Diễn xướng dân gian Cơ Tu – một góc nhìn
1. Nói – hát lý trong mừng nhà mới
Với người Cơ Tu, nói lý – hát lý có lẽ xuất hiện cùng với quá trình lao động, đặc biệt sau khi hình thành xong bộ tộc. Đây là quá trình phát triển tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần, cả nhu cầu vật chất với họ. Nói lý – hát lý ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn, có tác dụng điều chỉnh các mối quan hệ giữa người – người, giữa nhà – nhà và giữa làng nọ với làng kia. Đây là quá trình sử dụng nói – hát lý cao nhất mà người Cơ Tu đã sử dụng như là công cụ tinh thần phục vụ các mối quan hệ trong xã hội tộc người.
Là loại hình diễn xướng dân gian, bao hàm nhiều phương thức thể hiện nghệ thuật, từ nghệ thuật sử dụng ngôn từ đến nghệ thuật dùng điệu bộ của người nói – hát lý, theo hướng đạt yêu cầu một cuộc nói – hát lý diễn ra. Hình thức diễn xướng này tiến tới biểu đạt nguyện vọng mang tính hòa giải, kêu gọi đoàn kết, thông hiểu nhau trên tinh thần cố kết cộng đồng, cho nên thể hiện ý nghĩa nhân sinh của người Cơ Tu.
Nói – hát (prah – têng bhanoah) là sinh hoạt văn nghệ dân gian trong cộng đồng Cơ Tu, là loại hình nghệ thuật kiến tại, ứng khẩu tại chỗ, độc đáo của tộc người, được duy trì qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn tồn tại trong đời sống tinh thần người Cơ Tu. Nói – hát lý trong mỗi làng Cơ Tu có lực lượng đảm nhận vai trò này và được cử vào Hội đồng làng trong thiết chế xã hội cổ truyền của người Cơ Tu. Người nói – hát lý được xem như người thay mặt cho dân làng thực hành “pháp luật” ở làng và đối đáp phải không với các làng lân cận trong vùng. Do đó, người nắm giữ kỹ năng nói – hát lý trong cộng đồng người Cơ Tu được kính trọng trong làng, bởi họ là những người ca rơ moon (ca rơ = mạnh; moon = miệng).
Sự biểu đạt và tính hiệu quả của nói – hát lý là sự tế nhị và tính hiệu quả rất cao trong ứng xử trong cuộc sống của họ. Nói – hát lý được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày, đây được xem là sinh hoạt văn hóa đời thường, không có sân khấu, không dàn dựng và không luyện tập hay chuẩn bị trước, do đó mang tính dân gian nguyên hợp.
Đôi khi trong nói – hát lý có sự so tài nhau về năng lực giải quyết vấn đề, nhất là giữa các tộc họ và các làng trong giới già làng. Nói – hát lý còn tham gia vào giải quyết những mâu thuẫn nội bộ làng, về vi phạm luật tục làng: hôn nhân gia đình, tang ma, lao động sản xuất, … thường được phân giải bằng hình thức nói – hát lý. Mục đích của nói – hát lý là mang tới sự hòa giải, thống nhất những ý tưởng ngay trong cuộc nói – hát lý đặt ra mà cả hai bên tham gia đều nhất trí, bằng lòng. Do đó, nói – hát lý phải thật sự cởi mở và chặt chẽ trong so sánh ẩn dụ sự vật và hiện tượng mang ra so sánh đối chiếu làm bật lên những nhận định mà cuộc nói – hát lý muốn đề cập đến. Nghệ thuật của nói – hát lý là sử dụng nghệ thuật ẩn dụ lấy cái nọ chỉ định cái kia. Theo đó, người tham gia nói – hát lý phải là người từng trải, có kinh nghiệm trong cuộc sống mới có thể tham gia để đưa ra những ẩn dụ phù hợp mà người nghe thấy được đúng sai, luận bàn đến thống nhất nhận định.
