CÒN CHĂNG PHONG LỆ MỤC ĐỒNG ?
Lịch sử vùng đất Quảng đến nay đã trên 500 năm, người Quảng là cư dân từ Thanh Nghệ Tĩnh vào khai cơ lập nghiệp, trong đó nông nghiệp vẫn là nền sản xuất chính, chủ yếu của nhân dân. Do đó người Quảng đã gắn bó với ruộng đồng, nông tang cày cấy là yếu tố quyết định tồn tại của người dân xứ Quảng. Trong quá trình phát triển làng xã của mình có hệ thống, quy củ, người xứ Quảng đã tỏ rõ bản lĩnh riêng của mình phản ánh trong phong tục, tập quán mới được hình thành từ khi đặt bước chân đầu tiên lên vùng đất mới. Chính những phong tục mới là đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của dân tộc, góp phần làm nên cái chung phong phú đậm màu sắc dân tộc.
Chính thế, ngày nay khi ngang qua vùng đất Quảng, đến làng Phong Lệ thuộc xã Hòa Châu, nếu lắng nghe quá khứ thì quá khứ vẫn còn vọng đến hôm nay âm hưởng thiết tha và có lẽ cả những ngày sau nữa. “Nhất Phong Lệ mục đồng nhì Giáng Đông đấu vật” là một tập tục lâu đời tồn tại trong nhân dân ở đây và đã trở thành niềm tự hào của họ, một niềm tự hào chính đáng.
- Thường cứ ba năm làng Phong Lệ tổ chức hát Mục đồng một lần, những năm không hát mục đồng thì rước Thần nông. Lễ rước Thần nông bắt đầu tiến hành từ mộ thần về đình thờ Thần nông. Tương truyền rằng ngày xưa có một cụ già tóc bạc, râu dài như tiên, không biết cụ già từ đâu đến ở tại làng. Cụ đặc biệt gần gũi và yêu mến trẻ em chăn trâu và cụ cũng thường được trẻ em chăn trâu săn sóc nâng niu kính trọng như người thân thích. Lại nữa, kính trọng cụ vì cụ nói những điều linh nghiệm.
Về sau ông cụ chết tại một gò đất mà sau đó trẻ em chăn trâu gọi là cồn thần. Trẻ chăn trâu mai táng cụ, đắp cho cụ một nấm mộ. Mặc dầu cụ mất nhưng hằng ngày trẻ em chăn trâu thường đến gò chăm sóc mộ cụ, tỏ lòng thương tiếc cụ. Trẻ em chăn trâu nào có trâu đi lạc đến mộ nhờ cụ, khấn vái cụ vài lần, sau đó trâu sẽ trở về, khỏi phải đi tìm. Từ đó trở đi, trẻ em chăn trâu tin vào những linh nghiệm của cụ, tiếng đồn gần xa lan truyền đến người lớn – nhân dân – và sau đấy là mở hội rước Thần nông về làng Phong Lệ[1].
Theo năm tháng, gò có mộ Thần nông trẻ em chăn trâu gọi là Cồn Thần[2], địa danh nầy hiện còn ở Xóm Đồng (Phong Nam, Hòa Châu, Hòa Vang). Quá trình xuất hiện Thần Nông còn được kể rằng, ngày xưa có vị Thần Nông giáng xuống gò, tay cầm cờ, thường hay dạo chơi thân mật với trẻ em chăn trâu khắp đồng. Dân làng truyền nhau gò rất thiêng, ai qua đấy nếu quở, về nhà sinh bệnh mà chết, phải có lễ khấn vái mới qua khỏi. Người nào ngồi lên mộ thần là bị dính vào mộ không sao có thể gỡ được, cũng phải làm lễ xin mới được tha. Có người còn cho rằng hiện tượng trên chỉ xảy ra với người làng khác đến, còn với người làng Phong Lệ thì không, đặc biệt trẻ em chăn trâu thì không xảy ra việc gì. Vì những lý do trên nên gò Thần Nông đến nay vẫn quang đãng và trở thành nơi tụ tập chơi đùa của trẻ chăn trâu, đồng thời cũng là nơi dùng để rước lễ Thần Nông.
