Video: phantranbaichoi – Ca kịch Bài Chòi cổ: TAM HẠ NAM ĐƯỜNG (2002)
NHỮNG ĐIỀU KIỆN TỐI THIỂU ĐỂ VĂN HOÁ,
VĂN NGHỆ CHỦ ĐỘNG TRONG HỘI NHẬP
- Thực trạng đáng báo động của văn hoá, văn nghệ
Hiện nay đa số các hoạt động văn hoá, văn nghệ không quan tâm đích thực đến đời sống xã hội. Một đất nước đang phát triển, mang nặng nhiều thương tích chưa thể chữa lành từ hai cuộc chiến đã qua, một xã hội đang vươn lên giữa nhiều tệ nạn và chưa đủ trang bị cần thiết cho một hội nhập sâu rộng thì không tránh khỏi những tác phẩm thơ, văn luẩn quẩn trong những vấn đề cá nhân nhỏ nhất. Hơn ba thập niên trôi qua, mà chiến thắng vĩ đại của dân tộc – đánh bại hai đế quốc sừng sỏ – chưa được thể hiện bằng những tác phẩm văn học tiêu biểu.
Sách thiếu nhi có nội dung tuyên truyền bạo lực, khêu gợi tình dục đã được báo chí lên tiếng nhiều lần, vẫn tiếp tục tái hiện mà không có sự nghiêm trừng hữu hiệu.
Sách in có nhiều lỗi do khâu biên tập ẩu; sách bị in lậu nhiều. Đặc biệt là sách dịch tràn lan; hầu hết số sách này do cá nhân lựa chọn, hoặc làm theo đơn đặt hàng của các đầu nậu phát hành.
Về nhạc, dư luận cũng đã nói nhiều về thực trạng “não tình” dung tục của các ca khúc, cùng với các kiểu múa minh hoạ lố bịch, ngoại lai.
Trong hội hoạ thì các loại tranh hiện thực, hoặc vẽ đề tài kháng chiến hầu như đã bị gạt bỏ để nhường chỗ cho loại tranh trừu tượng, siêu thực.
Kịch và phim ảnh thì chạy theo đề tài thị trường. Một tệ trạng lớn trong ngành phim ảnh là sự tuỳ tiện sửa đổi tác phẩm từ các đạo diễn mà không thông qua một văn bản nào với các tác giả, cũng như một số diễn viên khi ra nước ngoài có những lời nói xúc phạm dân tộc, chế độ vẫn không có sự trừng phạt nghiêm minh.
Ngoài văn học, nghệ thuật thì lĩnh vực rộng hơn là văn hoá có nhiều vấn đề bức xúc cần được quan tâm. Sự xâm lăng văn hoá thể hiện khá rõ qua việc sử dụng tiếng nước ngoài thường xuyên trên các báo chí, nhất là trên các bảng hiệu ở các đường phố…Ngôn ngữ trên các văn đàn thường vượt quá giới hạn, chẳng hạn như trên trang bìa một tờ báo lớn, có sự tôn vinh một cán bộ tỉnh là đại anh hùng…Điều này sẽ dẫn đến sự nổi loạn trong các khái niệm diễn đạt, cuối cùng là sự hoang mang trong suy tưởng cũng như nhận thức. Gần đây, một số bài báo và những hội thảo về một số nhân vật lại có “đảo lộn lịch sử” đã gây bức xúc trong công luận. Nhiều sự kiện tiêu cực không có phê bình thích đáng, kịp thời đã tạo những ấn tượng xấu trong xã hội. Việc lạm dụng tổ chức các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi ở một xứ sở đang còn đói nghèo là một tai hoạ cho sự phát triển xã hội. Tình trạng mê tín, dị đoan ngày càng lan rộng, gây nhiều hậu quả bi đát. Các hiện tượng bạo lực dẫn đến tội ác càng ngày càng tăng. Sự suy đồi đạo đức trong nhiều gia đình và sự xuống cấp trong lối giảng dạy ở một số trường học là một trong những lý do của tệ trạng phát triển cùng với các vụ tự tử gia tăng.
Xen trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng. Đội Nhật Bản
- Một số giải pháp hữu hiệu
Đây là vấn đề của toàn xã hội, trong đó nhà trường cùng với gia đình đóng vai trò quan trọng, riêng trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ góp phần xây dựng con người, bảo vệ chế độ có một tác dụng sâu sắc, lớn lao.
- 1. Văn minh đồng nghĩa với kỷ luật, nên điều ưu tiên là cần có những đạo luật thích đáng, hữu hiệu để ngăn chặn những cái xấu phát triển. Trước những tệ nạn, tệ trạng, người dân đã bày tỏ sự bất bình cũng như báo chí đã lên tiếng phê phán, nhưng mọi việc cứ tiếp tục tái diễn là vì thiếu những đạo luật phù hợp, đồng thời thiếu sự kiểm tra nghiêm ngặt trong việc thực thi pháp luật.
