Mương nước trong đời sống người Đông Phúc
Hòa Vang
- Người Đông Phúc lập làng
Lịch sử khẩn hoang vào Nam, mở rộng đất đai có thể có ý tưởng kể từ năm 1306, lần đầu tiên, những lưu dân người Việt đã đặt chân lên vùng đất phương Nam, cùng với đoàn người đưa tiễn và theo cùng Huyền Trân Công Chúa về với Chế Mân – vua Chăm – để đổi lấy hai châu Ô và Rí, mở rộng đất đai về phương Nam cho người Việt.
Năm 1471, dưới triều Lê Thánh Tông, nhân dân vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh hưởng ứng cuộc di dân vào Nam theo chủ trương khai hoang mở đất của triều Lê. Trong số những người rời bỏ quê hương vào Nam sinh sống, có rất đông các dòng họ mà về sau tộc họ nào vào trước khai hoang mở đất quy dân lập ấp được tôn vinh là Tiền hiền do có công đầu khai cơ lập nghiệp vùng đất mới phương Nam. Để làm được điều này, họ đã trải qua những tháng ngày gian nam vất vả, phải băng rừng vượt suối, trèo đèo, ngày đêm không kể nắng mưa đến một xứ sở lạ lùng, chưa quen, chưa dễ thích nghi với thổ nhưỡng, môi trường nơi vùng đất mới. Họ ngửa bàn tay thảng thốt mà rằng:
Đến đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng phải sợ, con cá vùng cũng phải kinh.
Từ đó, những lưu dân bắt đầu xây dựng cho mình một cơ ngơi ổn định lâu dài, lấy làng là đơn vị cơ sở xã hội. Theo hồi cố truyền từ đời trước đến đời sau, họ kể rằng: Ban đầu, cuộc sống hết sức cơ cực, phần đất đai thổ ngưỡng, phần thời tiết chưa dễ thích nghi nên bệnh tật làm hao mòn sinh lực, phần do sống đan xen với người Chàm nên thói quen hằng ngày, các lệ ước chưa dễ thâm nhập nhau để cùng tồn tại. Khó là chỗ đó! Đến đây, do “lạ nước lạ cái”, theo đó để tồn tại, ngày họ vào rừng chặt cây lấy củi, đêm trèo lên cây chặt dây leo, dây mây, dây xanh, dây chìu,… bện thành võng mà ngủ. Thêm nữa, họ phải đối phó với thiên tai, thú dữ, dịch bệnh tấn công thường xuyên, tàn phá sức khoẻ và sinh mạng của những lưu dân vốn còn ít ỏi và sức lực hạn chế trong đôi vòng tay hữu hạn. Trong hoàn cảnh đó, họ đã tụ tập lại, đoàn kết nhau, tạo nên sức mạnh, lập nên làng, nên xóm và phát triển. Trong tiến trình phát triển, dân cư ngày một đông lên, những đoàn người từ Thanh Nghệ Tĩnh lại tiếp tục lên đường vào Nam khai phá ngày một nhiều thêm, Quảng Nam Thừa Tuyên đạo có từ thời Hồng Đức (thứ II) năm 1471, sau những lần mở đất về phương Nam của nhân dân Đại Việt. Cũng chính trong hoàn cảnh lịch sử đó, làng Đông Phúc được thành lập.
Thích Đại Sán một lần vào năm 1695 theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Châu, nhà sư từ Quảng Đông – Trung Hoa đã đến Đàng Trong vùng Thuận Quảng và ghi chép lại từ Thuận Hóa đến Hội An trong “Hải ngoại kỷ sự”: “Trong nước dân rất khổ, đất ruộng ít ỏi, lúa chẳng đủ ăn. Dân thổ trước[1] một dải Thuận Hóa, Hội An đều sống nhờ lúa của các hạt khác. Thổ âm gọi “phạn” là “cơm”, kiếm đủ cơm ăn không phải chuyện dễ; hoặc dùng cá tôm rau quả ăn trừ cơm, hằng ngày bữa no bữa đói thất thường. Sau núi trước biển chỗ nào có bãi cát thì dân cất nhà ở; tùy số dân nhiều ít, tập hợp làm một xã, xã có cai, có xã trưởng. Ruộng cấy lúa, hoa lợi phải nộp vào công khố chừng bảy, tám phần mười, dân chỉ được hưởng hai, ba phần mà thôi.”