Trong một câu hay đoạn nói – hát lý luôn thể hiện tính đa nghĩa, ý tứ được giấu sâu trong lời nói làm cho người nghe hát lại phải qua giai đoạn phán đoán mới có thể đưa ra câu hát đáp lại. Đây cũng được xem là biện pháp tranh luận về một vấn đề để khẳng định luận điểm các bên nói – hát lý đưa ra đều đúng với thực tiễn và phù hợp nguyện vọng mỗi người hay của các thành viên trong làng. Tài năng người nói – hát lý thể hiện ở điểm này. Khi đối phương không còn cách nào đưa ra luận điểm để phản bác, xem như chấp nhận sự hòa giải, giải quyết vấn đề trên cơ sở tự nguyện chấp nhận những tình ý đưa ra trong buổi hát.
Nói – hát lý không có tình huống chuẩn bị trước mà tùy vào hoàn cảnh nói năng, tình huống thực tế tại chỗ mà người nói – hát lý “kiến tại”, ứng khẩu tại chỗ để hát. Cái khó của nói – hát lý ở chỗ đó. Một tình huống không có bài mẫu để học thuộc, không ghi ra giấy để đọc, nói – hát ứng khẩu khi rượu được rót mời thêm, đêm lung linh huyền ảo, lời nói – hát cứ thế đưa ra, các cung bậc đều có. Có đàn, có trống, có động tác có lời nói, có lý có tình, có vui mà cũng có buồn nên nói – hát mang tính nguyên hợp của sinh hoạt văn hóa thường ngày. Ở đó người Cơ Tu không nghĩ rằng sáng tạo nên văn nghệ có tính nghệ thuật cao hay lời nói (như ca từ) phải trau chuốt, biểu cảm. Ở nói – hát lý không được chuẩn bị trước như thế mà chủ yếu phụ thuộc vào khả năng trải nghiệm và ứng khẩu của từng nghệ nhân nói – hát lý. Thế nên cái hạn chế trong nói – hát lý cần khắc phục, theo già làng Bh’riu Pố, đó là trình độ nói lý – hát lý của người tham gia nói – hát lý và cả trình độ cảm nhận, suy luận của người nghe nói – hát lý. Trong cuộc nói lý – hát lý, và nghe nói lý – hát lý hai bên phải thực sự thấu hiểu và trả lời phù hợp khi đã hiểu lời nói – hát lý của người khác, như thế nghe nói lý – hát lý mới đúng thực của hình thức diễn xướng dân gian này.
Chính đó, thanh niên Cơ Tu rất ít người có năng lực tham gia một cuộc nói – hát lý giữa làng, giữa tộc họ hoặc giữa các cuộc vui trong việc cưới, việc hội hè, cả việc mừng lúa mới, … họ cũng chưa có khả năng thể hiện chu chỉnh được. Theo đó, đôi khi sau một cuộc nói lý – hát lý, tình hình đoàn kết nhau chưa được cải thiện tốt hơn, mà đôi khi làm cho vấn đề thêm sai lệch. Điều này cũng bởi tại một trong hai bên, hoặc cả hai bên thiếu năng lực phán đoán, suy luận để giải cấu trúc các mối quan hệ nhiều chiều, đan xen trong cuộc sống, một khi đã đưa ra phân giải bằng phương thức nói lý – hát lý suốt cả đêm mà vẫn chưa giải thông, thông qua hoạt động diễn xướng này.
Nói lý – hát lý còn được thể hiện trong việc cưới (têng bhiệc đam), tại đây, nghệ thuật p’rá pr’ma têng bhanoóch được các vị già làng thể hiện chúc mừng hạnh phúc, mong muốn hai bên gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, … xây dựng gia đình trên thuận dưới hòa. Người làng đến nói – hát lý để mừng hạnh phúc lứa đôi cho đôi bạn trẻ. Trong niềm vui đó, cuộc nói lý – hát lý gây ấn tượng cho người tham gia và cho cả người tham dự.
Một cuộc nói – hát lý trong việc cưới được chuẩn bị như sau:
– Chủ nhà trai chuẩn bị sẵn một mâm tiệc dùng chào đón khách (ch’nao) và các bậc cao niên (pay buốh tacoóch) đến nhà chúc mừng tân hôn.
– Đại diện chủ nhà, người cha, hoặc trưởng tộc họ, hoặc một người nào đó được mời làm đại diện, thường là người có uy tín, có kinh nghiệm và năng lực nhất định thay mặt chủ nhà giao lưu đối đáp, ứng khẩu trước tiên (hala) [1], xem như giai đoạn khởi đầu chào thưa, kính báo. Đây là khâu mở đầu cuộc nói – hát lý.
