Câu ca và nhân cách Quảng

442

Câu ca và nhân cách Quảng

 

          Thể hiện nhân cách thông qua bài ca dân gian mà dân ta gởi gắm là mối quan hệ qua lại, hỗ tương nhau giữa thẩm mỹ và lối sống dựa trên sự thiết lập thiên nhiên – con người mà dân mình đã thể hiện bản sắc riêng của người xứ Quảng. Xuất phát từ tình cảm đẹp, tư duy trong sáng, lành mạnh mà các nghệ nhân dân gian đã để lại dấu ấn văn hóa trên những bài ca dân dã. Giá trị nhân văn chính là biểu hiện của văn hóa tinh thần là ước muốn vươn tới chân, thiện, mỹ. Qua năm thế kỷ, người Quảng hình thành nên một bản giá trị văn hóa có tính truyền thống với các yếu tố thẩm mỹ tương ứng; hình thành lối sống, các mối quan hệ đa dạng, từ đó có thể xem là yếu tố làm nên bản sắc riêng của mình mà ở các làn điệu dân ca cũng là một nét phản ánh.

         Tổ tiên người Quảng đã từng vượt Ải Vân quan vào Nam qua đường đèo quanh co hiểm trở, cảnh quan thiên nhiên còn ghi lại dấu ấn trong tư duy con người. Dĩ nhiên thực tws có tác động đến sự hình thành văn hóa, phản ánh đa dạng môi trường tự nhiên, tạo nên sắc thái, trí tuệ, nhân cách và tư duy Quảng. Vẻ đẹp của xứ sở hiện lên trong gian khó vượt biển, băng ngàn, trèo đèo, lội suối. “Đi bộ thì khiếp Hải Vân” là thế. Yêu vùng đất nơi mình làm ruộng, lập làng thích nghi với thiên nhiên, từ đó văn hóa gắn liền với nơi mà họ khai thiên lập đại, hình thành nên nhân cách đẹp. Các nghệ nhân dân gian thông qua tiếng nói tạo nên tư duy hình tượng, họ muốn xây đắp một vùng văn hóa hoành tráng:

                   Hải Vân bát ngát muôn trùng

                   Hòn Hồng ở đó là trong vịnh Hàn

                   Xưa nay qua đó còn thuyền

                   Lối đi lô giản[1] thẳng miền ra khơi.

          Hoặc là:

                   Kể từ đồn nhứt kể vô

                   Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô xuống Hàn

                   Hà Thân, Quán Cái, Mân Quan

                   Miếu Bông, Cẩm Lệ là đường vô ra

                   …

          Quá trình vươn lên, người Quảng lúc nào cũng tự ý thức có nét riêng trong cái chung rộng lớn. Bởi thế mà khi vào Nam, quá trình giữ đất, giữ làng đã đặt người Quảng vào công cuộc chống ngoại xâm. Tình yêu quê hương xứ sở được thiết lập:

                   Hải Vân cao ngất tầng mây

                   Giặc đi đến đó bỏ thây không về.

          Và, cái lung linh trong văn hóa xứ sở xuất phát từ thực tiễn đa dạng, đáp ứng nhu cầu giải bày qua các thời kỳ xây dựng và phát triển. Ta có thể thấy nhân cách thể hiện tinh thần văn hóa Quảng, bởi văn hóa thực chất là toàn bộ những sản phẩm vật thể và phi vật thể mà con người sáng tạo ra.

                   Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân

                             nước xanh như tàu lá

                   Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn

                             phố xá nghênh ngang

                   Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn

                   Đào sông Câu Nhí, đắp vàng Bông Miêu

                   Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

                   Gắng công nuôi phụ mẫu, sớm chiều có ta.

          Chính từ câu ca ta thấy có nhân cách mà cuộc sống với nhiều vẻ của nó hình thành tâm lý yêu thương sâu lắng, tạo nên sự ổn định trong nhận thức về quê hương xứ sở. Có thể nói, giữ được đất đai rồi ngợi ca quê hương bằng những lời ca dân dã mến yêu mà tha thiết, như thế cũng là cách ta giữ gìn nét khu biệt của ta:

                   Quê em có dãy sông Hàn

                   Có chùa Non Nước có hang Sơn Trà

          Từ vẻ đẹp quê hương, gắn bó sâu nặng nên trong tư duy hình tượng toát lên chất thơ, đây là suy nghĩ hình thành nên nếp sống, ngợi ca có văn hóa, có bản lĩnh.

