MỘT SỐ SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY CỦA NGƯỜI MIỀN BIỂN ĐÀ NẴNG XƯA

562

MỘT SỐ SINH HOẠT THƯỜNG NGÀY

CỦA NGƯỜI MIỀN BIỂN ĐÀ NẴNG XƯA

 

  1. Tổ chức xã hội làng vạn 

        Giai đoạn đầu vào phương Nam, ngư dân từ nhiều nơi tập trung lại thành vạn. Tại thành phố Đà Nẵng có vạn sống dọc ven sông, đánh bắt cá trên sông như vạn Cẩm Bình, Thủy Lục, Tuyên Sơn, Nam Sơn, Sơn Hải, Hóa Sơn, Cồn Dầu,…; có vạn sống dọc theo bãi ngang của biển và đánh bắt cá trên biển, như vạn Nam Thọ, Nam Ô, Sơn Hải,… Một vạn ở miền biển Đà Nẵng có chừng hai mươi đến năm, sáu mươi gia đình, do những hộ làm nghề đánh bắt cá tụ tập lại theo kiểu “manh lệ chi đồ tứ tập”, lập nên vạn, sinh sống ven biển. Họ cử một người có uy tín trong vạn về kinh nghiệm đánh bắt cá, dù biển ngang hay biển dọc, phải có đạo đức, có uy tín không chỉ trong vạn mà có quan hệ ngoài vạn, đặc biệt am hiểu các thành tố trong tín ngưỡng giúp cho dân vạn việc thể hiện tâm linh, giúp họ trong những lần cúng kính mong được no đủ trong nghề, làm vạn trưởng. Vạn trưởng ngoài việc có kinh nghiệm đánh bắt cá, có tri thức dân gian khi đi sông, đi biển, về các hiện tượng giông, gió, mưa, móng đôi khi có bão trên biển, vạn trưởng đưa ra được những dự đoán tương đối chính xác, giúp dân trong vạn mà còn biết cách giải quyết những việc dân sự trong vạn theo cách vận động ngư dân đoàn kết tương thân tương trợ nhau, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Trưởng vạn còn lo giúp họ giao lưu với bên ngoài và kêu gọi sự hợp tác nhau trên biển hoặc ngay tại nơi họ tụ lại lập thành vạn khi có thiên tai. Đôi khi vạn có sự dịch chuyển địa bàn từ cửa sông vào khúc sông ít sóng gió để tránh bão (nếu là vạn đánh bắt cá bãi dọc), hoặc vạn thường dịch chuyển theo ven biển bãi ngang cũng lựa chọn theo mùa, vùng nào có cá, họ xê dịch vạn đến đánh bắt. Đôi khi do quản lý lỏng lẻo về mặt hành chính của chính quyền, thành viên của vạn này trên bước đường mưu sinh tách ra gia nhập vào vạn khác. Mỗi vạn chừng 500 – 1000 người và với vài chục chiếc ghe, hoặc hơn chút ít.

Xem Video “Làng Chồ” 

                                    (youtube.com/watch)

Đến khi vạn phát triển, người đông đến chừng năm, bảy trăm người, ghe thuyền nhiều, họ được chính quyền cho nhập vào đơn vị hành chính trên bờ theo yêu cầu của chính quyền sở tại để quản lý, đặc biệt thời các chúa, vua Nguyễn để nắm lấy dân đinh, dân tráng để thu thuế, bổ sung quân.

       Các làng chài dọc bờ biển Đà Nẵng không ai làm nghề nông, nhưng vạn chài trên sông lại có hộ làm nghề nông bên cạnh nghề đi sông đi biển. Theo ông Đào Ngọc Châu trong hồi ký Giành chính quyền ở Mỹ Thị, trước năm 1945: Người Mỹ Thị kể cả nam nữ, già trẻ ước chừng năm trăm người sống trên bờ, còn chừng một ngàn người thường xuyên sống trên ghe. Bà Đa hồi này gọi là xóm trực thuộc xã Khuê Bắc, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Gia cư quần tụ chừng tám mươi hộ, làm nghề nông…[1] Các làng vùng phụ cận làm nông nghiệp có lý trưởng và bộ phận ngũ hương giúp việc trong quản trị việc làng. Hoặc như Vạn Du có chừng hai mươi gia đình và bảy mươi người trở lại, không đông hơn một trăm, kể cả người già, con trẻ tạo nên xóm Vạn, tồn tại đến mùa xuân năm 1946, sáp nhập vào xã mới có tên là An Bắc. [2]

       Như thế vạn do người dân tứ phương tự nguyện tập hợp lại và lập nên vạn, việc ứng dụng các phong tục tập quán liên quan đến đời sống ngư dân do ngư dân trong vạn thiết lập nên theo vòng đời người. [3]

  1. Ăn

       Người miền biển Đà Nẵng cũng như người miền đồng bằng, miền núi, cơm là lương thực chính, cùng với cơm là canh, cá và cũng theo quan niệm rằng đói ăn rau đau uống thuốc. Theo đó phần ăn của người miền biển cơm rau cá là chủ yếu. Ngoài các loài cá, các loài nhuyễn thể, người miền biển Đà Nẵng còn có các loại nước mắm, trong đó mắm cái là chủ yếu trong khẩu phần của họ.

       Thời kỳ đầu mới định cư, mắm cái chưa xuất hiện, dùng sản phẩm từ biển của ngành ngư nghiệp, pha chế với sản phẩm ngành nông nghiệp thì có: đầu tôm nấu với ruột bầu,…mãi khi tiếp thu kỹ thuật làm mắm của người Chăm, người Đà Nẵng làm được mắm, và lấy được mắm nhỉ từ mắm cái. Làng chài tại Đà nẵng cho ra đời loại mắm này là Nam Ô. Về sau, phát triển thành làng nước mắm Nam Ô vang tiếng một thời. Nay vẫn còn. Thời xưa, vào những năm 1600, người nước ngoài đến Đàng Trong có nhận xét rằng: thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ: toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm, họ xới thật nhiều cơm ngay khi ngồi vào mâm, rồi chỉ gắp sơ sơ vài nếm náp các món thịt như để theo nghi lễ.[4] Trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, John Barrow cho biết sản phẩm làm thực phẩm thời ấy của người miền biển Đà Nẵng còn ít ỏi. Theo sự quan sát của ông, “người ta dùng một phần lớn các loài sâu biển làm thức ăn mà các nhà tự nhiên học gọi chúng là lớp Mollusca (nhuyễn thể). Thí dụ như những giống khác nhau của các loài Méduses,[5] Holuturies, Actines, Ascidies và Doris, họ dùng để chế biến ra những thực phẩm cao cấp hoặc mặt hàng buôn bán như loài hải sâm, thường được gọi là Trepan, thuộc giống Holuturies hoặc Actinia. Họ dùng làm thức ăn mọi chất keo có nguồn gốc động vật hoặc thực vật lấy được từ biển. Trên nguyên tắc đó, họ ăn mọi loại rong, tảo biển thuộc giống Alga, đặc biệt là những loài được biết với tên gọi là Fuci và Ulvae” [6].  Ngày nay, những việc tìm kiếm nguồn thức ăn của người miền biển Đà Nẵng đã được mở rộng, các phương tiện ra khơi và đánh bắt cá đã phát triển đáng kể, theo đó họ đã đánh bắt gấp nhiều lần thời xưa cũ. [7] Và thức ăn của người miền biển Đà Nẵng không chỉ là cơm, cá, các loại rau truyền thống bản địa mà đã có sự giao lưu tiếp biến các món ăn Đông, Tây phong phú và đa dạng. Ngày nay, người ta nhìn vào mâm cơm của một gia đình vạn chài, làng chài miền biển và một gia đình làm nông truyền thống, không phân biệt được nét đặc trưng của biển với đồng  bằng, miền núi. Ngoài cơm là chủ lực, các món ăn như thịt, cá, rau, củ, quả được chế biến trở thành những món ăn ngon miệng, nhiều dinh dưỡng được trình bày đẹp mắt. Điều không có sự khác biệt so với thời các nhà truyền giáo đến Đàng Trong của ta quan sát, trong những bữa tiệc tùng, giỗ quảy truyền thống, các món ăn được đặt lên bàn và đôi khi có lúc người phục vụ bày biện các món ăn chồng lên nhau như trước đây người ngoại quốc đến ta đã ghi chép trong nhật ký hay các bản tường trình của họ.

Thuyền em ngược, bè anh xuôi

Chờ em kho cá, trao anh đói lòng.

– Ai về nhắn với nậu (bạn) nguồn

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

– Tôm vằn lột vỏ, bỏ đuôi

Giả gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.

       Trong số các loại cá dùng làm thực phẩm, những loại hải sản thường dùng để làm mắm và nước mắm như: ruốc, cá cơm, cá nục, cá dảnh… Những loại hải sản thường chế biến gỏi như: cá nhám, cá cơm, cá lạt… Những hải sản thường sử dụng làm mắm thính như: cá dổi, cá chuồn, cá liệt, cá trích, cá ve .v.v… Những hải sản có giá trị kinh tế cao như: mực nang, mực thước, mực ống, tôm hùm, tôm bạc…, cua gạch, ốc hương, ốc xa cừ, vi (vây) cá nhám, cá bớp, cá cu, cá thu, cá mú, cá hanh, cá đối cồi, cá bò vi vàng (cá ngừ đại dương)… Trong số những loài cá dùng làm thức ăn của người miền biển Đà Nẵng, cũng như người miền biển Quảng Nam thì các loài chim, thu, ngừ, mú là bốn loại cá ngon của biển Quảng Nam, Đà Nẵng. Đồng thời, như John Barrow miêu tả người miển biển Đà Nẵng cũng dùng các loại rong. Thì đấy, từ xưa người Đà Nẵng gọi loại thực phẩm này là hải vị. Hải vị và món hàu tạo nên món ăn ngon nức tiếng, cùng với rong biển (còn gọi là mức) tạo thành thành ngữ chỉ định các món sơn hàu hải vị, món ăn xưa nay hiếm mà ngon của người xứ Quảng.

       Thời xưa, cùng với cơm là các loài rau, theo quan sát của John Barrow, thì các loài “rau mọc trong vùng đầm lầy như các loài: Salicornia, Aremaria, Crithmum, Maritimum hay cây rau Samphire [8] và nhiều thứ khác nữa mà họ dùng để nấu canh hoặc hầm với thịt, hoặc ăn sống (rau sống) để bữa cơm thêm phần ngon miệng”. Từ hạt gạo, người miền biển Đà Nẵng cũng biết cách chế biến thành bánh tráng, miến (gọi là Lock-soy), hoàn toàn trong suốt. Miến đem nấu canh với lòng gà, hoặc xào với các loại thịt thì ngon.

       Thời nay, nhiều loài rau, trong đó có các loài rau bản địa: húng, quế, ngò, rau muống, rau dềnh, rau lang,…thêm các loài cải. Cải có nhiều loài đã tham gia vào bữa cơm gia đình không có sự phân biệt giữa người miền biển, đồng bằng hay miền núi. Điều khác biệt nhận ra nằm trong hệ thống kiêng cữ của họ và phương ngữ sử dụng thường ngày, một chừng mức nào đó có thể nhận ra sự khác biệt phong cách ăn uống kết hợp với các thói quen của người miền biển.

       Thịt các loại ít được sử dụng trong mỗi bữa ăn mà cá biển là thực phẩm chủ yếu hằng ngày của họ. Những ngày giỗ kỵ ông bà mới có thịt heo hoặc thịt bò là hai loại thịt phổ biến vùng biển Đà Nẵng. Thêm, có thịt gà, thịt vịt cũng phổ biến nhưng thường ngày không xuất hiện trong các bữa cơm gia đình của họ. Bên cạnh cơm còn có khoai môn, khoai lang, khoai từ, sắn, …là lương thực bổ trợ thường xuất hiện trong những ngày mưa lụt, gió bão. Dân miền biển Đà Nẵng một ngày hai lần lửa đỏ, không có bữa mai mà có bữa nửa buổi sáng và nửa buổi chiều. Sách du hành của J. Barrow những năm 1792 – 1793 cũng chép rằng: “xứ Nam Hà ngày chỉ ăn có hai bữa: một bữa vào khoảng 9 – 10 giờ sáng, bữa kia vào lúc xế chiều”. Thì đúng thế, người miền biển nói riêng và các miền khác nói chung thường nói: ngày hai lần lửa đỏ, chứ ít nghe nói ngày ba lần lửa đỏ. Đối với ngư dân ra biển cũng thế và không bao giờ ăn no bụng. Điểm dọn cơm hoặc nơi bếp, hoặc sàn nhà chồ, hoặc phản, hoặc ngay trong mui chiếc ghe nan, mọi người ngồi vây tròn quanh mâm cơm. Vậy là ăn vẫn ngon miệng, không câu nệ ghế cao bàn sạch. Vào thời nhà là ghe nan, việc ăn uống được tổ chức ngay trong khoan ghe, phía trên có che mái cong xuống hai bên thành ghe, tạo nên căn buồng, gọi là mui. Ghe nan lớn có 5 mui, 6 mui, đủ cho một gia đình ba thế hệ. Đấy là tất cả cho một gia đình làm nghề chài lưới trên biển, trên sông.

       Vào cái thời làng Nại Hiên lấy nước làm muối lấy tre làm nồi, thì dụng cụ sử dụng cho việc chuẩn bị một bữa cơm đạm bạc trong gia đình làng vạn chắc rằng kim loại chưa phổ biến dùng vào việc đúc nồi, soong, chão. Bấy giờ phổ biến là nồi, niêu, trách, trã bằng đất nung. Xứ Quảng nổi tiếng làng gốm Nam Diêu sau quen gọi gốm làng Thanh Hà đã sản xuất được ngói âm dương, gạch, các loại trã, trách, nồi, om,… cho việc bếp núc. Thậm chí củi đun cũng vất vã lên núi Sơn Chà, hoặc đi ghe ra chân đèo Hải Vân tìm củi đun hằng ngày. Củi thời ấy cũng khan hiếm cho nên theo thói quen người dân gọi gạo châu củi quế. Không chỉ các làng chài phía đông sông Hàn mà dân cư vùng phụ cận và vùng tả ngạn sông Hàn, thời ấy để có củi đun phải nhờ cậy vào dân các làng dưới chân núi Phước Tường, hoặc từ các làng “ngoài Ải” như Kim Liên, Thủy Tú, Liên Chiểu,…cung cấp bằng những gánh củi từ trên núi xuống. Một gánh củi chạy từ non ra biển  là biết mấy gian truân. Thời cách nay chừng trên dưới một trăm năm, củi từ rừng gánh xuống gửi bán tại nhà bà Thông Khòm (chợ Mới) dần phân phối cho người tiêu dùng. Hãy nhìn vào bức ảnh làng Thanh Khê thời thuộc Pháp – (phần sưu tập), là đất nhượng địa do Pháp quản lý – những mái nhà tranh lúp xúp, không một bóng cây thì việc có được que củi đun bếp quả là điều phải đặt ra thường xuyên. Dân cư thưa thớt một làng chừng đắc bách nhơn dư, thế đã là nhiều. Những khó khăn thời kỳ đầu lập nên các làng chài trải qua hàng thế kỷ, nên việc tạo được nguồn lương thực hằng ngày không phải dễ dàng. Ngay trong bếp, các chị, các bà vẫn còn phải sử dụng dụng cụ bằng tre, mây cho nhu cầu nấu nướng, từ đôi đũa bếp, cái cặp, cái rá đựng cơm / rau, cái rế bắt nồi,… đều là sản phẩm từ nền kinh tế nông nghiệp cung cấp. Phía sau ghe, chỗ bánh lái che ra một tấm phên gọi mê lò, dưới mê lò đặt ông táo bằng đất sét, gọi là bếp lò. Đấy cũng là sự giao lưu hàng hóa các vùng miền.

