ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỀN THUYẾT “VÀNG HỜI”
Vàng Hời, đó là vàng của các vua chúa người Chăm, được chôn giấu ở những kho bí mật dưới đất lâu năm. Loại vàng này thường gặp là hình tượng Phật, buồng cau, trầu, nãi chuối, con gà… Vàng này vì pha nhiều bạc, khoảng từ 6 đến 6,5 tuổi nên thường có màu sáng hơi xanh. Nói đến vàng Hời và những truyền thuyết liên quan, không thể không nhắc đến kinh đô Trà Kiệu – “kinh đô của xứ sở vàng” từng vang bóng một thời. Người ta từng thấy trên các bia đá những dòng chữ này: “có một kinh đô giống như thành thị của các thần. Thành phố này cùng những công trình kiến trúc rất là lộng lẫy được trang hoàng tươi trẻ, mới mẻ dường như do các thần tạo ra vậy”. Trong giai đoạn Trà Kiệu đóng vai trò là kinh đô của vương quốc cổ Champa, ngoài các cư dân Chăm với thành phần là thường dân, nơi đây tập trung tầng lớp quý tộc Chăm, họ có những vật dụng sinh hoạt đời sống bằng vàng nhiều vô số kể.
Sử cũ chép rằng, cùng với việc mở rộng các mối quan hệ với các quốc gia vùng Nam Dương, Champa cũng đã có mối liên hệ mật thiết với các chính thể biển của vùng quần đảo Philippines. Mối liên hệ giữa Champa và Butuan (nay thuộc Philippines) vào thế kỷ thứ XI đã thực sự là một mối quan hệ đặc biệt được chép trong Tống sử. Butuan được xem như thị trường cung cấp vàng cho Champa và được đặt trong tầm kiểm soát của vương quốc này trong việc quan hệ với thị trường phương Bắc. Ngoài vàng nhập khẩu, vương quốc Chăm là địa bàn có một trữ lượng vàng rất lớn. Có thể nói, tài nguyên quý giá nhất của vương quốc này là những sản vật ở chính ngay trong lòng đất: vàng không hiếm. Những người Trung Hoa kể lại một cách ngạc nhiên rằng, họ thấy ở nước Chàm một “núi vàng”; họ nói: tất cả các hòn đá ở nước này đều màu đỏ và ở giữa có một thỏi vàng. Vàng cũng chảy ở trong sông, muốn lấy thì tát cạn lòng sông đi. Bạc, đồng, sắt, thiếc có từng mạch khá nhiều. Các loại đá quý rất nhiều, tuy không có giá trị lớn lắm. Vua Chăm từng có những hòn ngọc làm cho vua Lý Uyên say mê, nó to bằng quả trứng gà; trong như pha lê, và bọc vào trong lá khổ ngải thì tỏa ra qua lá những tia đỏ như lửa. Ngọc lưu ly và hổ phách thường thấy ở trong các đồ triều cống mà vua Chàm gửi biếu các vua Trung Quốc và Việt Nam. Trong các thứ đá rất quý có một loại sa thạch (grès) dùng để mài khí giới và đồ dùng, đây là thứ “đá của Bồ Tát” rất mịn.
