chấm rầy

568

Chấm rầy

             Ngày mốt, cô Hai rảnh không ?

            Đang đi trên kiệt Bà Huề, Lan bỗng nghe tiếng ai đó gọi mình phía sau, Lan dừng chân quay lại, thì ra là cô Năm Quỳnh đang nhón bước theo mình: Chà ! Cô Năm, công chuyện lu bu thế ni, nói rảnh cũng được mà không cũng được. Chớ có chuyện chi không, mà rảnh với bận hả cô ?

            Lan vui vẻ trả lời cô Năm Quỳnh, người cùng xóm với mình. Hôm nay Lan lên thăm đồng xem đám ruộng trên hóc Lầy thế nào rồi, mấy “ông tý” ổng có cắn phá chi không. Đến khi lúa ngã đòng, đóng sữa chắc hạt thì mấy ổng với lại chim trời cắn phá đủ hết. Ăn chi đám ruộng trên cái hóc đó. Mà không phải chỉ riêng đám ruộng của Lan mà quanh đó, mấy đám của nhà ông Hương, ông Cửu cũng bị phá hết phân nửa. Mấy “ổng” từ trong hóc, trong đá chui ra phá tợn. Lúa lên đòng đứng từ xa nhìn tới thấy màu vàng úa đan xen giữa màu xanh lá mạ như bức tranh đẹp mắt. Chiều nay Lan lên thăm ruộng còn mang theo chiếc tơi rách với chiếc nón cời. Thấy thế, cô Năm Quỳnh vừa cười, vừa lên tiếng hỏi: Chim cắn phá hết hay răng mà mang mấy thứ ni lên ? Chu cha, mấy “ổng” với lại chim sè sẻ đâu mà nhiều quá cô Năm. Cứ mỗi đợt chim phủ xuống là lúa già, lúa non chi chim cũng rứt hết. Cây lúa đứng không nổi. Cô coi, trên thì chim nó rứt, dưới “mấy ổng” đào bới phá nát!

            Hai người vừa đi trên đường làng, vừa trò chuyện nhà nông, chuyện ruộng đồng cày cấy, chuyện đêm đêm gánh nước tưới thuốc lá trên gò, chuyện trồng khoai, nhổ cỏ,… Ôi, kể mấy cho hết chuyện nhà nông làm ăn từ sáng tinh mơ đến chiều tối mới về đến nhà, đặt cái cuốc dựng bên gốc cây mít sau nhà xem như hết được một ngày. Năm Quỳnh tiếp lời: Mốt cô Hai giúp chị một bữa được không? [1]

            Và như để gợi ý cho chuyện đổi công trong công việc ngày mùa, cô Năm Quỳnh tiếp: Rồi khi mô gặt lúa trên hóc, chị làm lại trả công! Dạ. Để em tính coi, sáng ni lên hóc, chiều xuống thổ vun mấy hàng khoai, ngày mai,… Dạ, được đó cô Năm. Nhưng mà làm công chuyện chi rứa cô?  Chấm rầy ! Lan thắc mắc: Năm ni rầy nhiều lắm hả cô ? Trên gò Đồ đó em, đám thuốc gần đám ông Trùm Phụ. Năm ni cô làm có hai ngàn cây mà nhọc công có kể. Rầy phủ đen lá. Hai ngàn cây, cô thấy cũng đã nhiều. Mà ở làng ta không làm cây thuốc lá coi như đói. Mái tranh có dột nước xuống nền cũng không biết lấy tiền đâu mua tranh mà lợp, thành ra cô cũng cố cầm cự cho qua mùa thuốc, rồi sang năm tính lại. Đặt cây thuốc xuống thì được, nhưng mà phân tro, rầy dế, nhứt là nước tưới rồi đến bánh dầu. Hai ngàn cây thuốc mất cũng phải hai tạ bánh, rồi rầy đái đen lá. Thiệt là công phu chớ em. Hai người bước vào đoạn gồ ghề, um tùm cây lá đan xen, phủ trên đầu của kiệt Bà Huề, Lan tiếp lời: Thì nhà em cũng rứa mà cô Năm ! Chuyện làm ăn, quanh năm ở cái làng này giống nhau mà. Bước ra khỏi đoạn gập ghềnh, lở lói của kiệt Bà Huề, đến ngã ba, Lan bảo cô Năm: Sáng ngày mốt, em cứ lên gò Đồ, đến chỗ đám thuốc cô Năm là được, không phải đến nhà cùng đi có được không ? Cô Năm Quỳnh dừng bước nói: Em cứ lên đám thuốc, chờ cô. Rồi em xem đám nào đám nấy rầy phủ một lớp dày kịt, trông thấy mà nóng mặt !