– Cuộc nói – hát lý vào cuộc. Những thiếu sót trong tổ chức, đón tiếp được mang ra trang trải, mong nhận được sự thể tất của khách, … và sau đó là hát lý. Nói lý xong lại hát lý nhằm nâng cao giá trị biểu cảm của những lời hát lý, bấy giờ có các loại nhạc cụ xen vào làm cho cuộc hát lý có màu sắc của diễn xướng văn nghệ dân gian [2].
Nghệ thuật p’rá pr’ma têng bhanoóch còn được tổ chức vào dịp ăn mừng lúa mới (cha haroo tamê) và lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng (pr’ngoóch gương yên)
Mở đầu thường cất lên lời hát: “Ô…ô…ô…Azô coonh a voc, coonh a êên…” (nhạc đệm vào sau câu hát này, thời gian gian tấu ngưng lại đôi chút).
Những lời lẽ ẩn dụ được hát lên, đưa ra cho mọi người nghe và bàn luận đúng, sai, vui, buồn chỗ nào, … để cùng đồng cảm. Lời hát bây giờ sâu lắng hơn, tình cảm và tha thiết hơn. Sự vật to, giá trị được ví với những gì giá trị, cao cả. Những con vật yếu hèn thấp cổ được ví với những con người có hành động xấu xa, nhỏ mọn, …cứ như thế cuộc hát kéo dài đến chừng người nghe và người hát cảm nhận được sự việc tường tận là có thể kết thúc được một cuộc nói – hát lý.
(Thí dụ: con gấu có mật tốt cho người = là người tốt; con voi to, có ngà = là quý giá,…)
Nói – hát lý của người Cơ Tu phong phú về ý nghĩa của sự việc mang ra hát lý. Ngôn ngữ hằng ngày nhưng sâu kín thể hiện nhiều hình ảnh để ví von, ẩn dụ, người nghe liên tưởng đến sự việc và hình ảnh để hiểu được ý tứ người hát.
Bên cạnh nói – hát lý trong các cuộc vui còn có hát lý trong lúc buồn như tang ma. Điệu hát hau c’leeng hát trong khóc thương người quá cố.
Nói – hát lý là loại hình diễn xướng dân gian của người Cơ Tu biểu hiện sinh hoạt văn hóa thường ngày của họ, đã thấm sâu vào mỗi số phận đời người là thế, nhưng hiện tại, thanh niên nam nữ Cơ Tu ít tham gia vào những cuộc nói – hát lý để nhận sự trao truyền từ cộng đồng. Theo đó, có thể theo tháng năm trong giao thoa tiếp biến văn hóa với các tộc người trong vùng và đặc biệt sự biến dịch văn hóa dẫn tới biến đổi các thành tố văn hóa dân gian làm cho loại hình nói- hát lý Cơ Tu mất dần trong cuộc sống đương đại.
2. Nói-hát lý trong việc tang ma (cơ lêng)
Một đoạn hát lý trong tang ma:
Trong tang ma, nếu là trai (đàn ông) thì nói lý – hát lý gọi là cơ lêng, nếu là nữ (đàn bà) thì gọi là cơ lâu. Hai khái niệm không gặp nhau. Nhưng danh xưng cơ lâu cũng có thể để chỉ nam giới, hoặc có thể chỉ phụ nữ, chỉ khác nhau tuổi thấp hay cao mà thôi. Như thế trong tang ma, hát lý – nói lý có thể dùng thuật ngữ cơ lâu vẫn hiểu được.
Gọi là cơ lêng, khác cơ lâu ở chỗ: người chết khi nói – hát lý gọi là cơ lêng thường là người chết trong độ tuổi trung niên trở lên. Bấy giờ người nói – hát lý thực hiện động tác tay vừa đánh trống (trống ca thu) chậm rãi (u buồn), miệng vừa cơ lêng.
Nội dung ca lâu, hay cơ lêng có chỗ giống nhau là: đều tỏ rõ nỗi thương tiếc của mình (người nói – hát lý), của gia đình, dân làng đối với người đã qua đời. Thông qua nói – hát lý, nhắc lại cho gia đình, dân làng nghe những lời nói và việc làm đầy ý nghĩa cao đẹp của người đã chết. Đồng thời cầu mong hồn người chết đừng mang (đem) theo hồn người sống mà hãy phù hộ cho họ mọi sự tốt đẹp,…(Người Cơ Tu cho rằng: trong nói – hát lý có người cơ lêng hay đến mức, trời đang nắng bỗng đổ mưa; cây to vốn cong về phiá mồ mả, bỗng cong về phía sau,…).
