BÙI XUÂN – Tìm hiểu người Ve Quảng Nam

339

Bùi Xuân

 

TÌM HIỂU NGƯỜI VE QUẢNG NAM  

 

Ở Quảng Nam[1], người Ve (một nhóm của dân tộc Giẻ-Triêng) có khoảng 2000 nhân khẩu, cư trú tập trung ở hai xã Dacpring và Dacpree của huyện Nam Giang. Đây là một trong những vùng địa hình hiểm trở của Nam Trường Sơn[2], đồi núi chia cắt mạnh và là đầu nguồn của nhiều con sông, con suối. Đất đai ở đây gồm hai nhóm chính: Đất vàng đỏ được hình thành trong quá trình phong hoá của đá granit và đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất được hình thành trong quá trình phong hoá của đá paragơnai. Trên tầng mặt của hai nhóm đất này đều được bao phủ bởi một lớp đất mùn tơi xốp và trên hầu hết diện tích của nhóm đất thứ hai là rừng gỗ lớn có táng che phủ.

Phía bắc người Ve ở huyện Nam Giang là người Triêng và người Cơ tu. Phía nam là người Giẻ. Phía đông là người Bhnoong và người Cơtu. Ở phía tây, đi một dặm đường xa mới gặp đồng bào dân tộc ít người ở đất Lào.

Cũng như người Ve ở huyện Dac Glei (Đăk Glei), tỉnh Kon Tum và đồng bào các dân tộc ít người ở dọc Trường Sơn – Tây Nguyên, người Ve ở huyện Nam Giang sinh sống bằng nghề chính là trồng trọt trên rẫy. Công việc phát rẫy để tỉa bắp, trồng sắn kéo dài từ khoảng tháng 1 đến tháng 3. Công việc phát rẫy lúa bắt đầu từ khi con chim bút boong kêu những tiếng đầu tiên “bắt cô trói cột” sang “chỏo puộc”.

Tỉa bắp, tỉa lúa thông thường người Ve làm theo lối cặp đôi một trai, một gái. Con trai chọc lỗ. Con gái tỉa hạt. Do sống tự cung tự cấp với nghề chính là trồng trọt trên rẫy nên tính chất nông nghiệp được phản ánh rất rõ nét trong phong tục tập quán và các lễ hội của người Ve. Hai ngày tết cổ truyền của người Ve về thực chất là hai ngày mở đầu cho một năm trồng tỉa của họ. Trong ngày tết thứ nhất, người Ve tổ chức lễ dân si, tức lễ cúng thần lúa Yang Sri, để gọi hồn lúa, đưa hồn lúa từ rẫy về nhà. Từ đấy chấm dứt mùa cữ kiêng, người ta bắt đầu có thể chặt cây, hạ chói và ăn cơm lúa mới. Ngày tết thứ hai là ngày lễ đốt than. Ngày này, vào buổi sáng, người ta tổ chức rèn rựa, rèn cuốc ở một sân bãi gần làng, buổi chiều, tổ chức làm rẫy giả – cũng ở một địa điểm gần làng – nhằm mở đầu cho mùa phát rẫy tỉa bắp, trồng sắn, đồng thời cũng là mở đầu cho một năm trồng tỉa và thu hoạch mới.

Người Ve săn bắt thú rừng rất giỏi, biết chăn nuôi gia súc, biết dệt vải, rèn và sửa các công cụ sản xuất, biết làm các nghề thủ công như làm đồ gốm, đan đát bằng mây tre. Đàn ông Ve không biết đan đát khó lấy vợ. Phụ nữ Ve không biết dệt vải khó lấy chồng. Theo sự phân công tự nhiên trong xã hội, đàn ông Ve giữ vai trò chính trong việc săn bắt thú rừng, đánh bắt cá tập thể và độc quyền trong nghề rèn. Ngược lại, phụ nữ Ve giữ vai trò chủ yếu trong hái lượm và độc quyền trong nghề dệt vải. Riêng về nghề làm đồ gốm và trồng trọt có sự tham gia của cả hai.