Quan sát đời sống của người dân thời ấy, thấy khó khăn nhiều hơn thuận lợi, ông viết tiếp: “Ngoài ra có người làm nghề đánh cá hái củi, đem về nộp cả cho bọn cai, trưởng. Bọn này cấp hoàn cho bao nhiêu được nhờ bấy nhiêu. Thế mà còn phải nộp thuế thân mỗi năm 12.000 đồng tiền (hai quan), và các thứ tre, gỗ, muối, gỗ tùy theo thổ sản. Gặp lúc nhà vua có việc công, cai xã bắt dân phu ra ứng dịch, mọi người phải lo cơm đùm gạo bới đi làm. Chợ hàng buôn bán đều đàn bà con gái, không phân biệt “nam ngoại nữ nội” chi hết, phong tục tiết nghĩa hầu như chẳng còn. Xem kỹ, dân chẳng phải ngu ngoa, đến nỗi không thể giáo hóa được; chỉ vì người trên chẳng biết thi hành chính sách giáo dục mà thôi…Ấy cũng là một điều không may cho nhân dân chăng”.[2]
Trải qua nhiều thời kỳ khai phá và xây dựng, cải tạo thiên nhiên, chống lại thiên tai địch hoạ, người dân làng Đông Phúc đã kịp biến núi đồi hoang vắng thành nơi an cư lạc nghiệp, khai hoang vở hoá đất đai để sản xuất, hy vọng thiết lập một giang sơn mới cho muôn đời con cháu mai sau. Phía đông: làng giáp với Gò Mô của làng Bình Thái, (Bình Thái hạ tổng, nay là phường Hoà Thọ Đông) và làng Cẩm Lệ (Cẩm Lệ thuộc Khe Cạn xứ); phía Tây: làng giáp núi Phước Tường, như một bức tường thành che chở dân làng trong mùa hè khô khốc của gió nam lào thổi đến; phía Nam: giáp với xóm Đà Ly, Đồng Bé, Đồng Lành của làng Phong Lệ (Phong Lệ thuộc xứ Đà Ly, nay là Phong Bắc-Hoà Thọ Tây và Cẩm Bắc 2 thuộc Hòa Thọ Đông); phía Bắc: giáp với Tân An xã (nay là các khu dân cư thuộc Phường Hoà Phát). Về sau (chưa rõ niên đại), làng Đông Phúc được cắt một phần đất nhập với làng Tân An thành lập làng Nghi An (nay là khối phố Nghi An), lúc bấy giờ xã Đông Phúc thuộc Hòa Vang huyện, Điện Bàn phủ. Do kỵ húy nên Phúc đổi thành Phước.
Sau thời gian dài ổn định được làng, dân cư ngày một tăng lên họ lập nên xóm, ổn định cơ ngơi, phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội cùng các làng bộ lân cận, mặc dầu cuộc mưu sinh hằng ngày của họ khó khăn cơ cực.