       Vào thời Pháp thuộc, kim loại đã bắt đầu xuất hiện ít nhiều trong việc đúc thành những chiếc nồi đồng, nâm, thau đồng và một vài dụng cụ khác, nhưng cũng chỉ những gia đình giàu có, phú hộ, chứ người dân thôn quê và ngư dân miền biển thật hiếm thấy các loại dụng cụ bằng kim loại trong nấu nướng.

       Các nhà truyền đạo phương Tây đến Việt Nam vào các thế kỷ XVII – XVIII, đã thấy các gia đình người Việt sử dụng nồi bằng kim loại để nấu cơm. Thời ấy, người miền biển Đà Nẵng nấu cơm, thảng có gia đình làng vạn đã biết sử dụng nồi bằng sắt. Các nhà truyền đạo, các nhà buôn đến cửa Hàn, ghi chép việc người miền biển nấu cơm, dụng cụ để nấu một bữa cơm chỉ có “một lò đốt bằng đất, một nồi sắt nấu cơm, một cái chão dùng để xào rau với dầu ăn và một vài chén bát bằng sứ” (John Barrow). Và có lẽ những dụng cụ như thế vào thời thuộc Pháp, người Đà Nẵng vùng phụ cận cũng thường sử dụng và đây quả là điều khác biệt rất xa với thời kỳ lập nên các làng chài, xóm vạn.

       Dần khi xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống ngày càng nhiều và hiệu quả, từng bước lan tỏa, giao thoa vào các quốc gia trên thế giới, theo đó hàng hóa có yếu tố công nghiệp được các nhà buôn Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Ý, Ba Tư, Ả Rập,… trao đổi, buôn bán. Từ đó, những nhu cầu thiết yếu của người dân không chỉ dân vạn làng chài mà người dân vùng nông nghiệp, miền núi đã bắt đầu tiếp nhận những thành tựu của công nghệ tiên tiến hơn so với trước. Dụng cụ, đồ dùng trong nhà bằng kim loại được thay thế dần dụng cụ tre, mây trong việc bài trí nội thất gia đình và cho tổ chức một bữa cơm ăn. Và không chỉ là bữa cơm, mà các nhu cầu khác đều theo đó dần có sự khác biệt đáng kể. Thời nay, bữa cơm không còn là bữa của dân vạn làng chài mà ở đâu người ta cũng có thể bắt gặp bữa cơm giống nhau cho dù là miền núi, đồng bằng và miền biển. Và nguồn lương thực phong phú, đa dạng cả ẩm, cả thực có quá sự khác biệt với trước đây hàng bao thế kỷ.

  1. Mặc

       Mặc là nhu cầu cần thiết sau cái ăn và trước cái ở. Việc ăn mặc của người miền biển Đà Nẵng, ban đầu khai phá vùng đất, họ đơn giản trong cách sắm các loại y phục cho phù hợp với đời sống thực tiễn biển giã của những ngư dân. Dần, y phục được thay đổi nhiều nhất vào thời kỳ các chúa Nguyễn. Chân không may dép, thường đi chân trần. Thời cận đại, trên những chuyến ghe bầu, ngư dân đi biển thảng vẫn có người không mặc áo, chỉ mặc quần giây lưng rút có bốn múi thả xuống phía trước, mà ta tìm thấy trong ca dao người miền biển:

-Gió nam thổi xuống lò vôi

Ai đồn ta với bạn có đôi bạn buồn

Dời chưn bước xuống ghe buôn

Sóng bao nhiêu dợn,

                dạ em buồn biết bấy nhiêu

Dựa cột bườm gió thổi hiu hiu

Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng

                  điều không khô

Dạ chung tình thảm thiết chừng mô

Con cá lui về biển Bắc,

                 bỏ chiếc nơm khô một mình.

       Thời các vua nhà Nguyễn, y phục của người Đàng Trong nói chung và Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng đã được cải tiến nhiều và có phần phong phú hơn. Cristophoro Borri miêu tả y phục trong bản tường trình về xứ Đàng Trong năm 1621, người Đàng Trong bấy giờ đã mặc khác xưa. Đoạn văn sau đây cho biết cách trang phục của người Đàng Trong vào những lúc hội hè:  “Còn về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi. Bắt đầu từ phái nữ, phải nhận rằng cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cả Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoát vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị. … Đàn ông thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu cái áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ống tay rộng và dài như ống tay các tu sỹ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo léo và đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”. [9] Theo đó, có thể nhận ra rằng vào thời cận – hiện đại, y phục của người Đàng Trong được miêu tả trong bản tường trình của Cristophoro Borri về Ý vào những ngày hội hè, ngày tết, hoặc những người đi lễ tại các họ đạo, nhà thờ, họ ăn vận đẹp, phù hợp với điều kiện sinh hoạt. Còn cư dân sống trên môi trường biển giã, ngoài những bộ y phục đẹp, đắt tiền dùng cho ngày hội, còn vào những ngày lao động lênh đênh trên biển, họ mặc đơn giản, phù hợp với điều kiện sóng gió, nước biển lúc nào cũng ầm ào gào thét cả đêm lẫn ngày, đâu dễ cho những thao tác lao động quăng lưới, kéo lưới hay câu mực, cá, thả ống bắt cá chuồn,… được dễ dàng. Những thanh niên lực lưỡng lênh đênh trên biển, đánh bắt cá trên ghe thuyền, có lúc phơi trần tấm lưng ngư dân ra với nắng gió, chỉ mặc độc một cái quần thắt bốn múi dây lưng, mà đã chắc là màu điều như trong cao dao phản ánh là bốn múi dây lưng điều ? Hay chỉ là dây lưng rút bằng vải đủi (điều: sợi, nhỏ mà dài, vải vụn). Ngày nay, ngư dân vận y phục vào lộng ra khơi có khác, nhưng chắc vào lúc cao trào của công việc nặng nhọc kéo lưới từ biển lên họ vận chiếc quần lửng cho phù hợp, đôi khi là chiếc quần đùi, áo may ô hoặc áo thun để phù hợp với môi trường biển. Nhưng sau những ngày lao động ngoài biển, tình hình y phục lại khác, phù hợp với bờ. Và trong hội nhập thời nay, từ nhà ở đến ăn mặc ta khó mà phân biệt được người miền biển với người miền nông nghiệp.

       Theo bản tường trình của Cristophoro Borri, đã thấy cách sử dụng y phục thời các giáo sỹ truyền đạo tại Đàng Trong có phần ảnh hưởng người Chàm.

       Ngay từ khi mở đất phương Nam, băng qua núi Hải Vân, người Đà Nẵng dần xuôi xuống phía đông hình thành nên hai nhóm dân cư.

       Một nhóm tụ cư tại các dòng sông sinh sống ven bờ, mỗi nhóm không quá 20 gia đình, lập nên một vạn. Trước 1945 tại miền sông nước, cư dân thủy cư lập nên các vạn: vạn Du, Thủy Lục, Cẩm Bình, Hóa Sơn, Tuyên Sơn, Lỗ Sài,,..sinh hoạt kinh tế của họ bằng nghề đánh bắt tôm cá trên sông, nhưng đôi khi họ cũng ra lộng để làm ăn sinh sống trên các biển ngang gần bờ.

       Và nhóm khác, cư dân băng qua dòng sông Hàn, xuống tận vùng ven biển, bộ phận này thời kỳ đầu mới vào phương Nam, lập nên các làng chài, làm nhà ở ổn định và lấy nghề đánh bắt hải sản trên biển làm mưu kế sinh nhai… Vùng biển Đà Nẵng có các làng chài: Thanh Khê, Hà Khê, Nam Ô, Liên Chiểu, Xuân Thiều, Thọ Quang, Mân Thái, Mân Quang, An Hải,…Tuy nhiên một bộ phận dân cư trong số đó có thêm nghề làm nông, đốn củi, cắt lá trên núi Sơn Chà hay ra ngoài Ải đốn củi và hầm than chở về Đà Nẵng bán buôn. [10] Theo con đường tiến về phía biển của họ, việc ở đối với cư dân thủy cư lập nên các vạn chài, có thể nhìn thấy ba giai đoạn cho một quá trình phát triển.

       Vạn vào giai đoạn mới đến nơi này sinh sống, thời những năm sau 1471 các cư dân thủy cư tự nguyện tụ cư thành lập nên vạn chài vùng ven sông lập nghiệp, làm ăn sinh sống. Bấy giờ các ngư dân sinh sống trên những chiếc ghe nan. Ghe nan cũng chỉ là những chếc ghe nhỏ dài không quá 5 – 6 mét và rộng không quá 2,5 mét. Về sau ngư dân đan những chiếc ghe nan có be bằng gỗ dài 8 – 10  mét, rộng không quá 3 mét mới đủ chỗ cho một gia đình cha, con, cháu cư trú. Thời bấy giờ ghe chạy bằng bườm đan bằng lá trẹm, hoặc lá mây đan lại theo khổ kết thành cánh bườm. Họ lấy môi trường sông nước làm tư liệu với các phương tiện lưới bằng dây dừa, dây gai, đay xe nhỏ bện thành lưới, nhuộm bằng nước cây sim, cây trầm thị,…dùng làm công cụ sản xuất đánh bắt cá tôm, hoặc dùng dụng cụ rổ, rá cào hến, cào nghêu vùng ven cửa sông – cửa biển. Trước khi lập nên những làng chài, xóm vạn, [11] đời sống ngư dân thuở chưa có làng chài, chưa có nhà đất là như thế. Một người dân xóm vạn cho biết rằng tất cả những sinh hoạt đều diễn ra trên một chiếc ghe nan nhỏ mà người Quảng thường ví von: chiếc thuyền nan như chiếc đũa không một lời nhắn đưa…để có thể hình dung rằng thời kỳ đầu vào đất này sinh cơ lập nghiệp, các ngư dân thế hệ ông cha họ đã đấu tranh để sinh tồn như thế nào trên môi trường sông nước ! Bấy giờ nhà của họ là chiếc ghe nan [12]. “Người dân làng chài chúng tôi coi sông nước là nhà. Hầu như gia đình nào cũng có hai ghe, một ghe đi biển, một ghe che mui để sinh sống. Sau này, ông cha mới rời ghe lên bờ sống. Thời đó, nơi này hoang vu lắm, buổi tối nhìn ra chỉ toàn là nước, sâu hun hút. Dân làng chài phải tính đến chuyện sống cạnh nhau, che chở, đùm bọc lẫn nhau”. [13]

       Hai ghe trong đó có một ghe xuồng, thường kéo theo mỗi khi di chuyển. Ghe xuồng thường dùng làm công cụ đánh bắt cá trên sông, nơi chứa đựng ngư lưới cụ và làm nơi toilet. Tuy nhiên không chỉ đánh bắt trong môi trường sông nước mà họ còn ra biển, thường đi lộng theo biển ngang Đà Nẵng để đánh bắt con tôm, con cá gần bờ. Hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân làng vạn miền biển Đà Nẵng chủ yếu vùng cửa sông, cửa biển gần bờ, hay nói cách khác là nghề ven bờ, điều này cho thấy rằng việc đánh bắt như thế phù hợp với truyền thống đánh bắt cá xưa nay của họ, vừa phù hợp với loại ghe thuyền có trọng tải từ 2 đến 10 tấn, sức lực ngư dân, buồm giương nhỏ, vốn thường xuyên bơi lội trên sông. Nghề đánh cá gần bờ, ngư dân hoạt động lao động vùng nước có quãng sâu khoảng 10 đến 20 mét. Ở độ sâu này, phù hợp các loại ngư cụ: lưới kéo tôm, rê tôm, rùng, trũ, xăm quát, nghề câu ven bờ. Nếu ra lộng gọi là nghề lộng ngư dân đánh bắt trong vùng biển có quãng nước sâu từ 20 đến 50 mét, và dùng các loại ngư lưới cụ vây rút chì, lưới kéo cá, lưới kéo tôm, rê tôm, cản lộng, lưới tôm hùm, mành chà trên các loại ghe gỗ có trọng tải từ 7 đến 30 tấn. Còn để ra khơi – nghề khơi – ngư dân, thảng phải sử dụng chiếc ghe bầu mới có thể rẽ sóng mà ra được xa bờ. Tuy nhiên ghe bầu ít khi sử dụng đánh bắt cá vì đặc điểm của ghe bầu là loại thuyền buồm, nhờ vào sức gió tác động vào cánh buồm, việc dùng chèo chỉ là phụ nhằm ứng phó trong những tình huống cần thiết trên biển mà thôi. Trên ghe bầu có 6 đến 8 cây chèo dự phòng khi đứng gió. Vì thế ghe bầu dùng đánh cá thường dựa vào chế độ gió mùa tháng Giêng, Hai gió đông bắc và tháng Sáu, Bảy gió tây nam. Nghề khơi đánh bắt vào vùng biển có quãng nước sâu 50 mét trở lên và sử dụng các loại ngư lưới cụ phù hợp: lưới chuồn bắt cá rựa; lưới 2 đánh bắt cá cồ, cá gành; lưới ba đánh bắt cá thu; lưới 4, lưới 5 đánh bắt cá sòng, cá ngừ, cá chang. Thời kỳ đầu lập nên các xóm vạn, làng chài, lưới đánh cá là các loại đan bằng sợi đay gai, bông kéo nhỏ và nhuộm màu bằng vỏ nhựa cây sim, cây súi, cây dà, cây thị (có nhiều ở chân núi Sơn Chà và ven chân núi Phước Tường, Ải Vân, Non Nước). Thời bấy giờ tùy theo thời tiết, hướng gió mùa, mỗi năm có hai vụ cá: vụ cá nam và vụ cá bắc.

