Người Quảng trang trí trong nhà ngày Tết

385

Người Quảng trang trí trong nhà ngày Tết

 

        Lễ hội Tết, người Quảng thường nói nôm na là “ăn Tết” nhưng chẳng phải thế, đây là dịp mọi người nghỉ ngơi, vui xuân, thăm hỏi, chúc nhau mọi chuyện tốt lành. Để chuẩn bị cho ba ngày Tết, có người đã phải sửa soạn từ nửa năm về Tết, sự chuẩn bị không chỉ  cái ăn mà còn cho tất cả các công việc có liên quan đến Tết. Có khi sử soạn lại mái tranh, thay cây cột lâu ngày bị mục, đứt chân, đan lại tấm phên lâu ngày gãy đổ, có người quét vôi, sơn phết lại căn nhà.  Những ngày áp Tết, mọi người trang trí cảnh nhà trong ba ngày Tết đều chăm lo sửa soạn làm đẹp đón xuân, trong đó chú ý nhiều nhất là sửa soạn, sắp đặt nơi thờ kính ông bà, tiên tổ, hoặc mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trang trí trong gia đình.

          Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, người xứ Quảng trang trí trên bàn thờ tổ tiên những ngày Tết:

          1/ Chưng quả tử: theo phương thức “đông bình tây quả”. Quả nầy gồm ba loại trái cây nòng cốt làm chủ sự, đó là mãng cầu (na), dừa và đu đủ. Cả ba loại nầy đều còn xanh. Bản thân quả tử đã nói lên điều đó. Sở dĩ trang trí các loại trái cây trên xuất phát từ tư tưởng ước nguyện của người trước kia, không dám cầu dư dật mà chỉ cầu vừa (dừa) và đủ mà thôi. Chính thế, quả tử như là biểu tượng thể hiện ý muốn trong kinh tế gia đình, cầu tổ tiên cho làm ăn may mắn để quanh năm được đủ là tốt rồi. Lại thêm quan niệm: thanh bần thường lạc, trược phú đa ưu nên cũng làm hạn chế tư tưởng người dân mình chỉ cầu nguyện sao đến mức vừa và đủ mà không phải giàu để khỏi phải ưu tư trong năm.

          2/ Cành mai ngày Tết: Trang trí cho cảnh nhà ngày Tết có hoa mai là chủ sự, vì hoa mai tượng trưng cho sự hồi sinh trong mùa đông dài khô lạnh. Hoa mai trang trí ở giữa nhà, trên cành mai được cài lên một vài cánh thiệp chúc mừng của người thân, bạn hữu.

          Về mùa xuân thì mai vàng nở, hoa mai màu vàng. Người chơi mai thường chọn loại hoa mai sai bông nở rộ vào đêm giao thừa để có lộc đầu năm. Ở làng quê, Tết đến, mỗi gia đình cắm một cành mai trước bàn thờ tiên tổ là đã đặt cành mai lên vị trí hàng đầu trong những ngày Tết.

          Góp phần cùng hoa mai trong cảnh Tết, còn có các loại cúc vàng tượng trưng cho sự nhàn nhã. Cam quật sai trái, trái chín có màu đỏ nhạt, trong trái có nhiều hạt, tượng trưng cho dòng họ sum vầy, đông đủ. Thược dược nhiều loại, có màu sắc khác nhau rực rỡ. Hoa hồng sang trọng. Vạn thọ dân dã, sống lâu… Các loài hoa làm tăng thêm vẻ đẹp tươi cho phong tục Tết. Nhu cầu về hoa xuân nhiều nên hội hoa xuân hằng năm càng đông đúc các loài hoa.

          3/ Cây kiểng ngày xuân: Trong lễ hội Tết, người Quảng còn có thú vui cây cảnh và chim muông bên cạnh cành mai ngày Tết, các loại hoa. Thêm vào còn có cá cảnh, bể cạn, hòn non bộ.

          Thú vui chơi cũng góp phần biểu hiện tính cách chủ nhà trong  cuộc sống thường ngày. Để có cây cảnh trang điểm cho ngày xuân, những người chơi cây cảnh chăm sóc tỉ mỉ từng li, từng tí trong việc tạo dáng cho cây có hình những lư hương, con cò, con công, con rùa hoặc những hình thù lạ mắt.

          Thú chơi chim cảnh đã có nhồng, sáo, khứu…

          Nhìn cây cảnh trong lễ hội ngày Tết đã thấy và tìm được nét đan thanh của con người. Có khi nghệ nhân còn dùng các chất liệu ở địa phương như cành tre, gốc trúc ghép, lắp tạo nên sự vật có hình dáng khác nhau.

          4/ Tranh Tết: Người Quảng cũng thường treo tranh Tết trong nhà. Ngoài những bức tranh hoa lá bốn mùa: mai, lan, cúc, trúc còn có các loại tranh chim cảnh, tranh Tùng lộc cố dĩ. Tranh có hai loại hoa thường gọi là Xuân lan, Thu các. Tranh quả bồng là loại tranh vẽ chiếc đĩa có chân cao, trên đĩa bày các loại trái cây: đu đủ, mãng cầu, dừ, có khi có vẽ cả chuối. Loại tranh nầy thường treo ở cột nhà.

          Ngoài ra còn có loại tranh vẽ theo nội dung truyện cổ hoặc những nhân vật nổi tiếng như tranh Bát Tiên, Tố Võ, Khổng Phu Tử, Khương Tử Nha…Đặc biệt ở Quảng Nam có tranh Ngũ phụng tề phi, biểu hiện tinh thần học hành chữ nghĩa, đỗ đạt thành tài của người Quảng.

          Những bức tranh Tết, thông thường chỉ sử dụng vào dịp Tết, Tết xong, người ta cuộn tròn gói cất cho năm sau.

          Ngày nay đã khác, có đủ các loại tranh vẽ tay hay in mộc bản vẫn còn tồn tại. Song, các loại tranh hiện đại nhiều màu, có khi kết hợp với tờ lịch treo tường càng xuất hiện  nhiều. Đa số các loại tranh trình bày theo chủ đề riêng, không nhất thiết phải tập trung phản ánh ngày Tết, mùa xuân. Gia đình khá giả thường treo loại tranh in ấn hiện đại, nhiều màu sặc sỡ của nước ngoài, kèm với tờ lịch. Những gia đình ở thôn làng thường sử dụng loại tranh Tết in ấn trong nước, phản ánh vẻ tươi đẹp của mùa xuân. Mỗi bộ có hai bức treo đối xứng tạo nên thế cân đối. Nội dung tranh luôn mang nhiều ý nghĩa phong phú./.