CA DAO, DÂN CA, VÈ – Những vấn đề đọc lại

402

                   

CA DAO, DÂN CA VÀ VÈ

     NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỌC LẠI  

       

         CA DAO ?

           Thuật ngữ và khái niệm [1]

           Trong sinh hoạt văn học dân gian, có một bộ phận quan trọng là sinh hoạt ca hát, trong đó tiêu biểu nhất là việc diễn xướng ca dao, dân ca. Ðể chỉ lĩnh vực ca hát dân gian, nhân dân sử dụng các từ: ca, hò, ví, lý, hát giao duyên, hát đối, hát huê tình …

           Giới nghiên cứu, các nhà nho sưu tầm, biên soạn gọi những câu hát dân gian là: phong sử, phong dao, ca dao, dân ca, thơ ca dân gian, thơ ca truyền miệng dân gian, thơ ca trữ tình dân gian…

           Ca dao là thuật ngữ Hán Việt. Theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

           Sách Trung Quốc ca dao: ca là bài hát có hòa với nhạc, dao là lời của bài hát đó. Cũng có ý khác : Ca dao là khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, diễn tả đời sống nội tâm con người. Ca dao là một từ Hán-Việt.

           Theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu dùng để hát hoặc ngâm; dao là bài hát ngắn độ một vài câu. Ca dao là một bộ phận lớn của nền Văn học dân gian Việt Nam.

                  Xem trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng. Đội Ý

             Nội dung của ca dao

            Phản ánh hiện thực, văn học dân tộc thực sự trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng của nhân dân, văn học dân gian, ca dao đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén chống thực dân và đế quốc xâm lược. Ca dao có bước phát triển mới, gửi gấm một cách trực tiếp, sâu sắc tư tưởng, tình cảm của nhân dân trên hiện thực mới: hiện thực đấu tranh cách mạng của nhân dân.

             Trên đại thể, có hai bộ phận: ca dao kháng chiến, ca dao chống Mỹ.

             Ca dao mang nội dung yêu nước chống xâm lược, phản ánh tình cảm lớn của dân tộc, công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân.

             Ca dao kháng chiến, ca dao chống Mỹ là khối thống nhất tổng hợp tình cảm, tư tưởng nhân dân trong 30 năm chiến đấu chống xâm lược.

             Ca dao vạch rõ kẻ thù của dân tộc từ những năm đầu Pháp xâm lược:

             -Nhà vua thân với Lang sa,

             Ðể Tây ăn cắp trứng gà của dân.

             Truyền thống yêu nước vĩ đại được phát huy mạnh mẽ. Nhân dân ý thức sâu sắc nhiệm vụ đánh đuổi ngoại xâm, thực hiện kháng chiến trường kỳ. Thể hiện sức mạnh quật khởi của dân tộc không gì đè bẹp nổi.

             -Bao giờ hết cỏ nước Nam,

             Thì dân ta mới hết người đánh Tây.

             Khác với thời kỳ trước, ca dao sau cách mạng tháng Tám nói chung chứa đựng thêm tình cảm của nhân dân đối với lãnh tụ.

                             -Cụ Hồ ở giữa lòng dân,

                        Tuy xa xa lắm nhưng gần gần ghê.

             Nhân dân xem hình ảnh lãnh tụ là biểu tượng đẹp nhất, cao quý nhất của đất nước. Ca dao chống Mỹ có nhiều bài thể hiện tấm lòng miền Nam đối với Bác Hồ:

                            -Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

                        Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

             Ca dao phản ánh tư tưởng lớn của dân tộc đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược: thời kháng chiến quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, thời chống Mỹ, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà.

             Ca dao thể hiện tinh thần phục vụ sự nghiệp chiến đấu cứu nước của nhân dân: không khí sôi nổi của phong trào thi đua yêu nước cho thấy cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là cuộc chiến tranh nhân dân.

                          -Hôm qua anh đến chơi nhà,

                          Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa.

                          Thấy cháu i tờ đang học bi bô.

                          Thì ra vâng lệnh cụ Hồ,

                          Cả nhà yêu nước thi đua phen này.

             Nổi bật trong ca dao hình ảnh người phụ nữ hậu phương đảm đang, người nữ du kích với tinh thần chiến đấu kiên cường.

                        -Trên trời mây trắng như bông,

                        Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây.

                         Những cô má đỏ hây hây,

                         Ðội bông như thể đội mây về làng.

                        -Chị em du kích Thái Bình

                        Ca lô đội lệch vừa xinh vừa dòn ..

             Bộc lộ trong ca dao còn là mối tình quân dân thắm thiết:

                       -Cụ Hồ dân kính dân yêu,

                        Mà anh bộ đội dân chìu, dân thương.

             Ðặc điểm nghệ thuật

            Sự kế thừa nghệ thuật và phát triển nghệ thuật ca dao cổ truyền.

             Sự bền vững nhất của ca dao thể hiện ở yếu tố phong cách nghệ thuật. Ở đây vẫn là những xúc cảm dạt dào, sâu lắng của ca dao, nét mới là sự thể hiện tình yêu tổ quốc, yêu lãnh tụ, yêu Ðảng, tình quân dân …

             Nghệ thuật trào phúng vẫn đậm nét hướng đến đối tượng mới: kẻ thù xâm lược, những nhân tố lạc hậu trên bước phát triển của cuộc sống mới.

             Thể thơ truyền thống được sử dụng linh hoạt.

             Kết cấu lối đối đáp truyền thống được sử dụng với những nhân vật trữ tình mới.

             Sử dụng lại một số câu ca dao cũ có nội dung tương đồng để thể hiện sự so sánh, cảm nhận cuộc sống mới và cũ hoặc chắp vần nối tiếp nhằm diễn đạt nội dung mới.

             DÂN CA ?

             Theo Lịch sử văn học Việt Nam của Bùi Văn Nguyên: …Dân ca là những bài hát có hoặc không có chương khúc do nhân dân sáng tác lưu truyền trong dân gian ở từng vùng hoặc phổ biến ở nhiều vùng có nội dung trữ tình và có giá trị đặc biệt về nhạc.

             Thông thường, sự phân biệt giữa ca dao và dân ca là ở chỗ:

             – Khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian;

             – Khi nói đến dân ca, người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định.

                 -Một đàn có trắng bay tung,

                  Bên nam, bên nữ ta cùng cất lên.

                              Cất lên một tiếng linh đình,

             Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta…

                                                                 (Hát trống quân).

             Dân ca Trung bộ: có những bài nổi tiếng như: “Lý ngựa ô”,”Lý mười thương”, “Đêm tàn bến Ngự”…

             -Trên trời có đám may xanh,

             Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng.

             Ơi là tình phụ tình phàng.

             Chừ là duyên lắm bấy,

             Chừ cái dạ em trông chồng, mà không thấy chồng đâu.

             Ơi ông chồng, chồng mình ơi !

             Chi mà tệ, tệ lắm chàng !

             Chi mà bạc, bạc lắm chàng ! …

                                                                 (Lý vọng phu)

               Dân ca Nam bộ: có những câu ca, bài nổi tiếng như: “Ru con”, “Đất giồng”,…

             Trong ca dao, đại đa số là tác phẩm trữ tình. Ca dao là loại trữ tình của văn học dân gian. Khái niệm trữ tình dân gian được hiểu trong sự đối lập với khái niệm tự sự dân gian ở góc độ loại hình. Ðối tượng của nó là những sáng tác phản ánh hiện thực đời sống không phải thông qua cốt truyện, sự xung đột của hành động nhân vật màì thông qua sự thể hiện tâm trạng các nhân vật trữ tình.

             Dân ca Bắc bộ : có những bài nổi tiếng như: “Bà Rằn bà Rí”,”Bèo dạt mây trôi”, “Cây trúc xinh”,… ‘Đi Cấy” dân ca Thanh Hoá :

                         -Trâu ơi ta bảo trâu này,

                  Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta …

             -Bướm vàng đậu đọt mù u,

             Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.

             -Còn duyên kẻ đón người đưa,

             Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng.

             -Thân cò lặn lội bờ sông,

             Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non …

             VÈ ?

            Định nghĩa về vè xuất hiện sớm nhất tìm thấy trong nghiên cứu văn học dân gian của nhà nghiên cứu Huỳnh Tịnh Paulus Của trong sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị vào cuối thế kỷ XIX. Theo ông ‘vè là chuyện khen chê, đặt có ca vần’. Từ đó về sau, có rất nhiều những định nghĩa khác do các nhà nghiên cứu văn học dân gian đưa ra và định nghĩa trong Từ điển thuật ngữ văn học, có thể được xem là sự tổng hợp đầy đủ nhất của các định nghĩa kể trên: ‘Vè là một thể loại sáng tác dân gian kể chuyện bằng văn vần của Việt Nam, một loại truyện miệng mang tính chiến đấu, tính quần chung rõ rệt, chú trọng người thật việc thật, những tính chất đột xuất của làng xã ngày xưa (vè thế sự) hoặc những sự việc lớn vang động đến cả nước (vè lịch sử)’.

             Bằng một thể loại tự sự dân gian quen thuộc là thể loại vè, dân gian đã viết sử cho chính mình, thông qua hai chủ đề lớn.

