NĂNG LỰC THÍCH ỨNG TRONG BIẾN ĐỔI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CƠ TU

438

NĂNG LỰC THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CƠ TU

 

  1. Năng lực là gì?

   Theo Từ điển Tiếng Việt, năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó.

   Theo đó, năng lực tạo cho con người hoặc cộng đồng người trong khu vực cư trú hoàn thành việc tiếp nhận một hoạt động nào đó với khả năng tương thích trình độ phát triển. Năng lực thích ứng biến đổi văn hóa vừa là tiền đề, đồng thời là kết quả hoạt động của cộng đồng hoặc cá nhân tiếp nhận biến đổi văn hóa trong điều kiện có thể. Như vậy, năng lực vừa là điều kiện tiếp nhận những biến đổi văn hóa một cách tốt nhất nhưng đồng thời năng lực cũng phải trải qua thời gian trải nghiệm thực tiễn của cá nhân hay cộng đồng khi tham gia vào quá trình thích ứng với biến đổi văn hóa. Ở đây là vấn đề năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa dân gian trong cộng đồng Cơ Tu Quảng Nam, Đà Nẵng là thế nào trong bối cảnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.

  1. Thích ứng là gì?

    Cũng theo Từ điển Tiếng Việt được hiểu theo nghĩa có những thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, yêu cầu mới.

   Theo đó, thích ứng văn hóa trong điều kiện công nghiệp hóa hiện đại hóa theo các tiêu chí yêu cầu xây dựng nông thôn mới như hiện nay đối với vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu phải có năng lực nhận biết sự biến đổi văn hóa từ cổ truyền của tộc người đến tiếp nhận luồng văn hóa mới trong thời đại ngày nay một cách đầy đủ nhất. Trên cơ sở đó, mới có khả năng thích ứng đồng thời vận dụng các thành tố văn hóa mới vào cuộc sống tộc người một cách hài hòa, phù hợp mà không thấy nổi lên sự đối kháng gay gắt.

   Trong tiến trình phát huy năng lực thích ứng với các thành tố văn hóa mới đang từng bước đan xen vào văn hóa bản địa, người Cơ Tu từng bước hội nhập, làm biến đổi các yếu tố văn hóa cổ của mình phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và quốc tế.

   Như thế, để có năng lực thích ứng với những biến đổi văn hóa dân gian trong cộng đồng người Cơ Tu, chỉ khi cộng đồng có những hành động tương thích, hội nhập văn hóa, làm biến đổi một số thành tố văn hóa cổ truyền mà không làm phương hại hay loại bỏ văn hóa cổ truyền đang được vận dụng trong cuộc sống hiện nay của tộc người. Có như thế mới chứng tỏ năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa. Trong trường hợp này là sự biến đổi văn hóa trên cơ sở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Để làm được việc tiếp nhận sự biến dịch văn hóa dẫn đến biến đổi văn hóa (dân gian) của người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam, họ đồng thời phát huy năng lực văn hóa nội sinh hiện còn giữ gìn, phát huy và phát triển trong cộng đồng làng và tiếp tục duy trì trong cộng đồng Cơ Tu những thành tố văn hóa dân gian cổ truyền của tộc người vẫn còn tác dụng tạo nên đặc trưng riêng có của mình.

   Như thế, để hình thành nên năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa, cộng đồng người Cơ Tu đồng thời phát huy kiến thức cổ truyền và đương đại trong bảo tồn và giữ gìn văn hóa dân gian truyền thống. Mặt khác, hình thành kỹ năng vận dụng các thành tố văn hóa dân gian bên ngoài tác động vào văn hóa cổ truyền, từ đó có thái độ đúng đắn với sự biến đổi văn hóa đang tác động ngày một nhiều hơn trong bối cảnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.

  1. Năng lực thích ứng văn hóa trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế

   Trong điều kiện xã hội phát triển hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang từng bước làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng theo hướng tiên tiến tích cực. Theo đó, cộng đồng người Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng đặt quá trình thích ứng đời sống kinh tế, văn hóa với biến đổi toàn diện cuộc sống hằng ngày, trong đó nổi lên là biến đổi văn hóa trong bối cảnh người Cơ Tu từ tri thức bản địa (tri thức địa phương) dần chuyển dịch sang những giá trị văn hóa có yếu tố ngoại nhập do giao lưu và hội nhập văn hóa thúc đẩy nhanh chóng vào trong tất cả các mặt của đời sống. Là quy luật chung của sự phát triển xã hội, trong xu thế thời đại khoa học công nghiệp phát triển ngày càng cao, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, đan xen với tri thức bản địa, trong đó có tri thức dân gian, đến tri thức khoa học tiên tiến đang phát triển hiện nay. Các nhà khoa học, các học giả và đặc biệt các nhà hoạch định các chính sách phát triển văn hóa xã hội đang quan tâm theo dõi kiến thức địa phương liên quan thế nào với kiến thức khoa học để thực hiện đề án phát triển có những thay đổi phù hợp với điều kiện mới, yêu cầu mới. Cộng đồng người Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng sẽ vận dụng thế nào kiến thức bản địa để có thể nâng cao năng lực thích ứng với các thành tố văn hóa mới ngày càng ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống cộng đồng làng. Và không chỉ cộng đồng dân cư trong làng mà từng cá nhân cũng đã có sự biến đổi phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Điều này là không thể cưỡng lại được trong bối cảnh đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới như hiện nay đã lan tỏa về các thôn, làng trong phạm vị một vùng cư trú rộng lớn. Người Cơ Tu đứng trước sự chọn lựa, hoặc biến đổi để tồn tại cùng với sự phát triển chung của dân tộc, của nhân lọai hay trụ bám vào tri thức dân gian – tri thức bản địa – để giữ nền nếp sinh hoạt văn hóa tộc người như trước kia đã từng tồn tại. 

