HUỲNH DUY LỘC – Victor Debay và Bà Nà, Đà Lạt

292

                               Victor DebayBà Nà, Đà Lạt

         Năm 1901, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tìm một nơi tương tự như Đà Lạt để xây dựng khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho các quan chức, binh lính và sĩ quan người Pháp. Nhiệm vụ được giao cho Đại úy Victor Debay trực tiếp chỉ huy tìm kiếm.

        Eric T. Jennings đã cho biết tiểu sử vắn tắt của đại úy Victor Debay: “Victor Adrien Debay sinh ngày 28.8.1861 ở làng Serzy-et-Prin, gần Reims. Là con trai của Jean-Marie Adrien Debay và Louise Clotilde Eilisa Delamarck, ông đã không sinh ra trong nhung lụa. Ông nhập ngũ với cấp bực binh nhì vào năm 1882, ở tuổi 21. Quân đội Pháp thập niên 1880 còn đang chao đảo vì thất bại trước quân Phổ năm 1870 và sa lầy trong cuộc tìm kiếm phương thế cứu vãn hải ngoại ở châu Phi, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Debay hoàn tất khóa huấn luyện với thứ hạng cao, 144 trên 406 học viên. Sau đó, ông đã thăng cấp đều đặn: ông vào Trường Võ bị Saint-Cyr năm 1886 và lên chức trung úy thuỷ quân lục chiến vào năm 1891, trước khi thăng lên đại úy năm 1898. Vào một thời điểm nào đó trong quá trình này, chắc chắn là trước khi phục vụ trong quân đội, ông đã lấy được bằng đại học.

        Mặc dù có những bước thăng tiến đó, lý lịch Debay vẫn có những vết hoen ố. Hồ sơ của ông cho thấy rằng năm 1884, ông đã chờ một bạn đồng ngũ ngã bệnh để tấn công và vật anh này xuống đất nhiều lần vì tội được cho là đã vô lễ với mình trước đó. Debay đến Đông Dương vào tháng 5 năm 1890 và được giao công tác đầu tiên ở Nam Kỳ. Vào tháng 10 năm 1890, ông được thuyên chuyển ra Bắc Kỳ, nơi đang trong tình trạng chiến tranh. Vào tháng 4 năm 1891, cấp trên đã rút ra tổng kết về phẩm chất và khuyết điểm của Debay: “Sĩ quan này đã ghi một điểm số kém cỏi ở Nam Kỳ. Anh ta đầy nhiệt tình và năng lượng kể từ khi đến Bắc Kỳ, đặc biệt khi vào chiến dịch, nơi anh tỏ ra gan dạ khác thường, anh hầu như không biết sợ hãi… Hơn nữa, anh là người có học thức, với bằng đại học về nghệ thuật và khoa học. Tuy nhiên, anh có tính cách hiếu động, căng thẳng thái quá và khó thích nghi…”(Imperial heights, bản dịch tiếng Việt của Phanbook, 2022)

        Nhận nhiệm vụ, Đại úy Victor Debay phải mất nhiều tháng trời lang thang khắp Việt Nam để tìm cho ra một Đà Lạt thứ hai. Tháng 4 năm 1901, ông phát hiện ra núi Chúa, một ngọn núi cao với địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu bán ôn đới mát mẻ, tương tự như Đà Lạt, chỉ cách thành phố Đà Nẵng chừng 40 km về phía Tây.

        Đại úy Victor Debay ghi nhận trong báo cáo: “Từ ngôi lều chính, người ta nhìn thấy đồng bằng Đà Nẵng đến tận chân các dãy núi và nhìn thấy đồng bằng Quảng Nam. Cao hơn cây rừng, ở các đỉnh 1.370, 1.376, 1.403; từ đó có cái nhìn toàn cảnh bao la, từ những phá ở Quảng Trị đến phá Quảng Ngãi và về hướng Tây, đến tận những rặng núi ở nguồn sông Sékông (sông Côn hiện nay)”.

        Nhận định đây là vùng đất lý tưởng có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng, ngày 30 tháng 11 năm 1901, Toàn quyền Paul Doumer đã ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp để nghiên cứu về Bà Nà kỹ hơn.

        Sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), người Pháp đẩy mạnh việc xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1) trong năm 1919, tạo điều kiện cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Bà Nà. Tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà. Tính đến tháng 7 năm 1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm.

        Có 3 cách lý giải về nguồn gốc của tên Bà Nà:

  1. Cách lý giải thứ nhất là khi nhìn thấy núi Chúa lần đầu tiên, người Pháp phát hiện ngọn núi này có nhiều cây chuối nên đặt cho nó cái tên Banane (“Banane” có nghĩa là “chuối” trong tiếng Pháp).
  2. Cách lý giải thứ hai theo nhà văn Nguyên Ngọc: Ba Na là một từ trong tiếng Katu (Cơtu) có nghĩa là “Ngọn núi của tôi”. Ba Na cũng là tên một bộ tộc Katu sống ở vùng này.
  3. Cách lý giải thứ ba là thuở vùng đất Quảng Nam còn thuộc về Vương quốc Champa, người Chàm tôn vinh nữ thần Ponagar đã gọi vùng đất có núi Chúa là Ba Na.

                      Ảnh: Núi Chúa, tức Bà Nà, hiện nay và thuở hồng hoang