NGUYỄN ĐĂNG HỰU – Trong một cộng đồng hiện đại hóa: chuyển đổi cách tiếp cận …

349

Nguyễn Đăng Hựu

 

TRONG MỘT CỘNG ĐỒNG HIỆN ĐẠI HÓA: CHUYỂN ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI (trường hợp cộng đồng người Katu ở thị trấn P’rao – huyện Đông Giang- tỉnh Quảng Nam) [1]

                                                                           

  1. Mở đầu

Tháng 10/2020 chúng tôi rất hân hạnh được tham gia chuyến điền dã sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian tại thôn Gừng-trị trấn P’rao-Đông Giang-Quảng Nam do hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng tổ chức. Khác với dự liệu sẽ được tiếp cận với một cộng đồng Katu thuần nhất và đậm tính bản địa, cộng đồng người Katu ở thị trấn P’rao có những dấu hiệu bước vào tiến trình hiện đại hóa. Tiếp xúc với một cộng đồng người Katu cộng cư với người Việt trong một thị trấn miền núi Quảng Nam, nhiều vấn đề về quan điểm và cách tiếp cận điền dã văn hóa dân gian cũng được đặt ra cho chúng tôi. Bài tham luận này đề cập đến vấn đề phương pháp thông qua việc thảo luận một số quan điểm đề về truyền thống và bản sắc cũng như những ảnh hưởng của nó đến cách tiếp cận điền dã của nhà nghiên cứu trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian đương đại.

  1. Người Katu ở P’rao –một cộng đồng hiện đại hóa

Theo  Cyril E. Black hiện đại hóa là một diễn trình trong đó những định chế cổ truyền phải được thích ứng với những nhiệm vụ đang thay đổi nhanh chóng. Hạt nhân của hiện đại hóa là sự thích ứng của định chế truyền thống với những nhiệm vụ xã hội mới mẻ (Cyril E. Black, 1996). Trên cơ sở đặc điểm 4 giai đoạn hiện đại hóa mà E. Black đưa ra, chúng tôi soi chiếu vào xã hội người Katu ở thị trấn P’rao để nhận diện tiến trình và mức độ hiện đại hóa của cộng đồng này trong bối cảnh hiện nay.

1) Hệ giá trị tân tiến của văn hóa Việt và thế giới văn minh đang thách đố với bối cảnh và kiến thức cổ truyền của cộng đồng người Katu. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, sự va chạm giữa hệ giá trị truyền thống và hiện đại luôn là vấn đề nổi bật trong bối cảnh văn hóa của mỗi quốc gia, tộc người. Một thực tế có thể thấy rõ, sức mạnh của hệ giá trị hiện đại đang đẩy nhanh quá trình thay đổi của văn hóa Katu bản địa ở thị trấn P’rao. Trong các cộng đồng hiện đại hóa, những giá trị và thể chế truyền thống thường không đủ sức chống lại những ảnh hưởng của lề lối sinh hoạt của các xã hội hiện đại được du nhập thông qua các sản phẩm vật chất và tinh thần từ bên ngoài. (Bùi Quang Thắng, 2008). Trước điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội mới cùng với sức tác động mạnh mẽ của làn sóng văn minh, xã hội truyền thống của người Katu bắt đầu chứng kiến quá trình tái cấu trúc. Những mô hình và định chế hiện đại ngày càng có ưu thế trước các giá trị Katu cổ truyền còn tồn lưu. Đời sống xã hội của cộng đồng người Katu ở P’rao hiện nay đang hiện diện các mối quan hệ tương tác giữa các giá trị tương phản như hiện đại-nguyên thủy, bản địa-ngoại lai, cũ-mới, tiếp nhận-phản kháng, giữ gìn-loại trừ…được thể hiện trên nhiều phương diện của đời sống cá nhân và cộng đồng.

