GIỮ GÌN, PHÁT HUY VÀ PHÁT TRIỂN BẢN SẮC VĂN HÓA …

596

Video: Thoi Tran QN-ĐN

Bài giảng

GIỮ GÌN, PHÁT HUY, VÀ PHÁT TRIỂN BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

  (Sau đây là phần đề cương, khi trình bày cần triển khai thêm)

 

+ Hiểu văn hóa như thế nào?

Theo nghĩa rộng: văn hóa là toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người, cộng đồng, dân tộc và loài người để tạo ra, bảo tồn, giao lưu và hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần.

Văn hóa được hiểu trên hai bình diện: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể hay còn gọi là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Thực ra, cách chia này có tính tương đối, vì trong các giá trị vật chất có chứa những giá trị tinh thần và ngược lại.

– Theo nghĩa hẹp: được hiểu là các hoạt động xã hội bên cạnh các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của một cộng đồng, một xã hội. Tức là ta thường sử dụng các tổ hợp từ như lĩnh vực văn hóa, sự nghiệp văn hóa, công tác văn hóa,…Theo nghĩa này, văn hóa bao gồm: giáo dục, đạo đức, khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật, y tế, thể dục, thể thao, bảo tồn, bảo tàng, lễ hội, giao lưu văn hóa,…               

  1. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với yêu cầu giữ gìn, phát huyphát triển bản sắc văn hóa dân tộc

Bản sắc văn hóa là thế nào ? Đôi điều về bản sắc.

+ Hiểu bản sắc như thế nào?

     Cuối thế kỷ thứ XX, tổ chức UNESCO theo sáng kiến của vị Tổng thư ký lúc bấy giờ người Senegal là Amadou Mahtar M’Bow đã chọn thập niên 90 làm thập niên văn hóa với sự đề cao cultural identity tức là nét đặc sắc riêng của dân tộc này với dân tộc khác, bảo vệ và phát huy tính đa dạng của văn hóa thế giới. Ông là người khởi xướng và nhiệt tình ủng hộ quốc tế đối với việc phục hồi và tôn tạo cố đô Huế của Việt Nam. Việt Nam ta đã tìm cách dịch chữ Identity ra tiếng Việt, hai chữ bản sắc được chọn và được thông dụng cho đến nay. Nó cũng được đi vào NQ TƯ 5, khóa 8 của Đảng: văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

     Muốn tìm bản sắc văn hóa VN, phải tìm nó ở lịch sử VN, lịch sử sinh thành, phát triển thăng trầm, vinh nhục của dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử, ít nhất là trên 2000 năm nay.

  1. Khía cạnh văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa.

          Có 3 khía cạnh đề cập sau đây:

          1.1. Khía cạnh một

     Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng, lan tỏa thâm nhập vào các lĩnh vực khác của đời sống từ xã hội, từ môi trường đến khoa học công nghệ, văn hóa, pháp luật, giáo dục,…

          – Do thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của một dân tộc, một quốc gia do đó mỗi dân tộc đang đứng trước vấn đề hệ trọng là sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó.

          – Do hội nhập quốc tế nên các dân tộc, quốc gia đứng trước hai vấn đề: thời cơthách thức.

          Thời cơ: cho sự hội nhập, nhân đó mà phát triển kinh tế, xã hội

          Thách thức: có khả năng biến thành “nô lệ” nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa. Lúc ấy dân tộc, quốc gia đó tự đánh mất mình, chỉ là cái bóng của dân tộc khác trong thế giới hiện đại.

– Trong hội nhập quốc tế, văn hóa dân tộc có biến động gì ?  

– Liệu có khả năng xảy ra hiện tượng các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, thậm chí bị xói mòn gốc rễ và thay vào đó là một nền văn hóa thế giới chung cho mọi dân tộc không ?

– Văn hóa dân tộc có còn chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu hóa không ?

– Làm gì để bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới ?

Những câu hỏi đó không riêng cho Việt Nam. mà cho tất cả các quốc gia, dân tộc. Mark & Engel đã dự báo đầu tiên về xu thế đó đối với đời sống văn hóa dân tộc.

   Về lĩnh vực vật chất: Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản,  Mark & Engel viết: “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới,…Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc du nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh,…Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về,…”[1].

    Về lĩnh vực tinh thần: Tuyên ngôn viết: “Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản của tất cả các dân tộc,… và từ những nền văn học và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới[2].

     Tuyên ngôn cũng đưa ra dự báo đòi hỏi nhân loại phải cảnh giác: “Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng thuận lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dáng của nó[3].

