Biểu tượng tính thiêng trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu (Phần 2)
5. Đầu trâu
Đầu trâu là biểu tượng của tính thiêng, không chỉ trong lễ đâm trâu mà cả trong trang trí trên nóc gươl, trong gươl, tại nhà mồ, đầu trâu có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người Cơ Tu.
Máu bôi lên cây ,x’nur |
Khi trâu ngả, đầu trâu (cả sừng) được cắt ra đặt nơi gốc x’nur để báo với dàng rằng trâu hiến tế đã ngả, và đây chính là lễ phẩm dâng lên dàng, mong dàng chấp thuận. Kèm với đầu trâu là máu trâu được bôi lên phần gốc x’nur, hiến tế lên dàng. Biểu tượng của tính thiêng đó, người Cơ Tu nhìn nhận trong tổng thể một cuộc đâm trâu với nhiều lớp nghĩa từ các vật thiêng. Họ có thể tìm kiếm ở đó nhiều lời giải đáp cho một hiện tượng trong cuộc sống thường ngày. Nhưng tựu trung là tìm kiếm sự may mắn cho cộng đồng, cho gia đình và cá nhân họ không bệnh tật, chết chóc và đói khổ.
Trong lễ hội đâm trâu diễn ra các thành tố nghi lễ mừng lúa mới (cha ha roo tơ mê ê), một lễ lớn nhất trong năm, lễ cúng hồn lúa được mùa (bhuôih a ví), hoặc mừng gươl mới, mừng lập làng mới và từ sau năm 1950 thêm lễ kết nghĩa anh em giữa các làng Cơ Tu. Đây là lễ hội mang ý nghĩa đem lại tính cố kết cộng đồng làng được xem trọng, các làng kết nghĩa không còn thù hận nhau như trước đây trong tục nợ đầu lấy máu tế dàng.
6. Các con vật thiêng
+ Chim tr’iing (toucan).
Hai cặp chim tr’iing (Ảnh: Dân Việt, 21/4/2014)
Biểu tượng chim tr’iing trên hai đầu nóc gươl (đh’rượp tr’văng) – nhà cộng đồng, nhà chung – hay trên hai đầu nóc nhà ở của người Cơ Tu – là biểu tượng thể hiện cho mối liên hệ giữa Trời – Đất. Chim cũng được hiểu theo nghĩa trong tiếng Hy Lạp là thông điệp của Trời và từ Trời. Các bậc dàng/ thần linh thường biến thành chim làm nổi lên tính tinh nhẹ của chim. Đấy cũng được hiểu là sự nhẹ nhàng chao lượn của các dàng/ thần mà người Cơ Tu thờ cúng. Sự nhẹ nhàng cũng được hiểu theo nghĩa là cần trút bỏ những gì nặng nhọc để tìm đến những gì nhẹ nhàng trong cuộc sống nhiều lo toan tất bật để mưu sinh, tìm đến sự hạnh phúc, bình an ở cõi trần.
Các hình tượng về thầy cúng của Cơ Tu hay hình tượng các vũ nữ múa da dắ được biểu trưng bằng hai cánh tay gắn trên cây cột x’nur hay cây cột cái giữa gươl nhằm biểu hiện điều mà người Cơ Tu bay lên, gởi lên Trời những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh làm cho nhẹ nhàng cuộc sống trần gian. Theo đó, biểu tượng chim tr’iing là hình ảnh linh hồn thoát xác, hoặc biểu hiện trí tuệ của tộc người thuần túy đó là tìm đến cái nhẹ nhàng. Một số biểu tượng chim tr’iing thường gặp được khắc chạm, cài đặt hoa văn hình dáng lá cây hoa a tút (hoa móc) hay cái hoa hình chong chóng của nó trên x’nur, trên cột r’măng giữa gươl đều được hiểu là thể hiện chức năng biểu đạt thuần túy cái nhẹ nhàng. Đấy là thể hiện tinh thần lúc thăng hoa.
Biểu tượng chim, trong đó có loài chim tr’iing thể hiện biểu trưng của văn hóa phồn thực. Đây là dạng thuần khiết trong biểu tượng tinh thần của tộc người Cơ Tu về sự sinh sôi nảy nở. Chim tr’iing còn là biểu tượng luôn đối lập với loài rắn. Thế nên có thể tìm gặp chim tr’iing bắt rắn làm mồi, hoặc đấu tranh sinh tồn với loài rắn độc. Hai biểu tượng này được đồng thời khắc chạm, thể hiện trong một không gian văn hóa. Đó là gươl, nơi mà ở đó người Cơ Tu kính cẩn mời các dàng, tổ tiên về ngự tọa.
Dưới góc nhìn người Cơ Tu, chim tr’iing được bố trí trên hai nóc gươl, trước hết là thể hiện tinh thần về tính thiêng của loài chim này, đấy là sự thanh cao, nhẹ nhàng, mang nhiều niềm vui, hạnh phúc đến với con người. Mặt khác là yếu tố thẩm mỹ được cài đặt nơi đh’rượp tr’văng làm tăng vẻ đẹp cho gươl, cho nhà; đồng thời bởi vì chim tr’iing là sứ giả của sự thăng hoa trong lao động làm ra hạt lúa, nên chim được xem là điềm lành. Thông qua biểu tượng chim tr’iing, thần lúa truyền đạt những thông điệp an lành hay nguy cơ trong việc làm ra hạt lúa của người Cơ Tu.