- Nguồn nước sinh hoạt
Để có nguồn nước ngọt sinh hoạt, người dân lấy đâu ra trong giai đoạn đầu nhiều cơ cực, khó khăn. Nhìn xuống phía Đông, là những đụn cát, cây bụi um tùm, bùn lầy nước đọng, muỗi mòng vô tư phát triển, Phèn đóng thành lớp trên mặt nước một màu ngà khen khét. Cư dân ở đấy chưa ai dám đặt chân đến để dựng lều cư ngụ. Lấy đâu ra nguồn nước để tồn tại. Họ thảng thốt nhìn lên núi Phước Tường, nơi dọc theo chân núi có nhiều khe nước chảy ra từ các mạch ngầm mà về sau họ gọi là các con hố. Và thế là họ băng vào chân núi trổ nước chảy về làng từ các hố nước ngọt này. Giếng bấy giờ chưa có, và họ cũng chưa thể sáng tạo ra cách nào đào sâu xuống đất để lấy được nước, khi mà tư liệu sản xuất của họ chỉ là những miếng đất gò khô kiệt nước, những bụi lùm sim, dủ dẻ, cây chổi, cây rang mọc lúp xúp dưới triền núi Phước Tường và đất là đất thịt pha cát chen lẫn với đá ong, kéo dài từ chân núi Đất (thuộc Hòa Thọ Tây nay) của xã Hòa Cầm đổ dài theo chân núi đến truông Tranh và dài theo chân núi Phước Tường. Dụng cụ lao động của họ mới chỉ là cái liềm, cái rựa, cái phạn không dễ gì đào được giếng lấy nước, mặc dầu tri thức của họ về đào giếng lấy nước để tồn tại không phải họ không biết.
Trong điều kiện như vậy họ buộc phải nghĩ ra phương thức dẫn nước, ít nhiều có theo cách dẫn nước của người Chàm đã từng dẫn nước từ các con hố dưới chân núi về nhà để sinh hoạt. Và họ đã cùng nhau bắt tay đào mương dẫn nước đến tận mỗi nhà. Các cụ già trong làng kể rằng: Hồi đó ông bà có được gáo nước là dữ dội lắm, quý lắm. Họ đào mương từ chân núi ra nối với đầu khe, đầu hố, theo đó dẫn nước chảy ra, Nước theo mương cứ thế theo triền dốc từ trên cao đổ xuống thấp. Mương dẫn nước chạy ngang qua mỗi nhà. Tại đây mỗi gia đình đào một cái hục, để nước chảy vào, chừng nào nước đầy hục, dùng đất đắp bịt miệng hục lại, nước tiếp tục chảy sang nhà người khác. Sau một thời gian độ nhai dập bả trầu, nước lóng lại, họ gạn lấy nước trong dùng vào việc ăn uống, tắm gội,… Chuyện tìm nguồn nước của người làng Đông Phước xưa là vậy. Quả là khó khăn nhiều bề tạo nên nhiều cơ cực.
Làng Đông Phước thuở trước định cư trên vùng núi đồi, gò, cập, cấm lô nhô đất chen với đá ong khô xốp. Để định danh phân biệt họ đặt tên: cập Ứng, gò Trọc, gò Đồ, gò Đá, gò Lăng, gò Dàng, gò Tràm, lăng Gọng, cồn Bốn, cồn Đình, Cấm, Rẫy, truông Tranh, cây Quắn, … đổ dài từ chân núi Phước Tường thoai thoải xuống một vùng đất bằng phẳng giáp với Hố Quê sau gọi Hoá Khuê (Ô Châu cận lục). Đất đai, ruộng vườn phần nhiều là đất bạc màu. Ruộng nhất nhì đẳng điền không có, chỉ toàn là loại ruộng hạng ba, hạng tư là đa số, nhưng người dân tin rằng có bàn tay lao động, với ý thức cần cù, chịu khó đã biến một vùng rừng, đồi gò, cậy bụi, cỏ tranh, các loại đế [[3]] dày đặc phân bố từ chân núi Phước Tường xuống đến giáp làng Quá Quê [[4]] thành đất đai màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp.