                                 Cây thuốc lá (VVH)

            Cô Năm Quỳnh với đứa con gái tên Hoa, chừng mười ba tuổi, loay hoay chuẩn bị lột vỏ rổ sắn mì lùn, đem nấu chín, giã nhuyễn, ngày mai mới có cái để chấm rầy trên gò Đồ. Cô Năm vừa mang ra cái rổ phân đựng vỏ, vừa nắm hai cái dao cho việc lột vỏ sắn. Cô đặt cạnh Hoa: Con cứ lột trước nghe, mẹ xem thằng em con học hành trên nhà hay ngủ rồi. Hoa khẽ dạ một tiếng nhỏ. Hoa nắm củ sắn rạch quanh vỏ một đường vòng, cong như lò xo chạy từ đầu đến đuôi củ sắn, đoạn dùng mũi dao tách dần lớp vỏ ra. Màu trắng nõn nà như trứng gà lột vỏ của sắn phơi ra trông bắt mắt. Xong từng củ, Hoa bỏ vào thau nước ngâm, rửa sạch. Mẹ Hoa nắm cái đòn kê đặt xuống ngồi cạnh Hoa. Hai mẹ con lặng yên theo dòng suy tưởng của mỗi người. Ánh đèn Hoa Kỳ mù mù, lúc tối, lúc sáng hắt lên hai khuôn mặt một trẻ, một già trong căn nhà tranh yên ắng vừa mới vào đêm. Lột xong một rổ tiếng sắn tươi, Hoa bắt lên bếp cái nồi bằng đất nung đã lâu năm khói quét đen láng nấu chín rổ sắn theo từng đợt, bởi cái nồi nhỏ mà lượng sắn cần cho ngày mai chấm rầy lại nhiều. Lửa rơm cháy bùng lên, lúc tối lúc sáng không đều, hắt bóng Hoa vào bức phên trét cức trâu đã ngã màu xám xỉn.

            Tiếng giã sắn chày đôi thình thịch của hai mẹ con Hoa vang ra ngoài căn nhà tranh trong đêm yên ắng. Lan vừa mới dọn dẹp xong chuyện bếp núc, chuẩn bị thổi cái đèn dầu đi ngủ, tiếng chày thình thịch làm Lan chú ý: chắc là tiếng chày giã sắn của chị Năm Quỳnh cho ngày mai chấm rầy tại đám thuốc trên gò Đồ rồi đây. Nghĩ, chị Năm chồng mất đã lâu, có hai đứa con đã lớn nhưng chưa đứa nào trưởng thành ra sao cả. Đứa con gái đầu của chị năm nay đã chuẩn bị là thanh nữ rồi. Nghe đâu cậu con trai ông Hội đồng ở xóm Trên gấp ghé muốn cưới làm vợ, chị cũng chưa nghe nói gì. Mà nghe làm sao được, con gái mới mười ba mà. Ông bà xưa nói: nữ thập tam nam thập lụcc. Đó là chuyện của ông bà. Còn chị, chuyện ấy thì chưa phải. Chị Năm chắc miệng ngao ngán cảnh nhà, nhà nghèo khó thế ni, con gái lại không biết chữ, được cái Hoa giống chị nên đẹp gái, da dẻ trắng trẻo coi được. Lấy con trai ông Hội đồng lại thêm khổ con gái, chị Năm Quỳnh chưa từng nghĩ thế. Chị định sang năm xin cho con gái đi quét rác. Như thế cũng được, lại vừa sức của Hoa. Rồi việc gì nữa thư thới hãy hay.