Việc rước lễ Thần Nông chủ yếu do trẻ em chăn trâu chủ sự, có sự giúp sức của các tộc trưởng trong làng.
Hằng năm vào ngày 1 âm lịch, tiết tháng 4, 5 là rước lễ. Để chuẩn bị cho ngày nầy, làng Phong Lệ giao nhiệm vụ cho những trưởng tộc trong làng hoặc những người cày ruộng quân cấp làm kiệu, cờ, hoặc vận động những gia đình khá giả ủng hộ cơm, nếp, gà, vịt…Trẻ em chăn trâu tổ chức thành nhóm lo mọi công việc từ rước lễ, ăn uống, dọn dẹp…rất có quy củ, trật tự.
Cờ kiệu làm xong mang đến mộ Thần Nông rước thần về đình thờ. Trẻ em chăn trâu trong những ngày nầy được coi trọng, người lớn tuổi cũng phải phục vụ hết mình, xem như là nhiệm vụ phải thực hiện.
Tam niên nhứt lệ, cứ ba năm làng Phong Lệ tổ chức rước một lần vào các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Chủ yếu của lễ là rước kiệu Thần Nông chung quanh cánh đồng của làng Phong Lệ. Sau lễ rước có kèm theo hát giáo tuồng (hát bội) nên thường gọi là Hát Mục đồng.
2 Đầu tiên là rước cờ dạo quanh đồng, lễ rước có hai hàng cờ, mỗi hàng 12 cây kèm theo cờ của làng và lồng đèn. Việc làm cờ, làm kiệu được phân chia cụ thể cho các hộ dân Phong Lệ. Họ nào cũng phải góp công sức vào ngày hội của làng, qua các công đoạn làm cờ, kiệu cũng có phong trào thi đua tốt, xấu, vì thế nên tộc họ nào cũng cố gắng làm đẹp sao cho nổi trội hơn hết.
Cờ mục đồng màu đỏ có tua vàng, cán dài 4 mét, đỉnh cán vạt thành lưỡi giáo nhọn. Trang trí từ trên xuống gồm nhiều tầng: trái gàng, hoa bằng tre vót thành tua nhỏ. Bộ tứ linh long lân quy phụng làm bằng vải hoặc bằng giấy màu rực rỡ, có móc những mảnh giấy bạc lấp lánh. Một con rồng uốn thân ngậm vào đầu lá cờ, người xem trông vào lá cờ đã thấy công phu, chứng tỏ có sự chuẩn bị cả tháng rất chu đáo. Về lồng đèn thường là lồng đèn kéo quân có chức năng soi sáng về đêm và tạo cho cảnh trí thêm đẹp, lộng lẫy.
Trong quá trình rước thần, cờ Mục đồng đi sau kiệu Thần Nông, kèm trước và sau là hai hàng lồng đèn và hai hàng giáo mác. Những người khiêng kiệu, cầm cờ, cầm giáo đầu đội nón dấu (nón gõ), lưng thắt một dải lụa điều. Đi đầu là một trùm bành (còn gọi là trùm mục), tay cầm phèng la (sênh) đánh hiệu lệnh. Thường trùm đánh một hồi dài và lại ba tiếng lẻ, rồi cứ thế ba tiếng lẻ đánh dồn dập. Giúp việc có trùm chỉ, trùm phụ lo việc sắp hàng nhắc nhở nhau khi rước Mục đồng. Theo sau kiệu là đàn trẻ en chăn trâu, mặt mày lúc nào cũng tươi vui tở mở, đây là lực lượng được coi trọng nhất trong lễ hội.