“Ôh ! Ra ngool phun ca nang dum clốc tà bít đơn mắt ca điên ra vai chô phêng phêng. Lơi cà điêu coom ơi dô mây dô cu. Ca mai phun tha riết ma niên. Ca lé may dum doốc cu nhim. Bong ca năm dong gơi tham mệ ma. Cu pha rương sa manh ta ruốc. Chơ may ơi ơi ô ô. Lé cu thà loong ơi cu ra vai ca lé may.”
Dịch nghĩa: “Ơi ! Đêm nay giữa buôn làng có người về khóc chồng, con khóc cha ra đi không một lời từ biệt, thương biết mấy, buồn biết mấy.
Anh bỏ làng, bỏ xóm để nơi đây bao nỗi tiếc thương ngậm ngùi tiếc nuối.
Anh về trời rồi có nhớ vợ con không ? Vợ con bơ vơ không nơi nương tựa. Cha đi rồi con gọi ai đây !
Cả làng ai tới cũng khóc thương cho số phận, tuổi đời còn thanh xuân mà đã đi về thế giới bên kia.”
Cố nghệ nhân A Tùng Vẻ Nghệ nhân A Lăng Đợi (52 tuổi) Nghệ nhân A Ting Đhơn (75 tuổi (Làng Gừng. Thổi Sáo) (Làng Gừng. Thổi Tù và) (Làng P’rao. Đánh đàn Đơn)
(Ảnh: Võ Văn Hòe, chụp tại làng Gâng (cũ), làng Ghúc (cũ) ngày 3/10/2020, thị trấn P’rao, ĐG)
3. Hát ru con (pi a li ca con)
Hát ru con người Cơ Tu cũng giống các tộc người anh em khác sống trên dãy Trường Sơn. Người Kinh cũng có điệu hát ru con, dỗ cho con ngủ. Hát ru có thể là cha mẹ ru con ngủ, anh chị ru em ngủ hoặc ông bà hát ru cháu ngủ.
Hát ru con người Cơ Tu cũng như điệu hát giao duyên ba boch, ca từ hát ru con luôn có vần điệu, hoặc vần chân, hoặc vần lưng, nếu ca từ không có vần, chí ít về tiết tấu âm điệu phải hài hòa giữa có thanh và không thanh, sao cho thuận miệng khi hát. Không thể có tiết tấu vần trắc, trục trặc trong lời hát mà có thể hát hay trong một giai điệu mượu mà được. Khi hát lời ru êm ái, nhẹ nhàng dễ tạo thành giấc ngủ cho trẻ em. Nội dung câu hát ru của người Cơ Tu có thể chia ra, như sau:
* Nếu câu ru là của ông, bà ru cháu ngủ thì câu ru ca ngợi việc làm giỏi giang, hay đẹp đẻ của cha, mẹ cháu. Những lời khen khi hát thường xuất phát từ lao động, làm việc; đồng thời qua câu hát ru, cầu mong sao đứa cháu mình mạnh khỏe, ăn no, mau lớn. Lớn lên làm được nhiều điều có ích cho gia đình, cho làng và cho mọi người.
* Cha mẹ ru con, nếu là cha ru thường ca ngợi đạo đức, công việc người mẹ làm hằng ngày, và ngược lại nếu là mẹ ru con ngủ thường ca ngợi công đức của cha, những hoạt động của người cha hằng ngày và cầu mong đứa con mau lớn, mạnh khỏe, đạt được nhiều sự tốt lành trong cuộc sống, giúp ích cho gia đình và dân trong làng.
+ Một câu hát ru của người vợ:
– “Pi a li pi con
Ơ conh may conh đhơ luc ơng lơ chi têh con,
Pi a li pi con
Ơ conh may conh mơ rơ nghi ơng lơ ngon têh con”…
+ Một câu hát ru con của người chồng:
– “Pi a li pi a mọ,
Ơ căn may conh dol ơng lơ đọt tên a mọ
Pi a li pi a mọ
Ơ căn may conh bót ơng lơ bol têh a mọ”…
+ Một câu hát ru người mẹ ru con:
– “À ơi, con ngủ đi con
Cha con đang làm xa tít tận mây cao kia kìa,
À ơi, con ngủ đi con
Cha con đang làm mãi tận chân trời xa xa đó”.
