GIA TỘC

479

 

                                                Gia tộc

 

        Gia tộc là tổ chức một họ, họ hàng. Thường, họ hàng quây quần nhau sống trong một xóm. Một gia tộc tại Quảng Nam ít có trường hợp sống riêng lẻ mà tập trung trong một làng, cộng hưởng nhau. Từ đó thắt chặt thêm tình họ hàng.

        Trong một làng có nhiều gia tộc sinh sống, họ chung tay nhau xây dựng làng ngày càng phát triển. Chính đó, cho thấy từ thời Lê đến nay làng bộ trên đất Quảng phát triển không ngừng, ngày càng có quy cũ. Từ đó tạo ra các hương ước, khoán ước, các lệ của làng nhằm ổn định, giữ vững các định chế đối với cuộc sống tinh thần và làm giàu thêm đời sống vật chất. Việc tạo ra các thiết chế văn hoá hay các bản khoán ước cũng là tập tục, là thói quen của một địa phương trong cách ứng xử theo hương ước. Nhờ đó, nền nếp trong làng được giữ vững. Gia tộc do đó có ảnh hưởng từ nếp làng. Tộc họ trong làng thường thiết lập hội đồng gia tộc, tức một tổ chức của một tộc, hội đồng quy định chặt chẽ những việc nên làm, những điều nên tránh, phân công công việc gia tộc theo thứ bậc trong họ hàng. Gọi chung là Quy ước của Hội đồng gia tộc. Quy ước được viết thành văn, mỗi phái, chi giữ một bản để thực hiện và lưu giữ chuyện của tộc. Mỗi hội đồng gia tộc có tộc trưởng và những người giúp việc trong những lúc tộc họ có việc như việc tang, việc cưới hoặc lễ tảo mộ hàng năm của gia tộc. Theo đó, con cháu trong gia tộc đều tuân thủ thực hiện, tạo nên nền nếp trên thuận dưới hoà, kính trên nhường dưới. Đạo đức của gia tộc theo đó được răn dạy đến từng cá nhân trong họ hàng, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia tộc chăm lo đèn sách, canh cửi chuyên cần, xây dựng cuộc sống có nền nếp gia phong tốt đẹp.

        Xưa kia làng Phong Lệ có nhiều chư phái tộc, họ sống đoàn kết nhau trong làng, có luỹ tre bao bọc. Hằng năm đến kỳ tế tự tiền hiền trong bài văn tế đọc tại nhà thờ làng có ghi đủ 13 chư phái tộc: Tứ Lê, ngũ Ngô tịnh Phùng, Ông, Nguyễn, Võ. Về sau có thêm các gia tộc khác đến định cư tại làng lại ghi thêm vào trong văn tế: Trần nhị, Phan Bùi. Từ đó làng lại cử ra Hội đồng chư phái tộc do các thành viên của 17 chư phái tộc mà thành. Hội đồng chư phái tộc lo việc tế tự của làng, hằng năm có các lễ hội kỳ yên, kỳ phước, lễ hội rước mục đồng, lễ hội đấu vật, lễ hội rước hến…đều do Hội đồng chư phái tộc cắt cử người lo liệu.

        Hoặc Hải Châu ngũ xã có 16 chư phái tộc tập trung thờ tự tại Hải Châu đình. Đến ngày xuân kỳ thu tế, Hội đồng chư phái tộc vận động các gia tộc tham gia vật chất và tinh thần cho ngày hội kỵ. Tại huyện Điện Bàn, làng La Qua xưa nay có nhiều gia tộc cùng nhau sinh sống, chung tay xây dựng nên làng La Qua phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Hay như các làng Đông Bàn, Giáng La, Lệ Sơn, Phiếm Ái, Tuý Loan, Quảng Huế, Lai Nghi, Bích Trâm, Chiêm Sơn, Mạc Xuyên, Cẩm Lệ, Lỗ Gián Thạc Gián, Hoá Khuê…[1] mỗi làng đều có nhiều gia tộc cùng sinh sống và phát triển. Do mỗi làng có khoán ước riêng như làng Phước Sơn Ngũ xã (Hoà Vang) nên phong tục mỗi làng có những thành tố riêng. Đó là lệ riêng của mỗi làng. Chính điều này tạo nên nền nếp cho làng và thành ngữ “Phép vua thua lệ làng” là những trường hợp như thế. Hương ước, khoán ước vẫn còn lưu giữ khá rõ nét trong tâm thức của người dân, cũng như được lưu giữ một cách cẩn thận trong các đình làng cổ. Tại Hoà Vang, một số hương ước, khoán ước (thời Thiệu Trị tại làng Quan Nam – xã Hoà Liên), làng Hoà An (phường Hoà An hiện nay)… Những hương ước, khoán ước tại đây đều có chung một điểm là: “cấm say sưa bợm bãi”, “cấm chặt trộm cây gỗ trong những nơi thờ thần thiêng liêng”, “cấm chặt trộm tre và cắt trộm măng”, bài trừ hủ tục, khuyên mọi nhà “chăm nghề nghiệp”, “giữ nghề nông”, “chấn chỉnh nghề thợ, nghề buôn”, nghiêm cấm việc lấn chiếm ruộng đất công, phạt nặng những trường hợp làm sạt lở đê điều, làm tắc nghẽn sông ngòi, ao hồ… Vì thế, nên sẽ không lạ nếu thấy giữa làng Quan Nam xưa hiện vẫn còn một mảng rừng với cây cối sum sê xanh tốt được nhân dân nơi đây hết lòng gìn giữ; hay các cụ cao niên làng Hoà An vẫn thuộc nằm lòng qui định cấm nạn ăn uống trong các đám tang[2]. Bản khoán ước tại làng Phước Sơn, xã Hoà Nhơn (Hoà Vang) ra đời năm Gia Long thứ 7 (1808) – có lẽ là khoán ước cổ nhất và đầy đủ nhất cho tới lúc này được tìm thấy tại Đà Nẵng. Khoán ước này gồm 10 điều, nêu rõ trách nhiệm của dân làng trong việc gìn giữ lễ nghi, phép tắc, thuần phong mỹ tục của làng đồng thời chỉ rõ “những điều không được làm” như các hương ước, khoán ước thường thấy.10 quy định về việc cúng tế ở đình làng, về mừng thọ lên lão, về cưới hỏi lấy vợ, lấy chồng của trai gái trong làng, về sưu tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, về khuyên răn làm những điều tốt, không trộm cắp, không phá của cải, tài sản chung của làng…Mở đầu bản khoán ước có ghi: “Chúng tôi là những viên chức lớn nhỏ trong xã, thuộc xã Phước Sơn, tổng Phước Tường thượng, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn. Nay lập đồng ưng định cử ông cựu cai tên Đàm lên làm chức trùm cả để chăm sóc các việc trong đình, chùa, sắp đặt lễ cúng và cứ theo khoán lệ khu xử những việc đúng sai trong xã, giữ gìn bờ cõi thuộc đại phận của xã. Từ nay những nam. phụ, lão ấu trong xã và những người ngụ cư, nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc hợp với thuần phong, trên thuận dưới hoà, để giữ lấy danh dự với các làng lân cận. Từ nay về sau con cháu trong làng đều phải tuân theo những điều mà trước đã vạch sẵn”. Và, bản khoán ước cũng chỉ rõ việc xử phạt khi các thành viên trong làng không chấp hành như: “Những viên chức nào trong xã không dựa theo lệ khoán của các bậc tiền hiền và làm trái lại những điều đã định ước trong tờ ưng định này lại có những lời phán ngôn ngang bướng thì phải chịu phát vạ một heo và cả trầu rượu dùng đủ, để làm sáng rõ nghi tắc của các bậc tiền hiền, để nêu gương cho những lớp trẻ sau này, ngõ hầu giữ được sự phát triển của làng”.