Video: Quảng Nam Tourism

   Trong bối cảnh đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, sự giao lưu văn hóa, đan xen tiếp biến các thành tố văn hóa của nhau đang từng bước diễn ra, người Cơ Tu rõ ràng thiết lập năng lực và khả năng với các điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện những hoạt động văn hóa nhằm thích ứng với những biến đổi đang ngày càng lan rộng vào cộng đồng dân cư. Trong quá trình biến đổi này, một mặt đẩy lùi những thành tố văn hóa không phù hợp với cuộc sống đương đại ra khỏi bản giá trị văn hóa tộc người; mặt khác buộc phải tiếp nhận những giá trị văn hóa phù hợp với sự phát triển tộc người trong bối cảnh phát triển đương đại. Theo đó, để giữ được những đặc trưng phù hợp của văn hóa tộc người, người Cơ Tu đang phát huy nội lực. Yếu tố văn hóa nội sinh có tác động mạnh mẽ trong giữ gìn, phát huy và phát triển vốn văn hóa bản địa Cơ Tu, trong đó nổi lên ở đây là những thành tố văn hóa dân gian còn phù hợp trong đời sống hiện nay. Theo quá trình phát triển lịch sử tộc người, sau những năm 1950 – Đại hội các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Nam – một số tục lệ không còn phù hợp được vận động bãi bỏ, như tục đòi nợ đầu, tục chôn con trẻ theo mẹ (mẹ mới sinh không may qua đời), tục dời làng do quan niệm có nhiều người chết xấu, hoặc bệnh tật, đói kém, (mấy mùa liên tiếp nhiều năm liền), tục sinh đẻ ngoài làng, … đã dần được bãi bỏ ra khỏi bản giá trị văn hóa tinh thần cộng đồng người Cơ Tu. Vào thời đại mà xã hội phát triển công nghệ cao, vận dụng vào đời sống ngày càng rộng mở, ở đó, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ trong khu vực mà trên phạm vị toàn thế giới. Do đó để phù hợp với bối cảnh đương đại, thiết lập năng lực thích ứng với những biến đổi văn hóa, đặc biệt trong văn hóa dân gian, người Cơ Tu nhìn vào năng lực nội sinh với di sản tri thức địa phương hiện có, để có thể vừa tiếp nhận các thành tố văn hóa mới, nhưng đồng thời giữ được những đặc trưng văn hóa tộc người.

   Năm 1998, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra chương trình “Tri thức bản địa và sự phát triển” tại Châu Phi. Theo đó, tri thức bản địa được định nghĩa: “Tri thức bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội và cộng đồng. Tri thức bản địa còn cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng dân cư địa phương.

   Con người với tri thức của mình đã tạo ra một lượng lớn tri thức khoa học, vận dụng vào thời đại ngày nay với một bước nhảy vọt.  Với khối lượng tri thức khoa học công nghệ hiện đại có thể khám phá, phát minh ra nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu phát triển xã hội và đáp ứng sự hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh, một lượng di sản kiến thức địa phương to lớn vẫn còn tồn tại cùng với sự phát triển tộc người. Kiến thức bản địa đã ẩn kín, ăn sâu vào từng cá thể trong cộng đồng làng xóm. Khối lượng kiến thức bản địa to lớn này chính là năng lực nội sinh của tộc người, không thể một sớm một chiều dưới tác động của văn hóa ngoại nhập có thể đẩy lùi ra khỏi tâm thức cộng đồng làng và cá nhân mỗi người trong cộng đồng đó, nhất là các chủ làng Cơ Tu, các vị trưởng tộc họ hay hội đồng già làng có thể dễ dàng chối bỏ khỏi tộc người. Bởi họ đang là lực lượng nắm giữ tri thức bản địa này, và đang vận dụng những thành tố phù hợp vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái nơi cư trú. Do con người là chủ thể của di sản tri thức dân gian, nên trong quá trình phát triển để tồn tại, họ luôn củng cố, giữ gìn, vận dụng và thực hiện trong đời sống hằng ngày, nên không dễ đẩy ra khỏi bản giá trị tinh thần đã được củng cố qua nhiều thế kỷ thực hành chức năng của các thành tố. Khi con người tự chủ tiếp thu tri thức khoa học phát triển, thường họ có xu hướng bỏ quên tri thức địa phương (đặc biệt trong các tục lệ của tri thức dân gian tồn tại trong phạm vi làng xóm), đôi khi xem tri thức địa phương chứa đựng nhiều yếu tố lạc hậu, cổ hủ, gây trở ngại, lôi kéo làm dùng dằng sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương hoặc của một quốc gia. Theo đó, tri thức khoa học phương Tây được xem là tiên tiến, hiện đại hơn để các nước chậm hoặc đang phát triển học tập, vận dụng. Mặc dầu thế, với lượng kiến thức địa phương tồn tại hằng nghìn năm được con người vận dụng vào thực tiễn để phát triển và tồn tại, đến nay một lượng không nhỏ kiến thức bản địa vẫn còn được thể hiện trong cuộc sống, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi. Các nhà khoa học nhìn lại khối lượng tri thức này và họ đã có nhiều công trình nghiên cứu về nó. Tuy nhiên, vận dụng tri thức khoa học tiên tiến phương Tây vào xây dựng nông thôn mới như ở Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay mà không đặt vấn đề vận dụng nguồn tri thức bản địa tại các vùng nông thôn thì khó thực hiện các dự án phát triển. Bởi để phát triển khu vực nông thôn phát triển, hẳn phải theo lô gích của quá trình nhận thức từ thực tiễn sinh động để có thể đề ra chủ trương phù hợp với cơ sở hạ tầng. Xa rời thực tiễn và bỏ qua, không vận dụng tri thức địa phương vào quá trình thực hiện các chủ trương phát triển, tất gặp phải sự trì trệ đáng tiếc. Chính điều đó giúp cho việc phát huy năng lực thích ứng của người Cơ Tu chuyển đổi các giá trị văn hóa cổ truyền, kết hợp với các thành tố tiếp nhận từ sự biến đổi, vận dụng vào cuộc sống mà không thấy có sự khác biệt lớn so với phần còn lại của văn hóa tộc người bản địa. Bởi, cho dù có sự biến đổi văn hóa dân gian tồn tại lâu đời, nhưng nội lực văn hóa bản địa vẫn là yếu tố then chốt, mang đặc trưng riêng, không dễ hòa lẫn vào những yếu tố mới. Trên vùng đại ngàn Trường Sơn, người Cơ Tu vẫn giữ được yếu tố cổ truyền đã hình thành và thấm sâu vào từng số phận đời người. Chính đó, họ phát huy tri thức bản địa cùng với giữ vững nội lực tinh thần để giữ gìn, phát triển nguồn văn hóa dân gian còn đang ổn định, phổ biến. Đến nay, người Cơ Tu vẫn còn giữ nguyên những giá trị văn hóa cổ truyền với những yếu tố tích cực của họ trong cộng đồng làng.