          Quê hương có đất đai, sông núi, con người…là nội lực hiển nhiên tạo nên sức bật để tiếp tục thể hiện nhân cách người Quảng biết quý trọng, nhân ái, nghĩa tình:

                   Hòa Vang làng rộng đất nghèo

                   Có chùa Non Nước ngóng đèo Hải Vân.

          Đất nghèo là có thật, nhưng quan trọng là cải tạo thiên nhiên để không phải nghèo khó cũng là cách chuyển đổi nội dung các giá trị nhân cách sao cho phù hợp với quá trình và yêu cầu xây dựng thanh giá trị văn hóa.

          Kho tàng những câu ca đất Quảng chiếm tỉ lệ lớn vẫn là thể hiện thân phận, tình người. Các nghệ nhân dân gian đã làm công việc của chủ thể sáng tạo nghệ thuật ca từ, qua đấy ta thấy tình người, thân phận, có thân phận vinh quang, thân phận bẽ bàng, có vui mà cũng có buồn. Buồn là tư chất không thường xuyên, đó là phẩm chất đẹp trong cuộc sống mà người Quảng xem như sự hy sinh, sẻ chia, không đòi hỏi điều kiện thiệt hơn và mặc cả. Những nghệ nhân sáng tạo nên những bài ca có trách nhiệm với người, với đời. Họ ít đưa vào lời ca yếu tố tâm lý khổ đau thái quá kéo dài. Chính thế, nhân cách con người thể hiện sau lời ca là những cảm nhận tinh tế về tư duy văn hóa, cả trong tình yêu, tình cộng đồng, hạnh phúc gia đình…Sự tinh tế của nghệ nhân dân gian khi cảm xúc dâng trào từ thực tiễn cuộc sống sinh động, hình tượng nghệ thuật xuất hiện phản ánh tinh thần, xu hướng của cộng đồng. Và, như thế nghệ nhân dân gian đã thể hiện sứ mệnh lịch sử văn học của họ. Văn hóa từ đó mà có. Dẫu tình xót vẫn cứ có duyên:

          Buồn trông ngọn nước chảy dưới sông Hàn

          Thấy xôn xao ghe, cộ

                                 nhưng bóng chàng thấy đâu ?

          Ngó lên Thương Chánh[2] thấy mấy nhịp cầu

          Lá lay vì con Ô thước[3], khéo để sầu cho ta!

          Quả tình người dân mình đâu thiếu cái hay luyến láy gởi gắm vào những làn điệu dân ca. Để mắt trông vào, ta thấy trong tiếng ca thể hiện nhân cách ở đời, giá trị và chuẩn mực trong quan hệ làng xóm, tha nhân. Câu ca vọng lại thiết tha, dìu dặt những rung động ngọt ngào, thôn quê, bình dân hết mực, mang hơi hướng từ bờ tre, bụi rạ, từ sông nước con đò ra đi. Gặp trên đường câu hát trữ tình man mác, một lời thở than xa vắng:

          Đèn treo Cẩm Toại, sáng dọi Phú Hòa[4]

        Em thương anh đặng đó không biết cửa nhà anh mô

          Ngày ấy có đâu những ca khúc trữ tình hiện đại như bây giờ, có đâu sân khấu đèn mầu, người dân mình chỉ cần một miếng sân vuông với những luyến láy sao cho âm điệu nhịp nhàng dễ nghe, hình tượng thẩm mỹ bộc lộ, cẩm nhận được thế đã đạt yêu cầu. Từ hình tượng nghệ thuật thông qua ngôn ngữ lời ca, chuyển tải nhân cách con người ứng với cá nhân và thời đại làm chi phối hoạt động tinh thần, làm vui trong lao động. Nhân cách từ đó mà có.

          Từ trung du xuôi đường truông về Cẩm Lệ[5], ta gặp ở đây cài hói Dừa, lời ca nghẹn lên gấp khúc, mà thanh:

          …

          Nước sông đâu chảy xuống đau đớn mình làm ri

          Chẳng qua gió đẩy mưa đùa

          Xăm xăm bước tới hói Dừa gặp nhau.

          Rồi hình như cái tình còn xốn xao nhau dữ lắm, xuôi theo sông tí nữa, ta gặp:

                   Thiếp đưa chàng đến bến đò Cẩm Lệ[6]

                   Phải chi không sợ cha, sợ mẹ

                                      đưa thẳng đến Miếu Bông[7]

                  Tốn bao nhiêu tiền em chịu, bấy nhiêu công

                                                                   chàng đền.

