GIÁNG ĐÔNG ĐẤU VẬT
Năm Thành Thái thứ III, để thuận lợi trong việc cai quản canh điền, tá thổ, làng Phong Lệ được tốt, cả một vùng rộng lớn của Đà Ly xứ xưa kia được chia tách ra thành nhiều làng: Quá Giáng, Giáng Đông…Phong Lệ. Không phải sau khi chia cắt đất đai lập làng Giáng Đông mới có tục đấu vật, mà trước đó đã có tập tục này gắn liền với “Phong Lệ mục đồng…” rồi. Ông Trần Công Hoài (66 tuổi) người dân sống lâu năm tại làng đã từng được nghe các cụ xưa kể về đấu vật. Theo cụ, sự tích đấu vật của làng như sau:
Tập tục đấu vật có từ xa xưa, nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa vụ thu hoạch được nhiều, làm ăn nông tang phát đạt. Cứ ba năm đến ngày quy định, làng thông báo cho các chư phái tộc tham gia hội thi đấu vật. Mỗi tộc họ chọn ra một người già (nhưng còn đi quyền được) của tộc họ mình ghi tên thi đấu. Sau keo đấu khai hội của các cụ xong, đám thanh niên trai trẻ trong làng mới bắt đầu vào cuộc lễ hội đấu vật. Tương truyền rằng trong keo đấu vật khai hội cho làng, hễ cụ nào đấu thua thì thế nào trong năm ấy cũng qua đời. Từ đó, lời truyền trong dân rằng cứ ai tham gia thi đấu vật có sự chứng kiến của thần linh trong đình mà thua thì thế nào trong năm ấy cũng chết, hoặc không cũng phải trãi qua một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Đấy là điềm hệ trọng!
Đấu vật cứ ba năm đến lệ một lần được tổ chức trên một vuông đất rộng tại vườn nhà ông Canh. Tại đây, đám thanh niên trong làng thường tập trung lại học võ, đi quyền, múa gậy chuẩn bị cho cuộc thi.
Vào một buổi chiều trong một lần đấu vật, thi tài giữa hai cụ già trong làng, không rõ nguyên nhân từ đâu, sau khi thi đấu xong một thời gian có một người chết (tương truyền là cụ Biện Lương). Dân trong làng kinh hãi, lập bàn thờ cúng, tế cụ và thần linh. Để tưởng nhớ các vị đã quá cố tại vườn võ ông Canh, những người đam mê đấu võ, đi quyền hẹn nhau cứ 3 năm, chọn ngày 12 tháng 3 âm lịch [1] là ngày lễ hội đấu vật của làng Giáng Đông. Bà con trong làng đứng ra tổ chức đấu vật trên tinh thần thượng võ, không có yếu tố hơn thua. Không khí buổi đấu vật vui tươi và cởi mở. Đấu vật tại làng Giáng Đông từ đó lan đi khắp các địa phương trong huyện [2].Theo đó, đấu vật làng Giáng Đông có thể sánh ngang với lễ hội Phong Lệ mục đồng.
Lễ hội đấu vật ảnh hưởng sâu rộng trong làng, trở thành lệ tam niên, cuốn hút thanh niên luyện tập võ nghệ, không chỉ để thi đấu mà còn rèn luyện thân thể. Năm 1945, để chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám 1945, nơi vườn nhà cụ Canh là một trong những địa điểm tập kết thanh niên tập võ bằng gậy gộc, rèn luyện quân sự chuẩn bị cho nhân dân tổng Thanh An nổi lên giành chính quyền. Những lần tập võ tại vườn, lần nào cũng thu hút số đông thanh niên tham gia, khí thế vui nhộn và hào hứng.
Theo các cụ già làng Phong Nam, “đấu vật” gắn liền với “rước Thần Nông”, nhân dân Phong Lệ sau khi dự lễ hội mục đồng xong là có thể nhanh chân xuống làng Giáng Đông xem các cụ già so tài cao thấp qua bộ môn vật cổ truyền người Việt. Hoặc cũng có thể xem xong đấu vật lại ngược lên vườn Lãng, Phong Lệ xem Lễ hội Mục đồng. Bởi lễ hội diễn ra 2 ngày 3 đêm nên việc người tứ lân mộ điệu đi xem cùng lúc 2 lễ hội lớn trong vùng vẫn có thể tranh thủ được.
