Hồ sơ: Cẩm Lệ – Cẩm Nam – Cẩm Bắc

438

Hồ sơ: Cẩm Lệ – Cẩm Nam – Cẩm Bắc

Cầu Cẩm Lệ, theo ức đoán đã 70 năm, nay cầu đã sập, con đường giao thông bằng đường bộ bị gián đoạn. Nhân đó, chúng tôi thử làm một việc: tìm hiểu xem Cẩm Lệ-Cẩm Nam-Cẩm Bắc có quan hệ như thế nào xưa và nay.

          Hòa Vang có tên trong bản đồ Đại Việt khoảng đầu đời các chúa Nguyễn (1605-1613). Hòa Vang thời bấy giờ có 3 tổng là Tổng Lệ Sơn, Tổng Hà Khúc, Tổng Lỗ Giáng gồm 51 xã thôn. Tổng Lỗ Giáng có 10 xã, Cẩm Lệ là một trong mười xã đó.

          Năm Minh Mạng thứ 13 (1833), Quảng Nam dinh được cải thành tỉnh Quảng Nam và các tổng Thanh Quýt, Bình Thái ra đời. Cẩm Lệ vào năm Thành Thái thứ 13 được chia đôi cũng như các xã Phong Lệ, Yến Nê. Phần bên tả ngạn sông Cẩm Lệ giáp với Phước Tường thượng tổng trở nên xã Hòa Thọ như ngày nay. Trước kia, các thời chúa Nguyễn, Cẩm Lệ thuộc tổng Lỗ Giáng. Xác định  bia mốc làm ranh giới giữa Cẩm Lệ với Khuê Trung đến nay vẫn còn một bia, thường gọi là bia ông Mốc nằm về phía tả ngạn của sông, gần bến đò Nga, trên bia có ghi: “ Gia Long thập niên, thất ngoạc, nhị thập ngũ nhựt(ngày 25 tháng 7 âm lịch). [1] Đến năm Gia Long thứ 14 (1815) trong văn bản thừa nhận ranh giới giữa các xã với Cẩm Lệ có ghi: Gia Long Thập tứ niên, thập ngoạc, nhị thập thất nhựt, Cẩm Lệ xã, Diên Khánh huyện, Thanh Quýt trung tổng, Điện Bàn phủ”. Mãi cho đến Thiệu Trị năm đầu Cẩm Lệ xã vẫn thuộc Thanh Quýt trung tổng: Thiệu Trị nguyên niên, thất ngoạc sơ lục nhựt, Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện, Thanh Quýt trung tổng, Cẩm Lệ xã”.

          Buổi đầu mới lập nên xã, con sông mà nay gọi là Cẩm Lệ là ranh giới giữa Cẩm Lệ và Bình Thái. Bình Thái lúc bấy giờ có tên là Bình Khương động, xã Cẩm Lệ nằm phía hữu ngạn của sông, tồn tại từ thời Nguyễn Hoàng tăng thiết thêm huyện Hòa Vang. Cũng cần nói thêm, Cẩm Lệ có từ lúc nào? Ở Cẩm Lệ nay còn truyền rằng vào thời nhà Trần dưới triều Trần Dụ Tông có tướng quân họ Phan, tước vị được phong có ghi là  Cẩm Ba Hầu, ông cùng đoàn quân của Đại Việt vào nam khai phá đất đai, nhưng bị chết ở đây. Đấy là năm Đinh mùi 1367.

          Từ đó, người Việt ở vùng đất nầy gọi tên con sông là Cẩm giang. Mãi đến thời Lê Thánh Tông, năm Canh thìn (1470), vùng Cẩm Lệ vẫn có tên và con sông này mang tên là Cẩm giang Lệ thủy .Đến nay tên gọi Cẩm Lệ không còn tồn tại như lúc ban đầu của vùng đất ấy, mà cùng với thời gian và những biến đổi của xã đã thay tên. Tên gọi Cẩm Lệ được dùng phổ biến phía tả ngạn của sông, nhưng hiện nay cũng tồn tại trong dân gian và gắn liền với đặc sản ở đây là thuốc lá Cẩm Lệ mà thôi.