- 2. Cần có đạo luật cụ thể bảo vệ văn hoá của dân tộc, tránh lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài. Văn hoá, văn nghệ phải có trách nhiệm đối với lịch sử, đối với xã hội nên mọi vi phạm đến lợi ích chung đều có luật pháp xử lý. Những tác phẩm xúc phạm danh nhân, anh hùng không chỉ phải bị trừng phạt, tịch thu mà tác giả cũng phải bị treo bút, vĩnh viễn hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Các văn nghệ sĩ đi ra nước ngoài có những lời nói, hành động làm thương tổn đến dân tộc, chế độ phải bị tướt đoạt danh hiệu (nếu có) và phải bị cấm về nước trong một thời hạn, hay là vĩnh viễn. Sự khai thác các tác phẩm của chế độ cũ phải được thông qua một sự giám sát cấp cao cũng như việc in lậu sách phải bị án phạt nặng. Sự việc đạo diễn, hay nhà xuất bản muốn có đổi thay ở trong tác phẩm phải được tác giả chấp nhận thông qua văn bản và mọi vi phạm phải được pháp luật xử lý rạch ròi.
Việc dịch các sách nước ngoài là một yêu cầu cần thiết, bởi sự tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới là một bổ sung hữu ích cho vốn kiến thức dân tộc. Tuy nhiên, không thể để sự tùy tiện của các cá nhân và các đầu nậu lợi dụng nhu cầu về sách dịch để phá hoại dân trí hoặc làm ô nhiễm tinh thần xã hội. Từ lâu, khi bắt đầu giao tiếp với nước ngoài, Nhật Bản và Hàn Quốc đều coi việc dịch sách ngoại là một chủ trương được hoạch định bởi Nhà nước, có tổ chức riêng để lên danh sách những tác phẩm cần dịch thuật, với những người dịch có vốn sinh ngữ đảm bảo, và việc ấn hành, phổ biến cũng được theo dõi, kiểm tra.
Vì không có luật cụ thể và sự kiểm tra kịp thời, nghiêm minh mà chỉ nặng tính hình thức nên nhiều biện pháp xử lý đã được ban hành chỉ đem lại tác dụng ngược.
Tóm lại, trong mọi vấn đề văn hóa, văn nghệ, cần có luật lệ cụ thể.
- 3. Một xã hội có định hướng thì văn hóa, văn nghệ thể hiện đúng định hướng ấy. Như vậy cần củng cố, phát triển một đội ngũ lý luận, phê bình từ Trung ương đến địa phương. Từ sau giải phóng, ngành lý luận phê bình ít được quan tâm và đó là nguyên nhân cơ bản cho sự phát triển tiêu cực ở trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Gần đây, tổ chức lý luận phê bình ở Trung ương được thành lập, nhưng tác dụng đến cơ sở chưa rõ. Báo Người Hà Nội có những nhận xét như sau: “Về đội ngũ lý luận phê bình còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, xa rời với thực tiễn sáng tác. Nhiều công trình, tác phẩm, bài viết còn xơ cứng, ít có tác dụng tích cực đối với sáng tác. Như vậy, có thể thấy rằng, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với sáng tác, có sự hụt hẫng giữa thế hệ đi trước và thế hệ kế cận. Đặc biệt là chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ và đã xuất hiện lối phê bình cảm tính. Văn hóa trong hoạt động phê bình bị hạ thấp, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm văn học, nghệ thuật” [1].
Hiện nay, các hội văn nghệ ở địa phương đều có những cây bút phê bình đã được trải nghiệm qua hai cuộc chiến tranh và nếu chỉ cần chọn 2 hay 3 cây bút như thế ở trong mỗi hội thì trong toàn quốc chúng ta có một lực lượng trên cả trăm người. Và lực lượng này cần được tập trung học tập, trao đổi để thống nhất lại quan điểm, đường lối, đối tượng cùng với sách lược của cuộc chiến đấu ở trong thời bình, bởi sự phê bình trong thời hiện tại không thể nghiêm ngặt như sự đòi hỏi của thời chiến trận, nhưng dù thông thoáng và cởi mở hơn, chúng ta vẫn phải giữ vững định hướng làm nền cùng sự đoàn kết, xây dựng làm một động lực.
Những cây bút lý luận, phê bình nòng cốt ở từng địa phương sẽ kết hợp những cây bút khác, đặc biệt là thế hệ trẻ để dần tạo thành những tổ phê bình và lĩnh vực này luôn có được sự tiếp nối, kế thừa.
