Khát vọng dân gian

457

Khát vọng dân gian

 

          đâu, đi đâu trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng, phong vị ngày Tết vẫn là chung của truyền thống xưa nay, có điều mỗi làng mỗi khác, nơi duy trì hết tục xưa, nơi gạn lọc giữ lại những gì phù hợp với mỗi làng. Tuy thế Tết vẫn là lễ trọng không đổi, Tết là khát vọng dân gian vươn tới cái dẹp, cái cao thượng phản ánh sinh hoạt tinh thần của dân ta trong đời sống, làm nên bản sắc riêng cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng.

          1. Chuẩn bị từ xa:

          Lễ hội Tết được đón nhận từ xa trong năm, quá trình thay đổi của bốn mùa, trong đó mùa xuân là khởi sắc nhất. Tháng ba là mùa lúa chín rộ lên màu vàng vào độ cuối tháng. Dân gian có câu rằng:

                   Tháng giêng đồng lúa xanh rì

                   Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng.

          Thiên nhiên vào xuân có khác, cây lá xanh tươi đâm chồi nẩy lộc, con người vào xuân cảm thấy dễ chịu, khí hậu ấm áp mát lành làm cho con người trẻ trung, hiền hậu. Sức sống nhờ đó vươn lên đến điểm đỉnh của quá trình phát triển. Lễ hội Tết là trọng nên chuẩn bị cho Tết kỹ lưỡng từ mỗi người, mỗi nhà đến làng xóm, không đâu không náo nức. Trong quan niệm của con người, mùa xuân là mùa của giao lưu, đồng thời bắt đầu cho một chu kỳ mới, một trật tự mới, vì thế nếu tính nổ lực cho lễ hội Tết phải tính từ nửa năm về sau.

          Người nông dân trong vụ mùa của mình – vụ hè thu – (ngay từ tháng tư có nơi gọi là hè thu muộn) chuẩn bị một vài thước ruộng phù hợp với cây nếp để cấy trồng chờ ngày Tết đến. Vụ nầy trên những cánh đồng màu mỡ đại điền: Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình…rộ lên màu xanh của lúa và nếp. Cùng với cây nếp là các loại đậu: đậu xanh, đen, đậu phụng, nành, mè… mang tiềm năng cho mùa xuân đến. Cũng vụ hè thu nầy nhiều nơi trên đất Quảng lên vồng trồng kiệu, gừng, hành, nghệ và các loại rau trái khác. Đấy là sửa soạn cho Tết, một khát vọng nhân văn trong mỗi con người.

          Từ tháng sáu âm lịch, người dân mình lại sửa soạn nuôi gia súc, gia cầm: heo, gà vịt… Những năm thất bát do thiên tai lụt lội, ngày Tết chỉ đơn sơ thanh đạm, cuộc sống sẽ khó hơn, chỉ giữ lại nếp làng, vẫn có lễ đình làng, vẫn gặp ngày phiên chợ Tết. Con gà, con vịt… mỗi nhà đều chuẩn bị, đôi khi người ta thiến gà trống để dành, nuôi béo hoặc dùng  trong nhà dịp Tết, hoặc chờ đến những ngày áp Tết dùng vào việc đi Tết thầy học, thầy thuốc. Để có hoa cắm trên bàn làm sang trọng không gian căn nhà ngày Tết, những người chăm bón hoa cảnh chuẩn bị từ tháng tám, có khi sớm hơn để kịp cuối năm có hoa bày bán ở chợ hoa xuân. Ngày xuân, hoa mai không vắng mặt. Cắm một cành mai đặt giữa nhà là tìm đến nét đẹp tinh thần thanh quý của con người.

          Lại còn khát vọng nhỏ nhoi nhưng đến Tết không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện được. Đấy là may sắm quần áo mới. Mùa xuân, mỗi người có nhu cầu khởi sắc từ bản ngã, tâm lý con người vào hội với vẻ đẹp không chỉ  tâm hồn mà con cả dáng vẻ bên ngoài. Ngày Tết mà y phục không có để tươm tất là một thiệt thòi. Chính thế, nhu cầu may sắm quần áo mới đặt ra với trẻ em là vấn đề cần thiết, cửa hàng may mặc vì thế mà khẩn trương từ tháng mười cho đến những ngày áp Tết một hai ngày. Không riêng cho trẻ em, người lớn vào Tết với bộ quần áo mới may thơm lựng mùi hồ là đã sẵn sàng trong tâm thế vui xuân, đón Tết. Người già vào lễ hội Tết bằng bộ y phục vổ truyền là đã thấy bằng lòng, như ý lắm.