+ Gà trống
Con gà trống được biết đến và hiểu như thể biểu tượng của sự kiêu căng. Hãy nhìn dáng đi của gà trống cũng hình dung ra cái sự kiêu căng ấy trên toàn thể hình của gà. Từ hình ảnh biểu trưng của con gà trống (gơng atưch) và người Gaulois và một số nghệ thuật tạo hình thời La Mã cho thấy gà trống là biểu tượng, tượng trưng của mặt trời, bởi tiếng gáy của nó lúc bình minh báo hiệu đêm tối lui dần và ngày rạng rỡ ban mai khi mặt trời sắp mọc. Tiếng gáy của nó đánh thức bình minh. Và do đó ta gặp con gà trống trên cây x’nur của người Cơ Tu hay trên nóc gươl hoặc đâu đó trên các bức gỗ chạm khắc hình ảnh con gà tạo nên một “phù điêu” trang trí chung quanh gươl, thể hiện thế giới quan sinh động của tộc người Cơ Tu về hình ảnh của mặt trời – hiện thân của năng lượng mặt trời cần thiết cho sự sống. Đa nghĩa hơn, có thể tìm thấy hình ảnh của dàng tối cao – dàng Trời là một trong ba chiều kích thể hiện thế giới quan của tộc người.
Tiếng gáy của nó làm thức tĩnh, được cho gắn với tiếng hát ca, reo vui của các dàng, làm cho dàng Trời phải rời khỏi cõi Trời để đến với tộc người trong các lần lễ tế diễn ra, trong đó quan trọng hơn cả là lễ đâm trâu của họ. Từ đó, có thể hiểu sự phát lộ ánh sáng mặt trời trong lúc mặt trời xuất hiện soi sáng trái đất – trần gian – con người nhờ đó có sự đón nhận ánh sáng để thăng hoa sáng tạo. Chính đó, ta tìm gặp biểu tượng con gà trống được chạm trổ và tô vẽ rất đẹp dưới bàn tay của các nghệ nhân dân gian Cơ Tu, tạo dựng hình ảnh con gà trống với dáng vẻ hiên ngang, cứng cỏi. Bởi thế, người Cơ Tu nhìn thấy ở gà trống điềm lành, theo đó máu gà hay chân gà thường dùng để tế các dàng, xem vật đoán việc theo kiểu coi giò gà. (Giò gà là hình ảnh trong thuật bói toán của người Kinh). Gà báo hiệu ngày mới, nó luôn chống lại cái không tốt của đêm đen. Đặt con gà trống vào điểm tacoai trên nóc gươl được cho là gà sẽ xua đi ô uế, sự mờ ám, những điều đen tối ra khỏi làng, khỏi nhà, ra khỏi cộng đồng làng.
Trong đời sống thường ngày, gà trống là biểu tượng của giải quyết những bất đồng giữa cá nhân hoặc cộng đồng. Người Cơ Tu xưa kia tin rằng để hòa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống, chủ làng chủ trì việc chặt đầu gà trống để phân biệt đúng sai. Luộc con gà trống cúng dàng, xong đem ra chặt đầu gà, đầu gà rơi về phía bên nào, bên đó đúng. Gà trống còn đi vào đại lễ, như lễ cưới, nhà gái mang đến nhà trai không thể thiếu con gà trống tơ, luộc chín. Thầy cúng xem đầu gà (a cọ) có hay không có lỗ thông. Nếu lỗ thông mà lớn, việc hôn nhân có nhiều hạnh phúc và ngược lại. Nếu không lỗ thông nơi hai bên đầu và hốc mắt, nhà trai hủy việc cưới, cho rằng vợ chồng không tâm đầu ý hợp. [1]. Và đồng thời cũng em chân gà (thung atưch) tốt hay không tốt để phán đoán việc cưới theo phương thức “xem vật đoán việc”, giống cách bói giò gà của người Kinh.
Theo đó, có thể thấy biểu tượng gà trống đi vào đời sống tín ngưỡng của người Cơ Tu quan trọng thế nào, nên họ tạc tượng để thể hiện niềm tin vào Trời – Đất và các đấng dàng linh thiêng ứng nhập vào gà để họ hóa giải những khó khăn thường gặp trong cuộc sống của các thành viên và cả cho làng.
Điêu khắc gỗ Cơ Tu (Ảnh S.t)
7. Cây mía trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu
Trong không gian thiêng của những lần tế dàng vào lễ đâm trâu mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em, lễ mừng gươl hay mừng nhà mới, người Cơ Tu trong tâm thức luôn hướng về dàng với hệ thống thần linh được thờ cúng tại gươl.
