Chuyện người xưa kể

688

Chuyện người xưa kể

 

  1. Truyền thuyết về bốn hòn đá tại Cây Quắn

            Ngày xửa, ngày xưa, khi những lưu dân Việt đầu tiên đặt chân lên vùng đất phương Nam, mở rộng đất đai cho Đại Việt, đến vùng đất nơi đây, chọn làm kế ổn định lâu dài, quyết tâm ở lại để xây dựng cơ ngơi. Tại đây, họ đã thấy có bốn tảng đá lớn dựng đứng bên một triền đồi, dưới gốc cây cổ thụ.

            Sau khi lập nên làng Đông Phước, người dân trong làng tiếp tục khai hoang vỡ hoá, lấy đất cấy trồng, tăng gia sản xuất. Mở đất đai dần về phía đông nam, họ gặp bốn tảng đá ong vuông vức, cao chừng 1,6 mét, được xếp đứng cách quãng đều nhau. Cạnh bên có một cây cổ thụ (nay vẫn còn), cành nhánh khúc khuỷ, lá lại xoăn quắn, nhân dân làng bèn đặt tên cho vùng đất này là Cây Quắn.

            Vào những buổi trưa mùa hạ, trời nắng hâm người, những người lao động sản xuất cạnh Cây Quắn thường vào ngồi dưới gốc cây nghỉ chân. Đôi khi họ mang theo thức ăn, nước uống buổi trưa và ăn trưa tại đây, tiếp tục làm lụng, chiều mới về nhà. Người làng đoán rằng bốn tảng đá ong vuông vức này do người Hời để lại, lại đặt dưới một cây cổ thụ, cảnh trông uy nghiêm, nên ít ai đến khu vực này, nhất là trẻ em lại càng không dám đến. Bốn tảng đá ấy quả là của người Chăm. Người dân trong làng cho rằng nơi đây người Hời thờ thần của họ nên không ai dám đục đẽo hay phá phách bốn tảng đá ong vững chắc kia.

            Rồi vào một ngày nọ, trời mưa lâm thâm, có một ông cụ giữ vịt, đang cho vịt của mình ăn trên cánh đồng Cây Quắn. Để trông được vịt khỏi phải lạc bầy, ông cụ bèn trèo lên một trong bốn tảng đá ong ấy để nhìn cho rõ đàn vịt trong mưa. Đến khi ông cụ cất chân bước xuống ruộng lùa vịt về chuồng thì không làm sao có thể nhích chân lên được. Cụ bèn ơi ới gọi những người đang cuốc ruộng gần đó cứu giúp.

            Mọi người chạy đến, nhưng không ai dám sờ vào người cụ vì sợ bị liên luỵ. Trong số những nông dân của làng nảy ra một ý: bốn tảng đá đây chắc là của Hời nên ma Hời không cho ai bước lên, hễ ai không tuân sẽ bị dính cứng vào trong đá.

            Họ bèn thắp hương vái xin, chốc lát, cụ già chăn vịt trở lại bình thường.

            Tin từ đó lan xa, đến nay, người dân trong làng không ai dám trèo lên trên bốn tảng đá tại Cây Quắn nữa.

            Cũng có người cho rằng bốn tảng đá ong tại Cây Quắn do người Chăm tổ chức thi công, đục đẽo đá khai thác tại núi Đất để làm khu đền tháp tại Phong Lệ (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), và khu đền tháp tại An Sơn (nay thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), những tảng đá còn lại do chưa kịp mang đi, hoặc đá dư thừa ra, người Chăm bỏ lại, không sử dụng.

            Lại có ý kiến cho rằng bốn tảng đá ong tại Cây Quắn là vật thiêng người Chăm dùng bùa để yểm cuộc đất (theo quan niệm phong thủy của họ). Người ta cho rằng vào mỗi buổi chiều, đến một thời khắc nào đó nhất định, hễ bóng của bốn tảng đá ngã xuống đất, đỉnh của bóng tại đâu người Chăm đến đào đất ở đó lên và họ lấy được của quý mà ông cha họ chôn giấu, cất giữ trong lòng đất.