             Thứ nhất : đó là những cuộc khởi nghĩa nông dân, đây là ‘những tác phẩm tiêu biểu ghi lại sự nghiệp đấu tranh dũng cảm chống ách vua quan chuyên chế. Nó còn sử liệu có giá trị bổ sung, đính chính cho các cuốn sử các nhà Nho viết về nông dân’.

             Thứ hai : là mảng đề tài về đấu tranh chống thực dân, đế quốc ‘đã truyền cho người đọc những cảm xúc lạc quan, nuôi dưỡng niềm tin, động viên quần chúng vật lộn với kẻ thù trong những năm dài bị đô hộ’. Ở mảng thứ hai này, vè ‘vừa là tiếng nói tố cáo giai cấp thống trị, vừa là tiếng nói ca ngợi sức mạnh của giai cấp vô sản trẻ tuổi, sớm đặt cho mình sứ mạng lãnh đạo cách mạng’. Đây đồng thời chính là ‘bản cáo trạng vạch trần tội ác của quân xâm lược’.

             Nếu ca dao là từ Hán Việt, thì vè là một từ thuần Việt. Vè là một thuật ngữ văn học dân gian có liên quan với từ vè trong vần vè. Vè là thể loại tự sự dân gian bằng văn vần, có cơ sở từ lối nói vần vè của nhân dân, chủ yếu nhằm phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thật, việc thật ở từng địa phương, những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống nhân dân.

             Ở vè, việc xác định thể loại một số tác phẩm văn vần có phải là vè hay không, hoặc hiện tượng gọi vè lục bát là thơ là một vấn đề cần quan tâm, mặc dù việc phân định cũng không phức tạp.

             Về tiến trình phát triển, vè có từ bao giờ chưa thể khẳng định dứt khoát. Có thể vè đã manh nha từ trước, nhưng chỉ phát triển thành thể loại lớn từ thế kỷ XVI, đặc biệt là thế kỷ XVII về sau, đáp ứng nhu cầu bức thiết phản ánh thực tại xã hội một cách khẩn trương, nhanh gọn và sắc bén. Ðại thể, vè  đã nảy sinh chủ yếu trong thời kỳ phong kiến, phát triển nhất trong thời kỳ cận đại ở các thế kỷ XVIII, XIX, XX. Sự xuất hiện của vè là một bước tiến mới của văn tự sự dân gian. Vè xuất hiện để kể chuyện theo cách có vần có nhịp, cùng với lối kể truyện bằng văn xuôi đáp ứng đầy đủ hơn việc biểu hiện nội dung các vấn đề xã hội nhân dân muốn nêu lên.

             Ðặc điểm :

             Tính địa phương

             Vè phản ánh hiện thực ở từng địa phương nhất định, bộc lộ rõ thái độ của người dân địa phương trước những sự việc, sự kiện đó. Phạm vi những người quan tâm đến sự kiện được vè ghi lại, làn sóng dư luận về sự kiện ấy, sự lưu truyền bài vè đều mang tính địa phương rõ nét.

             Có những bài vè ghi lại những sự việc, nói về nhân vật ở một địa phương nhất định, nhưng do tính chất tiêu biểu của sự việc, sự kiện, nhất là những sự kiện về lịch sử và nhân vật lịch sử, cho nên nó có thể phổ biến rộng rãi ở những địa phương khác, có khi ở phạm vi toàn quốc. Song, đặc điểm tiêu biểu của vè vẫn là tính chất địa phương.

             Tính thời sự

             Vè mang tính thời sự rõ nét. Các sự kiện trong quá khứ ít được vè quan tâm. Vè xuất hiện tức thời, nắm bắt nhạy bén sự việc, sự kiện, ghi nhanh, rồi truyền đi để gây dư luận trong xã hội, hoặc khen, hoặc chê, nhân rộng các điển hình người tốt trong cộng đồng. Có yếu tố giáo dục làm ngay, lánh gian.

 ———————–

[1] Dân ca bao gồm cả âm nhạc truyền thống cũng như thể loại âm nhạc phát triển từ nó trong quá trình phục hồi dân gian thế kỷ 20. Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện vào thế kỷ 19 nhưng ban đầu được sử dụng để chỉ loại hình âm nhạc có từ trước đó.

Dân ca truyền thống được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau: âm nhạc truyền khẩu; âm nhạc của tầng lớp thấp; âm nhạc mà người sáng tác vô danh.  Có người định nghĩa dân ca là những bài hát cổ không rõ người sáng tác; người khác cho rằng đó là loại hình âm nhạc được lưu truyền và phát triển bằng cách truyền khẩu hoặc được biểu diễn theo phong tục trong một thời gian dài.