Trong thực hiện nghi lễ, múa tâng tung da dắ đã trở thành múa nghi lễ cúng dàng. Đội hình múa có dụng cụ bổ trợ gồm trống ca thu, trống chơ gơ,[2] cồng chiêng, cái khiên, giáo, lao, dụ, thanh kiếm, biểu tượng không gian thiêng như một cây rừng nên không thiếu cây mía được chọn lấy nguyên cây cả rễ, thân và lá, và cây rung rang được thể hiện như bái vật biểu đạt sự giao tiếp với dàng/ thần linh.
Tục cây mía trong tín ngưỡng dân gian người Cơ Tu dâng lên dàng là biểu tượng đặc trưng của cư dân trồng lúa khu vực Đông Nam Á.[3] Tín ngưỡng thờ cây mía gắn liền với văn hóa nông nghiệp.
Người Cơ Tu trong lễ hội đâm trâu chọn cây mía lớn, nhiều lóng (đốt), có đủ lá và cả rễ. Nghĩa là có đủ nguyên cây và không có sâu đục phá. Cây mía trong tín ngưỡng Cơ Tu cũng như các tộc người khu vực văn hóa nông nghiệp là biểu hiện sự kết nối. Kết nối được hiểu cả ba tầng: phần tán, thân và gốc rễ. Đây là biểu trưng của sự kết nối liên thông, giao hòa giữa Trời – Đất và – Dưới đất, kết nối và làm xích lại gần hơn ba tầng vũ trụ theo quan niệm vũ trụ quan của tộc người Cơ Tu miền tây đất Quảng. Tán lá là biểu trưng của mây trời, gốc rễ biểu trưng cho đất và nước, thân mía biểu trưng cho sự liên thông giữa ba tầng Trời – Đất (Người) và Dưới đất (cội nguồn gốc rễ). Những lóng mía như những bậc thang liên kết và hướng dần lên với mây trời, để ở đó con người đón nhận ánh sáng, trời mây và năng lượng vũ trụ từ sự ban phát của dàng. Và tán cây mía là biểu trưng đón nhận linh hồn dàng tối cao, linh hồn tổ tiên về chung vui cùng con người vào những ngày dân làng mở hội ăn mừng lúa mới, mừng một năm được mùa no đủ, dân trong làng không đau ốm, không có người chết xấu, …
Sau những ngày lễ hội tưng bừng, cây mía bấy giờ là biểu trưng cho chiếc đòn gánh, gánh những thành quả con người dân cúng lên dàng, và tổ tiên trở về cõi tiên với những món quà con cháu dâng lên. Và dọc đường về với Trời không ít những ma xấu theo phá hoại, giành giật, cây mía là vũ khí chống trả. Cây mía còn là con đò qua sông mỗi khi gặp phải sông sâu, ghềnh thác.
Cây mía có vị ngọt, là niềm tin, là ước vọng cuộc sống sinh sôi nảy nở. Vị ngọt cuộc sống được liên tưởng đến mía, theo đó, cây mía trong lễ hội đâm trâu là thành tố ngọt ngào đem lại hương vị thanh tao, nguồn sống dồi dào và năng lượng được nhân lên để người Cơ Tu trụ bám núi rừng Trường Sơn tồn tại và phát triển.
Cây tập hợp thành rừng, thực vật là biểu tượng phong phú và phổ biến, là vũ trụ sinh sôi trong tái sinh liên tục. Theo đó, cây mía là biểu trưng về một bản thể của tự nhiên, vượt lên, đây chính là bản thể của sự thăng hoa, dâng hiến, chính bản thể đó là đối tượng mà người Cơ Tu hay cư dân khu vực văn minh nông nghiệp thờ cúng. Từ chỗ đó, ta thấy người Cơ Tu tiến hành múa nghi lễ có một thanh niên cường tráng nắm cây mía và múa theo nhịp điệu chiêng rung, trống điểm. Thế nên gọi múa tâng tung da dắ là điệu múa “dâng trời” đúng với ý nghĩa và bản chất của múa. Bởi xưa kia, trên hai tay người phụ nữ múa da dắ, có đặt chiếc lá mà trên đó là thịt, xôi, cơm, … dâng Trời. Cây nói chung và cây mía nói riêng trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu là biểu tượng của sự sống, sự vươn lên trên nữa về phía Trời. Cây mía theo chiều thẳng đứng, nhưng đồng thời cây mía cũng là hình ảnh biểu trưng cho sự chết và sự tái sinh. (Cây mía dễ trồng và dễ tái sinh). Mặt khác trong quan niệm của cư dân nông nghiệp, cây nói chung là sự tuần hoàn như một sinh vật, có tiếp nhận và có thải hồi, có rụng lá ra hoa rồi nẩy lá, đâm chồi. Cây mía là tượng trưng cho ba cấp bậc theo quan niệm của người Cơ Tu về vũ trụ: không gian trên cao đó là Trời – Thân mía với những lá non nhô lên để rồi vươn lên tầng cao mới, nơi những chiếc lá non lấy ánh sáng mặt trời, đấy là nơi Đất ở – và tầng Dưới đất là cội rễ, cắm sâu và giấu mình. Trên rừng núi Trường Sơn, dưới tán cây chim muông bay nhảy, các loại côn trùng bò sát cuộn mình trong bộ rễ của cây. Cây mía hay cây nói chung là sự tập hợp các thành tố: nước lưu thông, tuần hoàn, đất hòa nhập với thân qua bộ rễ cắm sâu vào lòng đất ẩn mình còn không gian trời mây nuôi dưỡng lá.
