Hai phía cuộc đời
Chiều, một buổi chiều tháng ba.
Một buổi chiều tháng ba trời còn se lạnh, cơn gió bấc thổi tạt vào tấm vách văn phòng làm rung rinh mấy mạng nhện giăng ra trước gió. Có con mọt nào mải mê đục khoét thân cây kêu răng rắc, nhả bụi xuống. Gió lại hất tung lên. Ngoài hiên cây vông đồng rì rào không ngớt, lá lìa cành còn nuối tiếc, rơi lợt đợt, khô cứng. Đến tháng ba rồi mà gió bấc còn về, quạt từng cơn nhọn hoắt vào da lạnh ngắt. Năm nay chẳng giống năm qua, nếu như bình thường thì đã có sấm chớp rung rinh một góc trời nào đó, báo hiệu cơn mưa dông đầu mùa kéo về bẻ cành, trút lá. Hàng tre sau trường vươn lên gặp gió lạnh, cuối xuống, lá như tóc rủ, rối bời.
An ngồi trên chiếc giường kê thấp, đây là nơi nghỉ trưa cho nhân viên còn ở lại làm việc buổi chiều. Gió phất nhẹ tí tro tàn lên mũi hăng nồng. Một bóng ai vừa thoáng qua tấm phên trét đất.
– Lạnh hay sao mà ngồi co ro thế anh An?
Giọng nữ, cô giáo Kim Hồng đến mở cửa phòng thư viện. Đúng, lạnh làm An rùng mình đứng lên:
– Kim đấy à? Đang ngồi chờ thủ quỹ đến nhận lương và một ít tiền mua dụng cụ trang bị cho Hội chữ thập đỏ !
Thủ quỹ vẫn chưa đến, một lớp học chiều nay bỏ trống, học sinh ồn ào như ong vỡ tổ. An nôn nao nhìn xa về phía cổng trường, chợt nghĩ: “Không lẽ chiều nào cũng có một lớp không học được sao, lớp này mà bỏ trống, làm ảnh hưởng đến các lớp khác thì biết dụng kế gì đây!” Chiều lắm rồi, trễ cả hai việc. An bước chầm chậm trên hàng hiên về lại văn phòng ngồi xuống ghế, lưng tựa vào chiếc bàn đã cũ. Gió vẫn cứ xào xạc không yên.
Bỗng An đứng lên như có điều gì thôi thúc, An dắt xe đạp ra sân phóng nhanh về phía cổng trường.
Cánh cổng rộng thênh thang trước mặt. Gió biển thổi ngược chiều, trên đường xuôi về phố thị, người đi lại đông vui. Thói quen thành lệ, cứ mỗi tuần An để dành ít tiền trong khoảng lương nho nhỏ của mình mua một quyển sách cho việc học tập dài ngày. Chiều nay An phải đi mua tài liệu, ngày mai là ngày nghỉ, luôn tiện vào nhà Hân thăm chơi cho biết. Sau một tuần làm việc khá bộn bề công chuyện, người ta chọn cho mình cách giải trí khác nhau. Có thể ngồi nhà đánh đàn, mê một môn thể thao nào đó, đánh cờ, xem phim hoặc nghe hoà nhạc, hay thăm người thân, bạn bè và có khi đến với người yêu vào ngày cuối tuần nữa… An đến nhà Hân cũng là cách thư giản sau một tuần lao động. Thăm bạn bè cũng là cách hay trong cuộc sống vốn đã bề bộn công việc đeo bám suốt ngày. Với An thêm một người bạn nữa trong cuộc sống lại làm cho cuộc sống và các mối quan hệ của mình hài hòa, phong phú hơn.
Qua ngã tư Cây Thông một đoạn, An rẽ vào nhà Hân. Nhà Hân nằm trên cửa ngõ vào thành phố, tiếp cận phố xá đông vui. Từ đấy Hân đạp xe đến nơi làm việc, nhanh nhất cũng phải mất ba mươi phút đồng hồ.