2) Trong tổ chức quản lý cộng đồng ở P’rao có sự chuyển giao quyền lãnh đạo, từ hệ thống lãnh đạo cổ truyền sang hệ thống lãnh đạo tân tiến. Mô hình tổ chức quản lý thôn bản trong hệ thống chính trị của Nhà Nước đã có tác động lớn mô hình tổ chức làng truyền thống của người Katu ở P’rao. Với mô hình quản lý này, bộ máy quản lý làng của người Katu ngoài già làng còn có thêm trưởng thôn và bí thư chi bộ thôn. Già làng không còn là người quản lý đứng đầu với những quyền hành tối thượng như trước. Trong một cơ chế quản lý song hành, quyền hạn của già làng bị thu hẹp nhường chỗ cho việc gia tăng vai trò của trưởng thôn và bí thư, phó bí thư chi bộ thôn.

Cộng đồng Katu ở P’rao hiện nay đã tiếp cận được với nhiều giá trị văn minh với thế giới bên ngoài. Làng Katu hiện đại không còn là môi trường duy nhất đóng vai trò đào tạo tri thức, trao truyền kinh nghiệm, bồi dưỡng nhân cách. Người “già làng không còn là người đại diện cho tri thức, kinh nghiệm cũng như các giá trị chuẩn mực mà giới trẻ cần hướng đến như trước đây” (Nguyễn Hữu Thông và cộng sự, 2004: 401). Những chuyến biến trong quan niệm đã thúc đẩy sự chuyển giao giữa giá trị cũ và giá trị mới, động thái chia sẻ quyền lãnh đạo trong xã hội Katu hiện nay cho thấy dấu hiệu hiên đại hóa rõ nét qua hiện trạng chuyển giao quyền lực lãnh đạo giữa truyền thống và hiện đại.

3) Dưới tác động của sự phát triển kinh tế xã hội đời sống xã hội nông thôn, nông nghiệp chuyển biến trở thành xã hội có tính cách đô thị và kỹ nghệ.

Đông Giang vốn là một trong những điểm đến của người Việt trong các đợt di dân tự phát hoặc có tổ chức trong các đợt di dân phát triển vùng kinh tế mới, chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong nhiều thập niên vừa qua. Năm 1994 thị trấn P’rao được thành lập, trở thành huyện lỵ của huyện Đông Giang, với vai trò và vị thế trung tâm, thị trấn P’rao đã thu hút một lực lượng dân số người Việt và người Katu ở các vùng khác đến công tác, làm ăn và sinh sống. Những chuyển đổi về cơ cấu nhân khẩu học có tác động lớn đến xã hội Katu bản địa ở P’rao, một thị trấn mang hơi hướng đô thị được hình thành trên cơ sở quy hoạch các làng Katu truyền thống.

Chiến lược phát triển kinh tế miền núi và sự phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường dân sinh, trục đường Hồ Chí Minh chiến lược đi qua địa bàn, mạng lưới đường đô thị được quy hoạch, chỉnh trang đã làm thay đổi cấu trúc và diện mạo các điểm tụ cư truyền thống của các làng Katu quanh địa phận thị trấn. Đi theo quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng là quá trình thay đổi các quy chuẩn đời sống của dân cư. Sự xen cư và gia tăng quan hệ tiếp xúc giữa hai nhóm Katu-Việt đã thúc đẩy sự trỗi dậy đời sống thị dân trong cộng đồng, đặc biệt ở một số người bản địa tiếp xúc rộng với người Việt. Mô hình đời sống đô thị trở thành kiểu mẫu của nhiều cư dân bản địa hướng tới.

Đời sống kỹ thuật- công nghệ của thế hệ trẻ ở huyện lỵ này đã gần bắt kịp với các cộng đồng khác ở đồng bằng. Nhờ thành tựu công nghệ, không gian xã hội của người Katu hiện đại được mở rộng hơn rất nhiều so với không gian xã hội cổ truyền. Thành tựu của công nghệ internet đã thay đổi căn bản phương thức tiếp nhận và trao truyền thông tin và kiến thức của cộng đồng. Nó xóa nhòa khoảng cách địa lý và những rào cản trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức hay sự tương tác với các cộng đồng khác. Người Katu ở P’rao ngày nay có cơ hội tiếp nhận nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại trên nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật hiện đại trên nhiều lĩnh vực như giao thông đi lại, thông tin – liên lạc, công nghệ điện tử, hàng hóa thực phẩm, y tế, giải trí,… Một xã hội Katu hiện đại bước đầu mang dấu ấn của kỹ thuật và công nghệ thể hiện rõ tính mở và năng động hơn so với xã hội cổ truyền tự trị và khép kín mà chúng ta thấy được qua khảo tả trong các nghiên cứu trước đây. Động thái đó vừa là biểu hiện vừa là nguyên nhân xúc tác cho quá trình hiện đại hóa của cộng đồng Katu ở P’rao.