            Lan thổi tắt ngọn đèn, không nói gì cho cô mình hay biết, hé nhẹ tấm phên bước ra sân, trăng lu cuối tháng phả ánh sáng lờ mờ xuống ngôi làng thuốc lá của Lan. Hàng tre trước nhà xì rào làm cho khu vườn của nhà Lan thêm tối tắm. Ngang qua nhà ông Trùm Phụ, chó đánh hơi người vùng dậy sủa hách… hách… mấy tiếng rồi im lặng lắng nghe. Lan nhẹ bước trên đường kiệt ông Thủ đến nhà chị Năm Quỳnh. Đứng ngoài sân, Lan nghe trong nhà tiếng chày nện xuống cối không thình thịch nữa. Lan nghĩ: chắc là sắn bắt đầu dẻo sền nên dính vào đầu chày, tiếng chày trở nên nặng nhọc. Tiếng nện xuống cối không đều như giã gạo mà lơi dần do sắn dẻo, níu chặt đầu chày. Đến lúc này người giã kéo chày lên khỏi cối phải dùng sức nhiều mới rút chày ra được để giã tiếp. Cứ thế, nhịp chày lơi dần, chậm mà mệt mỏi. Lan hé tấm phên bước vào nhà, gọi lớn: Chị Năm giã sắn hay răng ? Năm Quỳnh dừng tay ngước mặt nhìn ra cửa, nhận ra tiếng của Lan, Năm Quỳnh lên tiếng: Chu cha, đêm tối thế ni, đi đâu mà lọt vô đây ? Nghe tiếng chày giã thình thịch, em đoán là chị Năm giã sắn, em sang giúp chị một tay. Được không ? Ồ. Hay quá đi chớ, răng không ! Lan nắm cái chày từ tay chị Năm Quỳnh, ngoáy vào miệng cối một vòng rồi kéo lên nện xuống cái thịch, lại xoáy một vòng rồi nện, cứ thế chừng mươi nhịp. Dừng giã Lan đề nghị chị Năm: Sắn tới rồi đó chị Năm, đã  dẻo rồi, như ri là chấm được. Sắn tốt quá, không khô lắm.

            Năm Quỳnh bảo con gái Hoa đưa cho chị đôi đũa, chị thử coi. Quỳnh dùng đôi đũa thọc xuống họng cối xóc lên một mớ sắn dẻo sền, hai tay nắm hai chiếc đũa, Quỳnh nhồi qua, trộn lại, thấy nhuyễn rồi, lại dẻo nữa. Hoa ngồi cạnh mẹ nhắc: Còn một nhã nữa mẹ ơi ! Nói đoạn, Hoa đặt rổ tiếng sắn đã nấu chín lên miệng cối. Lan giục Năm Quỳnh nạo sắn trong cối ra, cho sắn củ vào Lan giã giúp cho. Năm Quỳnh làm theo lời Lan. Tiếng chày lại thình thịch vang lên. Lan đứng thẳng người vung chày lên nện thình thịch, sắn dập ra từng miếng, Hoa ngồi bên cối đưa tay nhặt từng sợi tim sắn ra ngoài. Lan giã, đến Năm Quỳnh, cứ thế họ thay nhau nện chày xuống cối, đến chừng nhai dập bã trầu sắn đã nguyễn và dẻo dính vào đầu chày.