          1.2. Khía cạnh hai:

          Hội nhập quốc tế tạo ra các giá trị chung, là sự xích lại gần nhau, thâm nhập vào nhau trong quá trình phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực quan trọng: kinh tế, khoa học, công nghệ, thương mại.

          – Tuy nhiên không có nghĩa là tất cả các quốc gia, các dân tộc sẽ tiến tới sự đồng nhất về mọi mặt.

          – Toàn cầu hóa tạo ra những giá trị phổ quát cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. (Cho ví dụ,…)

          – Giúp cho các quốc gia, dân tộc những cơ hội, điều kiện tốt sản sinh, phát huy và phát triển những giá trị riêng.

          – Tạo ra hệ quả là cùng hợp tác và đấu tranh, nếu không sẽ làm yếu đi các giá trị văn hóa riêng của từng dân tộc. Các thế lục mạnh sẽ thực hiện “xâm lăng văn hóa” tiến tới “áp đặt và chinh phục” biến các quốc gia khác thành lệ thuộc.       

          1.3. Khía cạnh ba:

          Tạo nên mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa, tạo ra các giá trị phổ quát chung với bản sắc văn hóa riêng độc đáo của dân tộc (a> <b).

          – Đây là đặc điểm trong quan hệ giữa toàn cầu hóa với văn hóa của các dân tộc.

          – Do đó, không chỉ ta bảo vệ văn hóa của ta mà còn phát huy, phát triển để tự làm giàu thêm văn hóa của mình, làm cho văn hóa hiện đại hơn. Có nghĩa là về mặt văn hóa diễn ra một quá trình cho và nhận.

          – Nhưng khư khư giữ lấy cái của mình sẽ dẫn đến phiến diện, văn hóa đã không được phát huy lại cũng không phát triển thêm lên.

          – Cho nên cho và nhận là quy luật giao lưu và tiếp nhận.

  1. 2. Yêu cầu giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

          Việt Nam khẳng định: để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chúng ta sẵn sàng mở cửa, hội nhập, hòa mình vào xu thế chung của thế giới hiện đại, chủ động xây dựng văn hóa dân tộc bằng sức mạnh, bản lĩnh, cốt cách của chính dân tộc ta.

          Có 4 yêu cầu sau đây để giữ gìn, phát huy, phát triển:

          2.1. Yêu cầu một:

           Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại (Cho ví dụ tiếp thu từ Nho, Phật, Lão,…trong nhạc, kịch, múa ba lê, ngôn ngữ, kiến trúc,…).

          – Thể hiện sức mạnh nội sinh và năng lực tiếp nhận, đón nhận. Để “bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác” (NQ TW 5 khóa 8).

          – Tiếp thu có chọn lọc vừa làm bền vững hơn các bản sắc văn hóa, vừa làm phong phú hơn, giàu có hơn, hiện đại hơn bản sắc của nền văn hóa của ta.

          2.2. Yêu cầu hai:

          Các yếu tố nội sinh về văn hóa của chúng ta phải giữ vai trò quyết định (Cho ví dụ về phát huy nội sinh: truyền thống yêu nước, lao động, các loại hình văn hóa phi vật thể: ẩm thực, ca múa nhạc,… vật chất).

          – Nội lực càng mạnh, càng có cơ hội tiếp thu và khả năng tiếp thu có chọn lọc và hợp tác.

          – Có đủ bản lĩnh để đồng hóa các yếu tố ngoại sinh.

          – Tạo được quá trình tích hợp biện chứng để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt nam thật có tính thuần túy Việt Nam” (Bác Hồ).

          2.3. Yêu cầu ba:

          Giao lưu trên cơ sở đối thoại bình đẳng và rộng mở.

          – Giữa các nền văn minh, các nền văn hóa không có xung đột mà chỉ có đối thoại mà thôi (Cho ví dụ về sự phân biệt chủng tộc tại  một số nơi trên thế giới,…Ví dụ: về bữa cơm gia đình người việt và người Âu Mỹ – ăn bằng muỗng, nĩa, đũa hay ăn bốc. Ví dụ: không có sự hơn thua trong văn hóa).

          – Toàn cầu hóa làm cho các dân tộc xích lại gần nhau.

          – Đối thoại bình đẳng và rộng mở mới tạo ra sự phong phú và độc đáo của mỗi nền văn hóa. Quá trình này thể hiện vừa cho và vừa nhận văn hóa. “Văn hóa VN là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình”. (NQ TW 5, khóa 8).