        4) Xã hội người Katu ở P’rao đã có sự chuyển biến về kinh tế xã hội rõ nét. Những chuyển biến này đã bước đầu tạo nên những thay đổi trong cơ cấu xã hội. Tham chiếu vào khung lý thuyết của E. Black, dù giai đoạn hiện đại hóa thứ tư này chưa thật rõ nét nhưng những tiền đề chuyển biến về kinh tế-xã hội cũng đã xuất hiện qua một số thay đổi về điều kiện giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, điều kiện ăn ở, phương thức sinh kế của cư dân bản địa. Những thay đổi  cơ cấu xã hội này dù chưa toàn diện và sâu sắc những cũng đã có những ảnh hưởng bước đầu đến thiết chế gia đình, dòng họ, hệ thống chuẩn mực giá trị, tổ chức xã hội cổ truyền, mối quan hệ cá nhân-nhóm-cộng đồng của người Katu ở P’rao.

  1. Từ cách hiểu văn hóa dân gian đến cách tiếp cận điền dã văn hóa dân gian

3.1. Một số cách hiểu về văn hóa dân gian

Trước khi William John Thoms đặt ra thuật ngữ folklore năm 1846 thì giới học thuật trước đó đã tiếp cận các vấn đề của văn hóa dân gian, tuy nhiên folklore được nhận thức như là một đối tượng của một ngành khoa học thì mãi về sau mới xuất hiện. Khi văn hóa dân gian trở thành đối tượng của một ngành khoa học thì các vấn đề quan điểm tiếp cận, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng được quan tâm. Ngay từ rất sớm nội hàm khái niệm folklore được đưa một cách cụ thể thông qua khái niệm của Hội Folklore Anh Quốc vào năm 1879. Cụ thể “theo nghĩa rộng thì folklore biểu thị lịch sử không ghi chép lại của dân tộc, chủ yếu là lịch sử thời nguyên thủy. Ở nghĩa hẹp đó là những phong tục, tập quán, lễ tiết, nghi thức của các thời đại đã qua và được biến thành các tín ngưỡng, truyền thống của giai cấp bậc thấp trong xã hội văn minh.”[2] Về sau các học giả Âu-Mỹ cũng chi tiết hóa khái niệm này, theo đó folklore không chỉ tư liệu văn xuôi, thơ ca truyền thống mà còn có cả nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của một cộng đồng, dân tộc ( J. G. Frazer, Ch. D. Burne, E. S. Hartlend). Những quan điểm nền tảng trên mở màn cho cách hiểu folklore chính là văn hóa dân gian của một cộng đồng, dân tộc. Tuy nhiên, quan điểm này chưa thật sự thống nhất trong giới học thuật, bằng chứng là về sau có thêm nhiều quan niệm về folklore khác nhau được ra đời. Như vậy, trong diễn trình lịch sử phát triển của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, các khuynh hướng tiếp cận của bộ môn folklore là chủ đề tranh luận lâu dài trên các diễn đàn học thuật và đến nay vấn đề này vẫn còn tiếp tục tranh luận. Dưới đây là một vài vấn đề mang tính phương pháp luận mà chúng tôi nghĩ việc xem xét và thảo luận nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian trong xã hội đương đại.