Người Ve ở huyện Nam Giang gọi bản làng là bhut dar. Bhut hay dar cũng đều có nghĩa là làng, như từ plêi của người Bhnoong, các từ Vêêl, Crnoon, Bhươl của người Cơtu, nhưng để chỉ đơn vị làng, người Ve ở Dacpring thường dùng từ bhut, còn người Ve ở Dacpree thì dùng từ dar. Làng của người Ve thường được xây dựng ở những địa điểm thoáng mát, đặc biệt là phải gần nguồn nước. Địa điểm dựng làng được chọn ở địa thế cao hay thấp, trên đồi hay bên sườn núi là do đặc điểm và thế mạnh về nghề nghiệp của từng làng. Ví dụ, ở Dacpring, các làng Dac Bloong pen Jool, Dac Bloong Bút Zriêng chuyên dựng làng ở đồi núi cao, ở những rừng lau lách, dân của các làng này giỏi về nghề săn bắt thú rừng. Ngược lại, làng Dacpree thường dựng làng ở các triền núi ven sông, dân làng này giỏi về nghề đánh bắt cá.

Cấu trúc làng của người Ve ở huyện Nam Giang có những chuẩn mực nhất định. Ơớng (tức nhà làng) bao giờ cũng được dựng ở ngoài đầu làng, vì theo quan niệm của đồng bào, Ơớng được dựng ở vị thế đó vừa tiện cho khách đến vừa để đề phòng kẻ xấu đến phá hoại làng mình. Cách Ơớng khoảng 10 mét là nhà của chủ làng, đứng án ngữ trên con đường cái dẫn vào làng, là biểu hiện uy quyền và sự giàu có, hưng thịnh của cả làng. Sau lưng nhà chủ làng là nhà cửa của dân làng. Riêng con mồ côi thường phải làm nhà ở cuối làng.

Thông thường mỗi nhà của người Ve ở huyện Nam Giang có từ 3 đến 4 bếp, cá biệt có nhà đến 8 bếp. Những người có cùng một ông nội thì thường ở chung trong một nhà. Cứ mỗi cặp vợ chồng là một bếp. Nếu vì trường hợp nào đó phải ra ở riêng thì theo phong tục, nhà chú nhà bác phải làm gần nhau, cách nhau không quá 5-20 mét. Nhà của người Ve ở huyện Nam Giang là nhà sàn, thường lợp bằng tre nứa, bao giờ mặt tiền (mặt diện) cũng quay về hướng đông, mặt sau quay về hướng tây. Các cây làm đà, làm lồng đông, bao giờ đầu gốc cũng quay về hướng đông và đầu ngọn quay về hướng tây. Mỗi nhà có hai cửa lớn. Cửa phía đông là cửa chính dành cho phụ nữ và khách đến thăm gia đình ra vào. Cửa phía tây dành cho các thành viên nam trong gia đình. Bếp đầu tiên từ cửa chính vào là bếp của ông bà nội, nơi đây để hủ gạo chung cho gia đình lớn. Đối diện với bếp của ông bà nội là bếp của vợ chồng con trai và con dâu trưởng. Tiếp đến là các bếp của vợ chồng các con trai thứ và con trai út. Bà nội là người nấu nồi cơm chung cho cả gia đình lớn, riêng thức ăn thì các bếp tự lo liệu. Ở giữa nhà có một ché nước. Hằng ngày các con dâu, con gái cõng nước về đổ vào đó để cả gia đình lớn dùng chung.

Xưa kia, đàn ông Ve đóng khố, choàng mền, đàn bà mặc xà lùng dài từ chân lên ngực và choàng một tấm mền ngắn nửa lưng. Sự phân hoá xã hội ở vùng người Ve huyện Nam Giang chưa diễn ra sâu sắc, tính chất bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động, trong hôn nhân và gia đình biểu hiện khá rõ. Người Ve theo chế độ song hệ (hay lưỡng hệ), con trai lấy theo họ cha, con gái lấy theo họ mẹ. Người Ve quan niệm rằng, không có con trai thì mất họ cha, không có con gái thì mất họ mẹ. Do đó, đối với người Ve con trai hay con gái đều quí.

