DẶN LÒNG AI DỖ ĐỪNG XIÊU
Pháp đưa một hạm đội gồm 14 chiến thuyền đến Đà Nẵng, rồi ngày 1/9/1858, quân Pháp nổ súng tấn công với sự trợ lực của một đơn vị bộ binh do Đại tá Tây Ban Nha Lanzarote chỉ huy. Tiếng súng xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly nổ ra ở cử biển Đà Nẵng đến nay đã 145 năm. Cuộc viễn chinh xâm lược, chọn Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên, thực dân Pháp nghĩ rằng, Đà Nẵng là yết hầu của Việt Nam, triều đình Huế sẽ nhượng bộ sau khi Đà Nẵng thất thủ. Chiếm xong Đà Nẵng, quyền định đoạt sẽ hoàn toàn giao phó cho vị Đô đốc tư lệnh Hải quân Rigault de Genouilly này có toàn quyền thiết lập mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi súng Pháp nổ ra ở cử biển vọng vào đất liền đì đùng, người Đà Nẵng đã phát hiện và nhắc nhỡ nhau cảnh giác, đấu tranh sống mái với giặc. Nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng bình tĩnh, lạc quan chờ giặc đến, nên bữa sau đã có lời nhắn nhủ:
Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây đã tới Vũng Thùng hôm qua.
Trước sức kháng cự kiên trung của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng, 19 tháng tấn công trầy trật không có kết quả, Rigault de Genouilly không làm sao yên ổn. Bở Đà Nẵng có thừa dũng sỹ, những người nông dân đánh giặc cùng với quân đội triều đình đắp nên thành Điện Hải, chiến lũy Liên Trì ngăn cản. Rigault De Genouilly thấy không thể đánh Đà Nẵng làm căn cứ và thực hiện mục tiêu đã định được, y đã báo cáo về Paris:” Chính phủ đã bị lừa dối về bản chất của cuộc viễn chinh này; người ta đã thông báo cho chính phủ những tài nguyên hảo huyền; người ta đã dự đoán những khuynh hướng của dân chúng hoàn toàn trái ngược với thực tế; người ta báo cáo rằng uy quyền giới quan lại đã suy yếu, thì uy quyền ấy vẫn mạnh và sâu rộng; người ta báo cáo rằng quân đội và binh sỹ vắng mặt thì quân đội chính quy lại đông đảo và dân quân gồm tất cả những trai tráng khỏe mạnh.”
Sau nhiều tháng không thắng được, Rigault de Genouilly đã nhụt chí, thất bại, rút quân. Từ ngày 22/3/1860, nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng góp phần lớn trong cuộc kháng chiến bền bỉ chống Pháp, ghi nên trang sử hào hùng chói lọi vào lịch sử dân tộc.
Thế rồi từ ngày “Tây lại cửa Hàn” đến nay, nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng hãy còn nhớ, ngoài việc góp phần vào trang sử vẻ vang cho dân tộc còn có một phần nằm trong văn học dân gian, ở đấy có không khí chung của nhân dân Đà Nẵng những ngày đầu đánh Pháp thể hiện qua những làn điệu dân ca, những câu ca dao, hò, vè thâm trầm sâu lắng trên cái nền không gian sự kiện lịch sử đó. Loại hình văn học này không xuất xứ từ những nhà khoa bảng, những người am hiểu Hán-Nôm mà xuất phát từ những người dân bình thường dung dị, chân chất. Họ cho ra đời gắn liền với thực tiễn đấu tranh chống Pháp, diễn xướng, cách điệu ngay trong môi trường sống hằng ngày của mình; do đó mà có thể không diêu luyện, không đặc sắc như văn học viết. Nhưng nhờ đó ta biết được ngày ấy dân ta kháng chiến chống quân Pháp thế nào:
Từ ngày Tây đánh nước ta
Mồng ba tảng rạng buổi mai
Nghe còi báo động, con dân ra nhìn.
Nhân dân bảo tồn được những câu ca như vậy là do thông qua trí nhớ của tập thể, có thể kể bằng miệng, diễn xướng qua lời ca và trải qua nhiều thời kỳ do thế mà biến dạng thành nhiều dị bản, xuất xứ nhiều nơi nên khó có thể biết chắc, trừ khi xuất hiện trong lời ca, chuyện kể tên người, tên đất, tên làng cụ thể.
