Góc văn hóa Tết người Quảng

410

Góc văn hóa Tết người Quảng

 

           Ngày Tết làm sống lại và mang theo nhiều tập tục, có tập tục nay xem ra đã lỗi thời, song có tập tục vẫn còn giá trị trong ý niệm tinh thần của mỗi người dân đất Quảng vào những ngày xuân. Nhân ngày đầu năm, xin được tản mạn đôi diều về vài sinh hoạt văn hóa nay còn giá trị trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng.

          MINH NIÊN KHAI BÚT

        Khai bút đầu năm là cách nói văn vẻ của các thư sinh, nho nhã, người dân thường thì gọi là “viết mở hàng”. Khai bút cũng thường tồn tại trong giới quan trường, thư sinh hoặc những gia đình khoa bảng có ít nhiều chữ nghĩa thánh hiền. Người nông dân ít có tục khai bút. Lễ giao thừa – hành khiến – xong, người ta chọn lấy giờ tốt nhất để khai bút, có thể làm một bài thơ, viết một vài câu đối đầu năm, có như thế học hành mới tiến bộ, học ít hiểu nhiều, thi cử dễ đỗ đạt, thành danh, quan trường an thân thăng tiến.

          Ngày Tết, có khi cha mẹ buộc con cái trong nhà khai bút, ai cũng phải vậy, tùy theo tinh thần của chủ nhà mà khai bút. Những bài thơ,câu đối khai bút, các cụ trân trọng đem dán lên cành mai, cột nhà, bạn bè tâm đắc đến chúc Tết thường đem ra bàn luận, ngâm vịnh. Ngày xuân, ta có thể  gặp khai bút bằng:

                   Minh niên khai bút, bút khai hoa

                   Vạn sự giai thành phú quý đa

                   Đa tử, đa tôn, đa phú quý

                   Đắc tài, đắc lợi, đắc công danh.

          Trên, là gia đình khoa bảng, trí thức, quan trường nhưng nho sỹ, thư sinh thì lại khai bút : Đắc tài, đắc lợi, đắc bình an.

          Tương truyền thơ khai bút trên của cụ TTH ở Duy Xuyên viết nên, lâu dần lan tỏa đi nhiều nơi trong xứ.

          Cũng có khi lấy hên, khai bút bằng :Minh niên chánh ngoạc, cát nhựt, phụng khai thần bút. Viết xong dán lên vách phên, cột nhà hoặc cài lên cành mai chưng giữa nhà ngày Tết.

          Những năm gần đây tục khai bút vẫn còn, năm Mậu Thìn (1988), nghệ nhân Hoàng Đình T. ở Cẩm Lệ, cụ có khai bút đầu năm bằng câu đối:

            Con ba người đạo nghĩa hiếu trung tiền đồ hạnh phúc,

             Lương bốn quý công danh hưu bổng thế thượng quang vinh.

          Sau khi khai bút xong, cụ đọc cho con cháu trong nhà nghe đứng vào minh niên, chánh ngoạc, cát nhựt

          MIẾNG TRẦU NGÀY TẾT

          Không riêng cho ngày Tết, miếng trầu mới có giá trị giao tiếp, mới là biểu tượng của tấm lòng mà tùy theo nội dung, bối cảnh, miếng trầu có ý nghĩa biểu đạt khác nhau.

          Ngày Tết, miếng trầu đóng vai trò quan trọng ở chỗ miếng trầu đi vào các đại lễ, đại tiệc như là một biểu tượng của tấm lòng, còn mang theo cả nét văn hóa trong đó nữa.Trầu không riêng gì cho các cụ ông, cụ bà mà đôi khi thanh niên nam, nữ cũng nhai trầu. Dịp Tết cổ truyền, trầu cau lại cần thiết hơn. Trong những ngày đầu năm mời nhau miếng trầu là mở hàng, mở hệ lắm, được mời trầu đầu năm cũng là “mai xưa” của khách. Vì thế, ngày Tết, trên bàn độc giữa nhà, nhà nào cũng có đĩa trầu và đĩa thuốc lá Cẩm Lệ, cạnh bên chai rượu khằm sẵn sàng mời khách đến chúc tết.

          Quảng Nam xưa nay vẫn nổi tiếng trầu hương ở sông Trầu( tức sông Bung), trầu sông Trầu hợp với cau Đại Mỹ thì ngon không đâu bằng. Cũng vì thế mà:

                   Trầu vàng góp bến sông Bung

                   Chờ cau Đại Mỹ đặng cùng về xuôi.

là vậy.

          Trầu muốn thắm môi phải quệt thêm chút vôi nung bằng vỏ sò, vỏ hến. Ở Quảng Nam, vôi nhai với trầu thắm môi, ngon miệng là vôi chợ Quán. Vôi chợ Quán với cau Bát Nhị thì tuyệt:

                   …

                   Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

                   Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An.