3.2 Đến việc xem xét lại cách tiếp cận điền dã văn hóa dân gian

             3.2.1. Xem xét lại phẩm tính truyền thống

Một quan niệm rằng folklore luôn gắn với yếu tố truyền thống đã chi phối mạnh mẽ cách chúng ta tiếp cận các vấn đề về văn hóa dân gian. Quan điểm phổ biến này xem văn hóa dân gian như là một hóa thạch của lịch sử và nó luôn là một sản phẩm riêng của một cộng đồng hay một dân tộc. Đại diện cho những quan điểm này có thể tìm thấy trong tuyên bố của hội nghị Folklore quốc tế tại Sao-Paulo năm 1954: Folklore là sản phẩm của truyền thống, được phát triển bằng truyền miệng. Hay một số diễn giải về folkore trong một số từ điển chuyên ngành ở Ý, Pháp như: folklore là “toàn bộ những nghệ thuật, phong tục và truyền thống dân gian”, hay “Folklore là ngành khoa học nghiên cứu truyền thống dân tộc” (dẫ theo Ngô Đức Thịnh, 1990: 26, 39).

Dưới tác động của những quan điểm như trên khiến nhiều nhà nghiên cứu thường chú trọng đào sâu vào văn hóa cổ truyền hoặc vào các phẩm tính truyền thống của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: những cộng đồng hiện đại hóa có sự thay đổi về hiểu biết đối với tự nhiên và xã hội, các hoạt động truyền thống được xét lại (Bùi Quang Thắng, 2008) hoặc được kiến giải theo cách mới và những động thái cải biến này trở nên phổ biến trong đời sống. Điều này cũng đồng nghĩa rằng các giá trị thuộc về truyền thống không phải luôn cho là bất biến hoặc được quan niệm đồng nhất trong một cộng đồng đương đại.

Về mặt phương pháp luận, quan điểm này thường dẫn đến xu hướng truy nguyên nguồn cội hoặc đặc tính gốc của các hiện tượng văn hóa. Tính phức tạp và những khó khăn có thể gặp phải của cách tiếp cận này có thể xuất hiện khi chúng ta điền dã trong một xã hội hiện đại hoặc một xã hội trong đó có những biến đổi nhanh chóng thậm chí đứt đoạn với truyền thống. Một khi không có nhiều cứ liệu truy nguyên mạnh thì có thể dẫn đến những suy luận mang tính tư biện, thiếu khách quan. Chúng ta không thể phủ nhận yếu tính của truyền thống trong văn hóa dân gian nhưng cũng lưu ý rằng việc nhìn nhận các yếu tố nguyên thủy, nguyên bản hay truyền thống như là tiêu chí cốt lõi hoặc duy nhất để nhào nghiên cứu tiếp cận vấn đề trong sưu tầm và nghiên cứu có thể dẫn đến việc bỏ sót một phần quan trọng của văn hóa dân gian-tính đương đại, chưa kể nó có thể kéo theo nhiều khó khăn hoặc sai lệch trong quá trình nghiên cứu. Chúng tôi tán đồng với quan điểm của Ts Nguyễn Thị Kim Ngân: “Vượt qua định kiến cho rằng các sản phẩm folklore là những di chỉ đã hóa thạch theo thời gian, trong bối cảnh đương đại, các thành tố của folklore không hề giới hạn trong các tài liệu cổ xưa, trong đời sống thôn quê hay trên cửa miệng của người già hoài cổ mà xâm lăng thế giới internet, báo chí, truyền thông[3]

Sự chú trọng vào phẩm tính truyền thống cũng sẽ gây nên những trở ngại khi nhà nghiên cứu đối diện với một cộng đồng hiện đại hóa như ở P’rao. Trước những thay đổi về cơ sở xã hội, cộng đồng này đã xuất hiện tình trạng đứt gãy tri thức văn hóa giữa các thế hệ, đã có sự mai một của các dạng thức tri thức bản địa và một số các hình thái văn hóa khác. Thực tế điền dã cho thấy, sự kiến giải về một số hình thái văn hóa của cộng đồng đã thay đổi, khác xa nội hàm nguyên thủy của nó. Hệ quả của sự chú trọng này là chúng ta cố gắng truy tìm các hình thái truyền thống mà vô tình bỏ qua các hình thái biểu hiện đương đại của văn hóa, đề cao các yếu tố gốc và xem nhẹ yếu tố tiếp biến, không chấp nhận hoặc hoài nghi các kiến giải mới-phi truyền thống của đối tượng điền dã.