Vừa đến đầu cổng, từ trong nhà Hân, có vài em học sinh tan buổi học thêm đang ôm cặp ra về. Hân đón An vào nhà, An thấy vui, chào mấy em học sinh:
– Sao không học mà về, có phải mấy em hôm trước đấy không?
Hân kéo ghế mời khách, như những lần An đến, Hân niềm nở thế.
– Bọn nó thấy anh vào nên về cả đấy!
– Thế à, có làm cho mấy em ấy khó chịu không?
Hân cười:
– Không sao đâu anh!
An hỏi Hân:
– Sao, khi sáng tiết dạy có đạt không?
Ngước mắt nhìn An, Hân ngạc nhiên:
– Được, mà chỉ cần sửa…
An thăm dò:
– Vậy sao cô giáo dự giờ bảo cháy giáo án đến những mười phút đồng hồ!
Chung quanh việc dự giờ xây dựng một tiết dạy đạt yêu cầu cho cô giáo dạy tiếng Anh để mấy hôm nữa thi giáo viên giỏi tại Hoà Minh mà Hân là người có tên trong Ban giám khảo chấm chọn. An cũng thích thế, có người đạt chuẩn là vui rồi. Đến lượt Hân chắc tình hình cũng vậy.
Hân ngồi nhìn ra cửa, vân vê mấy ngón tay mình, bên ngoài trời hanh nắng, gió lắt lay tàu lá chuối đầu giếng rì rào.
– Năm nay em làm giám khảo, sang năm em sẽ là thí sinh dự thi, chắc đạt.
Hân vẫn nhìn vào những ngón tay nhỏ nhắn của mình:
– Em dở lắm, làm sao thi được, sang năm xin nghỉ việc rồi còn đâu nữa mà thi!
Biết Hân đùa, An chống tay xuống bàn:
– Năm đến, Hân không thi cũng phải buộc cho thi.
Hân không nhìn An, vẫn nhìn ra cửa sổ, mấy tàu lá chuối đu đưa trong gió, dường như có điều gì đấy không bằng lòng trong đôi mắt của Hân chiều nay. Tự dưng không gian như đọng lại, im lặng chen vào giữa hai người. Bất chợt Hân nói một điều khó hiểu:
– Đáng lẽ giờ này thì…
Nước giếng mát lịm làm An tỉnh người sau vài phút nặng nề căng thẳng. Mấy ngón tay vê nhanh trên mấy sợi dây đàn thẳng băng, lâu lắm bữa nay An mới dạo lại mấy bài nhạc cũ quen thuộc. Tiếng đàn tròn ấm áp bay ra ngoài chạm gió chiều. Hân vẫn lo thu xếp việc nhà, đôi tay vẫn chưa được nghỉ:
– Có phiền không anh An, đã có cây đàn, anh ngồi đánh đàn đi nhé!
An giật mình:
– Không sao đâu em!
Hai năm trước trên một chuyến công tác về vùng quê Hoà Xuân, ở đấy An gặp Hân và những người bạn. Chẳng gì vui hơn thế, họ trao nhau những mẩu chuyện ngắn bắt gặp trong khi lên lớp. Dạo ấy Hân không khác bây giờ la mấy, vẫn mái tóc ngắn cụp vào vai, đôi mắt nâu rười rượi. Cô gái hiền hơn hết trong số nữ mà An đã biết. Hân ít nói nhưng lại hay cười. Chỉ mấy ngày ngắn ngủi trôi qua mà ở họ đã dấy lên một tình cảm như đã quen thân từ lâu rồi. Ở họ đã có sự cởi mở, bao dung, đặc biệt Hân có tính vị tha và lòng nhân ái. Từ dạo ấy, Hân có ý định mời An nếu có dịp về thành phố hãy ghé vào nhà Hân thăm chơi cho biết. An nghĩ: thêm một người bạn vẫn có lợi hơn là chuốt lấy một người thù. Chắc Hân cũng nghĩ như thế.
Hai năm trôi qua.