                                                Lưới 5

              (Ảnh: Võ Văn Hòe chụp tại nhà ông Lê Văn Tâm, p. Nại Hiên Đông)

        Cuộc đời của ngư dân các làng vạn, sống chết cũng trên ghe, đến khi chôn cất chỉ có thể chọn những bãi cát cạnh bìa rừng, cây bụi mọc lúp xúp, chưa có ai định danh, không có ai làm chủ và quản lý, nơi đó là của biển, của rừng bởi do biển bồi nên, được dùng chôn dân vạn làng chài sau khi đã từ giã cõi đời. (thời cận – hiện đại phải mua đất để chôn cất, không chôn tự do được). Cồn Được là một trong những nghĩa địa chôn cất những thây người lượm được trôi vật vờ trên biển. Có thể toàn thây, nhưng cũng có người chỉ là cái chân, cái tay,… [14] Đã là người của vạn thì sinh sống trên ghe và thường xuyên dịch chuyển vào ra tại cửa sông, của biển. Đấy là biển dọc. Trên một chiếc ghe nan có thể có gia đình hai thế hệ, họ sống và sinh hoạt trên chiếc ghe nan nhỏ bé đó. Mui ghe là mái nhà của họ. Thời kỳ đầu thiết lập nên các vạn, mui ghe được che bằng trục trịch tre, hai lần lớp cót. Ghe lớn có 5 hoặc 6 mui, mỗi mui là một gian ở. Dùng mái chèo và sức người để di chuyển ngang dọc trên sông. Tuy chật hẹp trên chiếc ghe nan mà người miền thủy cư gọi là: chiếc ghe nan bằng chiếc đũa… Nhìn vào đất liền, họ thảng thốt mà rằng không có đất cắm dùi; sống không gia cư chết không đất táng, thế mà họ vẫn sống bám vào sông nước để tồn tại và sản xuất nuôi sống gia đình và bản thân. Họ sinh sống đơn lẻ theo mỗi gia đình trên những chiếc ghe nan, không nơi cố định, thường ngày thường lênh đênh trên mặt nước. Và thường xuyên tập trung nhóm ngành nghề để có sự quan hệ qua lại trong nghề. Trên mặt sông có vạn mành đèn, vạn câu, vạn thuyền, vạn Nam Hải,…Hằng năm vạn tổ chức cúng vạn thể hiện tín ngưỡng trong nghề của vạn, vì mục đích cầu được an, làm ăn được mùa, con người của vạn không ốm đau bệnh tật, trong đó niềm tin căn cốt là không gặp cái rủi ro trên biển cả, sông sâu. Vạn sinh sống trên những chiếc ghe, không giống những chiếc ghe thương hồ như miệt Tiền Giang, Hậu Giang trên sông Tiền, sông Hậu ở Nam bộ, mà những chiếc ghe dân vạn sống dọc bờ sông theo vạn cùng chung ngành nghề, đôi khi ra ven biển ít bữa, nửa ngày, đến khi gió bão lại tìm nơi ẩn nấp sau một khe đá hay lưng gành, phần nhiều chèo ghe về lại xóm vạn của mình, tụ lại tại một đoạn sông yên gió. Đoạn sông An Hải, Mỹ Thị, bến Thủ Suyền,… thường là nơi trú gió bão của các vạn. Nhưng dù gì cũng phải đưa thân ra hứng gió biển khơi thổi vào từ bãi dọc theo sông. Sinh sống như thế, thường họ đành chấp nhận trong cái rủi có cái may. Sinh hoạt thường ngày của một đời người đều diễn ra trên chiếc ghe nan nhỏ bé. Đánh bắt cá để tồn tại cũng diễn ra trên chiếc ghe nan đó. Sản phẩm làm ra để tiêu dùng, không chỉ thế, họ còn dùng sản phẩm thủy sản / hải sản để đổi các loại hàng hóa vùng nông nghiệp: vải vóc, dầu đèn, lúa gạo, thuốc men,… Sau đó, từ những chiếc ghe nan, họ làm ăn tích lũy được ít nhiều, có gia đình mua sắm được chiếc ghe gỗ. Bấy giờ ghe của họ hoàn toàn làm bằng gỗ. Ghe gỗ thường lớn hơn ghe nan có ghe dài chừng 10 đến 12 mét đã là lớn, có 6 mui; đồng thời những gia đình ngư dân khá giã (như ông Phan Văn Nghiêm), ghe dài và rộng 3 đến 3,5 mét đủ cho gia đình đông người cư ngụ trên ghe, họ còn có thêm một ghe xuồng nhỏ, dài 6 – 7 mét. Ghe xuồng dùng đánh bắt cá, tôm trên sông, cá trích  vùng biển ven bờ. Và mặc dầu là ghe gỗ, nhưng vẫn chạy bằng bườm / buồm. [15] và có mui ghe, thường ghe dài, rộng có 6 mui. Mui kết cấu 3 lớp, dưới là lớp trục trịch đan bằng tre già, chắc chắn, lớp trên phủ lên một lớp cót (như phên tre nhưng mỏng hơn, đan khít hơn) và lớp thứ ba vẫn là lớp cót như lớp thứ 2. Mui kết cấu như thế, che được nắng, đội được mưa không giọt nước xuống khoang ghe. Để ghe di chuyển được, ngư dân thời chưa có máy nổ phải dùng bườm / buồm. Buồm làm bằng lá cây trẹm (mua từ Nha Trang, Phú Quốc về), hoặc lá mây, đoạn phơi khô, đan thành từng khổ vuông, chữ nhật, tam giác (tùy theo diện tích cánh buồm), kết lại thành cánh buồm, tương thích với ghe. Trụ buồm làm bằng gỗ kiền kiền thật chắc, chung quanh cánh buồm dùng tre cây, loại tre đực già, thẳng, đặt ruột, kết buồm vào khung tre bằng dây dừa, dây đay, gai về sau có dây cước, bền hơn.

      Bước sang thời kỳ mới – thời cận-hiện đại – kế tiếp thời của chiếc ghe nan, cư dân miền sông biển thực hiện việc ăn ở trên những cái nhà chồ. [16] Nhà chồ trông như những cái chòi, cắm những cái chân xuống nước, thời kỳ đầu lợp tranh rạ, lá đùng đình,  lá mây cắt trên núi Sơn Chà, núi miền tây Quảng Nam. Sau, lợp giấy dầu, che bằng phên tre. Về sau, trong thời hiện đại, mái lợp được thay giấy dầu bằng tôn chống đỡ mưa nắng, phên cũng được thay bằng tôn, hoặc gỗ, ván ép (thời 1970 – 1975). Tuy nhiên việc chống lại bão gió vẫn phải đương đầu trên các cây cột mà không có điểm tựa, neo, chống vững chắc. Những chiếc nhà chồ như thế lần lượt mọc lên trên mặt nước của cư dân thủy diện sông nước (tại thành phố Đà Nẵng nhà chồ mọc lên nhiều tại phường Mân Quang, Nại Hiên Đông). Ngư dân ăn ở trong nhà chồ có khác với ghe nan là không phải rày đây mai đó. Việc đánh bắt cá được tách riêng, ghe là phương tiện làm ăn để tồn tại, chồ là nhà, là nơi sinh hoạt thường ngày của một gia đình. Đây là giai đoạn chuyển đổi quan trọng, sau chiếc ghe nan lần lượt các gia đình bước ra khỏi ghe nan, ghe gỗ, lên cái nhà chồ. Vùng các cửa sông Đà Nẵng có làng chồ Nại Hiên Đông, Mân Quang, Nại Nam,…Tụ cư tại đây có thời điểm đến 600 hộ gia đình (1984). Đây là thời kỳ ổn định cuộc sống, điều chỉnh một bước trên các nhà chồ. Mỗi nhà chồ thời trước dài 3 mét, rộng chừng 4 – 4,5 mét. Mặc dầu nhà chồ có diện tích nhỏ nhưng được phân chia từng ngăn dùng cho mỗi đối tượng khác nhau trong một gia đình. Ăn ngủ cũng trên diện tích nhà chồ nhỏ bé đó. Tuy nhiên cũng có nhà chồ rộng 60 – 70 mét vuông (nhà ông Phạm Nghiên) [17] Ghe bấy giờ là phương tiện làm ăn trên sông trên biển biển, nơi cất đặt ngư lưới cụ. Nhà khá hơn có hai ghe, một ghe đi làm ăn, một ghe chứa đựng ngư lưới cụ và đồ dùng gia đình, nấu nướng,…Những năm từ 1954 đến những năm 1970, ngư lưới cụ có các loại hình đánh bắt bằng giả cào, lưới năm, lưới hai, lưới tư, lưới trích, mành cơm, lưới cào, lưới quát, lưới rùng, câu giàn, rớ chồ,…Chất liệu để đan các loại lưới vẫn là các loại chỉ đay, gai, vải và vẫn còn dùng sức lực của người cùng với cánh buồm để chèo, điều khiển ghe. Thời kỳ này nghề giã cào phát triển hơn, do đánh bắt được nhiều cá mà không phải ra xa, đặc biệt là các chuồn. Tại Thanh Hà Khê, hằng năm từ tháng 2 đến tháng 6 Âm lịch, ngư dân đánh bắt được rất nhiều cá chuồn. Câu ca dao phản ảnh: Cá chuồn nhiều nhất Thanh Khê / Tân Lưu quê bạn cũng nghề biển Đông. Dây cước lớn, nhỏ sau năm 1957 bắt đầu xuất hiện trên thị trường [18] và ngư dân bắt đầu làm quen với loại chất liệu này. Bấy giờ cước được mua về từng bước thay cho dây dừa, dây đay, dây gai, chỉ vải như trước kia ông cha họ dùng đan lưới đánh bắt cá tôm. Chức năng gia đình – nhà – của chiếc ghe được dịch chuyển sang nhà chồ. Bấy giờ chồ là nhà của cư dân diện thủy cư sông nước. Những năm 1964 – 1965, máy nổ gắn đuôi vịt được thay phần lớn cho những chiếc dầm gỗ dùng chèo ghe bằng sức lực con người, hoặc sử dụng sức gió bằng các cánh buồm, họ đã được máy móc thay thế đáng kể sức người chèo lái trên sông, trên biển. Và cũng từ năm 1957, vùng biển Đà Nẵng có ba trung tâm đánh bắt cá đông đúc là Thanh Khê (quận Hòa Vang, nay là quận Thanh Khê), Thiệu Bình (quận Nhứt, nay là quận Hải Châu) và Nam Thọ (quận Đông Giang, nay là quận Sơn Trà). Ba trung tâm này tập trung ghe thuyền đông nhất và là thị trường buôn bán hải sản hằng ngày nhộn nhịp nhất, nơi quy tụ bạn hàng buôn cá xuất tỉnh dưới hình thức tươi hoặc hấp, kho, ướp nước đá (đi Quảng Nam hoặc Thừa Thiên) [19]

      Những chiếc nhà chồ mọc lên san sát, ghe được cột vào một trong những cột chồ với một cơ số lưới đủ để đánh bắt và câu cá, mực theo phương thức tối đi sáng về. Ghe bấy giờ là một phần gia tài của họ. Mất ghe là mất đường mưu kế sinh nhai. Theo đó, chiếc ghe bấy giờ là rất quan trọng trong đời sống dân vạn làng chài, mà thời nay cũng thế. Và bấy giờ cư dân miền ven sông ven biển dần củng cố xóm vạn, làng chài. Vạn có một vạn trưởng coi ngó mọi hoạt động của vạn. [20] như một lý trưởng, hoặc trưởng thôn vậy, chủ yếu quan tâm đến phần tín ngưỡng của ngư dân trong vạn. Vạn trưởng thay mặt dân vạn giao tiếp với người dân trên bờ và với chính quyền sở tại. Đời sống của người dân xóm vạn chài khép kín trong những cái chồ phơi trần trên mặt sông, cửa biển. Bấy giờ mọi sinh hoạt đời thường đều diễn ra trong cái chồ rộng chừng 20 đến 25 mét vuông. Những gia đình khá hơn, nhà chồ của họ rộng 60 đến 70 mét vuông. [21] Nhà chồ của ngư dân có bố trí nơi thờ tự ông bà. Nhà lớn thường bố trí phần trên, phần dưới dành cho người lớn tuổi và trẻ em. [22] Nhà có cơi nới thêm do đông người cùng ở cũng chỉ đến bảy, tám mươi mét vuông là rộng lắm. Nhà rộng đôi khi có bao lơn quanh nhà đề đi lại và hóng mát. Nhà chồ đông người, có bốn thế hệ (ông, cha/chú, con, cháu), ngư dân làm nhà rộng, có nơi thờ tự ông bà và đủ chỗ ở. Những nhà chồ lớn thường làm một cái bệ phía trước nhà để xuống sàn. Sàn là phần dưới chồ, gần mặt nước. Chung quanh sàn không che chắn, dùng mắc võng nghỉ ngơi, hoặc trải chiếu nằm hóng gió mát về mùa hè. Nhà nghèo khó hơn, họ khoét một cái lỗ vuông mỗi cạnh chừng 80 cm. Lỗ có nắp đậy lại, mỗi lần muốn xuống sàn, họ giỡ nắp ra đưa hai chân xuống trước. Sàn cách mặt chồ chừng 1 mét đến 1,2 mét nên không cần thang hay cầu thang. Muốn xuống hay lên sàn, họ dùng hai tay chống mặt chồ nâng người lên. Trẻ em được người lớn bồng xuống mà không phải nhảy như người lớn. Sàn cũng xem như phản nằm, thuận tiện cho những gia đình đông người có thể nghỉ, ngủ ở sàn. Trong số xóm vạn làng chài sống trên mặt nước không phải gia đình nhà chồ nào cũng có ghe đi câu gần bờ, đi đánh cá. Để sắm được ghe, chỉ những gia đình khá giả mới có. Những gia đình chưa sắm được ghe phải đi làm thuê cho gia đình có ghe và có đủ các phương tiện câu, đánh bắt cá, người làng chài gọi những người làm thuê là “đi bạn”, “dân bạn”.

      Khu nhà chồ tại ven sông, ven biển Đà Nẵng tồn tại đến năm 2000 được sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, họ bước lên bờ. Bấy giờ họ có nhà đất để ở và sinh hoạt. Nhà đất có thể là những căn hộ trong khu phố đông đúc, khu chung cư có thu nhập thấp, hoặc thu nhập trung bình, hoặc ngư dân tự mua đất làm nhà, ăn ở đủ đầy phương tiện và khang trang hơn trước. Mua sắm các loại vật dụng đẹp, đắc tiền dần được quan tâm. Bấy giờ ghe thuyền của họ được cất giấu tại âu thuyền Thọ Quang. Đến mùa đi biển họ chuẩn bị dụng cụ, lương thực, thuốc men và các ngư lưới cụ có liên quan và thế là họ ra khơi hoặc đánh bắt ven bờ.

