NỖI BUỒN MẤT ĐẤT

307

                              NỖI BUỒN MẤT ĐẤT

          Tháng 9/1858, thực dân Pháp tiến quân đánh Đà Nẵng nhưng sau đó chúng phải rút lui do gặp phải sức đánh trả quyết liệt của nhân dân Đà Nẵng.

          Về sau, với âm mưu xâm lược lâu dài, thực dân Pháp tìm mọi cách xâm lược nước ta lần nữa. Đà Nẵng dần dần trở thành đất nhượng địa của Pháp. Thực dân Pháp phân Đà Nẵng thành hai vùng, nội nhượng và ngoại nhượng. Ngoại nhượng gồm phần đất nơi quần cư của những xóm làng chung quanh thành thị, còn nội nhượng là dân sống trong nội ô. Sự hình thành sân bay Đà Nẵng (Tây béo), mở thêm đường giao thông đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, tuy thuần nông. Song vào những năm 1940, ở vùng ngoại thành thành Thái Phiên, thực dân Pháp cướp đất lập đồn điền. Ở Phong Lệ do tên thực dân Caravel đứng đầu lấy đát từ Phong Bắc lên Đà Li, Đồng Bé, Đồng Lành. Ở Nghi An, Đông Phước (nay là Hòa Vang) chúng tiến hành lấy đất lập đồn điền, mở trang trại trồng chè, lúa.Ở Hòa An (thời bấy giờ thuộc xã Hòa Thắng, huyện Hòa Vang), chúng lấy đất lập đồn điền trong lúa, mía đường, chè… Lại còn mở đường lên Bà Nà núi Chúa thiết lập trung tâm nghỉ dưỡng cho những tên thực dân, công chức người Pháp và các tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kỹ nghệ, thương mại và ngân hàng.

          Thực dân Pháp bình định xong, đặt được ách đô hộ, chúng tiến hành cướp đất. Và thế là dân ta mất đất, không chỉ cướp đất mà còn: “đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu”[1]. Số phận của dân ta chìm trong nô lệ ngót trăm năm.

          Núi Phước Tường đứng phía sau Đà Nẵng nhìn về biển đông bao la xanh ngát cùng với bán đảo Sơn Trà như một vành đai ngăn chặn giặc vào từ biển. Dưới chân núi là các làng quê, trong số ấy có hai làng Nghi An và Đông Phước (thời kháng chiến chống Pháp thuộc xã Hòa Nhơn), nơi thực dân Pháp lấn đất lập đồn điền như nhiều lành quê khác. Chúng mở trang trại trồng chè, tiêu, mè, đậu phụng, cà phê, lúa,…đã xô dân dạt về phía chân núi nhằm  lấy đất làm sân bay Đà Nẵng (còn gọi là Tây béo hay trảng Trường thi, Trường đua), phục vụ cho mưu đồ xâm lược lâu dài đất nước ta. Do đó mà dân ở đây còn nhớ:

                   Từ ngày Tây lại cửa Hàn

                   Lệnh trên đại Pháp dọn đường đi chơi

                   Dọn đi tứ xứ khắp nơi

                   Dọn  về Tây béo[2] lên chơi Phước Tường.

          Bấy giờ cũng như nhiều làng quê khác, nhân dân hai làng Nghi An, Đông Phước là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân. Nỗi buồn mất đất từ đó là niềm trắc ẩn, bởi họ tồn tại ở đây bao đời đã phải nhờ vào đất. Nhưng bọn Pháp, mà chủ yếu là những tay thực dân đội lót tư sản kho bạc, tư sản đồn điền, những tay nhà buôn, âm mưu cướp đất của họ:

                   Ông Hãn có một cái vườn

                   Ổng[3]  ham hoa lợi tìm đường hỏi thăm

                   Hương Huệ, Hương Ích đương nằm[4]

                   Ổng kêu, ổng hỏi vườn nầy của ai ?