Không thể nào biết trước được có sự gặp nhau tình cờ tại ngôi trường Hoà Vân này. Khi ve sầu không còn râm ran nữa, khi cây phượng cố tình kéo lại mùa hè gắng sức nhô cao lên đầu một chùm hoa đỏ cũng không đủ sức ngăn được mùa thu đến. Năm học mới khai giảng, An đến với trường, rồi Hân cũng đến. Họ lại gặp nhau ở đây rồi! Không thể nào ngờ được.
– Anh An cũng chuyển công tác đến đây sao? Không ở Hoà Khánh nữa à?
An đi khỏi trường Hoà Khánh cũng như Hân rời khỏi Hoà Quý vậy, Tổ chức điều động, vậy là theo quyết định anh thực hiện. Dường như đây cũng là điều tất yếu xảy ra trong cuộc sống, không có sự vật nào đứng yên một chỗ, phải vận động để tồn tại chứ em. An cười:
– Giống như Hân vậy!
Trường không thiếu giáo viên dạy môn Anh văn, Hân phải phụ trách tay trái nhưng cô giáo vẫn vui vẻ nhận lời. Hôm phân chia chuyên môn, An cứ phân vân mãi: “Cứ ai cũng như Hân thì có gì là rắc rối, là phiền hà đâu”.
Họ gặp nhau là dịp để tìm hiểu nhau hơn, An cũng vừa mới đến, dù sao đối với trường cũng cảm thấy có gì mới lạ trong suy nghĩ, trong cách nhìn. Hân chắc cũng vậy, nhận thêm một tập thể nữa là làm cho cuộc sống của mình phong phú thêm ra. Có đi, có đến mới biết được tên làng, tên đất cùng con người ở đấy. Tất cả đều trăn trở sao cho quê hương thêm đẹp, trẻ em đều được học hành. Ở đâu cũng cần sự có mặt của những người thầy giáo. Hân chắc nhận ra điều đó, hy vọng Hân đến với trường sẽ làm một cái gì đấy có ích cho tập thể nhà trường và học sinh sẽ được bày vẻ nhiều hơn trong môn tiếng Anh mà Hân được đào tạo ở trường sư phạm, góp một phần nhỏ của mình cho cây đời xanh tươi mãi mãi.
Hôm mới đến với ngôi trường mới Hân có nỗi ngỡ ngàng riêng nhưng lâu rồi cũng quen đi. Môi trường sư phạm dù ở đâu cũng có một nét giống nhau là lên lớp, dạy học, tiếp cận với học sinh ở nhiều lứa tuổi thiếu niên. Học sinh ở đâu mà chẳng thế, có vui, có ghét, có buồn, hờn giận lại có cả những trò tinh nghịch nữa.
Thời gian chầm chậm trôi qua, bỗng một hôm Hân trách An:
– Sao anh An không đến nhà em chơi?
Biết nói sao bây giờ, An đã đi ngang qua nhà Hân nhiều lần, lần nào An cũng có ý tìm nhà Hân nhưng lại không biết rõ nên đành chịu. Có hôm An đạp xe thật chậm, nhưng mãi vẫn chưa tìm được. Đành vậy! Hân chắc trách An nhiều mỗi khi nói chuyện về nhau. Vẫn chưa tìm được nhà Hân, cho đến một hôm có được 4 chiếc vé xem Video Cassette buộc An phải tìm đến nhà Hân để trao chiếc vé. Từ hôm ấy về sau rồi cũng ít có dịp đến thăm, công việc cứ nối đuôi chồng chất lên nhau bề bộn. Hân cũng lao vào giảng dạy, nghiên cứu nên cho dù có nghĩ đến chuyện thăm nhau cũng cứ hẹn lần lửa rồi cứ thế ngày trôi qua, qua mãi.
Tết cổ truyền dân tộc vừa qua được mấy ngày, mùa xuân làm mới lại thiên nhiên, cũng làm mới lại trái tim của mỗi con người. Gặp nhau dưới hiên trường ngày mùng bốn Tết, Hân mỉm cười trách An:
– Tết, anh An không đến nhà Hân, chê hả?