          2.4. Yêu cầu bốn:

          Loại bỏ những yếu tố ngoại lai, không phù hợp, trái với văn hóa dân tộc.

          – Ngăn ngừa văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục, với truyền thống, văn hóa khác lạ từ bên ngoài vào.

          – Chống lại sự xâm lăng văn hóa của các thế lực cường quyền.

          – Chống lại sự tự ti, bắt chước một số sản phẩm văn hóa nước ngoài. (Cho ví dụ về sự bắt chước,…).

     Sự đe dọa hoặc sự xâm lăng văn hóa truyền thống của các dân tộc, một mặt bắt nguồn từ sự áp đặt của các chính sách kinh tế của các nước tư bản, mà tiêu biểu là các nước có công nghệ tiên tiến với phần còn lại của thế giới. Friedman đã nêu lại ý kiến của nhà sử học người Mỹ Ronald Steel, trong tác phẩm Bánh xe Lexuscành ô liu, rằng: ” Chúng ta (tức người Mỹ) tin rằng những định chế của chúng ta phải giam hãm những định chế khác vào đống tro tàn của lịch sử,…Thông điệp văn hóa mà chúng ta truyền đạt thông qua Hollywood và Mc. Donal’s lan tràn trên thế giới đã trói buộc và tàn phá các xã hội khác. Không giống như các cuộc chinh phục trước đây, chúng ta không chỉ bắt người khác đầu hàng: chúng ta khăng khăng buộc họ phải thay đổi, phải giống như chúng ta…“. Và Friedman bình luận: “Chúng ta là thế đó. Chúng ta, những người Mỹ, là những vị tông đồ của thế giới đi nhanh, là kẻ thù của các truyền thống, là những vị tiên tri của thị trường tự do, và cha xứ truyền bá công nghệ cao“.

  1. Đặc điểm cơ bản của quá trình giao lưu, tiếp nhận và tác động lẫn nhau giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa khu vực và thế giới.

          Về mặt lịch sử, văn hóa Việt Nam không xa lạ với sự giao lưu, tiếp nhận, tác động lẫn nhau của văn hóa các nước và khu vực.

          Có 3 đặc điểm sau đây:

  1. Đặc điểm một:

          Là sự giao thoa giữa văn hóa Đông Nam Á (các nền văn hóa thuộc các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapor, Indonesia, Philipin,…);

với văn hóa Đông Á (các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên);

với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ (cổ, trung đại).  

với văn hóa Châu Á, văn hóa Châu Âu (thời cận đại).

Từ đó, tạo nên những giá trị độc đáo của dân tộc mình dựa trên năng lực đặc biệt, đó là: vừa tự nuôi dưỡng và phát huy những giá trị của chính mình – văn hóa bản địa, vừa biết tiếp nhận, chọn lọc những giá trị tốt đẹp của nhiều nền văn hóa khác.

Tính thống nhất, tính nhiều nguồn và tính đa dạng trở thành đặc trưng của văn hóa VN.,không chỉ VN. bao gồm 54 dân tộc đã cùng sống, lao động, xây dựng và sáng tạo từ bao đời nay mà còn vì đó là một nền văn hóa biết tiếp nhận và làm phong phú cho mình bằng những giá trị của nhiều nền văn hóa thế giới, cả đông và tây, cả gần và xa,…

  1. Đặc điểm hai:

Là chỉ những giá trị văn hóa nào phù hợp với nhu cầu phát triển của VN., được chọn lọc và được Việt Nam hóa mới trở thành những thành tố hữu cơ cấu thành văn hóa Việt Nam. (Cho ví dụ những giá trị văn hóa Khổng giáo, Phật giáo,…)

  1. Đặc điểm ba:

Là giai đoạn gặp nhau, tác động lẫn nhau, vừa như là sự “đối chọi”, lại vừa như là sự “hấp dẫn” lẫn nhau giữa văn hóa Đông phương và Tây phương.

– Ta tiếp thu để hiện đại hóa nền văn hóa truyền thống.

– Ta chọn lọc các thành tố văn hóa mới từ phương Tây. Ví dụ một thời gian dài ta đã chọn lọc và tiếp nhận cho mình trong học thuyết của Khổng giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo; của triết lý  Karl Mark, Enghen, …là một minh chứng không chỉ về kinh nghiệm ứng xử văn hóa của bản thân từng người, mà có lẽ trở thành một quan niệm tiếp nhận, chọn lọc, sàng lọc của văn hóa dân tộc Việt Nam với văn hóa thế giới.