Có người tìm hiểu về lễ hội này và cho rằng đây là lễ hội “hát vật”, tức vật trước hát sau.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu lễ hội “Phong Lệ mục đồng”, điều ghi nhận là những người già tại Phong Nam hiện nay đều cho rằng “đấu vật” diễn ra cùng thời điểm với lễ rước Thần Nông. Tại một miếng đất gần đình làng Giáng Đông diễn ra đấu vật. Để tổ chức lễ hội được tốt, làng Giáng Đông phân công cho những người nông dân sản xuất trên những miếng ruộng tự điền gọi là ruộng công quân cấp, theo lệ phải lo đủ phẩm vật tế lễ tại đình và chuẩn bị phần thưởng cho những ai đấu vật thắng cuộc. Theo cụ Nguyễn Hiển (84 tuổi): “Năm nào có tổ chức đấu vật, làng Giáng Đông vui như hội. Ngay trước khi diễn ra lễ chính thức, không khí làng đã khác hẳn, người ta chuẩn bị đủ thứ, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Còn con nít thì tụm năm, tụm ba bàn tán xôn xao…”.
Thế nhưng, để tổ chức đấu vật thành công không phải chuyện dễ, công tác được chuẩn bị diễn ra trước đó cả tháng trời mới có thể có điều kiện mở hội theo lệ được. Để đấu vật, theo tục tại làng, 12 chư phái tộc phải cắt đặt người tham gia, chọn các cụ già nhưng phải có sức vật một đến hai keo. Mỗi kỳ tổ chức đấu vật, làng cử 2 tộc họ đến phiên chọn 2 cụ già mạnh khoẻ, có thể tham gia vật mở màng cho thi đấu. Cứ luân phiên như vậy, hễ đến kỳ, đến phiên là chuẩn bị… Sau khi được chọn lựa, đề cử, các cụ bắt tay ngay vào việc luyện tập thân thể, luyện võ, đi quyền, tập vật để thi.
Đến ngày thi đấu, làng chọn một miếng đất gần đình làng làm nơi trổ tài.
Trước khi thi đấu, làng Giáng Đông có tổ chức nghinh thần từ vườn ông Canh về đình làng, kế là tổ chức lễ rước sắc từ nhà ông Thủ sắc về đình làng. Trong lễ rước, có 4 thanh niên mạnh khoẻ khiêng bàn hương án được kết các loại lá dừa, lá cây ngâu trên khung tre thành hình tứ quý: long, lân, quy, phụng. Sắc được vua phong cho người có công khai sáng làng xã hoặc có công với đất nước, khi rước sắc trong bàn án đặt bài vị của thần. Nếu rước sắc vua phong một thần nào đó chung chung, chẳng hạn vua phong “Dực bảo trung hưng thượng đẳng thần” thì chỉ có nồi hương và hòm đựng sắc phong. Đi trước đoàn rước là trống lịnh điểm nhịp, theo sau là hai hàng gươm giáo, có cả biểu tượng của chiếc kiếm và cây bút lông nắm trên tay được cắm trên một cán đưa lên cao (người địa phưong gọi chung các loại giáo mác…này là “Lỗ bộ”), đến cờ làng hai bên có từ 4 đến nhiều cây và các vị hương chức trong làng, áo dài khăn đóng chỉnh tề nghiêm trang đưa thần về đình làng dâng lễ. Đi trước là đội trống, chiêng và nhạc bát âm (đôi khi không đủ bát âm) tấu bài nhạc mừng. Tư lễ xướng:
-Khởi chinh cổ
-Nhạc sinh khởi nhạc
(…)
Trên đường rước sắc từ nhà vị Thủ sắc về đình, có mang theo bản nhỏ ghi chữ “túc tịnh” dẫn đầu đi trước cho người dân biết mà giữ trật tự, im lặng.
Đám rước về đến đình làng, Tư lễ lại xướng:
-Chước tửu
-An chư thần vị.