An cười thân mật:
– Thật ra muốn đến thăm nhau nhưng ba ngày Tết quả tình là đi không hết được. Anh sẽ đến thăm em một ngày thật đẹp trời và mong rằng ngày ấy rất có ý nghĩa trong đời. Nhất trí không?
Hân vẫn vui tính như mọi ngày, dịu dàng:
– Không đến thì nói cho xong, đừng có hẹn!
An thấy mình mắc nợ, Hân trách là phải lắm.
– Khi nào đi học ngang qua anh sẽ ghé vào Hân. Xin chọn nơi ấy làm chỗ dừng chân mỗi trưa. Em chịu không?
Hân gật đầu.
Từ hôm ấy, An thấy mình mắc nợ với Hân thật nhiều rồi đấy, mãi đến khi nhập học năm thứ hai, An mới có dịp đến nhà Hân. Sau Tết, buổi sáng trời vẫn hây hây lạnh đến trưa lại nắng gay gắt, chói chang kiểu của miền Trung, một hôm An vào nhà Hân, cả nhà Hân đang dùng bữa cơm, Hân trách:
– Anh vào làm gì giờ này, không tiện!
Nét mặt Hân trở nên khó hiểu lạ, rồi Hân tiếp:
– Lần sau anh hãy đến lúc ba hay bốn giờ là tiện hơn cả, ta nói chuyện chừng một giờ, xong, em đi chợ nấu cơm chiều.
Một lần gặp Tấn tại trường Cao Đẳng sư phạm, Tấn nói chuyện:
– Hân về trường An làm được việc chứ? Cô giáo tính dễ chịu, ít cáu kỉnh lại có tinh thần đồng đội hay giúp đỡ người khác. Mấy năm ở cạnh nhau trong môi trường công tác, mình có cảm tưởng Hân là một người bạn tốt. Hân hiếu khách, cứ mời mình đến nhà chơi nhưng mình bận quýnh nên cũng ít tìm được dịp ghé vào. Cô giáo cứ trách luôn. Mình thật tình không rảnh lấy một ngày thăm nhau cho biết. Đi thăm bạn bè cũng là một điều thú vị chứ An!
An trầm ngâm:
– Mình cũng nghĩ như Tấn vậy.
Lại một buổi chiều như đã hứa An đến nhà Hân. Buổi chiều gió bấc hây hây thổi, nắng nhạt trong vườn, Hân vừa mới giặt xong một thau áo quần.
Hân không mấy vui như mọi ngày, Hân ngồi xuống ghế không ngước mặt nhìn An, vẫn thói quen vân vê gì đấy nơi tay. Hân thở một hơi dài nói thật chậm như bỏ gọn vào tai An:
– Em nghỉ một chút rồi đi chợ nấu xơm. Tối đi học ngoại ngữ!
Giọng Hân gay gắt dường có điều gì mà Hân trở nên xa lạ đến thế. Rất có thể ở Hân đã không bằng lòng trong buổi chiều nay. An ngạc nhiên thăm dò:
– Đã có lần Hân nói hết học rồi mà?
Hân kẽ một đường thẳng bằng ngón tay lên bàn:
– Thì đi chơi!
Hân nhìn mãi xuống đôi tay mình, An hiểu ý Hân, An chưa bao giờ dám nghĩ điều gì phật ý Hân. Hân lại tiếp:
– Anh rảnh quá mà!
Căn nhà Hân như chao đảo trong đầu An, không gian quay tít. An bám hai tay vào thành bàn cố trấn tỉnh. Gió lạnh lại thổi hối hả hàng chuối trước nhà Hân xào xạc, An đứng lên. Nắng đã tắt lâu rồi, An thấy mình nhỏ nhoi quá, An về. Hân nói vọng theo như nhắc nhở:
– Anh An đừng đến nhà em nữa nghe. Hãy mặc áo vô kẻo lạnh.
16.3.1985