Đi đầu Trùm bành xướng:
–Hô chúng mục đồng Phong Lệ ta, rước vua Thần Nông về làng Phong Lệ ta [3].
Cả đoàn trẻ em chăn trâu và cả những người đi xem hội rước kiệu đều đồng thanh hô:
–Giả hạ! Giả hạ!
Trùm bành lại hô tiếp:
–Xin cho tốt lúa, tốt giao, vũ thuận phong điều, mừng thêm tiếng nữa !
Cả đoàn người đi theo đám rước trên cánh đồng Phong Lệ đồng thanh hô theo:
–Giả hạ ! Giả hạ !
Trùm bành lại xướng tiếp:
–Tiếng của mừng reo !
Cả cánh đồng lại hô đế theo trầm hùng như một dàn hợp xướng, âm thanh dội lên liên tục một hồi lâu:
–Giả hạ…ạ…ạ! Giả hạ…ạ…ạ!
Tiếng hô kéo dài lan tỏa sang các làng lân cận. Đoàn rước vừa đi, hai hàng cờ nhào lộn trên cánh đồng khô quang đãng, cờ tung bay trong gió nhộn nhịp, thanh bình, nghiêng qua đảo lại, nhịp nhàng. Hai hàng giáo mác nghiêng bên nầy, đỡ bên kia cổ vũ mãi không thôi.
Đi kèm đám rước có đội chinh cổ nhạc và phường bát âm hòa lên vang động khắp đồng, len vào tận lũy tre làng náo nức. Tất cả âm thanh trong lễ hội làm nức lòng già trẻ, gái trai không chỉ làng Phong Lệ, mà còn lan tỏa kích thích những làng bộ chung quanh cũng bôn ba về dự xem lễ rước Thần Nông. Lễ rước đi khắp nơi, dạo trên đường làng, đường cái quan. Lễ rước Mục đồng năm 1936 vui nhộn đến mức tàu lửa cũng dừng lại để xem. Có lần vợ viên Bố chánh tỉnh Quảng Nam đi võng ngang qua cánh đồng đang giờ rước lễ, trẻ em chăn trâu ra lệnh xuống võng, người nầy không y lệnh, liền bị trùm phụ quất bừa, trẻ chăn trâu vây lấy võng, y phải bỏ võng tháo chạy thoát thân.
Sau mỗi đêm rước Thần Nông, cờ được đem về cắm hai hàng ở đình Thần Nông. Đèn được thắp sáng suốt đêm. Đội giáo tuồng khẩn trương chuẩn bị cho công việc hát trong những ngày sắp tới. Bên ngoài khuôn viên đình Thần Nông người đông tấp nập, hàng quán được dựng lên bán nhiều món ăn nhà quê, dân dã. Các trò chơi giải trí hoặc lấy hên xui qua các loại bài: tào cáo, xóc dĩa… diễn ra tấp nập.
Ba ngày rước Thần Nông người đông như hội, có người từ trên nguồn xuống, từ trong ra, biển lên, ngoài vào tụ lại tại làng Phong Lệ để coi rước lễ.
Đêm thứ ba mới là đêm chính thức rước Thần Nông. Giờ Tý xuất hành từ đình Thần Nông, đi giữa là kiệu, hai hàng cờ hai bên, đến chiêng, trống, nhạc. Đoàn người đến mộ Thần Nông (Cồn Thần) khoảng giờ Mẹo. Trùm bành (thường là Lý trưởng) đứng ra thay mặt đám rước và tinh thần người làng Phong Lệ gieo âm tín bằng hai đồng tiền để biết rằng thần đã giáng hay chưa. Khi cảm nhận rằng thần đã giáng rồi, một hồi phèng la nổi lên, Trùm phụ, Trùm chỉ lo việc sắp lại hàng ngũ cho được chỉnh tề, trang nghiêm. Trống lệnh (cổ) cất lên, kế là ba hồi chiêng trống và phường nhạc cổ bát âm tấu lên, thường là bát âm với điệu Kim tiền phấn khởi, mừng vui, rồi nhạc chuyển dần sang điệu Lưu thủy trang nghiêm.