Vị chủ tế im lặng, kính cẩn mang hòm đựng sắc và bài vị của thần đặt vào bàn án đình. Đoạn, thắp hương, đèn sáp màu đỏ khắp ba gian đình. Tại thời điểm này có lễ vọng. Vị Chủ tế đứng trước gian trung đình, đọc:
– Tư nhơn, hạ thiên lệ hữu, cầu phong điều võ thuận, kiền dụng phẩm vật tư thành…
Để tăng thêm phần vui tươi cho lễ đấu vật, các nho sinh, giới mục đồng làm các loại lồng đèn, nhiều nhất là lồng đèn bánh ú, dễ làm ít tốn kém, lại gọn. Lồng đèn có chức năng soi sáng khi đêm xuống, đồng thời tạo cho lễ hội thêm lung linh huyền ảo đêm trước lễ đấu vật, tạo không khí lễ hội cho nhân dân tham gia. Lồng đèn còn dùng vào việc tham gia rước thần và rước sắc . Trước khi rước sắc, lồng đèn được tập trung về đình có ban chấm chọn xếp loại và có thưởng bằng tiền. Ngay trong lễ rước thần đã có dân làng đến xem thật đông, tạo cho lễ hội thêm vui. Thần và sắc rước về đến đình, tại đây có ban nhạc bát âm tấu lên điệu nhạc Kim tiền mừng vui nhộn nhịp. Khi dâng lễ lên thần, chiêng trống của làng và các chư phái tộc được gióng lên lan toả, trầm hùng. Không khí lễ hội bắt đầu. Cùng với nhịp chiêng dài, lời hát ngợi ca được ngâm lên:
Cẩm tú sơn hà thoại khí sinh
Thạnh đức đổ hoá sinh chương thổ võ
Thổ võ sơn hà thọ chung linh
Làng ta phong cảnh tốt xinh
Đình chùa miếu võ anh linh huy hoàng
Muốn cho mỹ tục vinh quang ngày rày
Có xưa thời mới có nay
Cảnh tình phong nguyệt vui thay nhộn nhàng
Cõi văn minh đèn sáng rực đàng
Bờ thổ võ dân tình nghinh rước
Để nhớ lại ông cha khi trước
Đánh nhà Thanh gìn giữ cõi bờ
Hà hí ha…hà hí ha…
Người dân làng Giáng Đông truyền rằng, đây là bài thơ do ông Trí Nho là một vị đồ nho dạy học trong làng sáng tác nên. Rước sắc từ nhà Thủ sắc về đình, đám rước vừa đi vừa hát, đến đình mới thôi.
Để bắt đầu tổ chức đấu vật, làng Giáng Đông chuẩn bị một lão làng chỉnh tề y phục áo dài khăn đóng, mang guốc xà lang hoặc sang hơn có đôi giày hạ ngồi cạnh bên miếng đất vuông dùng cho thi đấu phụ trách trống chầu cổ động thi tài. Trên mặt trống phủ một miếng vải đỏ. Giờ khai cuộc được xem xét đâu vào đấy. Đến giờ tựu hội, vị cầm chầu đánh một hồi trống lại ba dùi. Đúng thơi điểm đó, hai vị già làng đại diện cho hai họ trong làng cởi trần, quấn khố thủng thẳng ra sân trong tiếng vỗ tay động viên vang một góc làng.
Bắt đầu đấu vật, để ra uy họ đi quyền, nhưng đi ba bộ. Xong quyền là vật. Thường quy định của lễ hội là vật ba keo. Ai thắng đều có thưởng. Ai thua, theo quan niệm thời bấy giờ cả năm đó họ hàng làm ăn không nên nổi, người đại diện cho giòng họ tham gia đấu vật có thể không toàn mạng.
Sau keo vật của hai cụ già, kế đến là các chàng trai thanh niên lực điền trong làng tiếp tục ra sân thi đấu. Cuộc thi có năm diễn ra cả ngày mớI phát thưởng được.
Sau hội đấu vật có thể có hát bội, có thể không tuỳ năm theo lệ “Tam niên nhứt lệ”. Năm nào có hát bội, ngay trước sân đình người mộ điệu đến xem rất đông. Dọc theo hàng tre dẫn về đình, người ta bày bán xôi, chè, khoai, sắn, thuốc lá Cẩm Lệ, mì Quảng… Cụ Từ Thị Tam (76 tuổi) quê tại Giáng Đông kể rằng đến ngày lễ hội thi đấu vật, người đông không đếm được, các làng quanh đây cũng tề tựu về xem thi đấu. Cánh đồng Giáng Đông vừa mới cuốc rang, việc còn đang rảnh, nên dự xem rất đông.
Nay, Giáng Đông đấu vật đã thất truyền. Năm 1936 (Bính tý) là năm cuối cùng làng Phong Lệ tổ chức rước mục đồng, từ đó người mộ điệu các làng lân cận không còn có cơ hội được xem lễ rước mục đồng tại làng Phong Lệ, và đấu vật tại Giáng Đông được nữa.
[1] Trước Lễ hội Mục đồng chừng nửa tháng.
[2] Theo các cụ già Ngô Tấn Nhã (Tư Nhã) cụ Lê Kim Chúc, cụ Ông Văn Hoá, Ông Văn Từ… làng Phong Lệ xưa, nay là Phong Nam, thì làng Giáng Đông đấu vật cùng thời điểm với lễ rước mục đồng tại Phong Nam và theo lệ 3 năm tổ chức một lần. Nhưng theo ông Trần Công Hoài, Trưởng thôn Giáng Đông thì đấu vật tổ chức vào ngày 12 tháng 3 âm lịch và tổ chức hằng năm.