            Chuyện Cây Quắn thật hư ra sao chưa rõ, di tích Cây Quắn hiện vẫn còn. [1]

  1. Giai thoại cầu tự của ông Um

            Ông Um người tại làng Đông Phước, không có con trai, gia đình và những người thân thích trong dòng họ lo lắng cho ông mai sau không có người nối dõi tông đường.

            Một hôm ông đến Chùa làng tại xứ Cây Trao[2] cầu tự. Ông hứa với lực lượng siêu nhiên, thần thánh trong Chùa làng rằng nếu cho ông sinh được một người con trai, ông sẽ có lễ tạ bằng cách tổ chức hát bội tại Chùa làng ba đêm để tạ ơn thần thánh.

            Về sau ông sinh được một người con trai. Y như lời hứa cầu tự năm nào, ông Um vào tận phủ Hà Đông [3] rước một gánh hát bội về làng tổ chức hát tại Chùa làng ở vườn Chùa y như đã hứa.

  1. Giai thoại cô Lan nhảy cầu Cẩm Lệ

            Chuyện rằng tại làng Đông Phước có gia đình ông Thủ D. sinh được 5 người con trai. Các con đã khôn lớn, người con trai thứ nhất thường gọi anh Năm. Anh được cha mẹ chuẩn bị đi hỏi vợ. Rồi vào một ngày đẹp trời, cha mẹ tổ chức cưới vợ cho anh. Thanh niên trai tráng trong làng đến nhà, uống ly rượu mừng, chúc anh hạnh phúc. Người làng trên, xóm dưới bảo rằng vợ anh Năm người làng Cẩm Lệ, tổng Thanh Quýt, đẹp nết lại đẹp người, thêm cái nết na, chăm chỉ trong nông tang cày cấy. Ông Thủ D. phước đức đứng chật đầy nhà!

            Trong quan hệ hôn nhân gia đình ngày xưa, do quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên gia đình bên gái tự nhận lời gả con gái của mình cho con trai nhà ông Biện[4] tại làng Đông Phước, tổng Phước Tường mà không hỏi ý kiến của con gái xem sao.

Được tin cha mẹ gả mình cho một chàng trai nào đó, cô gái phản đối sự ép buộc của cha mẹ, nhưng thời bấy giờ con cái không cưỡng lại được ý kiến cha mẹ nên cô đành lòng nén nhịn, chìu lòng mẹ cha. Nhưng, từ bữa được tin cha mẹ gả chồng và nhận lễ hỏi, cô gái vẫn không đồng thuận với quyết định chọn lựa gả chồng theo cách của cha mẹ mình.

            Thế rồi đám cưới được tiến hành vào một ngày cát nhựt, được chọn lựa chu đáo, đẹp trời. Hồi ấy rước dâu chỉ có cách là đi bộ, không có phương tiện xe cộ và võng lọng. Đám rước dâu từ làng Cẩm Lệ, băng qua cánh đồng Bàu Da về làng Đông Phước. Người rước và người đưa có đến hơn 20 người. Khi đám rước dâu băng qua xóm Bàu, trẻ con trai gái đi theo xem đám rước, vui vẻ, hả hê cười đùa thỏa thích, có đứa gọi to “Ê hê, cô dâu chú rể đội rế trên đầu” rồi cười vui toe toét, chạy tới, chạy lui luôn chân. Cả xóm rộn lên niềm vui hạnh phúc. Những lúc như thế, mặt cô dâu lúc nào cũng buồn rười rượi, cứ nhìn xuống đôi chân xỏ trong đôi guốc mộc Xuân Dương của mình mà bước.

            Qua cánh đồng Bàu Da, gió ban mai lồng lộng, người đi đường nhìn đám rước luôn miệng khen, chắc là đôi trai tài gái sắc hạnh phúc lắm! Các cô con gái cấy lúa dưới đồng dừng tay cấy, ngước mắt nhìn đám rước dâu, thầm thì trò chuyện. Có cô ao ước có một ngày mình cũng được rước như vậy. Thật, còn gì hạnh phúc hơn.