            Gà gáy tan vừa dứt, Lan thức dậy, cẩn thận bới lại mái tóc gọn gàng, bước nhẹ ra ngoài. Lan nhen bếp lửa nấu mấy củ khoai, bỏ bụng ít miếng rồi đi chấm rầy cho chị Năm Quỳnh như đã nhận lời với chị bữa tê tại kiệt Bà Huề. Nồi khoai sôi, hơi nước xì ra quanh nắp vung rồm rộp. Ngày trước Lan còn nhỏ, mẹ cha Lan thường động viên nhau: tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Nay cha mẹ Lan đã không còn, Lan cũng đã hai mươi rồi còn gì. Con gái ở vào tuổi này có người đã tay bồng. Bây giờ Lan cũng tiếp tục những tháng ngày như cha mẹ, cũng ăn củ đi làm, có chi hơn. Những tháng năm tuổi thơ của Lan trôi qua nhanh quá trong căn nhà tranh dưới lũy tre làng. Học hành không được mấy nên chữ nghĩa lem nhem, không xin được công việc gì làm nuôi thân, ngoài chuyện làm nông. Sáng tinh mơ ra đồng, chiều tối mịt mới về đến nhà, phủi bàn tay xem như xong một ngày căng thẳng. Ra đồng hằng bữa, làm nông như Lan, cuối mặt sát đất, đưa lưng cho trời, nắng nóng hay mưa dầm cũng thế. Ngày mưa mang chiếc áo tơi chằm bằng lá đùng đình đủ ấm, che được mưa. Thế là ổn. Quanh năm bốn mùa lặp đi lặp lại, không khác. Cha mẹ mất sớm trong một lần quân Pháp càn vô làng, Lan ở với bà cô. Chuyện chồng con nghe xa vời vợi. Hai mươi tuổi rồi còn gì. Bằng tuổi này, có người đã tay bế tay bồng rồi. Còn Lan, nhìn về phía trước xa vời vợi. Mấy người bạn của Lan trong làng đều đã đâu vào đó, yên ổn gia đình.

            Dọc theo những đám thuốc thẳng hàng tăm tắp, phơi lá mơn mỡn dưới ánh nắng đầu ngày. Ngang qua đám thuốc có đến năm ngàn cây, Lan nghĩ chắc là của ông Trùm Phụ đây rồi. Những cây thuốc được cơi đều tăm tắp, có cây đến tám, chín lá. Thuốc như vậy là thuốc tốt, có tới bảy lá nhứt, còn dưới là xai, không kể. Thuốc xai cũng thiệt bề thế, to ngang. Những hom sắn được ông Trùm Phụ cắm xuống một bên mép hàng, sau khi vuông hàng xong hồi nào, mà nay có hom đã bắt đầu nứt chồi rồi. Thuốc dồi phân nên cây lá tốt, mới lặt nhánh hớt mà lá nào lá nấy to gần gang tay của Lan. Năm ngàn cây, phơi phóng, đẩy chần, chắc phải được ba cồi chớ không ít. Lan chắc miệng, măm nay ông Trùm trúng mùa rồi, thuốc không chạy dây, không bạc lá là may rồi. Lan nghĩ không rõ hai ngàn thuốc của chị Năm Quỳnh có được thế ni không. Bỗng từ phía xa có tiếng nghé ọ đưa đến cùng với tiếng gọi bò: huê con nghé huê… ờ… huê…, Lan ngước nhìn, ai như thằng Tèo đang giữ bò ở đó. Mà sao, Tèo đã đi ở cho ông Lý tận đâu làng Phong, răng bữa ni lại về đây ?

Tèo nhà nghèo nên lớn lên, cha hắn cho đi làm trai cày cùng với thợ cấy kiếm cơm, nay cũng đã năm năm rồi. Bữa ni chắc là nhà có kỵ giỗ nên về chơi ít bữa, tiện đi chăn cột mấy con bò, cho rảnh mà lo việc nhà. Hồi còn ở làng, Tèo cùng chúng bạn thường mài liềm cho bén, quấn nơi đầu đòn xóc chừng chục vòng dây xanh, hễ bữa nào trời quang mây tạnh là ơi ới gọi nhau lên núi Phước Tường đốn củi kiếm cơm khi trời còn chưa sáng. Củi gánh xuống đến chợ Mới mặt trời lên đã ba, bốn con sào. Đứng bóng mới về đến nhà.

