay, xa trông như ôm lấy Bà Nà kéo dài ra đến ngang trời Vũng Thùng, Sơn Trà tận biển, kéo theo cái nóng 380C hâm hấp vây quanh quán nhỏ ven đường Lê Lợi của thành phố biển quê tôi. Anh bạn ngồi bên nhấm nháp ly cà phê sáng, buộc miệng:

          – Lần này chắc mẫm rằng đi Bắc – Hà để tìm nguồn cảm hứng, chao ôi là chùa Hương rồi lên Kinh Bắc nghe hát quan họ,  nhìn các liền chị hát một bữa cho đã mắt, chứ ở nhà mãi thế này chỉ nghe toàn sóng biển vây quanh, không đi không biết thì tìm đâu ra được đi một ngày đàng học một sàng khôn thế nào kia chứ. Nửa đời người rồi mà chưa được một lần đến làng quan họ xem sao, lên Lũng Cú đỉnh đầu Tổ quốc. Lần này không đến được thì không biết chừng chẳng khi nào đến được làng quan họ nữa đâu. Lại còn hứa hẹn lên tận Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc để được dậm chân thình thịch một lần nữa đấy!

         Mấy anh con trai háo hức ra phếch, nhưng trong lòng vẫn kín đáo hơn. Một cô bạn bảo: Sao lại gọi Bắc – Hà như ngày xưa Đàng Ngoài – Đàng Trong vậy hả? Ngồi phía góc bàn có anh lên tiếng thanh minh: Thì nói ghép hai địa danh Bắc Giang và Hà Giang vậy thôi, chứ ai nghĩ chuyện xưa tích cũ trong lịch sử đâu.

                                     Bên tượng Nguyễn Du (tại quê cụ, ảnh VVH)

                 Đi một chuyến! Ừ thì  một chuyến! Một chuyến đi chắc sẽ có nhiều kỷ niệm. Họ sẽ sống cùng nhau trong một nhóm nhỏ thôi nhưng ở đấy sẽ là tất cả, sẽ thiết lập nên mối quan hệ, có yêu thương, ghen ghét, giận hờn gì rồi cũng có thể nhìn và biết được. Những ngày lao động, học tập trong cùng một đơn vị tưởng đã biết được nhau có khi đến mười mươi, nhưng không phải thế – chưa phải là tất cả – bởi thực tiễn luôn là sự trải nghiệm phong phú. Có gì mà người ta lại không phơi bày ra trước thiên nhiên vốn khách quan không một chút luận bàn. Ấy nên người ta bảo rằng lý luận luôn là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi.

            Ra đến Hà Tĩnh trời đã chiều đậm lắm rồi nhưng không khí oi nồng, bức nóng vẫn hâm hấp theo đuôi chưa dứt. Nhảy ngay xuống xe, anh bạn cùng đường bảo:

            – Đây là quê hương cụ Nguyễn Tiên Điền rồi. Chào cụ ! Đã ba trăm năm nay, có bao người khóc cụ, bao người không? Nhà cụ gần đây, rồi chúng tôi sẽ đến bên mộ cụ ngưỡng mộ một tài năng lỗi lạc. Bút hoa cũng làm nên điều vĩ đại cho loài người chứ đâu chỉ là súng gươm tuốt ra khỏi vỏ là sáng rực trời trận mạc. Bạn ơi, phải nói với cụ Nguyễn Du một câu gì chứ! Ông Tố Hữu đã từng:

                          “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

                          Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều

                          Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu

                          Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”.

            Tôi gật đầu trong cái nắng màu vàng óng ánh mà xôn xao của Nghi Xuân quê cụ.

            Nhiều người thường đọc, suy ngẫm và rồi ngâm nga những đoạn thơ Kiều của cụ, người ta còn ghi lòng tạc dạ những câu mà theo họ, họ thấy có cuộc đời mình nằm đâu trong đó. Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Đến nhà cụ mới hiểu hết được “khấp Tố Như” là thế nào. Đã hơn ba trăm năm rồi, thiên hạ đã thấu hiểu cho cụ Tố Như. Chính đó, lần này ra tận nhà cụ, bước những bước chân ngập ngừng trong khu vườn rộng thoáng mới thấy và cảm hết được một đời thơ đôi khi cũng phải hiểu luỵ phần dư là thế nào. Thắp nén nhang thơm và “khấp” cụ. Vườn nhà Tiên Điền có rất nhiều cây lớn, đại thụ. Những vị tiền bối trước cụ đã chọn nơi đây lập thân, lập nghiệp. Đường văn chương chỉ có mỗi mình cụ là xuất sắc, tài hoa. Phong thuỷ làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân bảo vậy.

            Chúng tôi, những người đến sau trên trái đất, viếng cụ một nén nhang để tỏ lòng ái mộ và uống  ly rượu cùng cụ theo cách:

                         Bắt chước cổ nhân chén rượu, cuộc cờ

                         Ta chờ ngắm một bông quỳnh nở muộn

                         Trăng và hoa và nhân thế vơi sầu

                         Ai người chết lặng giữa cuộc đời bể dâu ?

                                                                        (Cẩm Lệ)

              Và từ quê cụ đã mở ra bao nhiêu chuyện riêng tây. Lại nhớ câu chuyện của Tiểu Thanh khi cụ gọi rằng Độc Tiểu Thanh ký. Thì đấy là một tấm lòng ! Dù rằng không được nhìn bóng dáng mình hạc xương mai của cụ nhưng qua viếng cảnh nhà cụ, nơi ngâm thơ, xướng hoạ cùng bạn thơ mới hay, thế cũng đã thoả nguyện lắm rồi, người đời nay làm gì có nơi ngâm thơ, xướng hoạ, bình Kiều, luận chuyện văn chương Hán – Nôm  như cụ Nguyễn Tiên Điền!

            “Tài tử”, quả là tôi không tự vẽ cho tôi nhưng lại có người lại vẽ mặt tôi thành tài tử. Đã bao lần họ tát vào mặt tôi nhiều cái tát, đấy là cuộc đời bắt vạ đấy thôi! Cứ bảo là tài tử là nghệ sỹ mới an! Sao lại thế? Ừ, thì cứ vẽ ra vài nét cho bản thân ta xem có giống anh em, bè bạn hôm nay chăng. Tài tử đa cùng, tài tử mang tâm hồn nghệ sỹ! như cụ Cao Bá Quát đã nói rồi đấy thôi ! Hay như Hàn nho phong vị phú của cụ Nguyễn Công Trứ, người làng bên với cụ Tiên Điền nói vậy. Cái kiểu Người quân tử ăn chẳng cần no. Đêm năm canh ngon giấc ngáy o o. Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ. Thật mà nói, ta chưa bao giờ nghĩ đến như thế một lần ! Thời hiện đại này mà nghe thế, quả cũng đã lạ tai lắm vậy. Thôi đành !

            Tôi có phải là nhà nghiên cứu văn học đâu cũng không thể cả gan làm nhà phê bình lý sự văn chương thi phú, nhưng đọc thơ chữ Hán của Tố Như và theo tài liệu có bán trong các nhà sách, tôi cùng bè bạn tri âm đi tìm lại câu thơ của cụ. Rằng: Khi chén rượu lúc cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Chữ Hán không rành, đọc mãi Bất tri tam bách nghe đà khó dịch ra thơ. May đã có người cắt nghĩa cho nghe mới hiểu được nguồn cơn, trách chi đời cụ Tố Như chẳng đã đa đoan, lận đận với đời. Có điều, những gì cụ viết ra gởi lại mai sau đều vì nhân loại này mà khóc đấy. Đến quê cụ vào một chiều tháng sáu mùa hè, nắng Hà Tĩnh nồng nàn, vàng mỡ phả xuống đậu trên vai, hăng nồng mùi đất đai của Tiên Điền mới vỡ ra được cái lẽ trời đất thế nào, cái mệnh ra sao. Bên kia một cánh đồng, đối diện nhà thờ cụ là làng của Nguyễn Công Trứ – cũng một thi nhân – thao lược – nhàn nhã – tài hoa – lãng tử – hoà nhập với đời một cách thiết tha và nồng nhiệt theo cách nói: đấy là chí làm trai của Nguyễn Công Trứ.