          Nhai trầu làm gì mà “trầu ăn không mở mà thèm” đến vậy? Có thể nhai trầu để trừ độc, trừ sơn lam chướng khí chăng ? Chuyện ấy y học bàn. Có điều người ta nhai lấy một miếng trầu sau bữa cơm, hay khi ngơi tay chốc lát trong lao động… quả là thú vị. Ngày Tết miếng trầu mở đầu cho bao nhiêu là chuyện mở-hàng-mở-hệ cho khách cũng như chủ.

          Têm miếng trầu, không phải cứ ai nhai được trầu là têm đẹp. Têm trầu là một nghệ thuật, phải quấn lá trầu sao cho thật tròn đều, muốn thế người têm phải rọc lá trầu làm ba phần đều đặn thì têm mới đẹp.

          Miếng trầu ngày Tết đi liền với các cụ già, mang theo tình cảm láng giềng. Ngày Tết, mời trầu mà không nhai một miếng là không được, một bên theo tục xưa, rất vui khi được bạn cầm trầu, một bên được mời trầu là may mắn đầu năm. Chính thế, Tết đến nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một mâm cơm thịnh soạn dọn sẵn thường trực vào những ngày Tết cũng như miếng trầu lúc nào cũng chờ đợi thường xuyên trên đĩa đặt trong khay gỗ vuông để nơi bàn độc mời khách. Đấy là cách “ Trầu cau một hộp đem xây trên bàn “.

Cau, trầu (Internet)

          LY RƯỢU ĐẦU NĂM

          Nếu như miếng trầu ngày Tết có vị trí quan trọng  không thể thiếu được thì ly rượu là một trong những phức hợp trầu-cau-rượu mà trong lễ hội Tết hoặc trong các đại lễ khác, phức hợp nầy không thể vắng mặt. Chính và vậy trong lễ lạc người ta thường nói “hộp trầu chén rượu”, như thế rượu cũng có vai trò quan trọng.

          Vùng đát Quảng Nam, xưa kia rượu  thường là rượu nếp, rượu gạo đựng vào trong chai khằm nút bằng điền điển. Nổi tiếng nhất xưa nay có lẽ là rượu chợ Vạn:

                   Ai về chợ Vạn thì về

                   Chợ Vạn có nghề nấu rượu nuôi heo.

          Trong hát hò khoan đối đáp, trong các lễ hội cũng hay nghe hát về rượu và bắt đầu từ rượu. Rượu đôi khi là vấn đề trước hết đem ra hát đã trở thành cốt cách của Quảng Nam:

                   Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

                    Rượu hồng đào chưa nhấm đà say

rồi sau đó muốn đặt vấn đề gì người ta bàn sau. Ví như thề hẹn gì, người ta có rượu:

                   Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

                   Rượu hồng đào chưa nhấm đà say

                   Lòng ta như chén rượu đầy

                   Lời thề nhớ chén rượu nầy, bạn ơi.

          Có thể nói, từ chén rượu đã bắt đầu bao nhiêu chuyện hay, đẹp trong cuộc sống. Chính vì vậy, cùng với miếng trầu – cau, ly rượu đã góp phần vào lễ hội ở Quảng Nam nhất là ngày Tết, đã thể hiện cốt cách tinh thần riêng của Quảng Nam. (Tất nhiên không tính dùng rượu quá đà).

          Ngày Tết, được chủ nhà mời nhau ly rượu là bao hàm ý nghĩa tinh thần truyền thống của người Quảng. Vào dịp đầu năm mời rượu nhau chứng tỏ phải là ý hợp, tâm đắc và cùng vui năm mới. Trong cuộc sống, ly rượu đã đóng vai là “ly rượu giao bôi”, ”ly rượu mừng”, “ly rượu lễ”, ”ly rượu khai vị”… nói chung là trong quan, hôn, tang, tế còn có “ly rượu đầu năm”, trong đó ly rượu đầu năm bao hàm nhiều ý nghĩa tinh thần. Ngày Tết, mời nhau ly rượu cũng là cách khai xuân, các cụ bàn nhau về một bài thơ khai bút, những câu tức cảnh mùa xuân vừa cảm hứng nên, hoặc luận về một câu đối Tết, hay bàn luận chuyện ngày mùa.

          Người chúc Tết được mời ly rượu vào ngày đầu năm quả là một tình cảm hơn bao giờ hết của chủ nhà trao cho mình và ngược lại người mời cũng thấy phấn khởi khi khách nhận lấy ly rượu đầu xuân.

          Tất cả bằng lòng và như ý./.