+ Một câu hát ru người cha ru con:
– “À ơi, con ngủ đi con,
Mẹ con đang làm trên gò cao cao kia đó,
À ơi, con ngủ đi con
Mẹ con đang làm bên đồi xa xăm kia kìa”.[3]
+ Một số câu hát phổ biến:
–Cầu các tổ tiên, ông bà phù hộ cho con!
Cầu cho giấc ngủ của con được tươi vui
Con hãy uống và con hãy ngủ đi
Đời sống là dài lâu
Lúa mọc khó khăn trong các rẫy
Và rừng đầy những ác thần!
– Con ơi, con hỡi ngủ cho ngoan
Mẹ mong con khôn lớn từng ngày
Mong con khỏe mạnh đẹp tựa hoa xuân
Mái tóc dài tựa như dòng suối
Da trắng ngần tựa như hoa pier pang
Ngủ đi con, ngủ đi đừng khóc nữa
Để mẹ lên nương trồng ngô, trồng lúa
Nuôi con khôn lớn thành người hiếu ngoan.
Ngủ đi con, mặt trời của mẹ, sức sống của cha.
– Ngủ đi con, ngủ đi đừng khóc nữa
Để cha con đi làm cái nương cái rẫy
Để mẹ còn xuống suối bắt cá con ăn
Mong ngày con khôn lớn, nhanh nhẹn
như chim a vang, khỏe mạnh như con a mur
Ngủ đi con, mặt trời của mẹ, sức sống của cha.
– Ngày mai con lớn như giàn nhà, giọng sang sảng như cha.
– Ru con, con ngủ đi
Mẹ để dành cái nỏ, ống tên của cha cho con
Ru con, con ngủ đi
Mẹ cất chiếc áo giáp cho con, con ngủ đi…
– Con ơi A Kan ngủ đi
Cha đi làm
Mẹ đi làm
Con lớn giữ em,
Con nhỏ học hành
Cha đi làm về
Mẹ đi làm về
Con rửa chén rửa nồi
Mẹ tắm rửa cho con thơm tho sạch sẽ
Con ơi!
Mẹ chùi nhà chùi cửa, giặt áo quần
Con đi học về nhớ giúp việc nhà nghe con./.[4]
2.4. Hát giao duyên (ba bóch)
Thường, trong sinh hoạt văn nghệ, người Cơ Tu có nhiều trường hợp hát ba bóch, trao đổi tâm tình, mượn hình ảnh trong câu hát để thố lộ điều thầm kín của tâm hồn.
Ba trường hợp sau đây trong hát ba bóch:
* Trường hợp 1:
-“…Ơ đhơ cu môp cu map, a mế Cơ Tu măm,
Ơ đhơ cu tăm cu đhưnh, a ma Cơ Tu mung,…”
Nội dung bài ba bóch: Một cô gái được cha mẹ sinh ra, tuy có người chê là bề ngoài không được đẹp lắm, nhưng cô rất tự hào về đức hạnh tốt đẹp của mình, của cha mẹ mình, đã có công vô bờ bến nuôi dạy mình nên người….
* Trường hợp 2:
– “Ô liêm bơ kê,
Cu lêy ca tiêc nơ lêêng
Cu hay a đo ơng đhưc đhơr nưc lat vơl vơơi
Cu lêy plêêng nơ ngon
Cu hay a đo ơng đhưc đhơr nưc chrơơi vơl vi”…
Đây là câu boch của các chàng trai Cơ Tu hát với người thiếu nữ Cơ Tu, vốn đã đẹp, lại thêm đẹp trong trang phục truyền thống đẹp nhất của mình.
* Trường hợp 3:
– “Ô liêm bơ kê,
Cu lêy ca tiêc nơ lêêng
Cu hay a đo ơng đhưc grưi a đhăh
Ô liêm bê kê,
Cu lêy ca tiêc lơ ngon
Cu hay a đo ơng văh xoi a vang:…
Đây là câu boch của các thiếu nữ Cơ Tu đối đáp câu boch của các chàng trai Cơ Tu, vốn đẹp trai, đẹp nết lại thêm đẹp trong trang phục truyền thống đẹp nhất của mình.