Hồi mới lớn, Lan và chúng bạn thường đến giếng làng, nhất là mùa hè hóng mát. Nơi đây các bác nông dân, các bà, các chị thường ghé đến giếng khi đi làm về dùng chiếc nón lá múc nước, hớp một miếng cho mát, hoặc rửa mặt rồi mới về nhà. Có bữa trời chiều, buông xuống những tia nắng hoàng hôn vắt ngang núi Chúa, Lan đến giếng tắm cùng chúng bạn. Trai gái trong làng hồi còn nhỏ, tóc còn để chõm, cùng nhau tắm nước dội ào ào. Thật vui. Trẻ nhỏ mà ! Nước múc lên từ giếng nghe ùm ùm, xối lên người mát rượi, níu kéo nhau, đùa vui vô tư nào có để ý chi đâu. Cứ thế, tuổi trẻ ngày càng lớn dần lên theo năm tháng đời người. Rồi tự dưng vào một bữa tắm ở giếng, con trai con gái tắm chung, các bạn trai nhìn qua, ngó lại tò mò mỗi lần có con gái cùng tắm. Các cậu con trai có vẻ rụt rè hơn, nhưng thường nhìn thường ngắm các bạn gái đang xối nước. Mấy cậu trai làng mới lớn chực chờ rình xem cái hột đậu như núm cau của Lan đội áo nhô lên rưng rức. Vào một bữa, Tèo đến bên cây duối to mọc sát bờ giếng, nép người vào gốc duối đứng nhìn xuống mặt nước giếng trong xanh. Tèo thu mình lại khuất sau gốc duối, hai tay đưa lên che mặt chỉ chừa hai con mắt, nhìn xuống giếng làng chờ đợi mấy đứa con gái đến tắm. Nói là giếng, kỳ thực đó là cái ao bên cạnh đám đất nà, nước mạch chảy ra trong vắt, mát lạnh người. Chiều chiều, gió thổi vào hàng duối ven bờ giếng theo đám đất nà rì rào, trông ra vẻ một cảnh đồng quê như tranh, đẹp mắt. Tèo ngó xuống nước giếng trong veo, đứng yên chờ đợi…

Lan bới tóc lên túm lại như củ hành, nhô lên cao, phơi cái lưng trần trắng mịn ngồi cạnh giếng. Tèo từ bên gốc cây duối, hai tay che mặt nhìn xuống thấy được cái lưng mịn màng, cái gáy nõn nà mới tuyệt làm sao. Mấy sợi tóc phe phẩy nơi gáy làm lộ ra màu trắng non, thích quá đi chớ. Hai tay Lan mơm trớn xoa xoa làn da trắng mịn. Chốc chốc lại khoát lên người một gàu nước nghe rào rào mát rượi. Nhưng làm thế nào để Tèo thấy cái múm cau có hột đậu nhô lên phía trước của Lan. Tèo nhướn người về phía giếng, cố nhìn. Lan đưa hai tay vốc một ngụm nước rồi nhắm mắt, khoát lên khuôn mặt trái xoan của mình. Nước mát quá. Lan ngửa cổ nhìn lên xoa mặt, hai tay đưa dần xuống ngực. Chợt Lan thoáng nhận ra một thân người nhô ra phía bên gốc cây duối. Lan rùng mình, ôm ngực, thét lên một tiếng, hoảng hồn túm mấy cái áo quần nơi bụi cỏ chạy một mạch về nhà.

Sau bữa đó, không biết ai trong làng đồn rằng tại giếng có ma. Ai đi đêm nên tránh chỗ cây duối với đám đất nà. Con nít càng không nên đến gần giếng.