      Nhưng không chỉ người làm nghề biển mới là cư dân thủy diện sông nước sinh sống trên những chiếc ghe nan. Vùng phụ cận miền biển thì thế nào trong việc làm nhà để thích nghi môi trường làm ăn sinh sống ? Theo sự quan sát của Giáo sỹ Benigne Vachet khi đến truyền đạo tại Đàng Trong năm 1674, ông nhận xét rằng Nhà của người dân Đàng trong mọc lên từ bờ biển đến các núi đồi, nơi trên một khoảng không gian chừng một dặm, một chuỗi các đụn cát lớn và các lớp đất ba tầng được trang điểm với các hàng rào bằng tre đáng yêu. [23]

      Thời ấy, theo mô tả trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà của John Barrow, cho biết rằng biển cả đã cung cấp biết bao nhiêu nguồn sản phẩm cho người dân ở đây, Ngoài một số lớn những loài cá ngon đặc biệt, họ còn có ba loài cá balistes cũng như loài cá chétodons, nhất là loài cá có vạch đỏ tía và vàng (cá phèn, hoặc cá phèn quéo. Tg. Không rõ các loài các ghi bằng tiếng Pháp là cá gì), trông rất đẹp mắt. Để đánh được cá, người Đà Nẵng thuở xưa đánh cá bằng lưới và dùng những chiếc hom giỏ đan như những chiếc bẫy chuột, để một khi cá vào bên trong không thể ra được nữa. Theo John Barrow, quan sát: “chúng tôi cũng trông thấy họ bắt một số con cá chuồn, bằng cách thả xuống biển các bình gốm cổ hẹp, móc theo mồi bằng những miếng thịt lợn và cá”. [24]

      Năm 1886, ngay cả người tại Hàn cũng ở nhà tranh, vách đất, không cứ gì người miền biển. Thời đó, “những người phục vụ trong ngành Hải quan của Pháp thì làm việc trong nhà tạm, Bưu chính và Điện báo đặt trong một ngôi chùa; người điều khiển Bến cảng thì cư trú trong một nhà tranh sơ sài. Những người Pháp dân sự làm nghề buôn ở trong các nhà tranh, còn binh đội Pháp thì sống dồn trong các lều trại. Bấy giờ chỉ người Hoa và cơ sở thờ tự đình, chùa của người Việt mới được làm bằng gạch, đá”. Qua đó, để biết rằng cư dân miền biển Đà Nẵng vào thời ấy ở trong các mái nhà tranh, phên vách che bằng tranh rạ, thấp, để tránh bão là điều có thật.

      Còn đối với cư dân các làng chài ven biển, sau khi ổn định xong cuộc sống, có nhà ở bằng tranh tre nứa lá để trú ngụ nắng mưa, họ nhìn ra biển và thế là biển là môi trường sinh sống, tồn tại như là “vườn”, là “nhà” của họ. Cuộc đời ngư dân dù sống hay chết cũng trên mặt nước biển mênh mông. Thế nên giai đoạn đầu sinh cơ lập nghiệp của ngư dân các làng chài lấy các cồn cát bồi, gò cát ven biển làm nơi dựng nhà để ở. [25] Từ đó phát triển dần thành xóm, thành làng tụ cư tìm mưu kế sinh tồn trên biển. Từ thời kỳ lênh đênh trên chiếc ghe nan, đến tích lũy được của nãi, đóng được ghe gỗ, ghe bầu (cho giới thương nhân buôn bán), đến tàu thuyền chạy bằng máy nổ tra chân vịt là phương tiện làm ăn sinh sống phải trải qua một thời gian dài năm, sáu thế kỷ mới có được. Thực tế xưa – nay trong các làng chài miền biển Đà Nẵng, có một bộ phận làm thêm nghề nông, có cấy trồng và gặt hái, có sản xuất các loại hoa màu phụ, phần nhiều là rau các loại tại vùng cát An Hải Đông, An Hải Bắc.

      Đến lúc người miền biển lên bờ ngày càng nhiều ở trên cồn cát trong những ngôi nhà đất, rồi từ đó dần tích lũy được của cải, mua được đất, làm được nhà. Bấy giờ một bộ phận trong số họ có đất cắm dùi. Họ làm nhà tranh thấp, không quá đọt dừa, vách làm bằng phên tre, hoặc che bằng tranh săn hay tranh rạ, hoặc lá đùng đình (loại lá dùng chằm nón có nhiều trên núi Sơn Chà) đối phó với bão, gió. Trên bãi cát dọc theo ven biển, ngư dân làm nhà ở, phân bố theo từng hàng thẳng, có đường đi giữa hai khu nhà. Từ đó dần hình thành một làng chài, có quy củ về hành chính, văn hóa hội nhập với cư dân vùng sông nước và cư dân nông nghiệp. Theo sự phát triển chung, nhà cửa phát triển Thành khu An Cư 1, An Cư 2,… Trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, John Barrow quan sát: Nhìn chung, “những nhà ở vùng phụ cận vịnh Turon chỉ gồm bốn bức vách đất, mái lợp tranh, và vì những ngôi nhà đó nằm ở những nơi đất thấp, gần các dòng sông, nên thường được dựng trên bốn cột gỗ hoặc trụ đá để ngăn ngừa những loại chồn, cáo, chuột bọ hoặc nước lụt tràn vào.” [26] Họ ở đó từ thời ông bà rời ghe lên bờ kiếm miếng đất cắm dùi, rồi sinh con đẻ cái qua biết bao thế hệ. “Sau này, những gia đình có điều kiện, con cái học hành thành đạt thì vượt cái nghèo ra ngoài sinh sống. Những gia đình con cái theo nghiệp cha ông, chừ phần đông cũng bỏ nghề, chuyển sang làm lao động phổ thông như công nhân, thợ hồ, đời sống còn khá bấp bênh” [27]

      Thời nay, từ sau năm 2000, những chiếc nhà chồ được tháo giở, ngư dân miền biển bước lên bờ, họ được chính quyền thành phố Đà nẵng bố trí, hoặc tự mua sắm, sinh sống trong các khu nhà chung cư cao tầng, đủ không gian cho sinh hoạt gia đình. Người dân nhà chồ hầu hết đã có nhà riêng trong các khu dân cư được quy hoạch sạch sẽ khang trang, cơ sở hạ tầng: đường giao thông hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, điện sinh hoạt cấp thoát nước… được xây dựng hoàn chỉnh. Thuyền, ghe, ngư lưới cụ được cất giữ trên tàu thuyền, nơi kín gió tại âu thuyền Thọ Quang. Những lão ngư về già như cụ Phạm Nghiên 86 tuổi, cả đời làm nghề đánh bắt cá trên biển, nay chuyển sang nghề vá lưới đan thuê, không gian lao động của cụ được sử dụng ngay tại nhà trong khu phố sầm uất mà không phải ngồi trên bãi cát như thời trước ông cha cụ đã từng. Những hộ gia đình không chọn ở trong các khu chung cư, họ làm nhà riêng, kiên cố, hội nhập vào các khu phố xá đông người với các phương tiện sinh hoạt tương thích cuộc sống đương đại. Nhiều vật dụng gia đình hiện đại trong không gian nhà tầng rộng thoáng được quan tâm mua sắm. Trong một khu phố có đông ngư dân làm nghề đi biển cư trú đan xen với các gia đình làm nghề thương mại, công nhân, công chức, nghề phổ thông, khó mà phân biệt sự khác nhau giữa các ngành nghề trong một khu phố.

      Bấy giờ ngư dân gọi nhà của họ là nhà đất. [28] Đàn ông làng chài suốt ngày lênh đênh sông nước, trong tâm thức của họ, nhà chỉ là nơi trọ nên làm ăn dành dụm được bao nhiêu là đầu tư tàu, thuyền chứ ít ai nghĩ chuyện xây nhà cửa. Như trường hợp của ông Lê Hanh, phường An Hải Bắc, mấy đời trước bám biển mà sống. Đến đời ông mới lên bờ cất nhà. “Cũng như nhiều nhà trong làng, nhà tôi cất tạm bợ, cũ kỹ. Mãi vài năm trở lại đây, thằng con trai đi làm thợ xây, tích góp và tự tay xây ngôi nhà tương đối tươm tất thế này đây”. [29]

      Ngày nay, những chiếc ghe gỗ cỡ lớn được thiết kế thực hiện. Sáng ngày 2 tháng 10 năm 2016, ông Lê Văn Khánh phường Thuận Phước, quận Hải Châu, cho hạ thủy chiếc tàu vỏ gỗ lớn nhất từ trước tới thời điểm 2016 của ngư dân thành phố Đà Nẵng. Theo viettimes.vn, ngày 3 tháng 10 năm 2016 cho biết: Tàu cá ĐNa 90685 TS có công suất 1.394CV, có thể đạt tốc độ 12 hải lý/giờ, chiều dài 27m, rộng 7,2m, mớn nước 4 mét, có 28 khoang chứa hải sản, với dung tích gần 4 m3/khoang, cùng hệ thống giữ hải sản bằng đá lạnh giúp tàu có thể lênh đênh trên biển đến 20 ngày mà hải sản vẫn đảm bảo chất lượng. Tổng dung tích tàu chở được gần 150 tấn hàng hóa các loại. Tàu sử dụng gần 160m3 gỗ kiền kiền với kinh phí đóng tàu gần 7 tỷ đồng. Tàu được trang bị hệ thống dò, tầm ngư hiện đại cùng hệ thống thiết bị cơ giới giúp hạn chế sức lao động của thuyền viên trên tàu. Để vươn khơi xa, tàu được trang bị 2 bồn dầu với sức chứa 2.000 lít/bồn. Ngoài ra còn 3 bồn chứa dự phòng có thể tích 15 tấn được sử dụng để chứa nước ngọt và nhiêu liệu nếu cần thiết. [30]

đ. Đi lại

      Thời mới khai phá lập làng, nhà cửa cư dân sinh sống rải rác từng cụm, đêm xuống, nhìn xa xa leo lét ngọn đèn dầu mù u mờ đục. Ngoài biển, những chấm sáng đùng đục của người câu mực, câu đù gần bờ, hay ngư dân đang thả lưới. Cái thời ấy, theo ký ức những người cao tuổi vùng biển, việc đi lại chủ yếu là đi bộ bằng đôi chân trần, hoặc có mang gì dưới chân cũng chỉ bằng mo cau, mo nan, thảng có da bò, da trâu (guốc mộc Xuân Dương nếu có cũng đắc đỏ và dùng cho vùng nông nghiệp, đất can), chống lại sức nóng mùa hè từ những bãi cát như nung lên 38 độ C dưới bàn chân. Giao lưu qua lại trong xóm vạn, làng chài cũng toàn là đi bộ. Và đường đi bằng đường cát, đường đất, đường đá. [31] Không chỉ người miền biển, mà người từ vùng đồng bằng xuống biển thời khai phá cũng chỉ là đi bộ bằng đôi chân trần trên cát. Người ta không dễ đi xa năm, mười cây số. Làng nọ, làng kia, hay xóm nọ cách xóm kia là một quãng đường dài, mà mỗi lần gọi nhau phải chụm tay hú lên một tiếng dài, thì may ra mới có thể nghe được. Cristophoro Borri, một giáo sỹ người Ý đến Đàng Trong năm 1621, ông quan sát người Đàng Trong nói chung, trong đó có lẽ có người miền biển Đà Nẵng, bấy giờ họ đi chân đất, “không đi dép cũng không đi giày, cùng lắm thì họ chỉ mang một miếng da buộc mấy dây lụa và khuy trên mu bàn chân như kiểu săn đan của ta để cho bàn chân không bị đâm”.

      Theo ông Lưu Anh Rô trong bài viết Những tấm bản đồ cổ vẽ về Đà Nẵng xưa của Nguyễn Huy Quýnh vẽ thời Tây Sơn có những con đường từ Hàn ra Huế, đó là: Hải Vân Thượng đạo, Hải Vân Trung đạo và Hải Vân Hạ đạo. Đến thời vua Duy Tân (1909) còn lại một con đường thiên lý duy nhất từ Huế đến Hàn: Ở nhượng địa Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có một đường phía Bắc đến ải Hải Vân giáp giới huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên, dài 25 dặm. Và cũng trong bài viết này, ông Lưu Anh Rô cho biết các con đường thời xưa nối từ Huế vào Đà Nẵng và từ Đà Nẵng vào cửa Đại Chiêm. Thế Nhưng, nhìn vào tấm bản đồ Nguyễn Huy Quýnh vẽ, ta dễ dàng nhận ra vào thời ông, có đến 4 con đường từ Huế vào Đà Nẵng qua Hải Vân Sơn. Cụ thể được ông vẽ và chú giải như sau: Xứ Quảng Nam tên cũ là Nam Chính, tức Châu Ô của Chiêm Thành xưa, Phía Bắc giáp Ải Vân của Thuận Hóa. Đường núi có 4 nhánh:

      – Một là, Ải Tân Đạo (đường đi men theo chân núi, qua núi Thiếu Quái, cứ men theo khe Vũ Kỳ (?) mà đi, đường rất hiểm trở, thông đến Đồng Cảng, đường hẹp mất 2 canh giờ.

        – Hai là, cửa Ải Thượng Đạo từ xã Tây An theo dọc đường sông.

        – Ba là, cửa ải Trung Đạo.

      – Bốn là cửa ải Hạ Đạo, từ núi Chân Sảng đèo Hải Vân, men theo đường biển, qua đèo Đá Voi/Vây, đến Cu Đê mất 1 ngày 3 canh giờ.

      Trong sách Hòa Vang huyện chí của tú tài Trần Nhật Tĩnh (người xã Hòa Liên nay), chép vào cuối thế kỷ XIX một số con đường đi qua Hải Vân tương tự như ông Nguyễn Huy Quýnh: ‘Ở phía Tây núi Hải Vân, còn có một con đường khác’ (tức là Hải Vân Hạ đạo chăng ?). Phía Nam bắt đầu từ xã Liên Chiểu mà đi lên, trong con đường có nhiều cụm đá lớn chồng chất, đứng thẳng như hình trạng con người. Người đi phải bám vào đá vịn vào cây mà lên, đến giữa đỉnh Ba Tiêu Hác, tục gọi là Hốc Chuối, rồi theo khe mà đi xuống phía Bắc trên những tảng đá bàn lớn, từng bước từng bước rất nhanh. Phía Bắc giáp phủ Thừa Thiên. ‘Ải Mới của núi Phò Nam’ (phải chăng là Tân Đạo như chú thích của Nguyễn Huy Quýnh?), còn có một con đường phía Tây Bắc núi Phò Nam, đường đi rất hiểm trở, nay đã bỏ’. Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, Tân Đạo không còn sử dụng nữa. ‘Phía Tây Bắc núi An Nam (Yên) có một con đường, dấu vết giống như có từ xưa, nhưng không biết có từ lúc nào ? (phải chăng chính là Hải Vân Thượng đạo như ông Nguyễn Huy Quýnh đã chép ?). Riêng Hải Vân Trung đạo không thấy Trần Nhật Tĩnh đề cập. Về các con đường bộ từ Hải Vân vào cửa Đại Chiêm, đi qua làng Mỹ Thị, trong bản đồ Nguyễn Huy Quýnh vẽ, ông có chú giải: ‘Đường bộ có từ núi Ải Vân theo đường Thuận Hóa vào có 4 tuyến đường:

       – Con đường giữa đò Ải Vân, cầu Tứ Khê, qua 5 tầng đỉnh núi (ngũ trùng sơn đính), đến đò Cu Đê là 1 ngày 3 canh giờ.

       – Lại một đường vượt núi Hoa Ổ, thông qua núi nhỏ Thanh Khê, Bàu Đất, đến Bến đò Mỹ Thị là 1 ngày 2 canh giờ.

       – Từ Mỹ Thị qua sông Tam Hà (tục gọi là Ba Đò) đến quán Cẩm Sa là 1 ngày 3 canh giờ (con đường này tuy gần nhưng rẻ 3 nhánh, sông sâu, nước sông chảy xiết, tiến lên phần nhiều gặp lũy chắn).