          Cẩm Lệ nằm hoàn toàn phía hữu ngạn con sông, đến năm 1796, do một trận lụt làm cho cư dân ven sông bị ngập nước. Hậu quả của trận lụt Bính Thìn nầy làm cho cư dân sinh sống ven sông phải đối phó với cuộc sống vất vả, cực nhọc, nhất là vào mùa mưa hằng năm. Trước tình hình khó khăn do thiên tai để lại, Lý trưởng làng Cẩm Lệ tìm cách khắc phục bằng cách vượt sông qua Bình Khương động, xin Lý trưởng Bình Khương động cho số dân bị thiên tai sang cư ngụ tạm thời tại gò Thị. Được Bình Khương động đồng ý, đầu tiên số dân nầy dùng gò Thị vào việc cột trâu, bò tránh lũ lụt. Về sau , do không thuận lợi họ dần dần di cư cả người sang, càng lúc càng nhiều mà nhiều nhất là họ Phan Ngọc…Gò Thị bỗng dưng được khai phá lập làng, vườn tược rồi làm nhà ở ổn định. Tuy nhiên do vùng gò Thị đất hẹp, lại nằm dọc triền sông nên số dân nầy xin khai khẩn thêm đất đai ở vùng gò Tràm và sau nầy cả gò Theo nữa. Sau đấy là thời kỳ ổn định kéo dài, theo đó một làng mới được hình thành. Cẩm Lệ được mở rộng thêm ra, sông Cẩm Lệ chạy qua giữa làng, chia làng thành hai nửa riêng biệt. Như thế, về mặt lịch sử làng thì trước khi có người đến cư trú gò Thị là nơi rừng rú (theo người làng kể lại), có cả cọp, beo men theo đường truông xuống-truông Tranh từ Đồng Bé, Đồng Lành, Đà Ly- nhiều nhất là rắn, rết và dơi, quạ sinh sống. Về mặt thổ nhưỡng, đây là vùng đất gò, đá ong pha cát thường có mạch nước ngầm vào mùa mưa.

          Có được như ngày nay là nhờ bàn tay lao động cần cù của dân làng gây dựng mà nên.

          Sau đó họ khẩn trương lập thêm gò Tràm, sinh sống bằng nông nghiệp, chủ yếu của gò Tràm thích hợp với cây thuốc lá . Vùng gò Tràm giáp với gò Mô của Khuê Trung, đây cũng là vùng đất có thể xem là một trong ba nơi sản xuất thuốc lá Cẩm Lệ nổi tiếng một thời. Khai phá xong gò Tràm, lâu dần đất đai thuần thục, nông nghiệp được đẩy mạnh, nhân khẩu ngày càng phát triển, việc có nơi cư trú đòi hỏi phải đặt ra. Để có thêm đất, họ khẩn trưng thêm vùng đất mới, hoang vắng nhiều cây bụi nhất là dúi, nới rộng thêm diện tích cho làng. Vùng đất mới nầy có tên là gò Theo (nay là Cẩm Bắc 2). Gò Theo bắt đầu nhận dân đến cư trú, lập nghiệp khoản từ thời Thiệu Trị và ổn định dần.

          Cơ bản hình thành xong làng, (nhưng vẫn thuộc Cẩm Lệ) sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề nghiệp căn bản. Nông vi bản là vấn đề sống còn, trong đó một số là phi nông nghiệp, họ sống bằng nghề sông biển như đãi cát, sạn, cào hến, nghề đánh bắt cá sông. Tuy nhiên trong sản xuất thường gặp khó khăn do bỏ làng ra đi nên hằng năm phải vượt sông trở về làng cũ xin lý trưởng ở Cẩm Lệ cho  tiến hành làm lễ “Hạ điền”, cúng tế tại đình làng gây nhiều tốn kém công, của, sau đấy mới được phép cày cấy trên những thửa ruộng của mình. Thời buổi ấy chưa có cầu Cẩm Lệ, chỉ có đò, đi đò sang làm ruộng là khá vất vả, nhất là khi di chuyển trâu, bò sang cày bừa. Muốn sang sông phải đến bến đò Nga, từ bến đò Nga bơi ngang qua sông Cẩm Lệ, thời vụ có khi tranh thủ không kịp gây mất mùa. Mãi đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), nhân lúc cắt thêm các xã Xuân Đán, Thạch Gián, Liên Trì, Bình Thuận, An Khê, Xuân Hòa, Thanh Khê, Mỹ Khê sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng thì ở Cẩm Lệ để cho đỡ nhọc bèn cử đại diện do họ Phan Ngọc cầm đầu mang lễ vật trở về làng cũ xin thôi tổ chức lễ hạ điền hằng năm và nhân dịp nầy cũng xin được lập làng mới. Sau chuyến đi ấy, về sau lễ hạ điền được miễn, dân từ bên tả ngạn sông Cẩm Lệ được tự do vượt sông trở về cày cấy trên những thửa  ruộng của họ vào thời điểm nào trong năm cũng được. Điều nầy góp phần lý giải vì sao người Cẩm Bắc có ruộng nằm trong phạm vi thuộc xã Hòa Châu (thôn Cẩm Nam). Cả đến khi tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp (1979), người dân Cẩm Bắc vẫn được sang phạm vi ruộng đất thuộc Cẩm Nam xã Hòa Châu để sản xuất.

