HUỲNH DUY LỘC – Đà Nẵng qua thời gian

369

 

Đà Nẵng qua thời gian

        Thành phố Đà Nẵng phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế, phía Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông, cách Hà Nội 764 km về phía Bắc, cách Sài gòn 964 km về phía Nam, cách thành phố Huế 108 km về hướng Tây Bắc, là một thành phố vừa có núi cao, sông sâu, vừa có vịnh biển.

Tên Đà Nẵng (chữ Hán: 沱㶞 hoặc 陀㶞) được đề cập đến sớm nhất trong quyển 5 sách “Ô Châu cận lục” (烏州近錄) in lần đầu năm 1555 của Dương Văn An:

        Nguyên văn Hán văn:

    松江祠. 祠在思榮縣思客海門,並在廣南陀㶞海門。

        Phiên âm Hán Việt:

        Tùng Giang từ. Từ tại Tư Vinh huyện Tư Khách hải môn, tịnh tại Quảng Nam Đà Nẵng hải môn.

        Dịch nghĩa:

        Đền Tùng Giang. Đền tại cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh và tại cửa biển Đà Nẵng, Quảng Nam.

        Về nguồn gốc của tên gọi Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Võ Văn Hoè cho biết: “Tên gọi Đà Nẵng không có nguồn gốc từ tiếng Việt, mà bắt nguồn từ tiếng Chăm.

       – Ông Thái Văn Kiểm viết như sau: “Còn danh xưng Đà Nẵng lại có một nguồn gốc Chiêm Thành. “Đà” là sông, “Nẵng” là lớn. Vậy “Đà Nẵng” có nghĩa là “sông lớn”. Người Trung Hoa đọc là Tu-Râng” (Đất Việt, trời Nam)

  Tác phẩm “Đất Việt trời Nam”: https://tusachtiengviet.com/…/yf…/dat-viet-troi-nam.pdf

        – Linh mục Phan Phát Huồn trong “Việt Nam giáo sử” cũng nói rằng Đà Nẵng là tên Chiêm của địa phương mà người Việt gọi là Cửa Hàn, người Pháp gọi là Tourane” (Việt Nam giáo sử).

        Tác phẩm “Việt Nam Giáo sử” của Phan Phát Huồn

       Tập 1: https://tusachtiengviet.com/…/viet-nam-giao-su-q-1-phan…

        – Còn ông Lam Giang giải thích như sau: “Nguyên tiếng Chàm “Hangdanak” là bờ biển buôn bán. Còn “Dana” hay “Darak” tiếng Chàm có nghĩa là “sông lớn”, tức sông Hàn, “mà sông lớn thì cố nhiên việc thủy vận tiện lợi, buôn bán phồn thịnh” (Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX)

        Tác phẩm “Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền đầu thế kỷ XX” của Lam Giang: https://tusachtiengviet.com/…/Qd1rgPDX…/tran-quy-cap.pdf (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 253, 254).

       Năm 1604, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cải đổi, sắp xếp lại các đơn vị hành chính của Đàng Trong. Sau 298 năm thuộc địa phận Tuyên Hóa (1306-1604), được tách ra nhập vào dinh Quảng Nam và nâng lên thành phủ, lãnh 5 huyện: Tân Phước, Hòa Vang, An Nông, Phúc Châu, Diên Khánh, Đà Nẵng thuộc huyện Hòa Vang…” (Địa danh thành phố Đà Nẵng, tr. 254, 255).

       Tác giả Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, cho biết về vùng đất mang tên Đà Nẵng: “Đà Nẵng, địa danh từng được người phương Tây biết đến với tên gọi Tourane, là thương cảng thu hút các luồng giao thương của các thương gia phươngTây, là điểm dừng chân đầu tiên – sau Hội An – cho những nhà truyền giáo đi rao giảng đức tin của Chúa Trời ở xứ Đàng Trong và là nơi chủ nghĩa thực dân phương Tây chọn làm nơi khai hỏa đầu tiên trong tiến trình xâm lược nước ta, nhằm thực hiện ý đồ chiếm giữ cả vùng Viễn Đông rộng lớn. Song địa danh mà người địa phương gọi là Cửa Hàn hoặc Đà Nẵng, người phương Tây gọi là Turon, Tourane… còn lắm người tranh cãi này đã được xác định như thế nào trên bản đồ của nước Việt Nam từ xưa đến nay?