- Nước nuôi trồng thuốc lá, cây hoa màu
Ngày mới lập làng, trung tâm làng đóng dưới chân núi Phước Tường gần những cái khe, cái hố, con suối, cư dân buổi đầu định cư sống dọc bên những đường mương nước chảy từ khe, hố ra mà nay trong dân gian còn lưu truyền:
Hố Sung cho chí hố Giông
Khe Sứ, khe Cạn, bàu Vùng, hố Tre
Trong sản xuất nông nghiệp lấy nước tưới tiêu cho ruộng rẫy vẫn nhờ vào nước mưa và nước từ các con hố: hố Ồ, hố Sung, hố Giông, hố Cửu, hố Nguyên, hố Xoài, hố Ba Khe,… Đôi khi họ lên tận Eo Gió (nơi núi thấp xuống phân biệt giữa dương Nhứt với dương Nhì) để khơi thông nguồn nước. Những hố, khe đó đã đổ nước vào vùng trủng bùn lầy dưới chân núi Phước Tường, tạo nên những vùng ruộng lúa tương đối tốt. Theo đó, cây lúa sống được nhờ khử phèn để cấy trồng nên lúa sống tốt nhưng năng suất không cao. Đặc biệt để có nước tưới tiêu cho cây thuốc lá trồng kín gò Đồ, dài xuống tận vườn Lài, hoặc vườn Chụt vào đến lăng Gọng giáp ruộng, và gò Lăng giáp Phong Lệ (nay là Phong Bắc, Hòa Thọ Đông), nguồn nước có được bằng cách dẫn theo mương từ các con khe, con hố trong núi Phước Tường ra. Để giữ nước, đầu và cuối đám thuốc, người nhà nông đào cái hục, mương nước chạy ngang qua đổ nước vào hục, dùng đôi gàu nam gánh nước tưới cho cây thuốc lá và cây sắn.
Vùng đất tiếp giáp là cây đế – loại cây cùng họ với cây mía, ngọt lợ – chạy dài liên tiếp giáp với trảng Trường Thi (sân bay Đà Nẵng ngày nay) và cũng từ đó giáp với thành phố Đà Năng bây giờ. Thiên nhiên như vậy, không có sự ưu đãi nào, ruộng nước của làng do nhân dân đã khai phá từ những vùng nước của khe, suối nên đất không lấy làm tốt lắm. Mùa hè khô hạn phải dẫn nước từ các con hố ra, dùng gàu giai, gàu sòng tát nước vào ruộng, do đó mà năng suất lúa và hoa màu phần nhiều là thấp [5]. Vì vậy, người nông dân bám ruộng vườn quanh năm nhưng năng suất vẫn thấp, cuộc sống rõ ràng không no đủ và không có ngày giáp hạt. Để có được một ngày hai lần lửa đỏ, dân làng phải tận dụng thêm đất vườn, đất thổ trồng khoai, sắn và hoa màu phụ các loại như đậu, mè, củ trút, củ môn, củ dông; các loại rau lang, rau muống, bí, bầu, đu đủ… nhằm cải thiện thêm trong cuộc sống. Tổng số ruộng nước của làng là 25 mẫu, cấy 2 vụ chính trong năm, số còn lại là đất gò (Gò Đồ, gò Trọc, Gò Đá, Gò Lăng,…Cập Ứng; đất cồn có Cồn Đu, Cồn Đình, cồn Bốn,… và đất vườn, đặc biệt đất cồn thích hợp với loại cây thuốc lá, mè, đậu phụng. Ngày trước dân làng gọi cây thuốc lá là “thổ nghi” của làng. Do vậy, sản phẩm này cùng với làng Nghi An (Hòa Phát), Cẩm Bắc (Hòa Thọ), Gò Mô (Khuê Trung) tạo nên thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ thì ở đâu, ai cũng biết.