Những cuộc họp mặt của lực lượng này sẽ có nhiều phát hiện mới mẻ và tạo được sức mạnh để chống lại mọi suy thoái, phản bội và mọi ý đồ xâm lăng, phá hoại ở trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
- Những tác phẩm viết xong, muốn được phổ biến đến tay người đọc phải thông qua khâu phát hành. Phát hành có một vai trò rất quan trọng trong cơ chế thị trường. Thực tế cho thấy, có những trường hợp đầu nậu quyết định số lượng sách bán ra trên thị trường và cả doanh thu của nhà xuất bản.
Không phải tất cả các nhà xuất bản đều thỏa hiệp với giới đầu nậu. Họ phải cố gắng rất nhiều để đứng vững trong cơ chế thị trường. Nhưng với cơ chế xuất bản hiện nay, nhiều người cầm bút nghiêm túc nhận thấy công sức nhọc nhằn của sự sáng tác chưa được trả giá xứng đáng.
Các nhà xuất bản lớn cần có một hội đồng văn hóa để duyệt chọn sách cần phổ biến. Hội đồng văn hóa của mỗi một nhà xuất bản là sự tập hợp gồm đa số là cán bộ văn hóa có tâm huyết – có thể chọn lựa từ nhiều địa phương – và việc chính yếu của họ là duyệt xét các bản thảo và chia làm 3 loại: a) Sách được in và cần Nhà nước hỗ trợ; b) Sách được in nhưng không được Nhà nước hỗ trợ; c) Sách không nên phổ biến.
Việc thành lập các hội đồng văn hóa sẽ tạo thêm những điều kiện phát triển văn học, nghệ thuật và qua các tổ chức ấy, khai thác được vốn kiến thức – văn hóa và chính trị – của họ.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại công việc phát hành. Phải xây dựng những tập đoàn phát hành do những cán bộ chủ chốt lãnh đạo, tổ chức việc phổ biến sách đến khắp mọi miền đất nước. Như vậy, sẽ ngăn chặn được việc in lậu, ngăn chặn được những cuốn sách có hại đối với người đọc, đồng thời hạ được giá sách và sách có thể đến các vùng sâu, vùng cao.
Chấn chỉnh hệ thống xuất bản, phát hành là một việc làm cấp bách, đồng thời đó là biện pháp hợp lý để khai thác tích cực tất cả tài nguyên văn hóa của chế độ ta.
***
Trước năm 1975, những người cầm bút có nhiệm vụ tiếp lực cho người cầm súng, đó là nhiệm vụ rất vẻ vang, nhưng từ sau ngày Giải phóng, trong khi trận tuyến đạn pháo đã chấm dứt thì trận tuyến văn hóa còn tiếp diễn, đã và đang trở thành mặt trận chính. Các thế lực thù địch đang tìm cách xâm hại chúng ta trên mọi lĩnh vực, bằng mọi phương tiện mà phương tiện đa dạng nhất, thâm độc nhất đồng thời cũng tinh vi nhất và văn hóa.
Có lẽ vì quá bức xúc trước sự đói nghèo của dân tộc mình sau hai cuộc chiến tàn khốc nên nhiều vị lãnh đạo đất nước đã phải bận tâm quá nhiều đến việc phục hồi kinh tế, dồn sức chỉ đạo phát triển kinh tế, chưa coi trọng việc phát triển văn hóa. Chúng ta vẫn luôn nhớ câu: “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tuy rằng kinh tế có một vai trò quyết định nhưng nếu không có được một cơ cấu văn hóa vững mạnh thì sự giàu có của một đất nước dễ tạo điều kiện để nó trở thành đối lập với cái lý tưởng tốt đẹp, đã được xây đắp bằng xương máu mấy thập niên qua và đó là thảm kịch lớn của dân tộc.
Chúng ta không thể không nhắc đến một bi kịch đang được văn học, nghệ thuật nuôi dưỡng trong bản thân nó, đó là sự không đuổi kịp những sự chuyển hóa của dân tộc trong một thế giới mà sự xáo trộn đang diễn tiến từng ngày và dù trong giới văn học, nghệ thuật còn một số trí thức tài hoa nhưng có sự lẫn lộn đáng tiếc về mặt chế độ xã hội, coi văn nghệ là thế giới riêng của một lớp người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trân. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” [2] và người chiến sĩ phải chống lại mọi đe dọa trực tiếp đến đời sống dân tộc, đó là đói nghèo, dốt nát, xâm lăng văn hóa đang diễn biến từng ngày ở trong mọi mặt sinh hoạt.
_______________________________
[1] Đỗ Ngọc Yên: “Một số vấn đề về văn học, nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập”, báo Người Hà Nội, ngày 19.9.2008.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 368.