Trống Hội (VVH)
Hiệu lệnh ba tiếng phèng la gõ lên là báo hiệu sẵn sàng. Vị Trùm bành xướng lớn:
–Rước vua Thần Nông về đồng Phong Lệ ta !
Cả đoàn người hô theo
–Giả hạ !…
Trùm bành xướng tiếp:
–Hô chúng Mục đồng Phong Lệ ta ! Xin cho tốt lúa tốt gieo, vũ thuận phong điều, mừng reo một tiếng !
Đoàn Mục đồng hợp xướng reo to:
-Giả hạ…ạ….ạ…! Giả hạ…ạ…ạ…!
Tiếng reo lại tiếp tục vang xa âm hưởng trầm hùng phấn chấn hàng ngàn người dự hội. Đoàn người từ mộ Thần Nông di chuyển về đình thờ Thần Nông, đoàn Mục đồng nối theo nhau diễn qua đồng làng tiến dần về hướng đình. Tiếng phèng la, tiếng trống cái, trống lịnh, trống con cùng hòa với đội nhạc cổ bát âm tạo nên một không gian lễ hội hoành tráng.
Tiếng “xập xã” đều đều gây nên ấn tượng nhịp nhàng sắc nhọn. Suốt cả đêm, đoàn rước thần đi suốt cánh đồng Phong Lệ, không có một đám ruộng nào mà đám rước thần không đặt chân đến. Kiệu thần đi vào thửa ruộng nào, chủ nhân của ruộng cho là có hên lắm, thần sẽ giúp để có một mùa bội thu. Do đi khắp đồng nên đoàn rước thần về đến đình là sắp bước sang đầu giờ dần (tờ mờ sáng hôm sau). Ngay tại sân đình cử hành lễ an vị. An vị xong là lễ vọng. Đang khi lễ vọng tiến hành thì vị Hội chủ tắm cho trâu bò hoặc heo làm vật hy sinh,[4] chuẩn bị giết để tế thần cầu xin cho năm đến làng Phong Lệ được mùa, no đủ, vũ thuận phong điều. Trong lễ tế thần, văn tế có đoạn viết:” Khắc xương khuyết hậu, hữu khai tất tiên, thiệt vi dân thiên minh triêu vu dĩ tọa cả…Điền vô bách bá, hân hách cốc chi dụng thành, hỷ kim canh tác phàm manh.”.
Sau lễ rước Thần Nông về làng Phong Lệ, dân làng như được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng hẳn lên vì có vua Thần Nông giúp đỡ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng no đủ. Theo sau lễ rước thần là mùa lúa đến, nhân dân làm lễ “hạ điền”, sau một tháng gieo cấy xong lại có lễ “hạ điền”, đấy là thời kỳ nông nhàn của nông dân. Sau vụ gặt mùa chính, nhân dân Phong Lệ nói riêng và Hòa Vang nói chung có lệ cúng “cơm mới”, “xôi mới” dâng lên tổ tiên ông bà.
Xứ Quảng Nam là vùng nông nghiệp, nên sinh hoạt liên quan đến nghề nông được xem trọng, lễ rước Mục đồng ở làng Phong Lệ ngày trước là một trong những hình thức coi trọng nghề nông. Thông qua lễ rước Thần Nông, giá trị người nông dân được nâng cao cùng với giá trị lao động và sản phẩm của họ làm ra. Hệ tư tưởng phong kiến thường xem khinh những người lao động nặng nhọc, trong đó lao động chân lấm tay bùn không loại trừ, mà hạng thấp nhất trong giới chân lấm tay bùn nầy là giới chăn trâu. Vì thế có bao giờ giới chăn trâu được ngồi tại đình làng trong những ngày lễ hội, vậy mà đến Phong Lệ trong những ngày rước lễ Thần Nông, mới thấy trẻ em chăn trâu được xem trọng, được phục vụ, có quyền phát huy quyền làm chủ của giới mình trong việc điều hành công việc. Điều nầy nói lên vị trí của người nông dân lam lũ và trẻ em chăn trâu trong ước mơ cởi bỏ giai cấp trong xã hội phong kiến đương thời.