Như thế, theo quan niệm Trời – Đất – Dưới đất, cây mía của người Cơ Tu trong lễ hội đâm trâu là biểu trưng cho mối quan hệ đã được thiết lập giữa Đất – Trời như con người thiết lập quan hệ với dàng và với tổ tiên.
Biểu tượng cây mía trong lễ hội đâm trâu (Ảnh: Internet)
8. Hòn đá trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu
Đá trước hết gắn với đời sống, con người sử dụng đá đầu tiên làm công cụ lao động, tác động vào môi trường sống tự nhiên, đá tạo ra lửa phân cách con người ra khỏi thời mông muội. “Đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá và chết có khi cũng nằm trong đá” [4]. Quan niệm đó được huyền thoại hóa thành những câu chuyện ở nhiều dân tộc. “Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối liên quan chặt chẽ. Theo huyền thoại về Promete, ông tổ loài người, có các loại đá vẫn giữ được hơi người.” [5] Như thế, đá có mối quan hệ gắn liền với nơi cư trú của các dân tộc và là dạng kết tinh, đóng vai trò quan trọng trong mối liên hệ giữa Trời – Đất – Dưới đất. Người Cơ Tu xem đá là vật thiêng được thờ cúng tại gươl, nơi đó là chốn ngự tọa của các dàng/ thần bảo vệ tộc người, đá ngăn chặn những điều xấu có thể làm hại con người. Khi phát hiện được hòn đá có hình thù đẹp, kỳ lạ,… Người Cơ Tu thường nhặt về nhà, tối liền đó nằm mơ thể hiện lành hay dữ. Nếu trong giấc mơ thể hiện nhiều điều dữ, họ vất đi, ngược lại họ giải cấu trúc giấc mơ nếu có nhiều điểm lành, họ cắt cổ gà lấy máu cúng bôi vào đá đó, cầu mong dàng đá phù hộ gia đình gặp điều tốt lành trong cuộc sống hằng ngày (họ cho rằng, trong đá có dàng tốt ngự tọa, thương mình, gia đình mình nên mới cho mình thấy được hòn đá). Nếu đối xử tốt và đúng cách với đá, sẽ cho gia đình nhiều thứ tốt đẹp. Và ngược lại.
Loại đá như thế Cơ Tu gọi là “zơ riêl”. Zơ riêl đá cùng với một số zơ riêl khác của gia đình được cho vào một giỏ cất kỹ trong kho lương thực, đá sẽ giúp gia đình sử dụng lương thực mãi mà lương thực vẫn còn nhiều trong kho. (họ tin thế – trường hợp này Cơ Tu gọi là chặ). Bởi họ cho đây là một thứ bảo vật rất quý do dàng cho, nên mỗi khi gia đình có tổ chức cúng gì luôn không quên bôi máu cúng vào các loại zởiêêl này của gia đình, nếu không sẽ mất tác dụng, gây nên đói khát, ốm đau, chết chóc,…nhất là lần cất đặt lúa mới vào kho.
Trong những lần cúng, người Cơ Tu không quên nói: “Ma mung mơ xêế tâm đom đhâl, mơ đhâl xiêng a liêng plêêng”. Có nghĩa là: “Mong Dàng phù hộ cho mình, gia đình mình sống cho tới khi sông suối cạn không còn nước, đá chín bỡ, cho bằng tuổi đá trắng (lọai đá trắng rất cứng), tuổi lõi trời xanh”.
Trong trường hợp gặp phải ai đó vu khống mình gây ra điều sai trái, nếu đúng không phải do mình gây nên, người bị vu oan sẵn sàng thề hứa mang tính nguyễn rủa bản thân mình, gia đình mình trước dàng rằng: “Nếu việc đó chúng tôi gây ra, dàng cứ thẳng tay giết chết tôi và cha mẹ tôi. Nếu không phải tôi gây ra, dàng hãy thẳng tay giết chết thằng nào, cha mẹ người nào vu khống oan cho tôi”. Câu thề nói bằng tiếng Cơ Tu, như sau: “Mung mế ma mơ xêế tâm, đâm đhâl, mơ đhâl xiêng a liêng plêêm. Ơy a lua a cu, a cu lâng ca conh, ca căn cu chêêt. Ơy căh a lua a cu, a đo ơng tơơng a cu chêêt”.
Trong cuộc sống, người Cơ Tu tin tuyệt đối những điều xấu không phải họ gây ra, họ tin rằng bên vu oan sẽ bị dàng gây nên chết chóc. Đây là lời thề nguyền. Người Cơ Tu ít thể hiện lời nguyền trong cuộc sống. Nhưng một khi họ đưa ra lời nguyền, họ tin tuyệt đối vào đó.