       – Qua được cầu Thái Trọng có thể vào Đán Quy (?), bến Đồng Kỳ, qua xứ Trung Sơn, Phước Tường, Cẩm Lệ, rồi qua một con sông đến Cẩm Sa là 3 canh giờ, di chuyển rất là thuận lợi.

      Người các làng vạn nối với các làng miền đồng bằng, trung du, miền núi bằng đường thủy chủ yếu. Ngược sông Cẩm Lệ lên An Trạch, Ái Nghĩa,…hoặc ngược sông Cu Đê lên Hòa Bắc, Phò Nam,…Cũng có xóm vạn làng chài chen xen với nghề nông và thương mại, đi lại của họ trên những con đường đất cát. Ông Trần Cảnh Thùy ở xóm Vạn Du kể: ‘người dân xóm vạn ngày ấy sống chủ yếu bằng nghề buôn bán dầu rái. Phạm vi hoạt động làm ăn thu nhập của họ từ Sơn Trà vào đến Hội An, ngược lên Vĩnh Điện. Dầu rái không chỉ dùng trét ghe thuyền, mà xưa kia dân Quảng Nam còn dùng trét gàu giai, gàu sòng, gàu gánh nước, mủng thúng, nia trẹt, bầu đường, bầu mắm… Dầu mua từ nguồn, chuyên nghề ở xóm Vạn Du có ông Nghĩa, chèo ghe từ Vạn Du ngược lên tận nguồn mua về bán lại cho một số người buôn bán lẻ’.[32] Đấy là cách đi lại làm ăn. Còn trong một xóm, một làng chài, việc đi lại luôn là đường cát, đường đất, từ Liên Chiểu đến Thanh Khê, Thọ Quang, Đông Hải vẫn là đường cát. Về sau, giao thông phát triển, đường bộ mở ra nhiều hơn, xe đạp, xe máy, xe hơi,…đi lại có phần thuận tiện.

      Trước hết, thấy rằng, nhiều địa danh trong sách ‘Quảng Thuận đạo sử tập’ mà ông Nguyễn Huy Quýnh đề cập hiện nay đã không còn nữa. Chúng tôi đối chiếu với ‘Phủ biên tạp lục’ của Lê Quý Đôn, ‘Đại Nam nhất thống chí’, cả hai bản thời Tự Đức và Thành Thái thì thấy có rất nhiều địa danh ngay lúc đó cũng không còn hoặc có mà không thống nhất nhau. Nguyễn Huy Quýnh cho thấy có đến gần vài chục địa danh từ Ải Vân đến Nam Ô (ông chép là qua Hoa Ổ), ông gọi Vũng Thùng lúc thì gọi là Vũng Lầm, lúc gọi là Đồng Cảng; những địa danh như Đán Quy, Thái Trọng,Thiếu Quái, Đồng Kỳ, Bàu Đất Tứ Khê, Vũ Kỳ,…dường như đến nay không còn nữa. Chúng tôi chú ý đến việc ông mô tả ‘Từ Mỹ Thị qua sông Tam Hà (tục gọi là Ba Đò) đến quán Cẩm Sa là 1 ngày 3 canh giờ’. Nếu không khảo sát thực tế và đối chiếu với một số tài liệu khác sẽ rất khó lần ra đường đi lại, nhất là sông ‘Tam Hà’ nay ở đâu? Ai đã từng đến ngã ba sông Cẩm Lệ, Sông Hàn, Sông Cổ Cò sẽ hình dung được sông Tam Hà mà ông Nguyễn Huy Quýnh đã chú thích. Sách ‘Đại Nam nhất thống chí’,tỉnh Quảng Nam cho thấy rõ hơn sự chỉ dẫn của Nguyễn Huy Quýnh là: ‘Bến đò Hóa Khuê có ba chỗ: một chỗ ở xã Hóa Khuê Trung Tây tục danh là Đò Đưa, một chỗ ở xã Hóa Khuê Đông Bắc, tục danh là đò Mỹ Thị, đối ngạn giáp xã Hóa Khuê Trung Tây, một chỗ thôn Hóa Khuê Bắc, đối ngạn là xã Quan Nam’. Bản đồ còn cho ta thấy, con đường thủy từ Ải Vân, đến Cu Đê, đến Cửa Hàn, đến Mỹ Thị vào cảng thị Hội An qua con sông Cổ Cò khá rõ và thời gian để đi hết từng chặng đường.[33]

      Theo đó, có thể hình dung ra ngày xưa người dân miền biển Đà Nẵng và không chỉ người Đà Nẵng mà các phu trạm, người đi buôn,…đều đi lại trên các con đường huyết mạch ấy bằng đôi chân trần và đi bộ. Việc đi lại trong làng, trong xóm là các công hương, hình thành từ các đường mòn do người dân đi lại mà có và từ xóm nọ sang xóm kia do các con đường công hương phân định. Những con đường như thế đã hằn sâu trong ký ức đời người, mà thời nay có nhà thơ cảm khái:

        Đường mòn chẻ đôi khuôn mặt làng ta

        Chảy dưới nắng lặng trong mưa bóng bóng

        Cỏ chân vịt lưa thưa bện chéo

        Đủ níu chân anh năm tháng đời người

        … Ai mở con đường mòn

        No nê đất bật dấu chân mình

        Thành ra trong xóm thôn ta

        Một con đường cõng năm tháng đi qua

        Cõng chân mẹ trở vai gánh lúa

        Mỗi chiều về chạy đánh đồng xa

        Mềm mại cho em đi chợ huyện

        In bàn chân hai xóm nên gần…[34]

      Nghề chính của ngư dân thời mới lập làng là đánh bắt cá trên sông, biển và làm nông. Và thế là đi lại trên biển bằng chiếc ghe nan, thúng rái, thúng chai. Ra biển nhưng cũng chỉ ra lộng rồi vô với các ngư cụ xăm lùng, lưới quét kéo dọc ven bờ, mành chà, mành đèn, giã ruốc,…ngư trường truyền thống là các bãi: bãi Nồm, bãi Bấc mà phần lớn là đánh bắt cá trong vũng Thùng và đồng thời với đi biển còn có nghề nông, đốn củi và đốt than trên núi Sơn Chà hoặc ra núi Ải. Theo đó, hãy hình dung rằng người xưa đã vất vả thế nào khi đi lại trên những cồn cát trắng và đường núi dưới cái nắng mùa hè Đà Nẵng nung nóng có năm đến 38 độ C gay gắt.

      Thời thuộc Pháp, một số nhà buôn, nhà truyền giáo đến Nam Hà, ở lại Turon đã quan sát người Nam Hà ‘họ không xỏ những đôi giày nặng nề, cũng không đi những đôi tất chần bông hoặc những đôi ủng sa tanh thô vụng, hoặc những váy chẽn nhồi bông, mà thường để bắp chân trần và luôn luôn đi chân đất[35]. Như thế, cư dân miền biển Đà Nẵng thời ấy vẫn còn nghèo. ‘Đến những thập niên 1940 của thế kỷ trước, cả làng Mỹ Khê chỉ có một nhà ngói, một xe kéo tay của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu- công chức của Nha Thương Chánh Trùng Kỳ. Ông Nguyễn Văn Thuật làm lý trưởng của làng Mỹ Khê gần 20 năm, gia tài cuối đời chỉ có một chiếc xe đạp’. [36]. Hoặc ở Vạn Du: ‘…một vài gia đình có dư giả chút ít như gia đình ông Nho họ Nguyễn, ông Hạ đàng Trương, ông Khá đàng Võ Văn. Họ nhờ vào lực lượng lao động do con cái đông. Nói rằng giàu có thì chưa, sánh sao cho kịp bên Hàn, nhưng cũng đã tạo được nhà cửa tươm tất’. [37] Từ cách nhìn những năm 1940, cho chúng ta hình dung được việc đi lại của người dân miền biển Đà Nẵng là thế nào trong điều kiện kinh tế còn nghèo khó. Trên sông Hàn, việc đi lại hai bên bờ vẫn là chiếc đò ngang bằng nan tre trước khi có ghe gỗ nối bến phía tây sông Hàn (sau gọi bến Bà Quảng Triều Hưng rồi bến Phà), sang phía bờ đông tại cây đa An Hải, tục gọi bến đò Hà Thân. Đò qua lại thường xuyên trong ngày, không theo phiên, theo cuộc. Đến thời hiện đại, bến được chính quyền thời bấy giờ công nhận là bến Phà và trang bị bằng hai chiếc phà bằng gỗ, chạy bằng máy dầu diezel qua lại và thay nhau đưa khách sang sông. Đấy là bến đò ngang. Sự cách biệt giữa hai bờ là rất lớn, con gái quận Ba bằng bà già quận Một. Đến sau ngày 29 tháng 3 năm 1998, khi có cây cầu quay sông Hàn, bến Phà được tháo giở. Trong dân gian bấy giờ thở phảo nhẹ nhỏm mà rằng: Đời ông cho chí đời cha / Đời này mới có cầu qua sông Hàn. Và từ khi tháo giở bến phà ngang, có người làm thơ cảm tác:

Mắt em đốt cháy được tim anh

 Chiều qua sông nắng vàng xuống chậm

 Em đằm thắm để lòng ai hiu quạnh

 Màu thời gian se lạnh nước sông Hàn

 Em vẫn ngồi bán vé suốt bao năm

 Bao cuộc chia tay bao lần sum họp

 Những chiếc vé nối hai bờ thương nhớ

 Chiếc vé nào em nối với bờ anh ?

        Thời thuộc Pháp, người dân thường vẫn đi bộ là chủ yếu.  Lên núi Bà Nà làm công hay lên vùng truông tranh Phong Lệ, Hòa An làm phu đồn điền cho Tây cũng vẫn là đôi chân trần trên cát. Một vài nhà giàu có đi được xe kéo do người làm phu, kéo lấy công.

Nay thì khác.

                                                (youtube.com)

         Xem: Video “Ký Ức Đò Ngang”  https://youtu.be/SJo6Uc6tkzU

  1. Học hành

      Thời sinh sống trên chiếc ghe nan rày đây mai đó, lúc vào sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, lúc vào ra làng vạn, lúc ra biển, mùa bão lụt nấp vào vùng biển ngang, nơi kín gió thì việc học hành cho con em ngư dân chưa thể nghĩ đến. Thời ấy vài ba làng nông nghiệp mới có một thầy nho dạy năm, bảy học trò. Chính đó, đến thời thuộc Pháp, tình trạng không biết chữ của dân ta nói chung là 80%. Con em ghe rớ cùng cảnh ngộ, hoàn toàn mù chữ. Theo ông Đào Ngọc Châu trong hồi ký Giành chính quyền ở Mỹ Thị, kể rằng : Dân làng ta (Mỹ Thị) cũng như Bà Đa phần đông là dốt chữ, mười phần hết tám phần thất học. [38]

      Đến thời kỳ từ chiếc ghe nan, dân vạn bước lên bờ, mua được đất, làm được nhà, hoặc đất công hoang hóa dọc ven biển, ven sông, họ tụ lại làm nhà ở theo cụm vẫn gọi là vạn. Vài ba vạn hình thành nên làng, gọi làng chài. Nhưng phần đông là vạn. Trên các sông vùng phụ cận như sông Cẩm Lệ – Cổ Cò – sông Hàn có các vạn Thủy Lục, Cẩm Bình, Tuyên Sơn, Hóa Sơn, vạn Trẹm, vạn Du.. .Du là dầu – dầu rái – đến lập xóm Vạn này là ông xã Ngọ, đến ông Võ Văn Khá, sau đó thì các họ khác tiếp tục đến ngụ cư, một số ít trong số dân ở đây mua đất xã Khuê Bắc thuộc huyện Hòa Vang làm nhà ở ổn định trên bờ.[39]…Việc học hành cho con em ngư dân vẫn tình trạng mù chữ: Có học cũng chèo cột thả neo, không học cũng thả neo chèo cột. Thảng, có vài ngư dân cho con em học, biết chữ Hán, vài người biết một ít tiếng Pháp. Xóm Vạn Du  có ông Nguyễn Ứng Thọ đỗ Primere, thường bán dầu rái cho dân chài trét ghe thuyền. [40] Người xóm Vạn đến những năm thực hiện chủ trương Truyền bá chữ quốc ngữ, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán dầu rái, mặc dầu ở gần cửa sông là một vạn nhưng không làm nghề đánh bắt cá trên sông Hàn, hay ra biển theo bãi ngang để mưu sinh bằng nghề biển. Thế nên, đến mùa xuân năm 1946, do chỉ có 20 hộ gia đình nên sáp nhập vào xã mới An Bắc, nhưng cũng chỉ sống trên ghe với cảnh nước sông gạo chợ. Thế thôi. Thời ấy, người nông dân vùng phụ cận làm nông nghiệp, và nông nghiệp kết hợp đánh bắt cá trên sông vẫn không được đi học, mù chữ đến 80%. Theo đó để tìm kiếm cái ăn, nên việc học chưa phải là điều thiết thực thời bấy giờ. Kịp khi có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, các xóm vạn, làng chài và các làng ven biển, làng phụ cận được vận động học chữ ban đêm. Ông Đào Ngọc Châu ở Mỹ Thị kể: Lúc này nhân có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ phát triển rầm rộ  trong tổng An Lưu, huyện, tỉnh ta nên tổ chức dạy chữ vào ban đêm cho bà con ta, nhất là con em số mười ba, mười bốn tuổi … Người Mỹ Thị, Bà Đa, Vạn Du  dù sống lênh đênh trên biển lặn lội gió mưa, vào lộng ra khơi nhưng họ rất thích học chữ. Cứ theo tinh thần « dân ta phải biết chữ ta » hồi bấy giờ, ai nấy đều náo nức. Bà con coi các ông giáo Bảng, giáo Dương, Châu, Thăng,…như người nhà và thường xuyên bảo ban nhau khi cần kíp. [41]

      Thời nhà đất, việc học hành của con em được quan tâm, nhiều người đỗ đạt, thành tài, trình độ học lực được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt sau 1945, phong trào Bình dân học vụ phổ biến rộng khắp, người biết chữ ngày càng nhiều, theo dõi được tình hình thời sự bấy giờ thông qua các loại báo chí cách mạng. Đấy là nhìn từ vùng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận ngư dân còn mù chữ, cuộc sống dân chúng không tập trung, đa phần họ sống trên ghe thuyền làm sao mà học được.[42] Thời ấy phong trào truyền bá chữ quốc ngữ đặt bài vè học thuộc lòng cho dễ nhớ. Một bài vè có câu:

            O tròn như quả trứng gà

            Ô thời đội mũ, Ơ thì có râu

    Hoặc :

            Bê a ba, bê á bá, bê ớ bớ

            Anh viết vần xuôi vận ngược tê e rờ u tru [43]

      Ngày nay, việc học trong các làng chài được phụ huynh chăm lo chu đáo, nhà nước tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường. Toàn cộng đồng đều biết chữ, nhiều em học sinh đỗ đạt với học vị cao, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư phát triển, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sử dụng các loại tàu lớn, hiện đại, vươn ra khơi xa đánh bắt cá. Tri thức dân gian về biển cả, thời tiết, gió bão, bệnh tật được bổ sung thêm bằng tri thức khoa học, hiện đại. Ngư dân thành thạo trọng vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật ngành biển, hải dương, góp phần lớn vào bảo vệ và xây dựng khu vực duyên hải miền Trung phát triển, hội nhập quốc tế; đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

  1. Vui chơi giải trí

      Từ thuở xa xưa trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân miền biển, như các trò chơi của người đồng bằng: chơi ông / ô làng, bịt mắt bắt dê, đánh đu, bịt mắt đánh om, kéo co, đấu vật, đánh cờ tướng, hô bài chòi…Bên cạnh đó, các tộc người thiểu số cũng có các trò chơi dân gian khá đa dạng, thú vị như: múa xòe, giã bánh dầy, tung còn, đánh tu lu, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, tấu nhạc cụ các dân tộc, đi cà kheo, ném còn…tất cả tạo nên nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, nhất là diễn ra trong các dịp lễ tết, hội hè. Tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt gắn liền với những cánh diều bay bổng, trẻ mục đồng nông thôn chăn trâu thổi sáo trên những cánh đồng bát ngát, an lành. Đối với cư dân miền biển Đà Nẵng từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, trò chơi dân gian đậm tính đặc trưng của vùng biển như: thi bơi biển, đua thuyền trên cát, lắc thúng, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá, đan lưới…luôn gắn bó với cuộc sống của những cư dân cùng chung sống trên vùng ven duyên hải Đà Nẵng, nay thuộc các quận: Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

      Hầu hết các trò chơi dân gian miền biển không chỉ rèn luyện thể chất mà còn đậm tính giải trí lành mạnh, đạt tới trình độ nghệ thuật biểu diễn và có giá trị thẩm mỹ cao, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đáp, phản xạ linh hoạt của con người; đồng thời nêu cao tính cộng đồng, thu hút mọi người cùng tham gia vui chơi trong tinh thần cộng cảm. Những trò chơi dân gian này luôn được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt cộng cư dọc miền duyên hải Đà Nẵng.