3 Sau lễ rước Thần Nông lại có hát giáo tuồng, ở làng Phong Lệ trong quy trình nầy gọi chung là Hát mục đồng. Hát làm tăng thêm tinh thần cho ngày hội ở làng Phong Lệ, góp phần hình thành một phong tục mới mang sắc thái địa phương vùng đất Quảng. Đây là một tập tục lâu đời còn ghi dấu ấn lại đến nay.
Yêu cầu để có hát bội thường nhắm vào các chủ điểm:
-Làm đình, chùa xong không xảy ra sự cố gì thì hát mừng. Hoặc,
-Khẩn cầu việc gì đấy cho làng về sau có kết quả thường tổ chức hát để “tạ”, cũng được xem là hình thức trả lễ cho lực lượng siêu nhiên.
-Cũng có khi đến lệ thì hát, cứ vài ba năm tổ chức một lần, cứ vậy theo lệ lặp đi lặp lại trong nhân dân. Ở làng Phong Lệ hát bội sau rước Mục đồng đã trở thành lệ cứ ba năm tổ chức một lần và những năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu.
Ngày xưa buổi hát không đơn giản và phổ biến như bây giờ, không phải cứ ai khá giả muốn tổ chức cuộc vui là thuê gánh hát về hát tại đình hoặc ngay tại sân nhà mình được. Phải theo lệ làng quy định, trước khi hát có họp hương lý cùng nhân dân trong làng đồng ý xong mới có thể thuê gánh hát về làng (trừ khi hát theo lệ). Kế đến là phân công chịu trách nhiệm từng mặt cả việc chi phí cho hát bội, bầu bồi bái (tức ông cầm chầu). Người cầm chầu phải có đạo đức tốt, phải con cháu nhà tộc lớn, họ to mới đủ điều kiện và uy tín làm người cầm chầu. Sau đấy mới mời gánh hát về tựu rạp, chọn tuồng để diễn. Việc chọn tuồng là hết sức quan trọng vì nếu không phù hợp với nguyện vọng của làng thường bị dân làng phản ứng, không ủng hộ. Do vậy, chọn tuồng để diễn là một trong những khâu quan trọng bậc nhất của Hát mục đồng ở làng Phong Lệ.
Đúng giờ đã chọn, gánh hát tựu rạp.
Rạp được làm trước sân đình bằng tre gốc, gốc tre trở ngược lên trên còn ngọn thì chôn xuống đất[5]. Công đoạn treo phông, màn được gọi là trướng thành, cùng với trướng thành là đặt bàn tổ hát bội. Bàn tổ được phủ khăn điều để một bên rạp hát.
Mọi việc chuẩn bị xong đâu đấy, kế là lễ cúng tổ sư ngành hát bội và cúng âm hồn, xứ đất. Trước bàn hương án người ta đặt một cái trống lớn, phủ khăn đỏ trên mặt trống. Trống được đặt trên một cái giá ba chân, còn dùi đánh trống được trịnh trọng hơn, đặt trên bàn án của đình.
Bắt đầu là lễ “xây chầu”, vị hương lý và mọi người dự lễ hội mặc quần trắng, áo dài đen, đầu đội khăn nhiễu đượng đứng thành hai hàng quay mặt vào bàn án thực. Theo lời xướng, chiêng trống gióng lên ba hồi liên tục rồi cứ thế mà đánh. Đội nhạc cổ bát âm hòa lên bài Tam luân cửu chuyển.