- Mạng lưới dẫn nước về nhà
Người làng Đông Phúc xưa tự nguyện phối hợp nhau và đồng thuận trong việc lấy nước từ các con hố cung cấp cho dân làng mà không có sự tranh chấp nguồn nước. Nguồn nước chảy từ hố ra đến vùng đất bằng phẳng nhập lại thành một. Hoặc có mương từ hố Dông chảy ra họ dẫn một đường nước. Tại điểm gặp nhau này nước được chứa trong một hục lớn. Từ đó, nhiều con mương chia nước xuống cho dân làng. Chảy ngang qua nhà ông [6] Hương Khánh, Hương Hành, ông Hội Cúc, Thủ Am, Bộ Thiệu, ông Bốn Khánh (Khánh Sành), ông Tâm dần xuống đến vườn Chụt, vườn Lài,… tuy rằng thưa dân nhưng có người ở. Theo đó, các thiết chế văn hóa tập trung chung quanh làng: đình làng tại cồn Đình (xem là trung tâm làng); phía nam là miễu Phước Hòa (nay là Tây Phước); phía Tây – Nam giáp Đồng Bé, Đồng Lành (Phong Lệ) có miễu Cao Các Quảng Độ; phía bắc gò Đồ giáp làng Tân An có miễu Tam Vị, Thái Giám, lăng Âm Linh. Phía Nam vườn Lài là Nhà thờ chư phái tộc, Chùa làng. Từ đây nhìn xuống cánh đồng lúa có miễu Bà.
- Do đâu cư dân Đông Phúc dịch chuyển xuồng phía Đông của làng
Theo một số gia phả ghi chép các đời sinh sống tại làng đến nay, cho chúng tôi ức đoán rằng người dân Đông Phúc lập làng sinh sống trên vùng đất gò Đồ, tọa lạc dưới chân núi Phước Tường trên dưới tám đến chín đời, sau đó họ lần lượt dời xuống sinh sống tại phía Đông làng. Một số gia đình sinh sống dọc theo cơ số ruộng tại hóc Lầy, tiếp giáp với Phong Bắc như gia đình cụ Hương Hành, Bốn Khánh còn trụ lại, do dễ lấy nguồn nước từ ao ven ruộng để sinh hoạt. Kinh tế thời bấy giờ chủ yếu là trồng thuốc lá, nuôi bò, đi củi, cắt tranh và cày cấy trên một diện tích ruộng không nhiều. Ngay từ khi lập làng, hồi cố các ông hương, ông cửu, ông thủ, ông biện, ông trùm,… trong làng kể rằng làng Đông Phước xưa là Đông Phúc, về sau do kỵ húy nên Phúc đổi thành Phước. Trong Địa bạ triều Nguyễn lập thời Gia Long từ năm 1805 – 1836 địa danh làng ghi Đông Phúc. Thời bấy giờ diện tích có là 157 mẫu 6 sào 5 thước 4 tấc (trong đó tư điền người làng 23 mẫu 0 sào 2 thước 2 tấc (14,65%); tư điền của người nơi khác 4 mẫu 6 sào 3 tấc 2 thước (2,56%); đất hoang nhàn 130 mẫu 0 sào 0 thước 0 tấc (82,80%). Như vậy, tính chung tư điền của người Đông Phúc và tư điền người nơi khác đến mua, hoặc khai trưng là 27 mẫu 6 sào 5 thước 4 tấc, trong đó vừa đất ruộng, đất thổ, đất cồn, đất gò, đất núi của tư nhân trực tiếp sản xuất, làm nhà ở là 27 mẫu linh (17,19%). [7] Dân số bấy giờ không nhiều chỉ bách đắt nhơn dư (chỉ tính dân đinh dân tráng) được ghi vào sổ đinh, còn người già, trẻ em không tính. Vậy thì người dân làng Đông Phước tuy diện tích rộng nhưng người dân sở tại sử dụng 23 mẫu 0 sào 2 thước 2 tấc của tổng diện tích 157 mẫu của làng. Điều này cho biết đất hoang nhàn 130 mẫu như Địa bạ triều Nguyễn thống kê là số lượng lớn. Theo đó, có thể nghĩ rằng người làng nói “đắc bách nhơn dư” là chấp nhận được. Đất đai là lực lượng sản xuất của người dân nông nghiệp, nhưng bỏ hoang nhàn 130 mẫu nhiều đời như vậy, hỏi làm sau không nghèo cho được. Bỏ hoang cũng bởi do điều kiện thời bấy giờ người dân không đủ năng lực khai phá vùng đất bằng phẳng tại trảng Đình, từ ao Cù đến giáp với làng Tân An, An Khê. Khó cũng bởi vùng phía Đông cây đế (cùng họ với cây mía) phân bố dày rậm mà chiếc cày chìa vôi mang từ ngoài vào làm sao có thể khai phá vùng đất mà rễ đế ken dày đan xen nhau sâu dưới dất. Lại thêm, xưa kia đây là vùng đất ẩm ướt, bởi ở đó có hố cạn, nước chảy lai láng thường xuyên. Mãi đến khi người làng mô phỏng cái cày như cày khai phá của người Chàm, họ mới có thể có dụng cụ lao động tương thích.