        Tìm hiểu tri thức địa phương của người Cơ Tu trong vận dụng, nhằm phát huy năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa dân gian tại địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng khu vực nông thôn là thế nào trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày một nhanh hơn xây dựng nông thôn mới là điều cần thiết trong bối cảnh văn hóa dân gian từ cổ truyền đến đương đại.

Xem: Clip Múa tâng tung – da dắ Cơ Tu (Hiếu Nguyễn Vja)

  1. Quá trình thích ứng và hội nhập

        Trong không gian rộng lớn của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, có thể tìm thấy sự đan xen sinh tồn giữa người Cơ Tu với người Kinh (Việt) tại một số địa phương miền núi. Ngay từ thời giao lưu kinh tế miền xuôi, miền ngược đã có sự buôn bán, trao đổi sản phẩm của nhau, từ đó ngôn ngữ được phổ biến trong giao lưu hội nhập.

        Với góc nhìn hạn hẹp tại các thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc đều thuộc huyện Hòa Vang; hay tại các thị trấn của các quận, huyện thuộc tỉnh Quảng Nam đã thấy có sự đan xen về dân cư, dân số. Chính đó, đã làm thay đổi một chừng mức những nền nếp sinh hoạt cổ truyền (giao lưu văn hóa, học tập, lao động sản xuất, …) của các tộc người, không chỉ giữa người Cơ Tu, người Kinh mà còn với các tộc người Cor, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, … Sau năm 1975, quá trình tụ cư đã tạo điều kiện cơ cấu dân cư có sự đan xen tồn tại người Kinh và người Cơ Tu cùng sinh sống trên một địa bàn cư trú. Theo đó, sự thực hành và phát triển các chức năng văn hóa có tác động giao thoa tiếp biến lẫn nhau.

         “Có một số gia đình – ít thôi – khi người thân qua đời, họ đã tự nguyện tiếp nhận qui chế tang ma của người Kinh. Các thành tố trong việc tang họ thực hiện như cách hành lễ của người Kinh. Theo đó, trong quá trình có cúng (làm tuần) 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày và giỗ hàng năm thường xuyên.

        “Đó là trường hợp mẹ con bà Lê Thị Tiểu và Hồ Thị Thanh Tâm mà trong một lần điền dã tìm hiểu, trao đổi, chúng tôi ghi chép được. Bà và cô có chồng, cha chết từ năm 2004. Bà và con gái thường cúng giỗ đúng ngày hằng năm. Đã hơn 14 năm rồi vẫn giữ lấy lệ như thế. Bởi theo họ, vì thương chồng, cha không thể nào bỏ được. Điều mà trước đây khi sinh sống khép kín trong làng Cơ Tu, chưa có sự giao tiếp quan hệ xuôi – ngược, không có được. Đây chính là quá trình hội nhập, tiếp biến văn hóa lẫn nhau.

        “Và ở Tà Lang, Giàn Bí, Phú Túc một số gia đình người Cơ Tu cũng đã thay đổi và tiếp nhận thực hiện nếp sống văn hóa theo các tiêu chí phát triển văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn do chính quyền sở tại ban hành và khuyến khích, càng ngày càng có nhiều gia đình người Cơ Tu thực hiện. Họ đã bỏ dần hoặc biến đổi tục lệ cũ không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay để có thể hội nhập vào sự phát triển chung toàn xã hội.