Ông bồi bái (chủ sự), mặc áo rộng, đầu đội mão chân đi hia tiến vào đình đến trước bàn án, trịnh trọng hai tay nâng dùi trống nằm ngang trong lòng bàn tay, nhẹ nhàng đi ra sân khấu đến trước bàn án vái ba vái rồi theo hướng đã quy định có đặt chiếc trống chầu và đứng trước trống 3 mét. Xướng truyền báo cho đội hát chuẩn bị sẵn sàng để hát. Bồi bái cầm dùi trống khoán xuống đất, nơi ông sẽ đứng đánh trống, đoạn bước vào ngay chỗ khoán, kế đến là khóa trên mặt trống,[6] dùng dùi trống khỏ trên mặt trống rất khẽ 7 tiếng,[7] rồi đưa thẳng tay, miệng đọc chú đánh một dùi thật nặng vào mặt trống đang còn phủ chiếc khăn điều. Vừa đánh trống, vừa dùng tay nắm lấy khăn điều quấn dùi trống, vừa đánh vừa quấn, miệng lâm râm lời chú của bài phú xây chầu. Mỗi tiếng phú đi kèm một tiếng trống. Ba câu phú ứng với ba hồi trống, hồi trống dài hay ngắn là do bài phú xây chầu quyết định.[8]
Trống dứt, ông bồi bái tháo khăn điều quấn tượng tổ ngành hát bội, cùng lúc quay mặt tượng nhìn thẳng vào bàn án đình. Kịp lúc học trò gia lễ xướng Phụng tiến ca viên. Nghe tiếng trống và lời xướng, tất cả đào kép của gánh hát sau sân khấu dạ một tiếng đồng thanh thật lớn, rập ràng hòa theo âm thanh tấu lên của trống, chiêng, phèng la và phường nhạc cổ bát âm. Đội nhạc cổ bát âm chuyền sang điệu Khai trường. Chủ bái đánh ba tiếng trống, rồi sáu tiếng tiếp theo, đấy là hiệu trống Lôi tam lôi lục là tín hiệu báo cho đào kép hóa trang.
Trống dừng lại ở đây, chủ bái vẫn còn đứng trước trống chầu, lúc bấy giờ đội nhạc cổ bát âm chuyển sang điệu nhạc Nghinh. Điệu nhạc Nghinh, một mặt nghinh những thần linh đanh thờ tại đình, mặt khác được hiểu nghinh những đại diện tổng, hạt, xã, làng … đến dự lễ hát.
Tiếng trống Lôi tam, lôi cửu giục lên là dấu hiệu có ý báo hỏi đào kép sau sân khấu đã chuẩn bị xong hay chưa. Nếu đào kép đã chuẩn bị xong thì trả lời lại bằng hiệu trống Lôi tam, lôi lục, nếu chuẩn bị chưa xong thì chưa đánh trống trả lời. Nhạc bát âm chuyển theo các làn điệu hát ca (theo tuồng). Để chuẩn bị hát, có hai kép hát đã hóa trang theo vai bước ra thủ lễ bốn bái trước bàn án thờ tổ ngành hát bội. Xong lễ, bồi bái đánh khen thưởng bằng ba tiếng trống, kèm với một ít tiền.
Bồi bái đến lúc nầy mới được ngồi xuống ghế đã đặt sẵn trước trống chầu.
Tiếp đến là cử hát lễ mở màn cho buổi hát, một kép đại diện cho cả gánh hát bước ra sân khấu và hát:
-Cá phơi vi giỡn nguyệt
Chim xòe cánh hưởng sương
Mừng nay quốc phú dân cường
Phỉ bấy phong điều võ thuận.
