Hến Đông Bàu
Nhân mùa hến nhớ về con hến!
Thuở xưa, người Phong Lệ ( trước khi chia làng) sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng trọt, chân lấm tay bùn hằng ngày nhưng vẫn không đủ ăn, không đủ nuôi số dân ít ỏi của làng đến ngày giáp hạt. Vì thế, họ phá núi bạt rừng, ngăn sông để tìm thêm nguồn sinh sống. Mãi đến khi chia làng thành hai nửa riêng biệt cũng vẫn chưa có gì thay đổi cơ bản về phương thức làm ăn. Bên cạnh nghề nông, người Đông Bàu có con sông Cẩm Lệ chạy ngang qua làng nên một số dân vùng ven có thêm nghề sông biển.
Đi ngang qua vùng Phong Nam, ghé đến Đông Bàu (xóm hến ngày xưa) vẫn còn nghe nhân dân ở đây kể về một phương thức lao động sinh sống của mình, đó là nghề cào hến. Người dân xóm hến một năm có đến hai nghề, nửa năm đầu dành cho hến, nửa năm sau là cày cấy nông tang. Vậy mà ngày xưa nếu như đến đấy vẫn hình dung được cuộc sống còn nghèo, thiếu trước hụt sau. Vùng ven sông, mái nhà làm dốc hơn, thấp hơn để chống bão. Đa số là nhà tranh với chi chít những mối buộc bằng mây giữ chặt rui mè, trên nóc lại chèn thêm những cây tre tạo nên những đường viền nhằm đè mái tranh cho khỏi tốc khi có gió lớn từ sông Cẩm Lệ thổi lên. Có thể nói, đấy là dáng vẻ riêng của nhà tại Đông Bàu. Mỗi ngôi nhà núp dưới một cây đa to, nhiều nhất là núp dưới những hàng tre. Núp dưới tre để chống bão, bão nhiệt đới ít khi thổi vào vùng này, nhưng phần nhiều vẫn là gió, có khi gió to. Tre vừa chống nóng, chống bão cũng còn góp phần làm cho xã hội an toàn.
Nay đã khác.
Nghề hến là một trong những nghề khá vất vả tại đây, bởi thường xuyên ngập lặn ngâm mình trong nước để cào hến, theo đó nghề cào hến là nghề vất vã. Hến cào được gánh ra chợ Phong Lệ họp ở đầu cầu Đỏ để bán đổi gạo và các nhu yếu phẩm khác.
Bài vè sau đây còn lưu hành trong dân gian:
Sinh ra nghề hến thậm hay
Cái ruột cũng bán
Cái vỏ cũng bán
Đến tro cũng có tiền
Vợ ở nhà đi bổi cho siêng
Chàng chẻ tre bện nạo liên miên cả ngày
Cào sưa chí những cào dày
Lấy mây bện lại,công rày trường công
Ăn nhờ một chút dưới sông
Đàn bà đi bán,đàn ông đi cào
Nửa đêm thức dậy lao xao
Bà đâu cháu nấy,chồng nào vợ đây
Gà gáy đầu lửa đỏ một dây
Chồng sàn,vợ đãi,con cầm cây chụm lò
Hai bên những gióng với vò
Nghề nầy không đói đâu mà lo
Ông gia cào, thằng rể nạy
Con dâu gánh chạy
Hỏi ai mua hến hay không
Nghề này bén tợ như bông
Làm một ngày hai chảo hến không đủ
công thuốc, chè
Mấy lời anh dặn em nghe
Thịt heo, bánh đúc, muối mè làm lơ
Tiết đông thiên vào dựa trong bờ
Trên lạnh, dưới lạnh mắt mờ da ngăm.
