HUỲNH DUY LỘC – Khởi động dự án tu bổ Hải Vân quan

329

         Khởi động dự án tu bổ Hải Vân quan

 

Ngày 22.3.2022

         Mục từ “Đèo Hải Vân” trong “Địa danh thành phố Đà Nẵng” của nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe cho biết: “Hải Vân. Đèo: Trên đường thiên lý Bắc Nam ngang qua dải đất miền Trung, là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, còn gọi là đường cái quan, về sau gọi là quốc lộ 1 A” (tr. 380).

         Đèo Hải Vân trên Hải Vân sơn cao 496 m so với mực nước biển, dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (một phần của dãy Trường Sơn chạy ra sát biển) còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, hay còn gọi là đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ. Theo tác giả Nguyễn Ngọc Thanh và các tác giả biên soạn tác phẩm “Đặc trưng văn hóa vùng Nam Trung bộ”, “từ xưa địa hình đèo Hải Vân tương đối hiểm trở, khó đi lại nên hoang vu và vắng người. “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”. Đến thời Nguyễn, đèo vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía Bắc giáp vực biển Hang Dơi. Tương truyền, xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật nên ngạn ngữ có câu:

         “Đi bộ thì sợ Hải Vân

         Đường thuỷ thì sợ sóng thần Hang Dơi” (Đặc trưng văn hóa vùng Nam Trung bộ, tr. 120, 121)

         Theo Võ Văn Hòe, “từ độ cao 496 m của đỉnh đèo Hải Vân, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và cảnh làng chài Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) ngoạn mục, tạo nguồn cảm hứng cho du khách tứ phương…” (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 382). Cảm hứng mà du khách đặt chân lên đèo Hải Vân có thể có là cảm hứng về lịch sử, hồi ức về những con người trong quá khứ đã biến đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng thành một phần của lãnh thổ Đại Việt.

         Trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về châu Rí của Vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành), nhưng sau cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân của Đại Việt và vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), Hải Vân sơn và đèo Hải Vân thuộc châu Rí của Chămpa đã được sáp nhập vào lãnh thổ của Đại Việt. Sử gia Lê Thành Khôi đã viết về việc mở rộng lãnh thổ Đại Việt tới đèo Hải Vân: “Dưới triều vua Trần Anh Tông, nước Đại Việt có cơ hội mở rộng về phía Nam. Sau khi thoái vị, năm 1301, vua Trần Nhân Tông tới viếng thăm Chămpa. Để thắt chặt liên minh giữa hai nước, nhà vua hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân (Harijit), một con người mạnh mẽ trở thành Jaya Sinhavarman III… Năm 1306, Huyền Trân lên đường tới Vijaya. Năm sau, vua Trần Anh Tông nhận được hai châu và đặt tên là Thuận châu và Hóa châu. Các châu này ngày nay là phần phía Nam của Quảng Trị và Thừa Thiên. Cưới Huyền Trân chưa được một năm, Chế Mân qua đời sau khi cho dựng tại Phan Rang tháp Po Klaung Garai…” (Histoire du Vietnam, des origines à 1858, tr. 224 bản dịch tiếng Việt).

         Tuy nhiên châu Rí mà vua Chế Mân trao cho vua Trần Anh Tông của Đại Việt – về sau trở thành Hóa châu của Đại Việt – không chỉ có Hải Vân sơn và đèo Hải Vân, mà còn bao gồm cả Vịnh Đà Nẵng. Từ khi thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân vào năm 1301 cho đến khi cuộc hôn nhân thật sự diễn ra, phải mất đến 5 năm vì vua Chế Mân và các triều thần của Chămpa phải đàm phán nhiều lần về vấn đề: biên giới phía Nam của châu Rí sẽ kéo dài tới đâu? Học giả George Maspero cho biết: “Đã có nhiều cuộc thương thảo, các sứ thần của hai nước qua lại không ngừng và đến đầu năm 1305, các cuộc thương thảo vẫn tiếp diễn. Vua Jaya Sinhavarman sốt ruột, đã sai Chế Bồ Đay mang sính lễ gồm vàng bạc, dầu thơm, những con thú quý hiếm, những phẩm vật đặc biệt sang Đại Việt và hứa sẽ trao hai châu Ô và châu Rí vào ngày tổ chức hôn lễ…” (Le royaume de Champa)