          Và thế là biến cố xảy ra, những tưởng rằng Tây kho bạc đến mua đất trả tiền hẳn hoi, nhưng không, chúng đã có ý định cướp đất lập đồn điền khai thác nhân tài, vật lực của họ. Lời bài ca đến đây nghẹn lại, ngạc nhiên, bộc bạch tâm tư nguyện vọng, cũng là ước muốn chung của hai làng Nghi An, Đông Phước: muốn có sự công bằng và khẳng định chủ quyền của mình trên những thửa đất đã từng nuôi sống họ:

                   Vườn nầy tổ phụ lưu lai

                   Ông mua tôi bán không ai dám giành

                   Tôi còn bốn phía rẫy tranh

                   Nhu cơ nhập bổn mấy ông trong làng.

          Gắn bó với đất đai như thế, nên nhân dân tự thuật lại để nhớ theo phong cách trữ tình. Ở đây không có biểu tượng và ẩn dụ, song phản ánh hiện thực cuộc sống sinh động nhiều chiều và phản ứng của họ, nỗi lòng của họ chắc là có buồn vấn vương trong tâm can, lòng dạ. Bài ca gợi lên một thái độ nhất định trước sự kiện bị cướp đất. Chính đó cho ta thấy được rằng những chuyển biến tâm trạng, tình cảm và tâm hồn người dân hai làng ven Đà Nẵng phập phồng lo sợ bị mất tất cả và sẽ trở thành những kẻ trắng tay.

          Chuyện gì đến, cứ đến:

                   Thằng Tây ỷ thế làm ngang

                   Bắt đó dọn thẳng một đằng rẫy tranh

                   Tưởng là ông dọn đi đâu

                   Ai hay ông don, ông mưu lập vườn.

          Con đường “đi đâu ” ấy về sau gọi là ” đường hàng phượng “, do hai bên trồng phượng vỹ ken dày. Vậy là quả đúng “ai hay” dân mất đất, không buồn sao được!

Ảnh Internet

          Gắn bó với đất chừng nào thì khi mất đất mới thấy tiếc chừng ấy. Đã thế làng bị xáo trộn, bờ tre giếng nước bị hất tung. Trũng bò, nơi yên nghỉ của những chiến sĩ khuyết danh đã hy sinh trong công cuộc chống Pháp, bảo vệ giang sơn cũng bị di dời về Khuê Trung một nửa, một nửa về chân núi Phước Tường, nhường đất cho thực dân Pháp lập sân bay Đà Nẵng. Từ đó ép sát dân làng Đông Phước xích gần Cẩm Bắc và Phong Lệ, làng Nghi An cũng bị thu hẹp lại, áp sát vào chân núi Phước Tường. Vậy là làng bị co cụm trong vành đai kiểm soát của giặc Pháp. Những cuộc di cư, hồi cư liên tiếp diễn ra, dân bắt đầu phiêu tán, nhất là thanh niên nam nữ. Cảnh quan ngày mới lập làng không còn nữa, bờ tre, giếng nước biến mất trong những năm tháng khổ đau nầy. Văn hóa làng có nguy cơ bị xâm hại, cũng bởi:

                   Ban đầu lấy rẫy ông Hương

                   Sau lấy rẫy Thủ Ấm, lấp đường hố Giông

                   Việc làm rày đã mênh mông

                   Dọn đường lấy đất, cu ly ổng đào. 

          Lòng dân vẫn một mực không nguôi khi khói lửa chiến tranh tràn về trên quê hương họ. Họ ray rứt, buồn và âm thầm chịu đựng khi thực dân đang mạnh và tỏ ra nguy hiểm. Làm sao có thể chịu đựng  lâu hơn được nữa khi nỗi khắc khoải của dân làng, tình cảm thiết tha của họ đã gửi vào đất đai, sông núi quê nhà bị xâm hại.”Tức nước vỡ bờ”, họ đấu tranh giữ đất. Cụ xã Danh xuất hiện làm người tiên phong quyết liệt đấu tranh. Trong nỗi buồn đan xen nỗi ngang tàng của một nông dân:

                   Thằng Tây ỷ thế làm ngang

                   Bắt đó dọn thẳng một đàng hố Tre

                   -Anh em cứ việc bay giành

          Cu li (hắn) đào lỗ, dây xanh (bay)trói liền.[5] 

          Từ nỗi buồn mất đất ngấm sâu, lắng đọng theo thời gian đi vào tâm tưởng nay chuyển hóa thành nỗi căm hờn. Hờn giận nầy chồng lên hờn giận khác, bởi biết rằng thế nào bọn thực dân cũng cướp đất, đuổi dân đi nơi khác, có nguy cơ họ bị rơi vào chỗ bần cùng, nên đấu tranh là lẽ tất yếu xảy ra. Dây xanh, một loại dây leo rất dẻo thường dùng vào việc bó củi gánh từ núi về – được xem như là vũ khí lợi hại, cộng với lòng căm giận thể hiện bằng hành động ngăn cản sự cướp đất. Dân làng biểu lộ tinh thần bất khuất khi kẻ thù lê gót giày lên làng xóm thân yêu của họ.