           2. Chuẩn bị gần:

          Thắng chạp là tục dành riêng cho tu tảo phần mộ tiên tổ. Độ cuối đông, đầu xuân, khí trời nhuốm màu se lạnh, có mưa, đôi khi có gió mùa đông bắc từng đợt tạt qua, dân ta đã sớt sưa trong công việc làm mùa, vụ lúa đông xuân vừa mới bắt đầu, người nông dân chưa phải bận bịu với ruộng đồng, do thế việc “chạp mả” được dấy lên.  Mộ phần người thân được vun đắp lại, thể hiện khát vọng đời đời ghi ơn tiên tổ. Dù đi đâu, ở đâu, làm đâu vào những ngày nầy cũng tìm về tưởng nhớ tổ tiên. Là thành viên trong gia đình, tộc họ ai cũng phải có nhiệm vụ chăm lo duy trì truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đôi khi, gặp phải đâu đó ít người  dù có ngổ ngược thế nào nhưng họ không bao giờ hổn láo trước anh linh tiên tổ và lớp người tiền bối.

          Nhu cầu mới xuất hiện khi thời gian nhích dần đến ngày Nguyên đán, người ta lại đi chợ Tết. Đến chợ Tết ở làng quê ta bắt gặp cái gì cũng một ít: chén bát, chổi quét nhà, nồi niêu, om trách … mọi thứ được bày trên sạp đơn sơ tre pheo thân thuộc, quê kiểng mà tình. Chợ quê có nơi tựa lưng vào lũy tre làng, có chợ nhóm họp một bên góc sân đình. Chợ quê có một lều chính, còn bao quanh là những lều nhỏ bằng tranh. Chợ Tết là vui, trẻ em đi chợ Tết thường ngắm mãi mê con tò he trên nẹt mà thích. Người lớn tìm lại ký ức của mình một thời trai trẻ!

          Ngày Tết nhu cầu cho mỗi người, mỗi nhà thì nhiều không tính được, tuy thế “tri túc hà thời túc”. Ai có gì đem ra chợ đổi lấy thứ cần dùng: cái rổ, cái rá, chổi rơm, lứa gà, lứa vịt chục trứng…tất thảy đều có ở chợ quê.

          Về làng quê, gặp phiên chợ ba mươi Tết đông vui, trên những con đường làng người ta thấy từng tốp người thong thả tay bưng rổ tiếng đánh đồng xa đi ngược xuôi về phía chợ làng. Người dân ta đi chợ Tết, có khi trên vai nhịp nhàng đôi gióng sáu như hai đầu cân, hai cái rổ tiếng hoặc rổ sảo, mủng thúng nhịp nhàng theo bước chân thoăn thoắt trên đường làng bóng tre và bóng nắng.

          Rồi ra giêng, nhiều nơi trên vùng đất Quảng còn có chợ đầu năm, như chợ phiên Trung Phước. Vào ngày mồng bốn tháng giêng, người dân nơi đây họp chợ, chợ bán toàn cá tươi sống vừa  mới đánh bắt từ dưới sông lên, một loại cá có sức vùng vẫy mạnh. Theo đó, người dân ta tin rằng mua lấy con cá còn vùng vẫy vào những ngày đầu năm để tìm cái hên cho cả một năm mới, lúc nào cũng mạnh khỏe, tươi tắn.

          Đó cũng là một trong những khát vọng dân gian từ phiên chợ ba mươi Tết, tìm lấy cái hên trong những ngày đầu năm vẫn là mãi mãi, cùng với khát vọng đời thường của người dân vùng đất Quảng  trong lễ hội Tết vùng đất Quảng, mong sao cho mỗi năm có được một cái Tết đủ đầy, vui hội ngày xuân./. (11.2002)

* Ảnh đại diện: VVH.