Thế nhưng do đâu mà người dân sở tại của làng bám chặt lấy vùng gò Đồ làm ăn sinh sống trong nỗi khó khăn cơ cực đến ngót nghét tám, chín đời? Mãi đến khi không thể tồn tại nơi này được mới tiến xuống phía Đông lập thêm hai xóm nữa là Phước Thọ, Đông Thạnh. Bấy giờ cư dân sở tại bỏ hẳn vùng đất gò Đồ không thiết lập nhà cửa để ở mà sử dụng vùng đất gò này vào việc trồng cây thuốc lá, chen xen cây sắn mà về sau cây thuốc lá góp phần tạo nên làng nghề thuốc lá Cẩm Lệ có mẫu mã, đẩy cây lúa xuống hàng thứ yếu.
Vấn đề dịch chuyển nhân khẩu xuống phía Đông của làng, trước hết thấy rằng đất phía Đông làng còn rất rộng và bằng phẳng. Đây là số lớn đất hoang nhàn. Phía Đông giáp Hố Quê, phía Bắc giáp Tân An, An Khê, phía Nam giáp Bình Thới. Tuy nhiên theo chúng tôi – là người làng – nhận thấy rằng ức đoán từ đời thứ tám, chín, dân kéo xuống phía Đông làng để ở và sinh sống. Bởi nguồn nước tại gò Đồ không đảm bảo vệ sinh cho tồn tại và phát triển. Người làng xưa kể rằng: Xưa tê ở trên gò Đồ nước độc lắm, trẻ con đau ớm, bụng sình, chướng khí, mỏi mệt triền miên, người già tuổi thọ không nhiều. Một số trẻ em sinh ra được vài tháng rồi mất do đau ớm, bịnh tật[8]. Họ quy việc bệnh tật chết chóc do nước trong các hố từ chân núi Phước Tường chảy ra độc hại, không thể phát triển được.
Đây là cái lý của người làng Đông Phước.
Nhưng quả thật do nguồn nước bị ô nhiễm trong quá trình chảy theo mương từ núi ra đến nhà này, sang nhà khác. Dẫn nước bằng cách cho nước chảy theo mương (sâu chừng 10 – 30 cm; rộng chừng 25 cm) nước sẽ chảy từ cao xuống thấp, do nền đất thịt pha cát nên độ thẩm thấu ra đất chung quanh mương không nhiều, lượng nước chảy trong mương ít bị hao hụt nên có thể chảy từ gò Đồ đến vườn Chụt, cồn Bốn, vườn Thà, vườn Lài vẫn được.
Trong quá trình chảy nguồn nước bị ô nhiễm và ngày càng ô nhiễm hơn khi người dân nuôi bò, heo, gà, vịt, ngang ngỗng, chó, mèo ngày càng nhiều theo đà phát triển. Trên mương nước đang chảy về hục cạnh nhà không thể kiểm soát được các con vật nuôi gây ô nhiễm thế nào, chỉ nước tiểu, phân của các loài vật này đổ vào mương nước đã là một sự ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng người dân vẫn phải gạn đục khơi trong mà dùng, ngoài ra không còn cách nào khác.