          Vậy đấy, từ những câu ca, ở phía nào ta cũng gặp dân mình thuở xưa tình tự:

                   Lạy trời đừng nắng, đừng mưa

                   Âm u gió mát thiếp đưa chàng về

                   Chàng về tới đất Hố Quê[8]

                   Xây lưng trở lại ủ ê gan vàng

                   Đêm nằm thờ thở than than

                   Trông trời mau sáng lên đất Nghi An[9]

                                                                   gặp mình.

          Vào trong, xứ sở của “Phong Lệ mục đồng, Gián Đông hát vật”,  ta cũng gặp tình người trắc ẩn mà tao nhã, có khi cắc cớ nữa:

                   Giả đò đi chợ Miếu Bông

                   Ghé vô thăm bạn, bạn không có nhà.

          Có phải dân mình ngày ấy lam lũ quá mà cái tinh cũng không suông sẻ để đến nổi chỉ nghe toàn những lời ray rứt, chơi vơi ?

          Không hẳn đã thế. Cũng ở cái làng Phong Lệ ấy, người dân mình có bi lụy đâu mà họ có trách nhiệm với tình người, thân phận của nhau. Đấy là những âu lo,  thể hiện nhân cách sống đẹp trong quan hệ tình người, không thờ ơ phó mặc, không lợi dụng:

                   Bạn có về Phong Lệ xã

                   Cho em nhắn trả đôi lời

                   Nhắn cùng bạn cũ ăn chơi đừng buồn.

Là đã tách bạch rõ ràng. Bên cạnh cái buồn, hẳn cũng có cái vui cốt cách đời thường, đâu chỉ trái ngang, đâu chỉ bâng khuâng trong dạ tối ngày đâu. Lượm lại câu ca mà nghe vời vợi tấc lòng:

          Em phân với chàng tại đàng kiệt vắng

          Chưn chàng đừa đất bột, tay chàng rút đọt tre

          Mấy lời chàng dặn em nghe rành rành…

Đấy ! Nào có buồn đâu, có khóc đâu !

          Ra ngoài vùng Nam Ô, Liên Chiểu cũng trên đường nhặt nhạnh những câu ca, lại gặp quanh ta người mình thuở trước hẹn hò, nhân cách đẹp quá, thanh nhã biết bao:

          Thiếp nguyện với chàng tại ga Liên Chiểu

          Chàng nguyền với thiếp tại miếu Hà Khê

          Không tin cắt tóc mà thề

          -Trước răng sau rứa đừng thề tiếng chi.

          Và, cũng ở Hà Khê nơi đô thị dập dìu, người tỉnh thành, kẻ thôn quê gặp nhau:

          Đưa em cho tới Hà Khê

          Cầm tay em lại chữ đề ba câu

          Câu thương, câu đợi, câu chờ

          Duyên đôi ta ngộ gặp làm ngơ sao đành.

          Tình cảm gia đình, thang giá trị nhân cách trong mối qua hệ, mẫu mực, thủy chung được đề cập, có thể có nghiệt ngã nhưng không lụy, không đổ vỡ lớn. Đấy cũng là giá trị nhân cách mà nghệ nhân dân gian  phản ánh khách quan trong sáng tạo nghệ thuật. Nhận thức cuộc sống, con người, nghệ nhân hiểu giá trị văn hóa, thẩm mỹ của dân mình, họ cất lên tiếng hát có nhịp điệu riêng phản ánh nhận thức về phương diện đạo đức, nhân cách con người xứ Quảng, vượt qua bất hạnh, giữ hạnh phúc và khẳng định mình trong quan hệ gia đình:

          Anh em như cây chuối nhiều tàu

          Lá lành che lá rách đừng nói nhau nặng lời.

          -Sáng mai anh đi chợ Quảng Huế

          Chiều xế anh đi chợ Cồn

          Một ngày hai buổi chợ gặp nàng cả hai?

          -Sáng mai em đi chợ Quảng Huế

          Chiều xế em đi chợ Hàn

          Bán thân bất toại nuôi chồng chớ nuôi ai !