+ Một số câu hát phổ biến:
– Là người đàn ông Cơ Tu biết đánh trống thổi kèn,
Gánh vác công việc trong làng và biết lo hạnh phúc gia đình.
Người đàn bà Cơ Tu biết cấy hái, gieo trồng
Sớm hôm lo việc ruộng nương lại khéo tay dệt thổ cẩm.
Việc nhà luôn giỏi giang, hát hay, múa dẻo tay dễ thương như những thiên thần.
Nam: – Này cô em bên sông ơi!
Nhìn em xinh tươi hồn nhiên
Lòng anh xốn xang muốn được gần em
Nữ: – Này anh trai bên sông ơi!
Hẹn anh ngày mai cùng vui
Chờ anh sang sông em ơi
Làm chi cho anh làm với
Mình vui bên nhau tính chuyện dài lâu.
Nữ: – Anh ơi! Anh đứng đó anh chờ ai
Anh chờ em hay anh chờ người khác ?
Nam: – Anh đến đây chỉ chờ có một mình em
Anh không chờ người nào khác.
Nữ: – Em đi tìm nước, em nhớ đến anh
Dù em đẹp, em xấu em cũng bú sữa mẹ
Dù em đen, em xấu cha mẹ em vẫn nuôi
Nam: – Anh đi tìm suối, anh nhớ em
Hình dáng em vẫn đẹp
Nụ cười em đẹp như vầng trăng.[5]
Nữ: – Chàng ơi, mình như đôi chim ngang trời
Cùng vui hôm sớm bên nhau như đũa có đôi.
Nam: – Trên rẫy ta có nhau
Bên suối ta có nhau
No đói ta có nhau
Hạnh phúc ta có nhau…
Nữ: – Anh gắng công, em gắng công
Đôi ta cùng chăm bón vun trồng
Ngô lúa thêm trĩu bông
Hoa trái thêm sắc hồng
Ta đã trọn ước mong
Cuộc sống thêm thắm hồng.
Nam: – Chân em thon đẹp như thân dong
Chân em trắng xinh giống cây chuối rừng xanh
Đôi môi em xinh tựa đóa hoa lơ lang
Lấp lánh trong cánh hoa dhavai
Nữ – Con chim a vương ngoan đậu nhánh cây giang
Con chim a vang xinh đứng trên cây lồ ô
Ai cõng em qua sông, em tặng chuỗi cườm mã não
Ai dắt em qua sông, em sẽ trao chiếc khố đẹp tự tay em dệt.[6]
Nữ: – Mười cô gái Đhol các anh không bằng Đhươt (một) chúng tôi
Tám cô gái Đhol các anh không bằng Đhươt (một) chúng tôi.
Nam: – Đẹp! Em đẹp như hoa lơlang
Rạng rỡ, em sáng bừng sáng như hoa dhavai.
[1] Vùng Tây Giang viết: pay h’la
[2] Nhưng không phải cuộc nói – hát lý nào cũng có nhạc cụ đi kèm, phụ họa. Bởi không phải làng Cơ Tu nào cũng có nghệ nhân dân gian sử dụng được các loại nhạc cụ, và còn bởi không phải làng Cơ Tu nào cũng có nghệ nhân dân gian biết chế tác các loại nhạc cụ và sử dụng thành thạo. Hiện tại chưa thấy có trường lớp đào tạo kỷ năng sử dụng và thực hành các loại nhạc cụ cho thanh niên nam, nữ Cơ Tu.
[3] Cac câu hát do Bh’riu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang cung cấp.
[4] Cô A Lăng Thị Khoằn (52 tuổi) tại làng Gừng, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang hát. Võ Văn Hòe thu âm chiều ngày 2/10/2020 tại nhà riêng. Cô A Lăng Thị Khoằn là con dâu cố nghệ nhân dân gian A Tùng Vẻ.
[5] Dị bản: Ngực em đẹp như vầng trăng.
[6] Dị bản: Ai cõng em qua sông, em biếu chiếc vòng vàng,
Ai dắt em qua sông, em sẽ trao chiếc vòng bạc.
(Vàng, người Cơ Tu ít sử dụng).