          Lời ca phản ánh sự thật, nhớ lại để ngậm ngùi, đã mất đất, lại còn mất người. Tuy thế, tinh thần phản kháng lại nằm trong tư duy văn hóa làng không bao giờ mất, mặc dầu sau lần quyết liệt đấu tranh giữ đất, bon thực dân kho bạc[6], đồn điền về Đà Nẵng kéo Tây quyền thế lên uy hiếp:

                   Thằng Tây ỷ thế cậy quyền

                   Viết giấy xuống Sứ[7], chiều liền Cò[8] lên

                   Cò lên làng đứng hai bên

                   Biên vô trong sổ, dẫn lên trên đồn. 

          Nhưng mặc ! dân làng Nghi An, Đông Phước vẫn một mực tỏ ra không sợ, vẫn lý sự ngang ngửa với Cò. Thực dân thắng thế, nhưng dân hai làng đâu đã chịu thua, vẫn chứng tỏ chiến trường tuy yên ắng mà quyết liệt, vẫn khẳng định mình có chủ quyền:

                  

                   Cấm Đình vốn thiệt của làng

                   Cấm lớn, cấm nhỏ đã nhường cho ông

                   Hố Sung cho chí hố Giông

                   Làng tôi đã nhượng cho ông cả rồi

                   Nay còn chỉ một gò Đình

                   Ngày sau tế tự âm linh thổ thần.

          Và thế là sau lần đấu tranh đó, bọn thực dân bắt cụ xã Danh vào sân bay. Dân đi theo chỉ thấy vài mái nhà lẹp tẹp lợp tôn. Chúng vặn cổ cụ mấy vòng cho đến đến chết, tấp xác vào một đống vôi, ba ngày sau dân mới lấy được thi thể người làng của họ về mai táng./. (9/2001)


* Ảnh đại diện: Internet.

[1] Sông Câu Nhi (Nhí): tức sông đào ở Điện Bàn, Quảng Nam; Bồng Miêu: vùng có mỏ vàng, nay thuộc xã Tam Lãnh, Thị xã Tam Kỳ. Mỏ vàng Bồng Miêu, trước thực dân Pháp khai thác, nay   vẫn còn khai thác do Nhà nước ta quản lý.

[2] Tây béo: dân gian ám tỉ vùng sân bay Đà Nẵng.

[3] Ỏng: chỉ bọn Pháp.

[4] Các cụ già làng Nghi An (nay thuộc xã Hòa Phát huyện Hòa Vang, Tp Đà Nẵng).

[5] Dây xanh: một loại dây leo như dây chìu, nhỏ, rất dẻo, dân làng thường dùng cột, bó… đi củi, đi tranh, đi bổi trên núi, rất thuận lợi cho việc cột, bó… mang về nhà.

[6] Kho bạc: (Tresorerie de Tourane) do tên Fabre,  phát ngân viên hạng I của ngân hàng Đông Dương đảm nhiệm.

[7] Sứ: là cơ quan xử đoán về công cuộc trị an trong thành phố (Justice de paix a de paix), lục sự (greffier), trưởng tòa (huissier), thầy kiện hay trạng sư (avocat).

[8] Sở Cò: (Commissaire de Police) do viên chỉ huy phân đội kỵ binh (detachement de gendarmerie)-ông Fagendet – đảm trách công cuộc trị an trong thành phố. Dưới mệnh lệnh trực tiếp của ông Cò có 20 phú lít (polices)người bản xứ coi việc trật tự, trị an trong thành phố, được sự bổ nhiệm của Đốc lý Đà Nẵng và ăn lương ngân sách thành phố.