        “Từ năm 1992 đến nay, người Cơ Tu tại Hòa Vang được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trợ cấp kinh phí để xây nhà khang trang, kiểu 4 x 6 m, xây xông, lợp tôn. Người Cơ Tu sinh sống, lao động, học tập, hội họp, sinh hoạt các đoàn thể, lễ hội, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao, xóa nạn mù chữ, có trường dân tộc nội trú, các trường Mầm non, trường Tiểu học, Trung học cơ sở của xã Hòa Bắc. Con em Cơ Tu cùng tham gia học chung trường với học sinh con em người Kinh, cùng hòa đồng trong học tập, vui chơi không phân biệt người Cơ Tu và người Kinh. Trong một tập thể lớp với trang phục đồng phục, áo sơ mi trắng, quần tây xanh màu đậm, mang khăn quàng đỏ giống nhau, không dễ phân biệt đâu là người Cơ Tu và đâu là người Kinh. Một số em học sinh được cha mẹ lấy họ người Kinh đặt thành họ cho con em mình. Ở trường nhìn vào danh sách không biết đâu là Cơ Tu, đâu là Kinh nữa.

         “Trong cộng đồng Cơ Tu, thanh niên mặc áo sơ mi, áo phông in nhiều màu sắc rực rỡ, chữ tiếng Anh in to sau lưng và trước ngực, mang giày Tây, kính đen, đội mũ bảo hiểm, sử dụng Honda thành thạo, giao lưu nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác, rong chơi, du lịch, hát karaoke, uống bia, rượu, cà phê, … lịch lãm như các thanh niên ở thành phố. Còn nữ thanh niên Cơ Tu khi đi chơi cùng nhau xuống Hòa Vang hay Đà Nẵng, các cô mặc váy dài, áo phông ngoại đắt tiền, thắt lưng da, đi giày cao gót, môi son, má phấn, đeo vòng tai lấp lánh, đội mũ đủ kiểu, tay đeo nhẫn và đồng hồ to, vai đeo ví đầm, túi xách trông như người ngoại quốc… Thật khó nhận biết rằng đây là cô gái Cơ Tu? Chỉ người ở gần, thường gặp nhau thấy có mái tóc hơi quăn, nhìn đôi mắt đen, sâu thẳm, hàng mi dài cong lên, đôi môi thâm, dày, nụ cười duyên, da hơi nâu mới nhận đó là cô gái Cơ Tu. Còn các người lớn tuổi, nam nữ, các ông, các bà bây giờ không mặc phục trang dân tộc nữa, mà ăn mặc quần áo như người Kinh.” [1]

         “Khi có lễ hội hay đi dự Liên hoan văn nghệ quần chúng các dân tộc thiểu số ở Huyện, thành phố, khu vực hay toàn quốc, thì họ đến cửa hàng của Hợp tác xã thuê trang phục, tham gia xong lễ hội thì mang đến trả. Rất ít người còn giữ bộ trang phục truyền thống với thổ cẩm tự dệt trong nhà. Chỉ khi nào cần thì đến cửa hàng Hợp tác xã thuê mặc, xong việc là thôi. Thế nhưng, họ giữ truyền thống lâu đời, mỗi thôn làng họ dựng một nhà gươl đồ sộ, đẹp, mang dấu ấn kiến trúc riêng tộc người, làm nơi hội họp của làng. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, dân quân du kích, học sinh tập thể thao thể dục, tập võ thuật, cắm trại trong lúc nghỉ hè, chơi bóng, chơi các trò chơi dân tộc ở sân rộng trước gươl. Ở trong là nhà sàn, có cửa lớn phía trước, ba bên vách nẹp bằng các tấm phên đan ghép lồ ô, tre, nứa bằng phẳng, vuông vức, kín đáo làm nơi trưng bày biểu tượng các vị dàng/ thần linh, chim thần, thú thần, trống, chiêng, đàn, đầu súc vật săn/ bắn được, đầu sừng trâu, gùi, dụng cụ dùng trong nông nghiệp, liềm, dao, rựa, ná, nỏ, tên, …Các bàn thờ đặt hương, đèn, vật cúng và lễ cúng. Ngoài sân có dựng cây nêu cao giữa sân rộng, cọc cột trâu và nơi làm lễ “đâm trâu”, múa “tâng tung da dắ” truyền thống của người Cơ Tu rất sôi động, vui vẻ mà linh thiêng pha lẫn tươi vui hùng tráng, hấp dẫn bao người.

        Sự thay đổi, tiếp biến theo nếp văn hóa của cộng đồng giữa các tộc người, đoàn kết, cùng nhau xây dựng nông thôn mới, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc là mục tiêu tiên quyết của toàn dân chung sức, chung lòng xây dựng nên xã hội giàu đẹp.”[2]

  1. Thích ứng theo hướng ứng dụng văn hóa dân gian vào cuộc sống 

        Văn hóa dân gian (folklore) tộc người được sáng tạo nên thông qua quá trình tác động vào môi trường tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ và nâng cao cuộc sống của con người trên hai bình diện vật chất và tinh thần. [3]

        Tuy thế, khoa học nghiên cứu về văn hóa dân gian ra đời chậm hơn. Vào những năm 120 sau Công nguyên, Plutarch viết bài đầu tiên về văn hóa dân gian. Mãi đến khi khoa nghiên cứu ứng dụng văn hóa dân gian vào cuộc sống đề cập đến vấn đề này từ vài thập niên trở lại đây, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sánh bắt đầu quan tâm đến. Tuy ra đời và nghiên cứu đạt được thành tựu, song vấn đề vẫn còn mới mẻ trong việc ứng dụng văn hóa dân gian vào cuộc sống đương đại. Năm 1939, ông Benjanin Albert Botkin – một nhà nghiên cứu văn hóa người Mỹ – khởi xướng khi nghiên cứu những câu chuyện cổ về người nô lệ.

        Từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ XX đến nay, khoa nghiên nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng và khoa nhân học ứng dụng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới phát triển mạnh, nổi bật là công trình “Đưa văn hóa dân gian vào ứng dụng” của Michael Owen Jone (1944) [4]

        Vận dụng văn hóa dân gian ứng dụng vào cuộc sống đương đại, các nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề cấp bách rằng ứng dụng văn hóa dân gian nhằm giải quyết những vấn đề xã hội đương đại là gì. Điều này dễ nhận ra sự biến đổi văn hóa dân gian tộc người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam, Đà Nẵng – không chỉ tộc người Cơ Tu – mà nhiều tộc người trên vùng văn hóa Quảng Nam, Đà Nẵng đang đứng trước thách thức lớn, có hiện tượng “Kinh hóa” và “ngoại lai hóa” các thành tố văn hóa dân gian.[5] Theo đó, nghiên cứu các thành tố văn hóa dân gian cổ truyền và vận dụng vào thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện nay là cần thiết.

        Trong nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu tập trung sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Cơ Tu trên nhiều góc độ khác nhau trong quá khứ nhằm tìm nhiều giải pháp bảo tồn các di sản đó, đồng thời phát huy chức năng phản ảnh, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí đến với các tầng lớp người dân trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trong bối cảnh đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu nâng cao đời sống văn hóa vùng nông thôn, miền núi, đã làm biến đổi phần lớn các thành tố văn hóa dân gian ra khỏi bản giá trị văn hóa tộc người. Bởi dưới góc nhìn đồng đại, văn hóa dân gian được xem là văn hóa cổ, mang nhiều thành tố lạc hậu, cần được loại bỏ. Điều này là thích đáng. Tuy nhiên trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, các thành tố văn hóa dân gian Cơ Tu cổ xưa, ít có cơ hội tham gia vào quá trình phát triển xã hội đương đại, bởi không được ứng dụng vào cuộc sống thường xuyên như trước kia, như chọn đất làm nhà, thiết kế nhà gươl bằng chất liệu tại chỗ, nhà mồ, điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm, múa, hát, ẩm thực, lễ hội, âm nhạc, … Cho nên vấn đề đặt ra hiện nay là cần gắn liền việc nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó cũng được xem là tri thức địa phương với vấn đề phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội đương đại trong tộc người Cơ Tu là điều cần đặt ra kịp thời (bởi nếu không ứng dụng vào thực tiễn những thành tố còn khả năng ứng dụng được, chúng sẽ nhanh chóng mất đi cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đô thị). Theo đó, việc nghiên cứu thực hiện ứng dụng những kỹ năng về nó, cho phép văn hóa dân gian thích ứng trên cơ sở kiến thức, năng lực vận dụng các yếu tố văn hóa cổ truyền còn tác dụng tích cực, tham gia điều chỉnh đời sống cộng đồng người Cơ Tu Quảng Nam, Đà Nẵng. Từ năng lực thích ứng với những biến đổi, người Cơ Tu phát huy văn hóa dân gian cổ truyền hội nhập vào cuộc sống đương đại một cách hài hòa theo phương châm “ôn cố tri tân” là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Bởi các thành tố dân gian cũ đang bị phân rã do tác động của quá trình xây dựng lối sống theo hướng đô thị hóa, nông thôn mới, hội nhập khu vực và quốc tế, chắc chắn sẽ làm tan rã các thành tố cũ, tức “giải cấu trúc” cái cũ để tập hợp và hình thành nên một hình thức mới và nội dung sinh hoạt dân gian mới. Như trong các lĩnh vực: ẩm thực, y phục, dệt vải, nghệ thuật tạo hình dân gian, diễn xướng dân gian, sinh hoạt văn nghệ, … đang đứng trước nguy cơ mai một là điều có thể. Các thành tố cũ đang vỡ ra tái cấu trúc các thành tố mới phù hợp với thực tiễn, nhưng nếu không phát huy năng lực thích ứng giữa tiếp biến cái mới với bảo lưu cái cũ dễ dẫn đến đẩy lùi cái cũ ra khỏi đời sống cộng đồng thì vốn di sản văn hóa dân gian người Cơ Tu sẽ biến mất, nhất là tại khu vực đô thị như tại một số thị trấn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam hay tại thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt những lĩnh vực như dệt, đan đát, tri thức bản địa về môi trường, lao động sản xuất, thiết kế nhà ở, tri thức về y học, các loại cây cỏ, … các kiến thức về rừng núi, mưa, lũ, các loại lương thực khai thác từ rừng, các loại cây có dược liệu, … không được duy trì đáp ứng thì dẫn đến việc đẩy người dân ra khỏi môi trường sống của họ và cắt đứt nguồn mạch tri thức dân gian hình thành từ môi trường sống qua bao thế kỷ mới có được. Tuy thế, điều dễ nhân ra rằng, mặc dầu “các thành tố văn hóa dân gian mất đi cơ sở xã hội để tồn tại, không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển, nhiều thành tố đang phải trải qua một quá trình giải cấu trúc. [6] Tuy vỡ vụn, nhưng các mảnh vỡ của văn hóa dân gian vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội đương đại. Các thành tố ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống,…tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, cả một hệ thống, nhưng lại trở thành một bộ phận tái cấu trúc tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Một số chức năng nguyên thủy, chức năng gắn liền với môi trường sản sinh ra các loại hình văn hóa dân gian bị biến mất. Ở vùng đồng bằng hoặc đô thị xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình văn hóa dân gian mô phỏng (Folklorismus). Văn hóa dân gian mô phỏng thực sự là các tư liệu, các mảnh vỡ của văn hóa dân gian, không nằm trong bối cảnh gốc nhưng lại gây ấn tượng bằng thị giác và thính giác hoặc mang lại niềm vui thích về mặt thẩm mỹ như trang phục, biểu diễn trong lễ hội, ẩm thực hay âm nhạc, những tư liệu thích hợp này đã tách ra khỏi bối cảnh ban đầu của chúng và để sử dụng theo một cách mới cho một nhóm công chúng khác.” [7] Do đó, để thích ứng, cộng đồng người Cơ Tu tái cấu trúc các thành tố văn hóa mới sao cho phù hợp và hài hòa giữa yếu tố mới và thành tố cũ, từ đó đưa ra cơ sở phát triển ứng dụng các thành tố văn hóa dân gian phù hợp với lối sống hiện nay trong điều kiện công nghiệp hóa hiện đại hóa trên cơ sở xây dựng nông thôn mới.