Vị vua Chàm đầu tiên này tên là Cri Mara, vị vua này dựng đô ở phía Đông của thánh địa Mỹ Sơn tức là Trà Kiệu hiện nay. Và những câu chuyện hoang đường, huyền bí về vàng của Vương quốc Chămpa từ đó bắt đầu hình thành và lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Chuyện kể rằng, Đàn Hòa Chi thời Lưu Tống năm 446 tiến đánh Champa, “quân lính thấy ở đó rất nhiều vật lạ lùng và hiếm có, hay lạ đến nổi người ta không biết phải làm gì. Toàn xứ bị chiếm đóng, các đền bị phá và các tượng – có cái đến 10 người ôm (theo “Sử ký ngoại kỷ” – Tg) bị nấu chảy, đúc được trăm ngàn cân (chừng 50 tấn) vàng khối nguyên chất”. Đến đời nhà Tuỳ, năm 605, Lâm Ấp bị quân Tàu chiếm đánh, vua Chiêm là Phạm Phạn Chí (Cambhuva-man) bỏ chạy. Tướng Tàu là Lưu Phương vào thành Trà Kiệu bắt hết người Chăm làm tù binh, tịch thu 18 thần chủ (bài vị của 18 vị vua đã trị vì vương quốc nay) bằng vàng ròng thờ trong miếu, trên 1.350 bộ kinh Phật và rất nhiều sách viết bằng chữ Chămpa). Một điều lạ lùng, bí hiểm là, những viên tướng đánh chiếm Trà Kiệu và cướp bóc vàng bạc, châu báu, nhất là những tượng thần bằng vàng đều chịu một số phận vô cùng bi thảm. Đàn Hoà Chi sau khi chiến thắng trở về, được phong đến chức hành khiển (tể tướng). Sau đó ít lâu, ông ta bị điên loạn, la hét vang động cả kinh thành và chết một cách thê thảm. Sách Nam Tề thư ghi rõ: “Đàn Hoà Chi chết vì trông thấy thần man di ám ảnh ông ta”. Số phận của Lưu Phương cũng chẳng khác gì Đàn Hoà Chi, Lưu Phương cùng tất cả binh sĩ đã chết trên đường rút về nước, vì bị bệnh dịch chân voi?
Đối với các thần thánh, những vua Chàm thường xây rất nhiều đền đài và thánh đường để thờ (điển hình là Mỹ Sơn), họ lấy những tên thần vừa nói lên được tên vua dựng đền thờ thần. Khi thắng trận, họ tàng trữ ở đó kho vàng và của cải; khi bại trận, họ xây dựng lại những đền bị địch phá hoại và vui lòng lại quyên cúng thêm cho vị thần. Vì lẽ đó, hàng trăm năm qua, việc phát hiện tình cờ hoặc cố ý (của dân chúng và một số tên Tây thực dân) tại khắp vùng Quảng Nam, càng làm dậy thêm lên những chuyện ly kỳ về vàng Hời.
Mới đây, người viết bài này được dân địa phương cho biết rằng: Phía sau Hòn Đền, gần thánh địa Mỹ Sơn, có rất nhiều di tích Chăm đã hoang phế theo thời gian. Cách gò Mồ Côi vài trăm mét, có gò Mu Rùa. Hình ngọn gò này y hệt một con rùa, có đủ bốn chân, đầu, cổ. Trên đỉnh đồi khum khum hình mu rùa có một hố cạn, xung quanh có nhiều gạch Chăm vương vãi. Người ta kể, trước đây nơi đó có một ngọn tháp nhỏ, bị bom đạn đánh sập thời chiến tranh. Đó chính là nơi giấu vàng của Chiêm Thành. Nhiều người đã từng xem bóng tháp đổ vào ngày Tết Nguyên tiêu hằng năm, để đào bới tìm vàng nhưng chưa từng gặp. Điều đó không biết thực hay không song vàng hiện diện ở những khu đền tháp là có thực. Tại Hòn Cụt ở gần Trà Kiệu, đầu thế kỷ 20, Parmentier đã tiến hành khai quật, thống kê, miêu tả nhiều hiện vật Chăm, trong đó có “trang sức có hình mặt trăng, mặt trời, các vì sao, còn có cả những bức tượng Thần rỗng ruột, tượng động vật và những cuốn sách thánh dày tạo bởi vàng lá dày 1cm khắc chữ Phạn và những miếng vàng hình tròn với những mẫu tự tiếng Ả Rập”…