         Nhà văn Nguyên Ngọc đã phân tích vì sao cuộc đàm phán vào thời kỳ này giữa Đại Việt và Chămpa đã kéo dài suốt nhiều năm: “Theo logic thông thường, Hải Vân, ngọn đèo cao nhất trên đường từ Bắc vào Nam, một ranh giới hết sức rõ rệt, một tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, phải là ranh giới chia đất và hẳn Chế Mân không thể không cố bám lấy cái lằn ranh tự nhiên đó. Nhưng các nhà thương thuyết của triều Trần đã quyết ép và cuối cùng đã đòi được bỏ hẳn ngọn đèo ấy, đi tiếp luôn một mạch hơn 30 km nữa về phía Nam, cho đến tận bờ Bắc sông Thu Bồn. Chịu lùi đến bờ Bắc sông Thu Bồn đối với người Chiêm, ngay cả chỉ riêng về mặt tinh thần thôi, đã là rất đau: ngay sát bên kia sông là cố đô Trà Kiệu nổi tiếng và thành đô thiêng liêng Mỹ Sơn. Mới biết người Việt coi trọng cái rẻo đất địa đầu của xứ Quảng (sau này đặt tên là phủ Điện Bàn và vẫn thuộc về Thuận Hóa – vì bấy giờ chưa có Quảng Nam) đến chừng nào. Rẻo đất đó không lớn, nhưng có đến 2 cửa biển quan trọng là Hội An và Đà Nẵng – đúng ra còn có một cửa biển thứ ba nữa là Câu Đê thời bấy giờ cũng là cửa biển lớn – như lịch sử còn ghi rõ, tất cả các cuộc tấn công của Chiêm Thành, một quốc gia rất mạnh về thủy quân, đánh ra Đại Việt đều đi bằng đường biển, xuất phát từ những cửa biển lớn như thế này. Chiếm được các cửa biển này là đẩy xa hẳn mối uy hiếp quấy nhiễu của Chiêm Thành. Song còn một lý do thứ hai có thể quan trọng không kém: tràn qua được phía Nam đèo Hải Vân. Thiết lập được ở đó một bàn đạp, một căn cứ xuất phát tấn công, là điều kiện số một để tiến tới chiếm luôn cả vùng đất Quảng Nam, vùng đất quan trọng và quyết định nhất trên đường Nam tiến…” (Từ Đông sang Tây, nhiều tác giả).

         TS Trần Đức Anh Sơn đã viết về Hải Vân quan trên núi Hải Vân (Hải Vân sơn): “Ải lĩnh là tên cũ của dãy núi ở Tây Nam kinh đô Huế. Xưa kia, trên đỉnh núi có xây một cửa ải nên gọi là Ải lĩnh, nhưng dân gian thường gọi là Ngải lĩnh vì trên núi có mọc nhiều cây ngải. Tương truyền, đến mùa cây ngải nở hoa, gió thổi cánh hoa bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho trùng tu cửa ải, xây làm 2 cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc 3 chữ Hán 雲海關 (Hải Vân quan). Cửa sau cũng có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán 天下第一雄關 (Thiên hạ đệ nhất hùng quan). Cũng từ đây người ta quen gọi núi làm ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế là Hải Vân sơn” (Bài thơ ”Ải Lĩnh xuân vân” của chúa Nguyễn Phúc Chu, Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn).

         Ngày 22.3.2022, dự án tu bổ Hải Vân quan đã khởi động.

         

Ảnh: Đèo Hải Vân và Hải Vân quan (ảnh của anh Từ Thứ)

Ảnh đại diện: Nhật Lâm