Bối cảnh xã hội đã biến đổi, có những thành tố người dân bỏ lại phía sau, do không phù hợp với lối sống đương thời, nhưng vẫn còn những thành tố dân gian vỡ ra, bám víu, cố giữ chức năng của nó như trước đây đã từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống mỗi người, mỗi làng. Nhận thấy rằng cuộc sống luôn biến đổi, đấy là chuyện hằng thường. Văn hóa dân gian cũng có sự biến đổi của nó, thế nên để thích ứng cần có năng lực ứng dụng các thành tố văn hóa dân gian có lợi ích vào quá trình phát triển sao cho phù hợp các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là vấn đề đặt ra với cộng đồng người Cơ Tu trong phát huy năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa dân gian từ cổ truyền đến đương đại.

  1. Năng lực thích ứng và giao lưu hội nhập

    Trong những lần điền dã về các thôn A Grôồng, xã A Tiêng, thôn Gừng, thôn A Duông, thị trấn P’rao, thôn Ban Mai 1,2, xã Ba (Đông Giang), xã Lăng (Tây Giang), xã Zuôh (Nam Giang), … và gần đây năm 2018 & 2019, hai đợt điền dã do Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tổ chức về các thôn có cộng đồng Cơ Tu sinh sống tại thôn Tà Lang, Giàn Bí và thôn Hòa Phú thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi phát hiện được cá nhân và tập thể còn đa đoan, quan tâm tích cực phát huy năng lực nội sinh (tri thức bản địa) tộc người, còn nắm giữ các thành tố văn hóa dân gian vật thể và phi vật thể hiện đang phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Lực lượng này đang phát huy năng lực thích ứng nhằm phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội tại cộng đồng dân cư, trên cơ sở ứng dụng vào cuộc sống đương đại trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Điều đó cho thấy người Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn còn phát huy năng lực nội sinh tộc người, vận dụng tri thức bản địa vào giữ gìn văn hóa dân gian đặc trưng riêng có của mình. Để phát triển bền vững nhưng không làm mất đi đặc trưng văn hóa, điều quan trọng là không làm mất đi di sản văn hóa văn nghệ dân gian tộc người đã tồn tại dài lâu trong lịch sử phát triển người Cơ Tu. Do vậy cần thiết không vì sự hội nhập, biến đổi văn hóa dân gian bên ngoài thâm nhập vào mà nhất thiết phải tìm hiểu sự tác động của các thành tố văn hóa dân gian phù hợp – một thành tố của văn hóa tộc người, của làng – với vấn đề phát triển bền vững vùng người Cơ Tu sinh sống là tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống. Do đó, không xem nhẹ vai trò của văn hóa văn nghệ dân gian trong phát triển bền vững của người Cơ Tu trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và thế giới.

Năng lực nội sinh, trong đó tri thức bản địa hay tri thức địa phương giữ vị trí căn bản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và lưu giữ đặc trưng riêng có trong sinh hoạt văn hóa thường ngày. Trong sinh hoạt, thực hành chức năng các thành tố văn hóa dân gian, người Cơ Tu không có ý thức tạo ra những thành tố văn hóa mới mà tự các hoạt động ổn định hình thành dần các yếu tố văn hóa phù hợp, được lưu giữ và đi theo cùng sinh hoạt con người. Những yếu tố đó là khách quan, luôn bền vững.

Tri thức bản địa hình thành từ cơ sở thực tiễn sinh động nên nó có vai trò tạo ra và định hướng con người thích nghi, hình thành thói quen phù hợp với môi trường sống, trong đó có mối quan hệ tha nhân với cộng đồng được lưu giữ trong quá trình vươn lên ổn định phát triển mọi mặt. Để tạo ra năng lực thích ứng với biến dịch đến biến đổi văn hóa dân gian, người Cơ Tu xưa nay dựa vào tri thức bản địa của mình để cân bằng tâm lý, duy trì cảm xúc với văn hóa truyền thống để tồn tại mà không bị các thành tố văn hóa ngoại lai chi phối, dẫn dắt. Tri thức bản địa có nhiều, từ tri thức về đạo đức, lối sống, các phong tục, tập quán đến tri thức về môi trường, về rừng, về lao động sản xuất, về săn bắn lượm hái, về làm nhà, về ăn ở, về ứng xử, … đều được ghi dấu ấn vào mỗi người. Do đó, có sự bền chặt trong phát triển, gắn với môi trường sống, tức cơ sở thực tiễn để thích ứng với biến đổi văn hóa ngày càng sâu rộng với người Kinh và các yếu tố văn hóa ngoại lai do hội nhập khu vực và quốc tế mang đến mà không làm mất đi cái riêng có. Những biến đổi văn hóa văn nghệ dân gian khu vực người Cơ Tu sinh sống hiện nay đang diễn ra ngày càng nhanh chóng với gia tốc mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực. Theo đó, phát triển bền vững trên cơ sở thích ứng với năng lực tiếp nhận các thành tố văn hóa dân gian biến đổi và cấu trúc lại các thành tố cũ nhằm “thể hiện sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại tới khả năng đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ tương lai[8].  Việc tạo nên năng lực thích ứng với biến đổi văn hóa về lâu dài trong cộng đồng người Cơ Tu nhằm phù hợp với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước, trong đó đối với vùng nông thôn tiến hành xây dựng nông thôn mới nhằm cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn đạt hiệu quả. Điều này phù hợp với phát triển văn hóa thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế vùng núi, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu để người Cơ Tu có thể vừa tiếp biến văn hóa từ bên ngoài nhưng đồng thời giữ được đặc trưng của tộc người là điều dùng dằng trong biến đổi và tiếp nhận. Việc cho – nhận văn hóa diễn ra trong điều kiện thích ứng với phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp với cơ sở thực tiễn vùng miền là điều cần xem xét vận dụng thực hiện trong thời đại ngày nay.

 Trong “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên đề cập vào năm 1980, nội dung phát triển bền vững được nhấn mạnh là tính bền vững của sự phát triển sinh thái. Mục tiêu của phát triển nhằm đạt được bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật. Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (còn gọi là báo cáo Brundland), “phát triển bền vững” được định nghĩa là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu các thế hệ tương lai”. [9]

        Chính sách của Nhà nước Việt Nam, phát triển bền vững đất nước trong suốt thời kỳ đổi mới trên cơ sở phù hợp với điều kiện Việt Nam, theo đó, đề ra chủ trương: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.[10] Và khẳng định “Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại,… Bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”.[11]

        Như thế, văn hóa văn nghệ dân gian Cơ Tu từ truyền thống đến biến đổi và năng lực thích ứng với những biến đổi ngày càng sâu rộng để tiếp tục phát triển, cho thấy các thành tố văn hóa dân gian có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Bởi văn hóa văn nghệ dân gian có nhiều khả năng và lợi thế đáp ứng yêu cầu phát triển. Ở chỗ:

        Trong xây dựng và phát triển bền vững, nhân tố con người là chủ thể, là trung tâm, mà con người được hình thành đạo đức, lối sống, nhân cách, … trước hết thông qua môi trường dân gian, tức môi trường truyền thống của gia đình. Mặt khác còn có nhà trường, xã hội, trong đó đáng kể đối với người Cơ Tu là cộng đồng làng. Bởi làng là nơi tập trung phong tục, tập quán cộng đồng, trong đó vấn đề ứng xử giữa người với người, giữa người với cộng đồng xã hội rộng lớn là rất quan trọng. Do đó, nếu không có những di sản văn hóa dân gian định hướng và điều chỉnh trong quá trình thích ứng để phát triển xã hội sẽ làm mất đi năng lượng to lớn để kế thừa yếu tố truyền thống trong phát trển bền vững.

        Những thói quen của cá nhân hay cộng đồng làng được lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ tạo nên tập quán xã hội, theo đó trở thành khuôn mẫu cho cá nhân và cộng đồng làng thực thi điều mà tập quán quy định. Khi thói quen đã trở thành tập quán xã hội, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Mà khi tập quán xã hội được thiết lập, định hình trong quá trình lịch sử sẽ chuyển hóa thành phong tục của cộng đồng tộc người. Khi cộng đồng tộc người chấp nhận các thành tố cấu thành phong tục của tộc người, rõ ràng khó có thể loại bỏ ra khỏi thói quen hằng ngày của các thành viên trong cộng đồng. Phong tục được mọi người chấp nhận và thực hiện trong mọi bối cảnh và trong mọi trường hợp. Bởi khi đã trở thành thói quen không thể loại bỏ ra khỏi bản giá trị tinh thần của tộc người, hẳn nhiên phong tục được mặc nhiên chuyển hóa thành luật tục. Mà đã là luật tục, buộc mọi thành viên trong làng phải tuân thủ nghiêm khắc. Vi phạm phong tục được xem là vi phạm luật tục, là điều không được thực hiện, không để xảy ra trong cộng đồng làng. Nếu vi phạm xem là xúc phạm đến cộng đồng, đến tộc người. Làm ảnh hưởng đến lực lượng thần linh, các dàng sẽ theo đó xử phạt cả cộng đồng làng. Bấy giờ làng sẽ dùng luật tục chế tài nghiêm khắc, xử phạt những ai vi phạm. Mọi hình thức xử phạt đều có tổ chức lễ khấn, báo với dàng.

        Thế nên, cấm kỵ tất cả các thành viên trong cộng đồng làng vi phạm luật tục. Theo đó, cấm kỵ trở thành khuôn mẫu, phép tắt của tộc người Cơ Tu. Bởi vi phạm luật tục là vi phạm điều linh thiêng mà dàng quy định. Tất cả mọi khế ước của cộng đồng làng Cơ Tu đều do dàng chấp thuận, cho nên hễ ai vi phạm xem như vi phạm điều cấm kỵ của dàng. Từ đó, vai trò của gia đình, cộng đồng làng định hướng hình thành đạo đức, lối sống của mỗi người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam, Đà Nẵng là thế nào biểu hiện trong văn hóa văn nghệ dân gian của họ.