Cuộc sống không dừng lại mà đang trong quá trình phát triển, biến đổi cùng với kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta ngạc nhiên khi lần đầu tiên nhìn thấy bọn mắt xanh mũi lõ là thế nào. Chính thế, phương pháp sáng tác của quần chúng cũng biến đổi theo cho phù hợp với hiện thực khách quan đang tác động mạnh. Đấy là hiện thực đánh Pháp. Vì những đặc điểm trên mà câu hát, lời ca của người Quảng thời kỳ đầu chống Pháp có biến hóa cho phù hợp. Dễ nhân thấy là những hoạt động văn hóa ở làng với kháng chiến giữ đất, giữ làng. Vần có khi không thể hiện:
Thằng Tây ỷ thế làm ngang
Bắt đó dọn thẳng một đằng rẫy tranh
Tưởng là hắn dọn đi đâu
Ai hay hắn dọn, hắn mưu lập vườn.
Ở chỗ cuộc sống yên ả, nồng ấm của làng quê Quảng Nam – Đà Nẵng vốn đã tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ, ở đấy có sự kết chặt tình làng, nghĩa xóm, tình cha mẹ, anh em, vợ chồng bền vững và luôn luôn gắn với cuộc sống chung đa dạng và phong phú của cộng đồng. Chính thế, nên khi có sự cố ” súng nổ cái đùng” ngoài Vũng Thùng thì lập tức mức độ yên ả thanh bình, một chừng mức nào đó có xáo trộn:
–Cảm thương thay cha yếu mẹ già
Trâu bò nhà cửa cực thời lắm thay
-Kẻ thì lên ngõ Túy Loan
Cha con, chồng vợ ngồi đàng chắc chiu
-Đất Hàn về thẳng nhà quê
Bà già con nít ủ ê trong lòng.
Người dân có lắng nghe, có nhắc nhỡ, có đùm bọc theo cách “lá lành đùm lá rách” và họ bắt đầu bước vào giai đoạn giữ đất, giữ làng. Bởi vì chừng nào còn giữ được đất, giữ được làng thì chừng đó cuộc sống vật chất và sinh hoạt tinh thần ở làng còn giữ được.
– Hội ni ngó bộ không xong
Rủ nhau đánh trận mù u giữ làng
-Ở nhà trong ruột bồi hồi
Tai nghe súng nổ, đứng ngồi không an.
Tìm lại không khí ngày ấy mới thấy người dân xứ Quảng ra sức đòng tâm hiệp lực bảo vệ làng nước, họ giữ cuộc sống sao cho hài hòa giữa thiên nhiên-con người và mối quan hệ bền chặt giữa người với người. Họ muốn có sự bình yên, đấy là sợi dây kết gắn con người lại với nhau, quan tâm đến nhau, lo lắng vì nhau trong quá trình chiến đấu:
Thằng Tây ỷ thế làm càn
Bắt đó dọn thẳng một đàng Hố Tre
Anh em cứ việc bay giành
Tây đen (có) đào lỗ (thì) dây xanh[1]
(bay) trói liền.
Thái độ của nhân dân là dứt khoát, mãnh liệt trong cách chống trả của mình, thô sơ nhưng cương quyết gây nguy hiểm cho kẻ thù. Hành động của những người nông dân đánh giặc Pháp, ngôn ngữ động viên, kêu gọi không đặc sắc, không mượt mà nhưng chắc như đinh đóng cột và dễ hiểu dễ thực hiện.
Đất nước có chiến tranh, có kẻ thù, từng người dân lên đường cứu nước, người Đà Nẵng đâu đã ngồi yên. Họ đi chiến đấu với khí thế chung của dân tộc. Ở vào hoàn cảnh “Cửa nhà tan nát, giàu nghèo cũng ra tro” mới thấy khí thế dân mình:
Cuộc phản công ta sáp đến ngày
Khuyên anh em binh sỹ phải dày mưu cơ
Ra tay đánh địch trả cừu.
Mặc dầu đang ra tay đánh địch trả cừu, nhân dân Đà Nẵng không quên lao động sản xuất, họ không bỏ bê công việc ruộng đồng:
Lúa ba trăng trổ trước
Mận chùm trổ sau…
Sản xuất nông nghiệp vào thời ấy gắn liền với cuộc sống và chiến đấu, dân ta còn phải ra công cải tạo thiên nhiên để giữ vững cuộc sống gia đình, làng xóm được êm ấm, mong sao ít có sự xáo trộn. Dưới bàn tay lao động của mình, niềm vui chung lại có:
Bàng lâng ai nấy được khoai chật nhà
Gánh về xúm xít xắc ra
Chó ăn không hết, gà tha không rầy[2]
Trên sông dưới nước đã đầy
Năm nào thì đói, chớ năm này thì no.