        Ngay từ lời mở đầu bản khoán ước đã ghi rõ trách nhiệm của con cháu – các thành viên trong làng phải biết gìn giữ lễ nghi, phép tắc thuần phong mỹ tục của làng mà các bậc tiền hiền khi đến khai canh, khai cư lập làng đã đề ra và một khi ai đó không chấp hành, không thực hiện đúng thì sẽ phải chịu phạt trước dân làng. Trong 10 điều khoán ước có những điều ghi về tinh thần tương thân, tương ái như: “Dựa theo khoán lệ của tiền nhân thì trên đời này có kẻ giàu, người nghèo không giống nhau, nên phải giúp nhau mới phải”, hay: “Dựa theo lệ định của tiền nhân, trong làng có người quá cố mà con cháu trong nhà muốn tỏ lòng hiếu thảo, hoặc có lễ tạ khi tống táng xong, việc ấy tuỳ theo khả năng của gia chủ, bất luận ít nhiều. Khi có đám tang gia chủ phải trình xã trưởng để cắt người trợ táng hoặc trợ tế”.  Bản khoán cũng nói về việc gìn giữ, cấm phá tài sản chung của làng như: “Dựa theo phép tắc của quan trên, măng tre mới nhú lên cần phải được bảo vệ, để dùng vào những việc có ích sau này. Điều này đã có giấy tờ cấm ngặt từ trước, nghĩa là cấm không được cắt măng tre. Nếu ai còn phạm vào điều cấm ấy, cắt trộm măng tre khi bị bắt phải nộp lệ khoán một quan, một tiền và thu thêm 5 tiền để thưởng cho người bắt được”. [3] Chính đó, đã tạo nên ý thức trong nhân dân không xén măng tre của nhau, nếu xén trộm thường bị người khác khinh rẻ, bản thân người xén măng cảm thấy làm một việc phương hại đến mầm sống, huỷ hoại một nguồn sinh lực đang lớn dần lên, cũng có thể hối hận. Trong dân gian xem đó là mang tội, làm như thế là mang ác./.

        Xem trình diễn pháo hoa quốc tế. Dội Việt Nam năm 2019 (Video VTV8)

[1] Đến năm 1553 theo Ô Châu cận lục của Dương Văn An, phủ Điện Bàn có 66 làng.

[2] Phần phụ bản của Khoán ước làng Hoà An có bài nhắc nhở người dân thực hiện khoán ước có câu: “Người chết nằm đó than khóc thảm thương, nước mắt đầm đìa. Thân tình chi, hiếu thảo chi? nhởn nhơ nhai thịt mỡ đùi gà, bưng bát rượu khề khà chè chén… Ôi thôi! đừng giữ thói tệ lậu thời nào, nghe hôi tanh rủ đến như ruồi!”…

[3] Tuy nhiên, bản khoán ước cũng có mặt hạn chế như “Người con gái phải đúng 14 tuổi trở lên mới được gả chồng” và phải “giữ đúng 6 lễ từ vấn danh đến lễ cưới”, tuổi lấy chồng của người con gái quy định như vậy còn quá sớm. Hiện nay, theo Luật Hôn nhân và Gia đình của chúng ta là nữ phải đủ 18 tuổi trở lên thì mới lập gia đình.