Khắp vùng Quảng Nam còn lưu truyền câu chuyện vàng Hời rất ly kỳ rằng: Tại các ngôi mộ Hời, trong những đêm tối đen như mực hoặc khi trăng khuya tĩnh lặng, thường thấy xuất hiện những quầng sáng kỳ lạ quanh mộ. Có khi từ trong mộ, một đàn gà vàng (hoặc heo) lục tục kéo ra đi “ăn đêm” làm sáng cả một góc trời. Tuy nhiên, để bắt được chúng không phải là chuyện dễ. Người xưa truyền rằng, “muốn bắt vàng đi ăn đêm phải có lửa và rượu” hoặc dùng quần đen của phụ nữ mà túm chúng. Bởi, chỉ cần một tiếng động nhẹ “con vàng” sẽ biến mất ngay. Bắt được vàng Hời chưa chắc đã hay, bởi người ta thường kháo với nhau rằng, người Chăm sử dụng một loại độc dược vô cùng linh nghiệm để ngăn những ai có ý định cướp bóc của nã người chết. Nghe đâu, chất độc đó được chiết xuất từ tuyến nước bọt của rắn hổ mang xanh, cóc tía, nhện độc đen, rết càng đỏ… Chỉ cần hít phải loại chất độc này chừng 5 đến 7 ngày, thì lục phủ ngũ tạng của người hít phải coi như tiêu…
Có câu chuyện truyền kỳ thế này, hồi đầu thế kỷ XX, một toán người Pháp tìm đến tháp Mỹ Sơn. Trước cổng tháp có hai sư tử đá nằm chầu. Căn cứ vào tấm sơ đồ cầm theo, người Pháp lấy nước đổ vào chỗ lỗ trống trên lưng sư tử thì lập tức nước vọt ra theo một lỗ nhỏ thấp hơn. Nhằm vào chỗ nước rơi xuống đất, công nhân đào lên thu được rất nhiều cổ vật làm từ vàng, bạc, trong đó có cả vương miện, con dấu, buồng cau bằng vàng. Hiện nay, tại Bảo tàng Guimet – Pháp (Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Châu Á) có bày một buồng cau vàng như vậy. Tương tự, cũng đầu thế kỷ 20, tại tháp Bằng An chỗ Vĩnh Điện bây giờ, người ta thấy xuất hiện hai người đàn ông lạ, ăn mặc, nói năng cũng khác người Việt. Hai người này, tìm đến chân tháp Bằng An vui chơi, vãng cảnh. Chờ đến bóng chiều đổ về tà, họ ngó nghiêng lên đỉnh tháp, rồi sải bước, bước về phía Đông đúng 12 bước chân, lấy xẻng đào lên thì bắt được… vô số vàng Hời!
Tại sao đầu thế kỷ 20 lại sản sinh ra nhiều câu chuyện về vàng Hời quá vậy? Có lẽ đây là thời kỳ, người Pháp tiến hành khai quật một cách ào ạt, qui mô các di tích, phế tích Chăm trên khắp địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng. Mới đây, chúng tôi được tiếp cận một nguồn tư liệu quý, hồ sơ mô tả việc khai quật thánh địa Mỹ Sơn và kinh đô Phật giáo Đồng Dương, cho thấy lượng nhân công sử dụng vào công việc này và số hiện vật thu được là rất lớn và giá trị. Một học giả khả kính đã từng nói với tôi rằng, hầu hết những tháp Chăm mà ông có dịp chứng kiến khai quật, tại “hố thiêng” (điểm giữa của tháp, nơi người Chăm thường đặt các của vật quý như vàng, bạc, ngọc) đều đã bị ai đó đào từ lâu và không loại trừ những tay người Pháp thực dân làm việc này. Điều này phù hợp với việc khai quật tháp Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng) gần đây mà chúng tôi có dịp mục ở thị: “hố thiêng” tại đây cũng bị vét tận đáy, trống trơn tự bao giờ…
Vàng Hời luôn là điều bí ẩn và là nỗi khát thèm của những kẻ săn tìm suốt mấy trăm năm nay trên vùng Quảng, nó góp phần phá tan nát những di tích nổi tiếng như Phật viện Đồng Dương và thánh địa Mỹ Sơn. Mong sao giấc mộng vàng dừng lại vĩnh viễn, để Quảng Nam giữ mãi những hiện vật Chăm như “báu vật của đời”, để mỗi mùa xuân tới – cũng là mùa du lịch, du khách bốn phương chiêm ngưỡng xứ sở của vàng Hời./.