Người con trai Ve ra ngủ ở các bếp phía tây nhà làng từ thuở bé. Đến tuổi biết yêu mới qua ngủ ở bếp giữa. Con gái Ve, ở vào độ tuổi “cài trâm” cũng ra ngủ ở nhà làng, ở các bếp phía đông. Tại nhà làng, người con trai tối tối qua bếp của các bạn gái, nằm chung chuyện trò với người con gái mình yêu cho đến tảng sáng mới về lại bếp của mình. Lúc cả hai chấp thuận đến với nhau thì nhà trai cậy mai tới nhà gái. Nếu nhà gái chấp nhận thì nhà trai sẽ mời nhà gái đến thăm nhà mình vào một buổi tối theo sự thoả thuận của đôi bên. Nhà trai sẽ làm một con gà và đem ra một vò rượu nhỏ để hai bên làm lễ Ka để trăng, nói chuyện về việc xây dựng gia đình cho đôi trẻ. Kể từ lễ Ka để trăng đôi năm nữ coi như thành vợ thành chồng. Bắt đầu từ ngày hôm sau, người con trai qua ăn cơm bên nhà vợ, cô con gái qua ăn cơm bên nhà chồng, ngày hai bữa cho đến khi cưới. Từ đây, đôi trai gái này không ra ngủ ngoài nhà làng nữa, nhưng theo luật tục, họ chưa được ngủ chung với nhau.

Sau lễ Ka để trăng, chừng 5 tháng đến 1 năm, đôi nam nữ được làm lễ Bế chia, tức lễ cưới lần thứ nhất. Lễ Bế chia được tổ chức trong hai ngày, ngày thứ nhất ở nhà trai, ngày thứ hai ở nhà gái. Trong hai ngày lễ, chủ nhà và khách dự đám cưới đều tuân thủ tục quán del dac par ha đêng (ném nước, cơm nia). Phong tục này qui định, trong lễ Bế chia, thức ăn phải được dọn trong nia, trước khi ăn, cả chủ lẫn khách đều nhúng tay vào một ống nước. Theo quan niệm của người Ve, đám vưới mà không có cái nia thì không ra đám cưới. Cũng xin nói thêm rằng, trước khi vào nhà làng để dự lễ Bế chia, họ hàng, khách khứa đều phải dậm chân vào một cái khay đựng máu heo, nhằm bỏ cữ kiêng và hứa không gây trở ngại cho buổi lễ. Từ sau lễ Bế chia, đôi vợ chồng được quyền ngủ chung, nhưng chưa được có con.

Một năm sau lễ Bế chia, đôi vợ chồng được hai bên gia đình tổ chức lễ cưới lần thứ hai. Ở lễ cưới lần này, người con trai trao hết đồ trang sức của mình cho nhà gái, vì theo tục quán, người con trai Ve khi đã lập gia đình thì không được trang sức nữa. Anh ta đã bước từ Hơ nih (thanh niên) sang Hơ bắp (làm cha). Cũng từ lễ cưới lần thứ hai, cô dâu về ở hẳn bên nhà cha mẹ chồng. Cặp vợ chồng từ đây được quyền sinh con, đẻ cái và nếu sinh con trai, đứa bé lấy theo họ cha. Nếu sinh con gái, đứa bé lấy theo họ mẹ.

Người Ve ở huyện Nam Giang, về phía nam giới có một số họ như Choong xuyên, Choong xuyên Lâng, Choong xuyên Van, Choong Unh, Choong Brol, Choong Tôn, Choong Zé, Choong plông. Về phía nữ có các họ như Plêi poóc, Lếp piêr, Rủah… Tên gọi đầy đủ của một người Ve gồm: Giới  – Họ – Tên. Ví dụ, một người có tên đầy đủ là Côn Choong Xuyên Ngâu thì Côn = Nam, Choong Xuyên = họ, Ngâu = tên. Một người có tên đầy đủ là H’nêi Plêi Poóc Thêm thì H’nêi = nữ, plêi poóc = họ, Thêm = tên. Tuy nhiên, càng về sau này, từ chỉ giới (nam, nữ; giống đực, giống cái) thường được lược bỏ, chỉ còn họ và tên. Tình trạng này gây rắc rối khi phân biệt nam, nữ- nhất là đối với  nữ giới–  trong thủ tục giấy tờ hành chính. Vì vậy, để phân biệt giới và do ảnh hướng về cách đặt tên của người Kinh, nên có một số phụ nữ người Ve đã thêm chữ “Thị” để làm tên lót giữa họ và tên của mình. Ví dụ: Kring Thêm = Kring Thị Thêm. 

