HUỲNH DUY LỘC – Nguyễn Phước Tương và “Hội An, di sản thế giới”

463

 

   Nguyễn Phước Tương và “Hội An, Di sản thế giới”

 

Nguyễn Phước Tương thuộc dòng dõi hoàng tộc, sinh năm 1928, quê gốc ở làng Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Cha ông từ Huế vào dạy học và sinh sống nhiều năm ở TP.Hội An, cưới mẹ ông, một người con gái Quảng Nam thuộc dòng dõi Đoàn Quý Phi, có quê gốc ở làng Phiếm Ái, nay là xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. TP.Hội An là thành phố tuổi thơ của Nguyễn Phước Tương.

Trước năm 1945, Nguyễn Phước Tương học trường tiểu học Hội An rồi Trường Quốc học Huế. Năm 1946, sau khi Nhật đầu hàng, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Việt Nam, gia đình ông phải di cư ra Thanh Hóa để tránh sự truy lùng của mật thám Pháp. Điều đặc biệt là mặc dù có khả năng về chữ Hán và chữ Pháp, hai người anh đều theo các ngành khoa học xã hội, ông lại theo ngành khoa học tự nhiên. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Đại học Nông nghiệp I ở Hà Nội, chuyên ngành thú y. Ra trường, ông về dạy Trường Đại học Nông nghiệp II tại Hà Bắc, mãi đến năm 1977 mới về lại Quảng Nam. Từ năm 1977 đến năm 1988, ông là Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi – thú y Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sau khi nghỉ hưu vào năm 1988, ông làm công tác nghiên cứu ở Trung tâm thông tin tư liệu Sở Khoa học và công nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông là hội viên lớn tuổi nhất của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian TP.Đà Nẵng.

Ông là người luôn tham gia với hàng chục tham luận các hội thảo nghiên cứu về Quảng Nam như Hội thảo về Danh xưng Quảng Nam (2001), Vai trò lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm (2002), Bà Chúa Tàm Tang xứ Quảng (2003), Tiểu La Nguyễn Thành (2004), 100 năm phủ lỵ Tam Kỳ (2007), Phong trào chống thuế Quảng Nam (2008)…

Ông cũng là một trong những tác giả trụ cột của sách “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng”.

Các tác phẩm viết về Quảng Nam:

1.” Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu” (NXB Giáo Dục, 1997). Đây là sách song ngữ Việt Pháp. Sách được Đại sứ Pháp tại Việt Nam đánh giá là “Một công trình rất lý thú”. Quyển sách góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh Hội An ra thế giới và thu hút khách du lịch.

  1. “Hương sắc vườn quê” (NXB Thanh Niên, 2002) là tác phẩm văn học đầu tay của ông tập hợp những truyện vừa viết về vùng đất của các Di sản thế giới Huế và Mỹ Sơn.
  2. “Hội An, Di sản thế giới” (NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2004). Giới thiệu một cách tương đối đầy đủ về Hội An, lịch sử cảng thị sầm uất thời chúa Nguyễn cho đến Di sản thế giới với những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử.
  3. “Phố cổ êm đềm” (NXB Văn Học, 2010) là cuốn tiểu thuyết “ghi lại những cuộc tình thơ mộng, sự chân chất, mộc mạc của phố cổ Hội An trong biến động của thời chiến tranh, ly loạn, tác động đến từng thân phận con người”.
  4. “Xứ Quảng – Vùng đất và con người” (NXB Hồng Đức, 2013) là công trình nghiên cứu gần 800 trang, trình bày khá đầy đủ về nhiều khía cạnh khác nhau của xứ Quảng từ lịch sử, văn hóa, nhân vật cho đến thiên nhiên.
  5. “Cảm nhận Văn học dân gian đất Quảng” (chưa xuất bản). Sách dày hơn 300 trang là một khảo luận lý thú về văn học dân gian Quảng Nam. Nghiên cứu đã nhận được Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật của TP.Đà Nẵng.

   Tác phẩm “Hội An, Di sản thế giới”:

   https://www.chiasedulich.com/…/ebook-hoi-di-san-gioi..  

                 

                              Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương