Đi chợ Khâu Vai

497

Đi chợ Khâu Vai

        Nói đi chợ Mèo Vạc hay chợ Khâu Vai là hấp dẫn và lý thú, bởi huyền thoại về chợ pha chút lãng mạn mơ màng mà ai đã đến Hà Giang một lần không thể không đi chợ. Tôi từ xa đến, có được dịp đi chợ một phiên. Là khách lạ được một lần,  bởi chợ Khâu Vai mỗi năm đông họp một phiên, không có cơ may cho dù bạn có lên Hà Giang nhiều lần nhưng không gặp dịp, xem như chưa đi được chợ. Thật tiếc!. Tôi may mắn lên Hà Giang đúng vào dịp chợ đông, được một lần đi chợ, nhưng vì chưa quen với không gian chợ “tình” Khâu Vai là thế nào nên theo chân anh anh Tuổi Trẻ vào chợ với tâm thế như người trong cuộc. Hãy cứ theo chân anh bạn phóng viên Tuổi trẻ Chủ nhật, vòng quanh chợ một lần để biết những vui buồn, ngộ nghĩnh luôn là những tình huống bất ngờ để bạn có thể nhìn thấy và suy nghiệm. Họ kể chuyện cũng vui và hấp dẫn làm sao!

        Khâu Vai, cũng gặp cách phiên âm, viết “Khâu Vai”, hoặc “Khau Vai”. Khâu Vai tiếng Tày – Nùng có nghĩa là “đèo gai”.

        Sao lại có Khâu Vai được hiểu là chợ tình mới thật là lãng mạn. Chợ thường bán buôn, trao đổi hàng hóa sao lại là “chợ tình” để có người gọi chợ Khâu Vai là chợ “Phong Tình”? Anh bạn Hà Giang đưa chúng tôi đi chợ, kể rằng: “Truyền thuyết về chàng Ba, một thanh niên đẹp người đẹp nết tộc người Nùng và nàng Út, một cô gái đẹp của núi rừng chịu thương chịu khó. Cô là tộc người Giáy.  Hai người yêu nhau. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng tộc người, không gặp nhau trong phong tục tập quán, hơn thế họ không cùng một tổ tiên nên không thể nào đến với nhau được. Thêm vào đó, chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo khó, là tầng lớp không có vai vế trong dòng tộc. Ngược lại nàng Út là con một tộc trưởng người Giáy nên hai bên không thể “môn đăng hộ đối” được. Do thế mối tình của đôi trai gái bị ngăn cản. Buồn lắm, họ đưa nhau lên một hang động trên núi Khau Vai với nguồn hạnh phúc vô biên của tình yêu trong trắng. Ở hang động, họ sinh sống và yêu nhau, chờ mong một ngày,…. Thế nhưng, tộc họ nàng Út từ bản làng mang cung nỏ và đưa người đến nhà chàng trai đòi trả lại nàng Út của họ. Phía nhà trai sau nhiều lần lặng tiếng, riết rồi cũng mang gậy gộc, cung nỏ và đưa người ra đánh đuổi nhà gái. Hai dòng họ đã đánh nhau ở bản làng dữ dội. Bức xúc và đau buồn, chàng và nàng đành rời hang, chia tay nhau trở về với dòng tộc, gia đình. Họ đau buồn vì mối tình tan vỡ. Làm sao để gặp nhau, dầu mỗi năm chỉ một lần, họ hẹn nhau vào ngày hai mươi bảy tháng ba hằng năm, hai người đến núi Khâu Vai gặp gỡ. Tại đây, họ hẹn hò, tìm lại tình yêu sau một năm xa cách. Họ hát cho nhau nghe những bản tình ca dang dở – thủy chung – đầy – lưu luyến đậm chất trữ tình. Tại Khâu Vai, họ gặp nhau suốt một đêm dài, bao tâm tình được cởi mở, rồi ngày hôm sau họ lại chia tay mỗi người một ngả trở về với cuộc sống thường ngày. Nhớ nhung ấp ủ đâu đó trong lòng!.

            Cứ thế, mỗi năm một lần họ lại rủ nhau về với Khâu Vai, về với cuộc tình cả một đời dâu bể tang thương. Vào một ngày, họ nhớ lại cuộc tình duyên nợ năm xưa, bèn hẹn nhau đến Khâu Vai lần cuối. Tại đây họ gặp nhau để thỏa lòng thương nhớ, hai người ôm nhau ấm áp, thiết tha, chân thành như ngày mới yêu nhau rồi từ đó họ vĩnh biết cuộc đời. Họ đi rồi, dân bản làng biết được, tỏ lòng thương tiếc cho mối tình trăm năm không trọn vẹn. Ngày ấy, đúng vào dịp hẹn hò hai mươi bảy tháng ba. Dân bản tiếc thương bèn cất nên tại Khâu Vai hai ngôi miếu, một miếu Ông một miếu Bà, và chọn ngày hai mươi bảy tháng ba là ngày vía hai người. Từ đó dân bản lấy ngày này là ngày họp chợ cho các đôi trai gái gặp mối duyên tình không may lâm vào tan vỡ.

Hoa ban Đồng Văn (Ảnh: VVH, 7/2004)

            Theo chân anh bạn Tuổi Trẻ Chủ nhật, được nghe mỗi niềm tâm sự của một đôi yêu nhau nhưng lại lỡ duyên:

        “Trên một trảng cỏ may, hai người đàn ông đang ngồi uống rượu, họ mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi nép ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng. Suốt đến nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men lá nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã lưng quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nấc lên rưng rức. Hai chiếc bát ngã lăn. Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nhặt những chiếc bát rồi lẳng lặng rót rượu đầy tràn hai miệng bát. Xong xuôi lại về chỗ cũ ngồi nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng giăng trước mặt.

       Thấy cảnh lạ, thì ra hai người đàn ông này là “tình địch” nhau theo cách định nghĩa khờ khạo của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra cô vẫn còn trẻ nhưng vẻ tiều tuỵ và cam chịu làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn. Chiều ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như nhiều đôi khác, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau. Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn một bữa trước khi tức tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình  mà dẫn theo người yêu cũ. Thế là ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà. Từ đây, chuyện giữa hai người đàn ông, một người vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng.

        – Thằng Xin Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày.

        -…

        – Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi đạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.

        -…

        – Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui.

        -…

        -Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày.

        -…

        – Mày phải biết, khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.

        -…

        – Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi. Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.

        -…

        – Giàng ơi. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.

        -…

        – Mày nói di. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?

        -…

        – Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày. Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày, tao thương con vợ mày quá.

        -…

        – Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho.

        -…

        – Đến kỳ ngô ra bắp, tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc. Bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống là đổi được một con lợn giống to.

        -…

        – Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày nhưng vợ mày thiếu thóc, thiếu ngô là tao đánh mày đấy.

        -…

        – Thằng Xin Thau kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?

 

        Đấy, một góc chợ Khâu Vai ở Mèo Vạc đôi khi ta biết là như thế! Nhưng hãy làm người đi chợ mà xem, chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày hai mươi bảy tháng ba âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Tại chợ anh bạn Hà Giang đưa tôi đi chợ còn thuyết minh khi ngang qua nhóm các cô H’Mông đứng đợi như mong đợi một cuộc tình hay mong chờ người yêu cũ. Anh bảo rằng: Ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn cô về làm dâu bộ lạc của mình. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Mối thù của hai bộ lạc càng nhân lên khi tình yêu của họ càng thắm thiết. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi Khâu Vai thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau rất quyết liệt ở dưới. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay nhau và hẹn sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày ấy. Nơi gặp nhau vẫn là nơi họ thường hò hẹn – Khâu Vai. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn cho tất cả những đôi thanh niên nam nữ yêu nhau trong vùng.

        Anh tiếp: Chuyện như thế là truyền thuyết, gần như giống chuyện tôi đã kể với anh, nhưng dẫu sao, chuyện nào cũng hấp dẫn phải không Cẩm Lệ. Mỗi người nơi đây kể về sự ra đời ngôi chợ của mình theo mỗi cách. Người ta chưa tìm ra sự thật lịch sử hình thành nên chợ tình Khâu Vai, chỉ là truyền thuyết như tôi đã kể với anh. Cứ chấp nhận thế cho chợ thêm thú vị, tuyệt vời. Anh nhé! Tôi cười, biết nói sao, bởi là khách lạ mới đến chợ lần đầu, khi đi ngang qua dãy những chảo thắng cố đang sục sôi trên bếp.

                

                            Đi chợ Khâu Vai (Ảnh minh họa)

