Người ngoại thành trào lộng
Một làng, một xã, thậm chí nhỏ là một xóm cũng đặt ra quy ước sống sao cho đẹp, thỏa mãn các yêu cầu xã hội. Ở làng, gia đình là thành phần cơ bản, là tế bào xã hội, có gia đình thuộc tầng lớp trên là địa chủ, cường hào, áp bức, có gia đình nghèo là tá điền, chỉ biết làm công, bán sức lao động cho giới nhà giàu. Người nông dân cày sâu cuốc bẵm nhưng không phải cho họ mà cho địa chủ.Họ ăn ở trong nhà chủ, gắn với công việc ruộng nương, từ đó hình thành nên mối quan hệ hỗ trợ nhau, có khi cởi mở với tầng lớp trên nên họ là những người hiểu sâu sắc cánh nhà giàu. Ở đây, tiếng cười trào lộng cất lên lay động lũy tre làng.
Do sinh hoạt nông nghiệp nên xưa kia văn nghệ của người ngoại thành Đà Nẵng gắn chặt với nông thôn – văn nghệ nông thôn – ra đời trong hoàn cảnh nông nghiệp là chủ yếu, còn văn nghệ thành thị có từ thời Pháp thuộc. Chính vì thế, văn nghệ nông thôn luôn là chỗ dựa và là sức mạnh tinh thần của người nông dân, ở đây người nông dân có thái độ thương ghét dứt khoát. Họ thả tiếng cười vào tầng lớp hương, lý trong làng hay nhà chủ. Tiếng cười là vũ khí đấu tranh. Kỹ thuật chưa phải hoàn hảo nhưng cũng đủ để cho thấy chất trào lộng:
-Quý chi một quấu một quào[1]
Rúc qua rúc lại cái rào tan hoang
-Bù chao chẳng phải bù chao
Chàng làng không phải chàng làng[2]
Con chim ni khôn toan khó liệu
Có người ở tận thân thích điểu[3]
tau mới hỏi thăm
Ờ ờ, nghĩ lại mà nhằm
Chim ni cắn cặc[4] mọi năm trên giàn
Phá bầu, phá bí tan hoang
Bữa nay ngộ gặp, tau bắn càng mũi tên.
Những cuộc giao lưu văn nghệ trong xóm làng sau mỗi ngày lao động, tâm trạng có dịp bộc phát, đây cúng là nơi trao đổi tâm tình. Họ bộc bạch tiếng cười, có tiếng cười chư chát, tiếng cười giễu cợt, tiếng cười vang thỏa mãn, thể hiện cung bậc biểu cảm lòng mình. Những trai làng, những thanh niên lực điền thường bán công lao động nhiều nên trong sinh hoạt văn nghệ làng xóm, họ là những người có lời lẽ nhiều hơn. Nghệ nhân dân gian: Châu Xứng, Trọng Hào Cong Quào), Trịnh Nuôi, Sáu Du, Sáu Lương, cô Khai, cô Hoạch… là những người thường hay thả tiếng cười trong những đêm trăng làng. Họ cũng thường hát quanh với các làng lân cận: Phong Lệ, Cẩm Lệ, Hóa Khuê trung (Hố Quê),Nghi An, Đông Phước, Thanh Khê là những nơi họ tới lui để hát với nhau. Có trí thông minh, ứng tác nhanh, dí dỏm, trong điều kiện như thế tiếng cười của họ có dịp cất lên.
Trong các loại hát hò, ta gặp ở cuộc hát loại giao tiếp “trống mái”, các nghệ nhân dân gian có khi chống gậy dò đường đi hát nhân nghĩa với làng bên cạnh. Họ giã trấu mà hát, thắp đèn lên mà hát, xâu thuốc, tát nước, cấy đêm mà hát và cười:
–Con kia mi đừng nói lừng khừng
Xung điên bắt rắn bỏ quần ni phải khai.
-Bụng đàn bà, dạ con nít
thấy rắn phải la làng
Rắn không phải rắn, nó vàng vàng như lươn.
-Giống lươn là giống hay trườn
Lấy rổ phân úp lại,
bốn cẳng giường chần lên.[5]
Họ hát:
Nhón chân kêu bớ Ba Du[6]
Mai sau chú chết làm cu hay cò
-Việc tui, tui biết, việc cô cô lo
Ai biểu cô dòm trên ngó dưới
mà hỏi cò hay cu
Người ta kể rằng có những hôm trăng dọi thay đèn, trên sân nhà một địa chủ diễn ra cuộc hát hò trào lộng. Thanh niên làng dùng trấu để giã mà hát. Tiếng cười của họ cất lên qua phương thức lái trong tiếng Việt:
-Dương cung bắn xỉ con cò
Thường ngày thường tới, thường mò cá tôm
-Hữu nhãn vô châu thầy thấy đâu thầy bắn
Ra tận chiến trường trắng trợn mắt mây.
-Hữu nhãn vô châu thầy cũng thấy mờ mờ
Dù bắn không trúng, thầy rờ thầy đâm.