            Nghe tiếng chị Năm Quỳnh đứng trong đám thuốc lá gọi, Lan dần bước về phía chị Năm, làm công việc của mình. Chị Năm Quỳnh và Lan, mỗi người ngồi chồm hổm xuống một bên hàng thuốc. Hai người đối mặt nhau. Họ chấm rầy. Một tay nhẹ nhàng nắm lá thuốc sao cho phía dưới lá thuốc lật lên trên, chỗ có rầy bu bám để nhìn thấy mà chấm. Tay kia nắm cục sắn đã giã dẻo, cứ thế họ chấm cục sắn đó vào đám rầy đang bâu  bên dưới lá. Sắn dẻo làm dính rầy vào sắn. Vài lần chấm như thế, Lan nắm hai chiếc đũa quay ngược quay xuôi, trộn đều cục sắn cho nhuyễn, dễ chấm. Họ nhích dần từng cen ti mét. Lan chuyện trò với chị Năm Quỳnh: Năm nay rầy nhiều ghê quá chị Năm hả. Thời tiết khắt nghiệt chi mà sinh ra rầy nhiều có kể. Hai ngàn thuốc ni chị với em phải mất hai ngày chấm cật lực đó chị Năm. Năm Quỳnh thở một hơi dài: Mấy ngày cũng phải chấm, em. Chậm chấm là rầy nó đái vào lá thuốc đen sì, đến lúc phơi khô đẩy chần mà cái màu đen đó cứ còn dính trên lá. Hút đụng nhằm lá thuốc có rầy, mùi thuốc khét nẹt, ngon chi được, em. Bạn buôn đến nhà phạch lá thuốc ra thấy có màu đen của rầy đái, thế nào giá cũng hạ. Nghiệt lắm em. Lan thắc mắc: Có cách chi không chị, chớ kiểu ni nhọc công quá, mà đôi khi chấm không kịp. Hễ chấm từ đầu đến cuối đám thì phía đầu đám rầy phủ lại rồi. Vất vả chớ chị ! Ừ, rồi cũng phải chấm thôi em, chưa có cách nào khác được.

            Từ xa, chen trong màu xanh của thuốc, Hoa, con gái chị Năm Quỳnh mang nước nửa buổi lên gò. Một túi xách gọn nhẹ trên tay, có ba cục xôi ghế với khoai lang, muối đậu được gói trong lá chuối còn xanh, ba cái chén, ba đôi đũa, một gáo nước bằng vỏ dừa và một bình nước chè còn nóng hôi hổi. Giữa cơ man là thuốc lá, trải dài từ gò Đồ xuống đến vườn Lài, đám nọ liền với đám kia, không có lấy một cây che bóng mát. Họ ngồi xuồng một đầu hàng thuốc, ngon lành thưởng thức mùi đậu phụng, mùi khoai làng, mùi nếp quyện lẫn. Còn thú vị nào hơn ! Những áng mây trắng vắt ngang trời vào lúc nửa ngày, nắng vẫn thả những tia vàng xuống đất, hâm hấp nóng. Mồ hôi của họ vải ra, nhỏ từng giọt. Trong bữa ăn nửa buổi, chị Năm Quỳnh trò chuyện cùng Lan: Sao em, có tin tức gì về anh Bốn của em không? Hai mươi tuổi rồi chớ có trẻ nhỏ chi nữa đâu. Hồi chị bằng em, chị sinh con Hoa đó. Năm ni hắn mười ba tuổi rồi. Chị sang ba mươi mấy, đã ngã sang già rồi em. Sự nghiệp của chị ngửa hai bày tay là thấy đời mưa nắng, Nghĩa là nghèo khó đó em. Chị Năm Quỳnh nhắc đến anh Bốn, Lan gắng kìm cơn xúc động. Bữa anh đi kháng chiến, anh nghĩ chắc ngày về chưa biết bao xa, chờ đến ngày độc lập hai đứa thưa với cha mẹ làm đám cưới. Lan gắng chờ đến ngày đó mà trong lòng gợi lên bao niền vui sướng. Nén nỗi nhớ nhung, ngày ngày Lan ra đồng làm lụng, chuyện nhà xong, ai kêu công gì làm việc đó. Hôm anh đi, anh gởi lại Lan tập nhật ký, ghi chép từ lúc hai đứa quen nhau. Thời gian làm cho mỗi tờ giấy ngã màu mà tin anh vẫn bặt vô âm tín. Có đêm Lan không ngủ sốt ruột đợi chờ và hy vọng ngày độc lập, anh về. Lan nghĩ, ngày ấy chắc là vui lắm, Lan sẽ chờ anh !