        Có thể nói, các bậc tiền bối của cư dân vùng đất này đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian cùng với những sinh hoạt dân gian khác, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống dân tộc. Các trò chơi thường được tổ chức, phục dựng nghiêm túc, diễn ra trong khuôn khổ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại hoặc các dịp lễ tết, tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của cư dân vùng biển Đà Nẵng. Trong đó, một bộ phận của trò chơi dân gian là đồng dao. Đây là một hình thức sinh hoạt của trẻ thơ trong lúc vui chơi, nhằm thỏa mãn tính hiếu động và nhu cầu phát triển tâm – sinh lý tuổi thơ, đồng thời nội dung câu hát giúp các em hiểu biết thêm về thiên nhiên, xã hội. Trẻ em miền biển Đà Nẵng xưa cứ hồn nhiên lớn lên cùng những trò chơi dân dã rất có ý nghĩa trong quá trình vừa chơi vừa học, để dần dần vun dắp tâm hồn trẻ thơ và hình thành nhân cách sống khi trưởng thành. Ở Turon, vào những năm 1792 – 1793, theo ghi chép của John Barrow trong quyển Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, ông tường thuật rằng, “trẻ em ở Turon (Đà Nẵng) vào ngày hội lớn 4 tháng 6, thanh niên chơi đá bóng với một bong bóng súc vật, ở một chỗ khác, họ đang trổ tài khéo léo nhảy qua một chiếc sào ngang, chỗ này một nhóm người đang chơi chọi gà, chỗ kia những cậu thiếu niên đang bắt chước những đàn anh lớn của chúng huấn luyện những những chú chim cút và những loài chim nhỏ khác, thậm chí cả những con châu chấu đánh xé nhau. Ở mọi góc thấy có nhiều người đang chơi bài hoặc gieo xúc xắc”. Và theo John Barrow kể lại, vào thời ấy, trò chơi thu hút sự chú ý của ông là “một đám thanh niên đang đá cầu, dùng lòng bàn chân của mình tung quả cầu lên không trung. Quả thực, không có gì hơn được sự hoạt bát và sinh lực của những người dân Nam Hà”. Các trò chơi, hát hò làm vui sau những ngày lênh đênh trên biển. Du ký của John Barrow – một giáo sỹ – đã đến Turon một năm, từ 1792 – 1793 ông ghi chép về thú vui chơi ca hát của người dân các làng chài Đà Nẵng: “Xem kịch hát…ở Nam Hà không bao giờ mất tiền vào cửa, khi họ biểu diễn trước công chúng trong một lán rạp dựng tạm, mặt trước hoàn toàn để trống. Trong những trường hợp này, thay vì chỉ vỗ tay hoan nghênh, khán giã đã ném cho họ những đồng tiền đồng. Đối với người Nam Hà vở kịch thường được gọi là Troien (truyện) nghĩa là “những câu chuyện kể”. Đối với những đoạn ngâm vịnh xen giữa vở, làn điệu ca vũ, họ gọi tên là Song-sang và một dàn hợp ca lớn đi kèm với chiêng, chũm chọe, kèn và những nhạc cụ ồn ào khác được gọi là Ring-rang…Theo sự đánh giá của họ, Ring – rang và Song – sang hay vô cùng và chúng càng ầm ĩ thì họ càng hoan nghênh nhiệt liệt”. [44]

     Dần về sau, sản phẩm đánh bắt từ biển ngày càng nhiều, yêu cầu sự vận chuyển được đặt ra. Ngày đó không có vận chuyển nào bằng gánh cá trong hai chiếc rổ lớn. Dần theo đó, trò chơi gánh cá được hình thành, nhằm phô diễn sức mạnh, sự dẻo dai và đôi chân cứng cáp. Sự cường tráng được xem trọng trong nghề đi biển vào lộng ra khơi. Đến đầu thế kỷ thức XIX, con mắt cận duyên được thay bằng con mắt viễn dương cho đến những năm 1957 trở lại đây, việc ra khơi trên những chuyến đi biển mười, mười lăm ngày được ngư dân thực hiện thường xuyên trong hai vụ cá nam, cá bắc. Như thế, các trò chơi lắc thúng, kéo co, đan lưới, gánh cá…được tổ chức với hình thức các cuộc thi đậm tính đặc trưng của cư dân miền biển nhằm khích lệ người chơi tham gia. Trong các lễ hội dù tính chất dân gian hay hiện đại, cùng với phần lễ thì phần hội luôn thu hút sự tham gia đông đảo của người dân miền biển và du khách bốn phương, do các trò chơi khá phong phú, tạo hứng khởi cho người chơi và người xem. Ngoài việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, còn thể hiện sự thông minh, khôn khéo của người chơi, gắn kết tình nghĩa làng vạn xóm chài, nâng cao tinh thần cộng cư hiệp lực của người dân miền biển. 

      Có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là tiền thân của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống sau này, trong đó, trò chơi dân gian hô hát bài chòi cũng là khởi đầu cho loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo là kịch hát bài chòi. Hoặc các cuộc hát hò được tổ chức trong các làng ven biển. Thời đó hát tuồng hay hát hò khoan đối đáp với những làn điệu ca vũ đi kèm với chiêng, chũm chọe kèn và những nhạc cụ đàn nhị, đàn cò khác. Thời cận đại, làng Thanh Khê có trò chơi dân gian hát bội (hát tuồng) là tiền thân của những đội tuồng sau thời gian gian dài vắng bóng. Đến sau 1975, các đội hát bội được lập lại, ca diễn. Đội hát bội quận Nhì quy tụ đào kép từ nhiều nơi về hát phục vụ vui chơi trong các dịp lễ tết, hội hè.

      Có trò chơi chỉ mô tả các sinh hoạt đời thường của ngư dân như trò chơi gánh cá trên biển, miêu tả cuộc sống hằng ngày của cư dân ven biển: đàn ông đánh cá, phụ nữ chuyển đưa cá từ tàu lên bến, vào bờ đi tiêu thụ tại các điểm bán cá sỷ lẽ, hoặc dọc ven bãi biển với các hải sản tươi ngon: tôm, cua, cá, mực… Ở trò chơi này, các thành viên tham gia chia thành từng đôi, vừa gánh vừa chạy thi với nhau. Nếu không có cá thì thay bằng những bao cát tượng trưng, nặng hàng chục kí lô… Trò chơi gánh cá thi không chỉ người miền biển tham gia mà các thanh niên trai tráng lực điền của vùng nông nghiệp, vào mùa nông nhàn, xuống miền biển tham gia gánh cá thuê cũng tham gia trò chơi này. [45] Hoặc trò chơi tung hứng, linh hoạt từ đôi tay đến đôi chân, nhào lộn để mua vui cho đám đông và vì lợi ích của bản thân họ. Thông qua các trò chơi dân gian, mọi người cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt đặc trưng, tiêu biểu nhất đang diễn ra trên vùng biển mình sinh sống. Qua đó nâng cao thể chất, ý chí phấn đấu rèn luyện của con người, giáo dục được ý thức cộng đồng, bản sắc và truyền thống văn hóa của vùng duyên hải đầu sóng ngọn gió, nơi cộng cư của bao thế hệ và có thể từng bước phát triển, nâng cấp các trò chơi dân gian trở thành môn thể thao yêu thích đậm tính văn hóa bản địa. Mặc dầu vào thời mới lập nên các làng chài, yếu tố văn hóa ngoại lai đến từ Mã Lai, Malacca, cùng người Hindu giao thoa cùng văn hóa bản địa, nhưng văn hóa bản địa vẫn được duy trì vì tính cộng đồng của nó.

        Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần ngắn gọn, truyền miệng của trẻ thơ luôn gắn liền với trò chơi khá độc đáo của dân tộc. Đó là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần tự do, có thể ngắn hay dài tùy theo tính chất của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt, diễn ra như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Những quảy cá gánh uyển chuyển, những chiếc thúng rái, thúng chai nhẹ nhàng, chông chênh lướt sóng… như đưa nét đẹp văn hóa dân gian vùng biển Đà Nẵng đến khắp năm châu, bốn biển.

      Trò chơi dân gian, định hướng khôi phục và phát huy

        Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra quá mạnh mẽ với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ làm mất dần không gian của trò chơi truyền thống và thay vào đó là các trò chơi điện tử vô cùng hiện đại, trẻ em không còn yêu thích các trò kéo co, nhảy dây, nhảy cò cò, ông làng, rồng rắn lên mây… nữa mà say mê lao vào các trò chơi giải trí trên mạng internet như game online…. Ngay cả các bạn trẻ kể cả các em thiếu nhi cũng hoàn toàn bị quyến rũ, Vì thế, các trò chơi truyền thống của Việt Nam dần dần bị lãng quên, mai một. Ngay cả ở vùng nông thôn và các làng chài ven biển, các quán internet mọc lên nhiều khắp, các em truy cập rất dễ dàng trò chơi giải trí trên mạng do công nghệ kỹ thuật tiên tiến đem lại, nó thật sự hấp dẫn, mới lạ, muôn màu muôn sắc làm choáng ngợp lớp trẻ. Nhưng rồi dần dần nó cũng phơi bày ra những hạn chế và tác hại đến nỗi các bậc phụ huynh phái kêu than, oán trách và nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo với các bậc phụ huynh, cũng như quyết liệt đưa ra các biện pháp cai nghiện game. Nhiều trẻ em, thanh niên nghiện trò chơi điện tử vừa tổn hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng tiêu cực tới học tập và tư cách đạo đức như: cận thị nặng, bắt chước những hành vi xấu xa. Những trò chơi mang tính bạo lực đang đầu độc, vắt kiệt sức lực lớp trẻ, mang đến hậu quả tệ hại như:  trộm cắp, đánh nhau, chửi bới, công kích nhau, có lúc dẫn tới xô xát, gây thương tích, án mạng. Do đó, đồng thời với việc tổ chức quản lý tốt các trò chơi hiện đại để công nghệ giải trí phát triển lành mạnh thì việc phục hồi các trò chơi truyền thống có ý nghĩa sâu sắc.. Trò chơi dân gian dần dà chỉ còn là hoài niệm không phải vì nó cũ kỹ và kém thu hút mà chủ yếu là do chưa được lưu tâm phục hồi và phát huy trong cuộc sống đương đại. Lớp người đi trước, tuổi ấu thơ và thời niên thiếu được vui chơi các trò chơi dân gian nay đã là những bậc trung, cao niên, còn lớp trẻ, nhất là thanh thiếu nhi rất hiếm khi được tiếp xúc với trò chơi dân gian, có nhiều em khi được hỏi đến, không khỏi ngỡ ngàng và không hình dung nổi trò chơi đó diễn ra như thế nào. Nếu trò chơi dân gian không để thiếu vắng trong thời gian dài, được thường xuyên tổ chức thì không đến nỗi xảy ra tình trạng đáng buồn như thế. Thực tế cho thấy một số địa phương hoặc tại các lễ hội dân gian cũng như lễ hội hiện đại, khi khôi phục lại các trò chơi dân gian thì có rất đông người, nhất là trẻ em hưởng ứng, thích thú. Phải biết kết hợp để trò chơi hiện đại và trò chơi dân gian không chống đối nhau mà cùng song hành, bổ sung cho nhau làm cho sân chơi giải trí càng phong phú và đa dạng, giàu sắc thái, đáp ứng nhu cầu vui chơi của các lứa tuổi khi cùng hướng tới mục tiêu giải trí lành mạnh.

     Những năm gần đây tại thành phố Đà Nẵng trò chơi dân gian lại được phục hồi tại các lễ hội, các cấp thẩm quyền cũng bắt đầu chú ý đến việc tổ chức các trò chơi dân gian, nhà trường được khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoài trời trong giờ sinh hoạt ngoại khóa với các trò chơi dân gian mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp của ông bà xưa, nhiều đơn vị sản xuất đồ chơi truyền thống thay thế dần đồ chơi ngoại nhập và đạt được kết quả tích cực… Một khi trò chơi dân gian được thường xuyên tổ chức thì nét đẹp văn hóa truyền thống này sẽ không bị mai một và chìm khuất vào quá khứ. Thực tế cho thấy mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em đều vui thích. Người lớn thì tìm thấy những kỷ niệm tuổi thơ vô tư, sôi nỗi qua các trò chơi dân gian. Thiết tưởng cần phải đưa các trò chơi dân gian vào nội dung sinh hoạt tại các trường học, các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: Nhà văn hóa, Nhà thiếu nhi, Câu lạc bộ… Việc đầu tư không tốn nhiều chi phí. Đối với từng trò chơi chỉ cần cung cấp các vật dụng đơn giản như thi ngoáy thúng thì cần mái chèo và thúng, thi kéo co thì cần sợi dây, thi bịt mắt bắt dê thì cần chiếc khăn… Các trò chơi mang tính thi thố thì càng thu hút nhiều người tham gia và đông đảo người xem cổ động, hưởng ứng. Qua đó nêu cao tinh thần cộng cảm, gắn bó đồng đội. Khi khôi phục lại các trò chơi dân gian ở thành phố đô thị như Đà Nẵng nói chung, ven biển Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nói riêng thì trò chơi dân gian là nhu cầu hết sức thiết thực trong tình hình kinh tế phát triển dồi dào, bên cạnh trò chơi hiện đại xuất hiện nhiều thì việc phục hồi trò chơi dân gian là rất cần thiết để sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát triển hài hòa trong thời kỳ hội nhập, trong đó đặc trưng văn hóa truyền thống miền biển Đà Nẵng lại được lan tỏa và phát triển rộng rãi đến mọi lứa tuổi. 