( Ví dụ: đọc đoạn văn ở sách giáo khoa, trang 141).

                                   Xem video APEC 2017 (PLYCAM 4K)

III. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa. (Phần này SGK viết năm 2004 (đã cũ), nay bổ sung thêm giao lưu và hợp tác).

  1. Thành tựu:

          Theo tinh thần NQ TW 5, khóa 8, nổi bật trong hợp tác quốc tế về văn hóa có thể nhìn nhận:

          1.1. Tạo được sự hiện diện của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ta thể hiện nhiều hình thức, đa dạng, phong phú trong hợp tác, phù hợp với từng nước. Chúng ta “giới thiệu văn hóa VN, con người VN với thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài“, tạo nên sự đồng cảm, xích lại gần nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới.

          – Từ năm 1997 đến nay số lượng các đoàn nước ngoài vào nước ta giao lưu, trao đổi văn hóa ngày càng được nâng lên.

          + Năm 1998 có 155 đoàn VN ra nước ngoài, với 752 người.

             Năm 1998 có 109 đoàn nước ngoài vào VN, với 1159 người.

          + Năm 2003 có 397 đoàn VN ra nước ngoài với 821 người,

             Năm 2003 có 188 đoàn nước ngoài vào VN, với 1387 người.

          + Các năm gần đây giao lưu trao đổi văn hóa ngày càng tăng dần, có nhiều đoàn vào, ra giao lưu trao đổi,…trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Sách văn hóa của VN được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật trao đổi với các dân tộc trên thế giới, như thơ Bác Hồ, Truyện Kiều, Thơ Hồ Xuân Hương, truyện của Nguyễn Nhật Ánh, thơ Tố Hữu,…

          – Tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài, chủ động lựa chọn, xây dựng, tạo nhiều sản phẩm, ấn phẩm, công trình văn hóa, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ công tác giao lưu và hợp tác.

          – Thông qua các cuộc thi, giao lưu quốc tế về văn hóa, triển lãm, hôị chợ,…giá trị đặc sắc của văn hóa VN được giới thiệu ra với các dân tộc. (Ví dụ: hội chợ triễn lãm nón lá, áo dài tại Nhật; thi làm bánh xèo Nam bộ tại Mỹ, … hoặc các đoàn nước ngoài vào ta như Nga với nhạc giao hưởng, các ban nhạc trẻ của Mỹ, tham gia Fastival tại Huế, Cồng chiêng tại Tây nguyên, Hoa tại Đà Lạt, pháo hoa tại Đà Nẵng,…góp phần giao lưu và hợp tác về văn hóa).

          1.2. Triển khai nhiều hoạt động văn hóa các nước tại VN. (Ví dụ: Liên hoan phim châu Á – Thái Bình Dương, tuần phim châu Âu, Festival Huế, Tuần lễ văn hóa Nga ở VN, triển lãm nghệ thuật Asean, trại điêu khắc quốc tế tại Huế, Hội An, trại điêu khác Na Uy tại Đà Nẵng,…tạo cho VN trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc đối với các dân tộc trên thế giới.

          1.3. Tranh thủ được nhiều nguồn lực tài trợ, trong đó có khoảng không hoàn lại cho sự phát triển văn hóa. Các dự án giúp đỡ, tài trợ như quỹ SIDA, quỹ FORD, quỹ ĐAN MẠCH, dự án ASEAN,…

          1.4. Chúng ta tạo nhiều các sản phẩm thông tin đối ngoại để giới thiệu có sức thuyết phục về diện mạo đổi mới, những thành tựu của VN với nhân dân các nước, với cộng đồng người VN ở nước ngoài và với người nước ngoài ở VN.

  1. Những hạn chế:

2.1. Chưa đáp ứng được đầy đủ và chưa phát huy mạnh mẽ tiềm năng văn hóa vốn có của dân tộc. Số công trình văn hóa, văn học giới thiệu ra nước ngoài còn ít.

2.2. Trong giao lưu và hợp tác văn hóa còn biểu hiện thiếu chủ động, nhiều sơ hở trong quản lý văn hóa.

2.3. Hoạt động giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu biết về đất nước, văn hóa VN chưa đạt yêu cầu và sự mong đợi của bà con.