            Ngày…tháng…năm 19… Anh hẹn Lan tối ni hai đứa rủ nhau đi xâu thuốc giúp cho cụ Hương xóm Thạnh, thế nào cũng có một bữa trai làng hát hò khoan. Anh nghĩ, chắc bữa hát hay lắm, hấp dẫn lắm. Có chị Tám, chị Bảy, chị Nga, anh Nuôi, anh Châu, anh Hào,… xóm trong, xóm ngoài đến cùng xâu thuốc và hát. Hồi xưa cụ xã Tân hát đối đáp hay mà cao xa quá, thanh niên nam nữ trong làng ai cũng mệt nhừ người vì không hát kịp cụ. Cụ xã mà kiến tại thì không ai theo kịp, may có cụ Thủ xóm Thọ đối được cụ xã thôi. Bọn thanh niên nam nữ như anh với Lan thì không thể. Bữa trước, thấy em gánh gánh bánh dầu giúp bác Hai lên hàng thuốc, chạy ngang qua ngõ nhà anh, hai đòn gánh cong oằn xuống, thấy mà thương. Anh định,… nhưng sợ người làng biết được… lại khó cho em, nên thôi. Bữa đó gánh bánh dầu chạy ngang nhà anh, em có thấy anh không ? Thanh niên trai tráng trong làng đăng ký đi kháng chiến rần rần, không đánh Pháp răng được. Lan ơi, anh chắc sẽ lên chiến khu em hợ. Khi nào anh đi em nhớ chờ anh, độc lập anh về ! Bữa nay trăng không sáng lắm, anh chắc sẽ ngồi gần em xâu thuốc ở nhà cụ Hương.

            Ngày…tháng…năm 19… Bữa xâu thuốc, anh ngồi gần em, chao ôi cái mùi con gái sao mà hấp dẫn rứa không biết. Phải chi mỗi anh và Lan, đêm ấy chắc anh ôm em vào lòng lúc em nghiêng sang phía anh xách một nắm thuốc lá. Rụt rè và xao động, anh không nói được lời nào mạch lạc với em bữa đó. Thật là tiếc ! Nhưng có dịp rồi mình sẽ thế. Hôm xâu thuốc mấy bạn thanh niên hát hò hay quá: chưn chàng đùa đất bột/ tay chàng rút đọt tre/ mấy lời anh dặn em nghe rành rành/ Nguyện cùng nhau hai mái tóc xanh/ Xa nhau cho đặng tử với sanh nhờ trời. Sao mà giống chuyện chúng mình rứa không biết. Chắn hẳn mấy thanh niên nam nữ đó cũng như mình Lan hả ? Hôm đi ngang qua nhà em, bà cô em la mắng chi em, anh nghe tiếng được tiếng không: liệu mà kiếm thằng nào đi nghe, chẳng lẽ ở hoài rứa răng, trên trời có một cái trăng. càng ngày càng khuyết nữa là… cô. Tui già rồi không thấy hay răng. Anh thương em lắm Lan ơi !

            Ngày…tháng…năm 19… Anh đi kháng chiến đây, Lan, hẹn em ngày độc lập. Làng mình có mấy người cùng đi đợt ni đó. Ở nhà quân Pháp đi lùng khủng bố, hắn bắt thì nguy. Lan nhớ giữ gìn sức khỏe, Lan đừng xuống cái giếng làng đó nữa nghe, ở giếng ma nhiều lắm, mấy chị mấy anh còn kiêng nữa là. Cách đây chừng năm năm, Lan không nghe người làng đồn rằng ở giếng có ma đó hay răng. Ma nhảy ùm xuống giếng bắt người, nhất là con gái, con nít thì càng kiêng kỵ. Em phải hứa với anh, khi anh đi rồi. Em phải hứa, nghe em. Ngày mốt là ngày…tháng…năm…19… nhằm ngày trăng thượng tuần, chừng mặt trăng lên độ ba con sào, lúc đó anh cùng các bạn lên đường. Em có tiễn anh không ? Chắc em bận chuyện làm ăn, bận trả công. Bữa nay anh ghi lại mấy dòng này, đến đây anh không ghi nữa. Anh gởi lại em tập nhật ký. Anh đi đây. Người thương Lan ! ./.

 

* Ảnh đại diện: VVH.

[1] Mốt (phương ngữ): như mai kia mốt nọ. Mai, kia. Ngày kia.