Thường, trong một buổi hát bội trước sân khấu có đặt hai trống chầu, bên phải của sân khấu là chầu Cái, bên trái là chầu Lèo. Chầu Cái chỉ chủ bái và các già làng của địa phương có tổ chức hát bội mới được đánh, còn chầu Lèo dành cho thứ dân, quan khách hoặc người từ xã lân cận mộ điệu đến xem thì có thể đánh chầu Lèo. Khi đào kép hát hay, người bốn phương mộ điệu đến xem muốn đánh trống phải liên hệ Ban tổ chức để mua thẻ, một người mua bao nhiêu thẻ cũng được, đoạn dùng thẻ đó thế tiền ném lên sân khấu để được đánh trống, hết thẻ gác ngang dùi trên trống, nhường cho người khác. Đào kép nào nhận được thẻ, giao lại thẻ cho Ban chủ sự để nhận tiền thưởng của người xem.
Trước khi kết thúc một đêm diễn phải có đoạn hát “Định đô”, thường nội dung của đoạn định đô là phải giết cho được nịnh thần hoặc dẹp xong quân giặc ngoài biên tái hoặc dẹp yên hiềm khích bất hòa trong triều chính…và tôn tân vương hoặc đề cao ân đức của nhà vua hoặc của triều đại… Ví dụ một câu hát định đô như sau:
-Biên thùy đà dẹp yên quân giặc
Không còn dấy động can qua
Truyền bá quan an vị
Truyền nội thị đãi yến bá quan
Nay nước nhà đà thạnh trị
lấy đức rải bốn phương
ra ân nhuần trăm họ.
Tất cả đào kép trên sân khấu đồng xướng:
-Van tuế…Vạn…vạn…tuế…!
Màn khép lại, chầu bãi một hồi trống thật dài.
[1] Chính thế mà trong câu hát gọi bò của trẻ em chăn trâu ngày trước ở làng Phong Lệ có nhắc đến Thần Nông:
… Chớ nhảy băng đồng
Thần Nông văn họng…
[2] Cồn Thần có nền đá tự nhiên, mặt nghiêng rộng 3-4 m2.
[3] Về lời hô nầy, chúng tôi có gặp một bản khác hô như sau: “…Rước vua Thần Nông về làng Phong Lệ ta…”
[4] Nếu hạ hai con vật để tế thần, dân làng gọi là con hy con sinh, nếu chỉ hạ một con gọi chung là con hy sinh.
[5] Theo các cụ ở làng Phong Lệ cho biết , gốc tre được đứ lên trên có ý nghiã rằng: đào, kép hát tuồng do phân vai cha có thể đóng vai con và ngược lại. Có khi con đóng vai công chúa, nữ hoàng, mẹ đóng vai nô tỳ, nông dân hạ bộ…Khi hát con gọi mẹ, cha phải bẩm thưa, dạ…Vì thế mà khi làm sân khấu cho rạp hát có tục trở đầu tre nhầm biểu hiện không chấp nê khi sắm vai hát.
[6] Bài khoán trên mặt trống như sau:
Tiên hòa tứ tung
Hậu họa ngũ hoành
(Trước họa bốn dọc
Sau họa năm ngang)
Sau đấy là hình thức khoán: vẽ khoán, vòng ba vòng , phược.
[7] Gõ rất nhẹ 7 tiếng trên mặt trống theo vị trí 7 ngôi sao trong chùm sao Bến lái. Người xây chầu vừa đọc vừa khẻ: Nhứt ngũ thất trực như huyền
Nhị tứ lục diệt tam biên
(1,5,7 thẳng như (cái) dây, 2,4,6 cũng thẳng, quay trở lại 3). Xem hình minh họa:
[8] Bài phú xây chầu: “Tứ tung ngũ hoành
Ngô đương xuất hành
Võ vương vệ đạo*
Đương ngô giả tử
Bối ngô giả vong
Cấp cấp như luật lịnh”
Dịch:
Bốn dọc năm ngang
Ta đang làm việc
Võ vương hộ vệ ta
Trước mặt ta thì chết
Sau lưng ta phải bị diệt
Mau mau như luật lịnh (của ta).
——————————————–
*Võ Vương Nguyễn Phước Khoát.