Con hến (Ảnh: Wikipedia)
Con hến ở đoạn từ ngã ba sông, nơi có miếu Một (Mỹ Thị) ngược lên đến vùng ba ra An Trạch (Hòa Tiến), có đến một đoạn dài 10 km đường sông. Con hến thích nghi với vùng nước lợ. Do thế, về mùa khô, nước mặn theo đường sông lên dần, có năm lên đến ba ra An Trạch, con hến cũng theo nước mà sinh sản, dần thích nghi với môi trường. Đời sống của hến là thế nên ở Đông Bàu, nghề hến tấp nập nhất vào khoảng mùng 10 tháng 1 đến mùng 10 tháng 7 âm lịch hằng năm, cao điểm có năm tập trung từ tháng 3 đến tháng 6. Sáu tháng làng Đông Bàu vào đợt cào hến, mọi công việc nông tang gác lại, dành thời gian cho nghề sông biển.
Con hến theo vùng nước lợ sinh sống và phát triển, chính thế, vào tháng Giêng đầu mùa hến, người dân Đông Bàu phải bơi ghe ra tận Gảnh[1] – vùng ngã ba sông – (Người Đông Bàu thường nói: “ ra đến tận Gảnh ngoài Hàn”). Ở vùng sông này, đầu mùa hến thường là hến Xéo. Hến Xéo nhỏ chưa ngon, là loại hến còn sót lại của mùa năm trước theo nước lợ về tụ tại đây. Ở đấy con hến sống đợi chờ suốt sáu tháng mùa mưa để đến tháng Giêng khi mùa khô là bắt đầu sinh sản.
Tháng Hai đến tháng Ba, nước sông Cẩm Lệ cạn dần, con hến cũng theo đó lên cùng với nước lợ. Quá trình di cư, hến phát triển nhanh chóng nằm sắp lớp dưới lòng sông, bám vào rong rêu mà sống. Càng ngược lên, hến lớn dần và tròn trịa, vỏ có màu xám pha vàng, ruột hến đầy đặn. Giai đoạn này con hến đạt chất lượng nhất trong mùa. Tháng 5,6 có khi con hến lên đến tận Cây Da Dù ở Chu Bái, Lạc Thành (Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) để phù hợp với môi trường sinh sống. Tại đây hến đổi màu, có màu sậm đen, thân hến lớn hơn.
Hến vùng này cũng là hến cuối mùa, lạt lẽo gọi là hến Trâu. Thời gian này thường có những trận mưa giông đổ vào chiều, nước từ nguồn xuống xiết, đẩy hến lùi dần đến tận cửa sông. Hến Trâu không xuống kịp thường chết giữa dòng nước bạc.
Đầu tháng 7, người dân xóm hến gác xếp dụng cụ hành nghề cào hến, chuẩn bị chuyển mùa sang làm ruộng, rẫy. Trước khi gác dụng cụ, nhà nào ở Đông Bàu cũng có tục tạ sông. Lễ tạ sông giữ lệ đúng ngày 10 tháng 7 âm lịch hằng năm.
Nghề hến có sự phân công nhau trong quá trình sản xuất. Mỗi người một việc đảm nhiệm từ đầu đến cuối. Cứ theo bài vè ghi lại không gian, thời gian, nơi chốn khi tiến hành cào hến thì đủ biết rằng nghề hến bận rộn biết bao. Không kể ngày đêm, cứ tranh thủ theo nhịp điệu lên xuống của thủy triều, nơi giao lưu giữa nước mặn và nước ngọt để hành nghề. Điều kiện tự nhiên như thế nên cả xóm Đông Bàu lao động khẩn trương trong mùa hến.
Quá trình làm hến phải chuẩn bị bổi[2] đun, việc nầy giao cho một người chịu trách nhiệm và thường không thay đổi. Lại có người chuyên lo bện dụng cụ dùng để nạo, thường những người có khả năng mây tre làm chủ chốt. Công việc đun lửa giao cho con cái trong nhà đảm trách.