Bình thường, hằng ngày nếu ai đó phát hiện hòn đá có số lượng, dáng hình, màu sắc khác thường,… họ cho rằng hòn đá đó đã có dàng trú ngụ, cai quản. Người không nên gần tới đó quấy rày dưới mọi hình thức. Nếu vì một lý do nào đó, làm phiền hà đến đá, thì người đó và gia đình họ phải mang lợn trắng, chó trắng, gà trắng,… đến cúng dàng đá đó để được dàng tha cho. Nếu không thực hiện việc cúng dàng, bản thân họ và ai đó trong gia đình họ sẽ bị đá gây nên chết chóc.
Đá thiêng như thế, tại xã Lăng, người Cơ Tu phát hiện một số loại, sau:
Đá Ta gun, hình trâu nằm ở dãy núi Ta gun.
Đá Đhiêr, giống như hình người mẹ ngồi giữa, các con ngồi chung quanh.
Đá Bhoc, tương đối to, màu trắng có tại dãy núi Aciêl.
Đá Khôông, to, nằm giữa dòng sông Lăng, đoạn khu vực thôn A Jum B, xã Zuôih, huyện Nam Giang.
Đấy được cho là những hòn (nhóm) đá thiêng. Chuyện xưa kể rằng: “Ngày xưa có một người trong làng, sống trên ngọn nguồn sông Lăng (thuộc xã Lăng). Vào một đêm, người này nằm mơ thấy dàng nói rằng: Dân làng hãy khiêng tảng đá màu đỏ to kia xuống để tại ngã ba giữa sông Bung và sông Lăng, trong thời gian một đêm, dân làng yêu cầu gì tôi sẽ giúp nẫy. Nghe vậy, dân làng rất mừng, sáng sớm, sau khi cơm nước xong tổ chức khiêng tảng đá to lớn kia. Khiêng mãi, khiêng miết đá quá nặng, đường đi lại quá khó và xa, họ dừng chân nghỉ lấy sức để tảng đá giữa dòng sông Lăng. Nghỉ lấy sức chẳng được bao lâu thì trời hửng sáng, dân làng buồn bã, đành trở về làng của mình. Tảng đá từ đó nằm mãi tại giữa dòng sông Lăng”. Theo lời kể trong dân gian, rằng: “Tại tảng đá đó, xưa nay người ta vẫn thường lui tới tắm và ngồi chơi trên tảng đá này. Nhưng từ khi có hai người nam và nữ đi bắt cá, xảy ra quan hệ bất chính trên tảng đá đó, trở về làng, cả hai đều chết. Từ đó, dân làng cho rằng do dàng đá đó này thấy đau đớn mà thẳng tay trừng trị hai người. Từ đó, mọi người không ai dám đến tảng đá đỏ kia bắt cá, tắm, đùa vui gần tảng đá nữa.”[6]
Đá là vật thiêng (thường là hòn đá, có khi là cụm đá), người Cơ Tu cất đặt trong gươl, xem như một loại bùa hộ mạng dân làng, tộc họ và mỗi người. Huyền thoại Cơ Tu được nhắc đến trong truyện cổ “Tầm Mò Zòi” với nhân vật cùng tên, được xem là thần khổng lồ ẩn thân trong một tảng đá lớn. Tầm Mò Zòi đã cứu giúp dân làng thoát cảnh bị cướp bóc. Thần còn trị nhưng kẻ ác, gây hại cho người khác. Hay truyện kể Sự tích dinh Bà cho thấy “đá là nơi trú ngụ của linh hồn và đá còn có thể là nơi trong thực tế, thân xác con người sống trong đá và chết có khi cũng nằm trong đá.” Kể rằng: “Ngày xưa, ở vùng rừng núi Giằng có một làng người Cơ Tu sinh sống. Trong làng, có một người đàn bà sinh được một đứa con trai. Khi bà ra rừng sinh đẻ, người chồng đi vắng tận một làng rất xa, không về kịp. Lúc đứa bé ra đời, bà vẫn khoẻ mạnh. Bà ăn vẫn bình thường, nhưng có điều lạ, là uống bao nhiêu nước cũng thấy khát. Hết bầu nọ tới bầu kia, bà cứ uống mãi. Dân làng mang bao nhiêu nước cho bà, vẫn không đủ.
Một đêm, vào lúc khuya về sáng, trong nhà cạn không một giọt nước. Khát quá, không chịu nổi, bà bồng con xuống sông uống nước. Từ nửa đêm cho tới tận sáng, bà cứ cúi mặt xuống sông uống mãi, uống mãi. Rồi bà chết ngay bên bờ sông tay vẫn ôm chặt đứa con. Khi dân làng ra bờ sông, thì xác hai mẹ con bà khát nước kia đã hoá thành đá. Người chồng trở về. Cách làng một đỗi xa, ông đã nghe tin vợ con chết. Vừa giận cho số phận, vừa thương vợ con, ông ta dẫm nát cái bè gỗ đang đi, và cái bè từ từ chìm sâu xuống nước, mang theo cả người chồng bất hạnh.