        Chợ Khâu Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Họ đến đây chỉ để nhìn bóng dáng mà lòng mình đã trao thương gửi nhớ. Nếu gặp lại người xưa thì trò chuyện cho thoả lòng nhớ mong; nếu chưa biết thì quen, kết bạn. Bất kể tuổi tác, già hay trẻ. Họ mang đến đây thức ăn làm sẵn, khi đến bữa bỏ ra cùng ăn với nhau ống cơm lam, cơm nếp, củ sắn, trái ngô, miếng bánh… tất cả đều là sản phẩm tự làm mang đi từ nhà và những bữa ăn như vậy càng làm cho họ có thêm giờ phút hạnh phúc bên nhau. Là người ở xa, người ta đến chợ từ chiều hôm trước để sáng hôm sau có mặt tại chợ. Họ chờ đợi suốt một năm ròng cho nên tâm trạng của người đi chợ thật háo hức. Sáng sớm là lúc họ dáo dác tìm nhau. Người tìm được bạn rồi thì trò chuyện với nhau không dứt. Người chưa tìm được bạn thì bồn chồn ngóng đợi, mỏi mắt chờ mong. Còn những người mới đến lần đầu để tìm bạn thì muốn nhanh chóng tìm được một người bạn để tâm tình. Khi có bạn rồi cũng là lúc họ say đắm bên nhau…đến tối mịt mới chia tay. Vô duyên cho những anh chị nào mất cả một phiên chợ không tìm được cho mình một người bạn tình nào cả, còn day dứt và buồn tủi nào hơn … Buồn nhất là trời càng lúc càng chiều, lúc họ chia tay, thật bịn rịn chẳng muốn rời nhau. Dẫu sao, sự hội ngộ đã để lại trong họ một điều gì đó rất thiêng liêng. Với đôi bạn trẻ, biết đâu năm ấy họ sẽ nên vợ nên chồng, hoặc có khi phải hẹn nhau chợ phiên năm tới…

        Chừng mười năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày họp chợ ngoài việc hẹn hò, tìm bạn, gặp gỡ người xưa, người ta còn mang cả hàng hoá đến bán ở chợ. Do vậy, nay bạn đến chợ Khâu Vai sẽ cảm nhận được những hoài niệm về một địa danh, một kiểu họp chợ, một thời gắn liền với câu chuyện truyền đời đã đi vào huyền thoại H’mông.

        Chợ tình Khâu Vai đông họp hằng năm chỉ mỗi một phiên là cách ca ngợi tình yêu chung thủy của những đôi trai gái yêu nhau muốn duyên kết một đời. Theo đó, nay chợ tình Khâu Vai ngoài phần lễ miếu Ông miếu Bà còn có thêm phần hội. Vào ngày hai mươi bảy tháng ba, trưởng bản làm lễ dâng hương tưởng nhớ mối tình và khai mở hội hè, những trò chơi dân gian, những hàng quán bán buôn những mặt hàng đặc trưng miền Tây Bắc được bày ra. Thế cũng đã mắt! 

                                                       *

        Lên Đồng Văn là phải chạy men theo triền núi đá, gặp những đoạn cua gấp liên tục, càng đi con đường càng trở nên kỳ diệu thế nào! Đỉnh Cổng Trời dường như quanh năm chìm trong sương, băng ngang qua bạn có cảm giác như lạc vào mê cung nào đó. Không phải chỉ một dốc Cổng Trời Quản Bạ mà còn nhiều đồi dốc cao khác nữa: Pắc Sum, Na Khê, Mã  Pi Lèng. Ngoài cảnh đẹp, Đồng Văn còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hoá truyền thống của hai mươi hai dân tộc anh em chung sống trên vùng đất nước cực Bắc của Tổ quốc. Chỉ điều đó đã tạo ra một nét riêng cho du ngoạn vùng này. Đứng trên đèo nhìn dòng Nho Quế, dòng sông chỉ còn là một dải lụa mong manh. Bạn có thể đi trên dòng Nho Quế bằng thuyền độc mộc, nghe người chèo đò kể các câu chuyện truyền thuyết về núi, về sông thì phải thích. Dễ hiểu vì sao Lũng Cú lại hấp dẫn và hút hồn, làm nín thở những người du ngoạn đến đây nhìn đâu cũng thấy toàn là đá. Núi đá! Bởi vì núi, vì núi chất ngất lưng trời cả thảy! Ba phần tư đất này là đá. Cây ngô từ hốc đá mà lên, cây đậu, cây rau nẩy mầm đơm hoa trên vách đá. Đến cái giường nằm, cái bếp lò của người Mông cũng được kê vào đá. Tường đá bao quanh nhà, cả chuồng bò, chuồng ngựa … tất cả đều xếp bằng đá. Người H’mông rất giỏi xếp đá. Họ xếp đá để giữ đất kia mà!

        Lên Đồng Văn nếu gặp mùa xuân sẽ được thưởng thức hoa mận nở trắng rừng Lũng Cú, chen lẫn những hạt tuyết còn sót lại long lanh dưới ánh nắng mặt trời. Dưới thung lũng Lô Lô hoa đào rực lên một màu hồng hy vọng, thấp thoáng những dải Sa Mộc bạt ngàn như hàng ngàn chiếc đũa vươn lên bất chấp tuyết sương và gió lạnh.