     Trong những năm gần đây, đối với vùng ven biển Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, trong các lễ hội như lễ cúng lăng ông, lễ cầu an, cầu ngư, lễ hội đình làng, văn hóa biển, chương trình Điểm hẹn mùa hè do sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đây, bây giờ là sở Du lịch tổ chức thường niên, ngoài phần lễ, phần hội cũng được tổ chức tốt với những trò chơi dân gian đa dạng, phong phú thu hút người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia, như các trò chơi: vừa đi vừa nấu cơm, đập om, bịp mắt bắt dê, kéo co, ông làng,…những trò chơi này đã gợi lại ký ức một thời tuổi thơ sôi nỗi, hồn nhiên của người lớn tuổi, đồng thời giáo dục rèn luyện cho con cháu bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của ông cha. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích học sinh các trường học bậc tiểu học và trung học cơ sở tham gia các trò chơi dân gian trong các ngày lễ hội và các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc ngoại khóa của nhà trường, Điều đáng mừng là hiện nay trong các giờ giải lao giữa các tiết học, các em thỉnh thoảng vẫn chơi các trò chơi dân gian như: lò cò, ông làng, trốn tìm, chuyền thẻ, bắn bi, nẻ…Điều này minh chứng rằng để việc khôi phục và phát triển các trò chơi dân gian là hết sức cần thiết, các trò chơi này không tốn kém về tài chính, song có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội. Các trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nước Việt, trong đó có cư dân miền biển Đà Nẵng, bởi nó không chỉ giúp cho người chơi rèn luyện thể chất, sự khéo léo và sức bền bỉ, chịu đựng mà còn góp phần giáo dục về tinh thần kỷ luật, tính tập thể, ý chí, khát vọng vươn lên giành chiến thắng.

      Trong những thăng trầm suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trò chơi dân gian là cốt cách, là truyền thống tạo nên nét đẹp sâu sắc của văn hóa. Khi đã trưởng thành, trò chơi dân gian là ký ức êm đềm gắn bó với những tháng ngày trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng. Chính những giá trị văn hóa truyền thống ấy mới tạo nên nền tảng, nguồn gốc cho sự phát triển bền vững, trường tồn. 

      Trước hiện trạng này thì ngành văn hóa cần phải phối hợp với các ngành chức năng và hội văn nghệ dân gian có thẩm quyền chuyên môn liên quan để định hướng và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trò chơi dân gian, cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp các ngành và toàn xã hội. Đáng mừng là hiện nay trò chơi dân gian bắt đầu hiện diện trong các ngày hội văn hóa tại một số địa phương và các sở ban ngành trong các sự kiện trọng đại của thành phố, của cơ quan, các dịp lễ hội, hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn… thu hút nhiều người tham dự.

  1. Ngủ

      Người xưa quan niệm rằng một đời người ngoài nhu cầu thục hiện nghĩa vụ lao động bằng chân tay, trí óc để sáng tạo và cống hiến, còn có nhu cầu đời sống “sinh học” của một đời người xoay quanh bốn nhu cầu là ăn, ngủ, toilet sinh hoạt tình dục. Trong đó giấc ngủ cũng là một trong bốn nhu cầu cầu quan trọng. Để tái tạo năng lực lao động sau một ngày, con người cần có giấc ngủ, đủ để có thể tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho tồn tại và phát triển, không chỉ cho cá nhân, gia đình mà còn đóng góp vào sự phồn vinh của cộng đồng ngư dân và cho xã hội. Người ta tính rằng một đời người, việc ngủ chiếm hết một nữa thời gian tồn tại của một con người. Thế nên giấc ngủ là quan trọng.

      Nhưng ngư dân ngủ như thế nào, khi môi trường lao động của họ bập bềnh trên sóng biển, sóng nước ?

      Trên những chiếc ghe nan gần bờ, đi lộng thời chưa có nhà đất, ngư dân bố trí nơi ngủ giữa ghe, có mui che, cả nhà tập trung vào đó để tìm giấc ngủ cho tái tạo khả năng lao động sản xuất bình thường. Giấc ngủ như thế là cả một sự khó khăn, nhưng cả đời ngư dân lênh đênh trên phương tiện ghe nan như thế, các sinh hoạt trở thành thới quen, giấc ngủ cũng theo đó tìm đến được với ngư dân.  Và cứ theo vòng đời như vậy, hình thành nên trong mỗi gia đình ngư dân sinh hoạt ăn, ngủ, toilet và sinh hoạt tình dục theo thói quen và xem đó là chuyện bình thường phải thế. Do vậy mà ngư dân cũng ngủ được một giấc dài, tìm lại năng lực cho một ngày lao động tiếp theo. Những nhu cầu cho một con người diễn ra trên chiếc ghe nan bé nhỏ, mà không chỉ cho đôi vợ chồng ngư dân mà cho cả gia đình đông đúc đều sinh hoạt trên chiếc ghe nan đó.

      Trên những chiếc tàu gỗ ra khơi, phần ca bin được bố trí từ giữa tàu về phần đuôi là nơi tổ chức phù hợp dể ngư dân ngủ nghỉ và là nơi chứa những vật dụng cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi. Bấy giờ họ đã có nhà đất, tàu là phương tiện làm ăn vào lộng ra khơi. Đánh bắt khơi xa không mang theo gia đình riêng, mà chỉ những người đàn ông đi bạn, chủ tàu và ngư lưới cụ. Sau quăng lưới, thả neo, ngư dân chia phiên nhau mà ngủ để lấy lại sức lực cho lần lao động tiếp theo có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giấc ngủ vẫn lao chao trên mặt sóng. Nhưng ngủ được. Do thói quen được lặp đi lặp lại gần cả một đời người, nên đó đã trở thành chuyện thường ngày của họ. Việc ngủ không là nỗi bận tâm đối với ngư dân khi ra biển.

  1. Việc Toilet

      Thời của những chiếc ghe nan xưa, việc toilet của gia đình dân vạn chài thường diễn ra ở đuôi ghe. Tại đây, ngư dân dùng vài ba nữa khúc tre dài 0,7 – 1 m, khâu nối thật chặc bằng dây mây, hoặc lạt cật tre, đặt lên trên hai thành ghe (phần đuôi ghe), gọi là sạp. Tại đó là nơi các thành viên trong ghe toilet. Người ta ngồi xuống tự nhiên trên các lóng tre chẻ nửa và toilet xuống sông, không quan ngại, vì ai cũng vậy. Càng về sau dân vạn đông dần lên, ghe cũng nhiều hơn, tại chỗ toilet hình thành tấm che bằng phên tre vừa ngang lưng, khi ai đó ngồi xuống, phên sẽ che được tất cả. Hoặc có thể toilet bằng cách chèo ghe xuồng ra xa một đoạn để thực hiện xa nơi vạn cư trú. Đến lúc chuyển từ ghe nan lên ghe gỗ, việc toilet vẫn không khác thời của chiếc ghe nan nhỏ bé. Bởi ghe gỗ cũng không lớn ghe nan là mấy. Mỗi gia đình trên mỗi chiếc ghe thường mỗi lần toilet, họ bước xuống ghe xuồng cho thấp hơn, ở đó họ có thể thực hiện nhu cầu của mình. Cứ thế, xem là chuyện bình thường trong sinh hoạt đời sống thường ngày tại vạn. Sau khi toilet xong, người ta đậy tấm sạp lại. Nhưng phần thải ra từ cơ thể người vẫn đổ hết vào sông tại nơi vạn trú ngụ, hoặc tan loãng ra, hoặc theo dòng chảy của của sông tất cả sẽ trôi ra biển cả.

      Đến khi có nhà chồ, cư dân vạn chài muốn toilet thường ra Bờ Đá, theo đó việc toilet thường diễn ra tại các bờ đá, nơi bãi biển có những hòn đá nổi lô nhô trên bãi cát, ngư dân đến đó và ngồi vào những chỗ khuất có hòn đá che chắn để làm công việc toilet. Khi ai đó ngồi xuống, hòn đá làm nhiệm vụ của một tấm che chắn. Trẻ em mỗi khi toilet bước xuống khỏi chồ, không ra xa, có thể ngồi ngay tại bờ đá nhà chồ, hoặc ghe xuồng vẫn được. Nước sông dập dềnh sẽ đưa các loại chất thải ra xa, ra biển.

      Đối với cư dân vùng biển, việc toilet khi ở nhà chưa ra biển đi khơi, việc đó thường ra Bờ Đá, [46] hoặc ghành đá, cũng có thể trên bãi cát xa nơi tàu thuyền thả neo đậu đỗ. Những khi tàu ra khơi đánh bắt cá, việc toilet được thực hiện tại đuôi tàu như thời của chiếc ghe gỗ. Tại đây, người ta ngồi phía bên đốc tàu, thải ra rơi xuống biển. Việc toilet trở thành lệ trên biển, ngư dân chỉ định rằng: Ăn bên lứa/ Ỉa bên đốc. [47   

                     

                           Ghe 4 mui dùng để ở, sinh hoạt

                         Ghe xuồng dùng đánh cá trên sông

      Sườn một chiếc ghe gỗ tại bờ biển xã Cẩm Thanh Hội An (Ảnh: St)

 

                            Tàu gỗ đang neo đậu (Ảnh: báo ĐN)

  1. Sinh hoạt tình dục

      Sinh hoạt tình dục là nhu cầu của người trưởng thành để duy trì nòi giống.

      Cư dân vạn chài sống lênh đênh trên chiếc ghe nan vào ra cửa sông cửa biển, cùng với việc ăn, ngủ, toilet thì sinh hoạt tình dục cũng được thực hiện trên chiếc ghe nan đó. Đến khi có chiếc ghe gỗ, việc sinh hoạt này không có phương thức thay đổi căn bản.

      Trong một gia đình vạn chài hai thế hệ, cùng sinh hoạt trên một chiếc ghe nam, để kín đáo, họ dùng vải dày hay một tấm phên che chắn ngang phần mui ghe thành hai phần, phần dành cho con cái, phần dành cho cha mẹ, như thế vẫn tiện ích cho một quy trình. Không gian tuy chật hẹp, nhưng không vì thế mà làm cản trở sinh hoạt của cặp đôi nam nữ. [48] Ghe gỗ lớn hơn, có chiếc đến 5, 6 mui, lại chia thành năm, ba ngăn tiện sinh hoạt.

      Dần về sau, ghe gỗ lớn hơn, ngư dân vạn chài cũng che bằng một tấm vải phông dày, màu sắc và bông hoa đẹp, hoặc che bằng một tấm phên, tấm ván, hoặc một tấm riđô, kín đáo chia 3, 4 khoan ứng với 6 mui ghe vẫn được, hoặc chia thành 4, 5 phần vẫn tiện cho sinh hoạt gia đình, phần dành cho cha mẹ, phần dành con cái đã trưởng thành hoặc có gia đình và phần dành cho các em thiếu niên. Sinh hoạt trong điều kiện như thế vẫn diễn ra bình thường. Do thói quen lặp đi lặp lại trở thành tập tục nên không là chuyện khác thường đối với ngư dân xóm vạn làng chài. Cả đời họ như thế, con cái họ lớn lên tiếp nối thói quen sinh sống nơi miền sông nước cũng như thế. Rồi họ sinh con đẻ cái cũng trên ghe, nuôi nấng dạy dỗ, lớn lên bơi lặn, học làm nghề chài lưới cũng trên chiếc ghe nan hoặc ghe gỗ tại một khúc sông nào đó trên sông. Sông Hàn có vạn Nại Hiên, vạn Du, vạn Mỹ Thị; trên sông Đò Xu có vạn Lỗ Sài, Hóa Sơn, Tuyên Sơn; trên sông Cẩm Lệ có vạn Cẩm Bình, Thủy Lục,…mà phần nhiều các vạn quần cư tại nơi biển sông gặp gỡ như tại Nại Hiên Đông. Đến khi lên nhà chồ dựa vào Bờ Đá, kéo dài vài trăm mét trên mặt nước, phía hữu ngạn sông Hàn, việc toilet khác trước, còn việc sinh hoạt gia đình được che chắn thành vài ba ngăn trong một căn chồ./.

______________________

[1] Đào Ngọc Châu, hồi ký Giành chính quyền ở Mỹ Thị, trong tác phẩm Nhớ mãi mùa thu cách mạng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Sở VHTT Đà Nẵng, 2000.

[2] Trần Cảnh Thùy, hồi ký Giành chính quyền ở Vạn Du, trong tác phẩm Nhớ mãi mùa thu cách mạng. Sđd.

[3] Qua điều tra, điền dã, chúng tôi chưa gặp sắc phong của triều Nguyễn phong cho vạn. Nay miền biển Đà Nẵng không còn tổ chức vạn cổ truyền, nhưng trong tín ngưỡng tâm linh vẫn còn cúng: vạn lưới, vạn chuồn, vạn ghe, vạn mành đèn, van Nam Sơn, Sơn Hải (Sơn Hải vạn tự dinh thuộc phường Thọ Quang).

[4] Xem: Xứ Đàng Trong năm 1621, Cristophoro Borri, Hồng Nhuệ, Nguyễn Đắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, chú thích, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998. Tr. 59.

[5] Con sứa. Các loài khác tác giả trình bày sau đó, không rõ.

[6] Xem: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, John Barrow, sđd. tr.81. Những món ăn John Barow kể ra trong bản tường trình, nay không rõ là những món ăn gì hay loài hải sản nào ngư dân Đà Nẵng lấy lên từ biển. Người dịch cũng không dịch ra tiếng Việt để rõ, do đó chúng tôi dẫn lại nguyên tiếng nước ngoài.