Ít lâu sau, cả người và bè biển thành một khối đá lớn, trồi lên ngay giữa dòng sông. Dòng nước chảy qua tảng đá, phát thành tiếng vang động cả khúc sông. Vào những ngày mưa gió, dân làng ở cách xa dòng sông nghe tiếng nước réo, bảo đó là tiếng của người chồng khóc thương vợ con.Về sau, dân chúng gọi tảng đá kia là đá ông Ồ Ồ. Còn hình mẹ con người đàn bà chết hoá đá, có hai chiếc vú đá, thì chỉ còn một chiếc chảy nước. Có người bảo là chiếc vú kia bị người đời sờ vào nên đã tắt đi dòng sữa. Những người Kinh và Thượng đi qua khúc sông ấy đã lấy đá xây nên một cái miếu thờ, thường đốt đèn nhang cầu cho qua lại trên sông nước được bình yên.”
Trước kia, khi chưa tìm ra được các loại công cụ lao động như hiện nay, người Cơ Tu sử dụng đá như là công cụ, bởi đá rắn chắt. Do đá cứng rắn, con người có thể dựa vào đó thể hiện tính cứng rắn của mình trên vùng rừng núi. (Xưa kia người Cơ Tu rất cứng rắn trong các mối quan hệ bên ngoài làng). Đây là đặc trưng xã hội nông nghiệp vì đá như thế nên xem là có dàng ngự tọa trong đá. Đá còn là biểu tượng hai mặt tinh thần và vật chất, trong đó tinh thần chính là phần hồn biểu trưng cho đời sống tinh thần người Cơ Tu, đây là điều vĩnh hằng luôn tồn tại. Và từ đó, yếu tố ma thuật được sử dụng để các hòn đá thờ tại gươl luôn có linh hồn, trừ khử những điều không tốt ám hại tổ tiên họ và cộng đồng làng. Và từ đá, là vật thiêng nên có năng lực thông liên giữa Người – Trời – Đất tạo nên mối giao cảm trong những lần ăn mừng lúa mới, mừng sau chu kỳ lao động con người được bình yên, mừng được mùa lúa bắp và nhất là không mắc phải bệnh tật, không xuất hiện những cái chết xấu ám ảnh đầy ấn tượng trong cuộc mưu sinh của họ. Đá như thế là cách biểu trưng như một loại bùa hộ mệnh.
Đá thờ tại gươl, người Cơ Tu còn thể hiện sự cầu mùa, cầu mưa nắng thuận hòa, bởi linh hồn tổ tiên đã ngự tọa trong đá, nơi đó, tổ tiên họ đã trú ngụ cả ngàn năm, đã tạo nên sức mạnh cho họ. Cho nên hòn đá được thờ cúng, giữ lấy là vật thiêng tạo ra mưa nắng, khai hóa tộc người, thăng hoa trong cuộc sống. Theo đó, đá là biểu trưng của dàng, của tổ tiên, các vị anh hùng lập làng đều ngự trị trong biểu tượng đá. Người Cơ Tu từ đó hình thành quan niệm đá cho họ sức mạnh tinh thần nên đá là đối tượng cần phải được thờ cúng trong thế giới đa thần của cư dân nông nghiệp.
9. Rung rang trong múa nghi lễ
Trong điệu múa tâng tung da dắ của người Cơ Tu vào những dịp tế lễ thần linh, trong đó quan trọng và lớn hơn cả là lễ đâm trâu ăn mừng lúa mới. Múa có cây rung rang, cùng với cây mía là biểu trưng cho sự giao lưu trời – đất – con người và tầng dưới đất. Trước đây, múa tâng tung da dắ thường chỉ để cử hành trong thực hiện các nghi lễ – nên còn gọi múa nghi lễ, tín ngưỡng – mà chưa phổ biến trong cộng đồng với tư cách là một điệu múa hội hè, vui chơi, giải trí như hiện nay. Do đó, trong múa tâng tung – da dắ, chiêng (chiing) là nhạc cụ chủ đạo. Chiing dừng, các loại nhạc cụ khác đều dừng lại. Cả tiếng hò, hú của người tham gia múa và dân làng đều ngưng hẵn.
Trong nghi lễ cúng của người Cơ Tu, điệu múa tâng tung – da dắ cùng với nịp điệu chiêng, trống, hò, hú,… luôn được tấu lên với nhịp điệu nhanh dần đều. Có điều đang hành lễ, chiêng trống, các loại nhạc cụ khác cùng với múa tâng tung dă dắ không ai được sai nhịp. Đây là việc kiêng, bởi như thế người Cơ Tu quan niệm rằng lạc điệu, sai nhịp việc cúng dàng/ thần linh sẽ không thiêng.
Thời nay, điệu múa tân tung da dắh đi vào sinh hoạt cộng đồng, từ vui chơi giải trí, hội hè đình đám dân làng và cá nhân mỗi hộ gia đình, đến nghi lễ dâng trời, múa tâng tung da dắ là một thành tố cấu thành quan trọng và không thể thiếu trong lễ hội đâm trâu (lễ ăn mừng lúa mới). Trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện lối sống văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội từng vùng, điệu múa tâng tung da dắ có sự chuyển đổi tên gọi, từ múa đâm trâu dần chuyển dịch thành múa ăn mừng lúa mới.
Múa là hình thức thể hiện nghi lễ không thể thiếu của người Cơ Tu trong lễ tế dàng/ thần linh. Múa của người Cơ Tu có hai phần: 1/ Phần múa của nam là tâng tung; 2/ Phần múa của nữ là da dắ.