Căm thù giặc sâu sắc, từ cái ngày Pháp võ trang xâm lược nước ta, súng đã nổ ở Vũng Thùng, nhân dân không ngừng đấu tranh chống lại chúng . Lớp trước ngã, lớp sau tiến, quyết tâm giành độc lập tự do cho quê hương , xứ sở, người Quảng không nản lòng. Chính đó thái độ của nhân dân cũng dứt khoát , họ căm ghét những người đã đan tâm theo giặc:
Tai nghe súng nổ cửa Hàn
Giận Tây, không giận bằng giận chàng lưu cơ.
Có thể nói rằng trong đấu tranh chống kẻ thù, trong lao động sản xuất, trong đấu tranh cải tạo thiên nhiên, ngày ấy tinh thần lạc quan tin tưởng ở ngày mai thắng lợi vẫn là tư tưởng chủ yếu của người dân xứ Quảng. Cũng vì vậy mà trên những đường cày, nương ngô, thửa mạ giọng hát hò cứ vang lên, vang mãi. Cứ nhắm vào những làn diệu dân ca hò, vè còn để lại, ta có thể nghĩ rằng ngày ấy ở đâu cũng gặp dân mình hát với nhau, hát bằng nhân nghĩa, bằng đối đáp, bằng hò khoan thật thà mà sâu lắng. Vẫn cứ ca từ mộc mạc, có khi trùng lắp nhưng đã thể hiện được lòng mình. Ví von, so sánh là hình thức thường dùng, mượn cảnh để tỏ bày ý tứ là phương thức sáng tác tiếp cận nhanh nhất mà dân ta thường thể hiện. Các nghệ nhân dân gian cũng bắt nhịp nhanh với quá trình tổ chức cuộc kháng chiến, thể hiện tư tưởng quyết tâm giữ nước:
Nhìn dân tộc lòng đau như cắt
Ngẫm non sông nước mắt tuôn rơi
Ớ anh em ơi, ra đi làm ri thân hiến cho đời.
Xem thế, không dễ gì Rigault De Genouilly có thể đánh Đà Nẵng và thắng được. Trang sử vẻ vang của Đà Nẵng những ngày đánh Pháp đầu tiên sẽ còn được nhớ mãi trong lòng người Quảng. Ít ai khi ghé qua Đà Nẵng có thể nghĩ rằng nơi đây trước kia có thành Điện Hải, có chiến lũy Liên Trì, có cái tên gọi là Nghĩa trũng cho các chiến đấu nhưng không may đã hy sinh.
Dù thế nào cũng không thể quên đi tất cả những vần điệu mà trong chiến đấu dân ta cách điệu cho dễ nhớ, dễ nghe thông qua hình thức là những câu ca, hò vè. Bởi đó cũng thể hiện tinh thần văn hóa người Quảng, lạc quan trong chiến đấu, trong xây dựng, trong quan hệ con người, trong tình làng nghiã xóm, hơn thế còn thể hiện cả tính cộng đồng trong những ngày trọng đại của lịch sử dân tộc. Chính vì tinh thần chiến đấu ngoan cường vào những ngày đầu chống Pháp mà thực dân Pháp ngao ngán thở dài:” Đất đai chúng tôi chiếm được thì dân chúng đều bỏ đi cả, trừ vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà…Nhân dân tuy sống trong tình trạng bị đe dọa nhưng lúc nào cũng phấn khởi chờ ngày đánh đuổi chúng ta.”[3]
Thế đấy, nhân dân xứ Quảng tiêu thổ kháng chiến, thực hiện đồng không nhà trống để đánh giặc, làm tiêu hao sinh lực địch trong một không gian lịch sử cụ thể như thế đấy.
Cũng phải nói rằng ở bài viết này, trong một chừng mực nhất định việc tìm lại những câu ca ra đời trong 19 tháng kháng chiến chống Pháp xâm lược của người Quảng ở Đà Nẵng là khó. Chúng tôi làm một việc như trên, mong ở đó sẽ nói thêm cụ thể về tinh thần kháng chiến, góp thêm một sắc mà, hy vọng làm đa dạng, phong phú một giai đoạn văn học dân gian chống Pháp, những mong người Quảng Nam – Đà Nẵng dù trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ:
…Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu… (1998)
Xem video “Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017” (Facebook Plycam 4K)
______________________________
[1] Dây xanh: một loại dây leo như dây chìu, rất dẻo dùng để cột, bó, thắt… củi, tre, bổi, ..rất tiện dụng.
[2] Có ý rằng gà mổ tha đi ăn cũng không xô duổi vì được mùa khoai nên không tiếc.
[3] An dre Baudrit. Correspondance de Savin de Larelause. Trang 53.