Ga cợ Hàn xưa (Internet)

          Vậy đấy, những bức thông điệp nhân cách thể hiện thang giá trị văn hóa của người dân ta thuở xưa là thế, đơn giản, dễ nghe, dễ hiểu thông qua các nghệ nhân dân gian mà có; họ giúp ta tìm thấy trong ấy nhân cách đẹp, có trách nhiệm với người, với đời. Chưa gặp trong lời ru lối thờ ơ, tắc trách, người xưa đã tìm nhiều con đường vươn tới chân, thiện, mỹ, trong đó những bài dân ca là một trong những cách.. Nhân cách trong lời ca nay vẫn còn dấu ấn đậm nét, vẻ đẹp tinh thần thể hiện ở chỗ, hễ cứ làm trái với cộng đồng là đã thấy âu lo, làm phiền lòng người khác đã thấy không an tâm, nên tình với người Quảng là trọng.

          Từ những lời ca dân mình lúc xưa làm hành trang vươn tới cái đẹp, cái cao thượng, sống xứng đáng với vùng đất, vùng trời, mặc dầu những câu ca ra đi từ bờ tre bụi rạ, từ những mái tranh nghèo yên ả, nhưng chứa đựng nét thanh, duyên dáng, hình tượng đẹp đủ để nhận biết dân mình sinh sống ra sao. Nay, từ lời ca cũ tiếp tục phát huy cốt cách riêng xứ Quảng, không hề mâu thuẩn và nệ cổ. Ngược lại, có thể hiểu rằng, ta tiếp tục phát huy nội lực đã có, tạo nên một vùng văn học, vừa có bản sắc truyền thống, vừa có tinh thần hiện đại với phương châm “đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo”mà Đại hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ V đã nêu, đi cùng với sự nghiệp “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, văn minh./.

 

* Ảnh đại diện: VVH.

[1] Giản: Khe nước chảy giữa hai dãy núi.

[2]  Sở Thương Chánh của Pháp ngó ra sông Hàn, có cầu chữ T nhô ra sông nơi tàu cập bến.

[3] Ở đây ý nói như Chức Nữ và Ngưu Lang chờ nhau bên bến sông Ngân vào ngày 7 tháng 7 hằng năm. Điển chép ở sách Kinh sở tuế thời ký, rằng ở hướng đông sông Ngân Hà có Chức Nữ (cháu trời) thêu dệt rất giỏi, trời gả cho chàng  Khiên Ngưu lang (chàng dắt trâu) hoặc Ngưu lang. Chàng Ngâu. Từ khi có chồng, nàng Chức Nữ biếng nhác bỏ nữ công, không thêu thùa nên trời  phạt bắt vợ chồng phải xa lìa nhau, mỗi năm chỉ gặp nhau vài giờ đêm mồng 7 tháng 7 (đêm thất tịch) tại bến sông Ngân Hà . Trước khi hội ngộ có chim Ô Thước (con quạ) đội đá bắt cầu sang sông Ngân. Đêm ấy, nhìn lên trời thấy bên sông Ngân Hà có 2 ngôi sao gặp nhau trong ít lâu sau lìa nhau. Vào tiết thất tịch quạ đều sói đầu. Đến tháng 8 lại có những nùi tơ trắng bay từ trên mây xuống. Đó là Chức Nữ buồn vì xa chồng mà xé khung cửi thả tơ bay

[4] Cẩm Toại, Phú Hòa: là hai làng thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

[5] Cẩm Lệ: là vùng đất bao gồm phần đất của ba xã  Hòa Châu, Hòa Xuân, Hòa Thọ. Nay tên gọi Cẩm Lệ chỉ tồn tại trong dân gian.

[6] Bên đò Cẩm Lệ: tức bến đò Nga.

[7] Miếu Bông: thuộc xã Hòa Phước, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

[8]  Hố Quê: nay là phường Khuê Trung, Đà Nẵng.

[9] Nghi An: làng, thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang , TP. ĐN.

[4] Cẩm Toại, Phú Hòa: là hai làng thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

[5] Cẩm Lệ: là vùng đất bao gồm phần đất của ba xã  Hòa Châu, Hòa Xuân, Hòa Thọ. Nay tên gọi Cẩm Lệ chỉ tồn tại trong dân gian.

[6] Bên đò Cẩm Lệ: tức bến đò Nga.

[7] Miếu Bông: thuộc xã Hòa Phước, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

[8]  Hố Quê: nay là phường Khuê Trung, Đà Nẵng.

[9] Nghi An: làng, thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang , TP. ĐN.