Trong múa tâng tung, người đàn ông Cơ Tu đóng khố hoặc choàng tấm tút từ vai xuống lưng, đôi khi quấn thành hình chữ X trước và sau thân người. Những lễ tế dàng Trời, người múa tay trái nắm cái khiên, tay phải nắm thanh kiếm, hoặc cây giáo lưỡi cha chí. Tiến trình múa sử dụng tiếng trống cha gâr và ca thu làm nhịp. Thường là nhịp đi hùng tráng và mạnh mẽ.
Múa da dắ của nữ lung linh và luôn uyển chuyển như cây lau, cây mía giữa gió trời. Tiến trình múa chân đứng thẳng khoan thai, đôi tay đưa ngang vuông góc với cánh tay lên khỏi đầu. Bàn tay ngửa lên trời, các ngón tay hướng về phía sau. Đôi tay như chống đỡ cõi Trời, đồng thời dâng hiến lên cả bầu trời những ước vọng bình yên của con người. Đôi tay đưa lên trời như hai chiếc sừng trâu, biểu trưng của đầu trâu máng nước, biểu hiện sự hiến dâng và hiến tế của người Cơ Tu lên hệ thống dàng, và các đấng thần linh. Và vì trên hai tay người phụ nữ có đặt miếng lá dong với thịt, xôi, cơm, bánh, … khi thể hiện múa nên múa còn được gọi vũ điệu dâng Trời – điệu múa được cách điệu từ động tác dâng lễ vật lên dàng thời xưa của người Cơ Tu. Lễ vật được đặt trên tay múa da dắ là thịt, xôi, bánh, trái,… dâng mừng lên các đấng tối cao. Sự phối hợp giữa tâng tung với da dắ bằng những bước nhảy xiên, nhảy trượt ngang, nhảy xoay lật, nhảy nhún nghiêng, nhích người và quay lượn, tạo nên đường nét của múa sinh động, ngôn ngữ múa thể hiện dáng vẻ, nguyện vọng, ý chí thông qua biểu đạt bằng động tác múa, tạo nên hình tượng múa Cơ Tu thanh cao và đầy sức sống hiến dâng Trời. Theo đó, múa tâng tung da dắ trước hết là múa nghi lễ dâng Trời.
Cây rung rang được sử dụng trong nghi lễ ăn mừng lúa mới, trước hết được hiểu rung rang là biểu tượng của sức mạnh thần thánh mà con người thu nhận được. Những bái vật như rung rang trong thực hành nghi lễ có yếu tố ma thuật nhờ vào sức mạnh mà người ta tin rằng sức mạnh đó được ngự trị trong bái vật. Từ cây rung rang – xem là bái vật – được truyền năng lực từ vị thầy cúng – hoặc một người có uy tín nhất trong làng nắm giữ rung rang, giữ quyền năng của sức mạnh thần thánh của thế giới đa thần. Linh mục Cadière, người Pháp đến Việt Nam với tín ngưỡng đơn thần tìm hiểu người Cơ Tu, ông viết: ‘‘… là thờ cúng quỷ thần. Tôn giáo này không có lịch sử vì nó có ngay chính từ nguồn gốc nguyên thủy của giống nòi. Quỷ thần ở khắp mọi nơi. Chúng bay nhanh trong không trung và đến cùng với gió. Chúng tiến lên bằng đường bộ hay đi xuống theo dòng sông. Chúng trốn dưới đáy nước trong những vực nguy hiểm cũng tài giỏi như trong những ao yên tĩnh nhất… Đúng là những tín ngưỡng này cũng gặp trong những truyền thống dân gian ở tất cả các xứ và khác thường khi nghe những chuyện ma khủng khiếp.’’[7]
Và vì thờ cúng sức mạnh dàng/ thần và quỷ dữ nên người thầy cúng được cộng đồng chấp nhận thay mặt dân làng tế lễ, nêu lên nguyện vọng trước dàng/ thần linh. Họ cho rằng các vị thầy cúng (chủ lễ một hiến tế) được trao giữ năng lực siêu nhiên, nắm rung rang nhảy múa trong nghi lễ dâng trời.
Rung rang là vật truyền dẫn sức mạnh ma thuật.
Như thế rung rang có liên quan đến đời sống tâm linh của người Cơ Tu. Rung rang là phương tiện vật chất quan trọng do con người thiết lập nên trong nghi thức múa tâng tung da dắ của người Cơ Tu. Thông qua bái vật rung rang, được cho là hiện thực hóa tư duy con người mà trong quá trình thực hiện điệu múa, rung rang tác động vào giác quan con người làm cho con người tri giác được hiện tượng thần thánh, ma thuật, lý giải về nó được và suy diễn, tìm kiếm được sự bình an vĩnh hằng nằm ngoài cái rung rang trong nghi thức múa. Người Cơ Tu sử dụng rung rang trong điệu múa dâng trời, bởi rung rang đại diện cho ma thuật, là sự giao lưu Trời – Đất và Dưới đất. Đấy là sự liên tưởng ra thế giới an bình, không chết chóc mà người Cơ Tu liên hội ra từ rung rang được sử dụng phối hợp trong múa nghi lễ tâng tung da dắ (tơntúng dadăq).