Vậy vấn đề đặt ra là: 1) Trong bối cảnh đương đại, liệu các yếu tố phi truyền thống có xứng đáng để nhà nghiên cứu chú tâm? 2) Các giá trị đương đại hoặc các giá trị tiếp biến nó có đại diện cho văn hóa hay bản sắc của cộng đồng đó không? Phương pháp tiếp cận điền dã của nhà nghiên cứu phụ thuộc quan điểm và cách giải quyết các vấn đề trên.

3.2.2. Xem xét lại vấn đề bản sắc văn hóa

Tương tự yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa cũng không bất biến. Cách nhìn thông thường về bản sắc văn hóa thường được đông cứng trong những khuôn mẫu cố định; truyền thống và hiện đại được xem là 2 phạm trù đối lập, bản sắc thường là những khác biệt gắn với truyền thống, cách nhìn đó đã vô tình bỏ qua tính vận động, tính kế thừa và thích ứng liên tục của chủ thể văn hóa qua thời gian. Chúng tôi tán đồng với Francois Jullien rằng: đặc tính của văn hóa thì luôn động và luôn mở và tương tác văn hóa khác, như tiếp nhận các kinh nghiệm tốt, các kiến thức lành, các tri thức đẹp để làm giàu cho chính tiềm năng của mình (Francois Jullien, 2019).

Cũng với quan điểm của Jullien, nếu chúng ta nhìn nhận văn hóa dưới lăng kính của bản sắc tức chúng ta đang thực hiện thao tác so sánh thông qua việc xem xét văn hóa qua những đặc tính khác biệt. Thao tác này là thao tác cô lập văn hóa và có tính bất khả thi vì văn hóa luôn luôn chuyển hóa và thay hình đổi dạng (Francois Jullien, 2019: 78)

Không có nền văn hóa nào bất biến, mỗi một nền văn hóa luôn biến đổi thích nghi theo từng thời kỳ vận động của bản thân nó, văn hóa Katu cũng nằm trong xu hướng tất yếu đó. Cộng đồng người Katu ở P’rao vốn đã có một truyền thống giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác trong lịch sử; và gần đây văn hóa của cộng đồng này cho thấy sự hội nhập rõ nét với văn hóa người Việt. Những giá trị văn hóa mà cộng đồng Katu ở P’rao tương tác, tiếp biến, hội nhập hiện trở thành một phần quan trọng của văn hóa dân gian Katu đương đại, nó thể hiện sức sống, sự vận động và phát triển của văn hóa Katu trước bối cảnh văn minh công nghiệp và toàn cầu hóa hiện nay. Bỏ qua cái nhìn bản sắc, rõ ràng các yếu tố văn hóa được hình thành từ quá trình tiếp biến và hội nhập, một khi đã được cộng đồng chấp nhận, thực hành và tái định hình giá trị thì nó hiển nhiên là một phần quan trọng định hình phẩm tính dân tộc Katu đương đại.

Quá trình hiện đại hóa của cộng đồng Katu ở P’rao vốn được thúc đẩy bởi sự lan rộng của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay. Những tiền đề đó có tác động lớn làm thay đổi căn bản trên nhiều bình diện đối với xã hội Việt Nam nói chung và xã hội người Katu nói riêng. Gắn liền với quá trình hiện đại hóa là quá trình giải cấu trúc của văn hóa truyền thống, trong đó văn hóa dân gian Katu ở thị trấn P’rao với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đã có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để thích ứng, phù hợp với những cơ sở xã hội mới đang diễn ra. Động thái tiếp biến để thích ứng về mặt văn hóa đã và đang tạo ra các giá trị văn hóa mới, có tính khác biệt so với các giá trị trước đó. Vậy các giá trị khác biệt này có được xem xét như là cơ sở để nhận diện văn hóa dân gian đương đại cũng như bản sắc của người Katu không sẽ chi phối cách tiếp cận của nhà nghiên cứu.