Như thế do biến đổi khí hậu, do môi trường sống không đạt tiêu chuẩn tối thiểu làm cho nguồn nước bị ô nhiễm gây ra hiểm họa tới sức khỏe người dân tại đây. Cũng có thể nghĩ đến sự tồn vong nữa là đằng khác. Nước ô nhiễm gây ra các bệnh dịch, bệnh đường ruột (kiết lỵ, a míp, tả, thương hàn,…) bệnh da liễu, bệnh về mắt, phụ nữ mắc bệnh phụ khoa nên việc sinh đẻ không phải dễ dàng. Chúng tôi cho rằng do các nguyên nhân trên mà chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước từ các con vật nuôi gia súc, gia cầm đã đổ một lượng chất thải mang nhiều mầm bệnh vào mương nước. Cho nên cả làng kém phát triển, kể cả phát triển nguồn nhân lực, họ dùng dằng mất đến tám, chín đời tồn tại trên vùng đất gò Đồ mới thoát ra, tiến về phá Đông lập xóm mới và ổn định từ bấy đến nay.
Lấy trường hợp một gia đình họ Võ của làng, ban đầu đến định cư lập làng với một số người ít ỏi, sau một vài đời tồn tại và phát triển, nhân khẩu tăng lên. Nhưng kế sau đó biểu đồ cho thấy sự teo tóp về nhân khẩu, trẻ em sinh ra chết nhiều, người dân cho rằng do nước độc, không thể khỏe mạnh được. Xem trong gia hệ của họ trẻ em chết vô danh có nhiều. Và đến một chừng mức nào đó, họ cho rằng không thể ở định cư thêm nữa trên vùng đất gò Đồ này được. Thế, đã mất tám, chín đời ra công khai phá tài bồi rồi còn gì, để đến một ngày nào đó, cả làng tiến về phía Đông sinh sống, bấy giờ họ sử dụng vùng đất gò Đồ cho sản xuất: thuốc lá, khoai lang, sắn, trồng đậu phụng, mè và chăn nuôi bò là chủ yếu.
- Nguồn nước từ các ao, hồ ven ruộng
Tiến về phá Đông làng, bấy giờ chưa có giếng đào hoặc giếng xây bằng gạch, để có nguồn nước sạch, người dân quanh năm nhờ vào ao, hồ nằm ven các miếng đất nà hoặc ven ruộng để lấy nguồn nước cho sinh hoạt hằng ngày. Việc sử dụng nước ao hồ cũng ô nhiễm không kém. Thêm, việc thải chất bả của mỗi người cũng là vấn đề dữ dội, bởi thời kỳ này nhà tiêu, hố xí chưa có nên gò bãi, mương nước là nơi thải chất bả. Ao hồ, tuy có nguồn nước luân lưu, thường xuyên, nhưng các ao, hồ ven ruộng có quá nhiều các loại trùng một tế bào như trùng đế giày,… hoặc nuôi thả vịt bầy bơi lội trong ruộng nước, ao hồ chẳng hạn, như thế cũng không phải là nguồn nước sạch.
Sau khi ổn định việc sinh sống phía Đông làng, người dân thực hiện việc đào giếng lấy nước, nhưng ngặt nỗi do quan niệm rằng đào giếng trong khu vườn ở là tuyệt đối kiêng cữ. Theo đó, cả xóm có một giếng xa khu dân cư, phần nhiều đào ven các đám thổ, đất nà như giếng Hương Sáu, giếng Tro, giếng Khánh Sành, giếng Hương Phong (các giếng này đào gần nhà dân nên lấy tên các cụ đặt cho tên giếng). Từ đây dân số của làng phát triển, một số gia đình làm ăn giàu có như cụ xã Danh, cửu Kiên,… mới có thể làm được nhà rường thượng song hạ bản.