Diễn xướng qua phương thức đối thoại bằng hát hò cho thấy đấy là bản chất ý thức đồng thời cũng là bản chất cuộc sống văn nghệ cộng đồng làng xã. Tiếng cười trào lộng ra đời trên cơ sở giao lưu đối đáp, chính chỗ nầy làm cho đời sống tinh thần ở làng xã thời phong kiến phát triển. Tiếng cười có dịp đánh vào giới địa chủ, cường hào:
-Đêm khuya nghe gà gáy ó…o…
giựt mình[7] thức dậy tui mò tui vô
Động giường thức dậy mợ la
Mợ hỏi:-thằng Xứng, chở mày đi mô
Tui nói:-đi vô lấy gạo nấu cơm
Có cái ống, không biết cái ô ở chỗ nào
Mơ màng giấc điệp chiêm bao
Mợ nói:-ô đây, ống đó
con lấy nhào đi mà ra[8]
Xét từ phạm vi giao tiếp, hình thức được cách điệu, người diễn và người xem là một, chưa phải là nghệ thuật như sân khấu nhưng lại có vai trò đặc biệt, bởi “nghệ thuật là hình thức cao nhất của hoạt động giao tiếp.” (I.A. Richards), nên chừng mực có thể nói thông qua nghệ thuật văn nghệ làng, xã, người nông dân muốn được giải bày. Khi ứng tác, nghệ nhân dân gian có khi muốn trút bỏ gánh nặng tình cảm, chất chứa tràn ngập trong lòng, có lúc đi tìm ở bạn hát sự sẻ chia, đồng cảm, đồng tâm, đồng điệu, vì thế mà trong hát hò văn nghệ làng xã, vấn đề tri âm được xem trọng, cho nên họ tự nguyện tìm đến với nhau để hát. Văn nghệ làng xã trở thành phương tiện giao tiếp làm sợ dây nối các tâm hồn đồng điệu lại bằng tình yêu thương con người và cái đẹp. Mỗi lời xướng ra là cái cớ để gặp nhau, đây là điểm tựa để trao đổi, lý sự, thông qua ngôn ngữ địa phương và làn điệu dân gian mang dấu ấn khu vực để tìm sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau.
Có sự khác nhau về tính chất những câu ca trào lộng, bắt nguồn từ mối quan hệ con người. Sự hình thành các kiểu quan hệ chủ tớ: kẻ trên người dưới, do đó mà khi người nông dân trào lộng đả phá lại mối quan hệ của chế độ phong kiến, ở đó dù thế nào cũng phải bật lên tiếng cười. Tiếng cười chỉ thẳng vào những nhu cầu, sự ràng buộc và các quan hệ của tầng lớp nhà giàu phần nhiều là “ngồi mát ăn bát vàng”. Thì đây là tiếng cười đánh vào tầng lớp địa chủ cường hào bằng kỹ thuật thô sơ nhưng hiệu quả:
–Cậu ơi, tui ở với cậu mợ
Tiết tháng năm tui đi đập đất gieo
Về để cái dồ ngoài sân
Mợ chạy ra nghiêng tai nói nhỏ
-Co vô mần giấc trưa.
Văn nghệ phát triển trong quá trình giao lưu, sự tiếp cận thường xuyên sẽ dẫn đến sự lan tỏa, thẩm thấu, làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều thành phần. Người ngoại thành Đà Nẵng trào lộng bằng giọng thoại với tầng lớp địa chủ, nhà giàu là cách vừa phát hiện tật xấu, thói hư, gởi vào đấy tiếng cười chế nhạo vừa là điều kiện để có hình thức cách điệu, tuy rằng cách điệu chưa hiện đại. Song, lại là phương thức đi đầu trong việc dẫn dắt tạo mối quan hệ và cố tình củng cố thế đứng là kẻ làm mướn nhưng có ý thức. Họ không sa vào phục vụ thói hư hỏng của tầng lớp nhà giàu. Trong quá trình đối đáp với tầng lớp nhà giàu ta vẫn tìm thấy chất mềm dẻo, khó đứt, có cốt cách riêng “ăn cục nói hòn”, chính vì vậy đã góp phần quan trọng tạo nên sức sống lâu dài, ít cũng từ khi mở đường vào nam lập nghiệp mà đa số phổ chí các tộc họ vùng ngoại thành Đà Nẵng ghi từ 1470 – 1471.
Nét đặc trưng, tuy nói rằng địa chủ, nhà giàu thời phong kiến có những thủ đoạn trấn lột người nông dân làm thuê, song miền Trung thành phần địa chủ không nhiều, ngoại thành Đà Nẵng, tầng lớp trên chiếm tỉ lệ thấp. Do vậy người dân tá điền cũng không phải nhớ lâu, họ dễ dàng quên đi những thói hư, sự hà khắc cũ, sẵn sàng nối lại tình người, duy trì tinh thần cộng đồng và đây là cái lõi trong quan hệ giao tiếp. Từ tinh thần nầy, sợi dây liên kết hợp tác mới lại hình thành được sau cách mạng tháng Tám, khi mà chế độ phong kiến cáo chung. (8/1999).
* Ảnh đại diện: bazantravel.com
[1] Quào: đọc chệch từ Hào. Trọng Hào hát với bà Hoạch. Chim thường cắn bông bí là chim Chắc hoạch (phương ngữ).
[2]Chàng làng: một loài chim hót tiếng rất to, ồn. Thường xuất hiện vào đầu mùa mưa miền Trung.
[3] Điểu: con chim điểu.
[4] Cặc: bông bí có vòi nhụy đưa ra, dân gian vùng Hòa Vang gọi là cặc.
[5] Cô gái tên Khai, chàng trai tên Lương, quê ở Nghi An. Về sau hai người cưới nhau.
[6] Ba Du quê ở làng Đông Phước, xã Hòa Phát.
[7] Giựt mình: giật mình (phương ngữ).
[8] Bài do Châu Xứng hát, quê ở làng Đông Phước, xã Hòa Phát.