            Theo màu nắng hanh vàng, vui chân lần bước đến nơi sinh thời cụ Tiên Điền ngâm thơ cùng bè bạn mới thấy thơ ngày ấy quý giá, thanh cao, tinh khiết biết chừng nào, mới thấy hết ý nghĩa của “mây trắng bay về phía trời xa” là thế nào trong sinh hoạt thơ văn đương thời buổi ấy. Ánh nắng trải chang chang trên những con đường dọc ngang trong khu vườn nhà cụ. Hương hoa đồng nội xông lên thơm mùi đất đai sông núi quê nhà, cứ thế theo gió quyện đến nửa lưng trời, dài đến khi tôi bước ra khỏi khu vườn họ Nguyễn tiên sinh. Đi bên tôi còn có bao người, có cả những nàng tiên của xứ sở ầm ào sóng biển, hanh hao bờ cát của Mỹ Khê, Bắc Mỹ, Sơn Trà, Điện Ngọc…, hình như họ cũng như tôi, đâu khác.  Mười lăm năm, đời Kiều có khi nào lạc vào chốn này không ? Khúc đoạn trường ấy có màu sắc lung linh ? Thế đâu là khuôn mặt tuyệt vời và xiêm áo?

                            “Văn chương vô mệnh luỵ phần dư” là vậy sao!

            Trên một chuyến đi, ngẫm lại mình, lếu láo dăm ba câu thơ, văn chương như thế bình sinh như chim phượng nhốt trong lồng rách, công danh như ta ai để ý làm gì, chỉ là phù thế mà thôi. Ta như con rắn (tuổi tỵ mà!) chui vào hang. Vẫn phải bị gò bó gượng ép nên ta thường cựa quậy, nhiều lần cựa quậy được phong cho mấy lời tài tử đa cùng. Dừng chân bên mộ chí Tố Như, uống cùng cụ một ly rượu cay nồng, lại đọc mấy câu:

                       Nén nhang cho Tố Như ơi

                       Thơm trong nhân thế một lời tân thanh

                       Hữu nhân tam bách dư niên hậu

                       Thiên hạ hà ngô khắp Tố Như.[1]

            Trời đất phú cho ta một chùm tóc như chổi, râu thưa như đám rễ tre. Có gì nữa đâu! Cốt tướng ta kém hơn bạn hữu phải không ? Đời đã điểm hoa râm rồi vậy mà vẫn yêu người, yêu đời mới thiết tha làm sao chứ! Cái đó có lạ không ?

            Bữa nay dạo bước trong vườn nhà cụ Tố, gió nam thổi dạt mấy câu thơ cỏ bồng của Nguyễn Công Trứ sang đây, mới hay tang bồng hồ thỷ nam nhi trái, cái công danh là cái nợ nần. Đã bao người dẫu biết mắc nợ nần mà cứ ào ào bước đến, sấn tới để ai đó quở rằng: Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ mong ra khỏi, người mong chui vào. Không biết những câu thơ cụ Tố lại bay về đâu giữa chiều mùa hạ, ngay trên quê hương cụ Nguyễn Tiên Điền.

            Văn chương có số mệnh không mà người ta luôn phải bận lòng ?

                                                 Bên mộ Nguyễn Du (Ảnh: VVH)

            Bận lòng là có rồi đấy, các cụ ta xưa khi làm thơ cũng đã lắm bận lòng nên các cụ thường bảo rằng “cái nợ văn chương” ! Một anh bạn trong đoàn bảo tôi thế.

            Rồi anh bảo: Nếu không bận lòng chẳng ai nặng nợ với văn chương, nặng lòng cả với con người, số mệnh từng cá thể trong cộng đồng, nghĩa là người ta đi tìm hạnh phúc cho con người hay ít nữa cho dân tộc họ, làm sao phản ảnh những thế lực gây chậm hoặc cản trở con đường tiến lên của nhân loại. Những tác phẩm đạt giải Nobel đã chẳng thể hiện tư tưởng vì khổ đau và hạnh phúc của con người đó sao ? Anh bạn cùng đường lý sự như vậy!

            Trong đoàn hôm ấy chắc sẽ có người chưa hài lòng lắm. Nhưng thôi, đường xa thấm mệt mà lại thêm cái nắng oi nồng của gió phơn Lào nên mấy anh em nín lặng cho qua những ngày đón nhận gió Nam phơn của cuộc hành trình, họ không tranh luận gì nhau, khi mà:

                          Nào đâu ngọn gío Lào phơn phớt

                          Tạt má em nghiêng nửa trời chiều

                          Đêm phố Vinh và em bẽn lẽn

                          Hạt mưa nào rớt giữa trời trong[2]./.  

 

* Ảnh đại diện: Võ Thị Diệu Hạnh.

[1] Dựa theo ý thơ Nguyễn Du.

[2] Thơ Cẩm Lệ.