                      Tượng Bà               (Nguồn: Internet)            Tượng Ông

        Lên Đồng Văn nếu gặp mùa hè bạn sẽ thấy những trái lê, táo, mận, đào, quả to và thơm. Chợ phiên Lũng Cú thuộc loại chợ lớn nhất vùng này, người Mông, Dao, Lô Lô đi chợ từ khi trời chưa sáng cho kịp phiên. Con trai mang theo khèn con gái cõng tẩu quẩy (như gùi ở Tây nguyên), cắp ô họ rảo bước cho kịp chợ. Nhộn nhịp nhất là hàng bán váy áo, chỉ thêu như đã thấy trên  VTV 3 trong tiết mục Văn hoá các dân tộc vùng cao. Đám con trai tụ tập thành nhóm thổi khèn lá, khèn bè, đàn môi mời gọi bạn tình, rượu ngô trong vắt rót tràn bát – như tôi đã theo chân một người đi chợ – bên những nồi thắng cố. Chiều về, khi bóng núi đổ dài cũng là thời điểm tan chợ. Lục lạc, tiếng chân ngựa, tiếng cười nói xa dần, thoảng đưa trong gió là tiếng sáo Mèo dìu dặt. Hãy theo chân anh Tuổi trẻ Chủ nhật:

        Lũng Cú còn lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc, đặc biệt là của dân tộc Mông và Lô Lô. Người Mông rất quý khách, vào nhà người Mông bạn sẽ là khách quý, là anh em, dù bạn đến cao nguyên đá lần đầu. Bát rượu ngô nồng say sẽ làm ấm lòng bạn. Người Lô Lô đã có mặt tại Lũng Cú từ rất sớm, họ khai phá nương rẫy, làm nhà và sản xuất để tồn tại, họ có công khai hoang và trụ lại trên cao nguyên toàn đá và đá này. Bộ trống cổ Lô Lô là một bảo vật của họ, những ngày lễ hội, điệu trống của người Lô Lô âm vang một vùng núi cao nguyên. Từ đồn biên phòng Lũng Cú đến cột cờ dài 12 km, uốn khúc quanh co qua nhiều triền núi hùng vỹ, bao la. Thung lũng Lô Lô phong quang và bảng lảng hiện ra trong sương khói khi bạn đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú nhìn xuống phía nam, bên phải của bạn, còn bên trái thung lũng được kéo dài ra, trông ngút ngàn trời và đất, dọc theo chân núi xanh rờn một màu xanh của lúa, của ngô. Chưa ai lên đến Lũng Cú mà không ngạc nhiên vẻ đẹp của Đồng Văn, Quản Bạ. Đến tháng ba, những cây đào ở bản Lô Lô vạm vỡ, gốc sù sì, quả sai nặng trĩu. Thấp thoáng các cô gái Mông, Lô Lô đang gieo trồng chăm bón những vạt ngô trên hốc đá. Từ tháng ba đến tháng 6 nhìn đâu cũng thấy một màu ngô xanh đến lịm người, ấy thế vẫn không  tài nào che phủ được hết những miếng đá tai bèo, chúng vẫn cứ lồ lộ một màu đem xám.

        Càng lên cao, không khí càng mát dần. Đứng trên độ cao mà núi non hùng vỹ dựng đứng như những bức tường thành bạn sẽ nhanh chóng bị choáng ngợp, cảm giác cứ lâng lâng trong người làm ao ấy. Đứng bên vực thẳm nhưng không dám nhìn lâu xuống vực, sẽ mất thở nếu bạn không nhanh đưa mắt ngước nhìn lên một sườn núi phía xa để lấy lại thăng bằng. Đứng ngay cột cờ Lũng Cú nhìn xuống con đường chỉ như một dải lụa mỏng vắt ngang qua sườn núi, ngọn đồi. Thấp thoáng phía xa xa là thác nước len lỏi sau những vách đá, nếp mình trong sương vài chiếc nhà sàn ẩn hiện sau những bức tường xếp bằng đá. Từ rất xa đã nhìn thấy lá cờ đỏ in trên nền trời xanh bềnh bồng mây trắng, chúng tôi háo hức muốn đến ngay cột cờ trên đỉnh núi Rồng. Lũng Cú tiếng Mông là lũng ngô, nhưng núi Rồng lại là địa danh có thật. Trên chóp đỉnh núi Rồng bao năm rồi đêm ngày phần phật tung bay lá cờ đỏ sao vàng, một biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước. Từ chân núi Rồng, chúng tôi vịn đá, vịn cây chân bước trên những bậc thang băng qua những lùm hoa kim ngân để lên đến cột cờ. Xong 282 bực nghe lòng thoả mái và trước mặt trời đất mở toang ra lộng gió từ thung lũng Lô Lô thổi lên rười rượi. Thân cột cờ bằng bê tông 6 mặt, cao 17 mét sừng sửng trên đỉnh núi Rồng. Từ độ cao này nhìn xuống những bản làng xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen. Lũng Cú, chóp nón khổng lồ, mảnh đất địa đầu Tổ quốc luôn ở trong lòng chúng ta, gần gũi và thiêng liêng biết mấy tự hào./.

Chợ Đồng Văn (St)

 

* Ảnh đại diện: Clip Gái Bản.