[7] Theo ông Lê Duy Anh, là người làng chài, là hội viên Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cung cấp một danh mục các loài cá ngư dân Đà Nẵng đánh bắt được trong ngư trường vùng biển Đà Nẵng, mới hay thật phong phú và đa dạng. Loài giáp xác, có ruốc là loài nhỏ, tương đương với loài tép ở sông rạch, ao hồ nước ngọt. Ruốc xào hoặc nấu canh cải bẹ xanh khá ngon. Chủ yếu là làm mắm ruốc rất có chất lượng. Tôm cũng là loài giáp xác, có nhiều loại như: tôm càng, tôm xà rinh, tôm bạc, tôm sú, tôm vằn và tôm hùm …, các loài tôm này đều có giá trị kinh tế cao bởi chất lượng và tùy thuộc trọng lượng. Ốc tai tượng, ốc muỗng nàng, nghêu, sò, vú nàng…Ghẹ xanh, ghẹ bông, cua (yếm nhỏ gọi là cua đực, yếm lớn là cua cái, có gạch gọi là cua gạch)… Mực, có khá nhiều loại từ nhỏ đến lớn. Cụ thể như mực cơm, loại mực bé xíu, ngư dân thường ăn nó thay cơm. Mực có hình thon dài thì gọi là mực ống. Mực có hình dài thì gọi là mực thước. Mực hơi ngắn, hình gần giống chiếc lá thì gọi là mực lá. Mực nhỏ xíu gọi là mực cơm. Mực có râu dài, đầu lớn hơn thân mình thì gọi là mực phủ hay mực tuộc (bạch tuộc). Mực có nang cứng màu trắng xốp thì gọi là mực nang. Các trẻ nhỏ vùng biển trước đây thường lấy nang này làm thuyền để chơi. Cá cơm: Đối với ngư dân thì cá cơm là chủ lực. Năm nào được mùa cá cơm thì năm đó ngư dân no đủ. Cá cơm có nhiều loại: Cá cơm vảy (toàn thân có vảy), cá cơm màu trắng thì gọi là cá cơm trắng. Cá cơm có màu hồng nhạt thì gọi là cá cơm đỏ. Cá cơm có đuôi xòe ra hình tam giác, thì gọi là cá cơm chàng hãn. Cá cơm có vệt màu sẫm đen lợt dọc theo hai bên thân cá thì gọi là cá cơm than. Cá cơm màu trắng mình lép, lớn bằng cá cơm than thì gọi là cá cơm lép. Trong các loài cá cơm, thì cá cơm than muối mắm có chất lượng thơm ngon hơn cả. Làng chài Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, nổi tiếng về nghề làm nước mắm và gỏi cá cơm, rất được thực khách khen ngợi. Cá cơm mờm là loại cá cơm nhỏ nhất trong các loại cá cơm, không dùng để muối mắm mà là để nấu canh và kho mặn với tiêu thì khá khoái khẩu. Cá cơm trỏng (trảng) là loại cá cơm mình trắng trong, là loại cá lớn nhất trong các loài cá cơm có vị ngon. Cá đuối, mình lép, hình tròn, có đuôi dài như sợi roi. Cá đuối dơi nhỏ hơn cá đuối nạng. Cá đuối nạng có con lớn có thể đến 200 kg. Còn cá đuối dơi, con lớn nhất chỉ khoảng 5 kg. Cá đuối là loài có xương sụn, da nhám. Cá bò, thân mình có gai, da nhám thì gọi là cá bò  gai. Cá bò da trơn, con lớn nhất có thể 200 kg, có vi màu vàng, thì gọi là cá bò vi vàng hay còn gọi là cá ngừ đại dương. Loại cá này thịt rất ngon, chất lượng cao. Đồng loại còn có cá bò chù, nhỏ con, cá bò quê, thịt chua, cá bò ngừ hay còn gọi là cá ngừ, cá chù… Cá sòng, cá rọc (giống cá sòng nhưng nhỏ con hơn). Cá đục, cá ngát (hai loại cá này thường chui mình dưới cát đáy biển, mỗi khi nổi lên là hiện tượng của biển động, sóng to gió lớn). Cá đối, cá đối cồi hay còn gọi là cá cồi (loại cá này giống cá đối và lớn hơn cá đối). Cá mú khơi và cá mú gành (cá mú gành thường ở trong các hốc đá dọc rạn núi Sơn Trà, cá có vị thơm ngon hơn cá mú khơi). Cá phèn, cá đù, cá đù xóc, cá hồng, cá quỵt, cá bớp, cá cờ (vì trên lưng vi dựng như lá cờ), cá chang, cá chim trắng, cá chim đất (da cá giống màu đất), cá chim gành (loại cá gành thịt ngon hơn chim khơi), cá rựa (loại to lớn thì gọi là cá rựa bình thiên), cá hố dải, cá hố phướn, cá hố (loại to lớn thì gọi là cá hố bình thiên). Cá chuồn gành (cá ở gành), cá chuồn khơi (loại cá này, vây (vi) như cánh chim, nên mỗi khi gặp tiếng động bất chợt, bay lên không trung như chim), cá nhoái, cá cu, cá thu ảu, cá thu mùa, cá thu cháng (chảng), cá thu lãnh (cá da đen bóng như lãnh (lĩnh). Cá khế, cá dò (giò), loại nhỏ như hạt dưa thì gọi là cá dò hạt dưa (loại này muối mắm ngọt (lạt), trộn với dưa gang thái thì khá khoái vị). Cá thiều, cá húng, cá ngát (ba loại cá này, đầu có 2 xương bén nhọn, nằm ngang, rất nhức khi tay đụng vào), cá dìa, cá kìm (thân dài, mỏ dài). Cá liệt có nhiều loại như: liệt ngang, liệt xuôi, liệt đớ, liệt ngảng, cá hanh, cá bánh đường, cá nóc nhím (toàn thân vi có gai nhọn như kim), cá nóc (loại có độc tố mạnh, thường làm chết người vì ăn phải loại cá này). Cá nục chuối, cá nục vảy, cá khoai (mình nước, thịt nhão). Cá bẹ (mình dẹp, có vảy, đánh bắt loại cá này bằng loại lưới có cự ly 4 cm, cho nên gọi là lưới tư), cá tớp (mình dẹp, đánh bắt loại cá này bằng lưới có cự ly 2 cm, cho nên gọi là lưới hai). Cá chình, cá lạt (loại cá này mình dài giống rắn, thường sống ở hốc đá gành), cá đỏ chỉ, cá trích cá ve, cá bả trầu, cá lưỡi trâu, cá dảnh, cá khế, cá chét (chắc), cá ngân, cá ken. Cá mập, loại cá da nhám, xương sụn, là loại cá hung dữ nhất ở biển cả. Cá còn nhỏ thì gọi là cá nhám quéo, cá có cái đầu nằm ngang như cái bừa cào, gọi là nhám cào hay nhám búa, cá hình thể to lớn thì gọi là cá mập hay cá xà, cá chìa vôi, cá măng, cá chai v.v… (Biển Đà Nẵng không có loại cá kình).

[8] Không rõ các loại rau gì. Người dịch cũng không cho biết bằng tiếng Việt.

[9] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, người dịch, chú: Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị, NXB Tp. HCM. Tr 54,55.

[10] Xem hồi ký Nằm nghĩ gác tay, Võ Thị Nghĩa, trong Đà Nẵng thời đánh Mỹ (tập 1), Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 2005.

[11] Ví dụ ở Mỹ Thị có xóm Vạn Du là xóm chuyên nghề chài lưới trên sông và đi biển gần bờ, bên cạnh có nghề buôn bán dầu rái, dầu chai dùng trét ghe thúng rái, thúng chai.

[12] Tư liệu điền dã tháng 7/2017, theo cô Phạm Thị Mỹ, quê tại làng cá Nại Hiên Đông, nay ở tại chung cư phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

[13] Lão ngư Lê Hanh, làng chài An Tân, phường An Hải Bắc, dẫn theo Ngọc Hà, Đà Nẵng Oline 15/7/2017.

[14] Được: cồn cát nơi chôn những người chết, có thây hoặc không toàn thân do ngư dân lượm được trên biển mang về cồn cát chôn cất, theo đó quen gọi cồn Được. Ông Lê Văn Tâm, ở tại Chung cư làng cá Nại Hiên Đông kể rằng: tháng 3 năm 1975, ông và bảy người khác bắt gặp một ghe chở người từ cửa biển Thuận An vào Đà Nẵng, không may ghe gặp sóng to gió lớn nên lật chìm trôi dạt vào phía trên hòn Chão, đoạn mũi Nhồi. Khi lật ghe lên ông và các ngư dân đếm được 17 thi thể. Trong số những người đã chết, ông nhìn thấy trong túi một phụ nữ lòi ra mấy đồng tiền. Ông Tâm lôi ra đếm được 27 ngàn đồng. Ông cùng bảy ngư dân chở 17 thi thể về cồn Được, dùng số tiền đó mua 17 cái hòm. Trong một đêm ông chôn cất 17 người tại cồn Được. Về sau, gia đình các nạn nhân tìm đến ông tại khu nhà chồ Nại Hiên, nhờ ông cho biết các mộ để người thân có thể hương khói mộ phần. (Tư liệu điền dã, ông Lê Văn Tâm kể sáng ngày 29/12/2017, Võ Văn Hòe ghi chép).

[15] Thời nay những chiếc tàu gỗ dài từ 35 đến 40 mét, rộng 7 đến 8 mét. Tàu gỗ là dụng cụ, phương tiện làm ăn, không phải cư ngụ như thời ghe nan, ghe gỗ. (tư liệu điền dã tại Nại Hiên Đông, ngày 29/12/2017 do ông Lê Văn Tâm và bà Đỗ Thị Đợi cung cấp).

[16] Năm 1996, bấy giờ Đà Nẵng có khoảng 650 nhà chồ tập trung ở các phường An Hải Tây An Hải Bắc và nhiều nhất là Nại Hiên Đông và sinh sống trên sông Hàn. 

[17] Tư liệu điền dã tháng 5/2017 tại Nại Hiên Đông.

[18] Năm 1957, Ty Ngư nghiệp Đà Nẵng được thành lập, bấy giờ cơ quan này hướng dẫn ngư dân sử dụng động cơ thay cho các mái chèo và sức người; đồng thời phổ biến ngư cụ, phổ biến ngư pháp. Máy dò tìm cá thường gọi máy tầm ngư cũng dần được áp dụng trong kiếm tìm đàn cá.

[19] Xem: Tri thức dân gian của ngư dân Đà Nẵng trong nhận biết, dự báo bão, lũ tại miền biển Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thu Sương, Võ Văn Hòe (bản thảo).

[20] Chẳng hạn như xóm Vạn Du của làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước.

[21] Tư liệu điền dã do cô Phạm Thị Mỹ, 40 tuổi, quê tại Nại Hiên Đông, nay ở tại Chung cư Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cung cấp, 6/2017. Trước năm 2000, nhà chồ của ông nội cô Mỹ là cụ Phạm Nghiên, rộng 60 – 70 mét vuông, chia làm ba gian, có gian dành thờ tự ông bà, gian dùng nơi ăn ở và gian sinh hoạt chung. Phần dưới chồ là sàn, có thể nghỉ trưa, hóng mát, phơi phóng hoặc chuyện trò cùng hàng xóm vào những ngày nghỉ.

[22] Tư liệu điền dã do ông Lê Văn Tâm, 83 tuổi ở tại Chung cư làng cá Nại Hiên Đông cung cấp 5/2017.

[23] Leopold Cadière, « Mémoire de Benigne Vachet sur la Cochinchine, 1674 », Belletin de la Commission Archelogogique de l’Indochine (1913) : tr.14.

[24] Xem : Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, Barrow, NXB Thế giới 2011.

[25] Không thể ở ngay trên ghe nan tàu gỗ ven theo bãi ngang được, do sóng gió liên miên quanh năm suốt tháng thổi phần phật mà nhất là bão tố và các con sóng vỗ vào ghe tàu ầm ập.

[26] Một chuyến du hành đến Nam Hà, Sđd.

[27] Theo ngư dân Đặng Văn Hải, 75 tuổi, Tổ trưởng tổ 74, khu dân cư An Tân, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Dẫn theo Ngọc Hà, Đà Nẵng Oline, ngày 15/7/2017.

[28] Tư liệu điền dã tại làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ngày 5/9/2017. Cụ Phạm Nghiên cung cấp.

[29] Lão ngư Lê Hanh, làng chài An Tân, phường An Hải Bắc, dẫn theo Ngọc Hà, Đà Nẵng Oline 15/7/2017.

[30] http://viettimes.vn/can-canh-tau-vo-go-khung-cua-ngu-dan-da-nang-80542.html

[31] Tư liệu điền dã tại Chung cư làng cá Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, ngày 5/9/2017. Cụ Lê Văn Tâm 83 tuổi, cung cấp.

[32] Nhớ mãi mùa thu cách mạng, Sđd. Tr 399.

[33] Ths. Lưu Anh Rô Những tấm bản đồ có vẽ về Đà Nẵng, Website Bảo tàng Đà Nẵng.

[34] Thơ CL.

[35] Xem: Một chuyền du hành xứ Nam Hà 1792 – 1793, John Barrow, sđd.

[36] Xem: Đà Nẵng, chuyện phố, chuyện làng, Lưu Anh Rô, NXB Đà Nẵng, 2011.

[37] Ông Trần Cảnh Thùy kể trong hồi ký: Giành chính quyền ở Vạn Du trong Nhớ mãi mùa thu cách mạng. Sđd.

[38] Đào Ngọc Châu, Giành chính quyền ở Mỹ Thị trong tác phẩm Nhớ mãi mùa thu cách mạng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Sở VHTT Đà Nẵng, 2000. Tr 400.

[39] Xem Hồi ký của ông Trần Cảnh Thùy, trong tác phẩm Nhớ mãi mùa thu cách mạng, nhiều tác giả, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Sở VTTT Đà Nẵng, 2000.

[40] Xem: Hồi ký của Trần Cảnh Thùy, trong tác phẩm Nhớ mãi mùa thu cách mạng Sđd.

[41] Nhớ mãi mùa thu cách mạng, Sđd. Tr 382.

[42] Xem Hồi ký Giành chính quyền ở Mỹ Thị, Đào Ngọc Châu, nhiều tác giả, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Sđd.

[43] Đánh vần xuôi tiếng ba, bá, bớ; tru.

[44]  Sách  Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 – 1793, John Barrow, NXB Thế Giới, 2011.

[45] Tư liệu điền dã do cụ Võ Quyền ở tại làng Đông Phước cung cấp, 1978. Cũng xem hồi ký (bản thảo) Chuyện bây giờ mới kể, Võ Hà, 1999.

[46] Nay Bờ Đá được cải tạo trở thành khu chung cư khang trang, đẹp, nhìn ra phía sông Hàn và cầu Thuận Phước.

[47] Đứng tại đuôi tàu hướng về phía mũi, bên trái là lứa, bên phải là đốc. Tư liệu điền dã do ông Huỳnh Văn Thái, 54 tuổi ở tại Tổ 19, khu dân cư Tân Bình 2, phương Mân Thái, quận Sơn Trà cung cấp chiều ngày 22/12/2017.

[48] Tư liệu điền dã do ông Huỳnh Văn Thái. 54 tuổi ở tại Tổ 19, khu dân cư Tân Bình 2 và bà Phan Thị Cho. 82 tuổi ở tại Tổ 14, khu dân cư Tân Bình 1, cùng thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cung cấp lúc 15 giờ ngày 22/12/2017. Ông Lê Văn Tâm 83 tuổi, bà Đỗ Thị Đợi 78 tuổi (trước năm 2000 là ngư dân ở nhà chồ) cung cấp sáng ngày 29/12/2017 tại Chung cư làng cá Nại Hiên Đông (Võ Văn Hòe ghi chép).