       Vùng đất được gọi là Đà Nẵng ngày nay chính là cửa biển Đà Áo – một cách gọi của người xưa về Đà Nẵng. Từ thế kỷ 16 trở đi, người ta thấy địa danh Đà Nẵng được ghi chú trong bản đồ xứ Đàng Trong “An Nam hình thắng đồ”, để chỉ vùng đất có tên là “Đà Nẵng môn”. Tương tự như vậy, trong các bản đồ thời Hồng Đức hay bản đồ của các thương nhân, giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ xưa đến nay đều dành những nét vẽ và ghi chú chi tiết về địa danh có tên là Hàn hay Tourane này. Mãi đến cuối thế kỷ 19, Đà Nẵng chỉ giới hạn từ làng Thạch Thang đến cầu Thương Chính (Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp, Lưu Anh Rô, tr. 13)

        Năm 1858, cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương, Pháp đã tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam với tính cách là một nhượng địa và đổi tên thành Tourane, đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Theo một điều khoản của Hiệp ước Patenôtre ký ngày 6.6.1884 giữa triều đình Đại Nam và Pháp, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ép vua Đồng Khánh phải nhượng chủ quyền 3 đô thị lớn nhất là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp. Đạo dụ do vua Đồng Khánh ký ngày 1.10.1888 ghi rõ: “Lãnh thổ các đô thị Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng sẽ lập thành nhượng địa Pháp và toàn quyền sở hữu sẽ hoàn toàn dành cho Chính phủ Pháp. Chính phủ Đại Nam khước từ mọi quyền lợi trên các lãnh thổ ấy” (Điều 1). Đạo dụ này được Toàn quyền Đông Dương chuẩn y bằng Nghị định ngày 2.10.1888, theo đó, các xã thôn của Đà Nẵng nằm trong vùng nhượng địa là: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây thường được gọi là “ngũ xã”.

       Ngày 24.5.1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Vài năm sau, ngày 19.9.1905, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tách thành phố Đà Nẵng khỏi tỉnh Quảng Nam.

        Sau Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 đơn vị hành chánh độc lập. Năm 1952, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng vào khoảng thời gian này, Chính phủ Cộng hòa Pháp đã ra Nghị định trả chủ quyền Đà Nẵng cho Chính phủ Bảo Đại, và thị trưởng Đà Nẵng đầu tiên là ông Nguyễn Thuyên.

       Sau Hiệp định Genève (1954), Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra Quyết định số 162/ VN ngày 31.7.1962 chia tách vùng đất Quảng Nam làm 2 đơn vị hành chánh: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Tín. Quảng Nam có 9 quận: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đức Dục, Hiếu Đức, Hiếu Nhơn, Thường Đức, Quế Sơn, Hòa Vang và một thị xã là Đà Nẵng. Quảng Tín có 6 quận: Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Hậu Đức, Lý Tín và Tam Kỳ.

        Tháng 3 năm 1965, lính Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng như lời kể của nhà báo Stanley Karnow: “Các cuộc chiến tạo ra những sức xung kích riêng và khi việc ném bom miền Bắc leo thang, một vấn đề có liên quan đã phát sinh. Các tàu chiến của Mỹ rất an toàn trước các tàu chiến nhỏ như muỗi của Bắc Việt, nhưng sân bay của Mỹ tại Đà Nẵng lại dễ bị 6.000 quân du kích Cộng sản ở trong vùng tấn công. Ngày 22 tháng 2 năm 1965, tướng Westmoreland xin Tổng thống Johnson điều động 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến để bảo vệ sân bay quân sự này. Về sau, tướng Westmoreland có biện bạch rằng vào thời điểm ấy, ông không thấy rằng yêu cầu này đã là “bước đầu tiên của sự dính líu của người Mỹ”, sẽ đưa tới việc tăng quân số của Mỹ lên 200.000 người vào cuối năm ấy. Nhưng tướng Maxwell Taylor đã cảnh báo: “Việc đưa 3.500 lính thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng là khởi đầu của sự can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến ở một quốc gia thù nghịch, xa lạ và sẽ khó mà giữ được mọi chuyện trong tầm kiểm soát một khi lính thủy quân lục chiến đã được triển khai”. Tuy nhiên Tổng thống Johnson đã nhanh chóng phớt lờ lời cảnh báo của tướng Maxwell Taylor, và buổi sáng ngày 8 tháng 3 năm 1965, những người lính thủy quân lục chiến trang bị đầy đủ khí giới đã đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Đó là những người lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên châu Á từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc…” (Vietnam, a history, Stanley Karnow, tr. 415, 416).

        Năm 1967, Đà Nẵng được Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương và xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của Vùng I và Vùng II chiến thuật.

        Sau ngày 30.4.1975, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ đã ra Quyết định số 119/QĐ ngày 4.10.1975 hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Rồi sau đó, tại kỳ họp thứ X của Quốc hội khóa X (tháng 10.1996), tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lại được tách ra làm 2 đơn vị hành chánh: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

   Đà Nẵng skyline (Đà Nẵng qua flycam): https://youtu.be/il-BcOK7m9E

————————-

Ảnh: Sông Hàn, Vịnh Đà Nẵng, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng vào ngày 1.9.1858 và lính Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng vào ngày 8.3.1965.