  1. Bảo vệ, phát huy và phát triển văn hóa VN trong tình hình mới.

NÓI THÊM: Nhà báo Mỹ Thomas L. Friedman trong sách “Chiếc xe Lexus và cây Ôliu” nhận định: “càng quan sát hoạt động của hệ thống toàn cầu hóa, tôi càng thấy hệ thống này sản sinh những nguồn lực phát triển mạnh mẽ, cùng những khả năng đồng hóa có tốc độ chóng mặt. Và nếu không bị kiểm soát chặt chẽ thì những nguồn lực này có tiềm năng hủy diệt môi trường và nhổ bật các giá trị văn hóa với tốc độ nhanh đến mức nhân loại chưa từng chứng kiến”.

Đây là nhận định rất đáng lưu ý, nó giúp ta nhớ lại dự báo của Mark, Engel cách đây 150 năm về sự xuất hiện của nền văn học đồng dạng, thiếu bản sắc, thiếu sức sống trong xu thế thế giới hóa: “Khi các nền văn hóa mang tính dân tộc và địa phương bị bỏ rơi, thì có nghĩa đẩy nhiều dân tộc ra khỏi nền kinh tế toàn cầu hiện nay“. [4]

+ Chú ý các tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu hóa. (Cho ví dụ,…):

+ Thông qua tài trợ, đầu tư, thương mại,…người ta tấn công lợi hại vào chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức và tâm lý,…của đất nước ta. Chú ý sự áp đặt văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa Việt Nam (Cho ví dụ,…trọng đồng tiền, coi nhẹ giá trị truyền thống, sống cá nhân ích kỷ,…lối sống tiêu thụ, hưởng thụ, cá nhân cực đoan, sùng ngoại, đua đòi, ma túy, mại dâm,…).

+ Chú ý đến sự đảo lộn các giá trị văn hóa, văn hóa truyền thống: trọng nghĩa tình, trọng đạo đức, sống vị tha, trung thực,…bị lấn lướt, xâm hại. Các thành tố ngoại lại thâm nhập: sự lúng túng, lộn xộn, xa lạ, lãnh cảm, không bình yên trong đời sống tinh thần, trong thị hiếu, những biến động phức tạp trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo,…

Hiện tại chúng ta chưa lường hết được tác động phức tạp của quá trình đó, vì vậy, văn hóa của Việt Nam đang bị các sức ép, sự va đập mạnh và sâu, chúng ta đang đứng trước những thử thách chưa từng có.

3.2. Ta nhận thức đúng thực trạng và thách thức đó, có chiến lược, giải pháp hữu hiệu để vượt qua, đó là công việc to lớn của toàn dân tộc, toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta khẳng định: “Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư, tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi âm mưu lợi dụng văn hóa để thực hiện “xâm lăng văn hóa“.   

Chúng ta phải có cội nguồn “để giữ gìn bản sắc, con người có thể chết, chém giết, hát hò, làm thơ hay viết tiểu thuyết. Vì nếu không còn quê hương và bản sắc, cuộc đời sẽ bị mất gốc và khô cằn và sống đời sống của cây rong biển…“. Giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc là giữ lấy cái cội nguồn, gốc gác của chúng ta. Đó là điểm tựa không thể thiếu trong đời sống của mỗi con người cũng như của các quốc gia dân tộc. Từ điểm tựa đó chúng ta sẽ biết ta là ai, chúng ta sẽ đi về đâu và phải đi về đâu trong thế giới tương lai đầy ẩn số. Giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc là giữ lấy cái quan hệ đầy tình người và tính người của dân tộc ta.

                                                                        Võ Văn Hòe

                                                                      Đà Nẵng – 2003

THAM KHẢO THÊM:

          + Nghị quyết XI của Đảng (phần văn hóa).

          + Nghị quyết TW 5, khóa 8.

          + Toàn cầu hóa và văn hóa dân tộc (GS.TS. Trần Văn Bính), Tạp chí Thông tin công tác tư tưởng, lý luận. Số 7, 2007.

          + Chuyên đề 4: Giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững trận địa tư tưởng-văn hóa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Ban Tuyên giáo Trung ương, Nxb Lao động-Xã hội, 2008).

          + Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Hồn Việt, số 13, tháng 7.2008.

_______________________________

[1] Các Mác và Ăng ghen toàn tập. Nxb CTQG, H.1995, tập 4, tr. 601, 602.

[2] Các Mác, Ăng ghen toàn tập, Sđd, Tr. 602.

[3] Các Mác, Ăng ghen toàn tập, Sđd, Tr. 602.

[4] Báo cáo sơ bộ của Ủy ban thế giới về phát triển văn hóa WCCD).