          Từ đấy, Cẩm Lệ được chia làm hai: một là Cẩm Nam nằm về phía hữu ngạn con sông và Cẩm Bắc nằm về phía tả ngạn của sông Cẩm Lệ. Vùng đất gò Theo khai phá sau cùng có cư dân sinh sống họ đặt tên là Cẩm Bắc 2. Chính quyền của làng được thành lập tương đương với Cẩm Nam, Bình Thái, Khuê Trung và cũng từ đấy, tên gọi Cẩm Lệ biến vào dân gian mà tồn tại.

Cầu Cẩm Lệ (Internet)

Chuyện về bến đò Nga ở Cẩm Lệ, một giai thoại về bến nước, con đò, dòng sông với cây cầu bằng bê tông cốt sắt mà trong những lần điền dã chúng tôi ghi được.

          Như dã trình bày, gò Thị thuở xưa là nơi thâm u hoang vắng, qua lại vùng nầy thỉnh thoảng có dăm ba người đi nhặt củi, hái thị, đi săn. Vào đến gò men theo đường mòn nhỏ ra sông mà sau nầy là đường ra bến đò Nga ta gặp hàng đàn dơi quạ, chim vỗ cánh. Ban đêm lại cành thêm hoang vắng. Nhưng từ khi người dân Cẩm Lệ vượt sông tiến dần về phía bắc (giáp ranh với Bình Thái) bấy giờ nơi đây xuất hiện một bến đò, người ta thường quen gọi đấy là bến đò Nga. Mãi từ bấy đến nay trên những chuyến đò đưa khách sang sông, người ta còn ghi nhớ những câu hát trữ tình, duyên dáng gọi mời:

                   Cây đa cũ bến đò xưa

                   Dẫu không nên duyên chồng vợ

                   Cũng đón đưa một đôi lời.

          Đấy là câu hát thường có khi vọng lại lúc nửa đêm về sáng, có khi là buổi hoàng hôn ráng đỏ mỗi chiều. Câu hát từ bến đò ấy cất lên cùng nhịp chèo khoan thai trên sông nước của cô lái đò Nga.

Cầu Cẩm Lệ xưa (Internet)

          Chuyện rằng từ năm Tân dậu 1921, thực dân Pháp chuẩn bị cho làm cầu Cẩm Lệ đã mộ phu từ nhiều nơi đến và làm trại để ở tại vùng gò Thị nầy, ngay tại bến đò có cô gái tên Nga (Hai Nga). Hai Nga làm nghề chèo đò với mẹ mình, ngày ngày đưa khách sang sông dập dềnh trên sóng nước. Hai Nga đẹp mặn mà của người sống với nghề sông biển.

          Trong số công nhân được tuyển mộ từ nhiều nơi về làm cầu có một chàng trai tên là Tùng. Tùng làm đóc công, quê quán tận đâu Quảng Trị đã phải lòng cô lái đò Nga. Họ yêu nhau và sau đó cưới nhau. Ba năm sau khi cây cầu đã làm xong, Tùng về thăm quê chẳng may bị bệnh và qua đời. Gia đình cô Hai Nga được tin, sắm lễ vật phúng điếu. Để chuẩn bị được chu đáo có nhờ một ông giáo tại làng Cẩm Lệ làm một câu đối cô Hai Nga mang ra quê chồng.

          Câu đối viết:

                   Cẩm giang dạ thưởng lưu tà nguyệt

                   Tùng lủng vân di thất trượng phu

          Đến nay, dấu vết bến đò Nga chưa phải là mất hẳn, tuy không còn là bến sông tấp nập như xưa mà bến vẫn còn, đò thường bơi từ mạn bến cát sang Cẩm Nam, Cồn Dầu, khách không đông đúc như ngày xưa, chỉ vài ba người trên một chuyến đò sang Cẩm Bắc hoặc Khuê Trung họp tại chợ Cẩm Lệ, hoặc buôn bán, hoặc trao đổi sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là rau lang, bí bầu và mua sắm, có khi trao đổi hàng tiểu thủ công nghiệp.

          Nay, thời kỳ ấy đã qua nhưng con đò, dòng sông vẫn còn đó là chứng nhân di tích một thời thăng trầm tồn tại. Cẩm Lệ-Cẩm Nam-Cẩm Bắc dẫu sao cũng là những tên gọi của quê hương. (3/1994).

[1] Tư liệu điền dã tại xã Cẩm Lệ (cũ) do cụ Bốn Dị, làng Bình Thái đọc trên bia đá, chúng tôi ghi lại, tháng 2/1994.