HUỲNH DUY LỘC – Võ Văn Hòe & Địa danh thành phố Đà Nẵng

381

                       Võ Văn Hòe“Địa danh thành phố Đà Nẵng”

         Võ Văn Hòe sinh năm 1953 tại Đà Nẵng, từng học trường trung học Hòa Vang, Đại học Văn khoa Huế, Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn và Đại học Sư phạm Huế, là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng từ năm 2007 đến năm 2018. Anh đã cho ra mắt cuốn sách “Địa danh thành phố Đà Nẵng” (Nxb Đà Nẵng, 2011) trước khi biên soạn các tập “Địa danh Quảng Nam”. Trong Lời nói đầu, anh cho biết: “Tôi sinh ra, lớn lên, được sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng, một thành phố được thiên nhiên ưu ái ban cho đủ các dạng địa hình, và con người hiền hòa, tự tin, năng động. Từ lòng yêu quê hương xứ sở nên Đà Nẵng trong tôi là cả một kho tàng văn hóa nhân văn không thể không tìm hiểu và khám phá vẻ đẹp ấy của quê mình. Trong nhiều năm, tôi đã dành nhiều thời gian và các phương tiện bổ trợ để đọc, để đi, để hỏi han, tìm hiểu, ghi chép với tinh thần yêu thích và sưu tập về những địa danh với vẻ đẹp trên quê hương Đà Nẵng… Tìm hiểu về Đà Nẵng, tôi bị quyến rũ bởi đã nhận ra vẻ đẹp của quê hương, người dân, phong tục tập quán, lễ hội… nên đã ra công thu lượm qua sách báo, tài liệu, qua lời kể trong những lần điền dã về các địa phương trong một vùng văn hóa, văn nghệ dân gian Đà Nẵng, trong đó có phần ghi chép về địa danh thành phố, tôi tập hợp lại thành cuốn sách ‘Địa danh thành phố Đà Nẵng’…”

        Tác phẩm “Địa danh thành phố Đà Nẵng” thật sự là một cuốn từ điển địa danh của Đà Nẵng. Võ Văn Hòe cho biết về lịch sử Đà Nẵng: “Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đà Nẵng có từ thế kỷ XVI, XVII, đến thế kỷ XVIII trở thành địa danh chính có tên trên bản đồ Việt Nam và được đưa vào sử sách. Song cũng có ý kiến khác cho rằng Đà Nẵng đã có từ XIV, từ một nguồn gốc sau: năm 1306, chấp nhận lời cầu hôn của vua Chiêm là Chế Mân, Trần Anh Tông đã gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để đổi lấy 2 châu: châu Ô và châu Lý. Sau cuộc hôn nhân đó, Trần Anh Tông đổi châu Ô thành Thuận Châu (tức vùng thuộc quận Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà của Bình, Trị, Thiên) và châu Lý làm Hóa Châu (tức vùng thuộc các quận Phú Vang, Phú Lộc của Bình, Trị, Thiên và Hòa Vang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam). Đà Nẵng thuộc Hóa Châu, và theo châu Ô, châu Lý nhập vào lãnh thổ Việt Nam…” (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 251, 252)

        Về nguồn gốc của tên gọi Đà Nẵng, Võ Văn Hoè cho biết: “Tên gọi Đà Nẵng không có nguồn gốc từ tiếng Việt, mà bắt nguồn từ tiếng Chăm.

       – Ông Thái Văn Kiểm viết như sau: “Còn danh xưng Đà Nẵng lại có một nguồn gốc Chiêm Thành. “Đà” là sông, “Nẵng” là lớn. Vậy “Đà Nẵng” có nghĩa là “sông lớn”. Người Trung Hoa đọc là Tu-Râng” (Bibliographie critique sur la relation entre le Vietnam et l’ Occident)

        – Linh mục Phan Phát Huồn trong “Việt Nam giáo sử” cũng nói rằng Đà Nẵng là tên Chiêm của địa phương mà người Việt gọi là Cửa Hàn, người Pháp gọi là Tourane” (Việt Nam giáo sử).

       – Còn ông Lam Giang giải thích như sau: “Nguyên tiếng Chàm “Hangdanak” là bờ biển buôn bán. Còn “Dana” hay “Darak” tiếng Chàm có nghĩa là “sông lớn”, tức sông Hàn, “mà sông lớn thì cố nhiên việc thủy vận tiện lợi, buôn bán phồn thịnh” (Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX) (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 253, 254).

        Tên Đà Nẵng (chữ Hán: 沱㶞 hoặc 陀㶞) được đề cập đến sớm nhất trong sách “Ô Châu cận lục” (烏州近錄) của Dương Văn An in lần đầu năm 1555, khi viết về đền thờ Tùng Giang thờ vị thần Nguyễn Phục, vị quan làm chuyển vận sứ của vua Lê Thánh Tông khi chở thuyền lương vào đánh Chiêm Thành, vì chậm trễ nên bị giết oan tại cửa bể Tư Khách, tức Tư Dung, thuộc Thừa Thiên.

        Nguyên văn Hán văn:

        松江祠. 祠在思榮縣思客海門,並在廣南陀㶞海門。

        Phiên âm Hán Việt:

       Tùng Giang từ. Từ tại Tư Vinh huyện Tư Khách hải môn, tịnh tại Quảng Nam Đà Nẵng hải môn.

      Dịch nghĩa:

       Đền Tùng Giang. Đền ở cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh, còn một đền nữa ở cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam)

         Năm 1604, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cải đổi, sắp xếp lại các đơn vị hành chính Đàng Trong. Sau 298 năm thuộc địa phận Tuyên Hóa (1306-1604), được tách ra nhập vào dinh Quảng Nam và nâng lên thành phủ, lãnh 5 huyện: Tân Phước, Hòa Vang, An Nông, Phúc Châu, Diên Khánh, Đà Nẵng thuộc huyện Hòa Vang…” (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 254, 255).

        Về bãi biển Mỹ Khê, một trong 2 bãi biển đẹp nhất của miền Trung, Võ Văn Hoè cho biết:

       “Mỹ Khê: Bãi biển. Thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Năm 1970, chính quyển thị xã Đà Nẵng có dự án san phẳng, xây dựng 5 khu vệ sinh công cộng, 1 nhà núp, 10 phòng thay quần áo, chỉnh trang các quán nước, lập khu giữ xe gắn máy, xe scooter, xe đạp, trồng 1.000 cây xanh gồm bạc hà, nhội và cây acajou dọc bãi biển phục vụ nhu cầu tắm biển của dân. Bãi sạch đẹp, sóng êm, nằm về phía Đông thành phố Đà Nẵng. Mỹ Khê là tên làng, nhân dân đặt tên cho bãi biển nơi đây. Phía Bắc bãi giáp làng Phước Trường, phía Tây giáp làng An Hải, phía Nam giáp làng An Thượng. Các làng này hiện nay là khu dân cư.

        Bãi biển Mỹ Khê theo bình chọn của tạp chí Forbes là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh (gồm Mỹ Khê của Việt Nam, Bahia của Brazil, Bondi của Úc, Castelo của Bồ Đào Nha, Las Minitas của Dominica và Walea của Mỹ)” (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 656)

        Tác phẩm “Địa danh thành phố Đà Nẵng” (các anh chị và các bạn ấn mũi tên bên phải để lật trang):

https://www.facebook.com/100003094969189/posts/4154123658034092/?d=n

                   Ảnh: Võ Văn Hòe và tác phẩm khảo cứu về địa danh Đà Nẵng