- Nguồn nước lấy từ các giếng đào
Đến những năm 1968 – 1969 thời cận, hiện đại, kinh tế người làng ngày trở nên khấm khá, người làng có điều kiện rủ nhau đào giếng, đặt bi lấy nước. Năm, mười gia đình chung tay, công của đào một giếng tại khu đất công cộng – thường họ chọn cạnh bên ngã ba đường, hoặc bên con đường kiệt lớn, không là sở hữu của cá nhân nào – để đáp ứng việc kiêng kỵ mà đảm bảo tín ngưỡng dân gian. Từ đó họ có được nguồn nước sạch. Cạnh giếng đôi khi, thảng thấy có một khán thờ bà Thủy (thần nước), vào ngày mồng một, ngày rằm gia đình gần giếng đến thắp hương bái vọng, mong mạch nước luôn được tái sinh, để người dân có nguồn nước sinh hoạt thường ngày.
Để lấy nước người làng dùng gàu nối dây thả xuống giếng múc nước lên. Giếng sâu chừng mười đến mười hai mét là phổ biến. Cạnh giếng người ta trồng hai gốc tre, hoặc hai cây gỗ, có ngạnh. Đôi gàu nam được đặt lên hai mắt tre có đoạn nhánh dài chừng 20 cm, hoặc khoét vào giữa ngạnh của hai cây gỗ, sao cho vừa bề ngang chiếc đòn gánh đặt vào là được. Cũng có giếng để cho đẹp và tự nhiên, họ trồng hai cây dứa dại, đặt đôi gàu lên hai nhánh dứa đã được gọt đẽo phù hợp. Tại giếng ngoài việc gánh nước về dùng, trẻ em, thanh niên trai tráng mỗi chiều chiều xách gàu múc đến giếng múc nước tắm gội. Thật thỏa mái! Để đảm bảo vệ sinh nơi giếng, có giếng họ lót nền bằng gạch, hoặc tráng một lớp ciment có đường dẫn chảy vào bụi lùm nào đó, theo đó giếng được sạch sẽ, đảm bảo môi trường không dơ bẩn. Dần về sau kinh tế phát triển, nhà ngói dựng lên ngày càng nhiều, quan niệm cổ xưa được đẩy ra khỏi bản giá trị văn hóa người làng. Họ không kiêng cữ nữa, để tiện việc lấy nước, đào giếng ngay cạnh nhà. Bấy giờ, những gia đình này sử dụng giếng riêng, việc lấy nguồn nước không phải gánh gàu. Giai đoạn này, giếng nước bằng xi măng ngày càng được thực hiện nhiều. Các giếng làng dùng chung: giếng Tro, giếng Hương Sáu, giếng Hương Phong, … dần không sử dụng, theo thời gian trở nên hoang phế.
Nay thì khác./.
[1] Thổ trước: Nói người vốn sinh trưởng ở một địa phương nào đó (BT).
[2] Thách Đại Sán (1695), “Hải ngoại kỷ sự”, NXB Khoa học Xã hội, 2015.P. 157-158.
[3] Cây đế: (thổ ngữ): là loại cây cùng họ với cây mía, thân nhỏ bàng chiếc đũa ăn cơm, có vị ngọt lợ. Có thể bẻ cây đế nhai giải khát được.
[4] Hố Quê – Quá Quê (Hóa Quê, Hóa Khuê Đông, Tây ): nay là Phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
[5] Ngày nay (những năm 2000-2005), UBND huyện Hoà Vang đã điều tra và xếp loại làng Đông Phước là một trong những làng nghèo nhất huyện.
[6] Xin được gọi tên các cụ nay đã ra người tiên cổ để nhớ về thời kỳ làng nằm dưới chân núi Phước Tường, chủ yếu là xứ đất gò Đồ.
[7] Các cụ kỵ ngày xưa như cụ Võ Quyền nói rằng làng có 32 mẫu linh. Sự chênh lệch theo địa bạ triều Nguyễn điều tra không nhiều.
[8] Cụ Võ Quyền, Huỳnh Thị Lư cung cấp.