Cũng như các tộc người và nhóm tộc người cận cư anh em, người Ve ở huyện Nam Giang còn giữ được nhiều phong tục tập quán và lễ hội truyền thống của mình như lễ hội đâm trâu, lễ ăn cơm lúa mới… Nhưng từ những năm 1940 về trước, lễ hội lớn nhất, quan trọng hơn cả tết cổ truyền của người Ve ở huyện Nam Giang là lễ hội cưa răng – hay nói chính xác hơn là lễ hội cà răng. Lễ này được tổ chức 3 năm một lần. Các thanh niên nam nữ Ve ngày trước nếu chưa cà răng thì chưa được quyền lập gia đình.

Người Ve ở huyện Nam Giang có một nguồn truyện cổ khá phong phú và có những làn điệu dân ca độc đáo như hát ru con, hát lý… Trong tình yêu, người con trai Ve hay tỏ lòng mình với bạn gái bằng tiếng khèn. Ngược lại, người con gái Ve tỏ tình bằng lời hát. Tiếng hát tình yêu của thiếu nữ Ve trong trẻo, rạo rực, tự tin:

Em bổ cây giẻ liên này

Em bổ cho chàng A Moó

Em bổ cây giẻ lo này

Em bổ cho chàng Ơ Mẩu

Nhưng, trong tiếng hát của thiếu nữ Ve nhiều khi cũng có nỗi đau cháy lòng vì tình duyên cách trở, yêu nhau mà không thể đến với nhau:

Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi, anh đã về bên kia con suối Tuk

Chảy nước mắt em nhiều lắm ơi anh ơi, anh đã về bên kia con sông Pring.

Anh ơi anh, em nhớ anh không lúc nào nguôi.

                                              Viết ngày 19-11-1994

 

                                                                                                                                               

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Dân tộc học: Các dân tộc ở Việt Nam, 4 tập (do PGS, TS Vương Xuân Tình làm chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, 2015-2018, 2020.
  2. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Giằng: Những sự kiện lịch sử huyện Giằng 1885 – 1975 (do Bùi Xuân biên soạn), NXB Đà Nẵng, 1990.
  3. Các tài liệu điền dã của tác giả.

[1] Địa bàn sinh sống của người Ve khá rộng: ở Kon Tum, Quảng Nam và Lào. Bài viết này chúng tôi chỉ đi sâu vào trình bày người Ve ở Quảng Nam theo những tài liệu điền dã dân tộc học do chúng tôi thực hiện tại huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam vào 2 năm 1989 – 1990.

[2] Có ý kiến cho rằng vùng núi Quảng Nam và Đà Nẵng mà cụ thể là từ sống núi Bạch Mã cho đến sống núi Ngọc Linh là vùng đệm (hay là vùng chuyển tiếp) giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, còn Trường Sơn Nam bắt đầu từ sống núi Ngọc Linh (Kon Tum – Quảng Ngãi ) trở vào đến miền Đông Nam Bộ. Theo chúng tôi, cả về cả địa lý và địa chất, Đà Nẵng và Quảng Nam có rất nhiều yếu tố giao thoa giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam nhưng yếu tố Nam Trường Sơn rõ rệt hơn, đặc biệt là về khí hậu, thời tiết; vì vậy, việc lấy dãy núi Bạch Mã làm đường ranh phân chia Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam là hợp lý nhất, không tách riêng, phân thành một vùng đệm Quảng Nam và Đà Nẵng độc lập với Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.