Trên phương diện hội nhập xã hội, cộng đồng người Katu ở thị trấn P’rao đã trải qua quá trình tiếp xúc, giao lưu và bắt đầu bước sang giai đoạn hội nhập với văn hóa người Việt. Tuy mức độ hội nhập chỉ mới ở cấp độ đầu trong 3 cấp độ hội nhập văn hóa nhưng cũng đã đặt ra cho văn hóa Katu bản địa trước 2 xu hướng đa nguyên hóa và nhất nguyên hóa. Đa nguyên văn hóa giúp tăng thêm cơ hội tương tác và phát triển nhưng cũng đã khiến văn hóa Katu đối diện với nguy cơ mất tính đa dạng và bị đồng nhất giá trị và các tiêu chuẩn làm cạn kiệt khả năng sáng tạo của nền văn hóa bản địa. Rõ ràng, nền văn hóa bản địa của người Katu ở thị trấn P’rao hiện nay đã cho thấy rõ nguy cơ đó, và sẽ có nhiều hệ quả thay đổi lớn hơn nữa sẽ xảy ra như một viễn cảnh có thể đoán trước được. Vậy, nếu xu hướng nhất quyên hóa áp đảo, người điền dã đứng viễn cảnh đó thì việc lấy yếu tố bản sắc làm tâm điểm trong việc tiếp cận, nghiên cứu văn hóa dân gian có còn trở nên quan trọng? liệu chúng ta xem xét bản sắc văn hóa Katu trước những tương tác và thay đổi đó như thế nào? Trước sự thay đổi nhanh chóng ấy, các giá trị văn hóa đương đại có phải là chất liệu quan trọng trong việc nghiên cứu sự vận động của văn hóa dân gian trong xã hội đương đại hay không?

Phải chăng chúng ta nên tiếp cận lại khái niệm bản sắc và khái niệm truyền thống trong tính năng động của văn hóa dân gian để từ đó ghi nhận giá trị của các yếu tố văn hóa đương đại và các giá trị tiếp biến, những thứ vốn nhà nghiên cứu thường bỏ qua bởi bị xem là yếu tố phụ và không cốt lõi.

  1. Kết luận

Trên cơ sở đánh giá mức độ hiện đại hóa của cộng đồng người Katu ở thị trấn P’rao theo công cụ lý thuyết của Cyril E. Black, tham luận muốn nhấn mạnh tính vận động không ngừng của văn hóa, qua đó cho thấy những thay đổi nhanh chóng của bối cảnh và tính chất của đối tượng nghiên cứu là dấu hiệu quan trọng để nhà nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận trọng công tác điền dã văn hóa dân gian đương đại. Theo đó, việc nhìn nhận và xem xét lại các phẩm tính truyền thống và bản sắc văn hóa trong văn hóa dân gian đương đại là thao tác phương luận quan trọng trong việc giúp nhà nghiên cứu tiếp cận và nhận diện đúng bản chất của đối tượng nghiên cứu, đi kịp với tiến trình vận động và phát triển nhanh chóng và không ngừng văn hóa dân gian đương đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Quang Thắng (chủ biên)- 30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa– NXB Văn Hóa Thông Tin, H. 2008
  2. Cyril E. Black, The Dinamics of Modernization, Harper & Row , New York, 1966
  3. Francois Jullien (Trương Quang Đệ dịch), Không có bản sắc văn hóa, Nxb Đại học Huế, Huế, 2019
  4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Quan niệm về Folklore, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990
  5. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Katu-kẻ sống đầu ngọn nước, Nxb Thuận Hóa, Huế: 2004
  6. Nguyễn Thị Kim Ngân, “Chuyển đổi quan niệm trong nghiên cứu folklore và những đề xuất cho chương trình đào tạo văn học dân gian ở Việt Nam”, website Đại học Sư phạm Huế, https://www.khoanguvandhsphue.org

[1] Bài đã đăng trong Văn hóa Dân gian Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, 2021, tr. 38-51

[2] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam-Viện Văn hóa Dân gian:  Quan niệm về Folklore, NXB. KHXH. Hà Nội, 1990, tr.39

[3] Nguyễn Thị Kim Ngân, “Chuyển đổi quan niệm trong nghiên cứu folklore và những đề xuất cho chương trình đào tạo văn học dân gian ở Việt Nam”, website Đại học Sư phạm Huế, https://www.khoanguvandhsphue.org, truy cập ngày 24/10/2020