   Thông qua luật tục, ứng dụng trong cộng đồng xã hội một làng khép kín, cho thấy ở đó hình thành năng lực quản lý xã hội, các thành viên, và tổ chức sản xuất ổn định thế nào trong quá trình tồn tại và phát triển của làng Cơ Tu. Điều này cho hay rằng, văn hóa văn nghệ dân gian Cơ Tu có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh mọi hành vi của cá nhân hoặc cộng đồng, hình thành lối sống của cộng đồng. Thế nên để thích ứng với những biến đổi các thành tố văn hóa dân gian Cơ Tu trong phát triển bền vững không thể không xét đến vai trò của văn hóa dân gian trong ứng xử với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

        Một thành viên trong cộng đồng làng từ khi sinh ra, đặt tên, trưởng thành, mỗi thành viên đều được say đắm trong tiếng cồng chiêng, điệu múa tâng tung da dắh, và sắc màu âm nhạc, cả đến các phong tục, tập quán gắn với vòng đời người, … tất cả nguồn văn hóa dân gian đó tập trung hình thành nên tư chất một Cơ Tu ứng xử đúng với cộng đồng, tộc họ, gia đình và với môi trường sinh sống.

   Hiện nay, trong bối cảnh đương đại, cùng với văn hóa dân gian còn có vai trò của quản lý của Nhà nước, vai trò của luật pháp, của gia đình, nhà trường, xã hội, … tác động, hình thành nên con người với những yêu cầu mới, đặc trưng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Nhưng vai trò của văn hóa dân gian trong xây dựng, hình thành đạo đức, lối sống, … vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng làng Cơ Tu hiện nay. Do đó, người Cơ Tu từ tiếp cận hình thức biến dịch dần đến biến đổi các thành tố văn hóa dân gian cổ truyền, đồng thời phát huy năng lực thích ứng của cộng đồng với các biến đổi trên cơ sở tri thức bản địa (tri thức dân gian) để có thể tiếp nhận những thành tố mới hài hòa với vốn văn hóa cổ truyền đang còn vận động tích cực tại cộng đồng Cơ Tu ở Quảng Nam, Đà Nẵng./.

 

[1] Tư liệu điền dã tháng 5/2018 tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, NS. Trần Hồng cung cấp. 

[2] Theo: Tư liệu điền dã do NS. Trần Hồng cung cấp, Nghi lễ tang ma Cơ Tu, trong tác phẩm Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ Tu huyện Hòa Vang. NXB Đà Nẵng, 2019.

[3] Thuật ngữ folklore do nhà nhân chủng học người Anh, ông William Thoms dùng trong bài báo đăng trên tờ Athenaeum, ngày 22/8/1846, với ý nghĩa là những di tích của nền văn hóa vật chất và chủ yếu là di tích của nền văn hoá tinh thần như phong tục, đạo đức, tín ngưỡng, những bài dân ca, những câu chuyện kể của cộng đồng. Sau khi xuất hiện, thuật ngữ folklore được hiểu với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau, liên quan đến đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Ở Việt Nam được hiểu là: 1/ Bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do người dân sáng tạo nên – văn hóa của dân – folk culture. Theo cách hiểu này folk culture là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, văn hóa học. 2/ Là những sáng tạo của người dân mang tính nghệ thuật, theo nghĩa hẹp, có ba thành tố: nghệ thuật ngữ văn dân gian (tức văn học dân gian), nghệ thuật tạo hình dân gian và nghệ thuật diễn xướng dân gian. 3/ Là văn học dân gian, theo đó tác phẩm folkore là hình thức ngôn từ gắn với âm nhạc, múa, diễn xướng (kịch), … do người dân sáng tác nên. Cũng có thể dùng thuật ngữ folklore để chỉ văn học dân gian, đồng thời phân biệt nó với các đối tượng khác cũng thuộc phạm trù folklore – văn hoá dân gian.

[4] Xem: Trần Hữu Sơn (2017), Văn hóa dân gian ứng dụng, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

[5] Như tiếp biến các lễ hội: Valentine (14.2), lễ Noel (25.12). lễ Phật đản (15.4 ÂL),… và các ngày lễ kỷ niệm tạo ra những sinh hoạt dân gian khác.

[6] Tô Ngọc Thanh (2006), “Làm thế nào để duy trì di sản văn hóa dân gian trong dạng sống động – trường hợp Việt Nam”, trong Giá trị và tính đa dạng của floklore châu Á trong quá trình hội nhập, Hội Floklore Châu Á, NXB Thế giới, tr. 48

[7] Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (2005), tr. 108, Văn hóa dân gian mô phỏng. Dẫn theo TS. Trần Hữu Sơn (2014), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong chuyên đề: “Văn hóa dân gian ứng dụng trong cuộc sống đương đại. Hà Nội.

[8] Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển của Liên Hợp Quốc tổ chức tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil) đã đặt cơ sở cho sự phát triển bền vững và đưa ra khái niệm phát triển bền vững. Năm 2002, tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức tại Johannesburg, tư tưởng phát triển bền vững được mở rộng từ khái niệm đã nêu ra năm 1992. Hội nghị đã xác định ba trụ cột chính của phát triển bền vững: 1/ phát triển kinh tế nhanh và an toàn; 2/ công bằng xã hội và phát triển con người; 3/ khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống.

[9] Xem: http://poi.htu.edu.vn/nghien-cuu/phat-trien-ben-vung-quan-diem-chi-dao-xuyen-suot-thoi-ky-doi-moi-cua-dàng-cong-san-viet-nam.html

[10] Mục 4, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam.

[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB. CTQG-ST, 2016.