Theo đó, trong tất cả những lần múa nghi lễ, múa tân tung da dắh (tơntúng dadăq) đều có biểu tượng rung rang trong vòng tròn múa. Bên cạnh còn có hệ thống nhạc lễ mà cồng chiêng là nhạc cụ quan trọng trong tiến trình thực hành nghi lễ; lại còn có múa nghi lễ hỗ trợ, lúc nhịp nhàng sâu lắng, lúc dữ dội trầm hùng, lúc cầu khẩn thiết tha để việc dâng cúng mang tính thiêng hóa như là tôn giáo tín ngưỡng.
Cây rung rang (vẽ theo hiện vật) Cây rung rang và cây mía trong tại thôn A Rất, xã Lăng, Tây Giang múa ăn mừng lúa mới
Theo các vị già làng ở Tây Giang, Đông Giang, xưa kia trên tay người phụ nữ múa da dắ có đặt chiếc lá mà trên lá là lương thực: thịt, xôi nếp, bánh, … dâng trời. Theo đó múa tâng tung da dắ còn được gọi là điệu múa dâng trời. Biểu tượng rung rang được một người đàn ông Cơ Tu mặc áo vỏ cây cầm bái vật và nhảy múa cùng với điệu múa phối hợp giữa nam tâng tung và nữ da dắ.
Chúng ta tìm gặp trong đời sống tinh thần người Cơ Tu thể hiện đời sống văn hóa của họ thông các các biểu tượng, như cây mía, hòn đá, đầu trâu, cây rau dớn, con gà trống, bái vật rung rang, thần rắn, … Ở đó, người Cơ Tu bảo tồn được tâm lý và năng lực giữ gìn đặc trưng văn hóa cùng với những nhận thức sâu xa nằm ngoài duy lý tộc người, bởi tính đa nghĩa của biểu tượng. Và vì tính đa nghĩa nên mỗi cách nhìn, cách nhận thức vào biểu trưng văn hóa của mỗi người cũng khác nhau. Những đặc trưng văn hóa đó có nguy cơ mất đi và bị loại bỏ trong tiến trình lịch sử và cập nhật, cho nên biểu tượng như là việc cố gắng thể hiện lại dấu hiệu văn hóa được thể hiện ra bên ngoài và truyền đạt lại cho người đời sau về ý nghĩa của văn hóa thông qua biểu tượng biểu trưng về các thành tố văn hóa để cấu thành sinh hoạt văn hóa tộc người Cơ Tu trong lịch sử phát triển. Ngay trong các biểu tượng, người Cơ Tu nhận thức được sự kế thừa và sáng tạo ra văn hóa dưới góc độ dân gian. Sự sáng tạo đó mang dấu ấn cá nhân, họ đã biến nội dung văn hóa người Cơ Tu được tích lũy trong cả quá trình phát triển thể hiện trong biểu tượng để rồi ngay trong các biểu tượng văn hóa ám chỉ những khởi đầu cho sự phát triển và sáng tạo của các thế hệ người Cơ Tu tiếp truyền sau. Hiện nay, những biểu tượng, tượng trưng văn hóa dân gian tộc người Cơ Tu đã có sự chuyển dịch, biến đổi và sáng tạo thêm, đủ khả năng biểu đạt nội hàm văn hóa đương đại đang từng bước tác động vào nhận thức cộng đồng làng và mỗi cá nhân trong cộng đồng đó. Điều nhận ra rằng không nên đánh đồng văn hóa dân gian Cơ Tu với các biểu tượng biểu trưng văn hóa (cũng được xem biểu tượng là một thế giới văn hóa), bởi văn hóa do con người sáng tạo ra một cách toàn diện do nhu cầu sinh tồn của mình, đồng thời tồn tại và phát triển thông qua tính sáng tạo của con người. /.
[1] Nay quan niệm thế thời nay người Cơ Tu không còn sử dụng, nhưng biểu trưng con gà trống với niềm tin của người Cơ Tu thời trước mạnh mẽ thế nào trong phương thức xem vật đoán việc.
[2] Trống thuộc bộ gõ, người Cơ Tu có ba loại trống: 1/ Trống nhỏ, đường kính 17 cm, cao 60 cm. Trống trung, đường kính 20 cm, cao 80 cm. Trống cái, đường kính 30 cm, cao 50 cm. Thân/ tang trống là khối gỗ đục rỗng. Trống cái đánh lên khi có sự việc: có mưa lũ, trâu vào làng phá hại, thú dữ vào làng gây hại, xung đột ngoài làng thâm nhập vào làng.
[3] Người Kinh cũng có tục thờ cây mía trong những ngày Tết cổ truyền.
[4] Nguyễn Việt Hùng (13 july 2010), Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-ca-nhan/1700-nguyen-viet-hungtuc-tho-da-trong-tin-nguong-dan-gian-viet-nam.html
[5] Dictionnaire des symboles (1992).
[6] Tư liệu điền dã tại xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, già làng Bh’Pố kể.
[7] Le Pichon (1938), tlđd.