            Cưới xong được ba ngày, đôi vợ chồng theo tục lệ về “lại mặt” nhà cha mẹ, chàng rể đưa nàng dâu trở về nhà thăm cha mẹ vợ. Được một ngày, sang chiều hôm sau, cả hai cô dâu chú rể quay về lại nhà chồng. Từ bấy, không ai còn thấy cô dâu vào ra trong xóm nữa. Cô gần như cửa đóng then cài, không buồn nói chuyện với ai.

Một hôm, các cô chị của anh Năm, có chồng xa về nhà cha mẹ thăm chơi, thấy cảnh cửa đóng then cài bèn rủ cô em dâu đi chợ Cẩm Lệ cho vui, mua thức ăn, gạo muối, bánh dầu để dành cho mùa làm thuốc lá. Mấy chị em thong thả chân bước nhanh về chợ Cẩm Lệ trong cái nắng hồng rực rỡ ban mai. Vào chợ, các cô nhìn ngắm các mặt hang cho đã mắt, nào khoai lang, bí, bầu, thịt, cá, hàng nào cũng bắt mắt. Các cô có dịp nhìn cho đã mắt các loại hàng hóa, trong đó đan xen có hàng vải vóc, lụa là, hàng soong nồi gia dụng, hàng dụng cụ làm vườn, làm ruộng. Loại nào cũng cần thiết cho nhà nông. Các cô cứ chắc miệng mà khen.

Bỗng ngoài chợ người ta xôn xao kháo tin có người nhảy cầu Cẩm Lệ. Cô Hai D. Lo lắng chạy tới, chạy lui tìm cô em dâu đi đâu mà không thấy trong chợ. Các cô chị, cô em cũng hớt hãi chạy tìm. Lo quá, các cô nghe ngóng, phút chốc tin từ phía đầu cầu đưa đến, không thể ngờ cô em dâu ra sông Cẩm Lệ mà mấy chị em không ai biết và phát hiện ra. Tại đầu cầu người ta xúm lại xem, có người kể rằng: thấy một cô gái đội nón che mặt bước đi vội vã qua cầu, bất thình lình cô bước qua ban công cầu rồi nhảy xuống sông!

            Nhưng trong cái rủi có cái hên, quả là may cho cô gái, người dân tại đầu cầu và người đi làm rau tại Bãi La Hường nhìn thấy cô gái nhảy cầu, bèn nhảy xuống cứu, vớt lên, hô hấp. Mấy ông lính Tây ở trong đồn, gần cầu thấy vậy cũng tham gia cứu vớt cô. Họ đưa cô đi nhà thương và cứu được.

Sau khi nhảy xuống sông tự tử không thành, về nhà cô Lan một mực đòi để [5] chồng, cha mẹ cô không chịu, cô bèn bỏ nhà đi hẳn xuống Hàn sinh sống. Không ai biết cô ở đâu trong thành phố Touran rộng lớn  kia.

            Từ đó, nghe đâu người dân làng Đông Phước đặt một bài vè truyền nhau trong đám thanh niên trai tráng của làng và truyền xuống làng Cẩm Lệ và làng Bình Thái nữa./.

 Cầu Cẩm Lệ 1967 (Ảnh: St)

* Ảnh đại diện: Võ Thị Diệu Hạnh.

[1] Tư liệu điền dã tại làng Đông Phước, 6/1982.

[2] Cây Trao: xứ đất. Tiếng Cơ Tu viết P’rao: cây chò chỉ (to).

[3] Phủ Hà Đông: nay là Tam Kỳ.

[4] Biện: một tước nhỏ trong làng (Ví dụ: Biện Tý, Biện Hinh,…). Biện còn là họ, tộc.

[5] Để: nay là li dị (vợ hoặc chồng).