Một cách hạ điền

288

Một cách hạ điền

 

          Quảng Nam xưa kia phát triển kinh tế thuần nông nghiệp nên việc chọn thời vụ thích hợp để tiến hành cầy cấy, gieo trồng là cần thiết. Có được một vụ mùa tốt, sản lượng cao  người dân đất Quảng cũng còn nhắm vào các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Vì thế nên trước khi xuống đồng cày cấy, ở Quảng Nam – Đà Nẵng có lệ xuống đồng. Vùng ngoại thành Đà Nẵng trước đây tục lệ nầy thường xuyên được tổ chức hằng năm, mãi đến khi tư tưởng “nông vi bản” không còn độc tôn nữa thì lệ tổ chức một lễ  hạ điền cũng theo đó mà chấm dứt.

          Nói, một cách hạ điền là để phân biệt các buổi lễ hạ điền ở vùng đất Quảng xưa vì mỗi nơi tổ chức mỗi khác. Có nơi chỉ lễ mà không hội, có nơi tổ chức cả lễ lẫn hội. Lấy ví dụ một cách hạ điền ở vùng Cẩm Lệ, Cẩm Nam, Lỗ Gián, Phong Lệ xưa để tìm hiểu lại  một tục lệ của thời kỳ nông vi bản.

         Cứ vào ngày 1 tháng 10 âm lịch hằng năm (trừ những năm nhuần) các cụ ông, cụ bà và thanh niên trai tráng lực điền trong các làng  trên tập trung về miếu Thần nông (có làng là miếu Tam vị, Cồn thần) để làm lễ hạ điền bắt đầu triển khai cho một vụ mùa mới. Mỗi gia đình kể cả quan chức trong làng phải chuẩn bị một con gà trống mập mạp làm sẵn thành phẩm, một bát xôi thơm (nếp được giả thật kỹ mà không xay).Vào tửng sáng,theo hiệu lệnh bằng ba hồi trống, dân làng tập trung về Cồn thần, nơi có lăng mộ Thần nông trên một vuông đất rộng chừng 1 sào để dâng lễ. Trong một lễ hạ điền vùng ngoại thành Đà Nẵng như đã nói trên không có văn tế và học trò gia lễ.

          Lễ bắt đầu bằng việc người hội chủ đội mũ lễ sinh thay mặt dân trong làng đứng ra hành lễ, dân làng đứng quanh lăng mộ (hoặc miếu thần) để nghinh lễ. Chước tửu tuần thứ nhất đã qua, sắp đến tuần rượu nhì, bộ phận tư lễ cho đốt một phong pháo mừng thần giáng. Xong tuần rượu thứ nhì, ông hội chủ bước xuống ruộng gần nơi hành lễ cấy tượng trưng chừng 4 mét vuông ruộng với năm bó mộng (mạ) vừa tay, (năm bó mộng tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả thổ) sao cho sau khi cấy mộng còn thừa mới tốt. Diện tích cấy trong buổi hạ điền nầy được dân làng giao cho một người nào đấy quản lý, chăm sóc, đến khi gặt hái mang về cất giữ mãi đến cuối tháng 8 âm lịch, làng có lệ cúng cơm mới lại đêm số lúa nầy xay giả mấu thành cơm dâng lễ cơm mới tại miếu Thần nông. Lễ nầy có các thành phần dân cư trong làng tham dự.

          Sau lễ hạ điền tại miếu Thần nông, người dân trong làng tiến hành họp dân tại đình làng, bàn về việc làm ruộng, tiến hành vụ mùa, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức hội vui chơi trước khi xuống đồng. Tại đình người ta còn bàn với nhau chuyện hành chánh của làng, chuyện đánh lộn, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện chưởi bới nhau trong xóm, chuyện nhà cháy, chuyện kiện thưa, trộm cắp… Nhưng nổi lên vẫn là chuyện làm ăn nông tang cày cấy, dân làng lại bàn đến chuyện giống má, loại chịu úng, loại chịu hạn, loại giống cho năng suất cao… Tại đây người dân trao đổi giống lúa, khoai, sắn, bí, bầu cho nhau, ai có loại giống tốt, năng suất cao được nhiều người thăm dò trao đổi. Họ thoả thuận nhau một cách bằng lòng, vừa ý. Đây được xem như một hợp đồng bằng miệng không có công chứng, thế nhưng trong nhân dân luôn giữ được lời hứa, sao cho đến sau ngày 23 tháng 10 âm lịch tất cả đã được trao đổi như hợp đồng để có cây, con giống bắt đầu một vụ mùa mới.

          Hội vui chơi còn kéo dài suốt cả đêm, thông thường các hình thức như hát hò khoan đối đáp, thi đấu võ trong thanh niên nam nữ, đấu vật trong giới lão ông, đẩy cây, kéo co… đến sáng mới giải tán.

          Sau lễ hạ điền, người nông dân vùng ngoại thành Đà Nẵng: Cẩm Lệ, Cẩm Nam, Lỗ Gián, Phong Lê, Miếu Bông… bắt đầu vào một vụ mùa mới với hy vọng sẽ được Thần nông giúp đỡ cho một vụ thu hoạch khoai lúa đầy nhà. (9/2004)

 

* Ảnh đại diện: VVH.