Sau một, vài hồi cào hến, ghe đầy hến, cập bờ, người gánh ra chợ bán, người xúc đổ vào chảo nấu chín đãi lấy ruột cho vào vò thong thả sẽ bán sau. Tất cả các thao tác trên là cả một dây chuyền trong sản xuất. Nếu không tổ chức tốt, có thể dẫn đến thất thu. Một ngày cào được hai chảo hến đã là năng suất. Mùa hến đến, cảnh ban đêm dọc theo bờ sông bắt đầu từ gà gáy đầu đã thấy đèn đuốc sáng trưng. Cảnh tấp nập diễn ra trên bến dưới thuyền, đâu cũng vang lên tiếng gọi lao xao nhộn nhịp.
Người dân Đông Bàu trước khi tiến hành cào hến thường có lệ là tổ chức rước hến, sau đó mới đưa ghe thuyền và dụng cụ xuống sông. Lễ rước vào ngày 10 tháng 1, sáu tháng sau đến mùng 10 tháng 7 lễ tạ sông. Đây là tục lệ tiến hành đúng như quy định của xóm.
Lễ tiến hành một lần vào tiết mùa xuân, khí trời còn se lạnh, có năm gió bấc vẫn còn thổi lơ phơ. Nước sông Cẩm Lệ lờ đờ, vận tốc dòng chảy chậm dần. Mùa hến bắt đầu. Lễ rước tiến hành.
Trước khi cử lễ vài ngày, cả xóm Đông Bàu chung sức kết hai ghe làm một, trên ghe trang trí đẹp mắt, có đến 6 cây cờ xéo (cờ rìa) đủ màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, hồng … cắm hai bên thành ghe. Quanh thành ghe trang trí các loại mô hình: khủng long, thủy long, cá ngựa, hến, sò…Tất cả kết bằng lá dừa, hoặc bẹ chuối, cây ngâu, chè tàu…sao cho đẹp mắt là được, trông như một chiếc thuyền hoa rực rỡ giữa sông.
Trên ghe, người ta ghép, đặt một cái bàn có hương án, bài vị. Lễ rước có cử chánh bái, tư lễ, trống, chiêng đi kèm. Ghe rước xuất phát từ xóm hến, ngược dòng đến An Trạch, sau đó quay xuống tận miếu Một[3]-vùng ngã ba sông, đoạn quay lại xóm hến và lễ chấm dứt tại đây.
Trên đoạn đường dài 10 km đường sông, ghe đi chậm, trống, chiêng cử đều nhịp.
Sau lễ rước, xóm Đông Bàu xuống sông bắt đầu cho mùa cào hến. Lễ rước hến ở Đông Bàu cũng như một số địa phương khác tuy có khác về hình thức, song qua đó thể hiện yếu tố tự lực, tự cường lại vừa có giá trị tinh thần của người dân Đông Bàu, vì sự sinh tồn của nhiều thế hệ. Tục rước hến đã trở thành dấu ấn đậm nét trong dân (nay không còn nữa), trở thành phẩm cách của Đông Bàu (Hòa) tự khẳng định bản lĩnh của mình như “Phong Lệ mục đồng, Giáng Đông đấu vật”. Chính vì con hến nên khi ngang qua vùng Phong Nam ta vẫn còn nghe được câu hát một thời:
Ai về Phong Lệ thì về
Phong Lệ có nghề bán hến nuôi trâu[4]
(4/1997)
[1] Gảnh: gành=chỗ bờ biển hay bờ sông cao và nhô ra phía trước.
[2] Bổi: củi đun
[3] Trong dân gian có câu ca rằng: Chim kêu miếu Một, gà gáy giếng đôi. Nhứt thốn tâm hà khắc vô do. Ra về vừa tới bến đò. Bâng khuâng nhớ lại mấy câu hò nữ nhi. Chú đò ơi bớt ngủ một tí tì ti. Tống nhơn lưu phước đưa tui đi về nhà… Miếu Một tại ngã ba sông Cẩm Lệ, Cổ cò, sông Hàn. Miếu thờ Nguyễn Phục, Kỷ Vị/ Mùi khoa Tấn sỹ.
[4] Có lúc đọc: Phong Lệ có nghề bán hến mua trâu